Thứ Hai, 22 tháng 5, 2017

Đường phượng bay

Đường phượng bay
Hoàng Thiên Lãng Tử
ẢNH CHỤP VU LAN, NĂM 1987 
TẠI CHÙA BÁO QUỐC - HUẾ

 
Vào mùa hạ năm 2006, sau 15 năm rời xa xứ Huế, tôi có dịp trở về sống ở Huế ba tháng, ở trọ ở đỉnh đồi Châu Lâm (Dương Xuân) xanh mát. Đây là dịp cho tôi giao lưu và tiếp cận cảnh trí và con người xứ Huế sau nhiều năm xa cách.

Có rất nhiều thú vui hữu ích ở đây: thăm viếng cảnh chùa, lăng tẩm, đền đài; leo núi Bạch Mã, leo đồi thông Thiên An, leo núi Ngự Bình; đi biển Thuận An, biển Lăng Cô; thăm thú các quán cafe vườn hoặc bên bờ sông Hương; đi bách bộ trên các nẻo đường phượng bay, đi thuyền rồng sông Hương nghe ca Huế; giao lưu với văn nghệ sĩ ở Huế, thăm các phòng triển lãm; đặc biệt là lên Huyền Không Sơn Thượng, Thị Ngạn Am uống trà và đàm đạo với Đại Sư Phước Thành và Minh Đức - Triều Tâm Ảnh giữa cảnh núi rừng cô tịch.
Ở Huế, mùa hạ hoa phượng nở tràn ngập các nẻo đường, đẹp nhất là đường Lê Lợi dọc bờ sông Hương, đường men theo sông An Cựu, sau là các nẻo đường trong Thành Nội (còn gọi là Hoàng Thành hoặc Đại Nội).
Trong lời nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ghi lại khá sinh động các nẻo đường lừng danh của xứ Huế:
- ... Em đi về trời mưa ướt áo, Đường phượng bay mù không lối vào, hàng cây lá xanh gần với nhau.
- Hàng cây thắp nến lên hai hàng, để nắng đi vào trong mắt em
- Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau.
Tôi cũng nhiều lần đi dưới các nẻo đường và địa danh của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng đi qua: Huyền Trân Công Chúa (hiện là Bùi Thị Xuân) Nam Giao, Bến Ngự, Phủ Cam, Cung An Định, Thượng Tứ, Đông Ba, Gia Hội và nhất là đường “Phượng Bay” một bên hồ sen của Hoàng Thành đi vào hồ Tịnh Tâm.
Có ba con đường đáng để kể ra đây vào mùa hạ ở Huế: Nam Giao - Bến Ngự (hai bên sông đào An Cựu), Lê Lợi (bờ Nam sông Hương) và đường Phượng Bay (Thành Nội).
Nam Giao - Bến Ngự : men theo bờ sông An Cựu có hai con đường hai bên: Phan Đình Phùng và Phan Chu Trinh. Bến Ngự: xưa vào dịp vua tế giao, tức là lễ cúng tế trời đất kéo dài cả tuần lễ để cầu “mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an”, vua đi thuyền qua bến sông này nên có tên như vậy. Nam Giao: đàn tế trời được đắp bằng đất hai tầng, một vuông một tròn (trời tròn, đất vuông), tầng trên diễn ra lễ chính có kè đá xung quanh như hệ thống thoát nước, nhưng kỳ thực là hệ thống truyền âm, đứng cách xa cả trăm mét vẫn nghe được âm thanh phát ra rõ mồn một từ chỗ người xướng lễ, tạo nên sự linh thiêng cho buổi lễ.
“Sông An Cựu nắng đục, mưa trong”
Đây là dòng sông đào phục vụ nông nghiệp. Khi mùa nước mặn từ biển Thuận An dâng lên sông Hương, người ta ngăn nước mặn sông Hương bằng hệ thống cửa sập nên vào mùa Hạ nước sông An Cựu cạn dần và đục. Khi có mưa nước lại dâng đầy, nước sông sẽ trong hơn là do vậy.
Hai bên đường chạy dài theo sông An Cựu có nhiều đền, miếu và phủ chúa, phủ quan hoặc là nhà của các giới trâm anh, khuê các. Tường cao kín cửa và đầy bí ẩn. Chỉ những buổi sớm hoặc lúc tan trường mới thấy thấp thoáng bóng áo tím hoặc áo trắng đội nón bài thơ thướt tha xuất hiện trên đường vắng đỏ au, rụng đầy xác hoa phượng vỹ. Ở địa điểm này các “bóng hồng” thường đi bộ vì gần trường học, bóng phượng vỹ và thấp thoáng nón lá, áo dài phơ phất, nghiêng soi xuống dòng sông tạo thành một vẻ đẹp như tranh vẽ và mơ hồ như trong mộng. Nắng hanh vàng, hoa phượng đỏ, lá xanh ngát, bóng áo tím, nón lá bài thơ và dòng sông như chiếc gương soi để trang điểm thêm như vẫn còn thấy chưa đủ thơ mộng cho bức tranh mùa hạ ở Huế. Đúng là vẻ đẹp tinh tế, kỳ ảo, nên thơ.

Ở Huế, giới trâm anh đài các thường kỳ thị với giới nghệ sĩ lang thang, chuyện “môn đăng hộ đối” thường áp dụng triệt để cho đến giờ. Điều này cũng làm chạnh lòng bao tâm hồn các thế hệ nghệ sĩ nhạy cảm. Và nhờ vậy, nguồn cảm xúc cứ vậy dâng trào: chưa gặp gỡ đã thấy chia ly, chưa vui đã ngút ngàn sầu, trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ, ...
Nữ nhạc sĩ kiêm ca sĩ Diệu Hương cũng người gốc Huế, hiện đang sống ở Mỹ khá nỗi tiếng với các Album: Khắc Khoải, Vì Đó Là Em, Phiến Đá Sầu,... tôi có dịp gặp gỡ chị ở Quận 11- Sài Gòn (Vạn Phước Tự) trong dịp về thăm Việt Nam, sau khi bố Diệu Hương mất tại Mỹ. Chị đẹp người, đẹp nết mang đầy đặc tính chất “gái Huế”, chị hát cho tôi nghe mấy bài nhạc chị mới làm, tôi cũng khoe là tôi cũng có làm nhạc, ngồi trong phòng nhỏ, cùng hát giao lưu với chị.
Năm sau chị về lại để thu âm Album mới, chị đến tìm tôi, gặp gỡ lần này thân thiện hơn, cởi mở hơn. Chị say sưa kể về Album mới và câu chuyện liên hệ tình cảm giữa chị và “anh Trịnh Công Sơn”. Tôi tin liền vì khi tiếp xúc và ngắm nhìn chị: từ gương mặt, ánh mắt, hình dáng, ... cũng đài các không kém, chắc nhạc sĩ phải mê thôi.
Diệu Hương cũng có nhà ở khu vực này, Trịnh Công Sơn thường qua lại và mắc kẹt lưới tình khắc nghiệt. Diệu Hương kể là “người nhà anh Sơn” có sang dạm hỏi, nhưng gia đình Diệu Hương lưỡng lự, không đồng ý... và Diệu Hương xác nhận: ba mẹ em cũng có tư tưởng bảo thủ lắm, em rất yêu nhạc của anh Sơn và không ngờ sau này trở thành người làm nhạc. E có gởi CD  cho anh Sơn nghe, anh khen và động viên em nên tiếp tục dòng nhạc này.
Đường Lê Lợi: thực ra đường này có nhiều cây “long não” hơn, phượng vĩ được trồng nhiều ở công viên bờ nam sông Hương và nhiều nhất là hai ngôi trường nỗi tiếng của Huế: Quốc Học và Trưng Trắc (xưa có tên là Khải Định và Đồng Khánh). Xưa, một bên trường nam trung học, một bên là nữ trung học nối nhau bằng con đường “Giao Duyên” của học sinh thế hệ trước tự đặt. Trường nỗi tiếng xưa nay vì đào tạo các thế hệ học sinh thành tài, thành danh trên nhiều lĩnh vực, nhiều vùng miền xứ sở. Có người trở thành danh nhân đất nước. Từ 1976 – 1982, tôi cũng là học sinh của trường Quốc Học – Huế.
Trường có lối kiến trúc cổ kính, thời Pháp là trường nội trú chỉ dành cho con em quý tộc, quan chức và viên chức làm cho Pháp. Hai trường này rất kỷ cương và nhiều “giáo sư” giỏi điều hành, giảng dạy. Hồi tôi đi học dù là sau 1975 cũng còn lệ “gọi thầy xưng con”. Điểm thi vào trường này cũng lấy điểm chuẩn cao hơn các trường khác, cái đẹp của hai trường này là: kiến trúc, không gian, kỷ cương và đồng phục.
“Tan học nón về phố nở bông” (thơ Đỗ Văn Khoái)
Đó là câu thơ diễn tả nét đẹp của đường phố Lê Lợi vào lúc tan trường.
Con gái Huế thường khép nép và rụt rè, qua đường áo bay thường đặt tay sen lên tà áo để giữ, nón nghiêng, tà áo bay và tay sen khép nép. Đó là nét đẹp rất riêng của con gái xứ Huế.
Hoa phượng vỹ nhờ cấu trúc đặc biệt: đài hoa gồm 5 cánh màu xanh lá, cánh hoa màu đỏ thắm và một cánh nâng vòi nhụy có lốm đốm trắng bạc trông như cánh ngài. Học trò dùng hoa phượng để làm thành bướm ép vào sách vở tặng nhau rất đẹp và rất học trò. Thời đi học tôi từng mê làm bướm hoa phượng để dành tặng cho “cô láng giềng” thời trẻ dại, hồn nhiên.
Ven sông Hương thường lộng gió, mùa Hạ ở Huế rất nắng nóng, người ta mơ những ngọn gió mát lành để đem đến cảm giác dễ chịu. Gió mang lá cây, bóng nắng, hoa và hương thổi dậy cả một vùng trời. Gió còn làm sinh động tà áo, mái tóc và tạo dáng mỹ cảm cho con người. Hoa phượng bay là đặc thù của mùa hạ ở Huế. Những tàn cây đỏ rực, dày kín, những con đường hóa kỳ diệu khi xác hoa phượng đỗ dày. Chiều đến, những con đường càng đẹp thêm như cổ tích, thần thoại. Trời Huế có mây tím, buổi chiều nhẹ xuống, không khí mát dịu, sắc trời, dòng sông, cảnh vật nhuộm tím dần. Cái màu tím buồn nhớ, trông đợi và sầu tương. Cho Huế một không gian lắng đọng, tĩnh lặng và sâu lắng. Huế như cảnh một một ngôi chùa khổng lồ trải rộng, uy nghiêm và tỉnh tại.
Đường Phượng Bay: Có nhiều ý kiến để xác minh về đường phượng bay, người ta xác minh rất nhiều hướng, rất nhiều đường. Nhưng xét về ý nghĩa “phượng bay” của Trịnh Công Sơn khi anh đưa vào nhạc, đã trở thành một hình tượng đẹp của đường phố Huế trong lòng mọi người, có thể suy luận: lá phượng bay, hoa phượng bay, chim phượng bay, tà áo bay, tóc mây bay, tâm hồn bay, tình yêu bay, ... để gió cuốn bay!
Có lẽ từ “bay” chất chứa nhiều thứ như thế! Tình yêu khắc khoải trong tâm hồn người nghệ sĩ chứa đựng cả quê hương, con người, thân phận, đạo lý, tâm linh, thời đại, ... làm cho trái tim rung cảm như có thêm đôi cánh để bay xa, bay cao, bay bổng, thoát ra vòm trời u tối, ngục tù u minh mà thăng hoa, nở hoa kết trái dâng hiến đời sống.
“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng.
Để làm gì Em biết không?
Để gió cuốn ... bay!”
Đấy là đỉnh cao mà người nghệ sĩ cần vươn tới.
Bắc Ninh, mùa trăng tròn tháng Tư Nhâm Thìn 2012
Hoàng Thiên Lãng Tử 


PHỤ LỤC:
Hạ trắng
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
HOÀN CẢNH SÁNG TÁC BÀI HÁT
Dạ lý hương
Trịnh Công Sơn có kể lại câu chuyện về "Giấc mơ Hạ trắng" [1]
Ở Huế mùa hạ, ve kêu râm ran trên những tàn cây như một giàn hợp xướng và nắng nóng oi bức như địa ngục. Thêm vào đó còn có gió Lào. Vừa tắm xong là người đã ướt đẫm mồ hôi. Bao nhiêu nhiên liệu tích lũy trong cơ thể đều tan ra thành nước. Những đồ vật và áo quần cũng có cảm giác như vừa rút trong lò lửa ra. Những mặt đường gần như bốc khói với nhiệt độ 42 - 43 độ.
Có một mùa hạ năm ấy tôi bị một cơn sốt nặng, nhiệt độ trong người và bên ngoài bằng nhau. Tôi nằm sốt mê man trên giường không còn biết gì. Và bỗng có một lúc nào đó tôi cảm thấy hương thơm phủ ngập cả căn phòng và tôi chìm đắm vào một giấc mơ như một cơn mê sảng. Tôi thấy mình lạc vào một rừng hoa trắng thơm ngào ngạt, bay bổng trong không gian đó. Đến lúc tỉnh dậy người ướt đẫm mồ hôi và tôi nhìn thấy bên cạnh giường có một người con gái nào đó đã đến cắm một bó hoa dạ lý hương trắng rất lớn. Chính cái mùi thơm của dạ lý hương đã đưa tôi vào giấc mơ kia. Giấc mơ trong một mùa hạ nóng bức. Trong vùng tôi ở, quanh đó chỉ có một nhà duy nhất trồng dạ lý hương nên tôi biết ngay người mang hoa đến là ai.
Sau một tuần lễ tôi hết bệnh. Nghe tin bố người bạn đang hấp hối tôi vội vàng đến thăm. Ông chẳng có bệnh gì ngoài bệnh nhớ thương và buồn rầu. Câu chuyện rất đơn giản. Hai ông bà đã lớn tuổi thường nằm chung trên một sập gụ xưa. Cứ mỗi sáng bà cụ thức dậy sớm và xuống bếp nấu nước sôi để pha trà cho ông cụ uống. Một buổi sáng nọ, cũng theo thường lệ, bà cụ xuống bếp bị gió ngã xuống bất tỉnh và chết. Mấy người con ở gần đó tình cờ phát hiện ra và đưa bà cụ về nhà một người để tẩm liệm. Sau đó chôn cất và giấu ông cụ. Tất nhiên, khi ông cụ thức dậy hỏi con, mẹ các con đi đâu rồi, thì họ trả lời là mẹ sang nhà chúng con để chăm sóc mấy cháu vì chúng bị bệnh. Vài ngày sau vẫn chưa thấy bà về ông mới trầm ngâm hỏi các con có phải mẹ các con đã chết rồi phải không. Lúc ấy mọi người mới khóc òa lên. Từ đó ông nằm trên sập gụ một mình cơm không ăn, trà không uống cho đến lúc kiệt sức và đi theo bà cụ luôn.
Câu chuyện này ám ảnh tôi một thời gian. Và sau đó tôi kết hợp giấc mơ hoa trắng mùa hạ với mối tình già keo sơn này như áo xưa dù nhầu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau để viết nên bài "Hạ Trắng".
Đường phượng bay
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Đường Đoàn Thị Điểm - Đường phượng bay ngày xưa
Ở Huế có hai con đường được gọi là đường Phượng bay [1]:
Đoạn từ cầu Trường Tiền đến Bạch Hổ, người cao niên ở Huế vẫn quen gọi là đường Phượng Bay. Nhà thơ Anh Phan đã minh chứng cho điều này từ năm 1966, qua bài thơ Con đường Phượng Bay, có đoạn:
"Con đường Phượng Bay nằm dọc bờ bắc sông Hương,
Từ cầu Trường Tiền lên cầu Bạch Hổ.
Đi trên con đường Phượng Bay nắng hoa vàng rơi lỗ chỗ..."
"Đường Đoàn Thị Điểm, là đoạn nối dài từ đường Hai Ba Tháng Tám đến đường Tịnh Tâm
Đường được hình thành từ đầu thế kỷ 19, cùng thời với việc xây dựng Kinh Thành. Là con đường quan trọng của Hoàng Thành và có tên rất sớm. Từ 1945 trở về trước là đường Hiển Nhơn. Sau 1956 đổi tên là đường Đoàn Thị Điểm cho đến ngày nay. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gọi là đường Phượng Bay, hiện người Huế vẫn hay gọi như thế..."
Đường Phượng bay là tên gọi khác của đường Đoàn Thị Điểm nằm bên cạnh khu vực hoàng thành của kinh đô Huế. Xuất phát từ ca từ trong bài hát Mưa hồng của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn: đường Phượng bay mù không lối vào, hàng cây lá xanh gần với nhau..., người dân xứ Huế và những người yêu Huế đều cảm nhận được nét trữ tình riêng biệt của con đường này.

Nằm bên cạnh khu vực hoàng thành, sự trầm mặc của dấu tích, nét thâm trầm đặc trưng của cố đô khiến cho con đường trở nên vô cùng thơ mộng. Con đường ngắn, ít dân cư sinh sống nhưng màu xanh mướt cây cối rất phù hợp với lối sống nhàn tản, thích đi bộ, tư lự, trầm ngâm của người dân xứ Huế. Mùa đông ấm áp, mùa hè rực rỡ không chỉ riêng có màu đỏ của sắc phượng bay mà còn vàng dịu nhẹ của hoa điệp, màu tím thanh tao của những bông hoa bằng lăng...
Đường Phượng bay là một trong những con đường đẹp ở Huế, gợi nhiều cảm hứng cho thi ca, âm nhạc, hội họa...
Người con gái của đường phượng bay
Trịnh Công Sơn
TTXUÂN - Tháng 12-2005, người con gái Huế tên A. ấy trở lại Sài Gòn thăm mẹ. Trong căn nhà của mẹ chị ở quận 10, cũng như mọi lần về VN, chị lại có những đêm gần sáng hát nhạc của Trịnh Công Sơn cùng người thân. Những bài tình ca hát lên là quay quắt những kỷ niệm. 
A. nhớ Huế. Nơi ấy, mấy chục năm trước, đêm đêm chị trốn cậu (ba của chị) rời nhà đi qua cầu Phủ Cam về Bến Ngự thăm anh Sơn, rồi anh tiễn chị về, đi theo con đường bên kia sông có hai hàng phượng chụm đầu vào nhau. Anh gọi đó là đường phượng bay, con đường tình yêu của anh, con đường nhớ nhung một đời của chị. Con đường mà bắt đầu từ đó, trong hơn một nửa sáng tác của anh để cho đời đều có hình bóng chị, người mà anh chỉ gọi bằng một từ lúc nào cũng được viết hoa trong nhạc của anh: Em.
A. là người con gái trong Như cánh vạc bay, Hạ trắng, Mưa hồng..., của Tình nhớ, Tình sầu, Tình xa... Chị kể rằng trong những năm tháng ở gần anh Sơn, chị chưa bao giờ hỏi anh bài nào anh viết cho chị, bài nào là hình bóng của chị. Anh cũng chưa bao giờ nói với chị rằng bài nào anh viết về chị, bài nào Em đấy chính là chị.
Duy có một lần, đưa chị đến chơi nhà một người bạn, anh giới thiệu với bạn rằng chị là người con gái trong hơn một trăm bài hát của anh. Mọi người nhìn chị, ai cũng hiểu đó là sự thật, bởi ngoài đời cũng như trong nhạc của anh, chị đẹp nền nã, đẹp từ người, từ nết cho đến tên: N.V.D.A..  
“A. bảo anh viết thật dài cho A., nhưng những dòng chữ không thể dài bằng nỗi nhớ được. Nỗi nhớ đã đi qua hết quãng đời dài hơn hai mươi năm. Đi từ Huế lên Đà Lạt về Sài Gòn và âm ỉ như một dòng nước ngầm không quên lãng”.
Một lần anh viết thư cho chị như thế. Chị nhớ những lá thư anh gửi từ Blao về Sài Gòn cho chị bao giờ cũng dày đến độ giấy nứt ra, bởi trong đó có nhiều hoa khô ép....
Đã có nhiều người phụ nữ muốn cho mọi người biết họ từng là một phần đời của Trịnh Công Sơn. A. không muốn vậy. Chị muốn chỉ là chị, là em gái ruột của Diễm - người con gái đi qua con đường có hàng hoa long não li ti ở Huế và đi qua một phần ký ức ngắn của anh. Diễm đã có một đời sống khác, hạnh phúc. Chị cũng đã có một đời sống khác, về VN lần này cũng là lúc con trai chị mừng sinh nhật tuổi 34.
Trịnh Công Sơn
Nghĩ rằng sẽ thật ích kỷ nếu chị cứ giữ mãi những cái riêng ngày xưa với Trịnh Công Sơn mà bây giờ đã là cái chung của rất nhiều người, A. làm album Lời của dòng sông với số lượng thật ít chỉ để tặng bạn bè.
“Không hiểu A. sẽ có giọt nước mắt nào nhỏ lên mộ phần của anh. A. sẽ có lời nguyện cầu nào cho một lần anh vắng mặt. Ôi nếu một ngày nào sự sống mình đã tắt thì anh cũng đã mang theo luôn những gì đã một lần vong thân trong anh”  - thư anh Sơn viết cho chị như thế, chị đọc lại thật buồn trong album.
Tên A. anh viết trong thư được chị xóa đi, để không ai biết đến chị, để chị mãi là lặng lẽ, để mọi người chỉ biết rằng Trịnh Công Sơn đã từng có một tình yêu mấy mươi năm trong đời.
Người con gái của đường phượng bay ấy cũng nghĩ rằng rồi đến lúc chị sẽ phải thôi không còn giữ những lá thư của anh viết cho chị nữa. A. sẽ chỉ còn giữ riêng cho mình “lời hẹn thề là những cơn mưa”, những lời hẹn thề cứ day dứt mãi trong đời người như những cơn mưa xứ Huế rả rích theo tháng ngày...
NGUYỄN TRƯỜNG UY
Đã tìm ra “đáp số” đường Phượng Bay
“Cho đến tận bây giờ, nhiều người vẫn còn tranh cãi với nhau về con đường có cái tên thật hoài niệm, đường Phượng Bay. Thực sự thì đường Phượng Bay là con đường nào ở Huế? Không ai buộc, cũng chẳng ai hối thúc, nhưng mà sao vẫn cứ muốn đi tìm.
Ngày xuân chắp nhặt đôi dòng, chúng tôi mạo muội thử nêu những kiến giải của mình...”- Đó là lời mở đầu cho bài viết “Đi tìm đường Phượng Bay” của tôi được đăng trên Thừa Thiên Huế Xuân Mậu Tý-2008.
Đường Lê Duẩn đoạn trước Phu Văn Lâu
Đường Phượng Bay đã trở thành nguồn cảm hứng để nhạc sĩ tài danh họ Trịnh sáng tác nên nhạc phẩm Mưa hồng làm say lòng bao thế hệ. Và rồi, không rõ căn cứ vào đâu, nhiều người xác tín rằng, đường Phượng Bay chính là đường Đoàn Thị Điểm - con đường men dọc bờ thành bên trái của Đại Nội Huế, song song với đường Đinh Tiên Hoàng và giao cắt với các đường Nguyễn Chí Diểu, Hàn Thuyên, Mai Thúc Loan…
Cả trong Bách khoa toàn thư mở Wikipedia còn có riêng một bài viết về đường Phượng Bay ở Huế: “ (…) đường Phượng Bay là tên gọi khác của đường Đoàn Thị Điểm nằm bên cạnh khu vực Hoàng thành của kinh đô Huế. Xuất phát từ ca từ trong bài hát Mưa hồng của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn: Đường Phượng Bay mù không lối vào, hàng cây thắm xanh gần với nhau…, người dân xứ Huế và những người yêu Huế đều cảm nhận nét trữ tình rất riêng biệt của con đường này… sự trầm mặc của dấu tích, nét thâm trầm đặc trưng của cố đô khiến con đường trở nên vô cùng thơ mộng. Con đường ngắn, ít dân cư sinh sống nhưng màu xanh mướt của cây cối rất phù hợp với lối sống nhàn tản, thích đi bộ, tư lự, trầm ngâm của người dân xứ Huế. Mùa đông ấm áp, mùa hè rực rỡ không chỉ riêng có màu đỏ của sắc phượng bay mà còn vàng dịu nhẹ của hoa điệp, màu tím thanh tao của những bông hoa bằng lăng... Đường Phượng Bay là một trong những con đường đẹp ở Huế, gợi nhiều cảm hứng cho thi ca, âm nhạc, hội hoạ…”.
Lại cũng có một bài báo dẫn lời một người con gái tên A. ở “bên tê” sông An Cựu, “đêm đêm trốn nhà sang Phủ Cam về Bến Ngự thăm anh Sơn”. Rồi sau đó tiễn về, Trịnh đưa chị đi theo con đường bên kia sông “có hai hàng phượng chụm đầu vào nhau. Anh gọi đó là đường Phượng Bay, con đường tình yêu của anh, con đường nhớ nhung một đời của chị…”. Con đường bên kia sông (An Cựu) là đường Phan Đình Phùng hiện nay.
Hàng cây xanh đầy mê hoặc trên đường Đoàn Thị Điểm
Tuy nhiên, trong quá trình tìm hiểu, có một điều lạ là những con đường được “trưng dẫn” nói trên không từng được trồng nhiều phượng. Với đường Đoàn Thị Điểm, thì theo trí nhớ của ông Phan Đình Ngôn, Giám đốc Trung tâm Công viên Cây xanh Huế (TTCVCX), người đã theo học tại Trường Hàm Nghi (xưa là Quốc Tử Giám, nay là nơi đặt Bảo tàng Cách mạng TT.Huế) trong khoảng thời gian từ 1965-1969, thì đây là con đường chỉ trồng toàn cây muối (còn có tên là cây nhội). Cắt vuông góc với đường Đoàn Thị Điểm là đường Tống Duy Tân (nay đã bị bịt lối) trồng toàn cây mù u. Còn phượng chỉ có dăm ba cây được trồng dọc bờ thành của trường mé đường Đoàn Thị Điểm. Cho đến hiện tại, trên đường Đoàn Thị Điểm vẫn còn đến 126 cây muối, trong đó hàng chục cây có tuổi 45-50 năm. Mấy cây cũ vẫn còn. Chừng hơn hai chục cây phượng đỏ, khoảng 50 cây phượng vàng bây giờ trên tuyến đường này là số cây mới được trồng dặm sau này thay chỗ cho những cây muối bị chết do quá già cỗi hoặc bị gãy đổ do mưa bão.
Còn đường Phan Đình Phùng, trong trí nhớ của nhiều người, đường này có phượng, nhưng cũng chỉ là một số cây chứ không thể là “2 hàng phượng chụm đầu vào nhau”; còn theo trong hồ sơ cây xanh thì đây là con đường trồng toàn muồng Xiêm.
Bởi vậy, nếu nói đường Đoàn Thị Điểm hay đường Phan Đình Phùng là đường Phượng Bay thì có chút gì đó hơi “gợn”, hơi khiên cưỡng, cho dù đó là những con đường thơ mộng của Huế.
Những gốc phượng xưa vẫn còn tỏa bóng đơm hoa trên đường Lê Duẩn.
Trong bài viết, chúng tôi cũng đã đưa ra và nghiêng về giả thuyết đường Phượng Bay con đường Lê Duẩn hiện nay, bởi lẽ, theo trí nhớ của nhiều người, đây là con đường vốn được trồng nhiều phượng nhất ở Huế một thời: “Đường Lê Duẩn bây giờ đã được mở rộng, nhưng vẫn được trồng toàn phượng vĩ. Trên tuyến đường này hiện chỉ có 3 cây bằng lăng, 2 cây xà cừ, 1 cây bồ đề và 1 cây muối, còn lại toàn là phượng. Có đến 252 cây phượng ở đây, trong đó nhiều cây có đường kính gốc từ 0,6-1m, tuổi đời đã ngót nghét hơn nửa thế kỷ đứng trầm mặc như chứng nhân tình yêu một thuở. Đó là chưa kể số cây đã bị đốn hạ do mở đường và khoảng 30 cây khác đã bị gãy đổ do các trận bão tràn qua Huế. Hè về, cả con đường bừng lên sắc đỏ, đẹp đến nao lòng...” (Đi tìm đường Phượng Bay-Thừa Thiên Huế Xuân Mậu Tý-2008). Thêm một số tài liệu nữa, như trong cuốn Huế-Tên đường phố xưa & nay của Dương Phước Thu khi nói về đường Lê Duẩn (trang 174-NXB Thuận Hoá, 2004) có đoạn “Đoạn đường từ cầu Trường Tiền lên cầu Bạch Hổ, người cao niên ở Huế vẫn thường quen gọi là đường Phượng Bay…”. Nhà thơ Anh Phan, tên thật là Nguyễn Tất Phan, sinh năm 1934, hiện sống ở 2B/25 Ông Ích Khiêm-phường Thuận Hòa-Tp Huế có bài thơ Con đường phượng bay phố Huế cũng đã viết…: Con đường phượng bay nằm dọc bờ bắc sông Hương/ Từ cầu Trường Tiền đến cầu Bạch Hổ / Đi trên con đường phượng bay/ Nắng hoa vàng rơi lỗ chỗ/ Gặp mưa phùn chỉ ướt áo riêng anh…” . Đặc biệt ông Phan Đình Ngôn khẳng định rằng, ông từng nghe Trịnh Công Sơn trả lời phỏng vấn trên ti vi, và chính nhạc sỹ đã cho biết, con đường Phượng Bay trong Mưa hồng của ông chính là con đường Lê Duẩn. Và theo ông Ngôn là có lý, bởi trước năm 1975, con đường này (lúc đó gọi là đường Trịnh Minh Thế) kéo dài từ cửa Ngăn cho đến cầu Bạch Hổ chỉ là một con đường hẹp được trồng toàn là phượng. Hồi ấy cũng không có xe lớn, lưu lượng thưa thớt, cho nên phượng mặc sức toả bóng mà không bị chặt tỉa như bây giờ. Đôi hàng cây như tình nhân chụm đầu vào nhau. Một cơn gió thoảng, lá phượng rủ nhau rơi lả tả như mưa, đẹp mê hồn…
…Và tiếp tục có nhiều cây được trồng mới
Tuy nhiên, tất cả vẫn chỉ là giả thuyết. Ông Ngôn hứa tìm, chúng tôi cũng dọ hỏi, nhưng chẳng biết phải bắt đầu từ đâu, bắt đầu từ ai để “lùng” ra đoạn phim nọ. Hỏi nhờ một số đồng nghiệp, nhưng phim gì? Ai làm? Làm bao giờ?... Chúng tôi… bí. Quả thật là rất khó cho họ, bởi hàng vô số phim, hàng vô số chương trình, làm sao tìm khi không cung cấp được-dù chỉ là một chút “từ khóa”…
Chuyện cứ vậy trôi đi thì đột nhiên, 3 năm sau ngày… báo phát hành, bỗng một đêm, tôi nhận được cú phone từ một số điện thoại lạ hoắc. Bắt máy, nói chuyện, người đầu dây xưng tên Hương và cho biết chị là người đã trực tiếp làm phim, trực tiếp phỏng vấn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và chính nhạc sĩ đã xác tín rằng, đường Phượng Bay đã gợi cảm hứng cho ông viết Mưa hồng chính là con đường Lê Duẩn bây giờ. Ông nói đại ý “ (đường Phượng Bay) đó là con đường rất đẹp, chạy ngang trước Phu Văn Lâu. Bây giờ thì đã được mở rộng ra…”. Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn cũng bày tỏ niềm vui khi thấy cây xanh ở Huế vẫn nhiều, vẫn được chăm chút và nhiều tuyến đường của thành phố quê hương ông đang ngày càng đẹp lên…
Đường Đoàn Thị Điểm đoạn qua cửa Hiển Nhơn
Đoạn phỏng vấn dài chừng 1 phút, nằm trong phim tài liệu có tên “Đường xanh thành Huế” của HVTV (Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Huế) sản xuất khoảng năm 2001 (nói khoảng là bởi vì mặc dù đã xin phép và được Giám đốc HVTV Văn Công Toàn vui vẻ đồng ý, đã được anh Quý Hòa-PV của đài- tận tình dẫn đến gặp bộ phận liên quan để nhờ giúp và được nhận lời, nhưng chờ mãi cho đến lúc viết bài này, chúng tôi vẫn chưa có được trong tay bản copy của phim. Có lẽ các anh chị nhiều việc, vả cũng chẳng mấy quan tâm cái chuyện… bao đồng của tôi cũng nên). Cũng đến khi sang HVTV, tới mới biết chị Hương đã gọi điện báo cho tôi là Nguyên Hương (HVTV có nhiều người tên Hương) và hiện đã không còn làm ở đây nữa, do như chị nói, là “không được cấp quota để vào” dù đã tham gia làm cả trăm phim và có thời gian gắn bó với HVTV trên 10 năm trời…
Đường Phan Đình Phùng cũng từng được ngỡ là đường Phượng Bay
Phim làm 2001, nhưng nếu sau 1/4 thì nhạc sĩ họ Trịnh đã qua đời, sao lại có “vụ”… nhạc sĩ trực tiếp trả lời phỏng vấn được? Chị Nguyên Hương cho hay, phần phỏng vấn được chị thực hiện cuối 2000 đầu 2001 gì đó. Ấy là một dịp chị đi Tp Hồ Chí Minh chơi, cũng dịp đó anh Đinh Hiếu (cũng là PV của HVTV) vào thành phố thăm gia đình. Vào một buổi chiều, Đinh Hiếu và Nguyên Hương được nữ nghệ sỹ nhiếp ảnh Đào Hoa Nữ dẫn đến thăm Trịnh Công Sơn tại nhà riêng của ông trên đường Phạm Ngọc Thạch. Nhạc sỹ rất vui khi gặp đồng hương nên trò chuyện hết sức cởi mở. Lúc đó, sẵn camera do một đồng nghiệp ở Đài Truyền hình TP HCM cho mượn, Đinh Hiếu đã không bỏ lỡ dịp may để ghi lại “đã đời”. Còn chị (Nguyên Hương) cũng không bỏ lỡ cơ hội để hỏi nhạc sĩ đủ thứ. Nhớ lại kỷ niệm, chị Hương cười… rầu rĩ: “Thống biết răng không, anh Sơn anh… chê con gái Huế. Anh nói, con gái Huế mà đẹp chi, cô mô cũng rờ rờ rận rận…”. Không biết nhạc sĩ nói thiệt hay nói chơi, nhưng Nguyên Hương thì cứ ấm ức cho tới tận bây chừ…
Xuân Mậu Tý - 2008 cho đến nay - Tết Tân Mão - 2011, như vậy là tròn 3 năm, tôi đã có được lời giải chính thức cho bài viết của mình. Ngày xuân chắp nhặt đôi dòng, trước hết là cảm ơn chị Nguyên Hương, sau nữa là để thưa cùng bạn đọc…
Diên Thống
Theo http://hoangthienlangtu.blogspot.com/ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhà văn Nguyễn Quốc Trung trên hành trình đất không đổi màu

Nhà văn Nguyễn Quốc Trung trên hành trình đất không đổi màu Nhà văn Nguyễn Quốc Trung qua đời cách đây 2 năm vì Covid-19, được Hội Nhà văn...