Thứ Hai, 17 tháng 7, 2017

Rực rỡ đêm xuân

Rực rỡ đêm xuân
Ở một góc vườn vòng đai quanh nhà, chếch bóng phía trời tây, ánh mặt trời cơ hồ đong đưa, khuất lấp sau rặng cây xum xuê cành lá, vượt hẳn lên cao. Những tia nắng cuối ngày đã không còn chói chang, gay gắt nữa mà đã trở nên vàng vọt, nhẹ nhàng. Như bao cơn gió thoảng chiều hôm, đều luôn luôn mang đến cái mơn man, dìu dịu cho mọi thứ trên cõi đời này, kể cả lòng người và cảnh vật. Chiều xuống dần. Với chim muông tìm đường về tổ ấm. Cũng không thiếu những bầy le le, vịt nước thường thấy thả trôi từng đàn trên dòng Cửu Long Giang, đang oang oác giữa trời, soãi cánh tung bay về nơi chốn cũ. Và chiều lại xuống dần. Với tắm rửa, cơm nước xong xuôi đâu vào đấy. Cũng chẳng hề thiếu bóng dáng các cô gái đảm đang, quán xuyến mọi việc trong nhà, lặng lẽ mang mớ áo quần cần giặt giũ ra ao, thò chân khuấy động mấy cụm bèo xanh...
Dưới tàng me râm mát bên cạnh sàn nước bắc xa ra ngoài, Hồ Điệp thong thả đưa tay vò nhẹ từng chiếc áo dài học trò trắng bóc, ngâm trong thau nước có pha eau de javel bay mùi ngay ngáy. Đôi bàn tay ngòi viết lá tre, mềm mại, thon dài. Đôi bàn tay đẹp, nàng tự biết như vậy, vì chính Hiếu đã từng có lời khen khi nâng lấy tay nàng. Tình yêu, riêng với Hồ Điệp, nàng cảm thấy hình như không phải chỉ qua ánh mắt, nụ cười mà còn thực sự thể hiện qua đụng chạm. Tay trong tay, chẳng hạn. Cái cảm giác bất chợt đó nàng đã vụt nhận ra trong lần "đi vườn" về nhà chị em Hiếu, cùng nhau thưởng thức món xoài tượng chấm nước mắm đường. Để rồi nhớ mãi không quên.
Có lẽ hầu hết mọi người đàn bà đều có và sống ít nhiều với linh tính. Chỉ cần một phút giây tao phùng hội ngộ đúng thời đúng lúc nào đó, hai chữ "định mệnh" dường như cầm chắc, sẽ xảy ra. Trường hợp Hồ Điệp cũng vậy, trong lần gặp gỡ đầu tiên với Hiếu và Kim Yến nhân ngày tựu trường dạo ấy, thuở nàng còn thơ lúc mới vào học lớp đệ thất trường công, nhưng nàng đã tự nhiên cảm thấy như có điềm gì khác lạ. Và rồi tiếp theo đó, mặc dù do tình thế đẩy đưa, qua sự sắp đặt thầm lén của Kim Yến, tình cảm giữa Hiếu và nàng đã vô tình nẩy nở, khắn khít hồi nào không hay.
Cũng với những ngón tay thon dài này, từ e ấp rụt rè đi dần đến ấm áp thân quen, nàng đã cùng Hiếu tay nắm tay dung dăng dung dẻ trong đêm Hội Chợ ngày nào. Thì cũng do tình thế đẩy đưa, qua sự níu kéo của chàng để rồi trong im lìm, lẳng lặng hai đứa đã cùng rủ nhau "đi lạc" trong cảnh rừng người, chớ nàng nào đã có chủ động điều gì. Vậy mà, ngay sau đó trên đường về, nàng bị anh Hòa la cho một trận nên thân:
- Tại sao mầy không đi chung với cả đám mà lại bày đặt tách bầy đi riêng với thằng Hiếu? Bộ mầy với nó đã có tình ý gì rồi hả? Mầy có thấy con Yến với bọn thằng Chiêu thằng Thuận không? Sao con người ta khôn quá!
Bộ mầy với nó đã có tình ý gì rồi hả ? Trời đất, cái anh này kỳ, hỏi chi cái câu hỏi sao mà khó trả lời quá vậy cà! Thì cũng là chuyện trắng đen, rõ ràng giữa thanh thiên bạch nhật chớ nàng có che đậy, dấu diếm hay làm điều gì mờ ám, lén lút đâu. Chỉ tại anh nàng, con người e dè khó khăn đến độ xấp xỉ hai mươi tuổi đầu mà chưa hề có một người bạn gái đúng nghĩa, đã không có con mắt đó thôi. Mà có lẽ ảnh chỉ muốn nhắc chừng cho mình đừng đi quá trớn chớ không có ý cấm đoán gì đâu, nàng nghĩ. Tuy nhiên, ngay lúc ấy, nàng cũng đã viện cớ để tự bào chữa cho mình:
- Thì cũng tại anh với mấy anh kia đi lẹ quá chớ bộ ...
Dưới mắt Hồ Điệp, cái vẻ điển trai hào phóng bên ngoài của người con trai đối diện lắm khi không mấy cần thiết! Nàng có thể bằng lòng với dáng dấp nho nhã thư sinh của cậu học trò trung học có mái tóc bồng bềnh, mềm mại như khói như mây. Thêm một chút bụng thon, ngực nở khi ở trần trùi trụi là được rồi. Và ở Hiếu, chàng đã đáp lại những gì nàng không chê, không phiền. Nhưng, đối tượng của nàng bắt buộc trước hết phải thông minh, lanh lẹ. Làm thân con trai mà vướng phải cái tính cù lần, ù ù cạc cạc, chậm lụt rụt rè thì kể như uổng đời, không một đứa con gái nào thèm để tâm tới, có phải? Vàở Hiếu, chàng cũng đã đáp ứng với nàng điều đó. Bằng những câu nói rất tình ý, tế nhị thêm một chút pha trò rất nhẹ nhàng, dí dỏm đã luôn làm nàng đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Qua ánh mắt rực sáng như ánh sao băng dưới đôi hàng lông mày dài và rậm kia, tâm hồn nàng như được ân cần chiếu rọi, bao che. Lại còn cái cánh mũi thẳng và cao, cân xứng với khuôn mặt hơi hơi chữ điền hay điểm một nụ cười tươi mát trên môi ..., ngần ấn đã gây cho nàng một ... ấn tượng.
Vậy mà đã có một thời "người" bỗng đi xa, khắp bốn phương trời, biền biệt tăm hơi. Không một lời nhắn, không một tờ thư ... đã làm nàng xao xuyến, phân vân không ít! Chẳng biết sau đêm Hội Chợ tưng bừng ấy, anh Hòa đã nói riêng gì với Hiếu? Có làm điều gì để chàng phật lòng hoặc nghi kỵ hay không? Sao bỗng dưng từ sum họp đi đến cách chia? Sao bỗng dưng từ vui vầy đi đến buồn thương? Âm thầm như con nước triều lên đến giờ phải xuống! Như trăng tròn lại khuyết, như tuyết đóng rồi tan, như hoa nở lại tàn, như bèo gom rồi rã!. Ôi, chuyện đời nghe sao mà luân hồi, lẩn quẩn quá? Biết bao giờ mới thoát khỏi cái vòng nhân quả, oan nghiệp, tai ương đây?
Nàng chợt thở dài theo cơn gió sắp Tết hiu hiu thổi nhẹ bên hè. Mùi hoa sứ, hoa "mộc lan" trắng ngần từng cánh búp, như thoang thoảng quanh đây ...
- Hù, chị Điệp ...
- Á ..., quỷ nà! Chiêu làm chị giựt mình, mất hồn, thiếu điều muốn đứng tim luôn thôi hà! Ác thiệt!
- Nói chị nghe, Chiêu mới nhảy qua vườn kế bên hái trộm cho chị cái bông sứ cùi này để dành ép vô tập nè, thơm lắm ...
Chiêu đưa đóa hoa nõn nà vào gần mũi cho Hồ Điệp ngửi mùi, trong giây lát lại rút tay về, kê lên mũi mình hít một hơi dài cho đã rồi nói tiếp:
- Thơm quá hả chị Điệp? Mà hỏi thiệt chị nghen, bộ chị đang tơ tưởng anh chàng nào hay sao mà ra tuồng thẫn thờ, mộng mơ quá vậy? Thấy chị giặt mấy cái áo mà làm như ... tay vò cũng chẳng muốn vò?
Hồ Điệp phản ứng liền:
- Trời đất quỷ thần ơi, thôi đi nghen Chiêu, đừng có nói bậy! Chị có quen với ai đâu mà ở đó tơ với tưởng? Chớ bộ Chiêu không thấy hằng ngày chị sống ra sao hay sao mà còn làm bộ hỏi chận đầu?
À, hóa ra nãy giờ thằng lõi Chiêu này đang ngó lén mình đây, Hồ Điệp nghĩ. Rồi còn giả bộ "hù" mình nữa chớ. Cái thằng, thiệt tình, cứ hay để ý chuyện của người khác. Nhưng kể ra tánh tình nó cũng hiền. Con người chỉ thích bải buôi, cợt đùa và như lúc nào cũng tìm cách làm cho người đối diện vui lây. Đối với nàng, còn một điểm đáng nói hơn nữa là có người cùng làng cùng xóm, cùng ở trọ chung một nhà kể ra cũng ... đỡ buồn. Mà cũng lạ, kể từ ngày quen với Kim Yến nhân dịp nàng rủ bạn về Phú An Hòa chơi, dường như Chiêu đã ra vẻ không thiết tha gì với bọn con gái xứ dừa nữa. Cái thằng coi vậy mà vun trồng và bón phân cây "si" rất lẹ. Để rồi sau đó không lâu, viện cớ làm biếng đạp xe đạp đến trường, đi và về mỗi ngày, anh chàng đã nhờ Hồ Điệp hỏi giùm cô Tám Sương, xin phép cho ở nhờ. Hết Chiêu đến Thuận, rồi hết Thuận đến Hiển, nguyên bộ ba Trúc Giang-Phú An Hòa lục tục kéo nhau về ở chung một chỗ với Hồ Điệp. Nhứt là từ khi anh Hòa của nàng tình nguyện đăng đi Thủ Đức sau khi thi rớt phần hai, có thêm chỗ trống. Đối với cô Tám Sương thì lại cũng dễ dàng thôi, vì không ngoài cái ý nghĩ "ăn thì nhiều chớ ở bao nhiêu." Kệ, mặc cho đám con cháu tụi bây sắp xếp phòng ốc, chung đụng với nhau sao cho ổn thỏa là xong. Miễn hằng tháng đóng góp cho cô một mớ tiền còm đủ chi dụng, trang trải lặt vặt trong nhà thì mọi thứ cô sẽ sẵn sàng bằng lòng ngay ...
Chiêu không đồng ý với Hồ Điệp:
- Chị nói vậy thì hay vậy chớ ai mà biết được trong lòng chị đang nghĩ những gì? Hằng ngày tuy chị có vẻ cấm cung ở nhà, nhưng mấy lúc đi học hay mọi khi bước chân ra đường thì bọn con trai đã không theo tán tỉnh chị hàng hàng lớp lớp à? Vả lại, còn anh Hiếu dạo trước nữa chi, giao tình giữa ảnh với chị hiện giờ đã đi đến đâu rồi nào?
Hồ Điệp chợt nghe nhói trong tim mình khi Chiêu nhắc đến Hiếu, vì cả năm hơn, hình như không ai màng để ý chàng. Tuy nhiên, nàng lại giả bộ tảng lờ, đánh trống lãng:
- Ối, xa mặt dễ cách lòng mà Chiêu! Với lại đã lâu lắm rồi chị đâu có liên lạc, tin tức gì về anh ấy nên chẳng biết ... "chàng" vẫn ở vậy hay đã vui vầy duyên mới? Ý, mà nói đùa với Chiêu cho vui vậy thôi chớ giữa chị với anh Hiếu cũng đâu có gì xa hơn là tình bạn ...
Thực ra, những gì Hồ Điệp vừa nói đều rất đúng với tâm sự của nàng cách đây không lâu. Chính nàng là người trong cuộc mà cũng không biết vì lý do gì, Hiếu bỗng nhiên dửng dưng đi ra khỏi cuộc đời nàng. Không một lời giã biệt! Không một tiếng trối trăn! Để từ lâu nàng vẫn âm thầm chờ đợi và cố tìm ... một câu trả lời. Tại sao? Rồi sau ngần ấy thời gian trôi qua với biết bao nhiêu đổi thay nơi tỉnh lẻ nhỏ nhoi này, thì gần đây, nàng vừa hồi hộp vừa vui mừng vì rất có thể nàng sẽ tìm được ... một câu trả lời khá xác đáng! Rồi mặc dầu chỉ mới ... rất có thể thôi, nhưng nàng cũng lấy làm mãn nguyện phần nào cho sự hy sinh, ừa, phải gọi đó là hy sinh chớ, của nàng. Chính vì vậy, nàng càng để tâm dấu kín niềm vui của mình với đám em út Chiêu, Thuận và Hiển ...
Nhưng, Chiêu nào có để nàng yên:
- Chị nói giỡn hoài! Vậy chớ hôm đó có anh bạn nào của ảnh đã đem đến cho chị một "món quà" gì gì đó từ Sài Gòn gửi về rồi sao? Chẳng liên hệ với nhau thì ai lại đi tặng quà?
Úi chà, làm sao thằng lõi Chiêu biết được chuyện này cà? Chẳng lẽ cô Tám lại đem chuyện bí mật đó đi nói với nó? Điều đó chắc chắn không thể xảy ra, nàng quả quyết! Hay là nó có mặt ở nhà trong lúc anh bạn của Hiếu, anh Phát, trao "món quà" cho cô Tám? Ối, mặc kệ, dầu sao đi nữa nó cũng không biết "món quà" đó là gì, quý giá ra làm sao! Nàng bèn nói giả lả:
- Thôi đi Chiêu ơi, sá gì món quà nhỏ mọn đó! Còn thua một lời thăm hỏi hay một câu đón chào, chẳng có gì quan trọng hết. Chẳng qua ảnh muốn chị giữ giùm một ít kỷ niệm của anh ấy mà thôi!
Trời đất, sao lại "giữ giùm một ít kỷ niệm" của người ta? Nàng cảm thấy như mình đã lỡ lời, tiết lộ ít nhiều cái bí mật về "món quà" mà Chiêu đang đề cập tới! Ơ ..., hay là mình đã có ý đem khoe? Nàng bỗng thấy nhột nhạt, mắc cỡ cho chính mình với ý nghĩ riêng tư thầm kín đó. Vì "món quà" kia gần như là quyển nhật ký của Hiếu, đã ghi lại bằng thơ, xen kẽ trong những bài ghi cua ở lớp học. Nàng đã đọc đi đọc lại và suy nghĩ rất nhiều về "món quà" tinh thần đến độ đã thuộc lòng nhiều bài thơ "không tên, không tựa, không đề" nhưng có nhiều ẩn ý, ngầm nhắn nhủ với riêng nàng. Chẳng hạn như bài đầu tiên:
Thương em biển rộng sông dài
Cành lan cánh bướm đậu ngoài giậu thưa
Nhớ em biết nói sao vừa
Ngẩn ngơ sớm tối chiều trưa một mình
Hỡi người em nhỏ xinh xinh
Biết anh ngày ấy khối tình nặng mang?
Đêm khuya gác vắng trăng vàng
Cớ sao lỗi nhịp cung đàn năm xưa!
Làm sao mà nàng không nhận ra được rằng "người em nhỏ xinh xinh" kia chính là nàng chớ? Tín hiệu riêng biệt đã nằm gọn trong ba chữ "lan cánh bướm" hờ hững, vô tình kia! Vì tên của anh em nàng đúng ra là tên ba chữ đi liền . Ai gọi nàng là Hồ Điệp hay Điệp không là sai, phải gọi nàng là Lan Hồ Điệp, Lê ... Lan Hồ Điệp! Cũng như anh nàng Lê ... Phú An Hòa! Không thể gọi An Hòa hay Hòa không thôi mà nghe được vì Phú An Hòa là nơi chôn nhau cắt rốn, làng xã của gia đình nàng. Và trong những người thân quen với nàng, duy chỉ có Hiếu mới bận tâm để ý đến những ý nghĩ thầm kín đó của ba má nàng lúc đặt tên cho con! Có lần, chàng còn nói thêm rằng loài "Lan Hồ Điệp" là một loài lan rất hiếm, rất quý, có sắc tím pha hồng điểm lấm tấm những nốt tròn đen chung quanh nhụy. Dưới ánh nắng ban mai và trong cơn gió nhẹ thoảng qua, những cánh "lan" kia sẽ lấp lánh, lung linh như muôn ngàn "cánh bướm" đùa bay! Ôi, không "lỗi nhịp cung đàn" đâu anh Trung Hiếu, Văn ... Trung Hiếu của em! Chẳng qua vì tình thế bắt buộc mà mình phải sống trong cảnh xa cách vậy thôi!
Rồi còn có bốn câu nhắc lại một thời đã qua nữa chớ:
Ngày nao đi học cùng đường
Nhìn đâu cũng thấy người thương bên mình
Đóa lan, giấc điệp, chữ tình
Quẩn quanh, ôi, bóng với hình, đôi ta
Tuy là bị những dấu phẩy ngắt đoạn, chia cắt nhưng nàng cũng thấy ra ba chữ "lan giấc điệp," nào khác gì với "lan cánh bướm" hay Lan Hồ Điệp. Vả lại, phải chăng cả ba thứ "đóa lan", "giấc điệp", và "chữ tình" đối với chàng chỉ là một? Ôi, anh đúng là "thi sĩ của lòng em!" Và rồi đặc biệt hơn nữa, người thi sĩ kia tuy có đa sầu đa cảm nhưng lại rất chung tình với cảnh cũ người xưa, biểu hiện qua mấy vần thơ:
Ở đây xe cộ dập dìu
Càng trông càng thấy đìu hiu phận mình
Ở đây chẳng có bạn tình
Dắt nhau hái mận bên đình một phen
Ở đây lắm kẻ bon chen
ảo sao không kiếm ma men giải sầu
Ở đây dài lắm canh thâu
Hướng về quê cũ nhạt màu thời gian
Ở đây ngày bạc đêm vàng
Tìm đâu thuở ấy bên nàng tôi yêu
Nhớ hồi đọc tới bài này Hồ Điệp bỗng ghen thầm với "con mén" nào đó đã từng "dắt nhau hái mận bên đình" với chàng! Vì nàng tự biết quá rõ là Hiếu chưa từng làm chuyện gì bên đình, bên miễu với nàng hết. Đã vậy còn bày đặt đi "kiếm ma men giải sầu" nữa chớ! Anh thiệt là quá lắm rồi, Hiếu ơi! Nhưng "thuở ấy bên nàng tôi yêu" thì chắc chắn là phải dành riêng cho nàng thôi, vì "con mén" kia còn nhỏ lắm, làm gì biết chuyện yêu đương? Em tạm tha tội cho anh, cái tội bằng trời đã dám san sẻ tình yêu đó, hỡi người "thi sĩ của lòng em!" Thi sĩ thứ thiệt chớ không phải "thi sĩ con cóc" đâu nghen! Ừa, mà chính tác giả bài "con cóc nhảy ra, con cóc ngồi đó, con cóc nhảy đi" cũng không hẳn là "thi sĩ con cóc," theo ý nàng! Tại vì người đọc không chịu khó tìm hiểu cái tâm trạng và hoàn cảnh sáng tác của tác giả đó thôi. Nếu như "bài thơ con cóc" kia được viết ra để kỷ niệm với người tình của mình trong một buổi chiều về êm đềm như buổi chiều hôm nay, tay trong tay bên một bờ ao nào đó, há không phải là "tuyệt tác" hay sao? Sở dĩ độc giả chê là tại vì độc giả không tìm ra tâm tình gửi gấm, ẩn ý sâu đậm của tác giả ấy mà ...
Dòng suy tư, thơ thẩn với mấy vần thơ của nàng bỗng bị cắt ngang bởi lời phân bày của Chiêu:
- Kể ra chị cũng là kẻ chung tình! Cái anh Hiếu tệ bạc kia từ bấy lâu nay đã hững hờ với chị, vậy mà chị vẫn không hề đổi thay, tiếp tục xem nhẹ những mời mọc, tán tỉnh của hàng tá các anh chàng dốc tâm theo đuổi, cố tìm mọi cách để xin chị ban phát cho một nụ cười, một ánh mắt, một lời nói, một câu chào ...
Hồ Điệp vội vã xen vào:
- Ồ, Chiêu đừng có nói vậy! Giữa anh Hiếu với chị đâu là gì của nhau! Ảnh có nếp sống riêng tư của ảnh và chị có cuộc đời của chị. Đâu phải tại vì ảnh mà chị không ngó ngàng tới các người khác. Với lại, như Chiêu đã biết, tánh chị không thích làm cao, chẳng qua là mọi chuyện đều xảy ra không đúng thời điểm của nó mà thôi!
Mà thật vậy, Hồ Điệp không hề có tính làm cao, mặc dầu nàng tự biết mình có chút nhan sắc. Làm con gái đẹp thì bắt buộc phải để cho "người ta" trêu ghẹo, theo quan niệm của nàng, nhưng còn đáp ứng lại hay không là quyền của mình. Rồi không phải những chàng trai đang dòm ngó, theo đuổi nàng là những kẻ sinh ra và lớn lên trong những gia đình nghèo khó, kém hèn. Nhiều đứa bảnh bao ra phết ở cái mã chưng diện bề ngoài và nhiều đứa thật sự trông khôi ngô tuấn tú, hào hoa phong nhã một cách bẩm sinh . Nhưng chẳng hiểu sao, tất cả dưới mắt nàng đều bỗng trở nên vô duyên tệ! Nhứt là lúc phát ra những lời nói ngô nghê, ngớ ngẩn chẳng ăn nhập vào đâu! Tội nghiệp! Đúng, tội nghiệp, nàng chỉ biết ban phát cho họ sự thương hại vì đã bỏ công gieo cầu không đúng chỗ. Tình yêu không thể đến bằng con đường một chiều, phải có qua có lại, có đi có về. Và lắm lúc còn cần phải chiến đấu với chính mình để vượt qua biết bao chướng ngại vật đầy dẫy trên đường hầu tiến nhanh đến đích.
Như ngay trong trường hợp của Hồ Điệp cũng vậy, nếu nàng vì tự ái, không thèm đếm xỉa gì đến cái địa chỉ mà Hiếu, chẳng hiểu vô tình hay cố ý, ghi ở trang cuối của "món quà" đặc biệt và không thèm viết thư thăm hỏi chàng thì chưa chắc hai đứa đã nối lại nhịp cầu, lấp đầy được hố sâu ngăn cách trong khoảng thời gian im lặng giữa đôi bên. Mãi cho đến bây giờ nàng vẫn không tin rằng, qua lời Hiếu giải thích trong thư, chàng mặc nhiên xa nàng chỉ vì muốn xóa bỏ cái "mặc cảm tội lỗi" với bạn, với anh Hòa, khi đã âm thầm đi "dê" hoặc "dụ dỗ" em gái bạn. Ô hay, trong chuyện yêu đương, tình ái thì có biết mèo nào cắn miêu nào? Ai "dụ dỗ" ai? Tại sao lại có chuyện vô lý, trớ trêu như vậy được chớ? Điều này đã làm nàng thấy rằng tình yêu quả là một cái gì rất đẹp đẽ, trân quý nhưng quá mong manh! Nó có thể vỡ tan từng mảnh vụn trong phút chốc chỉ vì một lời nói vô tình, một sự hiểu lầm cỏn con chưa hẳn đã dính dáng gì với những người trong cuộc. Nàng vẫn đinh ninh rằng anh Hòa của nàng đã "phát ngôn bừa bãi" hay "hành động thô lỗ" gì gì đó ghê gớm lắm, đến nỗi làm Hiếu lặng tiếng, im hơi lâu đến như vậy! Riêng với phận nàng là gái, cột chẳng tìm trâu, thì nàng đâu có thể làm điều gì khác hơn được. Cũng may, "hiệp phố châu về," sau cơn mưa trời lại nắng ...
Rồi chẳng biết có hiểu lầm ý nghĩa câu nói của Hồ Điệp hay không, đột nhiên, Chiêu đưa ra đề nghị mới:
- À, hay là để Chiêu giới thiệu với chị một anh bạn mới quen, sĩ quan không quân mới ra trường . Bảo đảm cao ráo sạch sẽ và ăn nói nhẹ nhàng dịu dàng như gió như mây!
Hồ Điệp liền giẫy nẩy:
- Nữa, thôi đi Chiêu à! Chị sợ mấy ông lính lắm, nhiều ông nói dai như đỉa đói, giẻ rách ... Chà, bữa nay Chiêu định lên lớp, đòi làm người "gỡ rối tơ lòng" cho chị đó hả? Còn chuyện của "hai cô cậu" Yến và Chiêu thì đã đi đến đâu rồi nè ? Coi chừng "chuyện người ta thì sáng mà chuyện của mình thì quáng" đó nghen!
Hồ Điệp đứng dậy, bưng thau nước dơ đem đi đổ trên vạt đất trống. Chiêu tươi cười, vui vẻ nói vói theo:
- Lúc nào cũng xuôi chèo mát mái, thuận gió xuôi buồm chị ơi! Ối, mà nếu lỡ có điều chi trục trặc, Chiêu chỉ cần cầu cứu đến chị thì mọi chuyện sẽ đâu vào đấy ngay chớ gì phải sợ!
- Ý, đừng có ỷ y nghen! Con Yến nó cũng hay hờn giận, lẫy đương lắm à! Đừng làm quá mà có ngày nó cho đi tàu suốt đó!
Nói thì nói vậy chớ Hồ Điệp cũng thừa biết chuyện "cơm vẫn lành, canh vẫn ngọt" giữa Kim Yến và Chiêu vì con nhỏ có tật hay khoe . Đại để, những gì Chiêu đã làm để lấy lòng người bạn gái của mình, con nhỏ đều kể vanh vách cho nàng nghe. Ngay cả những lần tặng quà. Những món quà tuy không mấy gì quý giá, đắc tiền nhưng rất ý nghĩa đối với người con gái, như một chiếc áo dài, một cái nón lá, hay một vòng đeo tay bằng đồi mồi. Ồ, mà đúng rồi, phải chăng tình yêu sẽ dễ dàng tìm đến hơn khi có sự bù đắp, chia sẻ những dư thừa, thiếu hụt của nhau? So với Chiêu, vẫn hay rộng rãi và xài sang vì gia đình tuy không giàu nhưng cũng thuộc thành phần khá giả, xem ra Kim Yến có phần nào chật vật hơn trong cuộc sống hằng ngày! Về với Chiêu, có thể nói Kim Yến bước một bước ... đi lên. Và ngược lại, phần nàng về với Hiếu, rõ ràng là nàng đang đi xuống! "Môn đăng hộ đối" vẫn mãi mãi tồn tại từ đời này qua đời khác và có phải vì nhận ra sự cách biệt đó mà, từ lâu, Hiếu đã muốn xa nàng? Có thể lắm vì nàng biết tánh Hiếu không chịu lòn cúi, bợ đỡ, hoặc nhờ vả ai! Chàng có tinh thần tự lập và ý chí phấn đấu, luôn tìm cách vươn lên trong nghịch cảnh, khó khăn...
Chiêu lại quay về chuyện cũ:
- Kể ra chị đặt tin tưởng và hướng nhiều về anh Hiếu cũng đúng, Chiêu nghĩ. Thời buổi nầy lính tráng, cho dù Võ Bị, Thủ Đức hay Không Quân, Hải Quân, làm sao có thể so sánh với giáo sư Đại học Sư phạm được chớ! Một đàng thì sống nay chết mai trong cảnh rày đây mai đó, còn một đàng thì an cư lạc nghiệp, yên ổn mọi bề, vững như bàn thạch . Đúng là một cách chọn lựa hết sức hợp lý, hợp tình đó chị!
Hồ Điệp đặt thau đồ xuống đất, múc nước lóng phèn chứa đầy trong vại nhỏ đặt cạnh gốc me già đổ ra thau đặng xả xà bông. Nàng giải bày tâm sự:
- Chị không nghĩ như Chiêu nghĩ! Với chị, tình yêu không đến bằng một sự so sánh và chọn lựa. Nó đến vì con tim và theo lý lẽ của con tim. Mà nói đến lý lẽ của con tim thì, ôi thôi, ... khó nói lắm! Chỉ khi nào, bỗng nhiên, ngàn dặm xa cách người mình yêu thì Chiêu mới cảm nhận và chiêm nghiệm ra. Mới thực sự thấy mình thiếu những gì rất cần cho cuộc sống, như hơi thở, như máu hồng ... Ậy, mà chị không có ý trù ẻo gì đâu nghen Chiêu ...
Bóng tà dương đã khuất dạng từ lâu và trời đang nhá nhem tối . Mọi vật chung quanh bắt đầu nhạt nhòa, hòa lẫn trong nhau . Qua song cửa ngôi nhà bên kia vườn, ánh đèn đêm le lói, thoi thóp như từ một hải đăng xa tít mù khơi. Tiếng côn trùng lúc tắt, lúc hiện phát ra từng đợt ngắn từ những bụi rậm quanh bờ ao như từng cơn uất ức nghẹn ngào, nỉ non ai oán. Gió hiu hiu Tết vẫn còn mơn man cành lá nhưng đã dần dần trở nên hơi se da, thấm lạnh làm Hồ Điệp bắt rùng mình. "Tõm," một con cá trồi lên ăn sống, động đậy mấy cụm bèo không chân, nổi trôi trên mặt nước ...
Chợt có tiếng nói giòn tan, rộn rã sau lưng:
- Mèn ơi, chị Điệp ở ngoài này mà nãy giờ Thuận đi kiếm quá trời! Thêm thằng Chiêu nữa, ở đây giữ ma cho chị Điệp hả?
Hồ Điệp quay lại, từ tốn:
- Vừa vừa thôi, Thuận. Có chuyện gì mà phải đi kiếm chị ... quá trời?
- Để báo cho chị một tin mừng!
- Nữa, lại muốn đưa chị lên chín từng mây rồi lẳng lặng rút thang như Chiêu phải không?
- Thiệt mà! Có anh Hiếu tới nhà thăm chị!
- Cái gì?
Hồ Điệp kêu lên trong rất đỗi ngạc nhiên, thiếu điều đánh rơi thau đồ xuống đất! Chiêu cười giả lả, chêm vào:
- Thằng Thuận nó nói có anh Hiếu đến thăm chị! Chị đã run tay và nổi da gà chưa?
Chưa thực sự hoàn hồn, Hồ Điệp còn hỏi lại cho chắc:
- Thiệt hôn đó, quỷ?
Thuận giải thích thêm:
- Ảnh cho biết ảnh mới về từ Sài Gòn! Đang nói ba điều bốn chuyện gì đó với cô Tám ở nhà trên!
Hồ Điệp nôn nóng:
- Thiệt vậy hả? Thôi thì hai đứa đi tiếp ảnh giùm chị một chút đi, chị bận đi lấy bươm bướm đặng máng mấy cái áo nầy trong buồng rồi chị sẽ lên sau ...
Nhìn bóng Chiêu và Thuận quay bước đi vào nhà, Hồ Điệp bỗng e ấp, cười nhẹ một mình. Nàng đã không còn che đậy được nữa. Nỗi vui mừng như đã rõ ràng thể hiện trên khuôn mặt, trên lời ăn tiếng nói, trên cử chỉ hốt hoảng, lúng túng của nàng trước mặt Chiêu và Thuận, nhất là với Chiêu. Nàng thực sự đang rơi xuống từ cung trăng. Vì từ lúc nàng nhận được "món quà" đặc biệt của Hiếu cho đến nay vỏn vẹn đã chưa tròn ... một tháng.
Rồi nàng cảm thấy bâng khuâng, thương hại cho cả hai, Chiêu lẫn Kim Yến. Với một mối tình quá vuông tròn đầy đặn, tình cảm dành cho nhau như chưa bao giờ vơi cạn hay qua một lần hụt hẫng, thì làm sao hai đứa nó có thể có được những đêm xuân rực rỡ như nàng và Hiếu đang trên đường tìm gặp trong đêm nay ...
Nguyễn Tấn Hưng
Theo http://www.honque.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Fukushima: Thảm họa vẫn còn tiếp diễn 4 Tháng Chín, 2023 Trích từ tiểu thuyết “Trò chuyện với thiên thần” của Trương Văn Dân Ba đang...