Thứ Hai, 17 tháng 7, 2017

Thơ Ngô Thái ấm áp đầy sẻ chia

Thơ Ngô Thái ấm áp đầy sẻ chia 
(Đọc tập thơ "VỚT TRĂNG" NXB 
Hội Nhà văn 2016 của Ngô Thái)
Trong hành trình đi theo mê đắm của cái đẹp, tôi có cảm giác Ngô Thái là người đã may mắn vớt được trăng. Trăng trong thơ Ông cũng huyền ảo và đầy mê đắm như cái đẹp. Trong tập thơ mới nhất, có tựa đề "Vớt trăng" Ông đã gửi đến chúng ta nhiều Thông điệp, trong đó rõ ràng hơn cả là tuyên ngôn về tình đời, lẽ sống, về cái đẹp và vẻ đẹp nhân cách. Tôi gặp ở đây một Ngô Thái đầy hăm hở và trách nhiệm.
Trong bài thơ lấy tựa đề cho cả tập "Vớt trăng" là bài thơ mang đến cho bạn đọc nhiều bâng khuâng, đầy mơ mộng, và hình như có cả sự tiếc nuối nữa. Trăng là ẩn dụ của cái đẹp. Hiển hiện giữa bầu trời khi tròn khi khuyết, ta ngửa mặt nhìn lên và bắt gặp ở đó một con thuyền, một cánh buồm, một làn mi cong con gái. Còn trăng ở đáy hồ là hình bóng của trăng, hình bóng của một mỹ nhân, mà cả đời ta đeo đuổi, kiếm tìm. "Vớt trăng" là "Vớt" những cái đó. Em ngồi vớt trăng còn anh ngồi ngắm em, là anh cũng đang "vớt" cái anh đeo đuổi, anh mê đắm, mà đâu phải vớt trăng, vớt trăng chỉ là cái cớ để "Vớt lên những tháng những năm/ Lung linh dát bạc ánh trăng đáy hồ...". Đáy hồ mà có ánh trăng. Trăng chỉ có "ánh" khi tỏa sáng. Phát hiện này của Ngô Thái gửi đến chúng ta Thông điệp tỏa sáng. Chỉ có tỏa sáng, trăng mới nên thơ, nên mộng. Cuộc đời con người ta cũng vậy, chỉ thực sự là tấm gương khi biết sống đẹp, sống vì người khác. Chính vì thế mà tiếc nuối, mà phải đi tìm. mà thương nhớ mông lung: "Chòng chành trăng lặn trong mơ/ Vớt bao nhiều nỗi đợi chờ không anh". Người xa như tăm cá bóng chim....biết đâu mà tìm, thì tìm trong đáy nước. Cảm nhận đầy hư ảo này thắp lửa cho trái tim. Thắp lửa niềm mơ. Thắp sáng cho cáo đẹp.
Với một một ý thức công dân đầy trách nhiệm, Ngô Thái đưa chúng ta đi đến nhiều miền ký ức và tâm trạng. Có lúc đầy mộng mơ, da diết. Nhưng cũng có khi là thăm thẳm nỗi niềm. Tâm trạng mang thông điệp của cái đẹp Ngô Thái lúc như bức ký họa chồng mờ, khi thô mộc như thuận miệng mà nói ra vậy. Nhưng tất cả đều ánh lên vẻ đẹp của nhân cách, hiền dịu và thanh bình như anh trăng.
Nổi lên trong tập thơ này là Ông viết về quê hương xứ sở, về người lính và chiến tranh cách mạng. Viết về quê hương, thơ Ông có nhiều trở trăn, day dứt: "Bến sông quê" là một trong những bài thơ thăm thẳm nỗi đời đầy ơn nghĩa: "Một mình nơi bến sông quê/ Rì rầm tiếng sóng vỗ về bãi non/ Thả hồn chạnh nhớ tuổi son/ Thoảng nghe tiếng Mẹ ru mòn năm canh..."
Hình ảnh người Mẹ trong thơ Ông vừa gần gũi thân thương, vừa rưng rưng một nỗi niềm ân nghĩa, đầy cảm động. "Lặn lội đầu hôm bến nước, chợ chiều/ Gánh hàng sổi, nhặt từng đồng bạc lẻ/ Bát cơm độn đắng mồ hôi của Mẹ/ Con lớn dần trong tuổi Mẹ xế tà...". Tre già măng mọc đó là quy luật của tạo hóa. Dù muốn hay không muốn thì cũng phải đến ngày rời khỏi bàn tay Mẹ để tự đứng, tự đi. Quay trở về Mẹ không còn nữa. Lúc bấy giờ mới hiểu hết được sự cô đơn trống trải, đầy bất lực của sự chia cắt, vắng xa...Có chút gì đó như ân hận, như thức tỉnh. "Con trưởng thành Mẹ đã đi xa/ Suốt cuộc đời hằn sâu nỗi nhớ/ Tóc chớm bạc ...mỗi khi trời trở gió/ Sắt se lòng...bóng Mẹ thuở xa xôi..."
Đúng là "Quê hương mỗi người chỉ một/ Như là chỉ một Mẹ thôi/ ...Nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nổi thành người..." Với tâm thức này, những câu thơ Ngô Thái viết về miền quê Đất Tổ thật da diết, đằm sâu. Trong bài thơ "Hương quê" ta như gặp cả hồn người Đất Tổ " Minh Nông ... Mùa gặt tôi về/ Đường làng, ngõ xóm bộn bề rạ rơm/ Thoảng mùi gạo mới cơm thơm/ Dẻo săn giống lúa Nàng Hương quê nhà...!". Trên mảnh đất phát tích, tụ hồn thiêng sông núi, còn lưu giữ bao vẻ đẹp về Văn hóa. Ngô Thái không quên: "Bát canh cua đĩa dưa cà/ Vị quê đau đáu đậm đà xiết bao..." Đau đáu. Đúng là chỉ có đau đáu nhớ về quê mới có thể thốt lên: "Chạnh lòng da diết chốn quê/ Chiến tranh qua, mấy người về người không/ Niềm quê lặng xuống cánh đồng/ Cánh có chao nắng...mây bồng bềnh trôi..." Nghe hoang hoải một nỗi niềm trong cuối chiều mây trắng, chấp chới một cánh cò về tổ và bóng Mẹ trên đồng...như dấu hỏi trĩu xuống chân trời...
Cũng vẫn lối tư duy ấy, nỗi niềm ấy, nhưng ở những bài thơ viết về chiến tranh cách mạng Ngô Thái hào sảng hơn. Ở bài thơ "Viếng nghĩa trang Trường Sơn". Trong mảng đề tài này, ta bắt gặp một Ngô Thái của ký ức, rõ nhất là nỗi đau, "Những cánh rừng xa đất Mẹ các anh nằm/ Hãy về đây bên mái đầu tóc bạc/ Thắp nén tâm hương mà lòng đau thắt/ Các anh ở đâu... mà không gặp nghĩa trang này/..." . Cái giá của chiến tranh thật khủng khiếp. Có mất mát nào lớn lao bằng cái chết, thật chẳng sai. Các anh nằm lại bờ tre, ngọn suối, nằm lại dọc những cánh rừng, giờ chưa tìm thấy mộ, thì "Thắp nén tâm hương ở đầu ngọn gió" để hương khói chẳng quên người nào. Biết là vậy sao vẫn xót xa... "Tôi lặng đứng chắp tay ngược gió/ Lời nguyện cầu và nén tâm hương thắp lên ở đó/ Còn bao mộ vô danh nơi dãi núi cánh rừng/ Thắp nén tâm hương như thắp cả nỗi lòng/ Nghĩa trang Trường Sơn ...ngàn bát hương đang hóa/ Tôi cũng như bao người - Ước trở thành vòm lá/ Che chở các anh nằm có hoa nở quanh năm..." Ước trở thành vòm lá để che mưa che nắng cho các anh nằm là biểu hiện của lòng ơn nghĩa, của ý thức đáp đền. Những ai không biết sống như thế là vô ơn bạc nghĩa, sẽ là phi nhân tính. Trong thăm thẳm nỗi niềm thương yêu đồng đội, Ngô Thái có lúc như nấc lên trước nỗi đau. Nhiều khi lại lặng đi như cái im lặng đầy căng thẳng trước giờ nổ súng. Ông từng là thanh niên xung phong, đi làm nhiệm vụ quốc tế ở chiến trường Lào nên thơ Ông viết về người lính và chiến tranh cách mạng là thơ của người trong cuộc. Ông là nhân chứng của lịch sử những năm tháng đầy cam go, khốc liệt ấy. Chính vì thế mà dù còn thô giáp, những câu thơ của ông ở mảng đề tài này vẫn nguyên giá trị có tính thời sự. "Về đảo Yến" là một bài thơ cảm động viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Ở bài thơ này, tính chân thực được đề cao, Ngô Thái như chỉ chép ra thôi: "Tên tuổi Người đi vào huyền thoại/ Lịch sử vinh danh...Năm châu khâm phục...đất nước, ghi ơn...Vị Đại tướng của lòng dân bất tử/ Bậc hiền tài về với Tổ Tiên/ Triệu triệu người tiếc thương lưu luyến/ Người Đức độ xưa nay thật hiếm/ Cả cuộc đời trọn đạo hiếu trung..."
Đại tướng Võ Nguyên Giáp của chúng ta, mùa nhân dân Việt Nam là như thế. Ông là Đại tướng của lòng dân cũng là danh tướng của thế giới. Ngày Đại tướng ra đi tôi đã nấc liên hồi, tôi đã khóc như cha mất vậy. Còn Ngô Thái trong nỗi tiếc thương vô hạn đã thắp một nén tâm hương từ lòng thành kính biết ơn. "Chí lớn mưu cao...Lòng kiên định vì dân vì nước/ Mặc nhân tình thế thái đổi thay/ Lấy Kiên-Nhẫn-Bình tâm làm trọng/ Chốn bồng lai đón Bác. ..Vĩnh hằng/ Danh Đại tướng uy linh - Bất tử.!" Ơn nghĩa phải trả bằng ơn nghĩa. Mong tất cả chúng ta đều ý thức được điều đó.
Khác với hai mảng đề tài vừa đề cập ở trên, ở mảng thơ tình, Ngô Thái có rất nhiều câu thơ đầy mộng mơ như người trẻ, chỉ có là người trẻ mới viết được thế này: "Bâng khuâng nỗi nhớ chiều mưa/ Thấm qua vạt áo ai vừa mới khô/ Em tôi nũng nịu nói đùa/ Trời ơi..! Hãy tạnh đừng mưa thế này/ Gió đưa hơi nước lên mây/ Tình anh đậu xuống vai gầy ... Nhớ em/ Tiếng chim rơi lặng...bên thềm/ Nhìn theo em bước...đất mềm níu chân..."
Đúng là Ngô Thái đang ở giữa bao nhiêu giằng níu thật. Nửa như muốn bước đi. Nửa chùng chình không muốn. Thành ra nhiều khi cứ dùng dằng đi không được, ở không xong. Có lẽ chính vì thế mà yêu ai nhưng vẫn chỉ đứng nhìn từ xa: "Gặp em bên bờ suối/ Giữa đại ngàn Thông reo/ Gió nâng hương rừng ngát/ khóe mắt ngời...trong veo/ Chiếc lá vàng buông nhẹ/ Nương mái tóc huyền vương/ Tà áo Chàm thấp thoáng/ Nhòa dần...trong chiều sương" Nhìn theo ngơ ngẩn...Giữa bông bềnh trưa Tam Đảo, nghe thương lắm, một nỗi niềm chơi vơi...!
Bóng chiều đổ xuống. Người về trong núi, người đừng nhìn theo ngơ ngẩn, tiếc nuối, cô đơn. Hình ảnh này gợi lại cái cảnh vớt trăng chìm đáy nước, bóng người câu...Cũng là sự đi tìm , đi " Vớt" cái đẹp. Phải không nhà thơ Ngô Thái yêu mến của chúng ta. Đọc, ngẫm ngợi và cảm thông cho Ông ở nỗi niềm trống vắng, và vui của Ông những lúc trăng lên, gió thổi, khi "Vớt" được bóng hình nào... cả đời đi theo mê đắm cái đẹp, thơ Ông đẹp một cách chân mộc, ấm áp và đầy sẻ chia. Nó cũng thanh bình và dịu mát như ánh trăng vậy. Chúng ta mừng cho Ông đã "Vớt" được trăng trong biển hồ nhân nghĩa, thắm đượm tình nhân ái, và lung linh một vẻ đẹp nhân cách.  
Tiên Cát, Việt Trì 8/10/2016
Nguyễn Hưng Hải 
Theo http://vannghecongnhan.com/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Gió mùa - Tạp bút Phương Uyên

Gió mùa - Tạp bút Phương Uyên Một mình lang thang chiều cuối thu. Cơn gió đầu mùa đã về mang theo những không khí se lạnh đầy xao xuyến, t...