Chủ Nhật, 16 tháng 7, 2017

Thơ Quảng Nam mười năm 1997-2007

Thơ Quảng Nam mười năm 1997-2007
 Vài cảm nhận nhân đọc tập thơ: Thơ Quảng Nam mười năm 1997-2007
 Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Nam 3/2007.
Dường như những dự định hội họp gửi bản thảo của anh em làm thơ là hội viên Hội Văn học nghệ thuật Quảng Nam và những chuyện "trầm luân" của tập thơ đã qua. Cuối cùng tập thơ: "Thơ Quảng Nam mười năm 1997-2007" cũng ra mắt bạn đọc.
Như "lời nói đầu" của tập thơ: "Kỷ niệm mười năm tái lập tỉnh Quảng Nam Hội Văn học-nghệ thuật tỉnh Quảng Nam trân trọng giới thiệu 38 gương mặt thơ-là hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh". "Trong mười năm ấy thơ ca Quảng Nam đã đồng hành với những mất mát đau thương của chiến tranh những trăn trở buồn vui trong cuộc sống mới của quê nhà... Tất cả đều day dứt lấp lánh đằm thắm được những người làm thơ ở đất quảng giãi bày nỗi niềm trong từng tác phẩm của mình. Đây cũng chính là mạch nguồn của truyền thống Văn học đất Quảng được các thế hệ làm thơ hôm nay gìn giữ và phát huy".
Nếu xét về mặt thời gian 10 năm với một tập thơ của một vùng đất "luôn sát cánh bên nhau chung lòng chung sức hối hả và quyết liệt NĂNG ĐỘNG và SÁNG TẠO xáp vào sự nghiệp xây dựng cuộc sống mới giàu mạnh" thì tập thơ như vậy là mỏng và khiêm tốn. Nhưng khi đọc tập thơ ấy dẫu sao cũng đáng ghi nhận và trân trọng gửi gắm vào lòng độc giả có thể ở sự mới mẻ sự chân thật và qua thử thách thời gian của nhiều tác phẩm.
Cảm nhận đầu tiên của tôi khi đọc tập thơ là sự chọn lựa và quyết đoán của ban tuyển chọn kỹ tốt có cân nhắc. Tập thơ đa giọng điệu đa thể tài chuyển tải trao gửi được tâm trạng những cảm xúc và phong cách của từng cây bút riêng biệt. Âu đó cũng là ưu điểm không dễ có của những tập sách in chung nhiều tác giả.
Ở bài viết ngắn này tôi không có tham vọng đánh giá toàn bộ các tác giả. Tôi chỉ có một vài nhận xét nào đó có thể rất chủ quan về một vài tác phẩm hoặc một vài tác giả có những giọng điệu "đặc trưng" nào đó những "cốt cách" văn chương nào đó. Nếu có sơ suất nào thành thật xin lỗi.
Trương Vũ Thiên An là tác giả của 3 bài thơ: "Cơn giông" "Mẹ và cơn mưa" "Ngọc xưa". Thơ anh là khúc ca thánh thót của loài chim sơn ca chất thơ truyền thống ngôn ngữ chỉn chu giàu hình ảnh: "Là hạt nhưng không là cát bụi/ trang kinh xưa đánh tréo chỗ tôi ngồi/ em với long tôi lễ hội/ khách mời trắng cả trùng khơi/ là hạt cát-em bước ra từ ngọc/ đêm ban ơn lót biển em về/ những chiều bể khơi nổi lửa/ dịu dàng tôi khép vỏ trai xưa" (Ngọc xưa). Đôi lúc thơ anh tắt nghẹn giữa điệu ca dao quê nhà bởi tâm hồn mỏng manh run rẩy trước nỗi đau của mẹ của em của tình yêu đất đai và số phận. Thơ anh giàu nhạc điệu và thoang thoảng mùi hoa hồng tinh khiết. Ở nhà thơ Nguyễn Hàn Chung là nỗi ám ảnh về con chữ về sự cách điệu hàm ẩn của hình ảnh về những giấc mộng mị xô bồ nỗi trầm luân của kiếp nhân sinh. "Cuộc hôn phối bắt đầu/ có vị gừng cay muối mặn/ của vò xé âm ba phụng hiến/ của chiếc lá nửa vàng cố giữ nửa kia xa/ lao lực cả đời mà vẫn trống không/ nhưng biết em đang đứng lặng/ là thấy rào lên cơn sóng/ nguội ngầm từng trải rất thơ ngây". "Trước xuân". Thơ Phùng Tấn Đông luôn thách đố và ám ảnh người đọc ở phần thi pháp. Cái mới lạ của hình ảnh ngôn ngữ đan xen với "ý thức triết học" về một "cái tôi lẻ loi" của cây bút sung mãn nội lực nội tại đang dồn nén: "Rồi cũng cố mà xanh lá đang rơi xuống cõi mơ ngày/ cột giấc nhớ vào những lùm dứa dại/ chảy lạnh tê long khe cát trắng/ mơn man gió nồm lên mắt lên môi/ chiếc thúng chai ném ra đầu song/ đèn thắp lên là bè bạn chân trời" (Những ý nghĩ rời trong một lúc). 
Ở một thái cực khác thơ Nguyễn Tấn Sĩ tràn trề xúc cảm. Một ngọn bút hừng hực khí chất của người lính vì quá độ chăng nên luôn giễu cợt và mang tính triết lý nhân sinh về các số phận về những hư danh của cuộc đời: "Đêm Thúy Kiều em bày vẽ cuộc vui/ anh bày vẽ cuộc buồn ly rượu đắng/ nếu cầm được linh hồn đi phơi nắng/ anh chẳng còn vui em chắc chẳng còn buồn/ hát đi em Kim trỗi giọng thính phòng/ Mã rối rít dăm bài nhạc sớm/ bác Nguyễn Du chạnh lòng tắt nến/ quờ quạng đôi tay anh bắt gặp tay mình" (Đêm Thúy Kiều). Thơ của tác giả Huỳnh Minh Tâm là nỗi thường trực vui buồn cuộc đời của cái đẹp long lanh ngấn lệ đứng trước thời gian vô thường khắc nghiệt. Thơ anh ca ngợi những vẻ đẹp vĩnh cửu trong giây phút hiện tiền: "Đôi khi chúng ta quá xa những người thân yêu/ quá xa những đám mây vàng chiều chiều bay về khu vườn mẹ/ quá xa giọng ca đám lá mục tan rữa/ hoa huệ vẫn trong trẻo ngay cả lúc rũ xuống/ mẹ tôi chớm nghĩ về sự chết/ tôi nghĩ về trường tồn bất khả/ tiếng chuông thánh thót bên kia ngọn núi quê nhà ". (Hoa huệ và thời gian).
Những nhà thơ nữ đã đóng góp nên sự thành công của tập thơ cũng khá đông: Lê Thị kiều Chinh, Lê Thị Điểm, Đỗ Thị Kết... Thơ chị Mai Thanh Vinh đằm thắm là tiếng sóng vỗ bờ một năm dài là khát vọng bền bỉ treo trên sự tơ trời mỏng mảnh: "Bỏ lại bờ ao - em chìm trong ảo ảnh/ chùng chình con nước phía người đi/ tiếng gà gáy vọng vầng trăng  mờ sáng/ quang gánh nhọc nhằn gác lại góc hoàng hôn/ thôi đành vậy bao giờ em trở lại/ khi ban mai le lói ánh mặt trời/ vẫn hương lúa làng quê thơm lựng gió/ đêm trăng về ngả nón hứng mùa sang" (Bao giờ em trở lại).
 Huỳnh Minh Tâm
Theo http://tamdailoc.vnweblogs.com/        


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Fukushima: Thảm họa vẫn còn tiếp diễn 4 Tháng Chín, 2023 Trích từ tiểu thuyết “Trò chuyện với thiên thần” của Trương Văn Dân Ba đang...