Thứ Bảy, 30 tháng 9, 2017

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh và Nỗi Lòng

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh và Nỗi Lòng
Năm 1952, khi tôi cộng tác viết loạt bài phê bình âm nhạc trên tờ nhật báo Giang sơn, chủ nhiệm; bác sĩ Hoàng Cơ Bình - ở phố Hàng Trống Hà Nội, tôi được quen nhạc sĩ trữ tình nổi tiếng thời bấy giờ là Nguyễn Văn Khánh, (NVKh) tác giả các ca khúc được nhiều người ưa thích: Chiều vàng và Nỗi lòng.
Lúc ấy, Nguyễn Văn Khánh là công chức Sở Tài chính thành phố Hà Nội. Con người NVKh, ai mới trông thấy cũng cảm thấy tỏa chất nghệ sĩ, từ mái tóc, lối nói chuyện và nhất là dáng dấp thật phong phú!  NVKh ít nói, nhưng khi nói thật dí dỏm, có duyên. Nhà NVKh ở phố Khâm, Thiên, phố toàn nhà các cô đầu, ở trong ngõ, nhưng đất rất rộng. Khu ăn chơi này, trong một bài thơ nói đến thảm cảnh 2 triệu dân chết đói 1945, nhạc sĩ Văn Cao đã gọi đó là phường Dạ Lạc (bài Chiếc xe xác đi qua phường Dạ Lạc), đã làm xúc động  dân chúng Bắc hà. Trong khuôn viên, có cả một cái ao nuôi cá, nên vào ngày chủ nhật, NVKh có cái thú ngồi uống rượu và câu cá. Rượu đối với NVKh là cái hũ chìm, uống bao nhiêu không say mà càng uống càng tỉnh táo.
Lối uống rượu của NVKh đáng gọi là tiên tửu, khác hẳn một số đông tực tửu, rượu vào lời ra, ăn nói thô lỗ đi đến cãi nhau, đánh lộn!.   Hàng tuần, NVKh hay đến vũ trường chơi với tôi vào thứ 5; còn tôi thì khoảng 10 giờ sáng chủ nhật là xuống uống rượu, câu cá, hàn huyên với NVKh. Có một lần, vào một sáng chủ nhật mùa đông gần  Tết; trời lạnh như cắt ruột; xuống đến nhà, thấy Khánh đang đứng phục vụ vợ chiên một cá chép rất lớn. Thấy tôi đến, Khánh vội dừng tay, kéo tôi lên nhà, quạt lò lửa cháy lớnm, hơ tay sưởi cho đỡ lạnh.   
Hôm ấy lại mưa phùn lất phất, nên chúng tôi không ra câu cá mà ngồi với nhau trong nhà. Một lúc sau Khánh ôm cái hũ sành khá lớn ra,  đặt lên trên bếp lò, cưới, nói:
– Lòng mình lúc nào cũng lạnh, mùa đông mưa phùn gió bấc lại càng lạnh, nên chúng mình phải đổ nước sôi (rượu hâm thật nóng) vào để cho lòng ấm lại. Hôm nay cậu phải uống thật say, mệt thì đắp chăn bông ngủ kỹ, đến tối tôi đưa cậu đi làm.
Dứt câu nói, thì chị Khánh đã bưng mâm  lên, đặt vào giữa bộ ghế ngựa (những tấm cây lớn ghép vào nhau để nhiều người ngồi ăn hoặc vài người có thể nằm ngủ). Thế là hai đứa  tôi ngồi đối ẩm, tán phét đủ chuyện trên đời cho đến chiều.
Được vài hôm, tôi được ban tổ chức Chợ Phiên (kermesse) tổ chức đón mừng xuân Quý Tỵ (1953) tại bờ hồ Hoàn  Kiếm - nhờ lo cho một cuộc thi hát. Tôi nhận lời và lập ban gíám khảo; người đầu  tiên được mời là Nguyễn Văn Khánh, rồi Hoàng Trọng,  Hùng Lân. Trong số thí sinh được phát thưởng hộm ấy, đến bây giờ, hơn 40 năm tôi vẫn còn nhớ - có một thí sinh dự thi - anh Duy Trác sau trở thành nam ca sĩ nổi danh vào thập niên, 60, 70 và còn là luật sư tòa Thượng Thẩm Sài Gòn.
Dù thân với NVKh khá lâu mà chưa có lần nào có dịp thuận tiện để móc anh bộc lộ  đời tình ái của mình; khiến anh có được sợi tơ lòng óng ả ở các ca khúc Chiều vàng và Nỗi lòng. Thế rồi, cho đến một buổi chiều thứ bẩy vào dịp lễ Các Thánh (Toussaint), đột nhiên anh đến  chơi, rủ tôi đi lễ nhà thờ;  mặc dù cả hai chúng tôi đều không có đạo. Cách đó 2 ngày, tôi đã cùng người yêu bé bỏng có đạo đi lễ tại nhà thờ Hàm Long. Nhân buổi  lễ, tôi viết được bài Cầu xin Đức Mẹ, tôi bèn lấy ra hát cho NVKh nghe. Anh ngồi  lắng nghe tôi hát, xong, tùm tỉm cười, nheo mắt, nói:
- Đi với người đẹp, mắt cậu sáng như đèn pha ô tô, nên mới nhìn  thấy Đức Mẹ, để có được ca khúc này hả? Bài nghe ra có âm hưởng nhạc đạo lắm, được đấy!

Sau này, đất nước chia đôi, mỗi lần vào dịp mừng Chúa Giáng sinh, đài phát thanh cho trình bày bài ấy, tôi lại sực nhớ tới lời bình của NVKhánh.
Chúng tôi lững thững  đến nhà thờ. Sau buổi lễ hai đứa tôi băng qua đường, vào quán cà phê Bằng,… khi đang nhâm nhi ly cà phê nóng hổi;  trừ loa phóng thanh phát  ca khúc Nỗi Lòng: ‘yêu ai yêu cả một đời‘- tất cả khách trong quán im lặng thưởng thức. Khi giọng ca chấm dứt, tôi mở lời:
– Cuộc tình mê ly nào đã làm cậu có được bài Nỗi lòng và Chiều vàng buồn tê tái vậy?
Im lặng với nét mặt như đượm buồn, đưa hồn trôi về quá khứ, NVKhánh tâm sự. Khánh là con người đa sầu, đa cảm, biết yêu rất sớm. Mới bước vào năm thứ 2 bậc Thành chung (nay lớp 7), NVKh đã để ý, thầm yêu, trộm nhớ cô bé láng giềng. Cô bé này cũng đang cắp sách đến trường, con gái út của  một ông thông phán làm ở Phủ Thống sứ Bắc Kỳ.
Những đêm trăng sáng, NVKh ra đằng sau vườn nhà, mang đàn ra, hát: C’ est à  Capri,  J’ ai deux amours,  Madelon…, chứ tân nhạc lúc bấy giờ mới có được một, vài ba bài của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, Văn Chung, Dzoãn Mẫn… và chưa được phổ biến rộng rãi. Tiếng đàn quyện với tiếng hát trong đêm khuya thanh vắng, bay tới tai cô gái nhà bên. Về sau, cứ đúng giờ, NVKh ra vườn nghêu ngao. Có lẽ, cả hai đều tình trong như đã… nên  sau buổi học chiều về đến nhà, là cả hai cùng ta vườn sau, cách nhau có cái giậu mía thưa để nhìn nhau.  Để làm hiệu, NVKh ra tới gần cửa ra vườn là cất tiếng hát lớn. Một lúc sau, đang tha thẩn ngoài vườn, nhìn sang, NVKh đã thấy bóng dáng mỹ nhân cũng ra, giả vờ làm một việc gì đó, nhưng 4 mắt thường vô tình gặp nhau.
Một buổi chiều ra vườn, NVKh hái ở cây, một quả cà chua chưa chín, rồi vứt nhẹ qua hàng rào. Vứt xong, NVKh lên tiếng, nhờ cô nhặt giùm, vì với tay không tới. Cô bé ranh mãnh lắm, nhặt xong, đưa cho anh, nói bâng quơ:
– Quả còn xanh thế này sao tự nhiên lại rụng được?!
  NVKh cũng thông minh, láu lỉnh, đáp:
 Phải là quả chín mới rụng được hay sao, hả cô? Lá vàng còn ở trên cây, lá xanh rụng xuống được nữa là.  Cám ơn cô nhiều!
Lúc ấy 4 mắt liếc nhẹ nhìn nhau, thầm nói với nhau: tình của 2 đã rạt rào rồi. Đêm hôm ấy, NVKh thao thức, sung sướng, xen lẫn lo lắng; nên không sao chợp mắt được!  Nằm trong giường, NVKh chỉ mong chóng sáng, nóng lòng chờ tiếng gà gáy sáng, thỉnh thoảng lại nhìn lên chiếc đồng hồ quả lắc treo trên tường mong sao chóng đến 5 giờ –  nhưng ở đời, càng mong lại càng thấy lâu!
Nằm chán, lại ngồi dậy, ngồi mãi thì lòng dạ bồn chồn, đi đi, lại lại, thì mỏi chân; NVKh càng nóng ruột, thì lại càng nhớ. Thế rồi, chuông đồng hồ ngân nga 4 tiếng. Không tin ở tai mình, NVKh lấy bao diêm ra, quẹt lửa, nhìn kỹ, thì quả thực mới 4 giờ. Anh bực lắm, bước xuống giường, vặn cây đèn dấu sáng lên, lấy giấy bút ra ngồi vào bàn viết. NVKh viết tự tình gửi cho cô gái nhà bên. Viết rồi lại xé, xé xong lại viết; cứ như thế suốt 1 tiếng đồng hồ. NVKh chẳng viết được một lá thư nào ưng bụng, dù là ngắn ngủi. Đang loay hoay, NVKh mừng rỡ, khi nghe thấy chuông đồng hồ thánh thoát đổ 5 tiếng ngân vang.
Cùng lúc ấy, tiếng chuông nhà thờ gần nhà đổ từng hồi, ngân rung trong gió như đánh thức, như nhắc nhở - rồi hồi chuông dần dần nhanh như thúc giục đàn chiên của Chúa tỉnh giấc, thức dậy, chuẩn bị đi dự lễ đầu. Nghe tiếng chuông xong, không khí buổi sớm mai trong sáng đã làm cho mọi người vui vẻ, chào đón ngày mới tốt lành. NVKh cũng mang tư tưởng ấy, còn yêu đời hơn, lại vội vã đi ra vườn phía sau. Thật hữu duyên thiên lý, NVKh vừa ra đến vườn, nhìn sang bên cạnh, đã thấy người đẹp đang múc nước giếng, NVKh đánh liều, hỏi trước:
 Sao hôm nay cô dậy lấy nước sớm thế
Cô chưa kịp trả lời, vì đang kéo gầu nước đầy, NVKh hỏi tiếp ngay:
– Giờ mà trăng vẫn còn. Cô múc nước giờ này cô có múc được ánh trăng không đây?
Người đẹp không trả lời, nhìn NVKh, với ánh mắt thật tình, kèm theo nụ cười chúm chím, như đóa hoa hàm tiếu –  làm cho NVKh thấy mình luýnh quýnh, run rẩy –  vì quá cảm động – và bữa kể lại cho nghe, Khánh xác nhận hình ảnh ban đầu ấy, dù ngàn năm không những không bao giờ anh quên được mà nó còn rực sáng, nóng bỏng mãi trong lòng, mỗi khi nhớ đến; còn tưởng như mới xảy ra ngày hôm qua.
Thật đúng:
Cái buổi ban đầu lưu luyến ấy
Ngàn năm sau hồ dễ mấy ai quên!

(Thế Lữ)

Sau lần đối thoại đầy tình tứ ấy, NVKh và cô gái bé bỏng nhà bên có được những buổi hẹn hò bên hồ Hoàn Kiếm, rồi còn hẹn nhau đi xa hơn là Hồ Tây, Chùa Láng, Quảng  Bá, Nghi Tàm - và có lần lên Bác Cổ để tâm tình. Cuộc tình thơ mộng, trong sáng kia kéo dài tới 3 năm  -  cả 2 gia đình không một ai biết chuyện.

Cho tới khi NVKh học năm tư (4) Thành chung, đi thi tốt nghiệp Diplôme (Trung học cơ sở bây giờ), NVKh nhớ kỹ: buổi sáng đầu tiên thi luận viết tiếng pháp (Rédaction francaise) - ai đủ điểm trung bình trở lên thì ngày thứ 3 mới được thi oán và các môn kế tiếp. Thi viết xong, vô thi vấn đáp. Mỗi kỳ thi có 2 khóa kháo đầu (1ère session) vào tháng 6; khoa nhì (2ème session) vào tháng 8. Thi đậu kỳ thi viết, vào vấn đáp mà rớt thì khóa sau chỉ phải thi vấn đáp  thôi. Rớt vấn đáp nữa thì học lại 1 năm, để sang năm thi lại hoàn toàn.
Khóa thi trung học năm ấy, NVKh mải ngụp lặn trong cuộc tình, nên khóa đầu bị trượt. Cô em nhà bên được tin này buồn lắm, nói với Khánh:
– Anh bị rớt keo đầu rồi thì em không muốn thấy anh phải mất thêm 1 năm nữa học lại. Vì thế, trong 3 tháng hè này, em xin anh phải để hết tâm trí vào việc học, và nhất định em không gặp anh như trước được nữa!
Nguyễn Văn Khánh năn nỉ, hứa chắc chắn rằng khóa 2, anh sẽ đỗ – nhưng chỉ xin mỗi tuần cho anh gặp 1 lần vào chiều chủ nhật. Nói mãi, cô ta mới bằng lòng, lại cương quyết: nếu thi khóa 2 không đỗ thì chia tay luôn!  Đó thật là một động lực vô cùng mãnh liệt, khiến NVKh dùi mài kinh sử đêm ngày; đến khóa thi, NVKh đỗ thật. Đời có những may rủi thật bất ngờ.
Đúng lúc ấy, NVKh đang mừng, no tròn mộng đẹp – thì cụ thông phán phải đổi lên Thái Nguyên, cách xa Hà Nội hàng 100 cây số.
Đêm cuối cùng ở Hà Nội, 2 người đã gặp nhau chia tay tạm biệt.  Sáng hôm sau, với vẻ mặt thẫn thờ, NVKh ra khỏi cửa nhà, nhìn, và chờ chiếc xe đưa người yêu rời xa cố đô Thăng Long để ngược lên miền núi.  Nói tới  đất Thái Nguyên, người miền xuôi ai cũng sợ, cho đó là nơi của ma thiêng, nước độc. Có người còn xếp Thái Nguyên, đất khỉ ho, cò gáy, chó leo thang – thực tế, họ sợ là phải, vì mạn ngược thỉ bệnh sốt rét hoành hành ác liệt, nên đã có câu:
“Lử khử lừ khừ không ở Đại Từ thì cũng Vũ Nhai” nên NVKh vừa lo vừa thương người yêu – từ hôm ấy NVKh  tương tư ra mặt.
Thời đó, phương tiện giao thông thật hạn chế, chỉ có xe lửa từ Hà Nội lên Lạng Sơn, muốn đi Thái Nguyên phải xuống ga Bắc Giang, rồi đi xe đò ngược lên, mà mỗi ngày chỉ có 1 chuyến.  Dù xa xôi vất vả, thứ 7 nào NVKh cũng lặn lội đều đặn lên thăm nàng.  Nàng gặp thì gắt gỏng, tại sao mưa phùn cũng không  ngăn được NVKh lên đây sao?
Người yêu của NVKh đã có kẻ đánh tiếng xin cưới làm vợ, hai gia đình môn đăng hộ đối, chàng thanh niên kia là dân có học – nhưng vì chót thề non, hẹn biển với Khánh, nên cô thoái thác, bằng cách hẹn lần hẹn lữa. Vì thế, mỗi lần gặp nhau; cả 2 đều tâm sự qua hai hàng nước mắt - nhưng không biết và chẳng có cách nào giải quyết được cái nếp áo mặc sao cho qua khỏi đầu?
Trong hoàn cảnh  đau khổ ấy,  một lần trên xe từ Thái Nguyên về  lại Hà Nội, NVKh đã nảy ra  một ý nhạc thật dịu dàng, thổn thức:
Yêu ai yêu cả một đời rồi từ Bắc Giang về  Hà  Nội – trên xe lửa Nguyễn văn Khánh đã hoàn tất được nhạc phẩm Nỗi lòng – và có lẽ ca khúc này là điềm báo  trước 2 người yêu nhau không trọn vẹn cuộc tình:
…dù sao, dù sao nếu có một ngày
   một ngày gieo trong tim ta
   là tình yêu kia ly tan
  để rồi vẫn thương vẫn nhớ…
\Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, thì, NVKh vẫn trọn đời thủy chung: ‘vẫn yêu hoài!’
Sau lần  lên Thái Nguyên này, Nguyễn văn Khánh bận việc nhà quan trọng, nên 2 tuần tới, Khánh không lên Thái Nguyên như trước nữa.  Nửa tháng không được gặp nhau, lòng Khánh như lửa đốt và chỉ có 15 ngày thôi mà Khánh cảm thấy thời gian lâu bằng 1 thế kỷ. Lần này, Khánh lên Thái Nguyên như mọi lần. Đến nơi, ra nơi hẹn cũ, chờ mãi chẳng thấy bóng nàng. Chờ đến chiều, dù bụng đói, dạ khát; Khánh cũng liều đi bộ đến gần nhà nàng dò la tin tức.
Gặp một người ở gần nhà nàng, trong quán nước, NVKh khôn khéo thăm hỏi, bà chủ quán cho hay: tin sét đánh ngang trời, cách đây khoảng 10 ngày, nàng bị trúng gió, người nhà vội đưa vào nhà thương, sau 1, 2 ngày, cô ấy đã trút hơi thở cuối cùng. Gia đình xin xác về, đem chôn cô trên một đồi thông, cách đó chừng 1 cây số.
Nghe tin xong, Nguyễn Văn Khánh lật đật rời khỏi quán, bước đi như kẻ không hồn, đi thẳng về phía đồi thông, nơi đó ấp ủ hình hài người yêu dấu trong một buổi chiều vàng.
Sau mấy ngày mưa phùn, gió bấc - chiều hôm ấy mưa tạnh, mặt trời ra khỏi đám mây tỏa xuống những tia nắng vàng yếu ớt như người vừa trải qua cơn bệnh. Khi tới nơi, NVKh thoăn thoắt bước lên đồi, dù đất đồi sỏi đá lổm chổm, ngổn ngang, Khánh vẫn tìm thấy mộ, mắt nhòa lệ, họng nấc từng cơn đau đớn, nhìn không chớp mắt lớp đất mới đắp, NVKh ngồi sụp xuống, say sưa hát:
yêu ai yêu cả một đời với niềm tin vững dạ trong lòng: hương hồn người yêu bé nhỏ đang phảng phất đâu đây, lắng nghe được giọng hát của Khánh như ngày nào… ngồi quên cả giờ giấc, ngẩng mặt lên, bầu trời tắt nắng.  Hoàng hôn xuống dần.  Nguyễn Văn Khánh u sầu, buồn chán lê gót chân mỏi như về quán trọ.

Đi được một quãng đường, đột nhiên Khánh dừng chân bước, lại vào một quán nước xiêu vẹo bên đường, Khánh vội móc túi, lấy ra cây bút chì, mảnh giấy đã hơi nhàu nát, viết một mạch ý nhạc đang dâng lên nóng hổi và đỏ thắm như dòng máu con tim. Viết nhạc tới đâu, Khánh hát tiếp lời ca tới đó. 
Giữa một khung cảnh bi ai trầm buồn, lòng  người nhạc sĩ như tan nát, tim như bị nhồi máu, vậy là ca khúc Chiều vàng ra đời, với  ca từ ai oán não nề:
 Trên đồi thông, chiều đã xuống dần
    mặt trời lấp ló sau đồi, chiều vàng …
… giờ đây vướng thầm hồn cố nhân
    năm tháng trôi qua sóng gió đời
    chiều chiều nhớ em lòng khôn nguôi …!
Kể chuyện xong, Khánh rủ tôi về nhà anh ăn cơm tối. Về tới nhà, anh vội lấy ra một cái hộp vuông trong đó có đựng một cái khăn len quàng cổ, do nàng ấy đan, tặng Khánh và xấp thư tình của nàng.
….Nhân năm ấy, có kỳ thi tuyển nhân viên cho Sở Tài Chính thành phố Hà Nội, Khánh trúng tuyển, trở thành một công chức, sáng vác ô đi, tối vác về….
Năm 1954, lệnh Tổng động viên, tuổi tôi bị kẹt trong lệnh đó, Khánh và tôi rủ nhau đi uống cà phê để giã từ.
Cho tới ngày 30- 4- 1975, gặp lại một số nhạc sĩ ngoài Bắc vô Nam, tôi mới biết: sau ngày giải phóng thủ đô Hà Nội được vài năm, Nguyễn Văn Khánh đã trút hơi thở cuối cùng tại căn nhà xưa.
Tôi không ngờ buổi cà phê năm xưa lại là lần cuối gặp nhau để rồi từ đó vĩnh biệt nhạc sĩ Nguyễn văn Khánh.
NỖI LÒNG - BÍCH CHIÊU 
CHIỀU VÀNG - KHÁNH LY
Lê Hoàng Long
 Nguồn: http://langnam2.blogspot.com/
Theo https://banmaihong.wordpress.com/

Trên đồi xanh chiều đã xuống dần

“Trên đồi xanh chiều đã xuống dần,”
“Trên đồi xanh chiều đã xuống dần,”
Mặt trời lấp ló sau đồi chiều vang.
Riêng mình ta ngồi ngắm quanh trời,
lạnh lùng nghe tiếng chim chiều gọi đàn… 

(Nguyễn Văn Khánh - Chiều Vàng)
Hát bài “Chiều vàng”, phải chăng người nghệ sĩ khi xưa muốn diễn-tả tình-cảnh có câu chuyện lình-xình với mối tình da diết của mùa thu? Không. Không phải thế đâu! Theo lời người dẫn nhập bản hát là đàn-sĩ Lê Văn Thụ Nhân trong chương trình “Hát Cho Nhau Nghe” ở Sydney hôm ấy, 5/7/2015 có bảo rằng:
“Tác-giả bài “Chiều Vàng” cũng là tác-giả bài “Nỗi Lòng” diễn-tả cuộc tình đầy đau thương của mình qua bài hát. Tình-tự được diễn-tả là: mới chỉ xa cách nhau có 3 tuần, nhưng khi đến thăm lần đó ông được biết là người tình của ông nay đã chết. Trong tâm trạng buồn bã ấy, tác-giả đã viết lên nỗi buồn mênh mang, nhè nhẹ này bằng giòng chảy rất “Chiều Vàng.” (Trích lời phát biểu của người trẻ tên Thụ Nhân cùng với người điều-khiển chương trình là Uông Thế Công)
Chẳng biết người dẫn chương-trình hôm ấy nói có theo sách mách có dẫn-chứng hay không, nhưng nay vẫn cứ mời bạn và mời tôi ta nghe thêm đôi lời kể về buổi “chiều vàng” vẫn “buồn xa vắng buồn” như sau đây:
“Buồn xa vắng buồn lòng thầm nhớ tới người.
Chiều xưa cũng trên đồi cùng ta.
Người đã ước nguyền rằng đời riêng có ta,
Lời đó còn đâu?
Đường về lòng người tha phưuơng nhớ.
Chiều dần dần mờ cô thôn vắng.
Người yêu dấu ngàn đời thấu chăng?
Ta nén đau thương gắng bước hoài,
Thuyền chèo tới đâu chưa ngừng bến.
Lời thề nguyền ngờ đâu xa vắng.
Tình tràn đầy sầu chung non nước,
Hồn em có cùng người chứng minh.
Anh bước ra đi luyến tiếc hoài,
Đời còn có em nay mà thôi.
(Nguyễn Văn Khánh - bđd)
“Chiều vàng”, ở đời nào cũng có thể là như thế! Còn, chiều rất “vàng” ở nhà Đạo thì sao?
Với nhà Đạo, làm gì có “Chiều vàng”, hoặc “sáng trắng”, đâu cơ chứ! Sáng hay chiều, với người nhà Đạo, vẫn là chuỗi ngày dài trước sau như một, đầy yên vui, tâm tịnh cũng rất “thiền”.
Nói cách khác, sáng hoặc chiều nơi nhà Đạo, lại là những ngày tháng dân con Đạo mình vẫn tịnh tâm suy tư về nhiều thứ. Chí ít, là những thứ và những sự được nhiều người áp-dụng cho đời mình, như truyện kể nhẹ ở bên dưới để dẫn nhập, như sau:     
“Tới chơi nhà người bạn già, chỉ thấy bà vợ ngồi trước hiên. Tôi bèn hỏi: "Ổng đâu bà chị?"
- Ngồi thiền rồi
Tôi ngạc nhiên: "Ây da, ổng tu hồi nào vậy bà chị?"
- Thì cách đây nửa năm một số người bạn quen biết rủ ổng đi chùa, rồi đi tham gia vào các đạo tràng, rồi tu học chèo thuyền thúng gì đó. Ổng về nói với tôi là ổng và tôi hết duyên, con cái chỉ là đống nợ, ổng muốn giải thoát, muốn được siêu thoát để đến cảnh giới niết bàn ghế gì đó...Tui chán, mặc ổng muốn làm gì thì làm. Cơm no bò cưỡi không muốn, muốn ăn chay, tiệt dục, ngơ ngơ ngẩn ngẩn chuyện tâm phào, đồ điên.
Tôi hỏi: "Thế thấy ổng có vui sướng không?"
Bả nhún vai ái ngại:
- Ái chà, sướng nỗi gì? Mở miệng ra nào thì đời là bể khổ hoặc ta chỉ là xác mượn. Hết biết!
"Khi nào ổng ngồi xong?" Tôi hỏi.
- Không biết, nhưng có lẽ xong rồi, để tui vào xem. Ông ngồi uống nước đợi chút nhé!
Chưa đầy 1 phút, một thân hình còm cõi vụt ra, hô to: "Ôi quý hóa quá, thiện nhân tới thăm"
Tôi mỉm cười: "Ai da, thiền nhân có khác. Tu tập tinh tấn có khác. Thế bác đang tu thiền, bác hiểu và cắt nghĩa cho tôi chữ thiền là gì được không?"
Bác Ba ngập ngừng: "Mới tập, chưa rõ lắm, chỉ biết là pháp môn của nhà Phật, con đường đi của đạo"
"Phương pháp như thế nào?" Tôi hỏi tiếp.
+ À, thì ngồi kiết già, nhắm mắt lại, không nghĩ ngợi. Tập trung nhất niệm: "Nam mô a di đà phật". Khoảng 1 tiếng là được. Mà phải giữ thân sạch như ăn chay, diệt dục thì tâm mới thanh tịnh được nhé!"
* Vậy à, thế ông đã thanh tịnh chưa? Tôi nghe nói ngồi thiền sẽ bỏ và buông được cái tôi đúng không?
+ Ừ, mình thấy thanh thản lắm.
* À, nãy tôi tới thấy vợ ông nói là ông không cần bả nữa, bả đang làm đơn xin li dị thì phải? Ai dà, tôi lấy làm tiếc cho ông!
+ Hắn sững cồ: "Cái gì? Nó dám bỏ tao sao? Tao phải vào cho nó biết tay mới được!"
* Nhưng ông có nói là không cần vợ con mà, ông muốn đi tu và xa lánh đời
+ Đúng, nhưng... Nó không được bỏ tao!
Tôi thấy tình hình bất ổn nên vội xin phép ra về. Sau đó nghe đâu hai vợ chồng cãi nhau, bà vợ bỏ về nhà mẹ ruột ở.
Một hôm, tôi nhận được điện thoại của bác Ba: "Alô! Rảnh ghé uống trà chơi nghen!" "Ok, chiều mai 5h tôi ghé" Tôi hẹn lại.
Qua hôm sau theo đúng hẹn tôi tới nhà bác Ba. "Sao rồi, khỏe chứ bác Ba?"
Hắn ra đón tiếp với trạng thái mỏi mệt:
+ Ừ, đang bệnh cảm lạnh, mấy hôm bị sốt cao, mệt quá!
* Mấy hôm không thiền nữa à? Tôi hỏi.
+ Thân xác rệu rã, không khỏe nên tâm vọng vớ vọng vẩn. Mình không sao tập trung được. Chán lắm. À, tôi nhờ Dũng đánh lời cho vợ tôi bảo bả về nhà đi, tôi ở một mình chịu hết nổi rồi!
* Ủa, một mình thì càng thanh tịnh chứ sao?
+ Biết vậy, nhưng không tập trung được bạn ạ! Với lại mì tôm hoài ớn quá!
* Hahaha, muốn thoát tục thì phải trả giá chứ? Tôi chọc.

+ Ừ, tôi biết rồi. Cái giá đó đắt quá. Thôi cứ từ từ mà thoát tục cũng được. Dũng giúp giùm tôi nhé.
* Ok, nhưng chỉ một lần này thôi nhé. Thật ra nói cho bác biết, bác hành thiền chưa đúng pháp đâu?
+ ??? Vậy sao cho đúng?
* Thiền là một trạng thái đưa tâm hồn vào miền không buồn, không vui, không có sắc màu, không tranh chấp, không luận bình suy diễn, bình yên an lạc và ung dung tự tại. Thiền có trong việc đi - đứng - nằm - ngồi. Thiền có trong công ăn việc làm. Thiền là hơi thở của cuộc sống. Ông chỉ cần làm theo nguyên tắc sau là được:
- Luôn hài lòng và vui vẻ với tất cả sự việc hiện tại. Kể cả sinh lão bệnh tử, hãy xem đó là quy luật bất biến và tất có. Mở lòng đón nhận nó.
- Sống thật với chính mình
- Làm những chuyện có lợi cho mình, cho người, giúp đỡ khi người gặp khó khăn trong điều kiện của mình một cách tốt nhất
- Nói và làm phải song hành
- Làm cho tất cả những người xung quanh và quen biết mình được an vui và hạnh phúc.
- Nói tóm lại, "Thiền" cũng tương tự như ông đi xe máy. Khi ông đi xe máy ông phải biết mình đang lái xe và tập trung nhìn vào phần đường mình đang đi. Không được vừa lái xe vừa nghĩ về chuyện khác. Nếu nghĩ về chuyện khác, ông mất tập trung tất sẽ bị tai nạn ngay.
Vì vậy, ngoài việc tập trung để lái xe, ông còn phải khéo léo điều khiển xe sao cho không va đụng vào người khác và ông phải thực hiện và tuân thủ đúng một số quy định của luật an toàn giao thông. Điểm xuất phát thì ai cũng đều có, điểm đến thì tùy nơi ta muốn đến. Lộ trình di chuyển gọi là con đường (hay tạm gọi là Đạo). Cái xe ta điều khiển có thể gán cho thân xác. Tâm hồn hoặc sự suy nghĩ có thể gán cho ý thức. Luật giao thông có thể gán cho kinh sách. Ông sẽ thấy trên đường đi có rất nhiều người, bằng các phương tiện khác nhau họ đi với lộ trình khác ông. Vậy, lộ trình ông đi có đến được đích hay không là do ông quyết định. Mọi cái không có điểm dừng. Khi ta kết thúc một lộ trình, điểm dừng lộ trình này chính là điểm khởi đầu cho một lộ trình mới. Cứ vậy chẳng dừng. Khi ta chết, có thể một thế giới mới đang chờ ta.
+ Ôi, sao tôi thấy ông nói đơn giản mà dễ hiểu nhỉ. Không biết đúng hay sai, nhưng tôi cảm nhận được cái xe máy của tôi nó có lộ trình rồi. Thôi, để tôi qua tự đón vợ về. Ít nhất, tôi phải "tự" qua được "bên ấy" và "tự" giải quyết hậu quả do mình gây nên. Ây da, thì ra lâu nay nghĩ cao siêu quá, té ra đi xe máy cũng là "Thiền" rồi.

* Ừ, cứ vận dụng nhé! Khi đón bả về, có thể hiểu thêm "xe máy" cũng có thể là "bà xã" nhé! Vấn đề là lộ trình đi đến hạnh phúc phải tự mình quyết định. Kakakaka.” (Truyện nhẹ do Hoàng Dũng Nha Trang kể)
Thật ra thì, có thuật truyện nặng/nhẹ về “thiền” hoặc về gì đi nữa, cũng chỉ để dẫn-nhập cho bạn và tôi, ta bước nhẹ vào hành-trình tư-duy có nhiều điều cần suy-nghĩ. Suy và nghĩ về những sự việc hoặc lập-trường/tư-tưởng của đấng bậc nhà Đạo đang diễn-biến trong/ngoài “Nhà Thờ”, cũng là điều rất đáng làm.
Nghĩ thế rồi, nay mời bạn và tôi, ta đi thẳng vào câu chuyện thường ngày, ngay bây giờ. Truyện ở đây, không chỉ là truyện kể cho có lệ hoặc “kể cho qua ngày đoạn tháng”, có thế thôi. Nhưng, là chuyện thời-sự trong Đạo rất nên bàn, những bảo rằng:
“Buổi lễ đầu-tiên tổ chức ngoài trời, hôm ấy, ở Nam Mỹ, Đức Phanxicô đã thúc-giục các giáo-dân tham-dự hãy nguyện cầu cho “phép lạ” xảy đến với Thượng Hội Đông Giám Mục Rôma tháng 10 năm 2015 này. Ngài nói: Hãy cầu nguyện để Hội thánh ta tìm ra giải-pháp hữu-hiệu cho các vấn-đề khó-khăn đang xảy đến với các gia-đình của thời mình…” (X. Mục tin tức trên tờ The Catholic Weekly ngày 12/7/2015 tr.12, Pray for miracle at synod, pope asks massive crowd)
Nếu bạn và tôi, ta hiểu ý/từ “phép lạ” vào thời-đại hiện-tại theo nghĩa hiếm-hoi, ít-ỏi hoặc khó lòng thấy được, thì chả chắc gì ta có được giải-pháp thoả-đáng nào cho các gia-đình đang bị các “cụ Đạo” hoặc đấng bậc cổ hủ vẫn định-nghĩa, định-hình hay định vị gì đi nữa.
Nói thì nói thế, chứ đấng bậc chủ quản giới truyền-thông thuộc Tông toà rất thánh lại nghĩ khác. Khác thế nào ư? Thế thì, mời bạn và mời tôi, ta nghe thêm lời lẽ xác-minh sau đây:
“Lm Federico Lombardi, giám-đốc phụ-trách truyền-thông báo chí Hội thánh Công giáo La Mã, lại đã diễn-giải cho các phóng-viên có mặt ở lễ thánh hôm ấy, ý-nghĩa cũng khác nên mới bảo: “Lời của Đức-Giáo Hoàng phải được hiểu như một tư-duy rất thông-thường về công-việc mà Thượng Hội-Đồng Giám-mục bàn bạc hầu giải-quyết, chứ không phải để qui-chiếu một đề-tài nào mà các Giám-mục có thể bàn đến.” (Xem bài đã dẫn ở trên)  
Tuy nhiên, hỏi rằng 500.000 người có mặt hôm ấy có thông-hiểu lời của Đức-Thánh-Là-Cha Phanxicô rất hiền-hoà như thế hay không, đó mới là vấn-đề. Hoặc, vấn-đề có thể là: vẫn còn nhiều ý-kiến rất khác biệt trong/ngoài Thượng Hội-đồng Giám mục, và cả ngoài lẫn trong Hội thánh, đó mới là điều cần-thiết.
Về ý-kiến của các đấng bậc lành thánh trong thánh-hội mỗi khi nhìn vào lập-trường bày-tỏ cho mọi người thấy vấn đề đang bàn lại khác nhau, rất nhiều. Trước nhất, phải kể đến đấng bậc rất “trong luồng” ở Sydney vốn dĩ là đấng bậc từng giải đáp nhiều thắc mắc rất Giáo luật lẫn giáo điều, như sau:
“Về những điều được quyết định, tôi nghĩ phần lớn cuộc sống của nhiều người trong chúng ta cũng sẽ tiếp tục như những ngày xảy ra khi trước. Người nam cũng vẫn lấy vợ nhiều như họ vẫn từng làm khi trước. Chỉ một phần nhỏ số người cùng phái tính mới làm chuyện lạ là lấy nhau thành vợ chồng cùng giống. Nhưng từ đó, sẽ có những hậu quả nào đó, ta cần thận trọng.
Khác biệt đầu tiên xảy đến, chắc chắn là ý niệm về hôn nhân sẽ có thay đổi. Cho đến nay, việc này chỉ xảy đến giữa đàn ông và đàn bà mà thôi. Nay, lại sẽ thấy sự việc ấy xảy đến với các cặp đồng phái tính, nên có thể cũng sẽ có những liên lụy này khác rày xảy đến…
Mặt khác, lại sẽ có những hậu-quả khó lường cho những ai từng chống-đối hôn-nhân cho người cùng phái tính. Ở Canada, là nước trong đó tôn-giáo dựa trên các dịch-vụ xã-hội, như tư-vấn và dịch-vụ nuôi con nuôi, nay đòi phải thích-hợp với luật lệ về hôn-nhân đồng phái-tính và tình-trạng miễn-trừ thuế xưa nay Giáo-hội được thừa-hưởng nay trở-thành vấn-đề cần xét-duyệt.
Ở trường/lớp, các giáo-chức cũng như cá-nhân buộc phải hỗ-trợ hôn-nhân đồng phái-tính và quần-chúng buộc phải ngưng việc chống đối sự việc này, cách công-khai. Do có sự than-phiền gửi đến Toà Hoà-giải Nhân-quyền British Columbia, chính-quyền ở đây loan-báo rằng giáo-án ở trườg/lớp đây đó từ Mẫu-giáo đến lớp 12 phải được coi lại để thêm vào đó các dẫn-giải tích-cực về hôn-nhân đồng phái-tính nữa…
Nói tóm lại, việc ban-hành đạo-luật hôn-nhân đồng phái-tính không chỉ liên-quan mỗi sự “đồng đều trong hôn-nhân” đối với nhiều người, thôi. Nhưng còn về cả một thế giới mới rất quả-cảm, nhìn về mặt tổng-thể.” (X. Lm John Flader, What difference will same-sex marriage have on our lives, The Catholic Weekly 12/7/2015, tr. 22)
Trong khi đó, có đấng bậc khác từng là chủ-quản Tổng Giáo-phận Sydney, lại có ý-nghĩ hơi khang khác, kèm theo lời dặn dò không giống nhiều vị vẫn theo “lề phải” ở Giáo Hội rất Rô ma, rằng:
“Tôi thật rất tiếc, hỏi rằng: Giả như Thượng Hội Đồng Giám mục Rôma đợt hai diễn ra vào tháng 10 năm 2015 quyết kiếm tìm lời đáp nào khác cho xứng-hợp, chắc các nghị-phụ mình phải nghiêm-túc nhìn vào giáo-huấn Hội-thánh liên-quan đến việc coi xem Hội thánh có cho phép mở “rộng cửa” cho các giải-pháp mục-vụ hay không. Đó là việc tôi đang kiếm tìm ở đây, trong tập sách này, không phải để áp-đặt một hiểu/biết, mà để cho thấy là: ta còn nhiều đề-tài để bàn-luận, chứ không chỉ mỗi hai điều duy-nhất là Gia-đình và chuyện Đồng-tính Luyến Ái chứa trong giáo huấn đầy tính khắc-nghiệt của Hội thánh, bấy lâu nay.” (X. Gm Geoffrey Robinson, The 2015 Synod, The Crucial Questions: Divorce and Homosexuality, ATF Press 2015, tr. 2)     
Thôi thì, trước khi đi tìm hiểu ý-kiến của nhiều vị khác, tưởng cũng nên quay lại với nhạc-bản ở trên để bạn và tôi, ta có đôi ba giây phút nhè nhẹ, lâng lâng mà ngẫm nghĩ, như sau:
“Sương chiều buông rơi mờ mờ rừng chiều dần dần tối.
Núi mây bốn phương giang hồ ngơi đi.
Thuyền lênh đênh trên sông Đà sóng, lướt lướt trên sông.
Nhìn chiều vàng đồi thông thưa vắng.
Lòng bùi ngùi buồn trông theo bóng.
Giờ đây viếng thầm hồn cố nhân.
Năm tháng trôi qua sóng gió đời.
Chiều chiều nhớ em khôn lòng nguôi.”
(Nguyễn Văn Khánh – bđd)
Diễn-tả chuyện ở trên theo lời vàng từ các bậc thánh-hiền thường dặn-dò, sẽ phải diễn-tả như sau:
“Thật vậy,
chính Người là bình an của chúng ta:
Người đã liên kết đôi bên,
dân Do-thái và dân ngoại, thành một;
Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách
là sự thù ghét;
Người đã huỷ bỏ Luật cũ gồm các điều răn và giới luật.
Như vậy, khi thiết lập hoà bình,
Người đã tác tạo đôi bên thành một người mới duy nhất
nơi chính bản thân Người.”
(Êphêsô 2: 14-15)
Và để diễn rộng tư-tưởng này, đấng bậc lành thánh khác, lại đã qui về lời lẽ rất như sau:
“Thánh Phaolô nói: Đức Giêsu nối kết người Do Thái với dân ngoại, là để tất cả chúng ta cùng nhau tạo thành gia đình thân thương. Đầm ấm. Thánh nhân quyết bẻ gẫy mọi rào cản gây phân rẽ các thành phần dân Chúa, trong cộng đoàn. Thánh nhân dùng hình ảnh bức tường ngăn cách, của đền thờ.
Quả thật, Đền Thờ là công trình xây cất có nhiều tường. Mỗi bức tường, làm thành rào cản ngăn cách, hạn chế mọi kết đoàn, hoà hợp. Bên ngoài tường, nhiều người không thể đến được. Có tường, chỉ dành cho dân ngoại. Có tường, cho phụ nữ. Có tường cho đàn ông thanh niên. Có tường chỉ để cho các vị mục tử. Thậm chí, có tường còn cản ngăn không để ta đến được với Đấng Thánh ở trên cao. Như nơi  dành cho vị Thượng tế cao vút, mỗi năm chỉ một lần.
Bằng vào cái chết trên thập tự, Đức Giêsu đã phá bỏ mọi tường rào phân chia, ngăn cách. Tường, của hờn căm. Chia rẽ. Bằng vào việc sống lại, Ngài tạo ra Con Người Mới. Và, gia đình mới. Gia đình, không dựa trên máu mủ. Chủng tộc. Cũng không dựa vào dân tộc tính. Giới tính. Giai cấp. Ngài phá huỷ mọi tường thành ngăn cách. Tức, tường rào chỉ nhằm phân cách/rẽ chia nhóm này với nhóm khác.
Giáo huấn của Đức Giêsu nhằm đạt đến cả người Do Thái lẫn dân ngoại. Cả nam lẫn nữ. Cả người công chính, lẫn phạm nhân. Nô lệ lẫn tự do. Người tật bệnh, lẫn kẻ lành lặn. Ngài gọi mời tất cả mọi người chúng ta hãy về cùng một gia đình, gia đình của Ngài. Gia đình của Ngài gồm có Chúa Cha và ở đó, tất cả thành viên đều là anh em, chị em với nhau. Rẽ chia, là tà thần/ác quỷ chỉ chực ngăn chặn mọi người đến với nhau, trong chung sống an bình và hạnh phúc. Rẽ chia, là kẻ thù ngăn chặn ý định của Chúa muốn thu thập mọi người về với gia đình với Thân Mình của Chúa.
Điều mọi người trong gia đình Chúa cần làm, là phải nói tốt cho nhau về các Giám mục/linh mục, cha mẹ hoặc thành viên trong gia đình, tạo bình an. Hãy phá bỏ mọi rào cản rẽ chia đem mọi người về lại với nhau trong tình thương, qua và nhờ Đức Giêsu. Vì, tất cả đều có cùng con đường. Cùng một Thần Khí để đến với Cha, như đoạn cuối bài đọc 2, đã nhắc nhớ.” (Xem Lm Frank Doyle sj, Suy Niệm Lời Ngài năm B, nxb Tôn Giáo 2011, tr. 180-181)
Cuối cùng ra, ta bàn chuyện “các gia-đình có vấn-đề” này khác, tưởng cũng nên quay lại với ý/tứ của Đức Phanxicô hôm ấy, có những lời như sau:
“Trong bài chia-sẻ vào thánh lễ Thứ Hai hôm ấy, Đức Giáo Hoàng Phanxicô có đề cập đến điều mà ngài gọi là “phép lạ” tại tiệc cưới Cana, ngài có khuyến-khích cộng-đồng dân Chúa hãy theo gương lành của Đức Maria từng làm, rằng: “Mẹ dạy ta hãy đặt gia-đình mình trong tay Chúa, để rồi sẽ hiệp lòng cầu nguyện, nhen nhúm niềm hy-vọng cốt cho ta thấy rằng mọi ưu-tư của ta cũng là quan-ngại của Chúa”. Đức Giáo Hoàng lại cũng nói: “Gia-đình là bệnh-viện, trường/lớp gần cận nhất cho giới trẻ và cũng là mái ấm/cơ ngơi cho bậc cao-niên, nữa.”
Đức Phanxicô còn nhắc mọi người hãy nhớ rằng: Gia-đình là ‘Giáo-hội nội-địa’, nên vẫn cần ta nguyện cầu để có thể gỡ bỏ mọi ưu-tư, quan-ngại trong đời mình. Ngài lại thêm: “Cuộc sống gia-đình, giống như tại Cana, “phép lạ” luôn xảy đến khi ta sở-hữu ít sự vật. Thế nên, là tín-hữu, ta hãy giùm giúp các gia-đình nào đang rối-bời về nhiều thứ, cả những thứ, những sự như “người nhà hết rượu để đãi đằng”, giùm giúp những ai đang uống thứ nước của sự nản lòng, tuyệt vọng. Với gia-đình nào tuân theo hiệu-lệnh hoặc lời khuyên của Đức Maria và làm những gì Đức Giêsu truyền làm, thì chắc chắn rượu ngon sẽ có ngay cho họ, cho mọi người.” (X. Mục tin tức trên tờ The Catholic Weekly ngày 12/7/2015 tr.12, Pray for miracle at synod, pope asks massive crowd)
Nói tóm lại, có bàn gì thì bàn, bàn về gia-đình thánh nho nhỏ của Giáo-hội, tưởng cũng nên hướng về gia-đình rộng lớn là Vương-Quốc-Nước-Trời từng được Đức Giêsu chủ-trương khi Ngài bảo ban dân con mọi người ở Do-thái.
Nói cho cùng, Vương-Quốc-Nước-Trời rất gia-đình ở thánh hội vẫn là và phải là như nhận-định của bậc thày dạy thần-học ở Đại-học De Paul, Chicago Hoa kỳ, như sau:
“Với Đức Giêsu, Vương Quốc Nước Trời được mô-tả bằng ảnh-hình của việc sửa soạn bàn tiệc có chỗ ngồi hẳn-hoi. “Tiệc Bàn Rộng Mở” không phân-biệt một ai, lại đã diễn-tả một xã-hội thu nhỏ không kỳ-thị. Và, quan-niệm cũng như thị-kiến này, trên căn-bản, đã chạm phải giá-trị nền-tảng của nền văn hóa Địa-Trung-Hải, thời xưa cũ. Cũng không thể bảo: có thể cũng hơi sớm, nếu có ai đề-nghị ta nên nhận ra được sự giận-dữ kéo theo sau việc ‘ngồi cùng bàn’ còn mới mẻ, vào thời ấy. Đó, cũng là một trong các lý-do khiến họ bắt giam và xử trảm Ngài, không cho Ngài được hoạt-động giảng-rao/giùm-giúp người nghèo-khó/cùng quẫn nữa.” (Xem thêm John Dominic Crossan, Who is Jesus WJK 1996, tr.40-59)
Nói cho cùng, bàn về gia-đình mang tính-chất Vương-Quốc-Nước-Trời, trên thực-tế, ta cũng đừng nên quên những truyện kể nhè nhẹ có tính ‘tiếu-lâm-chay’ để mỗi lần nhớ, tôi và bạn, ta sẽ tủm tỉm cười vào buổi tuối, lúc khó ngủ cứ lấy sách “phiếm” ra đọ cho dễ ngũ, như sau:
“Truyện kể gia đình có vợ/chồng thuận-hoà vì luôn giữ bí-kíp sau đây:
Trên đời này, có hai việc khó nhất:
1. Là, nhét tư-tưởng của người này vào đầu của người khác.
2. Là, nhét tiền của người khác vào túi của mình.
Nếu:
1. Ai làm được điều số 1 thì ta gọi đó là …Thày              
2. Ai làm được điều thứ 2 thành công thì ta gọi đó là…chủ.
Nhưng, nếu có người làm được cả 2 điều nói trên mà thành công thì ta gọi đó là…Vợ.”
Gọi gì thì gọi. Làm gì thì làm, hãy cứ làm và cứ gọi nhau trong tình thân thương của người anh người chị trong Vương Quốc Nước Trời, ở nơi đó mọi người vẫn cứ hát lên câu ca nhè nhẹ, rằng:
“Nhìn chiều vàng đồi thông thưa vắng.
Lòng bùi ngùi buồn trông theo bóng.
Giờ đây viếng thầm hồn cố nhân.
Năm tháng trôi qua sóng gió đời.
Chiều chiều nhớ em khôn lòng nguôi.”
(Nguyễn Văn Khánh - bđd)
Hát thế rồi, nay bạn và tôi, ta cứ hiên ngang nhìn về phía trước rồi “đầu cao mắt sáng” sống xứng đáng làm thành viên Nước Trời, ở đây, bây giờ.
CHIỀU VÀNG - KHÁNHLY
Trần Ngọc Mười Hai
Theo http://tranngocmuoihai.blogspot.com/

Đôi nét cảm nhận về thơ của Bùi Giáng

Đôi nét cảm nhận về thơ của Bùi Giáng
Đọc thơ Bùi Giáng thì phải đọc hết toàn bộ mới cảm nhận được hết cái hay vì cuộc đời của ông là cả một bài thơ lớn. Mỗi bài thơ là một âm sắc trong bản nhạc giao hưởng mà mỗi âm sắc đó có phản ánh một mặt của cuộc đời ông.
DẪN NHẬP
Trong nền thi ca của Việt Nam, có biết bao nhiêu nhà thơ nổi tiếng đã để lại những tác phẩm kiệt xuất cho cuộc đời. Có những bài thơ đọc lên nhẹ nhàng, thanh thoát, có những bài đọc lên thấy chua chát, đắng cay. Trong thời hiện đại, xuất hiện một con người đa tài, ông không chỉ làm thơ, dịch tiểu thuyết, viết sách khảo luận triết học mà còn viết rất nhiều tùy bút văn học, đặc biệt là tùy bút về thơ, đó chính là Bùi Giáng.
Đọc thơ Bùi Giáng thì phải đọc hết toàn bộ mới cảm nhận được hết cái hay vì cuộc đời của ông là cả một bài thơ lớn. Mỗi bài thơ là một âm sắc trong bản nhạc giao hưởng mà mỗi âm sắc đó có phản ánh một mặt của cuộc đời ông. Người đọc không những đọc mà còn phải nghe và còn phải suy ngẫm về nó rất nhiều có khi phải sống trong nó thì mới cảm nhận được hêt những điều hay trong đó.
Nguyễn Hữu Hồng Minh nhận định: “Gọi Bùi Giáng là "người thơ" tôi muốn xác tín hai điều: Bản chất thuần Việt của thi ca, tác phẩm ông và tính cách dân dã, bụi bặm, gần gũi với quần chúng của ông. Trong lịch sử thơ ca Việt Nam hiện đại chưa từng sản sinh ra một trường hợp nào lạ lùng và độc đáo như vậy”. “Bùi Giáng, không chỉ là nhà thơ, mà đi xa hơn, ông chính là hiện thân của một "đạo thơ", một "thi sĩ sinh ra giữa cỏ cây và sẽ chết đi giữa cỏ cây ly kỳ gây cấn”
Dù đã có rất nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà phê bình viết và nhận định về văn thơ cũng như cuộc đời của Bùi Giáng, nhưng mỗi bài viết chỉ là một góc cạnh nhỏ về ông cũng như tác phẩm của ông mà thôi. Không ai có thể hiểu hết những tác phẩm của ông cũng như cuộc đời ông. Những tác phẩm của ông khó hiểu giống như cuộc đời của ông vậy. Chẳng biết ông là thi sĩ hay Bồ tát hóa than nữa mà có người gọi ông là “thi sĩ Bồ Tát”.
Thơ ông đa chiều cạnh, khó cảm nhận nhưng người đọc vẫn bắt gặp được chính con người mình trong đó. Với kiến thức nông cạn, người viết chỉ nêu lên“Đôi nét cảm nhận về thơ của Bùi Giáng” qua những gì mà người viết cảm nhận. Tuy nhiên với giới hạn của bài viết, người viết chỉ nêu ra một vài nét đặc trưng như cõi xuân, sự hư thực và triết lý Phật giáo trong thơ của ông. Theo Thái Tú Hạp đã viết: “Có rất nhiều những nhà trí thức triết gia, giáo sư và những nhà thơ, văn Việt Nam viết rất nhiều cõi văn chương tuyệt tác của thi sĩ Bùi Giáng, đều những khám phá, tán dương, ca ngợi một cách chân tình, trung thực.” Dù với bao nhiêu lời nhận định nào đi nữa ta vẫn thấy một điểm chung ở mọi người là đã dành sự yêu mến cho con người siêu lãng tử lẫn thiên tài độc đáo này.
NỘI DUNG
1. ĐÔI NÉT VỀ TÁC GIẢ BÙI GIÁNG
1.1. Tiểu sử Bùi Giáng
Bùi Giáng (1926-1998), là nhà thơ, dịch giả và là nhà nghiên cứu văn học của Việt Nam. Các bút danh khác của ông là: Trung niên thi sĩ, Thi sĩ đười ươi, Brigitte Giáng, Giáng Moroe, Bùi Bán Dùi, Bùi Bàn Dúi, Bùi Tồn Lưu, Bùi Tồn Lê, Bùi Bê Bối, Bùi Văn Chiêu Lỳ...Ông nổi tiếng từ năm 1962 với tập thơ Mưa nguồn.
Bùi Giáng sinh ngày 17 tháng 12 năm 1926 tại làng Thanh Châu thuộc xã Vĩnh Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
Cha ông là Bùi Thuyên, thuộc đời thứ 16 của dòng họ Bùi ở Quảng Nam. Do người vợ cả qua đời sớm nên ông lấy người vợ kế là bà Huỳnh Thị Kiều. Bùi Giáng là con thứ hai của Bùi Thuyên với Huỳnh Thị Kiều, nhưng là con thứ 5 nếu tính tất cả các anh em. Khi vào Sài Gòn, ông được gọi theo cách gọi miền Nam là Sáu Giáng.
Năm 1933, ông bắt đầu đi học tại trường làng Thanh Châu.
Năm 1936, ông học trường Bảo An (Điện Bàn) với thầy Lê Trí Viễn.
Năm 1939, ông ra Huế học tư tại Trường trung học Thuận Hóa. Trong số thầy dạy ông có Cao Xuân Huy, Hoài Thanh, Đào Duy Anh.
Tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, nhưng sau đó ông cũng kịp đậu bằng Thành chung.
Năm 1949, ông tham gia kháng chiến chống Pháp, làm bộ đội Công binh.
Năm 1950, ông thi đỗ tú tài đặc biệt do Liên khu V tổ chức, được cử tới Hà Tĩnh để tiếp tục học. Từ Quảng Nam phải đi bộ theo đường núi hơn một tháng rưỡi, nhưng khi đến nơi, thì ông quyết định bỏ học để quay ngược trở về quê, để đi chăn bò trên vùng rừng núi Trung Phước.
Năm 1952, ông trở ra Huế thi tú tài 2 ban Văn chương. Thi đỗ, ông vào Sài Gòn ghi danh học Đại học Văn khoa. Tuy nhiên, theo T. Khuê thì sau khi nhìn danh sách các giáo sư giảng dạy lại, ông quyết định chấm dứt việc học và bắt đầu viết khảo luận, sáng tác, dịch thuật và đi dạy học tại các trường tư thục [1].
Năm 1965, nhà ông bị cháy làm mất nhiều bản thảo của ông.
Năm 1969, ông "bắt đầu điên rực rỡ" (chữ của Bùi Giáng). Sau đó, ông "lang thang du hành Lục tỉnh" (chữ của Bui Giáng), trong đó có Long Xuyên, Châu Đốc...
Năm 1971, ông trở lại sống ở Sài Gòn. Thi sĩ Bùi Giáng mất lúc 2 giờ chiều ngày 7 tháng 10 năm 1998, sau một cơn tai biến mạch máu tại bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh, tức Sài Gòn cũ) sau những năm tháng sống "điên rồ lừng lẫy chết đi sống lại vẻ vang" (chữ của Bùi Giáng).
1.2. Những tác phẩm của Bùi Giáng
Theo thống kê chưa đầy đủ, tác phẩm của Bùi Giáng có (tạm phân theo thể loại):
Tập thơ: Mưa nguồn (1962), Lá hoa cồn (1963), Màu hoa trên ngàn (1963), Ngàn thu rớt hột (1963), Bài ca quần đảo (1963), Sa mạc trường ca (1963), Mười hai con mắt (1964), Rong rêu (1972), Thơ vô tận vui (1987), Mùa màng tháng tư (1987), Mùi Hương Xuân Sắc (1987), Đêm ngắm trăng (1997), Thơ Bùi Giáng (Montréal, 1994), Thơ Bùi Giáng (California, 1994)…
Giảng luận: Giảng luận về Nguyễn Công Trứ, Giảng luận về Cung oán ngâm khúc, Giảng luận về Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Giảng luận về Phan Bội Châu, Giảng luận về Chu Mạnh Trinh, Giảng luận về Tôn Thọ Tường, Giảng luận về Phan Văn Trị, tất cả đều được xuất bản năm 1957-1959.
Triết học: Tư tưởng hiện đại (1962), Martin Heidgger và tư tưởng hiện đại I và II (1963), Sao gọi là không có triết học Heidgger? (1963), Dialoque (viết chung, 1965)
Tạp văn: Các sách xuất bản năm 1969, có: Đi vào cõi thơ, Thi ca tư tưởng, Sa mạc phát tiết, Trăng châu thổ, Mùa xuân trong thi ca, Thúy Vân. Các sách xuất bản năm 1970, có: Biển Đông xe cát , Mùa thu trong thi ca. Các sách xuất bản năm 1971, có: Ngày tháng ngao du, Đường đi trong rừng, Lời cố quận, Lễ hội tháng Ba, Con đường ngã ba-Bước đi của tư tưởng…
Sách dịch: Các sách xuất bản năm 1966, có: Trăng Tỳ hải, Cõi người ta, Khung cửa hẹp, Hoa ngõ hạnh, Othello. Các sách xuất bản năm 1967, có: Bạo chúa Caligula, Ngộ nhận, Kim kiếm điêu linh. Các sách xuất bản năm 1968, có: Con đường phản kháng, Mùa hè sa mạc, Kẻ vô luân. Các sách xuất bản năm 1969, có: Nhà sư vướng luỵ, Ophélia Hamlet, Hòa âm điền dã. Các sách xuất bản năm 1973 và 1974, có: Hoàng tử Bé (1973), Mùa xuân hương sắc (1974)... Hiện nay, nhiều tác phẩm của ông đã và đang được tái bản và xuất bản trong và ngoài nước.
2. ĐÔI NÉT CẢM NHẬN VỀ THƠ CỦA BÙI GIÁNG
2.1. Cõi xuân trong thơ Bùi Giáng
Những tác phẩm của Bùi Giáng rất nhiều nhưng nỗi bật nhất là tập thơ Mưa nguồn và những hình ảnh mùa xuân trong thơ ông. Người đọc như lạc vào vườn xuân với những nét xuân khác nhau theo từng cung bậc cảm xúc của tác giả. Đó là cõi riêng của ông và cũng là niềm tin của ông. Ông tin tưởng vào mùa xuân vì đó là một mùa đẹp nhất trong một năm và mùa xuân cũng là mùa hạnh phúc. Mùa xuân trong thơ ông đối với thời gian là vô cùng và không gian là vô tận.
“Mùa xuân bữa trước mùa xuân bữa sau, xuân bốn bên trong hiện tại vây hãm tấn công đời hạnh phúc lạnh như băng không làm sao nhúc nhích”. (Bờ xuân,Mưa nguồn, tr.38-39)
Ông sử dụng nhiều điệp ngữ “xuân” “xuân bữa trước, xuân bữa sau, xuân bốn bên”. Dụng ý ở đây muốn nói lên một mùa xuân miên viễn, lòng ông lúc nào cũng tràn ngập mùa xuân. Dù trong vòng chu kỳ của một năm chỉ có ba tháng mùa xuân, xuân đi rồi xuân sẽ trở lại, nhưng mấy ai cảm nhận được xuân từng “bữa” như ông. Phải chăng ông xem xuân giống như những “bữa ăn” cho nên ông tận hưởng được mùa xuân ấy trong từng “bữa” đó là thời gian, còn không gian là “xuân bốn bên” nghĩa là nơi nào cũng có mùa xuân cả. So với xuân của chu kỳ trời đất, xuân của Bùi Giáng hiện hữu trong giờ phút hiện tại và vây hãm, tấn công nhưng nó lại mang đến cho ông một hạnh phúc.
Ngôn từ rất Bùi Giáng, mấy ai nói xuân “vây hãm tấn công” bao giờ. Chỉ có Bùi Giáng mới thế, ông có “điên” trong ngôn ngữ hay không điều đó không biết nữa. Chỉ có ông mới hiểu nỗi cái ngôn ngữ của ông. Dù không biết ông có “điên” hay không nhưng nếu tinh ý ta vẫn thấy ông “hạnh phúc” trong mùa xuân mà ông cảm nhận. Khác với mùa xuân của trời đất theo chu kỳ ba tháng trong một năm, còn xuân của ông là từng “bữa” cái “bữa” đó ông đã thưởng thức nó trong niềm hạnh phúc thẩm sâu vào trong tận hồn ông, mà nói rõ hơn là cảm nhận bằng “Tâm”. Giống như những  câu   thơ trong bài thơ Nguyên Đán của nhà thơ Xuân Diệu:
“Xuân của đất trời nay mới đến
Trong tôi xuân đến đã lâu rồi
Từ lúc yêu nhau, hoa nở mãi
Trong vườn thơm ngát của hồn tôi.”
Không những ông tận hưởng mùa xuân trong cả không gian và thời gian mà còn tin vào một mùa xuân miên viễn như tin một cánh én sẽ báo tin một mùa xuân đang về. Hình ảnh chim én bay, báo hiệu mùa xuân cho nhân loại. Đây là một niềm vui chung chứ chẳng phải riêng một mình ông. Khi chim én về báo hiệu mùa xuân đến, xua tan đi mùa đông đầy băng tuyết giá lạnh để cho những cây khô nẩy lộc đâm chồi:
Én đầu xuân tuyết đầu đông
Rừng cô tịch ngóng nội đồng trổ hoa.
(Mưa nguồn, tr.62)
Ông đồng cảm nghĩ với nhạc sĩ Văn Cao, trong ca khúc Xuân đầu tiên của Văn Cao có đoạn: “Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về, mùa bình thường mùa vui nay đã về…” Xuân đến lòng người ai lại chẳng vui, ai chẳng nao nức, ai chẳng muốn gặp lại cố nhân, những người đã xa vắng từ bao giờ. Xuân về cho lòng người một cảm giác ấm cúng, thân thương, khó tả:
Mùa xuân hẹn thu về em trở lại
Ta nhìn nhau trong bóng nước mơ màng
Nước chảy mãi bởi vì xuân trở lại
Với dòng trong em hẹn ở bên đường
Ta sẽ đợi nghe đời em kể lại
Thuở xưa kia... bờ nước ấy xưa kia
Ta sẽ đợi nghe đời em nói mãi
Bên đời ai vạn đợi đã chia lìa
Mùa xuân hẹn thu về em trở lại
Bên đời đi còn giữ mãi hay không
Giòng bất tuyệt xanh ngần xuân thơ dại
Sầu hoang vu vĩnh hạ vọng non hồng. 
(Về cố quận, Mưa nguồn, tr.61)
Những câu thơ của ông thật lạ, không giống như những mùa xuân của thiên hạ hay tả là mùa xuân có bướm có hoa. Mùa xuân của Bùi Giáng là “hạnh phúc” mà hạnh phúc của ông chỉ trong những câu nói bỏ lững, chính vì vậy ta mới thấy ông cảm nhận ở “Tâm: “Thuở xưa kia…bờ nước ấy xưa kia” Câu thơ không mang một nội dung gì cả, “thuở xưa kia” là thuở nào, xưa là từ bao giờ, “bờ nước ấy” là bờ nào, rồi lại nhắc thêm một lần“xưa kia” nữa. Phải chăng mùa xuân của ông là một sự hoài niệm, khắc khoải, chờ đợi, hay là mơ ước cho một mùa xuân đẹp sẽ đến khi ông khát khao một nàng thơ nào đó sẽ trở về. Nhưng dù thế nào thì ông cũng cảm nhận được hạnh phúc trong mùa xuân của mình. Ông đã sớm linh cảm rằng cuộc đời của ông chỉ xoay vòng trong một tọa độ mà tọa độ đó được xác đinh bởi không gian “Cố quận” và thời gian “Nguyên xuân” đễ đến nổi ông phải thối lên rằng:
Rồi tôi lớn, đi vào đời chân bước
Cỏ Mùa Xuân bị giẫm nát không hay
Chợt có lúc hai chân dừng một lượt
Người đi đâu? Xưa chính ở chỗ này. 
(Chỗ này, Mưa nguồn, tr.82)
Mùa xuân trong thơ ông có lúc đã rất vui, rất hạnh phúc, nhưng cũng lại có mùa xuân đau đớn, tái tê thể hiện qua câu: “Cỏ Mùa Xuân bị giẫm nát không hay”. Cỏ đẹp thế, mùa xuân đẹp thế nhưng bị giẫm nát lúc nào không hay biết. Phải chăng ông đã rất đau đớn một điều gì đó, tâm hồn ông đã giằn xé hay xót xa cho kiếp cỏ cây hay cho thân phận con người. Với ý nghĩ này Trịnh Công Sơn cũng xót xa cho thân phận của “cỏ”  qua ca khúc Cỏ xót xa đưa:
“Trên đời người trổ nhánh hoang vu
Trên ngày đi mọc cánh lá mù
Những tim đời đập lời hoang phế
Dưới mặt trời ngồi hát hôn mê
Dưới vòng nôi mọc từng nấm mộ

Dưới chân ngày cỏ xót xa đưa.”

“Cỏ” trong thơ của Bùi Giáng cũng như trong nhạc của Trịnh Công Sơn đều đau đớn như nhau. Cỏ như thân phận kiếp người cũng bị con người chà đạp, cỏ cũng biết xót xa biết tủi nhục, biết tái tê, biết rơi lệ. Như vậy, mùa xuân trong câu thơ này của Bùi Giáng cũng u buồn, chứ đâu phải mùa xuân trong câu thơ nào của ông cũng vui.
Mưa nguồn cũ quá xa rồi một trận
Ôi xuân xanh vĩnh biệt như thể nào
(…) Người viết mãi một màu xanh cho cỏ
Người viết hoài một màu cỏ cho xuân…
(Bài ca Quần Đảo, tr.22-23)
Với thơ ông, mùa xuân của đất trời hay xuân trong lòng thì cũng có lúc xuân buồn, cũng có lúc xuân vui, có lúc xuân hạnh phúc nhưng cũng có lúc xuân xót xa. Có những mùa xuân đã qua đi không bao giờ trở lại nhưng cũng có những mùa xuân ở mãi trong lòng ông. Rồi suốt một đời, ông đã ấp ủ một mùa xuân và ông vẽ cho chính mình một chân dung chân dung duy nhất, như viết hoài một màu cỏ cho xuân.
Xuân mười sáu suốt bến xuân chìm tắt
Một bài thơ gieo suốt tự bao giờ 
(Bài ca Quần Đảo, tr.11)
Không biết năm mười sáu tuổi đã xảy ra biến cố gì trong cuộc đời ông mà bến xuân trong ông đã chìm tắt? Điều đó cũng chẳng ai biết, chỉ biết là ông làm thơ từ dạo ấy, khoảng vào năm 1942, tại Huế, như theo lời kể của ông trong đầu sách Lời Cố Quận. [2]
Đọc thơ ông người đọc như lạc vòa một cánh rừng u tịch, không biết lối ra, không định hình được hướng, Người đọc choáng ngợp với từ từ, từng ngữ, từng câu thơ ông. Họ say sưa, họ suy nghĩ, … nhưng không thể hiểu hết những gì ông viết trong thơ. Trong khi họ còn đang đắm mình với cỏ cây hoa lá trong mùa xuân của ông thì bất chợt đâu đây lại nghe một lời chào như hư như thực: 
“Xin chào nhau giữa con đường
Mùa Xuân phía trước miên trường phía sau.” 

(Chào Nguyên Xuân)
Ủa! quen hay lạ mà chào nhau thế? Phải chăng trong từ vô thỉ mọi người đã quen nhau? Thôi thì thôi cũng xin chào nhau vì tất cả mọi người cùng đi trên một lộ trình cơ mà. Kiếp người đã là một lộ trình dài vô tận, trên lộ trình đó thi thoảng con người đã gặp nhau rồi. Trong luân hồi sanh tử ấy nếu có duyên. Vậy thì hãy cứ chào nhau đi, cứ vui đi như tận hưởng những mùa xuân vậy. Niềm khát khao nhất một kiếp người không phải là đi tìm hạnh phúc đó sao? Vậy thì xin cứ xem nhau như những người quen để còn được thấy nhau, được chào nhau. Hôm nay còn gặp thì hãy cứ chào đi, cứ vui đi như xuân đang về vậy, và hãy để cho mùa xuân ấy miên trường ở phía sau, có nghĩa là còn vui trong vạn ngày tới nữa. Hãy bỏ qua những đau thương mất mát trong cuộc đời để đi tìm một bến bờ hạnh phúc. Hãy cảm nhận nó trong từng bước chân và đừng nói thêm gì nữa:
Thưa rằng nói nữa là sai
Mùa Xuân đang đợi bước ai đi vào
Hỏi rằng: đất trích chiêm bao
Sá gì ngẫu nhĩ mà chào đón nhau
.

(Chào Nguyên Xuân)
Mùa xuân trong thơ Bui Giáng còn ở bước chân của ai nữa kia. Xuân cũng có thể theo người mà về chứ chẳng cần có chim én. Phải chăng là mùa xuân của tâm hồn khi tâm hồn tràn ngập niềm vui thì một bước chân nhè nhẹ cũng là một hạnh phúc. Nhưng sao trong những câu thơ này Bùi Giáng tự hỏi rồi lại tự trả lời. Ông có cô đơn không? Có lẽ tâm trạng ông vừa hạnh phúc vừa cô đơn chăng? Chính vì cô đơn nên ông mới độc thoại với chính mình. Có khi ông rất mơ hồ, rất triết lý nhưng có khi ông lại rất thực tại:  
“Thưa rằng: ly biệt mai sau
Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân.”
Không chỉ có vậy, những câu thơ về mùa xuân của ông có cái gì đó ngộ ngộ mà xưa nay chưa có một ai nghĩ ra dù nó chỉ là những hiện tượng bình thường của cuộc sống:
“Xuân về xuân lại xuân đi
Đi là đi biệt từ khi chưa về”
Theo Đặng Tiến nhận xét: “Hai câu thơ đơn giản. Ngớ ngẩn mà thâm sâu. Vớ vẩn mà thần sầu. Thâm sâu ở chỗ: lời nói tự hủy, tự lời bôi xóa lời. Câu thơ có nghĩa là: tôi vô nghĩa. Thần sầu ở chỗ: không mấy ai thấy cái chốn thâm sâu.”
Theo Nhất Thanh nhận định: đây là “Một bài thơ Xuân lạ lùng! Người làm thơ cứ như nhảy chân sáo trong thơ. Rất bông đùa, hóm hỉnh mà lại triết lý đến không ngờ. Qua tới đi về, cứ như mùa Xuân đang lượn lờ trước mắt chúng ta. Thế mà nó đã đi, đi biệt khi tất cả chúng ta chưa kịp thấy nó về. Hay nói cách khác, mùa Xuân vẫn mãi đi về giữa đất trời lớn rộng, trong khi lòng người quá nhiều bận rộn nên chưa kịp thấy hết nhịp điệu đến đi phiêu bồng của một cõi Nguyên Xuân.”[3]
Nói theo chu kỳ của vũ trụ thì xuân đến thì xuân phải về, dù cho con người có mong đợi hay không. Khi xuân đến có bảo xuân đừng đến cũng không được mà khi xuân đi có nắm giữ xuân lại thì cũng không thể. Hai câu thơ của Bùi Giáng nói lên chu kỳ của trời đất rất bình thường thôi nhưng nghe lại không bình thường. Có cái gì đó hay hay, lạ lạ, không dùng ngôn ngữ bay bướm, phóng đại gì cả, tuy rất đời thường nhưng lại rất khác thường. Có cái gì đó rất hay theo kiểu của Bùi Giáng mà ta không thể nói nên lời.
Theo nhận định của người viết: “Nếu nói Trịnh Công Sơn là “phù thủy về ca từ trong âm nhạc” thì Bùi Giáng là “kẻ điên về từ ngữ trong văn chương” điều đó không ngoa chút nào. Còn Đặng Tiến cũng khẳng định:“Thơ Việt Nam nhiều câu hay. Nhưng hay kiểu Bùi Giáng, xưa nay có một. [4]
2.2. Triết lý Phật giáo trong thơ Bùi Giáng
Đọc thơ của Bùi Giáng không những ta thấy được nét xuân mà còn thấy đầy triết lý của Phật giáo. Giống như Trịnh Công Sơn những ca từ trong ca khúc Trịnh thấm đượm tinh thần Phật giáo thì từ ngữ trong thơ của Bùi Giáng cũng mang nhiều hơi hướng của Đạo Phật. Nhiều người cho rằng “ông điên” nhưng hình như “ông điên để được tỉnh”, tỉnh trong thơ và tỉnh trong cả cuộc sống. Điên mà ông nhận chân được cuộc sống này là “hư vô” là không thật, là hữu hạn:  
Cũng vô lý như lần kia dưới lá
Con chim bay bỏ lại nhánh khô cành
Đời đã mất tự bao giờ giữa dạ
Khi lỡ nhìn viễn tượng lúc đầu xanh. 
(Hư vô và vĩnh viễn)
Mấy ai trong cuộc đời này hiểu được cuộc sống là “vô thường” biến đổi không ngừng nghỉ. Có lẽ ông cảm nhận điều này nên ông đã làm một kẻ lữ hành rong chơi suốt cả một đời không vướng víu. Ông giống như một gã cùng tử trong kinh Pháp Hoa cứ mãi lang thang cả một đời đến khi sực tỉnh lại thì mới nhận chân ra được “đời chỉ là cõi tạm”, chỉ là “quán trọ trần gian” thôi, có gì đâu mà vui. Cõi tạm thì vô thường mà quán trọ chỉ là chỗ nghỉ chân. Cõi tạm này chẳng biết bắt đầu từ khi nào và kết thúc từ bao giờ. Nhưng có điều mà ông biết được đó là cái chết. Cái chết là điều gì đó thương tâm của kiếp người mà không ai tránh khỏi, cũng như kiếp hoa rồi cũng sẽ úa tàn:
“Lỡ từ lạc bước bước ra
Chết từ sơ ngộ Màu Hoa Cuối Cùng.”
(Chớp biển, tr.45)
Nếu gọi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ của“Tình yêu và thân phận” mà trong đó yếu tố thân phận là yếu tố đã làm cho Trịnh Công Sơn trở nên bất hữu thì Bùi Giáng cũng có thể gọi là thi sĩ của “Tình yêu và thân phận”. Trong “cái thân phân” đó con người đã gặp nhau, đã vui sướng, đã đau khổ, đã dằn vặt, đã cấu xé lẫn nhau:
“Anh cứ tưởng đầu đường thương xó chợ
 Ai có ngờ xó chợ cũng thương nhau.”
Hai câu thơ này chẳng biết chính xác là như thế nào mà lại có câu thơ dị bản khác:
“Cứ tưởng đầu đường thương xó chợ
Nào ngờ xó chợ cũng chơi nhau.”
Dù có dị bản đi chăng nữa, ta vẫn thấy được nó chứa đựng một triết lý rất Phật giáo mà lại “rất Bùi Giáng. Theo quan niệm của đạo Phật, cuộc sống của một kiếp người là đau khổ. Sự khốn khổ cùng cực với sinh lão bệnh tử, ái biệt ly, oán tắng hội, cầu bất đắc… Bùi Giáng hiểu điều này, chính vì vậy mà ông đã sử dụng vào thơ của mình với hình ảnh “đầu đường” “xó chợ”, “đầu đường” “xó chợ” ở đây không phải là những người bần cùng theo phương diện xã hội mà ông muốn nói trên phương diện nỗi khốn cùng của kiếp người. Nhưng dù có là những kẻ “đầu đường” “xó chợ” đi chăng nữa thì phải biết thương nhau chứ. Kiếp người vốn dĩ đã chịu nhiều đau khổ của luật vô thường, của nhân quả nghiệp báo rồi, tại sao con người còn phải gây thêm những đau khổ cho nhau nữa. Cũng thân phận “đầu đường” “xó chợ” cả thôi, thì có gì sung sướng, có gì vinh quang đâu mà lại “chơi” nhau.
Trong xã hội người khốn khổ về vật chất nhất là những kẻ “đầu đường” “xó chợ” thì với triết lý của nhà Phật con người chỉ là một “gã cùng tử” không hơn không kém. “Gã cùng tử” chỉ biết rong chơi, lang thang đây đó, cho đến một lúc nào đó:
“Biển dâu sực tỉnh giang hà
Còn sơ nguyên mộng sau tà áo xanh.
(Áo xanh)
thì mới nhớ đến quê nhà. Thế gian là cõi tạm, cuộc sống là vô thường, biến hoại, không hằng hữu, chỉ có quê nhà mới là nơi êm ấm, là chốn bình yên. Mỗi con người ai không có một quê hương, một chốn để về. Lang thang suốt một đời rồi mới:
Sực nhớ rằng đây rừng rú thẳm
Là quê thân thiết biết bao chừng 
(Người về)
Ông nhận chân ra được quê nhà ấy ở trong lòng, nghĩ là sự cảm nhận của tâm. Chỉ có “chân tâm” mới là quê nhà thật sự. Chỉ có hạnh phúc thật sự là ở mãi trong tâm:
Lòng chim gieo sáng dệt vân sa
Trên bước đường xuân trở lại nhà
Mở sách chép rằng: vui một sáng
Nghìn năm còn mãi tấm lòng ta 
(Áo xuân, 1942)
Phải chăng Bùi Giáng muốn trở về với “chân tâm” của mình hay là khéo nhắc mọi người đừng đi tìm chân hạnh phúc ở đâu xa mà chính là ở tâm mình. Ông đã rất khéo léo vận dụng ngôn ngữ của Phật giáo và trong thơ ông. Ngôn từ tuy có khác nhưng ý nghĩa thì tương đồng, thế mới nói chân lý chỉ có một nhưng phương tiện là rất nhiều. Trở lại quê nhà ở đây không khác là trở lại với chân tâm, chính nơi đây mới là hạnh phúc và giá trị của hạnh phúc này phải đánh đổi bằng bao nhiêu năm lang thang nơi xứ lạ quê người.
Trong kinh Hoa Nghiêm, Phật dạy: “Nhất thiết duy tâm tạo”. Trước Bùi Giáng, Đại thi hào Nguyễn Du trong Truyện Kiều cũng nói về “Tâm” khi khẳng định về thân phận của kiếp người qua hình ảnh của nàng Kiều:“Thiện căn ở tại lòng ta, chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Trịnh Công Sơn cũng có một câu trong ca khúc Để gió cuốn đi đã trở thành một câu dường như là bất tử: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”. Tấm lòng đó là “Tâm”, nếu sống mà không có “Tâm” thì cuộc sống trở nên vô nghĩa. “Tâm” của Bùi Giáng có lúc lang thang, có lúc ngỡ ngàng, có lúc hiu quạnh, lúc có niềm vui… nói chung là trái tim ông cũng xao động theo mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút:
“Đường đi ngõ quạnh lang thang,
Niềm vui tao ngộ muôn vàn lạ thay.
Trái tim mỗi mỗi mỗi ngày,
Mỗi giờ phút đọng mây trời rung rinh”.
Điều này ứng với giáo lý của nhà Phật là: “Tâm viên, ý mã” (Tâm như con vượn chuyền cành, ý như con ngựa chạy rong trên đường.) Bùi Giáng hiểu được điều này, chính vì vậy mà ông muốn “trở về cố quận” để tìm lại cõi “nguyên xuân” của kiếp người. Cõi “nguyên xuân” đó chính là quay về với tự thân của cuộc sống đời thường mà bấy lâu nay con người ta bỏ quên. Cứ tưởng hạnh phúc nằm ở đâu xa xôi lắm con người cứ mãi khát khao đi tìm, đâu có ngờ hạnh phúc nằm ở những điều giản dị nhất của cuộc sống. “Hạnh phúc đâu chỉ là những nụ cười mà còn tô điểm thêm bằng những giọt nước mắt. Hạnh phúc đâu chỉ là ánh mặt trời ấm áp mà còn là vầng trăng lạnh lẽo đêm thâu.”[5]. Bùi Giáng đã nhận chân ra được hạnh phúc nên ông đã sống một cuộc đời không bon chen không danh lợi. Ông tìm vui trong những gì đơn sơ nhất, giản dị nhất mà mỗi người ai cũng có thể tìm được:  
“Mỗi sáng tôi nhìn mặt trời mọc trong mây,
Mỗi chiều tôi nhìn mặt trời lặn trong mây,
Suốt ngày tôi lắng tai nghe tiếng chim hót trong lá cây reo,
Và nhìn thấy rất nhiều mùa xuân mênh mông đang đi tới”.
(Nhìn thấy - “Đêm ngắm trăng” tr.27)
Ông tận hưởng cuộc sống với mỗi sáng sớm được còn nhìn thấy mặt trời mọc trong mây, mỗi chiều cũng được thấy mặt trời lặng trong mây, và lđược lắng nghe tiếng chim hót trong khoảng trời mênh mông vô tận. Cuộc sống tấp nập hối hả đã làm cho con người mãi chạy theo vật chất, với công việc, những mối quan hệ xã hội chằn chịt, những lo toan vây hãm, đâu có ai có thời gian để tận hưởng cuộc sống, dù chỉ là được nhìn cảnh bình minh và hoàng hôn. Cuộc sống rất ngắn ngủi, sang còn tối mất như cánh phù dung sớm nở tối tàn. Cái chết chẳng đợi ai nên đừng truy tìm hay ước vọng về quá khứ và tương lai mà cứ an trú trong phút giây hiện tại để thấy mình còn hiện hữu trên cõi đời này. Trong kinh Người biết sống một Đức Phật dạy:
“Quá khứ không truy tìm
Tương lai không ước vọng.
Quá khứ đã đoạn tận,
Tương lai lại chưa đến,
Chỉ có pháp hiện tại
Tuệ quán chính ở đây.” [6]
Chỉ có giờ phút hiện đại mới tìm thấy được hạnh phúc mà hạnh phúc đó là trạng thái của Niết Bàn. Niết Bàn hiện hữu trong từng hơi thở, trong từng thớ thịt của mạch sống chứ đâu phải ở đâu xa xôi. Niết bàn là sự hiện hữu của cái nhìn, cái thấy trong giây phút hiện tại khi tâm tỉnh giác. Tỉnh giác với tự thân và tỉnh giác ở cảnh vật mà ở đây trong thơ ông là tỉnh giác với thiên nhiên qua ánh nắng của mặt trời. Chỉ bao nhiêu đó thôi là đã đủ giàu có, thế mà tại sao con người vẫn mãi lang thang làm gả cùng tử, đến lúc nào đó gã cùng tử muốn quay trở về cố quận, dù đường về có quá xa xôi. Trịnh Công Sơn cũng nói:
“Đường xa mỏng mộng vô thường
Trái tim chợt tỉnh tôi nhừng nhịn tôi.”
Lang thang suốt một độ luân hồi rồi cũng may là có lúc tỉnh ra, có người suốt đời cũng đâu hiểu cuộc đời chỉ là giác mộng vô thường. Dẫu biết rằng con người không biết sinh ra từ đâu, nghĩa là cội nguồn hay quê hương là ở đâu, vì thế mà Bùi Giáng đã tự hỏi:
“Hỏi rằng người ở quê đâu
Thưa rằng tôi ở rất lâu quê nhà”.
hay:
“Từ đâu ngươi đến? – Từ đây ta về”.
Cuộc hành trình về cố quận của Bùi Giáng quả thật là dài, nhưng đâu đó ông cũng đã gặp được những triết lý của Phật giáo để rồi từ đó ông đem nó vào trong thơ ca của ông, nó trở thành chất liệu sống của ông theo từng năm tháng. Những tháng ngày một mình trên lộ trình của cuộc sống thông qua những câu thơ bình dị mà trác tuyệt là cả một tâm hồn siêu thoát. Cho nên có người còn gọi ông là “vị Bồ tát của văn chương”. Đúng vậy, ông đã từ bỏ một cái ràng buột, “ồn ào của cuộc sống để thong dong bước vào đạo”.[7] Đó là hạnh nguyện hay chỉ là một sự ngẫu nhiên của cuộc đời ông hoặc là cái nghiệp văn chương của ông phải như thế. Dù sao đi nữa thơ ông cũng mang đầy tâm trạng, mang đầy màu sắc mà màu sắc Phật giáo là một kho tàng vô giá mà ông đã may mắn bắt gặp được. Âu đó cũng là một phần thưởng của hạnh phúc đã dành cho ông và từ đó ông đem ban tặng đến tất cả mọi người qua những vần thơ tuyệt tác.
2.3. Nét hư thực trong thơ Bùi Giáng
Có người cho rằng Bùi Giáng “điên” nhưng hình như ông chỉ “điên trong thơ” mà thôi. Cái điên đó thể hiện ở nét hư thực trong ngôn từ và nội dung của ông. Thơ của ông dung dị mà sâu sắc, đơn giản mà tài hoa, bong đùa mà nghiêm túc, khoáng đảng mà khắc,  như vậy đâu thể nói Bùi Giáng là một “người điên”, thơ ông hay là thế. Những câu thơ trong thơ ông có thể bỏ lững, có thể không lý do nhưng ta vẫn có thể cảm nhận nó theo tâm trạng của mỗi người. Ai muốn hiểu sao thì hiểu, nhưng không ai có thể hiểu hết thơ ông. Và cho đến chính bản thân ông cũng không thể hiểu nổi ông kia mà:
Xưa kia tôi đã có lần
Và bây giờ đã đôi phần tôi quên.
(Ca dao, Mưa nguồn, tr.143)
Ông không cho biết ông quên gì, nhớ gì, vì ông cũng không biết ông đã làm gì để mà nhớ. Có đôi khi con người ta “tưởng rằng đã quên” nhưng sự thật có quên đâu bao giờ, không những không quên chút nào mà nổi nhớ ấy lại được cất giữ ở một góc khuất trong tâm hồn mà thôi. Bùi Giáng cũng vậy, cái ông quên là những gì ông có thể quên vì không ai nhớ hết tất cả mọi điều. Cuộc sống còn có những điều quan trọng hơn cần phải nhớ và cần phải nghĩ. Cũng rất “may” là ông đã quên chứ  không ông còn có nhiều câu thơ hay hơn thế nữa. Câu thơ đọc lên rất bình thường nhưng lại không bình thường. Chính vì thế mà người đời mới bảo ông “điên”.
Những câu thơ của ông vừa hư vực, hư ở đây là nó thực đến nỗi mà hóa “hư” còn “thực” ở đây là hư đến nỗi mà hóa “thực”. Có những thứ mà chẳng ai đem nó vào thơ nhưng hình ảnh “đầu đường” và “xó chợ” vậy mà ông lại đem vào thơ không những thế mà lại hay nữa chứ. Có những dụng cụ tầm thường trong cuộc sống chẳng đưa nó vào thơ vậy mà qua ngòi bút của ông những thứ đó lại trở nên sống động hư thực:
“Bằng bút chì đen
Tôi chép bài thơ
Trên tường vôi trắng
Bằng bút chì trắng
Tôi chép bài thơ
Trên lá lục hồng

Bằng cục than hồng
Tôi đốt bài thơ
Từng phút từng giờ
Tôi cười tôi khóc bâng quơ
Người nghe cười khóc có ngờ chi không?”

(Bao giờ)
Bằng những vật dụng có trong cuộc sống hàng ngày mà ít ai để ý đến giá trị của nó như: “bút chì”, “tường vôi”, “cục than” vậy mà ông đã đem vào thơ của mình. Nhìn ở ngoài chúng bình thường thế mà vô trong thơ ông nó trở nên có hồn, có cảm xúc tạo nên những câu thơ sống động. Những câu thơ rất thực nhưng không ai ngờ đến nỗi nó quá thực đến như vậy, chính vì nó quá thực nên nó đã trở thành “hư”
“Người nằm ngủ thấy gì,
Thấy rất nhiều nắng lạ,
Những chùm bông rất xanh,
Có lẽ bông là lá.
Người nằm ngủ thấy gì,
Chẳng thấy gì hết cả.
Ngài thử nằm ngủ đi,
Đừng hỏi gì hết cả”. 

(Có lẽ – “Mưa nguồn…” tr. 359)
Đọc thơ của ông đôi khi ta bắt gặp những điều rất mâu thuẫn. Có khi ông nói thấy có khi lại nói không, vậy cuối cùng là như thế nào? Chỉ có người sống trong cuộc mới biết chứ có diễn tả ra cũng không ai hiểu được. Những hình ảnh nắng, lá, bông trong giấc mơ có khi thấy có khi lại không thấy, không thấy không có nghĩa là không thấy mà thấy không có gì. Bùi Giáng đã hư thực trong giấc mơ như hư thực trong chính những câu thơ của ông. Đây không phải là lời nói xuông mà chỉ có ai sống trong giấc mơ đó mới cảm nhận được. Giấc mơ thì là có thật nhưng những điều diễn ra trong giấc mơ lại là hư ảo. Bùi Giáng cảm nhận được điều này muốn đem kể lại cho mọi người ông nghĩ mọi người sẽ không cảm nhận được nó. Nếu ai muốn hiểu được những giấc mơ đó thì phải tự mình đi vào giấc mơ đó và sống với nó thì mới hiểu được. Sự cảm nhận của mỗi người là khác nhau khi mỗi sự vật hiện tượng đều có nguyên lý của nó. Giống như viên kim cương có nhiều mặt con người không thể nhìn một lúc tất cả các mặt của nó. Nếu chỉ nhìn phiến diện thì không thể nhận xét đúng về nó, chính vì vậy mà phải nhìn toàn thể thì mới đáng quá được. Nhưng chưa chắc gì khi nhìn tổng thể lại đánh giá đúng về nó.
Sự hy thực trong thơ ông làm cho sự tư duy của người đọc thêm phong phú, tùy theo sự cảm nhận của mỗi người, ông không bắt buột ai phải có suy nghĩ như ông. Phải chăng nó hư thực quá mà người ta cho rằng ông “điên”. Nhưng “điên” mà có những tác phẩm hay đến siêu lòng thì cũng nên “điên” lắm chứ. Chỉ sợ tỉnh mà không thể làm được điều gì thì tỉnh cũng chẳng để tỉnh làm gì cả. Phải nói rằng Bùi Giáng là ông Tiên thì đúng hơn vì ông đã sử dụng chiếc đũa thần tư tưởng của mình gõ vào những con chữ để cho chúng tự nhảy múa chứ ông không hề điều khiển chúng.
3. NHẬN ĐỊNH VỀ NHỮNG TÁC PHẨM CỦA BÙI GIÁNG
Bùi Giáng không chỉ làm thơ, dịch tiểu thuyết, viết sách khảo luận triết học, Bùi Giáng còn viết rất nhiều tùy bút văn học, đặc biệt là tùy bút về thơ. Nếu ai đã từng đọc nhữn tác phẩm của ông sẽ thấy đằng sau những ngôn từ đó là một tâm hồn mênh mang huyền diệu, những cung bậc cảm xúc của một con người đa tài. Khác với những tác giả khác chỉ thiên về một lĩnh vực văn hoặc thơ hay tùy bút còn Bùi Giáng thì viết nhiều thể loại nhưng thể loại nào cũng hay cả.
Ngôn từ trong thơ ông đa dạng, nhiều ẩn ý, nhiều hình tượng và đặc biệt là mang đầy triết lý phương Đông mà nổi bật nhất là triết lý Phật giáo. Đọc thơ ông người đọc như lạc vào một khu rừng của từ ngữ, trong đó những con chữ thi nhau nhảy múa, hát ca. Ngôn ngữ đó, Bùi Giáng đã đưa kinh Phật về với những gì dung dị nhất mà người đọc vẫn có thể cảm nhận nó qua những cảnh vật, những vật dụng, hoặc thiên nhiên như hoa lá cỏ cây. Mùa xuân trong thơ của ông có khi buồn, khi vui, khi hạnh phúc, khi xót xa.
Những câu từ vừa siêu nhiên, vừa trần tục, vừa ngây ngô, vừa điên dại đã làm cho người đọc như lạc vào cõi ba đào tuý luý tình mộng đổ xiêu của mình. Cõi thơ Bùi Giáng mang bóng dáng của huyền thoại nữa hư nữa thật. Nhưng dù sao đi nữa phải công nhận một điều thơ ông hay mà lạ, không lẫn lộn với thơ của bất cứ ai. Chính vì vậy mà ta có thể gọi là độc đáo ‘rất Bùi Giáng.
KẾT LUẬN
Có thể nói Bùi Giáng là một thi sĩ kỳ lạ mà có người đã mệnh danh ông là “thi sĩ Bồ Tát”, vì ông đã cống hiến cả đời mình cho văn chương. Sự cống hiến không mệt mỏi cho đến cuối đời. Ông hào phóng với cuộc đời và ban tặng những gì tin túy nhất trong tư tưởng của ông để có những tác phẩm dâng đời. Xét về cuộc sống của ông có cái gì đó rất bình dị không hoa hòe, không phô trương, không chấp trước. Chính vì thế mà ông trở nên khác người đến nổi người đời còn cho là ông điên. Nhưng thực ra ông sống tùy duyên không vướng bận, ông muốn thoát ra khỏi những vật chất bám víu với những cái cảnh nhà cao, cửa rộng mà lại trở về với thế giới nguyên sơ để không phải lụy phiền.
Bùi Giáng một mình đi trên con đường thênh thang trong cả cuộc sống và trong cả văn chương, nhưng trên bước độc hành đó ông đã bắt gặp những tâm hồn đồng điệu như Nguyễn Du, Trịnh Công Sơn và đặc biệt là bắt gặp cả một kho tàng giáo lý của nhà Phật thì đó quả thật là một điều hạnh phúc. Ông bắt gặp được một nguồn hạnh phúc, một niềm vui thật sự để từ đó bước vào cõi nguyên sơ và sống với nó qua những vần thơ bình lặng. 
Thơ ông vừa lãng mạn, tinh nghịch, lại vừa hóm hỉnh, nhẹ nhàng. Có những bài thơ vừa độc thoại và vấn đáp xoay quanh tình yêu và thân phận, lẽ sinh tồn trong cuộc sống bể dâu đầy khắc nghiệt. Ông yêu cuộc đời nên không muốn cuộc đời tổn thương, ông thương con người nên không muốn than phận kiếp người phải đau khổ, nên thơ ông như ẩn chứa những tâm trạng khắc khoải hoài vong. Thơ ông vừa cổ kính vừa hiện đại, “có màu sắc siêu thực qua tính cách tạo hình, có chất hoang mang của con người bất khả tri về mình, về người khác trong cuộc sinh tồn hiện hữu...” [8]
Bùi Giáng đã bắt gặp hình ảnh của chính mình ở trong thơ, và tấm bi kịch đó ông đã vẽ nên những bức tranh có khi vui tươi, có khi ảm đạm, có khi có nghĩa và có lúc cũng trở trên sáo rỗng. Chính vì vậy mà ông đã rất “ngông” không những ở trong thơ mà luôn cả với đời sống hiện thực của ông. Người viết xin mượn lời của T.Khuê nhận định để thay lời kết: “Dù sao chăng nữa, ông cũng đã tạo được một mẫu ngông thời đại, sáng tạo một kiểu say sưa, chán đời của thế kỷ 20, khác với Nguyễn Khuyến trong thế kỷ 19 hoặc Tản Đà ở đầu thế kỷ 20” [9].
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. T Khuê, mục từ Bùi Giáng trong Từ điển văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004.
2. Nhiều người viết, Đặc tuyển Thi sĩ Bùi Giáng, tạp chí Thời văn số 19, 1997.
3. Giao Hưởng, Bùi Giáng có điên không?, http://www.thamtutu.net/
4. Đặng Tiến, Bùi Giáng nguồn xuân
5. Đặng Tiến, Nguồn Bùi Giáng
6. Yến Tử, Phật giáo trong thơ Bùi Giáng, nguồn Liễu Quán
7. Nguyên Cẩn, Đi tìm cõi xuân trong thơ Bùi Giáng.
Pháp Như
Theo https://benhvienthoibinh.jimdo.com/



Nhà văn Nguyễn Quốc Trung trên hành trình đất không đổi màu

Nhà văn Nguyễn Quốc Trung trên hành trình đất không đổi màu Nhà văn Nguyễn Quốc Trung qua đời cách đây 2 năm vì Covid-19, được Hội Nhà văn...