Thứ Sáu, 15 tháng 9, 2017

Jean Jacques Rousseau: Văn sĩ - Nhạc sĩ - Triết gia (1712-1778)

Jean Jacques Rousseau: 
Văn sĩ - Nhạc sĩ - Triết gia 
(1712-1778)
PHẦN THỨ NHẤT
Cuộc đời của Rousseau được chúng ta biết nhờ vào những tác phẩm tự thuật phong phú của ông để lại trong đó tác phẩm nổi tiếng nhất vẫn là Les Confessions - những lời thú nhận. Khởi sự viết từ năm 1664, tác phẩm này có chủ đích mang lại cho người đọc những hình ảnh thực sự về tác giả và cũng để phản ứng lại với nhũng lời cáo buộc của những người đối kháng ông. Rousseau nghĩ và rảo bước đi, để tư tưởng của ông tự nẩy sinh theo cảnh trí bên đường, những suy nghĩ của ông kết cấu, phối hợp để trực diện với xã hội mà ông đang trốn chạy, đang kiếm tìm miên viễn, một ngơi nghĩ không thể có được trong ông; Tâm thần ông nhạy cảm, bốc lửa , đam mê, nghiêm khắc và thượng võ, ông chỉ có thể đề nghị với thế giới này không gì khác hơn là một đoạn tuyệt toàn diện, Jean-Jacques Rousseau đã bị từ khước và bị đuổi dồn về với chính cái tôi (le moi),với nước mắt và với đức tính khắc khổ của ông.
Tại Genève, một nước cộng hòa độc lập của những người công dân khắc khổ, theo chủ nghĩa calvin, hãnh diện với những đặc quyền mà họ được hưởng Jean-Jacques Rousseau ra chào đời ngày 28 tháng 6 năm 1712 trong thanh âm của những tiếng nhạc, những nhịp điệu bởi người cha, Isaac, một thợ đồng hồ, nhạc sĩ vĩ cầm, giáo sư dạy nhẩy và dưới sự nhạy cảm nhưng bi thương từ người mẹ, Suzanne, qua đời chỉ mấy ngày (7-7-1712) sau vì đã sinh ra ông. Cậu bé Jean-Jacques khôi ngô đó giúp cập cha cậu trong việc thờ phụng người mẹ đã mất; Cũng với cha, cậu tập đọc hầu hết bằng những quyển tiểu thuyết của người cha cho đến một ngày Isaac, cha cậu buộc lòng phải trốn khỏi Genève đến ẩn lánh tại Nyon sau một trận đấu kiếm làm cho đối thủ bị thương mà cũng không thể dẫn con trai theo được.
NHỮNG TRỐN CHẠY VÀ NHỮNG HÀNH TRÌNH
Năm 10 tuổi J.J Rousseau được ủy thác cho người em rể của cha cậu, Gabriel Bernard. Jean-Jacques và người em họ, Abraham Bernard, trạc lứa tuổi, đã được gởi trọ học tại nhà mục sư Jean-Jacques Lambercier tại Bossey,. một làng nhỏ gần Genève, vị mục sư Lambercier với sự bất công sau đó cậu trở về Genève và được gởi đến học việc tại nhà một ông mõ tòa nhưng cũng chẳng không bao lâu (1725) J.J.Rousseau được gởi đến học việc tại nhà một người thợ khắc cục cằn, bất công tên là Abel Ducommun;. Ngày đó, chủ nhật 14-3-1728, sau một buổi mãi dạo chơi với những người bạn đồng lứa nên lúc trở về nhà người thợ khắc thì cổng thành đã đóng.Sợ bị trừng phạt như mọi lần loay hoay, lang thang và mấy ngày sau đó đến Confignon tìm gặp một vị linh mục tại đây, Benoît de Pontverre tạm trú, vị linh mục này đã thuyết giảng về những lợi ích của đạo thiên chúa với Rousseau và cho cậu địa chỉ một người đàn bà nhân từ cư ngụ tại tỉnh Annecy kèm theo lá thư gởi gấm.
 Bà De Warens tên thật là Françoise Louise de la Tour, lấy chồng vào năm 14 tuổi vào năm 1726 hai người đã bỏ nhau. Sau khi cải đạo thiên chúa bà đã được vua Sardaigne, Victor Amédée trợ cấp. Theo lời khuyên của người đàn bà trẻ này, Jean Jacques Rousseau rời Annecy ngày 24 -3 đi bộ đến Turin, một thành phố tại Ý, ngày 12- 4 -1728 trình diện tại nhà trú Spirito Santo dành cho những người học kinh để được làm lễ rửa tội, tại đây cậu bé Rousseau vội vã học, chỉ 11 ngày sau cậu đã được rửa tội vào đạo vào ngày 23-4-1728 (một thời gian kỷ lục). Ngay khi rửa tội xong J.Jacques đã phải đi tìm việc làm, cậu nhận một chân làm người giúp việc tại nhà bà De Vercellis nhưng chỉ ít lâu sau bà De Vercellis mất; Sau mấy tuần lễ lang thang tìm việc, J.Jacques vào làm cho công tước De Gouvon, nhưng cũng vài tháng sau J.J.Rousseau quyết định trở về Annecy cùng với một người bạn khi học khắc ở Genève.
JEAN JACQUES ROUSSEAU GẬP LẠI BÀ DE WARENS
Trở lại Annecy và được bà De Warens nồng nhiệt tiếp đón cho lưu ngụ trong nhà bà. "Petit" em bé, tên bà De Warens gọi Jean Jacques và J.Jacques gọi người đàn bà trẻ này là "maman" Thời gian sống bên cạnh bà De Warens đã là một giai đoạn hạnh phúc thật sự của Jean Jacques với những buổi đi dạo giữa phong cảnh thiên nhiên, những giấc mơ, một vài thú ăn chơi của thượng lưu xã hội. Jean Jacques được tập tành những phong cách ăn nói, cử chỉ của giới trưởng giả này trong những buổi ăn tối. Jean Jacques cũng thử vào một chủng viện với ý định sẽ đi tu nhưng được hai tháng sau cậu từ bỏ để ghi tên theo học âm nhạc ở giáo đường Annecy.
XÚC ĐỘNG ĐẦU TIÊN TRONG TÌNH YÊU
Năm 18 tuổi, Jean Jacques sực thức tỉnh trước những quyến rũ của phái nữ và khởi sự việc ''giáo dục tình cảm'' của cậu. Suốt mùa hè năm 1730, mối diễm tình với những trái anh đào của cậu và 2 ngươì con gái con nhà giầu nghỉ hè học cải đạo như cậu, cô Galley và cô De Graffenried gọi hỏi cậu trong lúc Jean Jacques đang một mình đi thả bộ, các cô cũng đang trong một ngày nghỉ cô đơn tại Manoir de la Tour trong địa phận Thônes. Cậu trai trẻ Jean Jacques giúp họ vượt sông và cả ba vui chơi trong một ngày thật đẹp trời đó: họ vui đùa thật nhiều khi hái những trái anh đào đỏ rực sau buổi ăn trưa trên bãi cỏ. Từ trên cao của cây anh đào, Jean Jacques đùa dỡn liệng xuống những nhánh anh đào trĩu trái vào ngực áo người cậu thích nhất, hãy đọc những giòng chữ đã được J.J. Rousseau viết trong Les Confessions - những lời thú tội- "Tôi leo lên cây để ném xuống hai cô đó những nhánh trái cây và họ cũng ném tôi qua những nhánh cây bằng những hột trái anh đào. Có một lần cô Galley đưa tấm tạp dề về đàng trước, niểng đầu lại phía sau và tôi nhắm đúng đến độ tôi đã ném một chùm trái cây trúng ngay vú cô để cười phá lên.Tôi tự nhủ: Phải chăng những trái anh đào không là đôi môi tôi! cũng như tôi đã ném gởi thật nồng nhiệt", sau này Jean Jacques yêu cô Galley nhưng tình yêu đã không thành. Bà De Warens đang ở Paris, Merceret, cô bồi phòng của bà yêu Jean Jacques, nàng đề nghị với chàng trai trẻ cùng về thăm cha mẹ nàng tại Fribourg, 2 người đi bộ, trên đường Fribourg, cả hai ngừng chân ghé Nyon vào thăm ông Isaac, cha cậu Jean Jacques. Người cha đã lấy vợ khác, Jeanne François, bà ta không lấy gì hài lòng khi Jean Jacques ghé thăm, phần nữa, cha cậu ta cũng không ưng thuận về chuyện cậu con thay đổi tôn giáo và lang thang giang hồ. Rời khỏi Fribourg, Jean Jacques khởi sự du hành theo hứng thú của cậu bằng cách dạy kèm âm nhạc để mưu sinh. Cậu đến Vevey - Lausanne, nơi chôn nhau cắt rốn của bà De Warens, đến Neuchâtel, Boudry, Berne, Soleure, năm 1731 tại Soleure, Jean Jacques được sự giới thiệu đi Paris với hy vọng sẽ được làm một chân ''aide de camp'' cho một người cháu trai của đại tá thụy sĩ Gaudard nhưng Jean Jacques đã hoàn toàn thất vọng bởi người ta chỉ xem cậu như một kẻ hầu hạ. Được tin bà De Warens đến Lyon, cậu thanh niên trẻ tự do này đã cấp thời đi bộ qua Auxerre đến Lyon nơi đây cậu đến nhà tu Chazeaux gặp cô Châtelet, một người bạn của bà De Warens hỏi thăm tin tức nhưng không được, cậu đành phải ngủ ngoài trời bên cạnh dòng sông. Saône. Trong "Les Confessions" Jean Jacques Rousseau đã kể lại thú vị khi cậu được thở hít không khí trong mát, ngắm mặt trời lặn và nghe tiếng chim hót.
ĐƯỢC BÀ DE WARENS THA THỨ...
Cuối cùng bà De Warens cũng cho chàng trai trẻ Jean Jacques biết tin tức cùng sự tha thứ về chuyện cậu bỏ trốn, bà gởi tiền lộ phí để cậu đến với bà. Jean Jacques lại đi bộ vượt núi đến Chambéry nơi bà De Warens đang cư trú vào mùa thu năm 1731, năm này cậu cũng đã được 19 tuổi. Tại Chambéry, Jean Jacques ở tại nhà bà De Warens , bà cũng vận động cho cậu làm việc tại sở địa bạ nhưng nghề này cũng chẳng thích hợp với cậu nên tháng 7-1732 cậu đã thôi việc để đi dạy âm nhạc lấy tiền thù lao. Chàng trai trẻ Jean Jacques ước ao được hoàn chỉnh nghệ thuật âm nhạc của cậu và được sự hỗ trợ của "maman", kết quả Jean Jacques được đến Besançon để học nhạc với cha Blanchard. Trở lại Chambéry, Jean Jacques được coi như là một thầy dạy nhạc giỏi ở thành phố này, rất nhiều học trò đến theo học, hiển nhiên trong đó có những cô gái dậy thì xinh xắn, một trong những cô đó, Péronne Lard, con gái của một người bán thực phẩm khô, để ý đến người thầy trẻ tuổi tài cao này. Cho đến nay, Bà De Warens vẫn chỉ trong vị trí là "một bà mẹ tốt" và "rất mềm mỏng" của Jean Jacques đã nảy ra ý nghĩ... đối xử với cậu như một người đàn ông... Thế là mùa thu năm 1733 trong vườn hoa Faubourg nơi một quán rượu ngoài trời, Jean Jacques đã trở thành...người tình của bà De Warens.
RÈN LUYỆN TÌNH CẢM CỦA JEAN JACQUES
Người đàn bà xinh đẹp 34 tuổi này muốn bổ sung giáo dục cho cậu trai trẻ đam mê, nhạy cảm và lãng mạng 21 tuổi này nhưng bà De Warens lại có một ông ''bồ'' cũng là một người làm việc trong nhà bà, Claude Adnet 40 tuổi. Tuy nhiên chuyện yêu đương tay ba này cũng diễn ra thật êm thấm trong căn nhà tại Chambéry cho đến tháng 3-1734 khi Claude Adnet chết đột ngột vì bệnh viêm màng phổi, từ đó Jean Jacques phải đảm trách nhiệm vụ quản gia cho "một bà De Warens khó tính", cậu phải đi đó đi đây nhưng bà De Warens cũng cho phép cậu được học và giới thiệu cho cậu hội nhập giới có học thức nhờ vậy cậu cải tiến được môn triết học với M.de Conzié và những môn học khác như la tanh, âm nhạc, vật lý, hình học, thực vật học.
"LES CHARMETTES" NIỀM HẠNH PHÚC CỦA JEAN JACQUES
Hè 1736, lần đầu tiên dọn đến ở tại thung lũng Charmettes, trong một ngôi nhà nhỏ sau đó được trao đổi để lấy một cơ ngơi đối diện và trở thành nổi tiếng với tên ''Les Charmettes'', ngày tháng ở đây Jean-Jacques Rousseau đã biết được thế nào là hạnh phúc "nơi đây khởi đầu một hạnh phúc ngắn ngủi của cuộc đời tôi, nơi đây những thanh bình đến rồi cũng thoáng trôi qua nhanh nhưng nó cũng cho phép tôi được quyền nói rằng tôi đã được sống". Trong ngoại cảnh quyến rũ đó, Jean Jacques khởi sự khám phá thiên nhiên, thực hành âm nhạc, đọc sách và sưu tập cây cỏ bao quanh bởi những vị khách uyên bác ngoài ra còn những buổi thả bộ và những giây phút chia sẻ với bà De Warens, tất cả phủ tràn hạnh phúc. Jean Jacques muốn thời gian ngừng lại "maman,maman" tôi nói với bà ta bằng tất cả nỗi đam mê, "ngày này là ngày đã hứa hẹn với tôi từ rất lâu và tôi không còn ao ước gì hơn nữa". Hạnh phúc của tôi nhờ bà mà có, chỉ xin rằng nó sẽ không bị suy tàn từ nay trở về sau .
Mùa đông đến, hai người bịn rịn tạm biệt ''Chamettes'' để trở về Chambéry.
PHẦN THỨ HAI
KHỞI ĐẦU SỰ NGHIỆP VĂN CHƯƠNG CỦA J.J.ROUSSEAU
Xuân 1737 mới chỉ chớm về họ đã vội dìu dắt nhau trở lại thiên đường nhỏ đó để được sống hạnh phúc với những buổi bách bộ thật lâu, những cuộc đi chơi thú vị, những cuộc họp về thực vật học.....
''Les Charmettes'' cũng là nơi J.J.Rousseau khởi sự viết, đầu tiên để trả lời cho một hồi ký vô danh với tựa đề "Nếu thế giới mà chúng ta đang cư ngụ là một hình cầu". Jean Jacques công bố quyền sách đầu tiên gởi cho người bạn gái của chàng ta "Vườn cây ăn trái của bà nam tước De Warens" -Le verger de Madame la baronne de Warens-.một bài thơ ca ngợi vẻ quyến rũ của thôn quê, lòng từ thiện của người đàn bà trẻ đẹp đã che chở chàng ta và sự hạnh phúc được học hỏi .
Tháng 6, tờ Mercure de France ấn hành một bài hát ''phổ nhạc bởi ông Rousseau'' Nơi đây Jean Jacques và bà De Warens được gần gũi nhau nhiều hơn qua những công việc nho nhỏ: trồng rau, săn sóc vườn cây trái, chăn gà chăn ngỗng... Jean-Jacques thức dậy sớm đi bách bộ trên triền đồi nhìn xuống thung lũng, từ xa nhìn chừng về hai cánh cửa sổ phòng "mamam". "Khi tôi thấy cánh gỗ che gíó ngoài cửa sổ mở, tôi đã run rẩy niềm vui và tôi chạy vội về...Tôi sẽ ôm choàng bà khi bà còn chập chờn ngủ trong giường ..."; Họ đã thật sự gần gũi nhau như chưa bao giờ có được trong mối tương quan của họ kể ngay cả về sau này.
Tháng 7-1737Jean-Jacques được đúng 25 tuổi, chàng trai cất bước đến Genève lẩy phần thừa kế của mẹ cậu khi mất đã để lại (khoảng 6500 florins). Cậu đã hớn hở đưa tặng bà De Warens 300 livres để biểu lộ lòng biết ơn của cậu đối với những nghĩa cử mà người đàn bà trẻ đẹp này đã dành cho cậu (Điều cần biết: Rousseau trong một chúc thư đã nhìn nhận rằng có thiếu nợ bà De Warens một số tiền là 2.000 livres Savoie ''về tiền ăn cơm tháng, ở nhà trọ, tiền quần áo...'' số tiền mà ông ta cam kết trả.
CUỘC PHIÊU LƯU KHÔNG NGỜ TRÊN ĐƯỜNG ĐI MONTPELLIER
Đột ngột sức khỏe của Jean Jacques bị biến đổi, như ''một loại bão tố'' nổi lên trong máu kèm theo một ''tiếng chấn động dữ dội'' đã làm cho Jean Jacques vĩnh viễn bị bệnh nặng tai. Một ngày đó trong tháng 9-1737, nghĩ rằng mình đã bị một chứng bệnh về tim, Jean Jacques quyết định đi khám nơi một bác sĩ chuyên môn tại tỉnh Monpellier. Trên lộ trình, chàng trai trẻ đã làm quen với bà De Larnage, một người đàn bà duyên dáng cũng đi du lịch, với bà mẹ gia đình này chàng trai đã khám phá một tình yêu đam mê, điên cuồng suốt 5 ngày tại Valence và Montélimar.
Tháng 3-1738, Rousseau trở về Chambéry để thất vọng và hiểu được rằng những ngày hạnh phúc cũ đã chỉ là quá khứ: Bà De Warens có người yêu mới, De Courtilles. Bà De Warens cũng làm mọi cách để cho chàng trai trẻ hiểu rằng cậu ta vẫn có những quyền hạn như cũ nhưng hiển nhiên sự liên hệ đầm ấm ngày trước cũng lạnh nhạt hơn, một cuộc tình tay ba lại tái diễn. Cảnh huống đó không thể làm Jean Jacques vui sướng lắm, trong suốt 2 năm chàng trai trẻ thường luôn sống cô độc tại Les Chamettes nhưng cũng chính 2 năm này lại giúp cho việc học tập của chàng ta phát triển phong phú hơn: Sáng tạo một phương pháp đọc về những nhà tư tưởng và những triết gia, nghiên cứ lịch sử và toàn bộ Virgile bằng chữ La tinh, điền những tập thiên văn, địa lý, soạn thảo bài giảng về hình học, cuối cùng là luyện tập âm nhạc và khởi sự sáng tác hồi thứ 1 của một vở nhạc kịch, Iphis, phỏng theo Ovide. Ở đây chúng ta đang được tham dự vào sự khởi thủy của những ý tưởng lớn trên đó sẽ được đúc kết những hệ thống và nguyên tắc triết lý, đạo đức thể hiện trong các tác phẩm của Jean Jacques Rousseau.
MỘT NGHỀ MỚI: GIA SƯ TẠI LYON
Mùa Xuân 1740, Jean Jacques quyết định thay đổi cuộc sống.
Đầy ắp tham vọng, chàng ta gởi đến ông De Mably, tổng hiến binh trưởng tỉnh Lyon, một bức thư hãnh diện tự giới thiệu để xin đảm nhận trách vụ gia sư. Một ngạc nhiên lý thú, chàng ta đã được chấp thuận với số lương là 350 livres cố định và 50 livres quà thưởng tết.
Ông De Mably có 2 cậu con trai, một cậu thì cởi mở, nhanh lẹ nhưng khờ khạo và cậu thứ hai hơi ngốc nhưng bướng bỉnh. Phần thì không có kinh nghiệm, phần thì bản tính hồn nhiên với trẻ con vì thế thành quả cũng không đạt được nhiều so với những nguyên tắc sư phạm của chính Rousseau đề ra, tuy nhiên kinh nghiệm tại Lyon này lại rất quan trọng cho sự huấn luyện về con người và cho tác phẩm tương lai của ông.
Rousseau đã gần đến thời hạn chấm dứt nhiệm vụ gia sư, chàng ta soạn thảo một bản báo cáo trình gởi ông De Mably để bày tỏ những nguyên tắc giáo dục của chàng và sự áp dụng vào hai cậu học trò. Trong báo cáo đề cập đến những chủ đề tương lai khai sinh vào năm 1762 trong Émile hay Traité de l'éducation -''chuyên luận về giáo dục''. Bản chất và đức tính cho sự giáo dục cũng hiện diện trong bản báo cáo này.
Không thoải mái lắm với nghề gia sư, Jean-Jacques nghỉ việc vào mùa xuân 1741, quay trở về Chambéry với hy vọng được bà De Warens niềm nở đón tiếp, ''mais je venais rechercher le passé qui n'était plus et qui ne pouvait renaître. A peine eus-je resté demi-heure avec elle que je sentis mon ancien bonheur mort pour toujours." - tôi đến tìm lại quá khứ nhưng nó đã không còn và cũng không thể sống lại được nữa. Chỉ vừa ở lại nửa giờ với bà ta tôi đã nhận thức được rằng hạnh phúc cũ của tôi đã vĩnh viễn chết. Jean-Jacques quay lại Lyon, đến gặp ông De Mably xin một bức thư gởi gấm để đi Paris.
CHINH PHỤC PARIS
Đến Paris, Rousseau cư ngụ tại một khách sạn đường Cordier gần Sorbonne và quảng trường nhôn nhịp tại đó. Nhờ sự giao thiệp rộng rãi của linh mục De Mably, Jean Jacques được giới thiệu với nhà vật lý học nổi tiếng Réamur, vị này đã đưa ông vào Hàn Lâm Viện Khoa Học để đệ trình bản khóa luận một dự thảo mới về cách ghi chép nốt nhạc của Jean Jacques.
Buổi sáng, Jean Jacques dạo bộ trong vườn Luxembourg, đọc sách và học những tác phẩm của Virgile hay thơ của Jean Baptiste Rousseau. Buổi chiều, cậu lui tới những nơi tụ họp của giới văn chương nhất là những bạn hữu của Marivaux. Tháng 8 năm 1742, Jean Jacques khám phá ra kịch nghệ của Voltaire qua kịch bản Mahomet.
Hệ thống ghi nốt nhạc mới của Jean Jacques đã được những ủy viên của Hàn Lâm Viện Khoa Học khen ngợi và khích lệ qua bản báo cáo ngày 5-9-1742 nhưng họ không cho rằng phương pháp mới của Jean Jacques tốt hơn là phương pháp hiện đang có. Chàng trai trẻ chịu đựng sự thất bại này một cách khá can đảm và đã cho công bố tiếp theo đó "Bài nghị luận về âm nhạc hiện đại" - Dissertation sur la musique moderne. Cậu cũng sáng tác Les muses galantes phỏng theo Indes galantes của Rameau.

BÀ DUPIN KHÔNG CHẤP NHẬN 
LỜI TỎ TÌNH CỦA JEAN JACQUES
Vào thời kỳ này, Jean Jacques được các phòng tiếp tân có tiếng của xã hội thượng lưu tại Paris chấp nhận như một thành viên, trong đó có phòng tiếp tân của bà Dupin, một người đàn bà tinh anh và đẹp, vợ thứ hai của Tướng Dupin. Rousseau quyến rũ, và đã tỏ tình qua một bức thư, bức thư này bị trả lại một cách thật lạnh lùng chỉ 3 ngày sau khi gởi.
ROUSSEAU VÀO LÀM VIỆC 
TRONG NGOẠI GIAO ĐOÀN
Người ta đưa cho Rousseau 20 đồng Louis làm tiền lộ phí, Rousseau rời Paris đi Venise ngày 10 tháng 7-1743.
Trước tiên, ghé Marseille, Jean Jacques ở lại đây 5 ngày, sau đó đến Gênes rồi từ Gênes, qua ngả Milan, Padoue và Véronne, đến Đại Sứ Quán Pháp tại Venise ngày 4 tháng 9-1743.
Rousseau viết một bức thư xin lỗi bà Dupin kèm theo thư là ký ức viết về sự giáo dục trong giai đoạn Jean Jacques làm việc với M.de Mably. Jean Jacques cũng viết cho chồng bà Dupin để xin được tha thứ về chuyện đã xẩy ra. Cả hai vợ chồng Dupin đã tha lỗi cho Jean Jacques và sau này đã gởi gấm cho Jean Jacques trông nom trong một thời gian ngắn cậu con trai 13 tuổi của họ.
NHÀ NGOẠI GIAO ROUSSEAU 
KHÁM PHÁ MỘT NƯỚC CỘNG HÒA MỚI
Vensie đã đóng một vị trí quyết định trong tư tưởng của Rousseau và ảnh hưởng trong mọi tác phẩm chính trị của ông. Vừa sau khi tới, Rousseau đã thân cận với chính quyền Venise dưới sự phối hợp của vị thống lãnh cộng hòa Pietro Grimani (chịu trách nhiệm từ năm 1741 đến 1752) hỗ trợ bởi Hội Đồng Thứ yếu (Hành Pháp) và Hội Đồng Chính yếu bao gồm 500 vị đại diện nhân dân Venise. Rousseau tự tìm hiểu, phân tích sự vận hành trong guồng máy hành chánh của nước cộng hòa này so sánh với Genève. Rousseau ý thức được vai trò của chính trị trong đời sống tại thành phố này và cũng từ đó nảy sinh ra ý niệm cho một tác phẩm lớn cho những thể chế chính trị được phát biểu trong tác phẩm Contrat Social - ''Hợp Đồng Xã Hội''. Mỗi ngày thứ bảy, với tư cách thư ký riêng của Đại sứ, Rousseau biên soạn một bức công hàm dài gởi cho nhà vua. Ông cũng trao đổi thư tín thường xuyên với hầu hết những đại sứ quán Âu Châu khác.
MỘT VỊ ĐẠI SỨ KHÔNG DỄ CHỊU GÌ
Rousseau cư ngụ tại lâu đài Surian, trụ sở của đại sứ quán Pháp trong những đòi hỏi làm ông không hài lòng đặc biệt với M. de Montaigu, vị đại sứ, một người thích nghỉ ngơi rong chơi hơn là làm việc. Những bất đồng ngày càng gia tăng giữa vị đại sứ và người thư ký riêng để cuối cùng Rousseau bị cho thôi việc mà không được trả lương. Tức giận, Rousseau rời Venise và nhất quyết làm cho ra lẽ và sau những vận động, ông đã đạt được những đòi hỏi mong muốn cho sự bất công này.
Trong thời gian ngắn tại Venise, Jean Jacques thường hiện diện trong những buổi hòa nhạc, đặc biệt với gia đình Mendicanti trong những buổi dạ nhạc hàng tuần do những người này tổ chức. Jean Jacques đã khám phá ra được âm nhạc đích thực của nước Ý và những bài hát của nhà thờ. ''Không có gì khoái lạc, không có gì cảm động bằng loại âm nhạc này''. Rất có thể, cũng chính trong giai đoạn này, hình thành ý tưởng cho việc biên soạn La Lettre sur la musique Française mà Rousseau đã cho xuất hiện vào năm 1753 và đã gây chấn động trong giới trí thức tại Paris và tại triều đình Pháp, nơi mà Vua và Hoàng Hậu với những ý kiến bất đồng về vấn đề này.
PHẦN THỨ BA
NHẠC CỦA ROUSSEAU ĐƯỢC QUẦN CHÚNG ƯA CHUỘNG
Sau một chuyến du lịch dài dẫn Rousseau đến Sion, Nyon, Lyon, Rousseau đến Paris vào ngày 10-10-1744. Sau một thời gian ngưng hoạt động, Rousseau bắt tay vào công việc để hoàn tất "Les Muses Galantes" mà ông đã cho ra mắt tại Pouplinière,  sau đó với công tước De Richelieu và sau cùng tại rạp Opéra. Năm 1745, Rousseau được Voltaire (1) ủy thác việc tu chỉnh lại "La Princesse de Navarre" mà Rameau đã soạn phần âm nhạc để sau đó trở thành "Les Fêtes de Ramire". Rameau ghen tức ngầm phá hoại cuộc biểu diễn trong sự buồn rầu của Rousseau.
ROUSSEAU ĐỊNH CƯ TẠI PARIS
Rousseau tham dự một cách triệt để vào đời sống văn học nghệ thuật của Paris và thường xuyên tham dự vào các cuộc biểu diễn hoặc tại các quán cà phê nơi tập trung giới văn nghệ sĩ. Rousseau tạm cư tại khách sạn St-Quentin. Nơi đây, ông đã giao tiếp với cô Thérèse Lavasseur. Cô này, rất ân cần chăm sóc cho Rousseau trong một dịp mà Rousseau bị lâm bệnh.Thérèse đã cho chào đời một đứa bé vào mùa đông năm 1746-47, đứa bé này sau đó đã bị giao cho viện mồ côi. Ngay từ tháng 7 năm 1745, Rousseau và Thérèse dọn về ở chung tại một căn hộ tại đường Saint Denis, rất gần nhà hát Opéra. Rousseau thường xuyên gặp gỡ Condillac, người đang soạn "Essai sur l'Origine des Connaissance Humaines"- tiểu luận về nguồn gốc những nhận thức của con người.
MỘT VIỆC LÀM MỚI ĐẦY LÝ THÚ
Rousseau nhận lời mời đảm nhận công việc làm thư ký riêng cho bà Dupin. Ông viết rất nhiều theo lời đọc của bà Dupin, đặc biệt trong một tác phẩm nói về đàn bà và một lập luận bác bỏ tư tưởng luật lệ của Montesquieu. Rousseau thân thiện với người con rể của bà Dupin và cùng với anh chàng này, soạn thảo một cuốn sưu tập "Des Institutions Chimiques". Rousseau thường làm việc tại lâu đài Chenonceaux, tài sản của gia đình Dupin. Ông tạo ra vở hài kịch "L'engagement téméraire", những triô cho giọng hát đàn ông và một phần bằng thơ "L'allée de Sylvie".
DIDEROT YÊU CẦU ROUSSEAU GIÚP SOẠN THẢO ENCYCLOPEDIE (BÁCH KHOA TOÀN THƯ)
Diderot (2) và D'Alembert thực hiện xuất bản một bộ tự điển bách khoa toàn thư về khoa học và nghệ thuật. Cả hai đã khẩn khoản yêu cầu Rousseau soạn thảo phần âm nhạc. Jean Jacques rất vui được tiếp tay với họ và tích cực soạn thảo một loạt bài chuyên môn mà sau này Rousseau đã rút ra để hoàn thành quyển "Dictionnaire sur la musique"- tự điển về âm nhạc" của ông. Cũng trong thời gian này, Jean Jacques làm quen với bà D'Epinay người sẽ trở nên một nữ ân nhân của Rousseau về sau này tại Montmorency.
NỔI TIẾNG BẤT NGỜ
Rousseau bỗng thình lình trở thành nổi tiếng vào năm 1750. Sau khi đọc trong Mercure de France, Viện Hàn Lâm Dijon đề nghị, với đề tài, một câu hỏi để hiểu được rằng sự khôi phục của khoa học và nghệ thuật đã cống hiến vào sự thuần khiết của phong tục. Với sự khích lệ của Diderot, Rousseau đã gởi một khóa luận minh xác rằng con người, khởi nguyên tốt, nhưng đã bị làm hư hỏng bởi xã hội. Viên đá nền tảng của sự nghiệp Rousseau đã được đặt. Sau này, luận cương này đã được khai triển để trở thành "Contrat Social", vai trò của xã hội và "Emile", vai trò của giáo dục. Bản khóa luận này đã làm cho người ta tranh cãi, bàn thảo rất nhiều trong giới trí thức paris vào thời đó.
VUA VÀ HOÀNG HẬU PHÁP HÂM MỘ "LE DEVIN DU VILLAGE"
Ngay sau những thành quả đầu tiên, Rousseau muốn lui ra ngoài những trọng vọng của mọi người. Ông từ chối chức vụ đảm trách ngân khố cho gia đình Dupin. "Quyết định được độc lập cho dù nghèo nàn trong thời gian ngắn còn lại của tôi...từ việc quản trị tiền bạc tôi trở thành người chép nhạc". Rousseau làm việc rất vất vả để hoàn tất "Devin du Village". Vào 2 ngày 18 và 24 tháng 10 năm 1752, trước vua Louis XV và hoàng hậu tại Fontainebleau, ông đã "chiến thắng" Sau đó tại nhà hát lớn Opéra của Paris, tại Bellevue và tại Trianon. Bà nữ hầu tước De Pompadour (3) đã thủ diễn vai Colette trong vở kịch này.
"Narcisse" không được sự hâm mộ của Comédie Française. Vào thời kỳ này, Rousseau tham dự rất tích cực vào đời sống của Paris, Opéra, Bouffons và Comédie Française. Ngày 1 tháng 7 năm 1753, ông xem "Zaïre" của Voltaire. Vào tháng 11 cùng năm, "Bérénice" của Racine cùng với D'Alembert. Nhờ vào một người bạn, kịch sĩ J.R.Sauvé de Lanoue, Rousseau đã được dịp chính ông dựng lên vở kịch Narcisse tại Théâtre Français vào ngày 28-12 nhưng vở kịch không được thành công như ý ông mong muốn.
"THƯ VIẾT VỀ ÂM NHẠC PHÁP"
Một bài viết quan trọng xuất hiện vào tháng 11 năm 1753 và đã cũng cố cho sự nổ tiếng của Rousseau, đó là "Lettre sur la musique française" của ông, với sự dứt khoát của ông trong vị trí bênh vực nền âm nhạc Ý đối chọi lại với nền âm nhạc Pháp. Ông tuyên bố rằng "người Pháp chẳng có một chút nào gọi là âm nhạc và chẳng thể nào có được...". Bài viết này, được sự ủng hộ của giới trí thức, đã làm chia rẽ ý kiến của cả triều đình Pháp, Rousseau bị chỉ trích bởi Vua nhưng lại được hoàng hậu chuẩn y. Thái độ táo bạo và độc lập này của Rousseau đã làm cho họa sĩ Mauric Quentin de la Tour rất vui thích và đã vẽ tặng một bức chân dung của Rousseau, bức chân dung này đã được triển lãm vào năm 1753 (hình phía trên phần tựa đề bài viết này) .
Rousseau lại bắt tay vào việc, lần này để trả lời cho câu hỏi của Viện Hàn Lâm Dijon: "Đâu là nguồn gốc của sự bất bình đẳng của con người?".
(1) VOLTAIRE - Marie-France-Arouet- (1694-1778): Triết Gia, Văn Sĩ Pháp, một nhà nhân bản lớn với chủ trương khoan dung
(2) DIDEROT Denis (1713-1784): Triết Gia, Văn Sĩ Pháp,lên án chính thể chuyên chế, quân chủ tuyệt đối do trời đặt định, ông lớn tiếng tố cáo những vi phạm tự do làm việc và chiến tranh...
(3) De POMPADOUR (1721-1764): Nữ Hầu tước, tình nhân của vua Louis XV.
PHẦN THỨ TƯ
NGÀY TRỞ VỀ VINH QUANG: GENÈVE CHÀO ĐÓN
Hè 1754, Rousseau muốn trở về thăm Genève, quê hương ông. Được tháp tùng bởi Thérèse, người đàn bà đang chung sống và ông Gouffecourt, họ lên đường từ Paris đến Lyon. Gouffecourt bị bỏ lại tại Lyon vì ông này đã quấy quả Thérèse, Rousseau và Thérèse dừng lại Chambéry để ghé thăm bà De Warens, nhưng Rousseau đã gặp lại một bà De Warens trong tình trạng thảm thương, bà đã bị Wintzenried bỏ rơi để đi lấy vợ và hiện bà đang sống rất thiếu thốn về phương diện vật chất.
Ngay sau khi vừa đến Genève, với mục đích lấy lại quyền công dân của ông tại đây,  Rousseau đã được tiếp đón với tất cả vinh dự mà những người hữu trách tại đây đã dành cho ông. Ông đã được mời tham dự một buổi họp của Hội Đồng đại diện Công Dân và Tư Sản Genève để chuẩn y tuyên thệ trong vụ đàm phán với vua Sardaigne về thỏa ước trao đổi lãnh thổ và cũng để chính thức công nhận sự độc lập của nước Cộng Hoà Genève.
NHỮNG TÌNH BẠN MỚI
Rousseau và Thérèse cư ngụ tại khu vực Eaux-Vives với Jean-François De Luc. Jean Jacques đã kết thân với các vị bộ trưởng Vernes, Pordian, Moultou, Giáo sư Jallabert, Jullin, Vernet.
Thành phố Genève dưới mắt của Rousseau hình như đẹp đẽ hơn, "những cư dân, những người khôn ngoan và sung sướng nhất mà tôi được biết." J.Jacques cũng thấy là những người đàn bà ở Genève "hay hay", "khi mà những người đàn bà Genève vẫn sẽ là những người đàn bà Genève, thì họ vẫn sẽ là những người đàn bà dễ thương của Âu Châu...".
ROUSSEAU TRỞ LẠI THÀNH CÔNG DÂN CỦA GENÈVE
Sự tiếp đón nồng hậu của những người Genève và sự trở về nguồn là những yếu tố để Rousseau quyết định trở lại thành "công dân của Genève" bằng cách từ bỏ việc cải đạo thiên chúa mà ông đã làm tại Turin vào năm 1728. Với sự tiếp tay rất khéo léo của mục sư địa phận Cologny, Jacques Maystre**, một ủy ban được chỉ định để nghiên cứu sự phát thệ của Rousseau đã nghiên cứu, vào ngày 1 tháng 8 năm 1754, Rousseau đã được ủy ban chấp thuận để trở lại thành công dân nước Cộng Hoà Genève.
** Theo nguyên tắc về thủ tục xin trở lại đạo của Genève lúc này thì người chối đạo bắt buộc phải trình diện trước một hội đồng 200 người và qùy gối để ngỏ lời xin được tha thứ với hội nghị các giáo chủ.
ROUSSEAU SOẠN THẢO BỘ BÁCH KHOA TOÀN THƯ
Rousseau tìm lại cái hồ của ông thời thơ ấu; Trên đường phố, những người cư dân giản dị của Genève đã nhận ra được ông, trọng vọng ông. Rousseau lại bắt tay vào công việc để soạn thảo bộ Bách Khoa Toàn Thư và ông đào sâu những chủ đề đã được phác thảo trong bài luận văn thứ hai của ông : Đề nghị một khuôn mẫu kinh tế, đặt căn bản phần lớn trên nông nghiệp và bác bỏ kỹ nghệ, thương mại.
MỘT VÒNG HỒ LEMAN TRONG 6 NGÀY
Jean Jacques nhận lời ngay khi người ta mời ông làm một vòng 6 ngày trên mặt hồ Leman, Genève. Khởi hành cùng với Thérèse, kỹ nghệ gia đồng hồ J.F.De Luc và 2 người con của ông này, Jean André, một nhà vật lý học và Guillaume Antoine, một nhà thiên nhiên học. Vòng hồ Leman trong 6 ngày này đã để lại nhiều ấn tượng cho Rousseau và trong toàn bộ tác phẩm "Nouvelle Héloïse" ông đã bộc lộ những cảm giác mạnh và diễn tả nét đẹp của cảnh trí dư âm của chuyến đi: đến Coudrée, đến Meillerie, rồi Vevey, Vouchy, Morges... trở lại Genève.
THƯ VIỆN GENÈVE MUA BỘ BÁCH KHOA TOÀN THƯ
Trở lại Genève, Rousseau được tin rằng Thư Viện Genève đã quyết định mua bộ sách Bách Khoa Toàn Thư,  theo lời đề nghị của ông ngay trước ngày ông xuống thuyền làm một vòng hồ Leman trong 6 ngày.
(Thư viện và viện bào tàng J.J.Rousseau hiện nay nằm bên mé tay trái của Viện Đại Học Genève - Bastions).
Nhà văn của chúng ta cũng dự định ở lại Genève, nhưng ông đã được tin là Voltaire cũng sẽ đến định cư tại đây trong những ngày sắp tới nên ông quyết định trở về Paris cùng với Thérèse vào ngày 10 tháng 10 năm 1754.
VOLTAIRE CHỈ TRÍCH ROUSSEAU
Bắt dầu từ năm 1755, Rousseau được nếm những khó khăn đầu tiên từ Voltaire. Ngay lúc Rousseau vừa cho xuất hiện bản luận văn viết về những bất công, Voltaire, một công dân mới của Genève, đã gời cho Rousseau một bức thư vào ngày 30 tháng 8 năm 1755 với những lời chỉ trích nghiêm khắc. "Thưa ông, tôi vừa nhận được một quyển sách mới chống đối nhân loại của ông" và Voltaire đã phác họa với những người đương thời một bức chân dung đen tối về Rousseau,coi Rousseau như một kẻ vô liêm sỉ và khinh người. Lẽ tất nhiên Rousseau phản ứng nhưng không quá "xúc động", trả lời Voltaire vào ngày 7 tháng 9 năm 1755... Để từ ngày đó, sự quan hệ giữa hai người ngày càng rời rạc.
PHẦN THỨ NĂM
SỰ CHỌN LỰA ERMITAGE
Vào tháng 3 năm 1756 Rousseau bị đặt vào một tình trạng chọn lựa khó khăn; Có hai đề nghị với ông. Y sĩ Tronchin muốn ông đảm trách nhiệm vụ quản thủ thư viện Genève và bà D'Epinay, phu nhân một vị tướng, một người rất khâm phục Rousseau đã đề nghị ông với những lời lẽ như sau: "... tôi có một ngôi nhà nhỏ xin được đặt dưới quyền xử dụng của ông. Ông vẫn thường nói với tôi về Ermitage, ngôi nhà ngay trước lối vào khu rừng Montmorency...Ông là một người bạn thân thiết của tôi, ông là chủ nhân ngôi nhà đó nếu ông quyết định ở lại nước Pháp". Rousseau vui vẻ chấp nhận đề nghị của bà D'Epinay.
ERMITAGE LÀ VĂN PHÒNG 
LÀM VIỆC CỦA ROUSSEAU
Kể từ ngày 9 tháng 4 năm 1756, Rousseau cư ngụ tại Ermitage với ý tưởng thực hiện những dự kiến mới. Ông đã làm việc cho chủ đề Contrat Social - Khế Ước Xã Hội, ông mơ ước thực hiện một biện luận về đạo đức biên luận này sẽ được gọi là La Morale Sensitive hoặc là Le Matérialisme de Sage .
Ngay khi vừa đến cư ngụ tại Ermitage, một số bạn bè của ông vì ganh tỵ đã muốn ông rời khỏi nơi đây. Diderot nói với Thérèse và mẹ bà này là ông phản đối việc cư ngụ của họ tại vùng quê , lẽ dĩ nhiên những người đàn bà này vẫn luôn ưa thích nơi thành phố đô hội và họ đã bị ảnh hưởng. Một người nhân tình của bà D'Epinay, Grimm, một kẻ lạnh lùng và xảo trá cũng nhìn Rousseau bằng con mắt không mấy thân thiện vì thấy bà D'Epinay quá thiện cảm và thân mật với Rousseau.
TRANH LUẬN VỚI VOLTAIRE NGÀY CÀNG KỊCH LIỆT
Sự liên lạc giữa Rousseau và Voltaire ngày càng căng thẳng hơn nhất là sau khi quyển thơ "Sur le Désastre de Lisbonne et sur la Loi Naturelle" của Voltaire được xuất bản năm 1756, Rousseau bực mình vì bài thơ đầu tiên của tập thơ chứa chất sự thất vọng và dựa vào định mệnh một cách quá đáng. Rousseau tự cảm thấy đủ khả năng để đem vấn đề tranh luận của hai người trình bày trước công luận bằng cách cho xuất hiện "Lettre sur la Providence" - Là Thư viết về Thiên Định - trong đó ông đã tự khôi phục danh dự cho mình bằng cách minh chứng một cách tuyệt vời để tỏ bầy niềm tin, là một nguyên tắc của ông dưới mắt những người bênh vực cho sự khoan dung tôn giáo .
TÌNH YÊU VỚI BÀ D'HOUDETOT
Đời sống tại Ermitage và cảnh trí chung quanh rất thích hợp với Rousseau, ông làm việc, tiếp khách, duy nhất một vài điểm nho nhỏ làm ông mất vui đó là những tranh chấp với Grimm và Diderot cũng bởi những việc này đã làm bà D'Epinay phải xử dụng tài ngoại giao khéo léo của bà để dàn xếp. Rousseau quyến định ở lại Ermitage mùa đông năm 1756 để làm việc cho quyển tiểu thuyết Julie, một tiểu thuyết về tình yêu trong đó ông tán dương những tình cảm, sự giản dị, những đặc tính cao đẹp của đồng quê. Những nhân vật của ông biến hóa bên bờ hồ Leman. Trong giai đoạn viết phần thứ 4 của quyển truyện Julie, Rousseau đã yêu bà D'Houdetot, em dâu của bà D'Epinay. "Tôi đã say mê với tình yêu không một chủ đích này" Rousseau đã tuyên bố khi đề cập về bà D'Houdetot.
TỪ HERMITAGE ĐẾN MONT- LOUIS
Tình yêu đam mê với bà D'Houdetot và chuyện "Nay kể lại" của ông đã gây không ít những sự phiền phức cho chính ông. Những người thân của ông đã liên kết lại với nhau để phản đối ông. Người bạn cũ, Diderot, của ông tham dự vào việc này và đã viết cho ông: "Chỉ có một kẻ hung tợn mới lẻ loi". Rousseau phản ứng lại bằng một bức thư với lời lẽ khá gay gắt và cắt đứt liên lạc với Diderot. Nhưng, bà D'Epinay đã không tha thứ cho mối tình mới của Rousseau tại Ermitage. Ngày 15 tháng 12, Rousseau bắt buộc phải rời Ermitage để đến cư trú tại Mont-Louis trong một căn nhà nhỏ mà một người bạn ông, J.J.Mathas, kiểm sát trưởng thuế vụ của ông Hoàng Condé, cho mượn. Bà Thérèse Levasseur thì quay trở lại Paris.
ROUSSEAU VIẾT TRẲ LỜI D'ALEMBERT
Chỉ ngay sau khi dọn đến Mont-Louisn Rousseau quyết định trả lời cho D'Alembert, một nhà Bách Khoa, trong một bài báo đăng tại Genève trong vấn đề tự điển, dám khẳng định rằng tôn giáo của nền Cộng Hòa tự đối kháng lại giáo lý của 3 Ngôi (Cha, Con, Thánh Thần). "Tôi đã soạn trong vòng 3 tuần lễ lá thư" La lettre à D'Alembert " trên các vấn đề kịch nghệ, Rousseau thuật lại, để bênh vực giới giáo sĩ tại Genève và bảo vệ những lễ hội dân gian đối kháng với nhà hát, biếu tượng của sự tha hóa, tồi tệ.
CUỘC THĂM VIẾNG ĐÚNG LÚC CỦA THỐNG CHẾ LUXEMBOURG
Rất nhiều lần, ông và bà Thống chế Luxembourg, cả hai đều rất ngưỡng mộ Rousseau, đã mời ông đến ăn tối tại lâu đài Montmorency. Một buổi chiều của tháng 4 năm 1759, đi cùng vài người bạn, Thống chế Luxembourg đến thăm Rousseau, ông này đã quan sát rằng, tại vọng lâu của căn nhà ,nơi Rousseau thường ngồi làm việc, đã không có tiện nghi lại còn trống trải không đủ che mưa lạnh. Ông này đề nghị và mời Rousseau về cư trú tại một lâu đài nhỏ, nằm trong trung điểm một khu rừng cây trong thời gian sửa chữ lại vọng lâu. Khi phải rời Ermitage, Rousseau mất nhiều bè bạn, nhưng nhờ vào Thống chế Luxembourg ông đã có nhiều người bạn mới. Những nhân vật quan trọng muốn được thân cận với ông: Hoàng thân De Conti, M.de Malesherbes, bà De La Tour. Trong suốt thời kỳ này, Rousseau nghĩ nhiều đến bà D'Houdetot và ông đã soạn thảo một loạt "Les Lettres Morales", những bài nghị luận về vấn đề đức độ và hạnh phúc với chủ tâm trao gởi đến bà này. Rousseau cũng chép lại truyện "La Nouvelle Héloïse" và đích tay viết lời trao tặng đến bà vào ngày 18 tháng 12 năm 1760.
NƠI NƯƠNG NÁU THANH BÌNH MỚI TẠI MONT-LOUIS
Ngay sau khi việc sửa chữa và trang hoàng ở ngôi nhà nhỏ tại Mont-Louis hoàn tất, Rousseau trở lại nơi này cư trú cùng với Thérèse từ Paris trở về. Căn vọng lâu được che hởi mưa lạnh bằng kính và một lò sưởi được xây lên tại đó để Rousseau làm việc. Sân hiên nhà cũng được bố trí lại với dàn cây đọn (tilleul), hoa và những băng ngồi bằng đá, nơi đây đích thực là một văn phòng làm việc xanh mát, như chào đón một cách nồng nhiệt người khách đến chơi và cũng chính tại nơi này, Rousseau thích được tiếp đón những người khách của ông. Trong nơi nương náu mới đầy thanh bình giữa cảnh trí thiên nhiên này, ông đã hoàn tất những tác phẩm nòng cốt của ông: La Nouvelle Héloïse, Le Contrat Social và l'Emile.
JULIE VÀ ST-PREUX LÀM RUNG ĐỘNG PARIS(*)
Hoàn tất vào cuối năm 1760, quyển tiểu thuyết La Nouvelle Héloïse xuất hiện vào tháng 2 năm 1761 tại Paris. Sự thành công phải nói là ngay tức thời. Người ta tranh nhau đọc. Những hiệu cho thuê sách đã cho thuê với giá thật "cắt cổ": 12 xu một giờ. Những người thợ khắc tranh lừng danh nhất của Paris đã khắc những bức tranh về những nhân vật của truyện: chàng trai trẻ Moreau, Gravelot, Prud'homme, Mosian. Rousseau đã làm việc liên tục 5 năm trời quyển tiểu thuyết này, một tuyển thư với một kết nối trữ tình và đầy sự cố.
Đa số những ấn bản chứa đựng nhiều bản khắc đính kèm tường thuật lại câu chuyện. Tiểu thuyết này cũng như một báo hiệu cho phong trào lãng mạng của thế kỷ thứ XIX sau này. Người đọc theo dõi tình yêu đam mê cuả (*) đôi tình nhân Julie và St-Preux qua suốt những bức thư họ trao đổi cho nhau. Đôi tình nhân chấp nhận mọi thử thách để đo lường sự sâu đậm và giới hạn của tình yêu đó. Họ đã yêu nhau nhưng họ cũng không tìm được một sự yên tĩnh, hòa bình trong áp lực thường trực của tình yêu đó.
BỚT BẤT CÔNG! NHÂN DÂN LÀ CHỦ!
Ngay lúc ông còn làm việc tại Đại Sứ Quán Pháp ở Venise vào năm 1743, Rousseau đã có nhiều dịp để suy ngẫm về sự vận hành của các cơ chế của nhà nước. Ông đã ý thức được vai trò chính yếu của chính trị trong sự vận hành thể chế dân chủ. "Le Contrat Social" chứa đựng một sự suy ngẫm phê phán trên những cấu kết chính trị. Một học thuyết mới xuất hiện cho sự che chở tài sản và thân thể con người trong sự tôn trọng sự tự do của mỗi cá nhân. Đối với Rousseau, duy nhất chỉ có một hình thức chính quyền, đó là chính quyền mà Nhân Dân Làm Chủ.
Ngay sau khi được xuất hiện vào năm 1762, những ấn bản được chuyển đến từ Rouen (Pháp) đã phải bị trả lại cho nhà in ở Amsterdam (Hòa Lan) bởi vì tác phẩm đã bị cấm không cho phát hành trước công chúng bằng một sắc lệnh của Pháp.
PHẦN KẾT
HOÀN TẤT CHUYÊN LUẬN VỀ SỰ GIÁO DỤC
Với Emilie, người đọc tìm lại được nguyên tắc của sự tôn trọng tự do bên trong đã được đề cập trong Contrat Social nhưng kỹ lưỡng hơn. "Sự giáo dục của con người khởi đầu từ khi vừa chào đời, trước khi biết nói, trước khi biết nghe, con người đã tự học hỏi". Rousseau đặt cơ sở hệ thống giáo dục của ông bắt nguồn từ những ảnh hưởng của môi trường tự nhiên, trong đó đứa trẻ được phát triển, căn bản này phải chiếm ưu thế hơn những ảnh hưởng của nguồn gốc gia đình, vị trí xã hội và những thể chế.
NHỮNG NGUYÊN TẮC TRÊN VẤN ĐỀ GIÁO DỤC CỦA ROUSSEAU LÀM RỐI TRẬT TỰ
Rousseau đã viết Emilie đặt cơ sở trên những kinh nghiệm ông đã có trong thời gian ông sống tại tư gia M.de Mably ở Lyon và tại nhà bà Dupin, qua những kinh nghiệm đó ông đã ghi lại trong một hồi ức khá đầy đủ về vấn đề giáo dục cho những đứa trẻ của hai gia đình đó. Ông đã làm một bài biện minh cho sự tự do mà với chính bản thân ông đã rất qúy báu: «Con người được sinh ra trong tự do và ở khắp mọi nơi con người đã ở trong sự kiềm tỏa; Làm cách nào mà sự thay đổi đó lại xảy ra được? Tôi không biết, nhưng chuyện gì đã làm cho sự thay đổi đó trở nên hợp pháp? Tôi tin rằng có thể trả lời được câu hỏi quan trọng này». Thế rồi Rousseau vất bỏ mọi quyền lực đặt căn bản trên những đặc quyền của sự tự nhiên hay luật lệ của những kẻ mạnh.
VÌ CHỈ TRÍCH TÔN GIÁO MÀ EMILIE ĐÃ BỊ KẾT ÁN
Tuy nhiên phần thứ tư của chuyên luận đã đề cập đến đề tài tôn giáo với tựa đề "Profession de foi d'un vicaire savoyard" - phát nguyện tín ngưỡng của thầy trợ kế giáo phận Xa-Voa (Savoie - một vùng của nước Pháp). Trong phần này, Rousseau đã ca tụng cho một tín ngưỡng tự nhiên, đặt cơ sở trên sự sáng suốt của trí năng và nghe theo những tình cảm đối kháng với tôn giáo thần khải. Ông hồ nghi quyền lực của Giáo Hội và bác lại sự giáo điều. Hiển nhiên lập luận của Rousseau không thể được giới giáo sĩ và những người cầm quyền đương thời chấp nhận được. Emilie đã bị kết án, tất cả các ấn bản bị tịch thu và bị công khai thiêu hủy.
ĐÃ ĐẾN LÚC PHẢI RỜI BỎ NƯỚC PHÁP
Pháp viện tối cao nước Pháp đã ra một sắc lệnh bắt giam, Rousseau bắt buộc phải gấp rút hành động. Được cấp báo bởi Thống Chế De Luxembourg trong đêm 9 rạng 10 tháng 6 năm 1762, Rousseau quyết định rời bỏ nước Pháp. Ngồi trong một chiếc xe trạm, đi ngăn những người thừa phát lại đến tìm bắt ông, Rousseau đi Yverdon thuộc vùng Vaud - Berne .
YVERDON: VÙNG ĐẤT TỰ DO
Khi vừa vào đến vùng đất Vaud vào ngày 14 tháng 6 năm 1762, Rousseau cho dừng cỗ xe ngựa lại và bước xuống để cúi xuống vừa hôn đất vừa nói: Hỡi trời cao che chở cho những đức hạnh, tôi xin được ca ngợi người, tôi đã đến được vùng đất tự do". Tại nơi đây, ông đã được những người bạn cũ, gia đình Roguin,những người mà ông đã gặp họ tại đảo Saint Louis, đón tiếp. Nhưng những người cầm quyền tại Berne cũng đã dự trù mọi biện pháp để Rousseau cách xa địa phận cai trị của họ cũng vì Emilie, quyển sách nguy hiểm "chứa đựng toàn bộ những sự lếu láo và nguy hại". Người cháu gái của Roguin, bà Boy De La Tour, đã đề nghị mời Rousseau đến tạm cư tại cơ ngôi nghỉ hè của bà ta tại Môtiers, một ngôi làng nhỏ thanh bình tại Val de Travers, vùng đất dưới quyền quản trị của vua nước Phổ. Rousseau nhận lời mời này.
SỰ ĐÓN TIẾP NỒNG HẬU CỦA MILORD MARECHAL
Ngay khi vừa đến Môtiers, Rousseau đã cẩn thận và viết cho milord Keith, thống chế thừa kế dòng Ecosse và là toàn quyền Neufchâtel để xin được quyền cư trú tại đây. Một ngạc nhiên sung sướng đã dành cho Rousseau, milord thống chế Keith đã vui vẻ chấp nhận và mời Rousseau đến lâu đài Colombier, nơi cư ngụ của ông ta. Rousseau nhận lời mời và đến thăm vị milord này, từ ngày đó, một tình bạn thân ái đã nẩy nở giữa hai người.
NƠI CƯ NGỤ MỚI: MÔTIERS
Ngôi nhà mà Rousseau đến cư trú tại Môtiers cũng cần một vài việc phải tu bổ sửa sang lại để có được những tiện nghi. Chính Rousseau đã tạo thêm những cửa sổ và làm các vách gỗ của phòng ngủ nhìn ra sân để có được khung cảnh sáng sủa khoáng đạt.
Ngoài việc viết sách và sưu tầm thảo mộc, một hoạt động mới mà ông đã thực hiện: thắt những sợi vải áo và đem tặng cho những người con gái nào tự nguyện cho con bú bằng sữa của chính mình (theo Emilie). Rousseau cũng đã tặng những sợi vải áo này cho tất cả những người con gái của vị chánh biện lý vùng Ivernois - Neuchâtel.
ROUSSEAU TRANG PHỤC QUẦN ÁO CỦA NGƯỜI XỨ ARMENIE
Vào thời kỳ này Rousseau quyết định thay đổi y phục và mặc một chiếc áo dài của người xứ Arménie mà ông thấy rằng tiện dụng và thích hợp với khí hậu vùng Môtiers. Ông đã yêu cầu bà Boy De la Tour cắt may cho ông một bộ quần áo gồm một chiếc áo dài, một chiếc chùm đầu có lông thú, một sợi thắt lưng... Suốt thời gian 3 năm sống tại Môtiers và ngay cả thời kỳ ở tại Wootton - Anh quốc, ông đã mặc bộ y phục này.
ROUSSEAU KHÁM PHÁ ĐỜI SỐNG THÔN DÃ
Một ngày làm việc của Rousseau được chia xẻ giữa việc sưu tầm thảo mộc và viết. Ông hoàn thành những bài hát Lévite d'Ephraïm và tiếp tục viết Emile và Sophie, phần phụ lục của quyển Emile. Rousseau cũng đã trả lời cho công tước De Beaumont, tổng giám mục giáo phận Paris, những lời trách cứ về việc thiếu niềm tin vào đạo thiên chúa giáo và sự thiếu sót trong cách phán đoán. Ngoài ra, Rousseau cũng để dành nhiều thời gian cho thú bách bộ của ông và chuyện trò với những người dân làng, ông cũng bộc lộ và cư xử với họ bằng một thái độ rất quảng đại .
HÌNH PHẠT PHẢI HỨNG CHỊU TẠI MÔTIERS
Sau một năm chờ đợi để những người đồng hương của ông có đủ thời gian để phản ứng đối kháng với những sự việc bất công mà ông đã phải hứng chịu. Rousseau quyết định từ bỏ quyền công dân xứ Genève bằng cách viết một bức thư gởi đến vị chủ tịch hội đồng cơ chế cộng hoà Genève. Lập tức ngay sau đó vị biện lý Tronchin đã công bố bản cáo tội Rousseau. "Les lettres écrites de la campagne" - Những bức thư viết từ miền thôn dã - của Rousseau cũng không chấm dứt tại đây mà lại còn được ông tiếp tục bằng "Lettres écrites de la montagne" - Những bức thư viết từ miền núi - đầy ngưỡng mộ được xuất hiện vào tháng 11 năm 1763.
Vị mục sư Montmollin xen vào cuộc bút chiến này và khích động dân chúng trong những buổi lễ. Căn nhà nơi Rousseau cư trú đã bị ném đá trong đêm ngày 6 rạng 7 tháng 9 năm 1765.
ĐẢO SAINT PIERRE: MỘT NƠI CƯ TRÚ MỚI
Rousseau buộc lòng phải rời khỏi Môtiers để đến tạm cư tại đảo St-Pierre nơi mà ông Du Peyrou đã dẫn Rousseau đến chơi hai tháng trước đó. Rousseau đã bị quyến rũ bởi phong cảnh hoang dã, sự thanh tịnh của vùng đảo này. Rousseau tạm ngụ tại căn nhà duy nhất trên đảo, nhà của người Receveur, trong suốt 6 tuần lễ. Ông cảm thấy rất sung sướng tại St-Pierre. Rousseau cũng bắt tay vào việc soạn thảo dự án về chính thể của đảo Corse mà ông đã được đặt mua . Ngoài ra ông tham dự vào những lễ hội của mùa hái nho, nghiên cứu cây cỏ và bơi thuyền trên hồ Bienne.
HẠNH PHÚC CỦA NHỮNG GIẤC MƠ
Thời gian ở tại đảo St-Pierre đã đem lại rất nhiều cho Rousseau sự thanh thản. Một trong những cái thú mà Rousseau được có tại đây là bơi thuyền ngắm cảnh.
Hãy nghe Rousseau thuật lại trong giấc mơ thứ 5 của ông: "... một mình tôi trong chiếc thuyền nhỏ mà tôi chèo giữa hồ khi sóng êm gió lặng và khi đó, tôi nằm dài trong lòng thuyền, ngửa mặt nhìn bầu trời, mặc cho chiếc thuyền trôi theo làn nước, một đôi lần hàng giờ trôi qua, tâm trí tôi đắm chìm trong ngàn giấc mơ lẫn lộn nhưng lại đầy thú vị..."
CONFESSIONS - NHỮNG LỜI TỰ THÚ
Bản viết đầu tiên về ký ức đời ông, Les Confessions, hoàn tất, Rousseau ủy thác cho Du Peyrou hầu hết những bản viết của ông với lời yêu cầu khẩn thiết rằng Les Confessions sẽ chỉ được công bố sau khi ông qua đời.
Mới chỉ vừa tạm cư tại đảo chưa được bao lâu thì một viên chức hành chánh đến tìm Rousseau để trao cho ông một lá thư của nhà cầm quyền Berne yêu cầu Rousseau rời khỏi đảo và lãnh địa Berne. Buồn chán, Rousseau dự định sẽ xin tỵ nạn với vua nước Phổ, ông lên đường đi Berlin. Trên đường đi, Rousseau ghé lại Bienne và Strasbourg, tại nơi đây ông đã nhận được sự tiếp đón nồng hậu: triết gia David Hume và bà hầu tước De Verdelin chào đón Rousseau và thuyết phục ông nên đi Anh quốc.
MOZART VÀ NHẠC CỦA ROUSSEAU
Trong suốt mấy năm vừa trôi qua, nhiều biến động đã xảy ra liên tiếp chung quanh tác phẩm của Rousseau. Những quyến sách của ông vẫn tiếp tục được xuất hiện lén lút qua những ấn bản "bất hợp pháp" và tại Paris tư tưởng của Rousseau đã đột nhập các nơi hội họp văn học nghệ thuật trong lúc đó thì tại Genève quyển Emile đã gây sự bất hòa giữa nhà cầm quyền đương thời và dân chúng Genève. Những sáng tác của Rousseau ảnh hưởng không ít đến mọi người ngay cả âm nhạc của ông. Mozart, vào năm 1765, vừa được 9 tuổi, trong một dịp đến Paris đã được xem Devin du Village, được trình diễn tại Opéra đều đặn vào lúc đó. Mozart đã rất cảm xúc để lấy làm nguồn cảm hứng khi sáng tác Bastien và Bastienne.
TRIẾT GIA HUME MỜI ROUSSEAU SANG ANH QUỐC
David Hume đã thuyết phục được Rousseau đi với ông ta qua Anh và ngày 11 tháng 1 năm 1766, cùng với De Luze, tất cả đã xuống tàu tại Douvres để đến Canterburry. Vài ngày sau đó, Rousseau tạm ngụ tại Chiswick để đợi Thérèse. Trong dịp này, Hume đã mời họa sĩ Ramsay họa chân dung của Rousseau trong y phục người Arménie. Tuy bức họa truyền thần này không được Rousseau thích những bức họa đã thành công đến độ hầu như tất cả những người trong giới thượng lưu người Anh thời đó đua nhau mua những bức tranh vẽ lại từ chính bản.
ROUSSEAU RỜI WOOTON
Giữa lúc đang ngồi để hoạ sĩ Ramsay vẽ thì Davenport đến và mời Rousseau đến cư ngụ tại lâu đài của ông ta tại Wootton. Những trang viết đẹp nhất của quyển Les Confessions đã được Rousseau viết tại Anh quốc. Trong suốt thời gian này, Rousseau hứng chịu kết qủa của những sự áp chế nên nghĩ rằng mình luôn luôn bị rình mò, theo dõi. Hậu qủa là Rousseau trở thành khó chịu và sự giao hảo với triết gia Hume cũng do đó mà trở nên lỏng lẻo.
Vào lúc mà Rousseau được vua Geroges III của nước Anh bắt đầu trợ cấp cho ông số tiến là 100 đồng Anh mỗi năm thì cũng là lúc Rousseau vội vã rời Wootton, ngày 1 tháng 5 năm 1767, để trở về lục địa qua ngả Douvres và Calais.
ĐỊNH CƯ TẠI TRYE - LE - CHÂTEAU BẰNG TÊN GIẢ
Trở lại Pháp ngày 24 tháng 5 năm 1767, Rousseau sống dưới những lý lịch và tên tuổi khác nhau.
Trước tiên, ông đến Amiens với cái tên là Jacques. Rousseau cư trú tại nhà hầu tước De Mirabeau ở Fleury-sous-Meudon, sau đó cùng với bạn ông, Cuendet, đến Trye-le-Chateau nơi nhà của ông hoàng De Conti với cái tên là Jean-Joseph-Renou và Thérèse thì đóng vai là em gái. Rousseau tìm lại được niềm vui để lại đùa giỡn với Sultan, con chó trung thành, đã theo ông từ Môtiers sang Anh quốc.
SỰ TRỢ GIÚP CỦA BÀ THỐNG CHẾ LUXEMBOURG
Bệnh tình do sự đàn áp gây ra trong người Rousseau không thuyên giảm, thêm vào đó Thérèse lại không hợp ý với những người hiện diện tại lâu đài và vùng phụ cận. Rousseau đã khẩn khoản yêu cầu bà Thống Chế Luxembourg giúp để ông hoàng De Conti cho phép cư ngụ ở ngoài lâu đài này. Rousseau thích được sống một cách "vô danh" trong tự do và độc lập. Dù rằng đã được mời về cư trú trong một ngôi biệt thự của ông hoàng De Conti nhưng Rousseau quyết định, bất thình lình rời Trye-le-Chateau đi Lyon vào ngày 18 tháng 6 năm 1768. Rousseau gặp lại bà Boy de la Tour, sau đó đến Grenoble thăm mộ phần bà De Warens trước khi trở lại Lyon.
VOLTAIRE BUỘC TỘI CHO ROUSSEAU ĐỐT NHÀ HÁT GENÈVE
Kể từ ngày xuất hiện "Lettre à D'Alembert sur les spectacles", Voltaire rất căm hận Rousseau và chờ dịp để trả thù, Voltaire viết "La Guerre de Genève"- Cuộc chiến ở Genève - trong đó Rousseau và bà Levasseur (Thérèse) là những thủ phạm đốt cháy nhà hát Genève (trên thực tế nhà hát cũng đã bị hoả hoạn vào năm 1768). Rousseau chẳng nao núng e ngại và tại Ivernois ngày 26 tháng 4, Rousseau đã viết :" Khi mà ông Du Peyrou báo cho tôi biết là phòng kịch nghệ đã bị cháy, tôi đã e ngại cho những buổi trình diễn đã được dự trù; nhưng cứ cho rằng việc đó là do tôi làm như Voltaire đã viết tôi cũng chẳng cần phải lên tiếng vì đối với tôi đó chỉ là một trò cười ".
ROUSSEAU SƯU TẬP THẢO MỘC TẠI GRANDE-CHARTREUSE
Một ngày đẹp trời vào tháng 7, Rousseau quyết định đi sưu tập cây cỏ tại Grande-Chartreuse và rời Lyon cùng với Claret de la Tourette và hai vị abbée giáo sĩ Rozier, Grange-Blanche. Theo lộ trình, họ dừng nghỉ tại Voreppe trước khi đến Grande-Chartreuse, nơi đây bốn người đã ở lại 4 ngày. (Rất nhiều thảo mộc của nhà nghiên cứu thảo mộc De la Tourette đã mang những dòng chữ ghi chú: "Tại Grand-Som, trên Chartreuse, tháng 7 năm 1768").
CUỘC HÔN NHÂN BẤT NGỜ
Rousseau quyết định không cần suy nghĩ chọn lựa tạm cư tại Bourgoin vào giữa tháng 8 tạo lữ quán Fontaine d'Or và tham dự bên cạnh vị thị trưởng; ông Rosière-Champagneux, trong những buổi tiệc chính thức do chính quyền địa phương tổ chức . Mấy ngày sau Thérèse đến cùng ông, trong sự ngạc nhiên của mọi người, Rousseau và Thérèse, người đàn bà đã theo ông từ 23 năm qua, đã làm lễ cưới vào ngày 29 tháng 8 tại ngôi lữ quán Fontaine d'Or không một nghi thức tôn giáo nào, với hai nhân chứng và trước sự hiện diện của vị thị trưởng.
Sau đó hai người đã đến cư ngụ ở trang trại Montquin trong vùng Maubec và Rousseau lại bắt tay vào việc viết những lời tự thú của ông - Les Confessions.
HAI ĐỒNG LOUIS VÀNG CHO BỨC TƯỢNG VOLTAITRE
Rousseau đi Nevers để gập ông hoàng De Conti và yêu cầu gíup đõ để trở lại Paris. Mặc dù De Conti không tán thành với ý định này nhưng dưới áp lực của Thérèse, Rousseau quyết định trở lại Paris.
Rousseau dừng lại Lyon vừa đủ thời gian để ông trao cho nhạc sĩ Coignet tập Pygmalion. Được biết rằng người ta đang kêu gọi quyên tiền để dựng tượng đài cho Voltaire, Rousseau đã gởi 2 đồng Louis vàng, việc làm này đã lại làm cho kẻ thù thâm niên của ông điên tiết tức tốc viết cho De Tourette: "Tôi nghĩ rằng giới trí thức Paris không muốn chấp nhận những kẻ ngoại quốc".
TRỞ LẠI PARIS
Về Paris, Rousseau cư ngụ tại đường Plâtrière (hiện nay là đường Rousseau thuộc quận 1 Paris). Ông sống với Thérèse trong một căn chung cư rất khiêm nhượng với duy nhất 1 căn phòng vừa là nhà bếp, phòng tiếp khách và phòng ngủ. Hai chiếc giường nhỏ và một chút ít đồ đạc, một chiếc tủ để chứa sách, vài chiếc ghế. Trên tường lưa thưa vài bức tranh khắc.
SINH HOẠT TẠI PLÂTRIÈRE
Jean-Jacques thường làm việc vào buổi sáng. "Les Confessions" đã chiếm đa số thời giờ, ngoài ra ông tổ chức những buổi đọc sách tại nhà ông, những buổi đọc có thể kéo dài hơn 17 tiếng đồng hồ.
Để sinh sống, Rousseau làm việc với tư cách một người chép lại âm nhạc, việc làm sở trường của ông.
Vị công tước người Ba Lan, Michel Wielhorski, đặc nhiệm của các liên bang vùng Bar, đã tới gập ông để thuyết phục rằng Rousseau phải gíup đỡ ông ta để cứu nước Ba Lan. Chính bởi lẽ này mà Rousseau đã viết "Les Considérations pour le Gouvernement de Pologne".
Rousseau cũng tiếp tục việc sưu tập nghiên cứu cây cỏ và viết rất nhiều bức thư trao đổi về vấn đề này với bà Boy de la Tour.
Buổi chiều, sau nhiều hoạt động, Rousseau ra các vùng quê để tìm cây cỏ bổ túc cho bộ sưu tập của ông. Rousseau cũng rất ưa ra phố và đến những quán cà-phê-văn-chương -"cafés littéraires"- bất chấp cảnh sát với lệnh truy nã vẫn còn hiệu lực. Người ta thường gập Rousseau tại quán cà phê Procope hay Régence.Ông rất thích tranh luận với đám đông, gập giới trí thức và chơi đánh cờ.
Bachaumont đã thuật lại trong những hồi ký của ông ta rằng: "...nơi mà Rousseau đã tự tập hợp được một số rất đông người...ông ta chẳng bộc lộ sự rụt rè nào trước mọi thành phần khán giả và đã bộc lộ một sự dịu dàng, khác hẳn thói quen, trong những lời đối thoại của ông. Ông cũng không còn mặc bộ y phục của người Arménie mà lại trang phục giống như những người khác, sạch sẽ, giản dị ".
BỘ SƯU TẬP CÂY CỎ DÀNH CHO BÉ MADELON
Bộ sưu tập cây cỏ thực sự ra là để dành cho Madelon, cô con gái của bà Boy de la Tour. Rousseau muốn khai tâm cho cô bé này về thảo mộc. Bộ sưu tập của Rousseau về cây cỏ rất chính xác và đầy đủ. Rousseau cũng đã chỉ định rõ ràng về bản chất của từng cây cỏ, bằng tên Pháp và tên gia đình mỗi loại cây. Rousseau rất ưa thích được gần gũi trẻ em, có thể đó là một sự kiện tưởng nhớ lại thời thơ ấu của chính bản thân ông. Trong những buổi hội hè công cộng, ông cũng đã dành cho những đứa trẻ một sự quan tâm đặc biệt và một sự săn sóc rất ân cần.
NGÔI NHÀ Ở ERMENOMVILLE
Tháng 5 năm 1778, Rousseau , tự cảm thấy ngày cuối cùng của ông sắp đến, ủy thác cho Paul Moultou, một trong số những người hâm mộ và bạn hữu trung thành của ông, những bản viết tay "Dialogues" - đối thoại- và "Confessions" - tự thú - Những bản thảo này ngày nay được lưu trữ tại thư viện công cộng đại học Genève.
Cũng trong tháng đó, Rousseau đến cư ngụ nơi một căn nhà nhỏ biệt lập trong khu hoa viên tại Ermenonville theo lời mời của hầu tước De Girardin. Thời kỳ này là thời kỳ của "Rêveries d'un promeneur solitaire" - những giấc mơ của một người dạo bộ đơn lẻ - tại nơi đây Rousseau dành nhiều thời giờ cho việc sưu tầm cây cỏ, viết và sáng tác âm nhạc .
NHỮNG GIẤC MƠ CỦA MỘT NGƯỜI DẠO BỘ ĐƠN LẺ
Khu hoa viên Ermenonville đã là một nơi tuyệt vời dành cho sự trầm tư đơn lẻ.
Tác phẩm cuối cùng của Rousseau là một bằng chứng cho sự sáng suốt và sự bình an vô cùng. Ông đã bộc lộ tất cả những gì dịu dàng nhất về những kỷ niệm , về quá khứ, về tuổi trẻ, về những chuyến đi và sau cùng về giấc mơ dang dở của ông ... gợi lại kỷ niệm về bà De Warens trong những ngôn từ của một tình yêu trọn vẹn. "Trong khoảng khắc của 4 hay 5 năm" Rousseau đã được hưởng "một thế kỷ sống và hạnh phúc trong sáng ắp đầy...".
NHỮNG PHÚT CUỐI CÙNG
Về mặt thể xác, Rousseau sa sút hẳn. Năm 1777 nhiều cơn bệnh trầm trọng đã đến với ông. Vị bác sĩ săn sóc cho ông khuyên ông nên về vùng quê cư trú, Rousseau cũng đã chấp nhận lời mời của hầu tước De Girardin... Nhưng ngày 2 tháng 7 năm 1778, trở về nhà sau buổi đi dạo sáng, Rousseau đột nhiên bị nhức đầu dữ dội. Mới chỉ vừa ngồi được xuống ghế, ông đã ngã lăn ra và tắt thở.
Một tư tưởng gia vĩ đại của thế kỷ thứ 18 vừa qua đời, đúng 33 ngày sau khi Voltaire nhắm mắt.
"Ma chère femme, rendez moi le service d'ouvrir la fenêtre afin que j'ai le bonheur de voir encore une fois la verdure. Comme elle est belle! que ce jour est pur et serein? Oh que la Nature est grande! Voyez ce soleil dont il semble que l'aspect riant m'appelle ! Voyez vous-même cette lumière immense, voila Dieu, Oui Dieu lui-même qui m'ouvre son sein, et qui m'invite à aller goûter cette paix éternelle et inaltérable que j'avais tant désiré."
J.J.ROUSSEAU
AN TÁNG TẠI ĐẢO PEUPLIERS
Hôm sau, 3 tháng 7 năm 1778, hầu tước Girardin ra lệnh cho Houdon thực hiện khuôn mặt của Rousseau bằng thạch cao để làm một bức tượng bán thân bằng đất nung. Chiều ngày 4 tháng 7, Rousseau được tẩm liệm tại hòn đảo nhỏ tên là Île des Peupliers - đảo bạch dương - tại Ermenonville, nơi mà vài ngày trước đó, Rousseau đã ao ước được "nghỉ ngơi vĩnh viễn" tại đó. Đám tang diễn ra thật bi thảm với sự hiện diện của một số bạn bè của hầu tước Girardin.
Hòn đảo nhỏ sau này được gọi là Elysée và trở nên một nơi hành hương cho những người ái mộ Jean-Jacques-Rousseau.
ERMENONVILLE: HOA VIÊN TƯỞNG NIỆM
Để lưu tồn kỷ niệm về nhà văn lớn này, vị hầu tước Girardin đã sửa sang, biến đổi toàn diện lãnh địa của ông ta để biến thành một hoa viên tưởng niệm J.J.Rousseau. Ông đã cho chỉnh đốn lại một ngôi mộ cổ, một đền triết học, một bàn thờ của sự mơ mộng, một căn nhà gỗ kiểu thụy sĩ, một đài kỷ niệm của những người tình nhân cổ đại, chứng tích của "La Nouvelle Héloïse" .
Những bạn bè của Rousseau cũng đã đến nghiêng mình trước mộ phần ông suốt những tháng sau ngày ông qua đời.
THÉRÈSE LEVASSEUR
Thérèse Levasseur, người đàn bà đã tháp tùng Jean Jacques Rousseau từ tháng 3 năm 1745 cho đến ngày ông từ trần, suốt 33 năm dòng dã. Họ đã lấy nhau tại Bourgoin ngày 29 tháng 8 năm 1768. Thérèse đã có với Rousseau 5 người con, tất cả đều bị gởi cho viện mồ côi. Tuy nhiên sự tranh luận về chuyện Rousseau là cha của những đứa trẻ này cho đến ngày nay vẫn được đề cập đến. Thérèse đã săn sóc Rousseau trong suốt 33 năm và sau khi Rousseau qua đời, chính bà ta đã trở thành người thừa kế duy nhất về những di sản vật chất hoặc văn chương, bản quyền... của người chồng tài hoa này.
Sau ngày Rousseau mất, Thérèse đã bị quyến rũ bởi một người thuộc hạ của hầu tước Girardin, một thanh niên đẹp trai, 34 tuổi, Jean-Henri Bally, sau này hai người đã làm đám cưới vào tháng 11 năm 1779 và cư ngụ tại Plessis-Belleville cho đến khi qua đời vào năm 1801.
Ngày 20 Vendémiaire an III - ngày 11 tháng 10 năm 1794 hài cốt của Jean Jacques Rousseau đã được chuyển về điện Panthéon - Paris an nghỉ bên cạnh Voltaire.
NHỮNG TÁC PHẨM CỦA JEAN-JACQUES ROUSSEAU
TÁC PHẨM BÌNH LUẬN
. Discours sur les sciences et les Art, dissertation philosophique et morale, 1750.
. Discours sur l’origine de l’inégalité parmi les hommes, essai de philosophie politique, 1755.
. Lettre à d’Alembert sur les spectacles, pamphlet, 1758.
ROUSSEAU VÀ XÃ HỘI
. Julie ou La Nouvelle Héloïse, tiểu thuyết (loại thư tín), 1761.
. Le Contrat Social, tiểu luận triết học chính trị, 1762.
. Émile ou de l’éducation, chuyên luận giáo dục,1762.
GIAI ĐOẠN VÀ NỀN TẢNG TÁC PHẨM TỰ THUẬT
. Les Confessions
. Les dialogues, Rousseau juge de Jean-Jacques
. Les Rêveries du promeneur solitaire, 1776-1778 - Di cảo xuất bản năm 1782.

15/12/2004
Từ Vũ
Nguồn: Việt Văn Mới
Theo http://chimvie3.free.fr/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cung bậc - Chùm thơ Hữu Dũng

Cung bậc - Chùm thơ Hữu Dũng Cũng là/ cung bậc ấy thôi/ Mà sao/ cảm xúc/ xa xôi ùa về… Cung bậc Cũng là cung bậc ấy thôi Mà sao cảm xúc xa...