Thứ Ba, 19 tháng 9, 2017

Nơi gặp gỡ triết lý giáo dục Đông - Tây

Nơi gặp gỡ triết lý giáo dục Đông - Tây
LTS: Với triết lý giáo dục phổ thông toàn Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ: "Xin đừng đỡ con gái tôi lên đỉnh cao nhất”, và rằng “…Trẻ có thể sử dụng các bậc thang. Tôi muốn các con đừng tự giới hạn khả năng của mình…”, bài báo này muốn gửi tới bạn đọc một thông điệp từ tư duy sâu sắc của nền giáo dục phổ thông ấy, để qua đó nghĩ thêm về tương lai của nền giáo dục nước nhà trong bối cảnh mới - Một Việt Nam hội nhập quốc tế.
Xúc cảm về sự giao thoa triết lý giáo dục Đông - Tây
Gạt bỏ quá khứ chiến tranh đau buồn một thời giữa hai dân tộc, chúng tôi đến thăm Hoa Kỳ với niềm ngưỡng mộ sâu sắc về một siêu cường, đáng để tìm hiểu và học hỏi.
Đi để đừng mắc những sai lầm. Đi để biết đã vấp ngã rồi đứng dậy và bước tiếp - Ăn vóc học hay, nhặt nhạnh những tinh hoa dồn tụ, hiện đang mang lại sự yên bình và hạnh phúc cho cả mấy tỷ người. Thật ngỡ ngàng và rất chi là tâm đắc, mãi tới khi rong ruổi trên miền xa lạ này, chúng tôi mới nhận ra điều hiển nhiên: Tuổi trẻ chính là những năm tháng không thể lấy lại được.
Và chính trong những năm tháng ấy, sẽ có những bài học được dành riêng cho mỗi người: Có những cơ hội học tập thật sự vô giá khi còn trẻ: những cổng trường náo nức, những người đi trước luôn sẵn sàng truyền dạy, và cả một cuộc đời đang ở phía trước. Quanh chúng ta có rất nhiều điều kỳ diệu, nhiều người bạn tuyệt vời và nhiều cơ hội trời cho. Vì thế, hãy học để nâng mình lên. Học để sống hòa hợp, có trách nhiệm với chính mình, học để sẻ chia, đồng cảm và giúp đỡ người khác. Thế đấy. Học giả Dale Carnegie từng nói: Chân lý đắng cay nhất là nơi ẩn giấu cuộc đời ngọt ngào nhất!
Những tư tưởng lớn Đông-Tây về triết học giáo dục cũng gặp nhau. Trần Đức Thảo, Hồi ký triết học, viết: "Ý thức cá nhân, tự gọi là bản thân, xác định sự đòi hỏi đạo đức trong hành động, chân lý trong nhận thức, thẩm mỹ trong những quá trình sống động và sinh thức…” Trên cơ sở này, về sau các nhà giáo dục và sư phạm học Hoa Kỳ đã vận dụng triết luận Trí tuệ xúc cảm  (Emotional Intelligence- EI) để nghiên cứu và đánh giá việc hình thành kết quả học tập và nghiên cứu của người học các cấp, nhằm đưa ra một chương trình huấn đạo khả thi.
Vốn thụ hưởng nền giáo dục Nho học, đặc biệt là chính trị đức trị Nho gia - có tác dụng hoãn giải với cách điều hành chính trị mạnh mẽ kiểu Pháp gia - thực hành giáo hóa đức trị mà tạo dựng được một không khí xã hội tốt lành hơn, chúng tôi, những ngày rong ruổi trên đất nước ấy, gắng hồi tưởng lại chủ nghĩa đức trị của Nho gia đã có ảnh hưởng tới một số quốc gia châu Âu hiện đại. Hoa Kỳ không nằm ngoài vùng  phủ sóng.
Từ cổ xưa, trường Havard và Trung tâm nghiên cứu Phương Đông học Hoa Kỳ đã tổ chức nghiên cứu Nho học, đặc biệt là Đức trị của Khổng Tử.
Còn nhớ Voltaire, nhà tư tưởng lớn của nước Pháp, cho rằng triết học của Khổng Tử là một học thuyết luân lý hoàn chỉnh, dùng đạo đức để dạy bảo người, lấy lý tính phổ biến để ức chế dục vọng, nhằm xây dựng một xã hội hòa bình và hạnh phúc. Bởi thế ông chủ trương: Nước Pháp cũng nên lấy đạo Nho để điều hành quốc gia, thực hành chủ nghĩa đức trị. Đối với chủ nghĩa đức trị của Nho gia, những người viết Bách khoa toàn thư của nước Pháp cũng tỏ ra rất thích thú. Ví như Huanbass phản đối chế độ chuyên chế, đề cao Khổng Tử với chủ trương chính trị dùng đức để trị quốc. Ông đã viết một cuốn sách mang tên Đức trị, ngợi ca đạo đức của Khổng Tử, được xây dựng trên cơ sở chân lý mang tính vĩnh cửu, nhắm tới việc hình thành một bộ công cụ chinh phục, để noi theo nền hành chính Trung Quốc. Ông cho rằng: “Sự phồn vinh của quốc gia ắt phải dựa vào đạo đức. Bởi thế mà các chính phủ Âu Châu ắt phải học tập Trung Quốc". Những điều nói ở trên đã phản ánh rõ ảnh hưởng của tư tưởng đức trị Nho gia đối với chính trị truyền thống.
Suy rộng ra, các triết luận đều muốn giúp con người tự truy vấn bản thân về giá trị, ý nghĩa và sứ mệnh của sự hiện hữu làm người, dạy con người phải biết nuôi dưỡng khát vọng, mang những mùa xuân nhân bản, nhân ái, từ tâm tới nhân quần (bằng sự nối vòng tay lớn)- Quan san muôn dặm một nhà.
Quả thật, qua những thành tựu chinh phục thiên nhiên, chinh phục vũ trụ, trên hết là chinh phục lòng người bằng cách kéo triết học từ thế giới trừu tượng xuống mặt đất, con người đã biến triết học, từ nỗ lực tìm kiếm ý nghĩa thế giới phi vật thể, thành sự nghiệp thổi linh hồn của bản thể vào sự phát triển nhân sinh, thành thứ ánh sáng soi rọi lương tri nhân loại.
Chúng tôi chợt nghĩ tới một câu bất hủ của triết gia Aristotle, nhắn nhủ học trò cưng là Alexander đại đế: “Thế giới mà con cần chinh phục, chính là thế giới ở bên trong con”. Giáo dục phổ thông đang lãnh đảm nhiệm vụ như thế với các thế hệ học sinh của nền kinh tế siêu cường - Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ.
Sức lan tỏa của Nho học lấy đạo đức làm giá trị trung tâm
Về đặc trưng cơ bản của tư tưởng Khổng Tử mà nói, đích xác có thể xem nó là một học vấn của cuộc sống. Nó không chú ý truy cứu một hệ thống và quy mô lý luận, mà cố gắng đứng chân ở đạo lý làm người, với tác dụng chỉ dẫn cuộc sống cho mọi người làm theo. Điều ấy được thể hiện ở mấy mặt sau đây trong nền giáo dục phổ thông ở Hoa Kỳ.
1. Lý tưởng nhân văn sinh sôi mà hài hòa
2. Lý tưởng nhân cách của người có học vấn
3. Quy phạm hành vi nhân nghĩa
4. Phương thức vận hành chính trị của chủ nghĩa đức trị
5. Tinh thần thực tiễn
1. Lấy con người làm trung tâm - lý tưởng nhân văn sinh sôi mà hài hòa
Người Mỹ tin rằng mọi công dân đều có quyền và trách nhiệm để trở thành người có học, hữu ích cho quốc gia Hợp Chủng. Không phân biệt sắc tộc- mọi người đều bình đẳng và được tôn vinh giá trị vì những đóng góp cho cộng đồng. Hàng năm Forbes đều bình chọn "Chính nhân của Năm". Công dân của một nước dân chủ cần phải được giáo dục để có thể tham gia vào công việc của chính phủ ở trung ương cũng như địa phương. Họ cũng phải học các kỹ năng nghề nghiệp.
Để tạo ra một dân tộc có giáo dục, tất cả các bang đều có luật bắt buộc công dân phải học từ 6 tuổi cho đến ít nhất là 16 tuổi hoặc hơn (17, 18 tuổi- tùy bang). Khoảng 75 % người Mỹ thành niên và khoảng 85 % thanh niên Mỹ đã tốt nghiệp trung học.
Số lượng học sinh tham gia các trường học ở Mỹ thật đáng kinh ngạc. Từ nhà trẻ đến trường trung học có 48 triệu học sinh. Nước Mỹ phải tuyển 3,2 triệu giáo viên để dạy cho số học sinh khổng lồ này. Cho đến nay, đây là ngành có đông lao động nhất ở Mỹ. Khoảng 88% trẻ em Mỹ học tiểu học và trung học trong các trường công. Các trường này dành cho cả nam và nữ, chương trình học không phân biệt. Bằng cách tạo ra cơ hội bình đẳng cho cả nam lẫn nữ, các trường học ở Mỹ đã tạo ra được những phụ nữ Mỹ rất tự tin ngày hôm nay.
Trường công thường là trường không có bè phái, tức là không có ảnh hưởng của tôn giáo. Hệ thống trường công giúp cho cả nước có một nền văn hóa chung. Trường tư có thể được chia thành 2 nhóm: trường dòng, được hỗ trợ bởi một tổ chức tôn giáo nào đó; và trường dân lập. Trường tư buộc học sinh phải đóng học phí và không ở dưới sự kiểm soat của cộng đồng, dù nhiều tiểu bang cũng áp đặt tiêu chuẩn giáo dục cho họ. Trường đông chiếm số lượng nhiều hơn trong hệ thống trường tư, và đa số do Nhà thờ Thiên chúa Giáo La Mã điều hành.
2. Lý tưởng nhân cách của người có học vấn như Chính nhân quân tử
Để giáo dục cho học sinh biết sống và làm việc khi trưởng thành, các trường ở Mỹ cố gắng trước hết phải thực tế. Giáo dục Mỹ chịu ảnh hưởng các lý thuyết của triết gia nổi tiếng thế kỷ 20 là John Dewey, tin rằng chỉ những kiến thức có thể sử dụng mới là có giá trị. Ông nói: Tự đáy tâm hồn ta có một chân lý bẩm sinh về nhân cách, nhờ đó ta xét đoán được thiện hay ác về hành vi của người khác”. Ông cũng thuyết phục những nhà giáo dục rằng, sẽ vô ích khi làm cho sinh viên nhớ những thông tin vô bổ mà họ sẽ quên. Tốt hơn nên nên dạy họ cách tư duy để hành xử đức độ, có văn hóa, để quy tập lại thành cộng đồng có lý tưởng chân-thiện, và kỹ năng có tác dụng đến cách họ sống và làm việc.
Dewey, có vẻ, cũng ảnh hưởng học thuyết Nho gia Trung Quốc. Ông nhấn mạnh đến ý nghĩa quan trọng con người tự giác ngộ nhân ái làm theo nhân ái, yêu cầu các thành viên trong xã hội đều thông qua tu dưỡng đạo đức bản thân trở thành người quân tử nối gót thánh hiền- Gods, đề xướng thông qua đức trị và lễ trị mà xây dựng hình thái xã hội lý tưởng, các thành viên trong xã hội đều có thể đạt được sự yên ổn thái hòa trong cuộc sống của mình. Ông bày tỏ: “Hy vọng thông qua việc khai thác thế giới tinh thần nội tại của con người, khiến con người có được sự quán thông với trời đất”. Ông lại nói: "Người có thể mở mang đạo, đạo chẳng thể làm lớn người”.
3. Quy phạm hành vi nhân nghĩa
Quy phạm luân lý trong văn hóa phương Tây có thể gọi là mô hình quyền lợi, nó chú ý đến các quyền lợi cá nhân, bởi thế mà luân lý ấy lấy cá nhân làm bản vị. Với ý nghĩa nhất định, đặc trung đó của luân lý phương Tây trở thành tư tưởng chủ yếu của chính trị dân chủ phương Tây. Một điều kiện cơ bản của chính trị dân chủ là yêu cầu dân chúng ắt nên tự mình làm thành sự tự giác lý tính của chủ thể chính trị riêng biệt”.
Các nhà giáo dục Hoa Kỳ thế hệ trước Dewey, cũng đã biết coi trọng thần thái của Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Hiếu đễ, Trung tín, xả thân thành nhân, lấy đức báo đức- “Good virtue will be rewarded" (có đạo sẽ được thưởng), thấy việc nghĩa thì làm - "Be helpful to others" (hữu ích cho mọi người). Thật khá gần luân lý Nho gia, Trung Quốc.
Dewey cũng đẩy luân lý giáo dục của mình là “phải coi trọng giáo dục kỹ thuật"- tức dạy Văn. Giáo dục phải có ý nghĩa, và học sinh học tốt nhất thông qua thực hành, đây là những ý tưởng cơ bản về giáo dục tiên tiến, bên cạnh việc dạy Lễ- dạy làm người quân tử đức trị. Vì thế, khoa học được dạy chủ yếu qua thực nghiệm; học âm nhạc bằng cách chơi nhạc; các nguyên tắc dân chủ thì được thực hành thông qua các hội đồng sinh viên, các dự án theo nhóm khuyến khích sinh viên sáng tạo, lãnh đạo và làm việc theo nhóm- Team Work, để thuần thục kỹ năng nghề, chuẩn bị điều kiện Cần và Đủ để khởi nghiệp sau này. Nhà trường Hoa Kỳ coi trọng phẩm chất nhân nghĩa là đóng góp có ích cho cộng đồng - social contributions. Thế mới thật là: Ăn vóc học hay!
4. Phương thức vận hành chính sự của chủ nghĩa đức trị
Phương thức này là sự khái quát hóa nền học vấn Nho học.
Nho học là học vấn của cuộc sống, triết học nhân sinh có thể nói là hạt nhân, là xuất phát điểm và chỗ đứng chân của hệ thống lý luận đức trị, lấy con người làm trung tâm, lấy nhân nghĩa là lẽ sống, lấy thực hành mà chuyển tải luận lý, biến nó thành của cải vật chất phục vụ dân sinh. Thật đúng với câu nói của Einstein: “Sự huyền bí của trí tuệ là cái thấy được chứ không phải cái hư huyễn”.
Trách nhiệm giáo dục của trường học Mỹ đối với sinh viên có qui mô rất rộng. Có một sự phân định  rõ ràng: nhà trường dạy kỹ năng, còn thông tin thì để cha mẹ. Ở nhà con cái là chủ thể của mọi quyết định với tinh thần tự lập, tự đưa ra các quyết định để tồn tại và phát triển (Self-independence và Self-decision making). 18 tuổi tự kiếm sống. Giáo lý này thực sự gò ép mỗi cá thể là một trung tâm của sự tự giáo dục kỹ năng và tự học suốt đời để tồn tại và phát triển. Vì kiến thức của nhân loại càng mở rộng và cuộc sống ngày càng phức tạp hơn, bắt  người học phải tự biết đi xa hơn ba môn học căn bản là đọc, viết và toán.
Để có bước đi tự tin và vững vàng sau khi tốt nghiệp, nhà trường Mỹ có hai trách nhiệm:  a- Cung cấp một chương trình kiến thức chuẩn bị cao đẳng tổng quát cho đối tượng muốn học lên cao hơn; và  b- Cung cấp cơ hội được đào tạo nghề cho những học sinh muốn đi làm sớm. Đối với cao đẳng thì trường trung học sẽ trang bị các kiến thức cao hơn về toán, khoa học, xã hội, quốc ngữ (tiếng Anh), và ngoại ngữ. Học sinh cũng phải học khóa Nâng cao (Advanced Placement), và nếu kết quả tốt sẽ có thể được cấp bằng cao đẳng, dù vẫn đang học trung học. Trong trường, học sinh có thể học cả tốc ký, vẽ đồ họa và tham gia vào các chương trình nghiên cứu để có kinh nghiệm thực tế cho các ngành nghề khác nhau.
Ở Hoa Kỳ, người ta coi trọng giáo dục trẻ em sớm, với tầm nhìn: Các em là mầm xanh dung dưỡng những cây đại thụ. Khoảng 87% trẻ em Mỹ vào lúc 5 tuổi phải đi học, đa số là mẫu giáo; nhiều bé đi nhà trẻ khi còn nhỏ hơn. Theo thống kê của tạp chí Elementary Education Review năm 2015, khoảng 29 % trẻ em ba tuổi và 49% trẻ em bốn tuổi đều được cho đi nhà trẻ. Từ cái nôi ấy, trẻ em được dạy cái đức trị nhân bản là, “Theo mệnh cha há đã là hiếu, tôi theo mệnh vua há đã là trung”. Cùng một triết lý giáo dục, các nhà giáo dục Hoa Kỳ cũng coi trọng việc dạy con trẻ phải giữ đạo nhân quần: “Trẻ em phải biết che chở nhau khi hoạn nạn”. Lời ấy thật ôn hòa, trung dung, thích hợp với mọi nẻo đường đời.
5.Tinh thần thực tiễn
Mục tiêu xa hơn của luận cứ này là biến các lớp hệ này thành những nhà lãnh đạo có định hướng  nhiệm vụ và có khả năng giải quyết các vấn đề. Mục tiêu đào tạo đó đạt được bằng cách liên tục giới thiệu cho học  sinh các nhiệm vụ với những chỉ dẫn cụ thể, có tầm, với những ưu tiên 1,2,3 v.v...
Walt Whitman nói một câu hay rằng: “Viết mười pho sách triết lý dễ hơn thực hành được một phương châm”. Khổng Tử dạy: “Túc thực, túc binh, dân tín chi hỹ" (đủ ăn, đủ binh, dân tin mình vậy). Trong việc chính trị cần phải lấy sự dân tin làm quan trọng hơn cả. Dân tin thì thành ra cái thế lực rất mạnh, làm việc gì cũng được. Thật đúng như lới Bác Hồ: “Khó trăm đường dân liệu cũng xong”.
Khổng Tử lại dạy: “Nhân cái lợi của dân mà làm lợi, thì chẳng phải là có ơn mà không phí hay sao?”. Với tinh thần thực tiễn, giáo dục phổ thông Hoa Kỳ hướng tới "American Values" (Những giá trị Mỹ)- tự do thân thể và tự do suy nghĩ- tự do toàn diện cho con người là nền tảng để xã hội phát triển, thực hiện dân chủ, biết làm chủ bản thân, dám giúp đỡ, cưu mang người hoạn nạn, dám bảo vệ lẽ phải, trước nhất là người yếu kém, có nghĩa khí để giải quyết việc đời trong bao dung, độ lượng.
Tinh thần thực tiễn đó được thể hiện trong các chính sách:
1. Miễn phí bắt đầu từ trường mẫu giáo dành cho học sinh từ 5 tuổi. Thường thì học nửa ngày hay 2, 3 tiếng, nhưng một số trường dạy cả ngày. Mục đích đầu tiên là để trẻ hòa nhập và tiếp xúc với người khác, nhưng chúng cũng học được một số điều và kỹ năng như phân biệt màu sắc, đếm đến 10, viết tên mình, xếp hình, nghe kể chuyện, đọc sách... Sau khi học mẫu giáo, trẻ em sẽ bắt đầu  học các môn giáo khoa. Quá trình học được chia thành 12 trình độ gọi là 12 lớp.
2. Mỗi ngày ở trường trung bình kéo dài 7 tiếng, và kết thúc lúc 3 giờ chiều, học từ thứ Hai đến thứ Sáu. Thời gian nghỉ thường niên là 2 tuần nghỉ đông, kể cả Lễ Giáng sinh và Năm Mới.
3. Trong các thành phố, đa số trẻ em ăn ở căn tin trường, đi học bằng xe buýt hay xe của trường đưa đón tận nhà. Ở trường các em được hướng dẫn chơi các trò chơi trải nghiệm như luật giao thông, thử làm cảnh sát, đóng vai hướng dẫn viên du lịch, sắm vai là “cha", là "mẹ”, bắt chước bác sĩ và y tá điều trị cấp cứu, v.v… Thật thiết thực và bổ ích.  Hiệu suất giáo dục là ở chỗ giáo dục ý thức tự giác và tự nguyện từ bản tính con người. 
4. Trường tiểu học dạy ngôn ngữ: đọc, viết, đánh vần và làm văn, bình văn; dạy môn xã hội như lịch sử, địa lý; toán, từ thấp đến cao và có khi có cả số học, thường thì được liên hệ tới các vấn đề cập nhật về các kỹ năng tính toán để phục vụ đời sống thường nhật; khoa học, giáo dục thể chất và sức khỏe. Lời của W. Shakespear luôn hiện hữu trong tâm trí học trò: “Hãy suy nghĩ trước khi nói. Hãy cân nhắc trước khi làm”. Có điều gì đó rất truyền thống Việt Nam: “Học ăn, học nói; học gói, học mở”.
Ngoài ra, trường tiểu học còn dạy nhạc, nghệ thuật và kinh tế- các vấn đề về chi tiêu, tiết kiệm, các trò chơi về kinh tế để tập quản lý kinh tế cá nhân. Sức lan tỏa từ triết lý giáo dục phổ thông Hoa Kỳ là mỗi cá nhân biết tự giải quyết các vấn đề của riêng mình, từ chuyện vấp ngã đến những thất bại trong học tập hay rủi ro trong "đường đi nước bước”. Bố mẹ không can thiệp. Cách giáo dục đó đã sớm hình thành nhân cách và tính kiên định của mỗi cá thể trong đời sống thường nhật.
5. Các môn học trong trường trung học thì chuyên sâu hơn. Các lớp tiếng Anh thì chú trọng các môn viết, ngữ pháp, văn chương. Môn xã hội thì chia ra thành các chuyên đề nhỏ như lịch sử Mỹ, lịch sử Châu Âu và tâm lý học. Các môn phải học cả năm như số học và hình học thì được tiếp theo bằng lượng giác và vi phân. Ngoài ra còn các môn như sinh học, hóa và vật lý. Nhiều trường trung học dạy ngoại ngữ như tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp hay tiếng Đức.
6. Dạy kiên nhẫn từ trứng nước. Trong các văn phòng nhà trường, chúng tôi thường thấy một dòng chữ đầy tính ước lệ và khích lệ, nâng tầm trí tuệ, mà trước nhất như một ‘lời hịch': “Prodigy is an eternal diligence" (Thiên tài là do mẫn cán không ngừng nghỉ). Kiên nhẫn là đức tính thông quán. Nhà trường dạy trẻ biết suy nghĩ thấu đáo và chờ đợi tới khi bản thân đã sẵn sàng, thì luôn có muôn vàn cơ hội mở ra trước mắt họ. Bắt đầu hiện thực hóa ước mơ của mình ngay khi bạn muốn, nhưng phải luôn bình tĩnh để biết khi nào nên đi, khi nào nên chạy. Các em được khơi dạy từ nhà trường là hãy sống xứng đáng với tuổi thơ, tuổi trẻ của mình để mỗi khi nhìn lại, các em sẽ tự hào về nó. "Gắn mình với gốc cây sẽ nhận được bóng mát”.
7. Biết chăm lo cho bản thân. Đây là một giáo lý để nhà trường dạy tính độc lập, rèn tính kiên định. Khi chơi các trò chơi, các em biết tư duy, biết trải nghiệm để rồi đưa ra quyết định. Mỗi tiết, các em thường được 5 phút để thực hành. Các em sẽ tự biết mình nên làm gì nếu việc đó ảnh hưởng tới mình. Và tự nhủ rằng mình cần một điều gì đó để có thể hạnh phúc. Khi đó các em cần thêm động lực nào đó để thực hiện và duy trì nó.
8. Chỉ nên đặt hy vọng vào chính mình. Đó là chân giá trị của mỗi cá thể. Hãy giúp đỡ người khác được là chính họ, thì mình sẽ thêm hạnh phúc. Các bậc cha mẹ Mỹ và nhà trường phổ thông coi việc bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp của con trẻ là một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá chất lượng sinh tồn và niềm tin, hy vọng, chẳng những liên quan đến việc thực hiện lý tưởng của một con người, mà còn liên quan đến sự phát triển cá tính và chỉ số hạnh phúc của con em họ.
9. Chìa khóa tâm hồn giúp học sinh kết giao với người khác. Đây là một nguyên tắc trong triết lý giáo dục phổ thông. Người giành chiến thắng dựa vào năng lực cá nhân, thường chỉ vinh quang nhất thời và danh tiếng không kéo dài được mãi. Biết trao đổi nguồn lực với người khác mới là người có khả năng làm nên việc lớn. Các doanh nhân với sự nghiệp lẫy lừng, phát triển lâu dài và còn truyền lại cho con cháu đời sau chính là vì nắm được bí mật này.
Lời kết
1. Với những dẫn chứng trên, có thể thấy nền giáo dục phổ thông Hoa Kỳ không đặt nặng việc hấp thụ thật nhiều kiến thức to tát; họ coi trọng đến nâng cao phong cách con người, khả năng giao tiếp và sáng tạo. 
Self-independence, self-reliance, self-study, self-confidence... Cái gì cũng self (tự mình), đó là động lực và phương sách chủ đạo giúp con người dứt thoát khỏi vòng u mê cực nhọc mà hầu như ai cũng nếm trải trước khi đi tới thành công..
2. Những giá trị này không đặt ra trong một thế giới tư biện, hay trong một hệ tư duy độc đoán, mà được cảm nhận, thử thách trong kinh nghiệm cuộc đời thực tiễn, nơi các ý niệm, lý tưởng nảy sinh liên tục, với tất cả ý nghĩa chân thực, xuất phát từ con người, cho con người. Những mầm xanh công lý, lòng nhân, chân lý và vẻ đẹp… hay sản phẩm của trí tuệ... tất thảy đều thể hiện trong quan hệ sống và tương tác giữa con người với thiên nhiên và đồng loại. Một triết lý giáo dục như thế, phải chăng là một tuyệt tác vì vẻ đẹp của giá trị con người!.
Hà Nội, tháng 5/ 2017
Trần Anh Thơ
Theo http://hubt.edu.vn/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cô nhỏ Trúc quan âm

Cô nhỏ Trúc quan âm Cách nhà tôi nửa cây số, về phía trái, là một trường tiểu học. Cách trường tiểu học này chừng trăm thước lại có trường...