Chủ Nhật, 17 tháng 9, 2017

Con người - Đời người - Làm người

Con người - Đời người - Làm người
Đây thật sự là vấn đề triết học nhân văn mà chưa thấy bàn nhiều ở nước ta với một tư cách là một chuyên đề độc lập trong các giáo trình và các chuyên luận. HCM cho rằng: mọi vấn đề quy đến cùng là vấn đề ở đời và làm người. Các triết học và tôn giáo ít hoặc nhiều đều động chạm đến vấn đề đó với các góc độ, khía cạnh khác nhau...
Chẳng hạn trong triết học Khổng Tử và triết học Trung Quốc nói chung cũng như tư tưởng triết học ở Việt Nam ta đều bàn đến vấn đề làm người, đặc biệt là người quân tử với tất cả những mối quan hệ Tam cương, Ngũ thường. Triết học Phật giáo bàn về đời người, sự khổ con người và sự giải thoát để làm người. Thiên Chúa giáo bàn về con người và đời người ở trần gian là tạm thời còn Thiên đường là vĩnh cửu. Triết học Hiện sinh lại bàn về đời người cô đơn và làm người theo kiểu tự do tuyệt đối. Triết học Socrat lại bàn về vấn đề làm người một cách độc lập và sáng tạo. Cantơ đề cao vai trò con người, muốn xây dựng một khoa học về con người để ai cũng học được cách làm người. Triết học Mác xuất phát từ con người thực tiễn và nghiên cứu những con đường và điều kiện để giải phóng con người đi tới vương quốc tự do. Hồ Chí Minh tôn trọng con người, đề cao tính chủ động của con người tìm mọi cách để phục vụ con người theo tinh thần của chủ nghĩa nhân văn thực tiễn cao cả v.v...
Vấn đề chúng ta đang bàn liên quan đến nhiều khía cạnh và góc độ có thể nhìn nhận một cách khái quát sau đây:
Con người: sống và chết; 
cống hiến - hưởng thụ và được tôn vinh
Con người được sinh ra như sự kết hợp âm - dương, sự tổng hòa trời đất, tổng hòa giới tính nam - nữ. Nói cụ thể hơn con người ra đời do cha và mẹ yêu nhau trong cuộc sống hôn nhân. Nhưng ta lại thường nói cha sinh mẹ dưỡng, cha mẹ sinh con trời sinh tính. Con người ra đời ở điểm khởi đầu của nó là một cơ thể sinh học như một dạng vật chất tiến hóa cao nhất hiện nay. Sau chín tháng mười ngày thì ra đời nhưng là một sự rút ngắn của sự tiến hóa sinh học diễn ra hàng triệu năm trước đó trong quá trình xuất hiện loài người và con người trên trái đất.
Cơ thể sinh học đó có một kết cấu chất đặc biệt như một thực thể nhu cầu có khả năng đáp ứng và thích hợp với môi trường tự nhiên và xã hội. Cơ thể này là một thực thể tự nhiên có khả năng thực hiện lao động xã hội, giao tiếp xã hội và hình thành ý thức. Thực thể đó chứa đựng nhiều khả năng bẩm sinh như bản năng sinh học, bản năng hợp quần xã hội sẽ được phát triển để trở thành bản chất người thực sự trong môi trường tự nhiên và xã hội. Những bộ phận đặc biệt của cơ thể đó là bộ não của người và trái tim của nó. Khoa học ngày nay đã đạt đến một trình độ khá cao để tìm hiểu về cấu tạo, cơ chế của bộ não người, trái tim của con người như một sự hội tụ và kết tinh hoa của Trời đất và sau nữa là của văn hóa nhân loại trong tiến trình lịch sử. Nhưng chúng ta còn hiểu biết ít ỏi về bộ óc của mình với 100 tỷ tế bào nơtron khổng lồ và vô tận. Ở đó không phải chỉ có hữu thức mà còn có cả tiềm thức và vô thức với những đặc điểm và cơ năng đầy bí ẩn mà khoa học mới chạm tới cửa ngõ của nó.
Cơ thể sinh học là cơ sở vật chất của con người để hình thành và phát triển con người. Khi con người sinh ra đã bắt đầu sống trong môi trường gia đình và môi trường xã hội càng ngày được mở rộng cùng với sự họat động và giao tiếp của con người. Con người trong cuộc đời mình trải qua nhiều giai đọan: Một là giai đọan trong bụng mẹ; hai là giai đọan chủ yếu được nuôi dưỡng; ba là giai đọan được học tập để chuẩn bị vào đời; bốn là giai đọan lập nghiệp, lao động cống hiến và hưởng thụ; năm là giai đọan tuổi già và nghỉ hưu; sáu là giai đọan sau khi đã chết và được thờ phụng, tôn vinh (theo cách phân chia của Giáo sư Trần Trọng Đăng Đàn). Sau giai đọan đó thể hiện sự tiến hóa về mặt sinh học của một con người và cũng là mặt xã hội của một đời người trong quá trình trao đổi chất, sống, họat động xã hội.
Vấn đề cơ bản trong quá trình đó là quá trình tiếp nhận từ phía môi trường tự nhiên và xã hội, cũng là quá trình tác động vào môi trường ấy, sáng tạo ra mọi của cải vật chất theo nhu cầu sinh tồn và phát triển; đó cũng là quá trình con người được hưởng thụ và phát triển nhân cách của mình với tư cách là chủ thể của đời sống. Bản chất xã hội của con người được hình thành trong quá trình đó trên cơ sở cơ thể sinh học và trở thành thuộc tính bản chất xã hội của cơ thể con người với tư cách một thực thể hoạt động tích cực, sáng tạo với ý nghĩa nhân sinh.
Giá trị và vị thế của con người như thế nào là phụ thuộc vào quá trình hoạt động, cống hiến, thể hiện tài đức, dũng khí của con người mà ở đó là sự thống nhất nhiều cái thể chất, cái đạo đức, cái trí tuệ và cái thẩm mỹ. Nhưng đời người và con người không thể sống mãi mãi xét về mặt cơ thể sinh học nhưng xét về mặt xã hội thì con người sau khi chết có thể còn tiếp tục "sống" trong trái tim của những người thân hoặc cũng có thể trái tim dân tộc và nhân loại nếu là những anh hùng, những vĩ nhân. Nói cụ thể hơn tuổi thọ xã hội của họ dài hay ngắn phụ thuộc vào ý nghĩa xã hội, sự cống hiến cho xã hội của họ khi đang còn sống với tư cách một thực thể sinh học. Sau khi chết ai được tôn vinh thì đó là niềm tự hào của người đã khuất và người đang sống.
Con người - đời người - khổ đau - hạnh phúc.
Sự xuất hiện của con người cũng như sự mất đi của họ là sản phẩm quá trình tiến hóa tự nhiên và xã hội. Đối với từng con người cụ thể đó là quan niệm sinh vật biện chứng đúng đắn. Những quan điểm như con người ra đời là do Chúa sinh ra, hoặc do Ý niệm tuyệt đối sinh thành hoặc do sự luân hồi của một kiếp trước là mang đậm dấu ấn duy tâm, hoang tưởng, thiếu căn cứ khoa học và hiện thực. Chỉ có hiểu con người và đời người một cách khoa học mới có cơ sở để nuôi dưỡng, đào tạo, sử dụng và phát triển con người có hiệu quả. Đồng thời, trên cơ sở xây dựng một xã hội biến đổi những môi trường tự nhiên sinh thái phù hợp với quy luật của tự nhiên, qui luật của xã hội và quy luật tiến hóa phát triển của con người, phù hợp với bản chất tốt đẹp nhân bản, nhân văn của con người.
Trong quá trình tồn tại con người phải giải quyết những vấn đề sức khỏe, ăn mặc, đi lại, hoạt động sáng tạo, giao tiếp, xây dựng gia đình, cống hiến, nghỉ ngơi … tất cả điều đó tạo thành cuộc đời con người.
Con người và đời người xuất hiện tồn tại và phát triển cũng như mất đi là một quá trình đầy mâu thuẫn giữa thuận lợi và khó khăn, giữa cơ hội và thử thách, giữa sức khỏe và bệnh tật, giữa vui sướng và đau khổ, giữa bất hạnh và hạnh phúc.
Nhìn về phía này thì thấy rằng được sinh ra và sống ở đời là một sự may mắn, thành đạt, hạnh phúc, tự hào. Vì vậy con người là hoa của đất. Sống và họat động như một thú vui và cố gắng sống xứng đáng với con người. "Người với người sống để yêu nhau". Và dù có một đôi lần khổ đau thì về cơ bản "cuộc đời vẫn đẹp sao"!
Nói theo cách nói của một nhà văn có thể là như thế này: Con người chỉ sống một lần; sống sao để khỏi ân hận; sống sao để khi chết đi được nhiều người thương nhớ và tự hào, để lại trên nấm mồ của anh những giọt nước mắt long lanh ngọc của đời và những bông hoa mãi mãi thắm tươi dưới ánh nắng mặt trời. Thật đáng tự hào được làm người và sống một cuộc đời của con người. Thế thì ai chẳng muốn làm người.
Nhưng cuộc đời là oái ăm thay. Khi nhìn về khía khác để thấy rằng cuộc đời là bể khổ như cách triết lý của Phật giáo chẳng hạn. Quả cũng có lý khi nói rằng: sinh ra cũng khổ, bệnh tật cũng khổ, già lão cũng khổ, chết cũng khổ. Nếu thế thì suy rộng ra yêu nhau và xây dựng gia đình cũng khổ. Có chồng lại khổ vì chồng. Song không có chồng lại chẳng sung sướng gì. Lênin đã nói rằng người mẹ sinh con là chịu nhiều đau đớn nhưng chẳng bà mẹ nào lại không ao ước muốn được có con vì đó là thiên chức của hạnh phúc cao quí trước hết của người mẹ, người phụ nữ. Dân ta nói người phụ nữ không có con giống như cây không có hoa, không có trái. Đó là sự khổ do không có chồng con! Do đó, nói đúng hơn đời người và làm người không tuyệt đối sung sướng, không tuyệt đối đau khổ mà là có cả hai. Nhưng con người là một chủ thể tích cực, chủ động nối Trời và đất, biết thích nghi với môi trường để phát triển, có khả năng tạo ra cuộc sống ngày càng tươi đẹp hơn. Chính lịch sử của xã hội loài người, lịch sử của con người đã chứng minh điều đó. Đi vào từng con người cụ thể có thể có người bất hạnh nhiều hơn hạnh phúc, nhưng những người sống tốt đẹp và hạnh phúc nhiều hơn. Sự tốt đẹp ấy lại là phạm trù lịch sử như nấc thang tiến hóa từ thấp đến cao.
Nhìn sâu hơn vào hiện thực thì sự bất lực của con người, sự đau khổ của con người có nguyên nhân tự nhiên nhưng chủ yếu cũng từ nguyên nhân xã hội, con người tự làm khổ cho con người là chính. Trong xã hội có giai cấp bóc lột thì đa số con người sống nghèo khó, chịu nhiều bất công và áp bức trong khi đó thiểu số thì giàu có sung túc hơn nhờ sự bóc lột sức lao động của đa số. Khi con người bắt đầu lao động và sáng tạo, đó là bước nhảy vọt từ lòai vật sang lòai người. Nhưng chỉ khi nào con người xóa bỏ được chế độ áp bức bóc lột cuối cùng trong lịch sử thì mới thực hiện được bước nhảy vọt tiếp theo từ xã hội tiền sử sang xã hội của con người thực sự tự do, phát triển toàn diện, làm chủ tự nhiên xã hội và bản thân mà chủ nghĩa Mác đã dự báo một cách khoa học trên cơ sở hiểu biết quy luật lịch sử.
Con người - Số phận - Đường đời - Đích đi tới
Từ xưa đến nay nhiều nhà tư tưởng đều suy tư, quan tâm giải thích và đấu tranh cho số phận của con người và mong con người được thoát khỏi nghèo đói, bệnh tật, áp bức bất công để tiến lên tự do, ấm no và hạnh phúc. Con người sinh ra cơ bản là tốt, ai cũng có quyền sống, quyền lao động, quyền học tập, quyền đấu tranh cho lẽ phải và công bằng, được thương yêu và tôn trọng.
Nhưng mọi điều diễn ra trong đời thực lại đi theo một con đường riêng của nó mà ta hay nói đó là "số phận". Số phận và đường đời là vấn đề triết học đáng nghiên cứu. Một số khuynh hướng tư tưởng và tôn giáo cho rằng số phận và đường đời của con người là do Trời, do Chúa định đoạt, điều khiển, con người hoàn toàn là nhân tố bị động. Thực ra không phải như vậy. Con người chủ động lựa chọn cuộc đời, đường đi và sự làm người của mình. Con người sống và họat động là do nhu cầu, lợi ích thúc đẩy và là sự đáp ứng những nhu cầu và lợi ích đó với thức cách và mức độ khác nhau. Con người là một thực thể có ý thức tức là họat động do ý thức dẫn đường. Con người biết đâu là tốt đâu là xấu, đâu là hay đâu là dở, đâu là đúng đâu là sai, đâu là thuận đâu là nghịch. Tất nhiên một con người cũng không thể hiểu biết hết được chính mình và môi trường xung quanh và xu hướng phát triển của nó. Chính những cái chưa biết đó là những ẩn số. Nhưng càng tiến lên con người lại hiểu biết nhiều hơn chính mình và cuộc sống. Loài người cũng vậy, một con người cũng vậy.
Con người hoạt động như thế nào, phải lựa chọn cuộc đời làm người như thế nào không chỉ tùy thuộc vào chính mình mà còn phụ thuộc vào điều kiện khách quan bên ngòai, có quy luật và luôn luôn biến động không phụ thuộc vào ý muốn của con người. Nhận thức được tất cả những yếu tố bên trong và bên ngoài ấy trong sự tác động giữa khách thể và chủ thể, con người hành động và lựa chọn phù hợp với năng lực, hoàn cảnh, điều kiện của mình và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, qui luật và xu hướng khách quan bên ngoài thì con người có tự do, có thể đạt được mục đích mong muốn. Nhưng những nhu cầu, lợi ích và nguyện vọng ấy gần như vô hạn. Con người không thỏa mãn với chính mình và hoàn cảnh xung quanh, con người biết thay đổi hoàn cảnh, cải tạo bản thân mình để phù hợp với hoàn cảnh và hoàn cảnh phù hợp với con người. Đó là quan hệ biện chứng hài hòa nhưng cũng có khi đối nghịch. Con người không thể lường hết mọi điều và có khi chính vì nhu cầu lợi ích thái quá lại làm hại mình và làm hại người khác. Có những người vô tình nhưng cũng không ít kẻ cố ý. Dù sao đó cũng là một tai họa. Con người lại thức tỉnh và tự điều chỉnh hành vi của mình cho hợp tình hợp lý. Nhưng không phải ai cũng dễ dàng làm được điều đó. Hoặc khó khăn là do rào cản tâm lý mà chưa hiểu, hoặc do lợi ích cá nhân cố hữu không vượt qua được.
Thực ra thì cuộc đời, đường đời, sự làm người là sản phẩm của sự tác động zích zắc giữa chủ thể và khách thể như chính hòn bi trên bàn bi trong một trận đấu cụ thể; hay trong thế giới con người thì mỗi người là một hành tinh có quỹ đạo riêng của nó. Chẳng có thần thánh nào quyết định số phận của con người cả. Con người và cuộc sống của con người là do con người quyết định, lao động đấu tranh vươn tới và làm sao con người xứng đáng với con người và loài người như là một sản phẩm tối cao của tinh hoa trời đất, tinh hoa văn hóa và xã hội mà họ sống với tư cách là một thực thể vừa hữu hình vừa vô hình trong sự liên thông với vũ trụ và giữa những người với nhau.
Con người qua đời, cơ thể lại trở về với cát bụi, với đất trời. Tinh thần của con người còn lưu truyền trong xã hội nhưng không có chuyện hồn (tinh thần) lìa khỏi xác, hồn độc lập với xác, tách khỏi thể xác và tồn tại mãi mãi. Có thể có chuyện con người là một thực thể sinh học thì có trường sinh học khi cơ thể mất đi các trường sinh học đấy có thể thóat khỏi cơ thể như một dạng sóng và cũng có thể lưu giữ thông tin ý thức ở mức độ nào đó, thời gian nào đó mà hiện nay khoa học đang nghiên cứu và giải thích. Nhưng khi cơ thể con người chết và phân rã, kết thúc mọi sự sống ở con người mà chẳng có gì sau đó nữa tức là không có luân hồi và tái sinh.
Con người và đời người là có hạn, nhưng lại vận động và phát triển theo qui luật của tự nhiên và xã hội nên có thể là vô hạn trên cả trên hai khía cạnh như tiếp tục sinh con đẻ cái, duy trì nòi giống; mặt khác, những sản phẩm do con người tạo ra cũng như những giá trị làm người của họ lại tiếp tục tồn tại và phát triển với xã hội. Với ý nghĩa đó nhà thơ Tố Hữu đã viết: Bốn nghìn năm cùng ta ra trận. Cũng có thể nói rằng ông cha ta với những cống hiến của mình làm nên đất nước này, dân tộc này đang cùng chúng ta xây dựng đất nước và bảo vệ tổ quốc thân yêu. Các thế hệ cháu con nối tiếp ông cha phát triển và cống hiến nhiều hơn nữa, xứng đáng hơn như dân tộc mình đã triết lý "Con hơn cha là nhà có phúc" (nhưng có một triết lý nữa là đời cha ăn mặn đời con khát nước). Con người và lòai người đi lên mãi không ngừng cùng đồng tiến hóa với tự nhiên.
Con người: quá khứ- hiện tại và tương lai
Thời gian trong một đời người: Con người từ khi ra đời đến khi mất đi, trên con đường thời gian ấy như một dòng sông-dòng đời trải qua bao hoàn cảnh, bao tình huống, bao chiến thắng và không chiến thắng, được và thua, vui sướng và khổ đau, mồ hôi, nước mắt và nụ cười, đói nghèo và no đủ… tất cả làm nên đời người.
Quá khứ luôn luôn ám ảnh suốt cuộc đời, quá khứ tươi đẹp là liều thuốc bổ nhưng quá khứ đau khổ là liều thuốc đắng, thuốc bệnh cho tâm hồn con người. Làm chủ quá khứ không dễ chút nào. Không có quá khứ thì không có hiện tại nhưng hiện tại và tương lai mới là cuộc sống thực hơn, cần hướng tới. Không thể lấy quá khứ làm chuẩn, quay về quá khứ như quan niệm Nho giáo, tuy vậy không được quay lưng đối với quá khứ, phủ nhận quá khứ. Quan trọng nhất là hiện tại, hãy sống tốt nhất trong hiện tại, cống hiến nhiều nhất trong hiện tại. Hiện tại là tất cả, mà tương lai là hiện tại đang đến, quá khứ là hiện tại đã trôi qua. Hướng tới tương lai, trù tính cho ngày mai, nhưng quan trọng nhất là hiện tại. Ai hời hợt với hiện tại, lãng phí hiện tại, không xứng đáng với hiện tại trong khả năng có thể thì không có quá khứ tự hào và tương lai không có gì đáng mừng cả.
Thực thể của hiện tại, quá khứ và tương lai là thời gian, giống như đại lượng và hằng số tiềm ẩn của khổ đau và hạnh phúc ở mỗi đời người.
Quá khứ oai hùng hay đau khổ, bi ai, thì cũng là quá khứ, nó là bệ phóng cho tương lai hay cản bước ta đi về phía trước? Vì bất cứ tương lai nào cũng bắt nguồn từ quá khứ, tuy không phải là nhân tố duy nhất. Có người quá tự hào về quá khứ mà sinh ra tự mãn công thần, có người vì đau buồn quá khứ mà chùn bước, làm đau khổ lẫn nhau vì cái đau khổ đã qua bằng cách nhắc đi nhắc lại sai lầm khổ đau làm tấy vết thương lòng trong quá khứ của mình hoặc của ngừơi khác làm cho cuộc sống thêm nặng nề. Thật là cực chẳng đã. Nếu nhắc lại thì là nhằm mục đích để tránh nó chứ không phải cho hả dạ, hoặc để chì chiết nhau, làm mất uy tín nhau. Nhắc lại niềm vui thì con người phấn chấn thêm sức mạnh, nhắc lại nỗi buồn và nỗi đau chỉ là tự đeo đá vào chân vào cổ, tạo ra u ám trên đầu và trước mặt. Tại sao không đặt nó trong hoàn cảnh cụ thể của lịch sử để tha thứ cho nhau? Không quên quá khứ nhưng phải nhìn về phía trước mà đi, ngoảnh lại sau lưng làm gì? Vừa đi vừa quay lại, quay lại nhìn mãi về phía sau thì làm sao đi lên được? Dù không quên quá khứ, phải học từ quá khứ, dựa vào quá khứ, nhưng chủ yếu là hiện tại và tương lai, nhìn về phía trước vẫn là hướng chính, nhìn phía trước mà đi thì mới tới đích được. Dòng sông và dòng đời nói chung đều không chảy ngược lại.
Những gì đã qua thường trở thành ký ức, được người ta suy ngẫm, rút ra bài học cho mình dù đó là thất bại hay thành công. Ai không làm như thế thì không tiến bộ được. Nhưng cũng có khi biết thì đã muộn.
Làm chủ thời gian trong quá khứ và trong hiện tại cũng như tương lai là làm chủ đời người.
Thế hệ trẻ già:
Sự sinh ra lớn lên và già đi không chỉ về thể chất mà cả tinh thần. Thời niên thiếu như mầm như nụ, tuổi trẻ như mùa xuân, mơn mởn, hớn hở, cuộc sống đầy ước mơ và hy vọng; tuổi trẻ là tích luỹ, phấn đấu, dám nghĩ dám làm, ngã rồi đứng dậy đi tiếp, đường đời còn dài. Tuổi trẻ học tập, rèn luyện, tích lũy như thế nào thì tuổi trung niên và tuổi già cơ bản là như thế.
Tuổi trẻ học tập và lập nghiệp, tam thập nhi lập.
Tuổi trung niên là tuổi trưởng thành và thành đạt, ít hoăc nhiều, là tuổi có gia đình, con cái, tuổi hạnh phúc, ổn định. Tuổi này như là đỉnh cao của cuộc đời, hoa đã nở, trái đã chín, là tuổi thịnh vượng về cơ thể, kinh nghiệm, tri thức, chín chắn về tình cảm, tứ thập bất hoặc, ngũ thập tri thiên mệnh, tuổi của mùa hè và sang dần mùa thu, hè trưởng thu tàng.
Tuổi già là tuổi đã cơ bản hoàn thành sự nghiệp, tuổi sử dụng sức dự trữ về kinh nghiệm sống và tổng kết lại cuộc đời, giáo dục, khuyên bảo con cháu, làm chỗ dựa tinh thần đạo đức cho thế hệ tương lai. Đó là tuổi mà đã có con cháu kế nghiệp, nối tiếp cả thể chất và tinh thần, chứa đựng mùa xuân, sinh nở mùa xuân, đông tàn xuân lại thêm tươi là vậy.
Mỗi độ tuổi có mặt ưu và mặt khuyết, mặt mạnh và mặt yếu, trong dòng thời gian, thường bổ sung cho nhau, đồng thuận, nhưng cũng thường mâu thuẫn- đối lập nhau. Đó là giữa trẻ thì nông nỗi và già thì chín chắn, trẻ thì táo bạo và già thì cẩn trọng, dè dặt, giữa trẻ thì nghĩ gần và già thì lo xa, giữa già thì nghĩ về quá khứ và trẻ thì nghĩ về tương lai…
Người già do có kinh nghiệm nên thông minh hơn, chín chắn hơn, nhưng người trẻ thì mạnh dạn hơn, táo bạo hơn, nhạy cảm hơn nhưng cũng dễ sai lầm hơn. Người già trọng tinh thần đạo lý hơn, trẻ thì trọng vật chất hơn và cũng lãng mạn hơn. Tuổi trẻ ngày nay có điều kiện làm kinh tế và giàu có vật chất nhanh hơn thế hệ trước, nhưng nếu coi thường thế hệ trước là không đúng. Cần nhận thấy một cách sâu sắc rằng vật chất là một điều kiện của cuộc sống chứ không phải là tất cả. Giá trị cuộc sống vĩnh hằng, chủ yếu ở giá trị tinh thần chứ không phải ở vật chất. Cũng như vậy, tri thức ở lớp trẻ thì tân tiến hơn nhưng phần nhiều còn có tính chất sách vở, còn tri thức ở người già là thấm mồ hôi và nước mắt, có khi bằng cả máu, có sức nặng cả cuộc đời. Lắng nghe, học hỏi người có tuổi, khuyến khích tuổi trẻ phấn đấu và sáng tạo không ngừng mới là đúng đạo lý.
Dù thế nào chăng nữa thì cũng không thể bỏ đi tuổi già dù không ai muốn sống cảnh già yếu, bệnh tật, gần đất xa trời. Cũng không ai muốn sự dại dột, ăn chưa no, lo chưa đến, chưa có kinh nghiệm sống, tri thức còn nhiều hạn chế. Vấn đề là ở chỗ bổ sung lẫn nhau, dựa vào nhau như bụi tre, tre già măng mọc trong cuộc đời một gia đình, một tổ chức, một xã hội. Nâng đỡ nhau cùng phát triển chứ không phải chê bai nhau, loại trừ nhau, dù rằng cuộc đời và đời người sinh ra, lớn lên, mất đi là có quy luật của nó, sinh lão, bệnh, tử là lẽ thường của đạo người trong đất trời.
Thực ra thì có mâu thuẫn thế hệ và cũng có mâu thuẫn ngay trong từng người về mặt thời gian, chung quy là mâu thuẫn về thời gian, quá khứ, hiện tại và tương lai, cũ và mới… một cách tương đối. Vấn đề là giải quyết nó một cách tích cực, tạo ra sự đồng thuận cho sự phát triển.
Giá trị thời gian của đời người
Thời gian một đời người được đo như thế nào. Một người biết tích lũy kinh nghiệm, tri thức, tâm hồn và trí tuệ của cả quá khứ dân tộc và nhân loại, hiểu sâu sắc lịch sử, biết sống với quá khứ, tiếp thu giá trị của quá khứ để bồi bổ cho hiện tại, chuẩn bị cho tương lai, như vậy là thời gian của cuộc đời họ dài hơn rất nhiều thời gian sinh học mà họ sống.
Nhưng còn hơn thế nữa, nếu trong cuộc sống con người có nhiều quan hệ phong phú với đồng loại, những quan hệ trong công việc, quan hệ trong tình cảm, quan hệ trong phát triển trí tuệ, quan hệ trong sinh thành và phát triển. Đó là một cách sống tăng thời gian và tăng năng lực cũng là tăng giá trị cho cuộc sống.
Con người trong đời người khi có nhiều cống hiến cho gia đình và xã hội như thế là cuộc sống có hiệu quả, tức là sống với thời gian vô tận, sự vô tận có hạn hay vô hạn. Sống như thế là sống một đời mà trong vạn đời. Cuộc sống như thế thật là ý nghĩa về mặt thời gian.
Vật lý học hiện đại chứng minh thời gian co lại, thời gian nở ra, thời gian phụ thuộc vào tốc độ vận động của dạng vật chất mà nó tồn tại trong vận động. Do vậy, thời gian của đời người là thời gian không phải là thời gian thuần túy vật chất, mà là thời gian xã hội, thời gian nhân văn mang tính lịch sử ở từng người là hết sức cụ thể sinh động không giống nhau. Thời gian và ý nghĩa của nó nằm trong sống đấu tranh và xây dựng cuộc sống hạnh phúc của chính mình không chỉ bằng các giá trị vật chất mà quan trọng hơn là các giá trị tinh thần nhân văn.
Con người trong một dòng chảy thời gian không xuôi chiều, êm đềm mà cũng đầy sóng gió, bão táp, thác ghềnh, quanh co uốn khúc; đó cũng là dòng sông phần trong, phần đục, có cả trời xanh và lấp lánh dưới ánh mặt trời, có những đêm tối và những đêm trăng thơ mộng, có khi bên lở bên bồi chảy giữa đôi bờ xanh lúa xanh khoai, có quá khứ, có hiện tại và có cả tương lai. Tất cả tạo thành đời người.
Do vậy, cần phải giải quyết quan hệ thời gian cho hợp lý. Thời gian là vàng bạc. Thời gian là hạnh phúc. Hãy làm cho thời gian của chính mình tươi đẹp như hoa, như mùa xuân mỗi ngày mỗi mới.
Con người là một thực thể vừa hiện thực vừa kỳ bí. Khoa học hay là mê tín.
Ngày nay khoa học dự báo đang phát triển để chủ động nhận thức con người xã hội trong tương lai. Con người có thể luận đoán quá khứ và tương lai của mình. Đó là do khoa học hay mê tín? Trong đời sống có chuyện bói toán, lợi dụng nghề bói toán để kiếm sống (Thầy bói nói mò, thầy bói nói láp kháp phiên chợ). Đó là chuyện mang màu sắc mê tín. Nhưng cũng xuất hiện nhiều sách đáng chú ý như là "Nhân tướng học". Trong đó trình bày tướng hình tướng tâm (coi tay, coi mặt, coi thần sắc). Những tư tưởng và tri thức này mang tính chất khái quát kinh nghiệm quan sát con người và đời người có nhiều mặt hợp lý. Bởi vì cấu tạo cơ thể có bản đồ (gen) của nó như thế nào đó sẽ ảnh hưởng đến hành vi của con người. Khoa tâm lý học hiện đại cũng đã xác minh điều đó. Nhưng con người cũng là sản phẩm của quan hệ xã hội. Dấu ấn tâm lý xã hội của họ sẽ xuất hiện lên một mức độ nào đó trên nét mặt của họ mà ta có thể cảm nhận được phần nào. Song là rất tương đối vì con người bị chi phối rất nhiều yếu tố, nhiều hoàn cảnh, nhiều đoạn đời và con người còn khéo che dấu, do đó rất khó đoán định về tương lai của họ.
Ngày nay có nhiều vấn đề mới mẻ, bí ẩn phải nghiên cứu, chẳng hạn đó là vấn đề thần giao cách cảm, trường sinh học. Đây là vấn đề phức tạp khoa học còn tìm hiểu. Nhưng về đại thể đó là một dạng thông tin sinh học mà những người có năng lực trường sinh học mạnh, cùng tần số có thể liên lạc với nhau như thế nào đó. Nhưng dù sao đây không phải là chuyện ma, quỷ, thần thánh mà những người bói toán thường hay lợi dụng đối với người cả tin. Những điều bí ẩn ở con người thực chất là có nguyên nhân sinh học sâu xa, các dạng trường và sóng hoạt động hết sức đặc biệt mà khoa học đang khám phá cho ta rõ hơn về chính những điều kỳ diệu về con người. Đó là những vấn đề hấp dẫn nhưng cũng là vấn đề khó khăn phức tạp nhất của khoa học. Nhưng mặt xã hội của con người làm sao để làm người một cách xứng đáng, sống một cách tự do và hạnh phúc cũng khó khăn, phức tạp gấp bội nhất là trong một xã hội còn áp bức, bóc lột, nghèo đói. Tuy vậy con người không bao giờ chịu khuất phục trước hoàn cảnh khách quan...
Hồ Bá Thâm
Nguồn: “Khoa học con người và phát triển nguồn nhân lực”, 
NXB Tổng hợp Tp. HCM, 2003.
Theo http://www.chungta.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nhà thơ, hoạ sĩ Nguyễn Anh Vũ ra đi mãi mãi ở tuổi 50 10 Tháng Mười, 2023 Nhà thơ, hoạ sĩ Nguyễn Anh Vũ qua đời lúc 13h30 ngày 9/10 do...