Thứ Năm, 30 tháng 11, 2017

Đôi điều về Đà Lạt sương mù

Đôi điều về Đà Lạt sương mù
Đà Lạt nằm trên Cao nguyên Langbiang có độ cao 1.500m. Langbiang, còn được gọi là Lâm Viên, trước đây là địa bàn cư trú của các sắc tộc người Lát, một nhánh của dân tộc K’Ho. Người Việt đầu tiên có ý định khám phá vùng rừng núi Nam Trung Bộ là Nguyễn Thông, nhưng do nhiều lý do nên cho tới cuối đời ông vẫn không thực hiện được ý định của mình.
Núi cao nhất Đà Lạt cũng là ngọn núi mang tên Langbiang. Thực ra thì núi Langbiang có tới 3 ngọn chính: Chư Yen Du cao 2.075m còn gọi là núi ông Nhút, núi Langbiang cao 2.167m còn gọi là Lâm Viên và núi Bi Doup cao 2.287m còn gọi là núi Bà vì hai ngọn núi trông tựa bộ ngực của phụ nữ.
Năm 1994, nhân một chuyến du lịch xuyên Việt với đoàn sinh viên Mỹ đến Việt Nam trong học kỳ mùa hè tôi đã leo lên tới đỉnh Langbiang. Chúng tôi leo ngọn Lâm Viên vì đây là ngọn núi dễ leo hơn 2 ngọn kia nhờ có đường dẫn lên tới đỉnh.
Nói dễ leo nhưng đối với tôi lúc đó tuổi đã chớm 50 nên suốt đoạn đường phải nghỉ nhiều chặng trong khi đám sinh viên Mỹ còn trẻ cứ phăng phăng tới đỉnh. Lên đến nơi bao nhiêu mệt mỏi đều tan biến khi được nhìn xuống cảnh quan thanh bình dưới chân núi. Bầu không khí mát lạnh. Vài cụm mây xuống gần đỉnh núi càng làm tăng những giây phút thoát trần…
Hình tượng của ngọn núi Langbiang cũng đã được hai kiến trúc sư người Pháp Monce và Revenron thể hiện trong kiến trúc 3 mái vòm nhọn của nhà ga Đà Lạt. Công trình xây dựng nhà ga được khởi công năm 1932 đến năm 1936 mới hoàn thành.
Khi vào lập nghiệp tại Đà Lạt năm 1953, gia đình tôi mua một căn biệt thự mặt chính nhìn ra đường Phạm Hồng Thái, phía sau lưng là đường Lê Thái Tổ. Từ nhà nhìn qua Phạm Hồng Thái, ở phía bên kia thung lũng, là đường rầy xe lửa. Ngày hai buổi sáng-chiều có chuyến Đà Lạt-Tháp Chàm chạy qua.
Bọn trẻ chúng tôi vẫn thường băng qua thung lũng, chơi đùa trên đường sắt vì biết rõ lịch tầu chạy mỗi ngày chỉ có 2 chuyến đi và về. Chúng tôi có thói quen vẫy tay chào khách trên tầu và đôi khi cũng có người vẫy lại.
Vì đây là đoạn cuối của cuộc hành trình nên chiều chiều vào khoảng 4g chuyến xe lửa từ Tháp Chàm về luôn hú những hồi còi dài trước khi vào ga Đà Lạt. Hình như tầu cũng biết mệt sau khi từ đồng bằng leo dốc lên cao nguyên.
Tuyến đường sắt từ Đà Lạt đi Tháp Chàm (Phan Rang) là tuyến đường sắt răng cưa duy nhất của Việt Nam từ trước đến nay. Rất tiếc là hệ thống răng cưa này đã bị tháo dỡ bán sắt vụn gần hết sau năm 1975. Cây cầu sắt dành cho tuyến đường sắt bắc qua sông Đa Nhim tại địa phận thị xã Dran cũng đã bị tháo dỡ vào năm 2004.
Ga Đà Lạt hiện nay chỉ còn một chiếc đầu máy xe lửa hơi nước chạy bằng than củi, hai chiếc khác đã được Bảo tàng Xe lửa Thụy Sĩ mua lại. Ga Đà Lạt hiện nay là một địa điểm du lịch, hằng ngày có các chuyến tàu chở du khách đi đến Trại Mát, cách ga 5km.
Hồ Xuân Hương nằm ngay trung tâm thành phố Đà Lạt, ngày xưa có tên Grand Lac (Hồ Lớn). Riêng đối với tôi, Xuân Hương là một cái hồ mà nếu chỉ chậm vài phút, tôi đã ngủ yên trong giòng nước mát lạnh!
Một buổi trưa tôi cùng vài đứa bạn học ra tắm ở hồ Xuân Hương, phía vườn hoa Bích Câu. Dạo đó tôi chưa biết bơi nên chỉ đứng ở chỗ nông nhưng một đứa bạn, cũng chỉ mới biết bơi sơ sơ, mắn tay kéo ra xa. Tôi hụt chân và cố vùng vẫy nhưng càng lúc càng chìm xuống nước…
Trong khoảnh khắc đối diện với cái chết đang từ từ đến thì một thanh niên đạp xe ngang qua thấy vậy nên vội vàng nhảy xuống nước vớt lên. Cho đến giờ này tôi cũng không thể hình dung khuôn mặt của người đã cứu mình, lúc đó chỉ biết bụng đã óch ách đầy nước. Trưa hôm đó ra đến cửa hàng của mẹ ngoài chợ tôi không tài nào nuốt nổi một miếng cơm mà cũng không thể nào giải thích với mẹ vì sao bụng đã no nước.
Viết lại những dòng này tôi xin tri ân người thanh niên đi xe đạp đã xuất hiện đúng lúc như một phép lạ. Nếu không có anh thì chắc chắn giờ này làm gì còn tôi ngồi viết những dòng hồi ức này.
Bây giờ ngồi nhớ lại chuyện xưa tôi bỗng giật mình vì cái tên hồ thật thơ mộng nhưng cũng thật tàn nhẫn… Hồ Xuân Hương đã nuốt chửng biết bao nhiêu mạng sống, có thể đó là những người không thiết sống nhưng cũng có thể đó là những trường hợp như tôi, chỉ chậm vài phút không gặp người cứu thì giờ này đã ngủ yên dưới lòng hồ.
Hồ Xuân Hương thực chất là một hồ nhân tạo, được đào vào năm 1919 do sáng kiến của Cunhac. Để tạo thành hồ, người ta đắp một cái đập chắn dòng suối chảy qua thung lũng, trên mặt đập là một cây cầu mang tên Cầu Ông Đạo. Đập này nằm trước dinh Quản Đạo mà vị Quản đạo bấy giờ là Phạm Khắc Hòe (*) vẫn được dân địa phương gọi là Ông Đạo nên khi đập cũng là cầu xây xong, người dân quen gọi là Cầu Ông Đạo.
Năm 1973, Nguyễn Vỹ, chủ tịch hội đồng thị xã, đề nghị đổi tên Grand Lac thành Hồ Xuân Hương. Mấy chục năm qua, Hồ Xuân Hương là tấm gương tự nhiên của thành phố đã làm tăng thêm vẻ yêu kiều, duyên dáng cho Đà Lạt bên cạnh sự đơn điệu, cô quạnh của những cánh rừng thông bạt ngàn.
Hồ có diện tích mặt nước rộng 25ha, chu vi dài 5,1km. Tôi cũng đã từng có kỷ niệm chạy xe máy quanh hồ Xuân Hương với bạn trên chiếc xe Puchs (lọai xe thời thượng của những năm 1960) chỉ để… đếm số cột đèn trồng quanh hồ!
Xung quanh hồ nhiều kiến trúc độc đáo có giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ được xây dựng như khách sạn Palace, Thao trường Lâm Viên nối liền với sân vận động, Nhà hàng Thanh Thủy, Thủy Tạ…
Đà Lạt còn có hồ Than Thở là một hồ nước tự nhiên. Trước đây vùng hồ Than Thở có một cái ao gọi là Tơnô Pang Đòng. Vào năm 1917, người Pháp đắp đập xây dựng hồ chứa nước cung cấp nước sinh hoạt cho thành phố Đà Lạt.
Người Pháp đặt tên hồ là Lac des Soupirs và người Việt gọi là Hồ Than Thở. Vào lúc bình minh, sương mù bao phủ mặt hồ, tạo nên một bức tranh thủy mạc tuyệt đẹp, nên sau năm 1975 hồ Than Thở còn mang tên Hồ Sương Mai.
Nhà thờ Chính tòa Đà Lạt được chính thức khởi công vào 9 giờ sáng Chủ Nhật, ngày 19/7/1931, do giám mục Colomban Dreyer (Khâm sứ Toà thánh tại Đông Dương và Thái Lan) đặt viên đá đầu tiên. Nhà thờ được xây theo đồ án của linh mục Céleste Nicolas, cha sở lúc bấy giờ.
Năm 1934, một thánh giá được đặt trên đỉnh tháp chuông chính. Ở đỉnh tháp có gắn một con gà bằng đồng dài 0,66m, cao 0,58m. Cũng vì thế Nhà thờ Chánh tòa sau này còn có tên Nhà thờ Con gà.
Con gà quay quanh một trục bạc đạn để chỉ hướng gió. Một số người giải thích Con gà là biểu tượng của nước Pháp (Coq Gaulois) nhưng những người Công giáo lại cho rằng Con gà là biểu tượng của sự sám hối, theo đoạn Tân Ước kể lại việc Chúa Giê-su quở trách Phê-rô (một trong 12 tông đồ của Người): Ðêm nay gà chưa gáy, con sẽ chối Ta ba lần…
Mặt bằng nhà thờ được xây dựng theo hình chữ thập giá có chiều dài 65m, rộng 14m với tháp chuông cao 47m. Từ độ cao đó, tháp chuông nhà thờ có thể nhìn thấy mọi nơi của thành phố.
Tường chịu lực của nhà thờ được xây bằng gạch đá dày khoảng 30-40cm. Trên tường trong nội thất được gắn các bức phù điêu với kích thước 1m x 0,8m, làm bằng xi măng và sắt do nhà điêu khắc Xuân Thi thể hiện. Riêng phần tường ngoài luôn được quét sơn màu hồng, càng tôn thêm sự trang nghiêm của một công trình kiến trúc tôn giáo.
Đà Lạt vốn là vùng đất di cư của người gốc miền Trung nên mang theo sự hiện diện của chùa chiền Phật giáo. Chùa Linh Quang, ngôi tổ đình đầu tiên của Đà Lạt, tọa lạc trên đường Hai Bà Trưng do hòa thượng Thích Nhân Thứ tạo lập năm 1931. Chùa Linh Sơn được xây dựng từ năm 1938 đến năm 1940 do sự đóng góp của các Phật tử, nhất là ông Nguyễn Văn Tiến và Võ Đình Dung, những người đã nhận thầu hầu hết các công trình kiến trúc thời bấy giờ.
Chùa Linh Phong nằm trên đường Hoàng Hoa Thám ở Trại Hầm, được xây dựng năm 1944. Chùa dành riêng cho ni sư nên còn được gọi là Chùa Sư Nữ. Nơi đây, bố mẹ và các em tôi quy y còn tôi đến giờ này vẫn chưa có… pháp danh!
Chùa Linh Phước còn được gọi là Chùa Ve Chai vì trong sân có con rồng dài 49m được làm bằng 12.000 vỏ chai, sành sứ. Chùa là một kiến trúc khảm sành độc đáo của Đà Lạt. Chùa tọa lạc tại Trại Mát, cách trung tâm thành phố 10km về phía Đông.
Chùa Thiên Vương Cổ Sát được khởi xây năm 1958, cách trung tâm Đà Lạt vào khoảng 5km, nằm trên một đồi thông. Chính điện chùa có 3 tượng Phật cao 4m, được thỉnh từ Hồng Kông, trên đồi thông sau chùa là tượng Thích Ca Phật Đài cao 20m. Chùa còn được gọi là Chùa Tàu, theo hệ phái Phật giáo Huê Nghiêm của người Hoa.
Gần đây nhất, Đà Lạt có Thiền viện Trúc Lâm là thiền viện lớn nhất Việt Nam, khánh thành năm 1994. Đây cũng là một trong những công trình xây dựng Phật giáo lớn nhất sau năm 1975. Chùa tọa lạc bên cạnh hồ Tuyền Lâm trên một khu đất rộng 25ha.
Hồ Tuyền Lâm cũng là một hồ nước thuộc thành phố Đà Lạt. Đây là hồ nước ngọt rộng nhất Ðà Lạt, với diện tích khoảng 320ha, nằm cách trung tâm thành phố khoảng 7km và cách thác Ðatanla 2km. Hồ nằm gần núi Phụng Hoàng, đây được xem là khu phức hợp tập trung nhiều cảnh quan đẹp và dịch vụ du lịch phong phú.
Hồ Tuyền Lâm có nhiều ốc đảo nhỏ và được bao bọc bởi khu rừng thông. Một đập nước được xây dựng tại đây với chức năng điều tiết nước. Hiện đang có dự án xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng, sân golf và khu săn bắn bên hồ.
Thiền viện Trúc Lâm được nối với trung tâm thành phố Đà Lạt bằng hệ thống cáp treo, chuyên chở khách đến Thiền viện và quay về. Tháng 7/2009 trong một lần trở lại Đà Lạt với vợ chồng con gái từ Úc về tôi có dịp đi cáp treo từ một qủa đồi mang tên Robin (gần đèo Prenn) để đến Thiền viện Trúc Lâm. Giá vé cáp treo khứ hồi 60.000 đồng/người bao gồm tiền bảo hiểm, thuế VAT và phí phục vụ.
Nơi cáp treo xuất phát có nhà hàng rộng mênh mông, chứa được hàng ngàn thực khách nhưng có điều khách sử dụng cáp treo có thể đếm trên đầu ngón tay còn khách trong nhà hàng thì chẳng thấy ai. Trước khi lên cabin cáp treo, du khách có dịp ngắm toàn cảnh thành phố Đà Lạt trước mắt: những con đường thành phố lên xuống uốn lượn, xa xa núi Langbiang, núi Voi – đúng là hình dáng con voi – nằm xoải dài uy nghi vững chãi.
Lơ lửng giữa trời trên cáp treo tôi thoáng thấy những khoảng rừng thông bị loang lổ tựa như chỗ đầu bị tróc mất tóc. Hình như đó là những nơi người ta tranh thủ phá rừng để xây nhà cửa, dựng lên những cái hộp bê-tông lớn nhỏ cao thấp lô nhô rối mắt.
Hệ thống cáp treo Ðà Lạt có thể nói là đáng tin cậy, do một công ty Áo (Austria) vận hành. Các lồng cáp được đặt mua ở Thụy Sĩ, và máy móc thiết bị do Ðức sản xuất. Việc bảo trì, điều hành và quản lý hệ thống xe cáp treo do người Việt Nam đảm nhiệm, sau khi đã được các kỹ thuật viên của công ty Áo huấn luyện kỹ càng suốt 3 tháng trời.
Tất cả 50 lồng cáp treo cùng di chuyển lên xuống suốt ngày, mỗi lồng ngồi được 4 người. Trạm dừng của cáp treo đặt tại khu vực Trúc Lâm Thiền Viện, cách trạm khởi hành 2,300 mét. Chuyến du hành trên không chỉ kéo dài đúng 12 phút.
Vợ chồng con gái cho biết cáp treo ở Tasmania chỉ là một cái ghế có thanh sắt chắn phía trước, hoàn toàn không có cabin nên người ngồi trên cáp treo cứ run như cầy sấy, sợ bị rớt xuống đất toi mạng. Cũng vì ấn tượng kinh hòang với cáp treo Tasmania nên vợ chồng Hà nghe tới cáp treo là sợ phát khiếp nhưng cũng liều đi cáp treo ở Đà Lạt.
Không ngờ cáp treo Việt Nam lại an toàn đến như vậy! Cabin là một cái lồng kính, cửa khóa tự động nhưng cũng có thể mở cửa sổ để thò đầu ra ngoài chụp ảnh. Về điểm này, ai dám bảo là Việt Nam lạc hậu hơn Úc?.
Nguyễn Ngọc Chính
 Theo http://www.dalatdauyeu.org/


Đoàn Đình Duyệt, người Việt đầu tiên viết về Đà Lạt

Đoàn Đình Duyệt, người Việt 
đầu tiên viết về Đà Lạt
Lâm Viên hành trình nhật ký do Nam tước Đại thần Đoàn Đình Duyệt, Hiệp tá Đại học sĩ, Thượng thư bộ Công, sung chức Cơ mật Đại thần, kiêm Quản đốc Đô sát viện, biên soạn. Đây là tác phẩm viết về một chuyến đi lên cao nguyên Lâm Viên của ông năm 1917, và là tác phẩm viết về Đà Lạt đầu tiên của người Việt. Đây là một tư liệu quý được đăng trên Nam Phong tạp chí bằng chữ Hán - Nôm, rất có ích để nghiên cứu về một Đà Lạt xưa.
Nhật ký chuyến đi Lâm Viên được quan Thượng thư bộ Công Đoàn Đình Duyệt biên soạn sau chuyến công du lên tỉnh Lâm Viên từ ngày mùng 10 tháng 7 đến 26 tháng 7 năm Đinh Tỵ. Chuyến công cán này nhằm khảo sát nghiên cứu vị trí xây dựng hành cung cho triều Nguyễn. Bằng sự ghi chép tỉ mỉ từ việc mô tả đường sá, khí hậu, nhà cửa, dinh thự… Nội dung bản tấu của ông có đoạn viết: Khi ấy, Ngài Nam tước phụng chỉ đến tỉnh Lâm Viên mới thành lập để quan sát, đồng thời trù liệu xây cất hành cung. Lúc trở về, Ngài ghi chép tình hình các địa phương mà Ngài đã đi ngang qua, lập thành một bản trình tấu dâng lên Hoàng thượng, được Hoàng thượng châu phê: “Việc của cổ nhân, một viên chức há dám cẩu thả mà làm sao.
Với Lâm Viên hành trình nhật ký, Đoàn Đình Duyệt là người Việt đầu tiên ghi chép về một Đà Lạt thơ mộng được miêu tả qua những áng văn chữ Hán xen lẫn chữ Nôm. Tác phẩm này là một sự miêu tả dưới dạng nhật ký hành trình về những gì mà ông bắt gặp trên đường công cán. Như lời ông tấu dâng lên vua Khải Định rằng: Chuyến đi này của thần là do vâng lệnh Hoàng thượng mà đi quan sát. Phàm vùng núi sông nào thần đã đến, đường sá nào thần đã đi qua, những gì mắt thấy tai nghe có liên quan đến chính sự hiện nay, cùng hành trình bằng đường thủy, đường bộ như thế nào, giờ giấc đi xe điện nhanh như bay ra sao thần đều chẳng dám không ghi chép từng ngày để làm thành một bản Lược khảo trong chuyến đi Nam. Còn như tìm hiểu cho tận cùng bờ cõi, khảo đính thư tịch và bản vẽ, do thần học vấn thấp kém, hiểu biết có chỗ không tới nơi, còn mong chờ có người thực hiện.
Đà Lạt được Đoàn Đình Duyệt cảm nhận lần đầu tiên với một cảm giác nhẹ nhàng khác hẳn với cái sôi động của miền trung châu, cái khí lạnh của trời đất với những cánh rừng thông rậm rạp, của đồi núi nhấp nhô, của những dòng suối với những con đường uốn khúc quanh co. Ông viết: Lúc đến Đa Lạc (Đà Lạt), viên chức huyện Lâm Viên dẫn dân trong hạt, độ một nửa là người Hán và người Thượng, ra đón mời vào huyện nha nghỉ ngơi. Đến 5 giờ chiều, trở về huyện lỵ nghỉ ngơi. Trời vào tiết đầu thu, miền trung châu chưa bớt nóng mà ở đây thì trời đã lạnh dần, có mưa phùn, mặc áo lông cừu thật thích hợp. Xem khí hậu thấy giống như đầu xuân. Theo lời quý quan trú ở đây thì vùng đất này tới mùa đông hàn thử biểu có lúc xuống một, hai độ, giống như khí hậu miền Nam châu Âu. Đôi khi cũng có mưa tuyết. Quả là điều kỳ lạ trên đất nước Lĩnh Nam vậy. Người của quý quốc thích khí hậu ôn hòa nên mùa hè thường đưa gia quyến lên đây nghỉ mát. Chiều ngày 16, bất kể trời mưa, lên xe kéo ra đi. Nhìn bốn phía thấy núi cao vây bọc, rừng thông rậm rạp, ở giữa có chừng vài ngàn mẫu đều là núi bằng, đồi trọc cao thấp nhấp nhô. Từ các dinh thự, nhà cửa cho đến khách sạn, nhà ở của người dân, thảy đều xây cất trên đồi núi. Dưới chân núi nào cũng có đường cái đan chéo ngang dọc, xe điện có thể chạy được. Lại có những cánh đồng bằng bé nhỏ có thể cày cấy. Từ dưới đồng bằng nhìn lên, thấy trên núi lâu đài sắp xếp như quân cờ, la liệt như sao. Cảnh đẹp giống như tranh vẽ.
Quả thật dưới sự miêu tả chi tiết của quan thượng thư về khí hậu của Đà Lạt những năm 1917, với khí hậu mát mẻ, không khí trong lành, trời Đà Lạt lúc nào cũng giống như đầu mùa xuân. Phong cảnh kì vĩ núi non bao bọc, rừng rậm bao quanh thành phố, quả thật vẻ đẹp như một bức tranh.
Về kiến trúc của Đà Lạt theo lời ông viết thì: Kiến trúc hiện đang có là Tòa Công sứ, Nha Lục lộ, Nha Kiểm lâm, Nha Ngân khố, Phòng Điện báo, bệnh viện và cư xá cho binh lính đồn trú. Ngoài ra còn có những khách sạn xây cất theo kiểu phương Tây. Huyện nha của Lâm Viên cũng đặt ở đây. Vua Cao Man có xây cất một nhà khách, mùa hè có khi đến đây nghỉ mát, lại còn mua một khu đất, định xây dựng một hai tòa lâu đài, trang trí rất lộng lẫy. Đó là nghe quý Khâm sứ thuật lại và còn hướng dẫn đi xem khu đất ấy nữa. Quý quan đại thần của Nhà nước bảo hộ cũng trù tính xây thêm Phủ Toàn quyền và Tòa Khâm sứ ở đây. Tương lai nơi này hẳn trở thành một đô hội lớn.
Dưới sự đánh giá bước đầu của quan thượng thư, Đà Lạt trong tương lai sẽ là điểm đến nghỉ dưỡng lý tưởng và cũng là nơi đô hội lớn của đất nước. Với những đường sá dọc ngang quanh phố thị, chạy dài đan xen nhau dưới những mái nhà len lỏi trong những viền đồi thông xanh bạt ngàn chạy dài vô tận. Đà Lạt quả là một bức tranh thiên nhiên đẹp đẽ mà ở đó con người thanh thản với cuộc sống mát mẻ của một châu Âu với những cơn mưa tuyết. Thật sự mà nói, với những lớp sương phủ dày trên những ngọn thông giăng đầy mỗi sớm mai, thì Đà Lạt hiện lên thật huyền ảo.
Cảnh tượng này cũng đã được bác sĩ A.Yersin viết trước đó hơn 20 năm khi vừa đặt chân lên đất này: vừa ra khỏi rừng thông, ấn tượng của tôi thật sâu sắc khi đứng trước một vùng cao nguyên mênh mông hoang vắng và trơ trụi gợi nhớ lại cảnh biển động vì một đợt sóng khổng lồ màu xanh dâng lên. Núi Lang Bian sừng sững ở chân trời phía tây bắc cao nguyên làm tăng thêmver đạp của cảnh quan và tạo nên một hậu cảnh tuyệt mỹ.
Quả thật với sự ưu đãi về thiên nhiên, với những cơ sở hạ tầng hợp lý, Đà Lạt năm 1917 đã được đánh giá là thành phố phù hợp với việc du lịch và nghỉ ngơi. Thành phố được kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên và những kiến trúc được quy hoạch hợp lý. Bên cạnh đó, những không gianh cảnh quan xung quanh Đà Lạt như những dòng thác, những con đèo, những hồ nước cũng là một điều kiện để làm nên một Đà Lạt nên thơ như lời tâu của quan thượng thư. Với những đánh giá bước đầu của ông về Đà Lạt năm 1917, quả thật so với ngày nay đã gần một thế kỷ trôi qua, nhưng những ghi chép của ông vẫn còn nguyên giá trị để tìm hiểu về một Đà Lạt xưa, một Đà Lạt thơ mộng hiền hòa lãng mạn mến khách và không ngừng phát triển.
 Nguyễn Huy Khuyến
Theo http://www.dalatdauyeu.org/


Đà Lạt - Những hương vị khó quên

Đà Lạt - Những hương vị khó quên
Từ ngày bước chân đi khỏi Đà Lạt, mỗi lần trộn dĩa rau xà lách hay sửa soạn rau ăn kèm với bún, với thịt, tôi luôn ngùi ngùi nhớ đến những cây rau Đà Lạt. Không những chỉ nhớ thôi, mà còn thèm nữa, thèm lắm lận đó.
Tôi lớn lên từ Đà Lạt, lớn lên giữa những hàng cây dâm bụt, dưới những rặng thông. Mùi phấn thông, mùi ngọc lan, mùi hoa sói vẫn còn hoài trong luống phổi nên mỗi lần thở, cái không khí Đà Lạt như vẫn còn vương vương đâu đó. Và mỗi lần ăn một món gì lại thấy nhơ nhớ những hương vị xa xưa.
Mà thật, có những thứ không thể thay được cái thương hiệu Đà Lạt thưở nào, đối với ngay cả những người không lớn lên từ Đà Lạt. Một số rau quả của Đà Lạt có những mùi vị không thể tìm thấy ở Mỹ, Canada, ở Úc và ngay cả ở các tỉnh, thành phố khác của Việt Nam.
Đặc biệt hơn cả là những cây rau xà lách cứng (cô-ron?). Chắc nhiều người trong chúng ta đã có dịp thưởng thức đĩa rau cô-ron trộn của Đà Lạt. Một dĩa rau cô-ron trộn với chút hành tây, cà chua đủ làm bữa ăn thêm ngon miệng. Cái rau cô-ron Đà Lạt thật lạ, những cọng rau trắng ngần, dày cụi, dòn tan với những cánh lá xanh mát như sương sa. Dĩa rau xà lách trộn của Đà Lạt hình như có mặt trong tất cả các tiệm ăn lớn trong nước, ăn một lần dễ gì quên và sẽ khiến người ta mang cảm giác thiêu thiếu nếu không có món này trong các bữa ăn ê hề thịt cá. Những dĩa rau ăn kèm với bún bò, mì quảng ở Đà Lạt luôn có món rau này, thái thật nhỏ lăn tăn nhưng cái vị dòn, vị ngọt vẫn còn nguyên vẹn và làm hương vị các món này của Đà Lạt không cách chi thay thế.
Bên cạnh những cây xà lách cứng đó, phải nhắc đến những cây xà lách búp Đà Lạt. Cây nào cây nấy tròn xoay, chắc nịch và nặng trĩu, những lá rau quấn quít lấy nhau. Những chiếc lá bên ngoài hơi xanh đậm một chút nhưng những chiếc lá bên trong mang màu vàng anh nõn nà thanh thoát, chưa ăn đã cảm nhận được vị ngọt ngào. Bàn ăn với món bún chả, phở áp chảo luôn rực rỡ và hấp dẫn khi có những dĩa rau xà lách búp xếp tròn tươi mát, trên là những cọng mùi, tía tô, canh giới, húng cây bên cạnh chén nước mắm chanh ớt tỏi thơm lừng.

Chén nước mắm pha ở Đà Lạt cũng có hương vị nổi bật nhờ cái vị chanh cốm và ớt hiểm của Đà Lạt rất thơm và rất đậm đà làm tăng thêm hương vị của các món ăn lên nhiều. Chanh cốm, loại chanh chắc chỉ có ở Đà Lạt. Vỏ xanh và dày, sần sùi hơn những quả lime bên Úc và Mỹ, không mềm mại và nhẵn như loại chanh giấy của miền Tây hay Sài Gòn. Lượng nước chanh không nhiều hơn, nhưng mùi thơm thì khỏi nói, cái hương chanh thơm lừng, cắt ra ngan ngát cả gian phòng hay còn làm mát lòng, mát cổ hơn khi đi đâu về, cầm ly đá chanh thơm dịu. Những cọng lá của cây chanh cốm thái thật mịn cũng làm tăng thêm mùi vị của những dĩa gà luộc vàng ngậy, thơm nức mà chỉ gà nuôi ở Việt Nam mới có. Những trái ớt chỉ thiên thon nhọn, nhuốm màu nâu đen hoặc xanh hoặc đỏ được dầm nhỏ, chỉ bỏ vào một chút thôi cũng mang vị cay xé lưỡi. Và như vậy, các mùi thơm ngào ngạt và thấm thía của rau củ Đà Lạt, của ớt, của chanh, quyện lấy nhau làm các món ăn ngon hơn nhiều lắm.
Những cây bắp sú hột, những quả đậu couvert xanh ngắt cũng ngọt như có đuờng, cái vị ngọt thanh mà chỉ rau Đà Lạt mới có.Dù rau có đem sang tỉnh khác cả mấy ngày vẫn còn vương vấn vị ngọt mà không bị lạt đi, nhất là bắp sú, hình như càng để lâu càng ngọt, không ngai ngái như các loại bắp sú khác, khi thái nhỏ để ăn ghém lại không mang chút mùi tanh.
Cái ngon của khoai tây Đà Lạt cũng hiếm thấy. Khoai tây ở các nơi khác có thể to củ hơn, nhưng không vàng ruộm và nhiều bột, bùi bùi như khoai tây Đà Lạt.
Đặc biệt nhất là những quả su su, không đâu có thể ngọt bằng.Ngày xưa mỗi lần lên Đà Lạt từ ngả Nha Trang, gần đến Đơn Dương đã thấy những giàn su su xanh ngắt trải dài trên những sườn đồi, quanh những căn nhà nhỏ xinh xắn hay lụp xụp. Bao nhiêu năm tôi vẫn không thể quên cái vị su su mới hái. Những miếng su cắt lớn đem luộc, nước luộc trong veo mang một màu xanh nhè nhẹ và ngọt ơi là ngọt. Trời lạnh ngắt, chỉ cần chấm miếng su luộc nóng hổi với tí nước kho, nước mắm ớt hay xì dầu cũng ngon chi lạ. Su luộc ăn không cũng vẫn ngon, không cần muối, không cần nước chấm cũng đủ vị đậm đà, vừa bùi, vừa ngọt.
Su su rất dễ trồng, để trái su già vài ngày, mầm sẽ nhú ra từ kẽ trái. Cứ thế, vứt vào một góc vườn nào đó, hay siêng hơn, dúi sơ vào đất, chỉ vài tuần đã có giàn su rậm rạp. Nhất là vào mùa mưa, cây mọc nhanh không ngờ. Mà lạ nha, trời càng mưa lớn su su mọc càng nhanh. Đà Lạt lại hay có những cơn mưa tầm tã và lê thê. Những lúc còn nhỏ, sau cơn mưa tôi thường chạy ra vườn thích thú nhìn những cây su... bò trên đất, trên hàng rào, trên vách, nhanh như một loài bò sát. Sáng sớm thức dậy sau một buổi chiều và đêm mưa, đã thấy trên giàn su tua tuả những đọt mầm vừa nhú, với màu xanh mát mắt và dáng vẻ mạnh mẽ tinh khiết của những mầm sống mới. Đọt su luộc hay xào đều ngon cả.
Ôi vẫn nhớ hoài những buổi chiều vừa lên tới Đà Lạt, người chị dễ thương của tôi thường đội mưa ra vườn hái những đọt su mới nhú, đem vào luộc hay xào tỏi. Với tôi chắc không có món rau nào ngon hơn thế, những đọt su mới hái ngọt thanh, dòn dòn, còn thơm thơm mùi mưa tinh khiết của Đà Lạt.
Có lẽ nhờ những thứ rau củ ngon như vậy mà ở Đà Lạt có những món ăn không đâu ngon bằng. Đầu tiên tôi phải nhắc đến tô mì quảng Đà Lạt. Cái vị su su cắt nhỏ ngọt lự, cái vị hành tím thiết tha, thêm những cọng rau cô ron thái nhỏ, trộn lẫn với bắp cải hột thái mỏng tang và lất phất những cọng húng cây, tía tô thơm nhức mũi, thêm chút giọt chanh cốm mới hái, vài lát ớt hiểm. Tô mì quảng Đà Lạt đủ để ăn một lần, nhớ hoài hoài. Đủ để mỗi lần đến một tiệm ăn nào nơi xứ lạ, thấy trong thực đơn có món mì quảng, mừng hí hởn kêu lên để sau đó buồn rũ rượi, bỏ lại tô mì quảng dở dang chỏng chơ trên dĩa. Không chắc những tiệm này nấu mì quảng dở, mà có lẽ mì quảng Đà Lạt ngon quá nên hạ gục hết các tô mì quảng nơi khác.
Ngày xưa, ở cái chợ nhỏ gần nhà, còn gọi là Chợ Vườn Thông vì nằm trong khu vực rất nhiều thông, có bà Ba bán mì quảng. Nồi nước mì quảng be bé đỏ au, gồm những miếng cà rốt, su su cắt vuông thật nhỏ, loáng thoáng chút tôm thịt. Một chút rau thái mịn như chỉ ở dưới, một vài cọng giá trụng, những sợi mì vàng óng còn nghi ngút hơi nước sôi phủ bên trên, tưới lên một chút xíu nước mì, xanh xanh chút su su, đo đỏ chút cà rốt, một chút tôm giã nhỏ, một vài miếng thịt ba rọi cắt nhỏ tí ti, một chút nước mắm, một chút đậu phụng rang giã vụn, một chút ớt xào. Tất cả thành một tô mì tuyệt vời, mấy chục năm còn hoài trong ký ức.
Còn một món mà ai lên Đà Lạt một lần, sẽ luôn nhớ mãi, đó là sữa đậu nành. Ly sữa đậu nành của Đà Lạt hơi đặc quánh chứ không lỏng lẹc như những ly sữa đậu ở nơi khác. Mùi lá dứa thơm phức lẫn vào mùi đậu nành tỏa theo hơi nóng làm ấm cả nhũng buổi tối ẩm ướt hay buổi sáng mù sương. Bưng ly sữa nóng hổi trong tay, mùi thơm và hơi nóng phả vào mặt, làm những hơi sương đọng lại long lanh trên mắt, trên môi, làm những nét nhăn trên mặt của người uống dãn ra, trở nên thuần khiết bất ngờ.
Nói đến rau, không thể nhắc đến quả. Trong các loại quả, chuối La Ba Đà Lạt rất nổi tiếng. Loại chuối này trồng tại La Ba, thuộc quận lỵ Phú Sơn Lâm Đồng. Chuối La Ba hơi nhỏ trái, vỏ vàng nâu lấm tấm tiêu đen. Quả nào quả nấy ngọt, dẻo chứ không bở rệu như các loại chuối nơi khác. Ăn vào lại thơm đặc biệt. Bởi vậy ai sành Đà Lạt, lên đến nơi luôn đem về vài nhánh chuối ăn dần. Ngày xưa, mẹ tôi hay ướp cốm trong lá sen cho dẻo, để ăn với chuối. Cốm và chuối La Ba hạp nhau không ngờ, như chúng có một cái duyên từ đâu đó. Những quả chuối La Ba, nếu ăn với đậu phụng rang dòn cũng thật tuyệt vời, vị bùi béo của đậu phụng lẫn vào vị dẻo thơm của chuối quyện lẫn vào nhau, ăn một lần nhớ mãi.
Nói đến Đà lạt, cũng không thể quên những trái dâu đỏ thơm ngát chính gốc Đà Lạt. Quả nhỏ, nhìn không bóng bẩy nhưng mùi thơm thì những trái dâu lớn không thể nào cạnh tranh nổi. Ngày xưa đến mùa dâu, mẹ tôi thường mua cả mấy thúng. Mấy chị em xúm quanh cắt dâu ngâm đường ăn tráng miệng, hay tẩm đường làm rượu, hay nấu mứt ăn bánh mì. Những chai rượu dâu sóng sánh như mật, mang một màu hồng nhạt dịu dàng và thơm nức mũi mà không một người quen nào của gia đình tôi ở Sàigòn khi được biếu rượu lại có thể quên được. Những thẩu mứt dâu thơm dẻo trét lên bánh mì nóng dòn vào những buổi sáng lạnh cũng còn hoài trong tâm khảm. Những quả dâu Đà Lạt, bé tí ti nhưng hương vị quá xuất sắc luôn nằm trong nỗi nhớ. Đáng buồn là những quả dâu này được trồng ít dần đi, có lẽ vì nhìn thiếu hấp dẫn và dễ hư hại, dễ nát khó chuyên chở. Đa số các nhà trồng dâu chuyển sang trồng loại dâu Mỹ, trái to, nhìn đẹp nhưng hương vị không bằng.
Một loại trái hấp dẫn khác của Đà Lạt cũng không thể không nhắc đến. Đó là trái bơ (avocado). Bơ sáp của Đà Lạt mang cái vị béo mà những quả bơ Âu Mỹ không thế có được. Quả bơ sáp Đà Lạt trái và hạt lớn hơn, thịt bơ mịn màng, đẹp và quánh như sáp mang vị bơ thực vật béo ngậy. Ngày xưa ở nhà tôi thường hay đánh nhuyễn bơ với sữa đặc, ca cao. Nhưng sau này thấy không cần phải dùng đến những chất phụ nữa, trái bơ sáp tự nó đã quá đủ độ thơm béo.
Và sau hết, loại quả ngon của Đà Lạt mà tôi muốn nhắc tới, là những trái ổi táo. Quả ổi chỉ lớn bằng trái chanh, nhìn lớp da ngoài cũng cảm nhận được độ xốp của ổi, nhưng ăn vào thì ngọt lự. Ngày xưa thấy thơm như miếng táo, bây giờ thì thấy táo lại chẳng ngon bằng. Ruột ổi chỉ nhỏ tí tẹo, rất mềm, rất trắng, chỉ có vài ba hột ổi khá to so với kích thước của trái. Không hiểu sao, những cây ổi này ở Đà Lạt hiếm dần đi, và bây giờ có lẽ ít người biết tới.
Nói đến các thức ăn chế biến, không thể khen những lọ mứt dâu Đà Lạt vì dù dâu Đà Lạt có mùi vị khó quên, nhưng những lọ mứt dâu lại bị bỏ màu và đường nhiều quá, làm mất vị dâu và cái màu phẩm đỏ trông thấy sợ.
Nhưng món để nhớ và để ca tụng là những gói khoai dẻo của Đà Lạt. Khoai bí (sweet potatoes) Đà Lạt cực kỳ nổi bật. Gọi là khoai bí, vì ruột khoai vàng ruộm như màu bí đỏ. Ở Đà Lạt, có 2 loại khoai lang. Một loại khoai mật, ngọt lự. Những củ khoai này, khi luộc, những giọt mật trong như hổ phách ứa ra trên lớp da nâu. Ngọt vậy mà ăn không ớn, có lẽ vì quá thanh, thanh như những bóng cây dịu dàng quanh đồi núi Đà Lạt. Loại khoai kia cũng ngọt không kém thường được sấy, phơi khô để bán cho du khách. Loại khoai này lúc luộc, hấp cơm ăn rất bùi, dẻo. Nhưng vị dẻo, bùi nổi hẳn lên khi đem sấy, phơi khô. Người Đà Lạt cũng hay vạt khoai thành những miếng thật mỏng, trộn lẫn với ít mè đem chiên dòn sau đó rắc vào ít đường. Nhưng làm vậy, vị khoai đặc biệt của Đà Lạt có vẻ hơi bị mất đi.
Ở Đà Lạt, còn có thêm một thứ rất ngon mà ít người biết tới, đó là hủ tíu khô của Tùng nghĩa. Những cuộn hủ tíu khô nhỏ, quấn tròn như cuộn chỉ, cột bằng những sợi thun. Ngày xưa bán theo chục chứ không theo kí lô. Đem về hoặc xào với giá hẹ, hoặc thả vào nước sườn hầm cà chua rất hợp. Những sợi hủ tíu dòn dòn dai dai vừa phải, còn thơm bùi mùi gạo mới, bây giờ không biết có còn ngon như vậy nữa không.
Nhắc đến Đà Lạt, chắc lại phải nhắc đến hoa, thứ đặc sản đáng yêu của Đà Lạt. Thành phố hoa Đà Lạt không ngập đầy hoa. Mà dù có trồng ngập hoa cũng khó mang vẻ rực rỡ như những thành phố hoa nổi tiếng trên thế giới.
Hoa hồng Đà Lạt, so về vóc dáng, không thể bì được với những cành hồng dài cả thước, bông to tướng của Pháp Mỹ. Nhưng có lẽ không ở đâu hương hoa hồng lại ngào ngạt như hoa ở Đà Lạt. Hương hoa không những tỏa ra từ những cánh hoa mà tỏa ra từ toàn cây, từ cành, từ nụ, từ lá và càng thêm ngào ngạt khi bông hoa bắt đầu hé nở. Những bông tỉ muội trắng hay hồng của Đà Lạt cũng vậy. Nhìn cây hoa thấy thật khiêm nhường, nhưng cái mùi thơm hoa tỉ muội tỏa rất xa. Cái mùi hương dìu dịu làm nhẹ lòng người, nồng nàn đấy nhưng không gay gắt. Những bông hoa nhỏ nhắn, dịu dàng nhưng rất duyên dáng như những cô con gái má đỏ môi hồng của vùng cao nguyên lãng đãng hơi sương.
Một loài hoa xinh xắn và thơm ngát khác của Đà Lạt mà vẻ dễ thương của nó khó kiếm được ở các nước khác. Đó là violettes (đồng thảo). Ở Đà Lạt, lá của hoa violettes rất xanh, hoa rất tím, nho nhỏ thôi nhưng mang một vẻ nũng nịu, e ấp rất nữ tính. Những bông hoa nhỏ hoặc lấp ló dưới lá, hoặc khép nép vươn lên, vừa kiêu hãnh, vừa nhỏ bé, vừa dịu dàng vừa bí hiểm, đi sâu vào trí nhớ mỗi người. Tôi đã gặp một số hoa violettes ở Úc, ở Mỹ nhưng chưa tìm thấy được những bông hoa violettes như của Đà Lạt. Màu hoa không tím đậm đà bằng, cánh hoa không duyên dáng bằng, và cái mùi thì, trời ơi, hắc hắc thế nào ấy.
Mimosa cũng vậy, Mimosa Đà Lạt cũng nở không nhiều và vàng đậm như ở Úc, Mỹ.Những đốm bông nhỏ màu vàng nhạt, cái màu vàng phơn phớt với rất nhiều lông tơ nhỏ mịn. Hoa cũng thưa thớt hơn. Lá tròn, phủ nhiều phấn nên khi sương xuống, những hạt sương long lanh lấp lánh như bạc trên lớp nhung phấn mịn màng. Cũng có một số cây lá dài xanh mướt. Mimosa Đà Lạt, khi nở hướng lên trời, trong khi mimosa ở Úc vì nở nhiều nên thường kéo trĩu cành xuống, những bông hoa vàng tỏa ra tứ phía, cái màu vàng không mơ màng như màu hoa vàng mơ của Đà Lạt. Nhìn thì rực rỡ nhưng hoa nhiều quá, làm mất đi cái vẻ mảnh mai yếu đuối nên không thể thay thế những cây mimosa với lá nhuốm chút sáng bạc của phấn và những bông hoa chỉ phơn phớt một màu vàng mơ, long lanh nở như những ánh nắng xinh xắn vương vướng trong đám lá.
Mimosa, đã có rất nhiều những bài hát ca tụng màu hoa này của núi đồi Đà Lạt. Cũng có rất nhiều những bài thơ về đóa hoa vàng dịu dàng này. Cũng có rất nhiều những câu truyện, những bài viết về loài hoa dễ thương đó. Cũng có rất nhiều người đã dùng tên hoa như một tên hiệu của mình. Vì màu hoa đẹp, hay vì những kỷ niệm đẹp của một thời đã qua...
Đà Lạt lại có rất nhiều những loại hoa khác, không rực rỡ, không nở đầy cây, chỉ thi thoảng vài chiếc trên cành. Ngũ sắc, bìm bịp, dâm bụt đỏ, dâm bụt tím, marguerittes trắng hay những đám lục bình hiền hòa trên mặt hồ Xuân Hương bập bềnh những chùm hoa xinh xắn. Những bông hoa dịu dàng tô điểm thêm vẻ đẹp của những ngôi nhà xinh xắn, những ngõ nhỏ hiền hòa, những buổi chiều êm ả chứ không phô trương lộ liễu. Và mùi hương lúc nào cũng nồng nàn tha thiết. Hương phấn thông của Đà Lạt, hương lá cây khuynh diệp cũng thế, luôn dịu dàng dễ chịu, không hề nồng hắc.
Và mùi nắng Đà Lạt. Có lẽ chỉ ở Đà Lạt những chăn nệm khì đem phơi nắng vào mới có cái mùi nắng thơm sực, lẫn chút hương phấn thông, chút hương cây cỏ làm giấc ngủ thêm sâu, làm giấc mơ thêm ngọt.
Ui chao, những mùi hương của Đà Lạt, làm sao tôi có thể quên. Làm sao tôi có thể vứt bỏ khỏi tiềm thức những buổi chiều đi lang thang dưới hai hàng khuynh diệp của mái trường ngói đỏ ngày xưa, nghe lá reo, nghe gió thổi, thở với những sợi tóc dài phất phơ thả hương hoa cỏ, cây lá vào hồn. Làm sao tôi có thể quên những tối đi lên dốc chợ, chiếc bắp nướng trên tay, vài hột lạc rang thơm mùi húng lìu trong túi áo. Làm sao quên hương café Tùng khắc khoải, hương sữa đậu nành ấm áp và những tà áo trắng của một thời thơ ấu ngày xưa.
Đà Lạt, một thành phố tôi đã sinh ra, đã lớn lên, đã rời xa nhưng vẫn mãi hoài trong nỗi nhớ với những hương vị không thể nào quên. Những hương vị tự nó đã tạo nên thương hiệu cho Đà Lạt và những hương vị lại đi kèm với rất nhiều kỷ niệm đáng yêu của quá khứ. Những hương vị mà mỗi lần nhớ đến lại thấy lòng mềm đi, êm ả như sống lại giữa màu lá xanh thoang thoảng hương hoa của thành phố cũ. Để nhớ lại càng thêm nhớ.
Thiên Hương
 Theo http://www.dalatdauyeu.org/

Thức với Miền hương của Nguyễn Đình Di

Thức với Miền hương của Nguyễn Đình Di 
“Miền hương thức”, tập thơ thứ sáu của nhà thơ Nguyễn Đình Di vừa ra mắt bạn đọc. Phần lớn những bài trong tập thơ này được tác giả viết trên giường bệnh, lúc ông phải chống chọi với những cơn đau của căn bệnh hiểm nghèo trong điều kiện khắc nghiệt của cuộc mưu sinh thường nhật. “Những câu thơ như dòng sông bí ẩn”, nhà thơ đã viết trong bài thơ “Ai biết”, đã làm nên mạch nguồn sáng tạo, thành máu nóng nuôi dưỡng cơ thể, tâm hồn ông. Mỗi bài trong tập thơ đã mở ra như vòng tay thân ái cùng những người thân yêu, bè bạn để làm dịu bớt nỗi đớn đau thân xác, đưa ông về miền mộng mị chiêm bao, đắm mê mà thức tỉnh.
Tôi cũng như bao người đọc đã nghẹn ngào, thắt ngực đọc liền mạch tác phẩm “Miền hương thức”, chứng kiến những cơn đau bệnh tật kéo nhà thơ trầy xước giữa sự sống và cái chết, làm tâm thần ông có lúc nhập nhòa giữa hư và thực, sáng và tối, mê man và thức tỉnh. Cái hệ lụy khủng khiếp ấy khó ai vượt qua được mà không thoáng gợn chút bi phẫn, buông xuôi. Từ những nguyên cớ ấy có thể thấy, nội lực sáng tạo, đặc biệt cảm xúc thi ca trong tập thơ “Miền hương thức” của Nguyễn Đình Di không còn mạnh mẽ, phát sáng như những tập thơ đã từng công bố trước đây*. Cũng không thấy bài thơ nào đặt ngang tầm với “Khấn gọi cây”, một tác phẩm thơ đã làm nên tên tuổi Nguyễn Đình Di trong làng thơ Việt đương đại, đặc biệt thơ Hải Phòng sau 1975. Dù phải tồn tại trong hoàn cảnh khắc nghiệt, bệnh tật hiểm nghèo như vậy, nhưng Nguyễn Đình Di luôn giữ được phong thái ung dung, tự tin và cốt cách thi sỹ, được thể hiện trong từng trang viết, trong cách sống, cách ứng xử với mọi người. Khi kết nối những câu thơ hay, ấn tượng của ông trong “Miền hương thức”, bạn đọc vẫn đủ hình dung một chân dung thi sỹ Nguyễn Đình Di đắm mê, ngơ ngẩn, hết mực chân thành.
Trong lời đề từ tập thơ “Miền hương thức”, ông viết: “Với tôi, thơ là ân huệ nhận được ở miền thương yêu thức tỉnh”. Tôi không thể đoán biết nhân đức tin tôn giáo của Nguyễn Đình Di, nhưng những câu thơ ám gợi, tràn ngập ánh sáng của lòng nhân từ, niềm khát khao hy vọng vào một tương lai hạnh phúc an lành trong tập thơ đã cho tôi thấy được triết lý sống, triết lý sáng tạo của ông.
“Xin một ngày biển động
Gọi cánh trăng mở buồm”
(Lời ngỏ)
“Ngăm ngăm mặn gió vô thường
Lênh thênh nắng mọc dọc đường lá bay”
(Lời tạ mùa đông)
Có thể nói, phủ ngập trong cõi thơ Nguyễn Đình Di từ tập thơ đầu tay (Giấc mơ cây. Nxb Hải Phòng, 2001) đến nay là tình thương yêu con người, thiên nhiên, vũ trụ... Tình yêu ấy giờ đã được lắng lại trong thơ ông thành phù sa tươi tốt cho cánh đồng người:
“Lặng yên…/ Lặng yên…/ Lặng yên…
Hình như ai gọi ở miền cỏ thơm”
(Gọi)
Lòng yêu thương con người, từ những người thân thương gần gũi trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp tới những người dưng xa lạ vẫn luôn là ánh sáng lan tỏa, là tiếng vọng từ trái tim tới trái tim trong “vương quốc” thơ của ông:
“Liêu phiêu giăng sợi nắng vàng
Buộc bao nhiêu gió vắt sang vườn người”
(Chiều gọi)
“Sau những lan man này
Thương yêu còn thăm thẳm
Tin lắm chốn an lành
Ánh nhìn ăm ắp nắng”
(Lan man Facebook)
Ánh sáng ấy từ trái tim nhà thơ buông xuống như nắng sớm mùa đông ấm áp và yên bình “Câu thơ vừa nín gió/ Nắng đã hoe hoe vàng” (Màu xuân); Nó mở ra một khoảng không vừa cô liêu vừa xa lạ, mà ở đó chỉ có tiếng gọi con người với con người, chỉ có những bàn tay chân thành tìm đến nhau, nắm chặt mới có thể xua tan được lòng thù hận, đố kỵ, sự hoang lạnh:
“Ngậm ngùi ta gọi cỏ cây
Che che dắt ngọn gió gày đi hoang
Gọi mình ở cõi mang mang
Thõng tay cùng với trăng vàng uống nhau”
(Gọi)
“Cập bến cạn trọn ân tình ăm ắp
Mặc trái ngang đắng chát ở vườn đời
Quả cay cực bóc vỏ mình để ngọt
Hạt đau buồn buông thả xuống mây trôi”
(Phiêu)
Có thể thấy, “Miền hương” của Nguyễn Đình Di vẫn thức dậy khi chiều đã muộn. Như mỗi khi thủy triều đã lùi xa để lại bãi bờ trải dài thoai thoải, thi sỹ đã đặt từng bước chân mình lên đó, in rõ dấu vết, lún sâu xuống cát: “Mặt trời vùi vào ngực em tĩnh lặng” (Khoảng vắng). Đây là câu thơ tình hay và hiếm hoi trong tập thơ này. Nó đem đến cho bạn đọc sự nồng ấm, mặn mà, ngỡ như được nhấp chén trà thơm hương vị đất đai bên hiên một căn nhà vắng, hay trong góc một khu vườn yên tĩnh chốn thôn dã. Viết đến đây tôi bỗng nhớ câu thơ tình khác nữa của Nguyễn Đình Di đã in ở tập thơ trước:
“Tôi lạy hoa trặc trìu đừng thơm day dứt nữa
Anh sẽ nói được lời chưa kịp nói em nghe
Trong hương trặc trìu tóc bạc đã như mê”
(Hoa trặc trìu)
Hơn hai mươi năm trước đây, tôi thích bài thơ “Hoa trặc trìu” của Nguyễn Đình Di khi nhà thơ mới công bố, thích nhất cái âm hưởng của nó trong âm sắc tiếng Việt. Sau đó tôi đã cất công đi tìm loài hoa có tên lạ này. Ban đầu tôi cứ ngỡ loài hoa mà nhà thơ viết trong bài thơ là cây chặc chìu thường mọc ở miền Trung, có nhiều cành, lá hình bầu dục, mép có răng cưa, hoa màu trắng mọc thành chùm… Nhưng không phải thế! Đến tháng 12 năm 2016, trong bài “Tản mạn thơ” nhà thơ đã tâm sự: “có người quy kết tôi viết sai “chạc chìu” thành “trặc trìu”. Không phải đâu.
Tôi đã viết “trặc trìu” với cảm thức về một chuyện trình lỡ dở (trắc trở, trục trặc) với cảm xúc tiếc thương trìu mến sau khi ngẫm ngợi về âm và nghĩa, sự diệu kỳ của tiếng Việt”. Vậy là “con trai” Nguyễn Đình Di đã ngậm được “viên ngọc” quý tuyệt đẹp, báu vật ấy được hình thành và lớn dần lên bên trong thân thể loài nhuyễn thể. Đến mùa đông năm Tân Mão (2011) “hoa trặc trìu” của Nguyễn Đình Di lại tiếp tục nở:
"Em có biết hoa trặc trìu ở đâu không?
Cái loài hoa cơn mê tôi gọi được"
(Hoa trặc trìu vẫn nở)
Và, trong tập thơ “Miền hương thức” này, nhà thơ lại hai lần tặng “hoa trặc trìu” cho bạn đọc yêu mến thơ ông:
“Rượu đời xót rễ cỏ hoa
Trặc trìu thơ níu trăng và mây bay”
(Bạn đời)
“Trặc trìu hoa trái tim mình
Nở từ thắt buộc nghĩa tình người xa
Chạc chìu dây. Trặc trìu hoa
Cây sương gió nhập thơ nhòa khói nhang
Hương loài hoa xứ nhỡ nhàng
Mượn thơ ngâm khúc dịu dàng gọi nhau”
(Tên hoa)
“Miền hương thức” với cách viết dung dị, luôn trung thành với thi pháp truyền thống của thế hệ nhà thơ Nguyễn Đình Di, đã mang đến cho bạn yêu thơ lời tâm sự nhẹ nhàng, thấm sâu mà giản dị. Tập thơ cũng như lời tiên tri của nhà thơ ước đoán được cung mệnh mình. Trong bài thơ “Khúc tạ từ”, Nguyễn Đình Di thanh thản nhẹ nhõm cảm nhận về một đời sống khác khi ông phải rời xa cõi tạm, thấy được sự yêu tin nồng hậu của người thân, đồng nghiệp dành cho mình, thấy cả sức lan tỏa của những con chữ nóng ấm đầy thân phận đến được trái tim bạn đọc:
“Mai rồi chiếc lá lìa cành
Xác về tro bụi hồn xanh mây trời
Câu thơ hoang hoải thảnh thơi
Hoàn nguyên nhập trái tim người ngân nga”
“Miền hương” ấy đã mở ra cho chúng ta một thế giới tuyệt đẹp, với nắng vàng, mạn thuyền, bao nhiêu gió, rượu ngon, hoa giấy rụng, tiếng chim tu hú, tường rêu, dúm muối, nước mắt, viên thuốc, bờ cỏ lau, chân mây…, và với những bông “hoa trặc trìu” rất đáng yêu để làm nên một cõi thơ Nguyễn Đình Di mê đắm, nhân hậu, chân thành. Tôi cũng như bao bạn đọc đã được thức cùng “Miền hương” ấy, được chia sẻ và trải nghiệm cùng ông, biết được ông luôn kiên nhẫn vượt lên mọi thử thách, sự khắc nghiệt của số phận, chống đỡ mọi khăm ác của đời sống để sống thật đẹp, để sáng tạo và dâng hiến. Phải chăng Nguyễn Đình Di luôn tự biết mình, và bạn đọc cũng đã cảm nhận và chứng kiến, nhà thơ tựa một kẻ du ca đắm say, bàn chân tướp máu “hát trên con thuyền kẹt lái” (Ai biết) để đến được cõi thơ.
* Nhà thơ Nguyễn Đình Di đã xuất bản 5 tập thơ, gồm: “Giấc mơ cây” (Nxb. Hải Phòng, 2001), “Cỏ khát” (Nxb. Hải Phòng, 2006), “Trường ca Lộ trình” (Nxb. Hải Phòng, 2008), “Tín chấp” (Nxb. Hải Phòng, 2011), “Vườn gió mặn” (Nxb. Hải Phòng, 2015).
Hải Phòng, 11/10/2017
Mai Văn Phấn
Theo http://vanhaiphong.com/


Mảnh làng trong tôi

Mảnh làng trong tôi 
Từ sau năm 1945 đến nay, nền văn chương nước nhà luôn được tô đậm bởi một đội hình nhà văn - chiến sĩ trưởng thành từ trong khói lửa của cách mạng và chiến tranh. Nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị làm nên bản sắc văn chương nước nhà, mới đây Hội Nhà văn Việt Nam cho xuất bản Tuyển tập văn xuôi và Tuyển tập thơ thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.
Xin được giới thiệu cùng bạn đọc truyện ngắn “Mảnh làng trong tôi” của nhà văn Xuân Đức in trong Tuyển tập văn xuôi thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.
MẢNH LÀNG TRONG TÔI
Làng tôi cách thị trấn Hồ Xá không xa, người lớn đi bộ gần một giờ, còn trẻ con thì đủ sức níu lấy gánh mẹ mà chạy lon ton từ nhà lên chợ huyện. Thế mà đã có một thời tôi ngỡ cái làng của mình như một miếng bìa rọc bỏ khỏi thân gỗ quý, như bị lãng quên khỏi nhịp tiến văn minh của loài người. Tuổi thơ của tôi lớn dậy trong những lũy tre rậm rịt, bịt bùng, với tiếng ru khàn khàn của bà già hàng xóm giữa những buổi trưa xao xác ngọn gió Lào. Chợ kháng chiến họp trong Rú Lịnh, một khoảng rừng còn lại của thời hoang sơ làm ranh giới cho mấy xã vùng đất đỏ Vĩnh Linh. Có lần giặc Pháp càn về chiếm làng tôi ba ngày, cả làng chạy vào trú giặc trong Rú Lịnh. Vẫn nấu cơm, vẫn mắc nôi ru trẻ và họp chợ. Làng đồng bằng mà cuộc sống không khác mấy dân du mục.
Từ làng tôi đi ngược lên phố huyện, trước đây cũng là một quãng rừng cằn. Một tên thực dân Pháp đã chiếm lấy mở thành Sở cao su. Tuy vậy, rừng vẫn còn nhiều cây cối lúp xúp, đã là nơi trú ngụ của từng đàn lợn rừng, cọp, beo và nhiều hoang thú khác. Dọc con đường lên phố huyện, ngay ở bìa rừng, chẳng hiểu từ đời nào đã dựng lên chiếc am thờ thập thò trong mấy gốc si có bộ rễ chằng chịt, ngoằn ngoèo đến quái dị. Đấy là nơi thiêng liêng khủng khiếp. Tôi không thấy một người dân nào trong làng đến am thờ đó cúng bái, lễ lạc, nhưng hầu như đêm nào cũng được nghe một chuyện ma quái rùng rợn ở chốn âm u đó.
Tôi lớn lên, không hề nhìn thấy một mái nhà gạch. Cả làng có duy nhất một nhà được gọi là giàu thì mái đổ đất, nghĩa là vẫn nhà tranh, rui tre như mọi nhà khác, nhưng phía trên giàn đòn tay được đổ một lớp đất sét để chống cháy. Cuộc đời tôi phải kể ra mấy ấn tượng không phai nhạt về việc khám phá ra "văn minh" của loài người. Đấy là lần đầu tiên tôi nhìn thấy chiếc máy hát quay tay do một cán bộ thông tin của tỉnh mang về dịp giảm tô. Tôi không sao đến gần để nhìn cho rõ chiếc máy, tôi chỉ thấy người điều khiển quay liên tục mấy vòng rồi đặt cái cổ máy cho gục xuống đĩa. Thế là hát. Tôi không thể hiểu được vì sao cái cổ bằng sắt đen bóng như một con đỉa biển kia lại có thể bỏ lên bỏ xuống mềm mại như thế!.
Lần thứ hai, tôi theo bố đi từ nhà khi mặt trời chưa lặn, bới theo gói cơm nhỏ lên phố huyện để "xem" đài. Dọc đường tôi gặp bao nhiêu người khác trong xóm cùng đi. Những đoàn người từ các làng hẻo lánh như làng tôi nườm nượp kéo về Hồ Xá lúc kháng chiến chống Pháp mới thành công chẳng có được mấy nhà cửa. Người ta gắn chiếc loa phóng thanh hút sâu vào đầu hồi một ngôi nhà tranh. Dân quê chúng tôi ngồi san sát phía dưới sân, trật tự, thật nín lặng nghe tiếng đài. Cho đến bây giờ tôi vẫn cứ bất bình về việc tại sao hồi đó người ta lại không gắn chiếc loa lồi ra bên ngoài. Thành thử sau một đêm nghe đài no nê, ra về cả làng tôi vẫn không ai biết được tiếng hát, tiếng nói kia phát ra từ đâu. Và cái nhà tranh trên phố Hồ Xá trở nên bí hiểm linh thiêng chẳng kém gì cái am thờ trong Sở cao su người Pháp...
Có ai trả lời được mình trưởng thành từ lúc nào không? Tôi cũng không thể nói cái làng tôi bước ra giữa nhịp đời văn minh từ khi nào, những gì nhớ được và kể lại được chỉ là những ấn tượng không thể phai trong ký ức cá nhân tôi mà thôi.
Hình như bắt đầu bằng những điệu múa. Chao ôi, những điệu múa sao mà ngây ngô và dễ thương làm vậy! Tất cả xếp thành một vòng tròn, hát đi hát lại một đoạn lời:
"Nhờ ơn có đảng
Vung tay phát động
Nhà nông chúng ta
Cố gắng tăng gia
Đêm thời đấu tranh
Ngày ra sản xuất..."
Cứ thế vừa đi vừa múa. Nói cho đúng không phải là múa mà là nhại lại mấy động tác gieo mạ, cấy gặt rồi gánh lúa về. Có thế thôi mà chị hàng xóm cạnh nhà tôi vì không có tốp nào cho đứng chung vào để đi vòng tròn đã khóc ròng rã suốt một đêm. (Bây giờ nhờ trời chị ấy đã thành mẹ của sáu đứa con, có ba là quân nhân cách mạng). Mỗi lần về làng tôi vẫn gặp chị, và không sao quên được cái lần chị khóc vì không được múa. Cái cô gái thiếu niên ngây ngô ấy và bà mẹ chiến sĩ hôm nay, một dấu gạch nối của thời gian thật kinh hoàng dữ dội
Cái dấu gạch nối ấy được chia trọn ra ba phần bằng nhau, y như một sự sắp xếp trọn vẹn của lịch sử.
Nhà thơ Sađi của Ba Tư có 30 năm để học, 30 năm đi thực tế và còn đúng 30 năm cuối đời để viết dưới vườn hồng. Làng tôi có 10 năm để sống đẹp như tuổi dậy thì con gái, 10 năm vật lộn đến tận cùng sức lực với bão táp chiến tranh và còn lại đến hôm nay là chẵn 10 năm để ngẫm nghĩ.
Làng tôi và tất cả các làng quê hẻo lánh khác của Vĩnh Linh bước vào nhịp điệu cuộc sống mới không phải là những cô gái nhà quê ra tỉnh, mà là những cô tấm lam lũ, bần hàn bước về chốn Hoàng cung lộng lẫy. Mười năm xây dựng hòa bình có là bao so với chuỗi dài năm sáu trăm năm trước đó. Những cô gái nhà quê Vĩnh Linh không phải chỉ biết soi gương chải tóc mà có thể nói là đủ tư thế cho bao chàng trai Bắc Hà xiêu lòng. Xin đừng cho là quá lời, tôi có thể nói ngay vài dẫn chứng. Đội tuyển bóng chuyền nữ Vĩnh Linh đã làm hoang mang các tuyển thủ mạnh nhất miền Bắc. Đấy là năm 1963. Cũng năm ấy, huy chương vàng bắn súng cũng thuộc về một cô gái Vĩnh Linh sau khi đánh bại tuyển thủ Quảng Ninh ở vòng chung kết. Cũng năm ấy, cả hai đội tuyển học sinh giỏi Văn và Toán của Ty giáo dục Vĩnh Linh đã làm cho học sinh phổ thông toàn miền Bắc ngẩn ngơ kinh ngạc. (Đội toán giải nhất, đội văn giải nhì). Ôi, cái năm 1963 thực kỳ diệu! Năm đó Trần Đức Vận đang tốt nghiệp cấp I. Tôi đi nhận phần thưởng học sinh giỏi Văn toàn miền Bắc gặp anh - lúc ấy là một cậu bé đen điu thấp lùn - cũng đến nhận giải thưởng học sinh giỏi toán lớp bốn của khu vực Vĩnh Linh. Và hai mươi năm sau, tôi đến gõ cửa phòng riêng của vợ chồng anh tại khu tập thể trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Chúng tôi nhận ra nhau mà cũng gần như không nhận ra nhau. Tôi trong bộ quần áo lính của hai mươi năm quân ngũ; anh - nhà toán học trẻ tuổi nổi tiếng vào cỡ hiếm có của thế giới ngày nay.
Rồi, tất cả vóc dáng đẫy đà lực lưỡng ấy, tất cả tâm hồn rào rạt đắm đuối ấy lao ầm vào một cuộc chiến tranh một mất một còn với tên Đế quốc lớn nhất loài người. Làng tôi là một trong những trọng điểm của "pháo đài bay không lồ - B52". Tôi nhớ, những ngày tháng 7 năm 1967. Lúc ấy, tôi đang đóng quân ở một làng cạnh làng tôi, nhìn về xóm nhỏ của mình chỉ thấy ngập trời màu đỏ của lửa than và bụi đất. Đầu tiên là những mái nhà bốc lửa, rồi đến những lũy tre, những tán mít, rặng dầu sở, cuối cùng là cỏ. Cỏ tranh cháy rần rật, cỏ mật cháy ngậm ngùi. Một thời hồi xuân của làng tôi đã cháy. Những lối mòn nhân hậu, những thói quen cộng đồng, cả những bảo thủ, hủ tục cũng cháy nốt. Những năm đó đố tìm thấy một bình hương, một bàn thờ, bói cũng chẳng tìm ra một lời khấn vái... Chim chóc bay đi, ong vàng ong mật cũng lánh đi; gà rừng vắng dần đã đành, gà nhà cũng thực hiếm hoi mới nhìn thấy. Đến lượt người già, phụ nữ, trẻ con cũng đi sơ tán ra phương Bắc. Làng tôi trần sùi đàn ông và đất đỏ. Làng lặn sâu xuống địa đạo. Làng cất tiếng hát giọng trầm, tiếng hát của loại cung bậc thâm trầm nhất trong giàn nhạc, cung bậc của gân bắp và sâu thẳm cõi lòng. Cứ thế làng tôi đi qua mười năm nữa, cộng mười năm mượt mà trước đó để có chẵn cái tuổi thanh niên. Hai mươi năm ngọt bùi nghĩ cũng chẳng ai bằng, đắng cay kể cũng chẳng mấy ai sánh được. Nghĩ cho cùng đời một con người có được một khoảng vài chục năm sống hết mình như vậy thì còn phải nuối tiếc điều chi! Nhưng đây lại không phải là chuyện của một đời người. Tuổi của đất của làng dài lắm. Hai mươi năm đâu có bõ bèn. Hôm nay, ngày mai, mai nữa, làng mình sẽ ra sao?
Một bạn văn của tôi thật chân tình, thật tâm đắc đã hỏi tôi: "Tại sao anh lại cứ bám mãi vào cái làng xưa của anh như thế? Có gì chỗ đó mà viết mãi?".
Tôi có thể trả lời với bạn thật dài dòng, cũng có thể trả lời rất gắn gọn. Dài dòng là những chuyện trên dưới nghìn trang. Ngắn gọn là: chỗ đó có tôi.
Tôi trở về làng với tư cách một người đồng thời với cái gạch nối thời gian hai mươi năm ấy. Có lúc tôi cất vang tiếng gọi giữa làng xưa mà nghe mất hút hồi âm của mình. Cái làng đồi đất đỏ cao nhất huyện Vĩnh Linh ấy đã có nhiều sự đổi dạng. Người ta đổ dần ra phía thị trấn, đổ tràn ra dọc theo trục đường Quốc lộ. Lại nghe đồn rằng chẳng bao lâu nữa, cái vùng đất đỏ ấy sẽ được nhập vào một nông trường lớn để trồng cao su... Người hớn hở nghĩ đến ngày mình được thành công nhân Nhà nước, tự mường tượng ra ngày cao su bạt ngàn phủ kính màu đất đỏ, nhựa trắng loang lổ thân cây. Cả cái bệ làng xưa sẽ ứa dâng tràn trề tiền của! Người lại ngậm ngùi nhớ lũy tre xưa, nhớ cái nhịp điệu kẽo cà kẽo kẹt mỗi khi nồm lên, nam tới. Một nửa số nhà dời đi, một nửa số nhà vẫn âm thầm nằm lại: Tôi mang trong lòng cả hai nỗi niềm ấy. Làng tôi bỗng nhiên thưa thớt những nếp nhà, nhưng lại bộn bề tính toán trăn trở. Cả người đi, cả người ở lại, ai cũng ngổn ngang lo liệu cho tương lai. Giọng hát ru bây giờ xem chừng cũng vội vàng tất bật như làm ruộng khoán. Một gốc cây lưu niên cắm xuống vườn không còn vẻ trầm tư đĩnh đạc như thuở nào mà nhấp nhổm phập phồng trong mọi dự án khoanh vùng tương lai. Biết làm sao khác được.
Làng sinh ra đã lâu, thậm chí là đã quá lâu, nhưng ngỡ như bây giờ mới thật sự tới tuổi thành niên, sắp chọn ngành chọn nghề, sắp lấy chồng, sắp ăn riêng lập nghiệp. Làng tôi đã khôn ngoan lên. Đứa con khôn lên thường không chịu nằm trong nôi. Tuy vậy, người có nghĩa là người khi đã trưởng thành vẫn cầm chặt tao nôi ru cho con cháu mình được yên lành giấc ngủ.
Nghĩ vậy, mà tôi trở về làng. Tôi sẽ ở lại với người ở lại và cùng đi với ai ra đi. Tôi sẽ viết bài báo tuyên truyền hùng hồn cho cái nông trường cao su kia và viết đôi dòng lục bát về câu ra khàn khàn của bà già hàng xóm mỗi khi gió lào xao xác. Bởi một lẽ đơn giản là, cái nông trường bạt ngàn kia thì chưa hiện hình mà bà già nhà bên thì đã khuất. Mủ cao su còn lâu mới làm bạn với làng còn câu ru thì hiện thời côi cút. May mà cũng còn kịp. Trong tôi, trong anh, trong bao nhiêu người nữa vẫn còn nguyên vẹn những mảnh làng. Những mảnh làng cứ vằng vặc sáng trong tâm thức mỗi người trên con đường đi tới một cộng đồng vĩ đại hơn: Tổ quốc và no ấm. Tôi nghĩ thế và tôi tin như thế, anh bạn văn tâm đắc ạ. Vì vậy mà tôi lại trở về làng.
Vinh Linh, 1978
Xuân Đức

Theo http://vanhaiphong.com/


Mười một phút 2

Mười một phút 2 Chương 11 Công ty người mẫu gọi đến ngày hôm sau và hỏi về những tấm ảnh, cũng như thời điểm buổi trình diễn thời trang được...