Thứ Ba, 28 tháng 2, 2017

Cảm hứng mùa xuân trên trang thơ An Giang

Cảm hứng mùa xuân 
trên trang thơ An Giang
Ba trăm sáu mươi lăm ngày nữa lại qua. Thời gian luôn có những bước đi mới trong chu kì tuần hoàn của tự nhiên, vũ trụ. Gió se se lạnh, nắng phơn phớt hồng, mưa rây rắc nhè nhẹ dẫn đất trời vào xuân. Lửa mùa xuân nhen lên, âm ỉ cháy trong từng mạch rễ, nhánh cây, cả trong hình hài biến ảo phù du của những đám mây…Mùa xuân cũng mang đến cho thơ ca nguồn cảm xúc dạt dào chẳng bao giờ vơi cạn, làm nên sự nở rộ cho khu vườn thơ xuân, cho tao đàn thi ca đất nước và thơ An Giang nói riêng.
Điểm qua những trang thơ xuân, từ các tuyển tập : Thơ tặng tháng giêng, Đi dưới trời xuân, Tầm xuân, Thơ xuân, Mùa xuân thơ, rượu và hoa, Cao vút những vần thơ và các số xuân của báo An Giang, của Tạp chí Thất Sơn từ 2006 đến nay đều thấy được sự hòa quyện tuyệt vời giữa cảm xúc, tình yêu thơ ca với sức sống mùa xuân tràn trề ; sự gặp gỡ giữa các chồi biếc, nụ hoa và những nụ cười trên môi bao người -  niềm hân hoan lẫn bồi hồi lắng đọng khi xuân sang, trước hiện thực cuộc sống đổi thay, phát triển từng ngày trên quê hương.
Nhà thơ Lý Thuận Khanh, cây bút "đại thụ" của câu lạc bộ Người cao tuổi An Giang, năm nào cũng làm thơ chào đón xuân, mừng Đảng, mừng đất nước. Một điều dễ nhận ra là hồn thơ không tuổi của các bậc cao niên luôn có sự hòa quyện giữa hồn thơ và hồn nước. Tiếng thơ của những người đã thất thập cổ lai hy mà vẫn luôn hào sảng trẻ trung :
Kỷ Sửu về, năm chuột đã qua
Ngàn vui đất mước đẹp mùa hoa
Việt Nam đổi mới vang lời hát
Thế giới ngợi mừng dậy tiếng ca
Mừng xuân Kỷ Sửu - (Thất Sơn xuân 2009)
Với đề tài mừng Đảng, mừng xuân, hình tượng đất nước như cánh chim đại bàng do Đảng chấp cánh bay lên, khẳng định bằng nhiều thành tựu đã mang đến cho thơ ca An Giang những vần thơ reo vui muôn điệu, những tình thơ phơi phới bay cùng quê hương khắp trăm miền:  
Đất nước phồn vinh tươi ý Đảng
Non sông giàu đẹp rạng lòng dân
Chen vai quốc tế mừng thêm bạn
Hội nhập toàn cầu - cao chén xuân.
Cao chén xuân - Trương Bá Diệp (Thất Sơn xuân 2007)
Mùa xuân đến là dịp để cùng nhìn lại chặng đường đã qua, những giọt mồ hôi, công sức, trí tuệ bao người để lại trên mỗi bước đi. Thơ xuân An Giang nói đến thành tựu kiến thiết dựng xây đời no ấm của những con người mang nhịp tim trào dâng, khối óc tỉnh táo sẵn sàng đối mặt trước bao thử thách. Và trên tất cả, mọi thành quả đều là nhờ vào lòng dân, ý Đảng, cùng đưa đất nước tiến nhanh, tiến vững chắc vào tương lai độc lập, tự do, hạnh phúc   
Tình Đảng dắt dìu ghi nghĩa cả
Lòng dân bảo bọc nhớ ơn sâu
Mừng xuân kiến thiết xây đời mới
Tổ quốc phồn vinh mãi đẹp giàu
Mừng xuân mới - Phạm Phùng Tu (Thất Sơn Xuân 09)
Cả đất nước là khu vườn xuân thênh thang. Cảm hứng thơ còn nói đến sức sống mùa xuân - như một nguồn chảy thông suốt, tuôn dạt dào khắp mọi miền trên dải đất chữ S thân yêu. Thơ của Tô Thanh Tâm, Trương Bá Diệp, Phạm Trùng Tu... chung nhau cảm hứng tự hào nhìn quê hương thay da đổi thịt, càng tri ân Đảng, càng tin yêu nhân dân, thêm yêu quý con người, thiên nhiên, cuộc sống quê nhà : Xuân về hoa nở, cành thêm xinh /Khúc hát quê hương đậm nghĩa tình! /Bảy núi vững bền nền đá cứng /Hai sông lai láng nước tràn kinh /Trăm người như một cùng chung sức/Triệu tấn lúa ngô luôn nảy sinh/Hạnh phúc, người người vui hát mãi /Lời ca vang vọng giữa thanh bình!. Khúc hát quê hương - Tô Thành Tâm (Thất Sơn xuân 2009)
Năm  2010 nước ta giành được nhiều thành tựu to lớn, những thắng lợi vang dội - thắng lợi trong sự nghiệp đưa đất nước vào hội nhập quốc tế toàn diện. Thơ Lý Thuận Khanh hào hứng ngợi ca đất nước thăng hoa, vận nước thế rồng bay : Ta đứng đây giữa bầu trời Tổ quốc /Nghe xuân về vũ trụ hát ca /Mừng Việt Nam rực rỡ thăng hoa /Ba mươi năm trên đường đổi mới /Việt Nam kiên cường đi tới /Với lòng dân, vận nước thế Rồng bay... Xuân Tân Mão, mùa xuân của đất nước, của Đảng quang vinh với 81 năm sắt son, đầy bản lĩnh sáng tạo vững vàng đưa dân tộc đi tới. Nhà thơ Lý Thuận Khanh gọi đó là Mùa xuân cộng lại của những mùa xuân. Tác giả tin tưởng khẳng định với đôi cánh mùa xuân, Đảng ta nhất định sẽ biến khả năng thành hiện thực để muôn đời đất nước mãi mãi là mùa xuân : Tân Mão ơi/ Sao Người đẹp lạ /Một mùa xuân cộng lại những mùa xuân /Có Đảng, Bác Hồ dẫn đường chỉ lối /Đã lớn mạnh rồi /Một Việt Nam anh dũng tuyệt vời -Việt Nam thăng hoa ngày mới - (Thất Sơn xuân 2011).
Nếu với các tác giả cao niên, cảm hứng thơ xuân thường khơi nguồn từ lòng tri ân sâu sắc và niềm tin yêu của nhân dân dành cho Đảng, từ niềm tự hào nhìn quê hương từng bước đi lên vào mỗi độ xuân sang, thì với thế hệ trung niên - các cây bút gạo cội của Hội Văn học nghệ thuật An Giang (như Trịnh Bửu Hoài, Trương Công Thuốt, Nguyễn Lập Em, Lê Thanh My...) thơ xuân của các anh chị thường tập trung vào chủ đề mùa xuân - tri ân tiền nhân, cha ông khai phá vùng đất Tây Nam; khát vọng xuân tình yêu ; xuân đoàn tụ; hình ảnh đất nước quê nhà tràn ngập sắc xuân...
Cảm thức về một mùa xuân yên bình lại đến với An Giang, nhà thơ Nguyễn Lập Em hoài niệm bao nỗi niềm về cha ông một thời mở mang vùng đất phương Nam cùng bao thế hệ nối tiếp giữ gìn, phát triển đất đai cho ngàn đời sau con cháu: Tôi, người hát rong, dõi cánh cò bay/ Dõi theo ngút ngàn nắng mưa/ Ngút ngàn phù sa /Ngút ngàn phèn chua, mồ hôi và nước mắt /Khúc ca xuân mặn chát/...Để xót bàn tay chai sạn cha tôi/ Lưỡi cày cắm lật từng thớ đất/ Cha chẳng đắn đo những điều được, mất/ Hạt đã gieo phải mọc lên mầm/...Mẹ cười được mùa, vai phơi áo bạc/ Gió bấc lao rao. Tết đến rộn ràng/...Tôi hát trên cánh đồng Tứ giác/ Ngợi ca mùa vui/...Ngợi ca màu xanh... Bài thơ Khúc ca xanh trên đồng Tứ giác Long Xuyên chở mang, trĩu nặng ân tình của Nguyễn Lập Em, chị thấm thía: để có được những thành công nhất định trong văn chương học thuật, làm nên những mùa vàng từ các sáng tác của chị và nhiều cây bút đồng bằng sông Cửu Long, có lẽ trước hết cũng bắt đầu từ đây, sâu nặng nghĩa ân từ đây. Như một định luật tất yếu của cuộc đời, những nối tiếp thầm lặng chuyển giao vay -  trả, nhận - trao: Những lớp người mở đất / Lặng im hòa hơi thở đất đai/...Tiền nhân/ Hiện thân qua đất trời, sông núi...
Nhà thơ quá cố Trương Công Thuốt có bài thơ Mùa xuân một góc phương Nam, trong các khổ thơ đầu tác giả hướng bạn đọc nhớ về quá khứ, thời cha ông dựng nghiệp, đến khổ thơ cuối, trước thực tại mùa xuân đang đến, hình ảnh thơ khép lại đồng thời bừng mở ra những cảm xúc dạt dào, sảng khoái, ngây ngất trước xuân trù phú, yên bình hôm nay, để càng trân trọng, ghi nhớ công lao của các bậc tiền nhân, cả những người nông dân thầm lặng một nắng hai sương bao mùa nơi đồng ruộng :
An Giang - một góc phương Nam
Lúa trĩu, hoa nở, trái trong vườn chín bói
Đất trời rộng bỗng dưng ta, nhớ
Cha ông một thời liệt oanh.
Riêng nhà thơ Đức Ngân lại phơi phới hoà vào dòng người, dòng xe du xuân qua phố chợ, anh chợt nhận ra: niềm vui hạnh phúc giản đơn là được đón tết quê nhà và bất chợt cảm thương cho bao người xa xứ : Mùa xuân về hoa lá với thơ say /Tình đất, tình người xao lòng sâu nặng /Xứ sở quê mình hai mùa mưa nắng /Đâu quên tình cho người phải phương xa.../Sông Hậu chiều nay sóng vỗ hiền hoà /Hoa nở trên ghe kịp về bán tết /Chợ bến quê người xe đông nghịt /Má em hồng trong muôn sắc hoa xuân. Nhà thơ - chiến sĩ công an Đức Ngân say tình...xuân trên dòng sông Hậu hiền hòa. Anh phát hiện, tìm ra tứ thơ từ hình ảnh ... các cô gái má hồng sắc hoa xuân, nhưng phải chợ bến quê người để chở mang mùa xuân, hoa tết cho đời, làm đẹp, điểm tô bao sắc màu sinh động cho chợ nổi Long Xuyên - một hình tượng mùa xuân về rất riêng, đặc trưng của vùng quê hương sông nước Tây Nam bộ. Từ giọng thơ vui, ngọt ngào tha thiết, chuyển sang khổ thơ cuối như có chút gì day dứt. Hẳn là chúng ta đã làm được nhiều điều cho các mùa xuân qua, nhưng cũng sẽ còn khá nhiêu khê, bề bộn bao việc phải làm tiếp cho những xuân tới: Đường đi lên còn lắm gian truân /Ta vững bước trên đường xuân vươn tới /Bao trăn trở, bao lòng người mong đợi /Cho quê mình rạng rỡ những mùa xuân - Xuân về trên An Giang (Thất Sơn xuân 2007)
Tết đến còn là dịp để bày tỏ tình yêu thương với người thân gia đình, tác giả Ngô Cang có bài thơ Tết nhà quê viết tặng vợ. Trong niềm trân trọng, yêu thương có cả tình quê thi vị xen lẫn nỗi niềm suy tư về thời gian trôi, tuổi đời chất chồng, con người bôn ba mưu sinh. Thế nhưng, bao ưu phiền lo toan dường như rũ bỏ hết khi xuân sang, để cùng quây quần bên mâm cỗ đón tết nhà quê đầm ấm: 
Mệt nhoài áo cơm 
đôi khi cũng ngượng 
đôi khi thèm... lãng mạn với lơ mơ 
bỏ cuộc chơi, ta về quê cuốc ruộng 
cứ gieo trồng... nảy hạt những mầm thơ...
Chiều ba mươi 
quây quần bên mâm cỗ 
chén rượu nồng hứng thú tết nhà quê... 
Thư pháp thơ đề dăm câu nắn nót 
Cảnh nhà ta, hoa cỏ đẹp như tranh 
Ngó đàn chim bay cao cất tiếng hót 
Những ưu phiền thân phận... vụt tan nhanh!                                    
(Thất Sơn xuân 2006)
Mùa xuân - nỗi nhớ, khát vọng tình yêu cũng là đề tài thu hút, chi phối phần lớn các sáng tác thơ xuân An Giang.
 Chút lãng mạn nhớ thương khi xuân đến, được tác giả Trương Kỉnh Nhơn và Trúc Thanh Tâm thể hiện qua câu thơ lục bát mượt mà. Tình yêu mộng mơ của tuổi trẻ đan xen với tình quê trong trẻo. Hình ảnh thơ tuy không mới nhưng vẫn thu hút độc giả từ những cảm xúc đời thật, thân quen như ca dao : Xuân về lại nhớ người dưng : Bỗng nhiên lại nhớ người dưng /Mỗi khi khây khẩy gió xuân tràn về. /Người dưng đi giữa chiều quê /Bà ba áo lụa, tóc thề chấm vai /Gió đưa tà áo lắt lay /Ngẩn ngơ mấy gã con trai bên đường /Lời thương, tôi gởi lời thương /Giấu trong nỗi nhớ hoá tương tư rồi./Người dưng giờ mãi xa tôi /Xuân về tiếc nuối cái hồi xửa xưa. (Thất Sơn xuân 2006)
Trúc Thanh Tâm như ngây ngất trong tình yêu và tình xuân : Nhích đầu, dựa sát bên em /Thời gian rót mật, chiều quên nắng rồi /Giật mình, chiếc lá đang rơi /Anh và em giữa đất trời đang xuân. Đang xuân - Trúc Thanh Tâm (Thất Sơn xuân 2007)
Nhà thơ Anh Sắc lại nồng nhiệt : dang tay ôm cả trời xuân /Khi gió rong chơi khắp cả vùng. Để rồi sâu sắc cảm nhận chân giá trị của hạnh phúc : Nhận biết ngọt lành qua nắng lửa /Thay mùa ánh mắt chiều đông /Ánh mắt trao nhau những giọt hồng /Đời khô héo cũng nẩy mầm non /Bơi trong bão dữ tìm yên tĩnh /Về lại sân lòng lắng đục trong /Thời khắc của đợi mong /Điểm hẹn tình yêu và nụ hôn hy vong /Em mở tệp tin, đón thơ cháy bỏng /Nhận từ anh như tia chớp mặt trời!- Chấp cánh thơ xuân - Anh Sắc (Thất Sơn xuân 2007)
Trong bài thơ Đi bên mùa xuân, Lê Thanh My bày tỏ rằng mùa xuân là mùa yêu thương, đến gió xuân cũng rộng lòng tha hương. Tác giả cảm nhận được từng bước chân của nàng Xuân: Buổi sáng đôi chân bước vào hồn sỏi đá/ Nghe mùa thương đan níu gọi nhau về...Đi bên mùa yêu thương ai nỡ hờ hững, chẳng trải lòng: Em đã lẻn vào hồn ta từ ấy/ Một làn xuân vừa ngan ngát qua đây.
Cây bút trẻ Nguyễn Đức Phú Thọ lại góp mặt vào khu vườn thơ xuân bằng những phát hiện tinh tế về vẻ đẹp, sức sống của một Chồi xuân. Chồi cây bật dậy giữa một thiên nhiên đất trời tràn ngập hương sắc tươi sáng và thanh âm mùa xuân trong trẻo: Cựa mình trong thớ vỏ/ Sớm nay một sắc xanh ngời/ Ủ từ phểu sương tay gió/ Chồi xuân nâng lộc chơi vơi.../ Tiếng chim chuyền cành lắt léo/ Rót vào trời đất bao la/ Mưa giêng lấm vàng áo cỏ/ Mùa xuân như gần như xa. Thơ Phú Thọ luôn mới mẻ, đầy tính khai phá trong kiếm tìm, xây dựng hình tượng ngôn ngữ riêng. Từ chỗ phát hiện vẻ đẹp cụ thể của thiên nhiên mùa xuân, câu thơ mở ra sự cảm nhận về sức sống mạnh mẽ, sức xuân tràn trề. Người đọc thật thú vị hòa mình vào những cung bậc cảm xúc mùa xuân nồng nàn, rạo rực trong lòng thi nhân: Xòe tay bung cơn gió mát/ Hương từ vạt đất trổ hoa/...Bướm gieo xuân về lối phố/ Ngõ tràn nghìn nếp mật thơm/ Gửi mùa một phong bao đỏ/ Chồi xuân biếc nụ xanh mơn.
Qua đây có thể thấy tự bao giờ mùa xuân đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho thơ ca, đánh thức những tâm hồn, ngòi bút tài hoa của biết bao thi nhân, mà người viết chắc rằng sẽ chẳng bao giờ có thể khám phá, giới thiệu đủ đầy. Duy một điều chắc chắn khẳng định được là từ khu vườn thơ xuân phong phú đa dạng này, thi đàn An Giang đã góp thêm và sẽ mãi góp tiếp những tiếng nói hóa thân, tự nguyện hiến tặng cho Mùa xuân vĩnh hằng của quê hương xứ sở.
Tài liệu tham khảo
1. Nhiều tác giả. Các tuyển tập thơ, nhạc phổ thơ: Thơ tặng tháng giêng, Đi dưới trời xuân, Tầm xuân, Thơ xuân, Mùa xuân thơ, rượu và hoa, Cao vút những vần thơ. Hội Văn học nghệ thuật An Giang và Văn nghệ Châu Đốc. Từ 2005 đến 2011.
2. Các số xuân của báo An Giang, của Tạp chí Thất Sơn từ 2006 đến 2011. Hội Văn học nghệ thuật An Giang.
3. Quốc Chính. Bài viết Chào mừng 81 mùa xuân của Đảng. Thất Sơn xuân Tân mão 2011. Hội Văn học nghệ thuật An Giang.
Huỳnh Diệu 
Theo http://enews.agu.edu.vn/


Hình dạng của kiến trúc

Hình dạng của kiến trúc 
 Ý nghĩa của các hình dạng
Tạo hình là một việc kì diệu, không sao định nghĩa được, nhưng có thể mang lại niềm vui cho con người bằng một phương thức khác biệt với việc tế trợ xã hội (Alvar Aalto, diễn giảng tại Hiệp Hội Kiến trúc sư tại Viên 1955).
London Aquatics Centre xây cho 
2012 Olympic Games,một công trình của Zaha Hadid
Có những niềm vui tiềm ẩn đến từ việc chúng ta hiểu biết về hình dáng. Một công trình kiến trúc hoặc một nhân tố kiến trúc hoàn chỉnh luôn tiềm ẩn một cảm giác thỏa mãn. Mượn một câu của triết học: “Chúng ta đi tìm và tận hưởng “sự tạo hình hoàn chỉnh'” (Gestalt), một cuốn từ điển đã định nghĩa “sự tạo hình hoàn chỉnh” là “một công trình hoặc hình dạng… tổng hòa một cách hữu cơ, tạo ra một đơn nguyên công năng, mang tính chất của một chỉnh thể, chứ không đơn thuần là sự tập hợp của các bộ phận”.
Ngoài việc cho chúng ta sung sướng vì nhận biết được những thứ này và đạt được những sự hài lòng cơ bản, hình dạng còn làm thu hút sự chú ý, gây ra sự tò mò, thậm chí kích thích hoặc từ chối chúng ta, bằng những phương thức khác nhau. Có những hình thù do mang những thông tin đặc biệt nên rất dễ để lí giải vì sao chúng lay động lòng người; nhưng cũng có những hình thù rất khó hiểu. Bất kể lí giải được hay không, sức mạnh của Hình là không thể nghi ngờ.
Với kích thước đủ lớn, kim tự tháp có thể truyền tải một sức mạnh nhất định. Những liên tưởng phong phú (về hình dạng của kim tự tháp đã và sẽ) không ngừng xuất hiện trên thế giới đã nâng cao hiệu quả tạo hình của kim tự tháp. Với người Ai Cập, đây là hình tượng ngôi mộ cao quí và lí tưởng nhất. Họ tin tưởng đó là sự bảo đảm cho việc trường tồn của các Pharaon. Khi nhìn thấy chiếc mũ vàng trên đỉnh kim tự tháp phản chiếu ánh mặt trời mới mọc, người Ai Cập tin rằng họ nhìn thấy một vị thần. Đương nhiên, (kể cả khi biết những điều đó thì) chúng ta (cũng) không cách gì tưởng tượng được hết tầm quan trọng của kim tự tháp đối với người Ai Cập, thế nhưng, nó vẫn làm chúng ta xúc động. Và nay khi ý nghĩa ban đầu đã đi theo những người có cùng niềm tin với những người xây dựng kim tự tháp, họ đều đã chết, chỉ còn hình dáng ở lại, thì vẫn có một sức mạnh to lớn - một nguồn sức mạnh cố hữu và thực chất.
Kim tự tháp Khafre
Bia nhọn đầu (obelisk) cũng có hình dạng rất thu hút. Muốn thiết kế một tháp bia đầu nhọn mà không thu hút người khác chính ra lại rất khó, tuy không phải là không thể làm được. Tìm cách phủ nhận bia nhọn đầu tượng trưng cho dương vật là không thực tế cho lắm, nhưng cho rằng liên tưởng này là nguyên nhân duy nhất khiến nó thu hút thì chắc chắn sai.
Việc bia nhọn đầu sở dĩ thu hút mọi người có thể chẳng liên quan gì lắm đến tính dục, ngược lại càng có thể vì nó gợi đến sự phản kháng dũng cảm. Thậm chí chúng ta có thể nói rằng, một cánh tay, một cái chân giơ cao của nữ diễn viên ballet (hoặc thậm chí một dương vật đang dựng lên) có thể thu hút mọi người là do thể hiện sự cố gắng về kết cấu, về sự đối lập với Tự nhiên, với sự trầm tĩnh của cơ thể con người.
Đỉnh tròn cũng là một hình dạng quan trọng trong kiến trúc. Sức hấp dẫn của nó khá phức tạp, chứ không đơn giản là hình dạng đó gần gũi với bộ ngực phụ nữ. Cũng như bia nhọn đầu, kết cấu của đỉnh tròn làm người người phải trầm trồ thán phục. Nhưng nó thực sự không giống với kim tự tháp hay bia nhọn đầu, mà dường như đại diện cho một loại hình thù khác biệt, vượt ra khỏi phạm trù các hình thức điêu khắc, và thuộc về riêng lĩnh vực hình thức kiến trúc.
Đỉnh tròn không chỉ có (tạo hình và những thứ đến từ) bề mặt bên ngoài, nó còn nói lên những điều về không gian bên trong và sự tổ chức sắp xếp về kiến trúc. Thông thường mà nói, Hình thức (form) mang tầng ý nghĩa cao hơn Hình dạng (shape). Khi bên trong và bên ngoài của công trình kiến trúc có thể được nhận biết cùng một lúc, khi mặt bằng và khối không gian bên trong kết hợp chặt chẽ với nhau - như Le Corbusier nói rằng “khi mặt cắt chính là mặt đứng” - là lúc công trình phát huy được bản thân nó đến cực điểm. (Nhưng không thể phủ nhận rằng, một số đồ án có hình dạng bên trong gây xúc động sâu sắc nhưng bên ngoài lại không có gì đặc biệt).
Jerusalem Dome.
Bất kể bên trong hay bên ngoài, thông thường một hình khối hoặc không gian đơn giản nhất có sức hấp dẫn mạnh nhất, nhưng ngoài những hình cơ bản quen thuộc ấy, còn có (ngày càng nhiều) những thứ lạ kì khác, những hình dạng đó như “mạn đà la” (mandala), xới xáo tình cảm của con người, đốt sáng trí tưởng tượng, thậm chí mang theo sức mạnh bí mật như một tượng thần. Có thể chúng ta chưa bao giờ thấy những hình dạng đó, nhưng sở dĩ chúng có “ma lực” lớn như vậy chính là vì chúng đặc biệt.
Một hình dạng có thể bị các hình dạng khác làm nổi bật thêm hoặc làm mờ nhạt đi. Mặc dù những công trình kiến trúc có hình dạng đơn giản thường mang sức mạnh nhất định, nhưng loại kiến trúc này dẫu sao cũng thuộc về số ít. Thông thường, sự đòi hỏi về công năng khiến chúng ta phải kết hợp các yếu tố kiến trúc với nhau một cách tương đối phức tạp. Những đòi hỏi này chưa hẳn đã gây ra những hạn chế trên phương diện mĩ học, kiến trúc sư có thể lợi dụng sự tổ hợp (các hình khác nhau) hoặc sự lặp lại của hình dạng để khắc sâu thêm ấn tượng về công trình, cũng có thể kết hợp hai hình dạng vốn chẳng liên quan gì đến nhau khiến người khác kinh ngạc. Chỉ cần sau sự kinh ngạc đó, những hình dạng khác biệt có thể kết hợp thành một tổ chức thống nhất (đơn nhất).
Cho dù một hình dạng đơn nhất giữ vai trò chi phối, thông thường vẫn cần đến những hình phụ trợ khác. Nếu xử lý tốt, sự kết hợp này cũng được hoan nghênh không kém, như là một chút muối khiến bánh quy ngon hơn. Ruskin cho rằng “những đường nét đẹp đẽ đều được vẽ một cách máy móc, đồng thời tương phản với nhau một cách hữu cơ”. Còn Rhys Carpenter khi bàn về thẩm mỹ trong kiến trúc Hy Lạp có nói đại ý rằng tạo hình thời ấy hài hòa một cách chính xác như toán học, và ngay cạnh đó lại trái ngược với quy tắc của toán học. Tiếp sau Le Corbusier, ngày nay có rất nhiều kiến trúc sư tài năng quen dùng một hình dạng đơn giản rõ ràng làm hình chủ yếu, để đối lập với những hình dạng thứ yếu đầy chất thơ khác, có thể nói là một sự “tương phản hữu cơ” với hình dạng chủ yếu này.
Tượng đài hình obelisk tại Washington DC (Mỹ)
Trong tổ hợp hình dạng của một công trình, nếu có những yếu tố được lặp lại, thì thông thường các yêu cầu công năng sẽ phải chỉ ra sự khác biệt. Chẳng hạn như Louis Kahn thiết kế bảo tàng nghệ thuật Kimbell, các mái vòm hình ống không dài bằng nhau, có một số được xử lí thành vườn bên trong. Nhưng sự hoàn chỉnh tổng thể thì không thể nghi ngờ được. Còn chúng ta dễ dàng chấp nhận sự biến đổi này vì cảm thấy điều đó thật tự nhiên.
Nguồn: soi.com.vn/
Theo http://vannghethainguyen.vn/

Mùa xuân chưa đi qua

Mùa xuân chưa đi qua
Đang thư thái huýt gió thì chiếc xe máy do cô gái điều khiển phía trước rẽ ngoặt. Thiên chỉ kịp đạp phanh, đánh tay lái gấp thì cả Thiên và xe đổ vật xuống đường. Tiếng cô gái:
- Đi đứng kiểu gì thế? Mù à?
Người đàn ông đi bên cạnh Thiên dừng xe quát lớn:
- Tiên sư con đĩ. Đứng lại ngay!
 Khi Thiên đứng dậy được thì cô gái đã biến mất, người đàn ông vừa giúp Thiên dựng xe vừa càu nhàu:
- Cũng may không sao. Đúng là con mất dạy. Nó tạt qua mặt người ta còn già mồm chửi.
Thiên cười gượng, cảm ơn người đàn ông, cố kìm nén cơn bực tức, lẳng lặng chạy xe về nhà. Gọi là nhà nhưng thực chất là túp lều vá víu Thiên dựng tạm trên mảnh đất nhỏ mới mua bằng số tiền thanh lý nhà cửa, tài sản được chia sau khi ly hôn với cô vợ quái đản. Vốn xuất thân từ gia đình nông dân nghèo khó, bước vào cuộc sống gia đình khi đang là kỹ sư trong nhà máy cơ khí, Thiên đã gồng mình gắng gỏi thể hiện bản lĩnh người chồng, người cha trong gia đình, làm mọi việc kiếm tiền và dành dụm từng đồng bạc lẻ. Chỉ vài năm, vợ chồng Thiên đã có một căn nhà với những tiện nghi tàm tạm. Nhiều đêm úp mặt lên bộ ngực trắng nhễ nhại của vợ, Thiên thổn thức trong cảm giác được làm chủ tuyệt tác của tạo hóa, không hề mảy may để ý đến tiếng gọi nơi hoang dã từ trái tim người vợ. Lời nói dịu dàng với những mỹ từ bóng bảy đi kèm phút giây bốc lửa ngùn ngụt của cô vợ, giờ đây khi đã đủ thời gian tĩnh tâm, Thiên mới thấy mình khi đó quá non nớt.
Trong cơn lốc suy thoái kinh tế thế giới, cái nhà máy cơ khí Thiên làm việc ngắc ngoải èo uột, đứng trên bờ vực phá sản và cho phép mọi người chấm dứt hợp đồng tự lo liệu cuộc sống. Thiên đã phải chạy đôn chạy đáo mới xin được chân bảo vệ cho trung tâm giải trí và thương mại, không mảy may nghi ngờ vợ và tay cai thầu xây dựng mèo mả gà đồng. Khi sự việc vỡ lở, dù Thiên cố níu giữ vì tương lai của cậu con trai nhỏ, nhưng cô vợ càng được thể, vung tiền ăn chơi, ngang nhiên đi lại đêm hôm bất chấp dư luận xã hội và sự nhún nhường của chồng. Không kiềm chế được Thiên nổi nóng, ả cong cớn:
- Anh không lo được cuộc sống cho tôi thì việc ai người nấy làm. Không chịu được thì… ba…a…a…i…!
Cuộc sống vợ chồng kết thúc chóng vánh. Khi đã tĩnh tâm nhìn lại, Thiên mới thấy hoang hoải, chống chếnh. Không biết trong cuộc sống gia đình, ngoài yếu tố kinh tế là điều kiện cần và đủ, thì mức độ kinh tế ấy lớn đến bao nhiêu mới làm cho vợ chồng có chất kết dính bền vững? Hơn chục năm lăn lộn kiếm tiền và hầu như đưa hết cho vợ, lúc chia tay, cô ta huỵch toẹt: “Đi mà đòi lão chủ đề”. Mỗi người có một số phận, một cách sống, nói ra chỉ tổ thiên hạ chê cười, Thiên cắn răng lầm lụi tìm việc. Căn nhà làm chỗ chui ra chui vào tuềnh toàng như lều chăn vịt. Ai đó nhắc cẩn thận cửa rả, Thiên cười nửa miệng: “Khi tài sản đã không có gì đáng giá thì bọn trộm cắp có lẻn vào hay không cũng vậy”.

Là dân kỹ thuật nhiều năm, vốn  quen với các bản vẽ chi tiết máy móc thiết bị, chỉn chu thận trọng trong tính toán thiết kế, giờ tối ngày đối diện với một môi trường mới đa góc cạnh. Sau những dằn vặt bỡ ngỡ, Thiên tặc lưỡi: Thôi kệ, việc ai người nấy làm, họ sống được ta cũng sống được, cốt có cái ăn đã rồi tính tiếp.
Thật bất ngờ, người đàn ông đi bên cạnh lúc cô gái tạt qua đầu xe làm Thiên bị ngã và cả cô gái ấy đều cùng làm tại chỗ làm của Thiên. Ông ta là Bảy sẹo - quản lý vũ trường, còn cô gái là vũ công. Khi Thiên đang giúp ông quản lý vũ trường và nhóm nhân viên di chuyển lô hàng dọc hành lang thì một giọng con gái cất lên chỏng lỏn:
- Đi cái!
Ông quản lý ngoảnh lại, cau mặt một lát rồi hung hổ:
- Tiên sư con ranh. Mày có biết bố mày đây là thằng nào không? Mày muốn còn răng để ăn cơm hay tao vả cho vỡ mồm? Ranh con mà láo toét.
Cô gái đỏ bừng rồi tái mặt xin lỗi. Khi cô ả vừa đi khuất, Thiên nhìn ông ái ngại:
- Anh mắng em nó hình như hơi quá.
- Với bọn mất dạy phải cho nó biết thế nào là lễ độ, không thể nhu nhược. Nhờn với chó con, chó con liếm mặt.
Cứ tưởng mọi việc chỉ dừng ở đó, nào ngờ mấy hôm sau, cô gái gặp Thiên với vẻ mặt thật khác lạ:
- Em xin lỗi vì cái buổi đi xe ẩu và hỗn láo hôm trước! Em là Ngân, vũ công. Em đã hỏi, biết tên anh là Thiên.
- Thôi không có gì, cô biết mình biết người là được.
- Anh đừng giận em mà “cô tôi” như thế. Thân gái quê ra thị thành, không ngoa ngoắt liệu có tồn tại thành người được không anh?
- Để thành người thì cứ phải vậy sao?
- Không hẳn thế! Nhưng một con ca ve như em, đi bên lề đời có còn gì phải ý tứ nữa đâu anh!
Sửng sốt khi nghe Ngân nói, bằng trực giác Thiên biết Ngân có điều gì đó ẩn chứa đầy tâm trạng. “Đi bên lề đời”, hình như Thiên cũng vậy, khi mọi người làm lụng chăm lo cho gia đình thì Thiên chẳng cần chăm lo cho ai cả. Đi làm về cứ vậy lên giường không cần tắm rửa. Mà tắm rửa làm gì khi sạch sẽ cũng chẳng để làm gì? Không rõ từ hôm nào, hai kẻ đi bên lề đời không còn nhìn nhau bằng ánh mắt dò xét xa lạ. Nhiều buổi, Ngân bỏ sàn nhảy ra thềm nơi Thiên đứng trực để chuyện trò như đã thân thiết lắm. Vẻ nanh nọc đanh đá dường như là của một cô Ngân khác.

Khi Ngân 14 tuổi, bố mẹ ly hôn. Chị gái ở với mẹ, Ngân theo bố. Tình cảm người cha không xua được thái độ hằn học điêu toa của bà mẹ kế. Sau một trận đòn vô cớ, Ngân bỏ nhà ra thành phố làm ô sin với mong muốn tránh xa bản mặt đáng ghét và cuộc sống dì ghẻ con chồng. Càng lớn, Ngân càng xinh đẹp. Bước sang tuổi 16, Ngân như lột xác, non nõn phổng phao và không qua nổi ánh mắt thèm khát của ông chủ. Một ngày đẹp trời, khi bà chủ õng ẹo đi lễ chùa, Ngân không thể cưỡng nỗi con quỷ già dâm dục. Từ đó hàng ngày Ngân trở thành nô lệ tình dục cho ông chủ vào bất kỳ thời gian nào khi lão già có cơ hội… Niềm vui ngắn chẳng tày gang, những tưởng trong vòng tay của ông chủ Ngân sẽ được đổi đời. Một ngày nọ, lo sợ vẻ đẹp của Ngân sẽ lấn át nhan sắc đang tàn phai của mình, nhân cơ hội ông chồng đi vắng, bà chủ lẳng Ngân ra đường. Áo cơm trĩu nặng vai người, Ngân lao vào cuộc mưu sinh mà không biết mình còn quá non nớt để hiểu về các mánh lới lừa tình. Đứa con trai là kết quả của một cuộc tình như thế. Sau khi sinh nở, cơ thể Ngân trở lại với vẻ đẹp rờ rỡ. Qua tên cò gái, Ngân được đưa vào lớp khiêu vũ và tiếp tục chịu kiếp nô lệ cho tên cò gái và ông bầu. Khi đã không còn gì để mất và không còn gì để phải gìn giữ, mọi việc đều hết sức mong manh. Ngân sẵn sàng làm gái đi khách nếu đối tác chịu chi đẹp…
Đến nhà Thiên chơi, ngắm căn phòng tuềnh toàng, Ngân lắc đầu:
- Anh sống như thời tiền sử.
Thiên cười buồn:
- Anh đang tồn tại chứ có phải sống đâu!
- Đừng bi quan như vậy. Em cũng có lúc nghĩ rằng đời mình thế là hết. Nhưng từ khi có con, dẫu người đời nghĩ đứa trẻ không có bố, là con hoang. Nhưng nó là con em, em phải chăm lo cho nó…! - Ngân thủ thỉ rồi ngả người sang bờ vai ngai ngái mùi mồ hôi dầu với tất cả sự tin cậy.
Bảy sẹo gặp Thiên nháy mắt nhăn nhở:
- Mày với con Ngân “có chuyện” rồi hả? Tao nhìn cái điệu nó nói chuyện và liếc trộm mày là biết. Cẩn thận đừng cho nó “kết”. Vớ vẩn rách việc...
Nhìn Bảy sẹo trầm tư, Thiên như thấy trước mặt mình là một người đàn ông khác. Tên là Bảy sẹo nhưng mặt mũi ông ta không hề có chút sẹo, người ta nói hồi còn lăn lóc theo đám giang hồ, cái cơ thể hộ pháp của Bảy với bàn tay sắt đã gây ra nhiều sẹo cho các đối thủ côn đồ sau những pha tỉ thí và nó gắn liền với Bảy đến bây giờ. Cái vẻ bặm trợn chỉ để các tay anh chị nể sợ chứ tại vũ trường, chưa ai thấy Bảy sẹo có thái độ khiếm nhã với khách và đồng nghiệp. Ngay cả với các ả gái điếm, Bảy sẹo cũng không hề tỏ thái độ miệt thị. Như để Thiên hiểu vấn đề, Bảy sẹo ôn tồn:
- Tao làm thuê cho thằng có tiền đã lâu nên hiểu rõ. Mấy đứa làm gái phần nhiều do hoàn cảnh xô đẩy, chỉ số ít lười nhác mới bán trôn nuôi miệng. Tao với mày cũng đi… “làm tiền” chứ oai gì, khác chăng là ta làm tiền bằng mồ hôi công sức, nó làm bằng cái vốn tự có, cũng nhục nhã và đổ mồ hôi chứ không à? Bọn nó mất việc còn kiếm được cái ăn, tao với mày bị đuổi việc thì lấy gì đút vào mồm? Không nên ghét bỏ chúng, nhưng nếu để nên tình nên nghĩa thì phải xét. Cái tình với cái nghĩa nó khác nhau lắm. Không ai có thể ăn đời ở kiếp với một con đĩ.
Thiên đùa:
- Người xưa có câu: “Lấy đĩ về làm vợ…”
- Nói phét. Thằng nào lấy vợ mà cả làng biết nó là con đĩ xem sao!
- Nói như bác thì tất cả bọn làm đĩ nó ế chồng hết…?
- Khuất mắt trông coi, hoặc không biết thì không sao. Thế mới có câu: “Đánh đĩ chín phương còn để một phương lấy chồng”. Cái nghĩa vợ chồng nó khác. Không thể như chuyện trai trên gái dưới, bóc bánh trả tiền. Phải kiếm một con vợ đàng hoàng.
Thiên lắc đầu, cốt để giấu cái tâm trạng hoang hoải của mình. Những người từng trải thật lắm lý sự. Bảy sẹo lấy vợ sớm, chưa đến năm mươi tuổi nhưng ông đã có con đi làm ăn và lấy vợ tận bên Nga. Có người hay tin chúc mừng, Bảy sẹo cắm cảu: “Mình nghe lời thiên hạ, phải cố kiếm thằng con nối dõi tông đường, nhưng nó biến mẹ nó sang bên kia, bao năm không thấy mặt thì nối dõi cái gì? Lúc mình chết chắc gì nó đã kịp về đưa đi chôn. Mà dòng họ ta thiếu gì người tài, mình đã là cái đinh gì mà cần nối. Theo tao gái trai đều được tất. Miễn chúng có hiếu…”.
 Nghe nói mấy năm trước, Bảy sẹo lên hồ Núi Cốc tham quan, có thằng bé con đùa nghịch ngã xuống nước, không nề hà Bảy sẹo lao ngay xuống ngụp lặn may mắn cứu thoát. Bố cháu bé đến nhà cảm ơn và ngỏ ý xin Bảy sẹo cho nó làm con nuôi, ông gạt phắt: “Thôi ơn huệ gì, con tôi, tôi còn không nuôi được, mà nó cũng chẳng nuôi được tôi thì tôi còn nuôi ai…”.
Thiên rót chén trà, đẩy về phía Bảy sẹo, gãi tai:
- Khổ quá, em thế này đào đâu ra người tử tế họ yêu mà lấy.
- Thế mày định suốt đời cứ đâm đầu vào các mối tình hoang à?
Thiên bật cười mà chợt hiu hắt buồn, lần đầu tiên được một người nhiều tuổi hơn mình hỏi như vậy.
Thiên cầm tập giáo trình đại học chuyên ngành cơ khí chế tạo mân mê rồi lại đặt vào giá sách. Dường như với Thiên, đó mới chính là tài sản có giá trị. Bất giác Thiên nhếch mép cười buồn. Bao hoài bão, nhiệt huyết của một thời tuổi trẻ dồn nén cho những cống hiến, khi hăm hở ra trường về nhà máy, giờ chỉ còn lại như một hoài niệm để suy tư. Để có việc làm, Thiên phải giấu nhẹm tấm bằng đại học, tay chủ trung tâm không cần những người có bằng cấp. Nhiều lần Ngân đến, nhìn những tập sách dày cộm và nhìn Thiên như nhìn một kẻ từ hành tinh khác: “Người ta gọi những người có học là trí thức. Vậy nếu trí thức cứ vứt hoang phí thì sẽ thế nào anh?”. “Thì đầu những kẻ được nhồi nhét tri thức sẽ là một cánh đồng hoang”. “Thế anh định để những tập sách này làm gì. Chẳng lẽ nó không còn cần cho anh?”. “Có lẽ vậy! Anh đã chạy nhiều cửa nhưng xin vào đây mới thấy không mất đồng nào… Sách vở, thôi cứ để đấy phòng sa cơ, biết đâu lúc bán đồng nát lại được mấy hôm nhai bánh mỳ”. Miệng nói tưng tửng như vậy, nhưng thực ra nhiều đêm Thiên vùi đầu vào đống sách vở, anh nghiền ngẫm lại kiến thức và hy vọng sẽ sớm tìm được một doanh nghiệp phù hợp với trình độ được đào tạo của mình.
Khu phố này nhiều người lầm tưởng Ngân là cô vợ mới của Thiên. Quả thực, khi cánh cửa khép lại, Ngân là người vợ thực sự.
- Mình cưới nhau đi em. Ta sẽ cùng nhau làm lại...
- Không nên đâu anh. Rồi thời gian mặn nồng qua đi. Anh sẽ lại coi em như đồ gái hư hỏng và vứt bỏ thôi. Đã làm điếm thì không làm vợ!
- Chẳng lẽ hai đứa mình cứ mãi thế này thôi sao?

- Nếu anh cần một người vợ thực sự và những đứa con, anh có thể đến với bất cứ ai. Em luôn mong anh được hạnh phúc. Anh dành cho em thế này là đủ!
Thiên luôn bất ngờ trước tình cảm và thái độ của Ngân. Vài lần, anh ý nhị đưa Ngân một món tiền gọi là giúp chăm lo cho thằng bé, Ngân đều từ chối:
- Anh cất tiền đi. Em không bán thân cho anh. Tình cảm không thể lẫn lộn với tiền nong. Con em, em lo được cho nó.
Đi bên lề đời, dù lề bên phải hay bên trái họ vẫn là con người, vẫn là đi. Không ai biết trước con đường bên lề đời ấy bằng phẳng hay gập ghềnh, nắng mưa hay giông bão. Nếu không may vấp ngã, phải biết đứng dậy mà đi bằng chính đôi chân của mình. Nhiều khi Thiên tự hỏi, hay mình lẩn thẩn quá rồi, nên nghĩ đến Ngân bao điều không đâu cứ ập đến. Có lúc bên Ngân, Thiên rơi vào trạng thái thật khác lạ. Đã từng yêu và được yêu, nhưng giờ đây là một cô gái làm điếm yêu. Thiên biết mình chẳng có gì nổi trội và cũng chẳng có gì để Ngân có thể nhờ vả, cầu cạnh. Tình cảm của mình và Ngân dành cho nhau là thật lòng, nhưng tại sao yêu nhau đến thế thì Thiên không lý giải nổi…
Đã thành lệ, cứ những ngày nghỉ là cả hai ríu rít bên nhau. Không can thiệp vào công việc và các vấn đề riêng là nguyên tắc đã được cả hai xác lập. Tuy nhiên mấy hôm nay, hình như Ngân có điều gì đó thật khác lạ làm Thiên đứng ngồi không yên. Đến vũ trường, Ngân vội vã vào sàn nhảy, có ý để Thiên không gặp. Cả số máy điện thoại di động cũng luôn dừng ở chế độ chờ. Hết giờ mở cửa, một chiếc xe hơi sang trọng trườn tới, mấy người đàn ông kèm Ngân vào xe. Gương mặt Ngân lạnh tanh, vẻ bất cần.
Linh cảm có chuyện không ổn, Thiên tìm mọi cách liên lạc nhưng không thành. Bà chủ căn nhà trọ nói Ngân đã thanh toán và dọn đi nơi khác.
Thiên xin nghỉ buổi làm, đến cửa hàng trang phục biểu diễn thuê một bộ thời trang hàng hiệu và gắn thêm bộ ria kiểu cách để lọt vào vũ trường.
- Anh tưởng hóa trang thế này em không nhận ra sao? Ngân ngồi áp sát bên cạnh, lả lơi như một cặp tình nhân vừa xong một điệu nhảy và thảng thốt:
- Em không muốn làm anh liên lụy. Một bọn bắt em tiêu thụ ma túy cho chúng trong vũ trường. Em không nghe, chúng đưa lên xe về một khu nhà, sau khi chích hút ma túy, chúng bắt em phục vụ cả bọn đủ kiểu để quay phim. Chúng dọa nếu em để lộ ra với bất kỳ ai, chúng sẽ đưa con em sang bên kia biên giới.
- Sao em tắt điện thoại và rời khu nhà?
- Em đã biết chúng buôn bán ma túy.  Em sợ chúng cài thiết bị nghe lén, vì nghi ngờ em báo công an. Em trả nhà đưa thằng bé đi gửi một nơi kín đáo hơn.

- Nếu chúng còn đưa em đi, em cứ như mọi khi còn các việc để anh.
- Đừng anh. Bọn này nguy hiểm lắm!
- Không ai có thể muốn làm gì thì làm…!
Mấy hôm sau, vũ trường chưa đóng cửa, chiếc xe hơi sang trọng đã lại trườn tới, ba người đàn ông vội vã kéo Ngân vào xe. Thiên bấm máy điện thoại rồi lặng lẽ điều khiển xe máy bám theo….
Vừa đến nơi làm việc, Bảy sẹo đưa cho Thiên lá thư:
- Một nhà sư vừa đến tìm và nói cô Ngân gửi cậu.
Thiên run run mở phong thư, nét chữ Ngân nhòe ướt, hình như do những giọt nước mắt, Thiên phải tựa người vào thân cây bên cạnh để kìm nén cảm giác thập thênh rối bời ùa tới: “Anh Thiên! Khi anh đọc những dòng này thì em đã đi rất xa. Tuy bọn đểu đã bị bắt, nhưng em không muốn con em lớn lên biết em làm cái nghề này. Nó không thể bị bạn bè chế nhạo vì có mẹ là con ca ve, là con điếm. Em cám ơn anh đã cho em biết thế nào là tình yêu. Em hy vọng đến một nơi hoàn toàn xa lạ, em có thể làm được một cái gì đó cho con em. Ít ra thì đó là sự tôn trọng của mọi người dành cho mẹ nó. Tha lỗi vì em không thể gặp và chào anh …”.
Dẫu vẫn biết có ngày Ngân không còn ở bên cạnh, nhưng sao em lại ra đi nhanh và bất ngờ đến vậy…?
Những tiếng chim ríu rít cất lên lảnh lót. Bất giác, Thiên ngước nhìn cây bích đào nhà hàng xóm bên đầu ngõ, chẳng rõ từ bao giờ, những nụ hoa mới hôm nào còn chúm chím đã bắt đầu khoe sắc đỏ rực. Sắc đỏ của hoa làm khoảng trời xanh ngát sáng bừng, nồng nàn như lửa thắp. Sau một mùa đông dài lạnh giá, mùa xuân đã lại đang đến. Hy vọng ở một nơi nào đó, Ngân được sống thanh thản là chính mình và tìm lại mùa xuân cho cuộc đời cô.
Phan Thái
Theo http://vannghethainguyen.vn/

Hoa nắng mùa đông

Hoa nắng mùa đông
Không bán chẳng mua, không vào nhà xây nhà sàn, cứ thấy bóng loáng là cúi đầu buồn rũ. Có nhiều bạn thân trên facebook, ai héo gặp là tươi, ai già gặp là trẻ... ai lang thang không biết đi đâu về đâu gặp là thảng thốt, giác ngộ.
…Đấy là hoa cúc quỳ (dã quỳ) - Hoa hậu mùa đông. Dân bản rất yêu, khách phượt rất thích.
Con gái chỉ đẹp khi ở miền gái đẹp, cúc quỳ chỉ rạng ngời hấp dẫn khi chung quanh đơn sơ, thô thô. Hoa nở là nắng đuổi nhau, trập trùng núi non cao nguyên, gọi lên… gọi lên...
Cúc quỳ sinh ra và lớn lên trên quê hương có truyền thống… phóng khoáng. Nơi, cánh rừng, nương ngô, đồng lúa, con đường, bản làng… đều khát khao phía núi bên kia, bầu trời trên kia. Vậy mà, chẳng chút ồn ào, trong ngày thường đêm thường ở bản luôn có những đoàn quân li ti qua đèo dốc, đằng trước tiếng hú gọi. Gió đương rất nhẹ, biết hay không biết, chỉ thấy thêm nhiều rập rờn từ thung nọ lũng kia. Tới một lúc, thấy bước chân như lá rơi, lan lan trập trùng mãi. Bầu trời vừa vặn đang đứng đón. Không xanh ngắt sâu thẳm mấy tầng cao, không hút tầm mắt chân trời vô định… để có một chuyến bay nho nhỏ, có cánh rừng, đàn chim căng cánh. 

Cúc quỳ sinh ra và lớn lên trên quê hương rất mộc, nguyên chất núi rừng. Váy sơn nữ “mượn” hình hoa quả, cày cấy, dệt vải… Áo cóm căng vồng dáng núi, hàng cúc bạc đậu vào rập rờn những cánh bướm mừng vui. Con đường, dù lối mòn sợi chỉ đỏ hay bắt đầu rộng dài thì cây cỏ đâu đâu cũng ùa ra náo nức. Thấy cành nghiêng xuống, thấy lá vẫy tay, lao xao quanh người má hồng, lưng ong.
Đã vào đông, bầu trời xanh lơ hôm nào, nay đã sang xam xám bàng bạc. Rồi có hôm mập mù, sáng trưa chiều như… tối; người nhìn thấy nhau chẳng biết vui hay buồn, tận mãi khi cười lên thành tiếng. Nắng đâu về đi, cho xột xoạt váy áo; ấm đâu về đi, cho trò chuyện nở ngô rang... Những tiếng gọi xuống ruộng, lên nương, ra suối, vòng vòng hạ hạ. Tưởng lời rơi xuống đất, bay như phấn hoa xuân ngày xa. Đã quên, đã không nghĩ gì, đã mang áo rét ra hong…
…Thì hôm nay bừng vàng, nhất loạt vàng, rồm rộm rười rượi, sâu hơn cao hơn ấm áp. Nắng, hoa đi vào nhau. Thấy người rạo rực, nhanh nhẹn hẳn lên. Tự nhiên muốn đi, muốn cầm cái cuốc con dao, làm một việc gì đó. Như không vô tâm trước ngày rất đẹp.
Cúc quỳ là nắng, nắng bằng hoa mình, bao nhiêu mùa rồi, tôi vẫn cứ cảm giác ấy. Trong không gian màu trầm tưởng như tàn úa thì nắng bừng lên. Một thứ “nắng hoa”, không từ trên trời xuống, mà từ đất lên, ngang ngang la đà, vừa tầm người chào người, bắt tay lời chúc.

Những ngày này trên facebook ngập tràn cúc quỳ. Khách có nàng môi thắm da trắng, nghiêng đầu, giơ tay ngón chữ V lên - Yêu lắm nha, lên đi các bạn ơi. Và hàng trăm comment rào rào tung hứng - Ở đâu “thía”? Sao không thấy bồ? Điện Biên phải không? Sướng nhất mi… Sao không đợi đến mùa hoa ban rồi lên… Cúc quỳ đẹp dã man lun… Đừng có ở nhà mà tiếc như con diếc nhá… Lập tức hàng loạt cúc quỳ năm trước ra chào. Những địa danh lạ hoắc, thoáng chốc thành người nhà.
Trước kia tôi nghĩ, cúc quỳ có gì mà đẹp, thậm chí còn mùi hăng hắc khó chịu nữa cơ. Cây này hầu như xanh tốt quanh năm, sâu bọ chả thèm ăn, người cũng thờ ơ, thậm chí ghét bỏ vì nó khỏe quá, hay lấn đất cây trồng. Suốt một thời đói kém, ngày ngày đi học, nhấp nhô qua bạt ngàn cúc quỳ, chả thấy làm sao, chỉ nghĩ nhanh nhanh về nhà chén củ khoai củ sắn. Có lần giữa trưa, thấy mắt lóe lên tia chớp, đầu quay cù tít mù… mấy phút thăng bằng lại thì… dứt khoát là tại cúc quỳ. Cúc quỳ vẫn im lặng, rưng rưng như sắp khóc. Tôi về kể chuyện này cho mẹ, mẹ ngùi ngùi bảo đừng đổ oan cho nó và cầm rá đi vay gạo.
Nỗi oan của cúc quỳ phải hai chục năm sau mới được giải tỏa. Không có củ như sắn, không có hạt như hướng dương, thì có nắng treo trên cành, dẫn đường ấm áp. Người bản tôi hay nói, ăn cho bụng cũng phải ăn cho mắt. Cái ăn cho bụng giờ không phải lo nữa. Cái ăn cho mắt thì trong nhà có tivi, biết nhiều nơi đầu óc sáng lên. Ra đường, thấy đồng lúa cánh rừng xanh xanh… được mát. Còn vàng rực cúc quỳ thì người ốm khỏe lên, như bên bếp lửa, như dang tay đón mặt trời.
Cúc quỳ, hoa nắng mùa đông, hoa ngược đồng hồ thời tiết, hoa dẫn đường đi về phía mặt trời. Hoa bàn giao đầy đủ mọi người khỏe mạnh vui tươi cho mùa xuân.
4/12/2016
Du An
Theo http://vannghethainguyen.vn/

Nơi mùa xuân trở về

Nơi mùa xuân trở về
Xuyên qua những khoảng mây vàng rực của ngày nắng lửa, Sơn thấy mắt mình hoa lên và đôi cánh chao nghiêng rã rời. Tiếng đập cánh mệt mỏi và đuối sức. Cả thân người muốn nhao về phía trước nhưng đôi cánh dường như sắp không cất nổi để bay lên. Sơn rùng mình nhìn những quầng lửa giăng khắp khoảng không. Một cơn gió ào qua, lửa liếm khắp mặt đất. Hoa phượng cháy bập bùng như lửa trong khoảnh khắc dữ dội. Sơn đang ở bên Tuyết, trên một cành hoa rực rỡ. Những đám lửa cuồn cuộn ngút trời khiến cho những chiếc lông vũ của Sơn như sắp cháy sém. Bỗng một tràng súng khô khốc và tàn độc vang lên, đất trời mịt mù, tăm tối. Sơn quay cuồng trong khói lửa. Mắt Sơn nhòa đi.  Máu! Máu trong hình hài của những đóa hoa bung nở đau đớn. Một chiếc lông trắng muốt của Tuyết bay là là trong không trung rồi rớt rơi dưới cỏ. Rồi đất trời trở về bình lặng như vốn có. Sơn chợt bừng tỉnh. Sơn gọi Tuyết. Tiếng gọi đập vào vách núi rồi dội lại. Sơn điên cuồng lao đi trong vô vọng. Những tiếng kêu rút ruột thả vào trời xanh. Sơn lao lên tầng cao, dáo dác kiếm tìm rồi lại sà xuống mặt đất bới chiếc lông của Tuyết vương vào cỏ.
Chỉ còn là một khoảng trống rỗng. Chưa bao giờ Sơn tin là Tuyết đã chết. Sau giây phút hãi hùng của định mệnh, Tuyết đã dạt đến chốn nào? Sơn đã mải miết bay qua bao mùa nắng mưa để mong ngày đoàn tụ. Chiếc lông mềm mượt của Tuyết vẫn đây như một sự hiện hữu. Nó mơn trớn, vuốt ve, nó dịu dàng quá đỗi. Nó mỏng manh như hơi thở của Tuyết. Nhiều khi Sơn giật mình tỉnh giấc mơ. Bóng Tuyết nhòa đi. Những giọt âm thanh đau đớn của biệt ly vút lên rồi tan vào trời đất.
Tai họa gì vừa ập xuống? Sao mình lại nằm đây? Toàn thân nhức nhối. Một giọt máu từ thân mình trào ra. Tuyết nhìn vào vết thương. Một chiếc lông vũ đã rơi từ đó. Tuyết cảm nhận rõ nỗi đau cắt da cắt thịt. Đầu óc váng vất, chao đảo. Tuyết muốn cất cánh bay lên nhưng không thể. Đôi chân run rẩy và đôi cánh rã rời. Tuyết nghe có tiếng bước chân nặng nề của ai đó. Có vật gì thật lớn khua trên cỏ thành những cơn sóng thần. Tuyết  vội lê người  nép vào một búi cỏ. Không dám thở. Tim gần như ngừng đập. Tuyết nhắm nghiền mắt, chắp đôi cánh nguyện cầu. Sự nguy hiểm tiến đến mỗi lúc một gần. Nếu lúc này động đậy, dù chỉ là phả ra một hơi thở lẫn vào trong gió, thì sự sống sẽ kết thúc ngay. Sơn ở đâu? Chưa bao giờ Tuyết sợ hãi và cô độc nhường này. Tuyết muốn khóc nhưng không dám khóc.
Cuối cùng bước chân ấy cũng xa dần. Đám cỏ lặng lẽ trong tủi hờn sau một cuộc cưỡng bức thô bạo của bàn chân. Những lá cỏ dập nát, không nói. Chúng im lặng cảm nhận nỗi đau của nhau. Lá cỏ rũ thân phủ kín, Tuyết kiệt sức, thiếp đi trong hoảng loạn.
Đến hôm nay mà Sơn vẫn thấy mùi khói súng khét lẹt đâu đây. Sơn thấy tức ngực, buồn nôn. Nó là mùi của chia lìa, của ám ảnh, chết chóc. Không! Tuyết không thể chết. Nếu chết hẳn Sơn đã tìm thấy xác. Đằng này, Tuyết biến mất. Như tan vào khoảng không, chẳng để lại một dấu vết gì. Chỉ có chiếc lông của Tuyết đâm vào lòng Sơn niềm nhoi nhói. Như vậy, rất có thể Tuyết bị người ta bắt mất rồi. Trong đầu Sơn là hình ảnh một chiếc lồng chim sơn son rất đẹp. Tuyết ngồi trong đó, ủ rũ âu sầu, nước mắt lã chã rơi. Đến một ngày, nàng không chịu nổi sự cô đơn của cảnh giam cầm, nàng gục xuống và chết trong tuyệt vọng. Nghĩ đến đó, mồ hôi Sơn túa ra, lạnh ngắt. Sơn không thể để cho nàng phải chịu cảnh khổ sở như vậy được. Dù thế nào, bằng mọi giá, dù cho phải đánh đổi cả mạng sống của mình, Sơn cũng phải tìm thấy Tuyết, phải cứu nàng thoát khỏi cái địa ngục trần gian. Sơn giang đôi cánh rộng, mạnh mẽ sải những đường bay dứt khoát, dấn thân vào một cuộc kiếm tìm. Bình minh và hoàng hôn trải rộng, long lanh trong đáy mắt. Từ gốc cây phượng già, nhân chứng của cuộc chia ly, Sơn mải miết bay về phía Đông. Đó là nơi mặt trời mọc, là nơi gió xuân tràn về…
Tuyết đã cất cánh bay lên được. Tuy rằng đang rất yếu, nhưng Tuyết phải bay lên để tìm Sơn. Đám cỏ vẫy vẫy tay từ biệt. Từ hôm qua đến giờ, nó vẫn không nguôi rầu rĩ. Có lẽ, từ nay, đám cỏ sẽ trở thành câm lặng. Lời của cỏ, sẽ chẳng còn ai nghe được nữa. Tuyết bay về cây phượng vĩ. Những cánh hoa tan tác như máu. Tuyết gọi Sơn. Nhưng chỉ có tiếng Tuyết tan vào gió. Tuyết gào khản cổ. Tiếng Tuyết đặc lại thành từng giọt máu rơi xuống lẫn vào những cánh phượng ngập lối đi. Tuyết không cầm được nước mắt. Đã tự nhủ lòng phải mạnh mẽ lên vậy sao cứ yếu mềm. Tuyết đã chao liệng từ bình minh sáng tươi tới hoàng hôn tăm tối nhưng vẫn chẳng thấy bóng Sơn đâu. Tuyết đã lắng tai nghe, đã dường như nín thở để cảm nhận tiếng Sơn dù có mơ hồ vang lên đâu đó. Nhưng bặt tăm. Tất cả chỉ là những tiếng u u của gió. Tuyết run rẩy nép vào tán lá. Đêm đã buông. Hoang sơ và cô độc. 
Tuyết đã bay về hướng mặt trời mọc. Tuyết có linh cảm là Sơn đang ở đó. Dù có phải bay tới tận cùng trái đất, đôi cánh xác xơ dấu bụi đường, dù cho chỉ còn là một hơi thở mỏng manh, Tuyết vẫn bay về nơi ấy.
Mặt trời cáu bẳn và rát bỏng. Tuyết như bay trên sa mạc. Từng nhịp cánh chậm chạp, gắng gượng. Hơi nóng bao phủ thân thể. Tuyết cảm thấy mình sắp thành ngọn đuốc. Những chiếc lông có thể bùng cháy bất cứ lúc nào. Tuyết vội vã sải cánh luồn vào một đám mây. Hi vọng có thể nương náu ở đó trong chốc lát.

Từ trong đám mây bay ra, Tuyết thấy cơ thể nhẹ bẫng. Không cần phải đập cánh, Tuyết vẫn phiêu du giữa lồng lộng trời xanh. Tuyết nhắm mắt, hít một hơi thật sâu cho lồng ngực căng ra, ôm trọn hương thơm thanh sạch và trong trẻo. Những đám mây trắng xốp bồng bềnh, dập dìu trôi qua. Tuyết chợt nhận ra heo may. Heo may giăng trên đôi cánh của Tuyết như những  sợi tơ. Đan vào lòng nỗi niềm vấn vít.
Tuyết đã bay tới mùa thu. Tuyết hỏi một đàn chim đi chơi xa về Sơn. Họ có gặp Sơn trên bầu trời mùa hạ không. Họ lắc đầu. Vậy bầu trời mùa thu? Họ mỉm cười. Thu ngập ngừng vừa đến.
Ừ nhỉ! Tuyết vừa bay tới mùa thu. Tuyết không gặp Sơn trên bầu trời mùa thu. Heo may làm lòng Tuyết khắc khoải. Rồi heo may sẽ kéo gió mùa về.
Sơn mải miết với những đường bay dài vô tận. Sức trai khiến Sơn bay đi mà không hề mệt mỏi. Hình bóng Tuyết cứ ẩn hiện chập chờn trong những dải mây xô đuổi nhau về một góc trời. Sơn cứ bay theo bóng Tuyết, rồi vầng mây bị gió thổi tung ra rắc khắp trời. Bóng Tuyết tan đi trong sự hẫng hụt, nuối tiếc của Sơn. Đôi cánh xót xa lại đắm chìm trên những cung đường hun hút.
Sơn lặng lẽ bay qua những khu rừng ngút ngàn thăm thẳm, những đỉnh núi ôm ấp mây trắng xóa như kí ức buồn. Gặp ai, Sơn cũng hỏi về Tuyết. Họ có gặp nàng trên bầu trời mùa hạ. Họ có gặp nàng trên bầu trời mùa thu. Họ lắc đầu hoặc mỉm cười. Họ có phải là bầy chim đi chơi xa mà Tuyết vừa gặp? Họ bay qua Sơn, để lại một khoảng trống rỗng. Chợt heo may tràn qua. Sơn rùng mình vì bị bủa vây bởi những sợi tơ vô hình. Sơn hét lên, đập cánh loạn xạ rồi vút lao đi, đâm sầm vào cánh cửa mùa đông. Sơn choáng váng trong cái rét đầu mùa dịu ngọt.
Chớm đông. Dã quỳ ngậm nắng hanh hao. Những triền hoa vàng tê dại, sóng sánh cuộn dâng trong gió. Những con đường xoắn xuýt ôm sườn núi, cô độc trong ánh vàng nhức nhối. Những tiếng chim lẻ bạn. Những tiếng chim lạc bầy.
Sơn đứng trên đồi thông. Những tán cây nhòe nhoẹt trong sương. Một màu xanh muốn tan loãng vào bóng tối. Đứng đấy và nhìn xuống. Sâu hút. Mờ mịt. Sương hay là mây bồng bềnh nơi vực thẳm? Hay là khói? Là hơi thở của những đàn chim thiên di quyện đặc? Trong đó, có hơi thở của Tuyết không? Sơn cứ nhìn mãi vào cái hố sâu trước mắt. Đến khi nó đã nuốt chửng cả bóng tối vào vòm họng. Sơn ngả lưng vào cành lá. Sương đêm ướt lạnh. Trăng cô liêu buông ánh nhìn héo hắt. Giun dế lầm rầm cầu nguyện. Cho vòng luân hồi. Cái lạnh thấm qua từng chiếc lông như châm vào da thịt. Sơn bải hoải nhớ về hơi ấm của Tuyết, về những ngày đông giá đã qua. Gió tràn đến, như hoài niệm thốc vào lòng. Những đêm đông dằng dặc như thế này, biết bao giờ mới đến được bình minh?

*Tuyết sợ mùa đông. Nghe heo may giăng kín góc trời đã rùng mình vì gió mùa đông bắc. Cái lạnh sầm sập ào tới, hung hãn và tàn nhẫn, siết chặt lấy Tuyết trong giá lạnh tái tê. Những chiếc lông mềm mượt của Tuyết xù lên, tơi tả, hoang tàn như những cọng cỏ khô chấp chới giữa trời. Tuyết đã bay trên vực thẳm. Giữa mênh mông sương mù hoang lạnh. Thấp thoáng đỉnh núi đã bị che khuất bởi những dải trắng xóa. Đôi cánh Tuyết cũng trắng xóa. Nặng trĩu những sương. Tuyết đã chới với bên vực thẳm. Đã oằn mình chao liệng giữa những cơn gió bỏng rát. Bay trên bầu trời mùa đông. Ảm đạm và hiu hắt. Trước mắt Tuyết, một màn mưa xám đục. Liệu Tuyết có chết trước khi kịp đến mùa xuân?
Tuyết cất lên những tiếng gọi cô đơn. Tiếng Tuyết vút lên, chới với giữa thinh không, gục ngã trong khoảng hư vô không điểm tựa.Tiếng Tuyết hóa thành mưa, rớt ra từ đôi mắt. Tuyết đã bay qua những chuỗi ngày mòn mỏi, qua những miền câm lặng, những khoảng đợi chờ. Bầu trời rách nát không có cách gì vá víu. Tuyết vẫy vùng trong những lỗ hổng đơn côi ấy, thấy sâu hoắm một niềm khắc khoải. Bao giờ Tuyết bay về phía ấy. Về nơi có mùa xuân?
Mưa đã phủ kín thân thể. Tuyết run lên từng hồi. Chiếc chân nhỏ xíu của Tuyết lẩy bẩy không còn đứng vững trên cành nữa. Hơi thở yếu ớt. Tuyết cảm nhận rõ cái bi kịch đau đớn của bản thân. Cô đơn và tuyệt vọng. Bóng đêm bất trắc đầy cạm bẫy. Tuyết nép vào tán lá. Đôi mắt trĩu xuống. Sự tủi thân dâng lên. Sơn đang ở đâu? Một miền giá lạnh hay một trời ấm áp? Sơn đã biến mất khỏi cuộc đời Tuyết như chưa bao giờ hiện hữu. Sơn tung cánh trên cao xanh vời vợi hay gặm nhấm nỗi đau sau song sắt nhà tù? Tại sao, trên bầu trời mênh mông kia, từ mùa hạ tới mùa đông, Sơn không thả vào đó chút dấu vết nào? Để Tuyết cứ trôi dạt trong khoảng trời vô định?
Tuyết sẽ bay về phía ấy. Về nơi có mùa xuân.
Tuyết thiếp đi trong mộng mị. Những cơn mơ thon thót. Tiếng chim thảm thiết gieo vào kí ức một ngày ly tán. Những đóa hoa nhỏ máu tràn mặt đất. Tuyết giãy giụa câm nín. Bóng đêm bức tử những quầng sáng. Mưa xám chỉ còn là sương. Sương quyện đặc. Trắng xóa dâng tràn. Tuyết không còn nghe tiếng gió.
Sơn lang thang dưới trăng. Trăng suông lạnh lẽo đổ tràn nặng trĩu hai cánh. Thỉnh thoảng, Sơn phải liệng cánh để trút bớt trăng xuống dòng sông rộng. Trên đỉnh núi, tiếng sói tru trăng. Sơn nhìn con sói cô độc đang phả vào đêm cõi lòng nhức nhối. Giá mà Sơn cũng tru lên được như nó thì có lẽ Sơn sẽ nhẹ lòng hơn. Nhưng tiếng Sơn quá mỏng manh trong cái rợn ngợp của đất trời. Tiếng Sơn tan loãng vào núi rừng cây cỏ. Sơn thấy bất lực với chính mình. Biết bao mùa trăng đã qua, Sơn mải miết trên con đường thiên lý. Bỏ lại sau lưng, xa ngái ngút ngàn. Vậy mà chưa hề thấy chút gì của Tuyết ngoài một chiếc lông giờ đã xác xơ. Nhiều lúc Sơn sợ hãi. Vượt qua trùng điệp hiểm nguy, lỡ khi bay về tới mùa xuân mà Tuyết không ở đó? Nếu sự thật là vậy, tương lai đợi chờ Sơn là vậy, Sơn biết sẽ phải làm gì? Sơn sẽ gục ngã khi vừa chạm đến mùa xuân. Gục ngã vì kiệt sức và tuyệt vọng. Không! Nơi ấy mặt trời được sinh ra, là bình minh đầu tiên của cuộc đời. Lẽ nào, Sơn lại chết trong buổi bình minh ấy? Sơn lết đôi cánh mệt mỏi, đập những nhịp rã rời. Trăng đổ ào ào như mưa, ngập tràn lá cỏ.
Nhìn xa xa, Tuyết thấy một cột khói trắng ngoằn ngoèo vấn vít trong cái mờ mịt, u ám của trời đông. Mùi lửa nồng nàn và trầm ấm theo làn khói phả vào mặt, Tuyết sung sướng kêu lên. Một làng xóm nhỏ xinh đã hiện ra. Những mái nhà lợp rạ ủ dột trong bóng chiều. Nhưng Tuyết nghe thấy những tiếng xôn xao vang lên. Tuyết không biết là tiếng gì. Chỉ thấy trong lòng rộn rã. Đây đó, một vài đứa nhỏ cởi truồng, chân đất, má căng lên đỏ ửng chạy tíu tít nô đùa. Kí ức ùa về những mùa xưa cũ, khi Tuyết và Sơn mới chỉ là những chú chim non. Những lần đập cánh đầu tiên, háo hức và run sợ. Tuyết  loạng choạng rồi rơi xuống. Đau nhưng vẫn cất cánh để bay lên. Và giờ, Tuyết đã bay qua biết bao khoảng trời. Tuyết ngạc nhiên thấy bầu trời đã được ai vá víu lại cho lành lặn. Bầu trời trắng xốp như một lớp kem bông. Những khoảng rách nát đã được lấp đầy. Tuyết vội vã bay về phía ấy.
Tuyết đáp xuống một cây rơm vàng óng ả. Êm ái và ấm áp vô cùng. Tuyết ngả lưng vào những cọng rơm. Thấy gân cốt được giãn ra và trong lòng tự nhiên trở nên thanh thản. Đúng rồi, mùi thơm của rơm đã xua tan đi bao phiền muộn. Tuyết rúc vào rơm như rúc vào lòng mẹ, nghe ngoài kia, những tiếng chim thiên di ríu rít. Hoàng hôn giăng trong mắt, một màu rơm sánh vàng như mật ngọt.
Bỗng Tuyết thấy từ trong những tiếng xôn xao đó, một tiếng gọi rất quen. Tiếng gọi phải chăng từ hoài niệm dội về trong nỗi nhớ? Hay tiếng gọi của thực tại? Tuyết ngơ ngác nhìn quanh. Chỉ thấy rơm sánh vàng như mật. Nhưng tiếng gọi phủ kín cả hoàng hôn. Tiếng Sơn, Tuyết thảng thốt nhận ra tiếng Sơn. Tuyết bối rối, giọng lạc đi, bay vút lên. Đúng là Sơn! Sơn tách ra khỏi đàn chim thiên di, lao đến chỗ Tuyết. Vỡ òa trong hạnh phúc.
Tuyết gục đầu vào bộ ngực vạm vỡ của Sơn. Sơn xòe rộng đôi cánh ôm ấp chở che. Yên  lặng. Qua những ngày giông bão. Những cọng rơm khô óng ả ánh lên trong đêm rực rỡ.
Bình minh  khe khẽ vươn lên.
Nơi ấy, mùa xuân đã trở về
Nguyệt Chu
Theo http://vannghethainguyen.vn/

Nhà thơ Cao Xuân Thái: “Như hoa tàn hoa nở để ta tin”

Nhà thơ Cao Xuân Thái: 
“Như hoa tàn hoa nở để ta tin”
Đọc ông không nhiều, thảng hoặc trên những trang báo văn nghệ, với những bài thơ nhẹ bẫng ngôn từ mà day dứt ý tứ. Chẳng hạn, những câu thơ này: 
“Nghe gió mưa xao xác 
Bồi hồi biết mùa đi
Lá rơi bên thềm vắng
Lại lo ngày phân ly”. 
Tôi đã nghĩ, ông hẳn đã đi qua rất nhiều buồn vui, chiêm nghiệm ở đời, đã thu xếp hết mọi ồn ào con sóng, về ngồi lại bên hiên nhà, chìm sâu trong những ngẫm ngợi riêng mình, để viết. Cảm thức về thời gian, về đời sống, những héo tàn còn mất cứ dâng lên. Và buồn đau, dĩ nhiên, như chiếc bóng luôn song hành với người trót vương phận thi nhân. Nhưng buồn đau trong thơ ông là đã thanh lọc, đã trong suốt, như gương soi. Và ta chợt nhận ra mình, trong những câu thơ như vậy.
Nhà thơ Cao Xuân Thái sống và làm việc ở Hà Giang. Ông yêu mảnh đất miền Đông Bắc Tổ quốc. Thơ ông luôn đậm phong vị của không gian văn hóa vùng đất này. Ông sinh năm 1948 tại Vương quốc Thái Lan, quê gốc Ninh Bình, nhưng rồi duyên nợ cuộc đời đưa ông đến với vùng đất Hà Giang và sống gắn bó phần lớn cuộc đời mình nơi đây. Giống như nhiều người cầm bút cùng thế hệ, nhà thơ Cao Xuân Thái cũng trải qua một thời binh nghiệp. Những năm tháng tuổi trẻ của ông gắn với chiến trường, bom đạn. Ông ở mặt trận Tây Nguyên từ 1967, rồi về Quảng Trị từ 1971 đến khi đất nước hòa bình.
Cho dù đã từng có danh vị đứng đầu Hội văn nghệ địa phương, Cao Xuân Thái vẫn luôn ẩn mình trong tâm thế của một nhà thơ có phần ẩn dật. Ông ít tuyên ngôn trên diễn đàn, cũng ít xuất hiện những chốn văn chương ồn ào. Ông thường viết trong sự một mình, trong tĩnh lặng gần như tuyệt đối. Tâm thế chối bỏ những gì hào nhoáng phô phang, những gì đông đúc ồn ã, những gì gọi là thời thượng, để hướng vào cõi lặng, cõi tĩnh trong sâu thẳm bản thể mình thể hiện rất rõ trong thơ Cao Xuân Thái. 
Mặc ai hào nhoáng thảnh thơi 
Câu thơ tôi viết cho vơi nhọc nhằn 
Lạnh đêm rượu đắng lên tăm
Mảnh trăng con mắt đăm đăm phương trời”. 
Hay trong một bài thơ khác: 
“Lao xao mãi chốn thị thành 
Được thua, toan tính, điềm lành ít đi 
Phận ta thì mỏng tí ti
Ngấm bao gió bụi có khi mất mình…. 

Đó chính là những phút giây “ngộ” của nhà thơ- người đã đi qua mọi thăng trầm của cuộc đời, đã ngấm tuyết sương nhân thế, đã thấu sự hữu hạn của thời gian, sự vô lý của kiếp người…
Nhận tập thơ mới nhất của ông, qua đường bưu điện, tập thơ Thu vàng ở lại, trong những ngày cuối xuân, lòng kẻ cầm bút như tôi sao thoáng một bùi ngùi. Như một cảm tác về sự trôi chảy vô thường của thời gian từ đâu xô tới. Thật chả hay gì một sự nhạy cảm không cần thiết, nhưng tôi đã đọc những dòng đầu tiên của bài thơ Uống rượu một mình: 
Đèn một ngọn 
Rượu một bình 
Với ta
Tay nâng ngất ngưởng cũng khà 
Mình đây với bóng 
Hóa ra hai mình 
Chén cay đắng
Chén nhân tình 
Buồn vui
Mình với lòng mình
Đêm nay
Vơi bình 
Lòng chửa muốn say 
Đã nghe ngọn gió vơi đầy 
Tàn thu…. 
Trong vội vã của phố phường, đọc thơ Cao Xuân Thái, nghe lòng như chậm lại. Nghe một nỗi buồn rất êm mà buốt nhói. Những chữ rất buông, rất nhẹ, mà thấy mất mát, hoang hoải, thấy hư vô phủ ngập trước mắt mình. Thấy ồn ào, loanh quanh, thấy phù phiếm, bon chen là phù du, vô nghĩa lý. Có một “bài học” nào từ sâu trong ta đang dạy bảo ta một chút gì về đời sống, mà không hề giáo điều. Và tôi nghĩ, thi ca đích thực luôn là như vậy. Nó đánh thức, vỗ về, yên ủi. Nó làm cho đời sống nào đó trong tinh thần của ta nhẹ như sương...
Trò chuyện với Cao Xuân Thái qua thơ, có thể nhận thấy, ông là con người tỉ mỉ, cẩn trọng. Tuyệt không thấy một câu chữ xuề xòa nào ở ông, dù trong một bài thơ ngắn hay một bài viết dài. Tỉ như ông là người thợ kim hoàn đã ngồi cần mẫn chuốt những xù xì thô ráp để có một chiếc nhẫn ưng ý cho đời. Nhưng so sánh thế là ở nghĩa tinh thần. Để hình dung nhà thơ đã ngồi im lặng thật lâu trong cảm xúc của mình, đợi cho những cơn sóng trào tâm trạng qua đi, đợi cho lắng xuống những phù sa tinh tế nhất, mà đổ vào trang giấy những chắt chiu tận cùng của mình. Như bạn ông, nhà thơ Lê Na đã viết về ông: 
Nhà thơ không treo tường 
Mài tim ra làm mực”, 
“Viết dăm chữ mỗi ngày 
Cả đời thơ nhặt nhạnh 
Khi sách bút buông tay 
Tình thơ còn lấp lánh”.
Thơ Cao Xuân Thái buồn và đau. Tôi chắc một điều rằng ít khi đang vui mà ông viết. Và ngay cả niềm vui, trong cảm nhận của tâm hồn thi nhân nhạy cảm như ông, thì đã ẩn giấu bóng dáng đâu đó của nỗi buồn. Buồn nhân tình thế thái, buồn vì những dự cảm mất còn của đời sống, buồn vì thời gian trôi như con đò mỗi ngày xa bến cũ... Ông rất nặng lòng thế sự. Tôi đã lặng đi khi đọc bài thơ ông viết về những phận người vì hoàn cảnh nghèo khó phải mưu sinh nơi xứ người: 
Trên mỗi cánh bay viễn xứ
Con người thiên di về miền đất hứa
Tìm giàu sang chưa rõ hình hài
Tiếng lá lìa cành đau một phận người
Đồng đô la lạnh băng
Tuyết rơi bàng hoàng
Đêm trắng xa xăm... 
Trái tim nhà thơ là vậy, luôn xót xa trước mọi cảnh ngộ cuộc đời. Thơ Cao Xuân Thái giàu chất suy tưởng, giàu triết lý, chiêm nghiệm. Giàu triết lý mà không cao ngạo, mà điềm đạm, giản dị, đời thường. Câu chữ của ông xem ra càng nhẹ càng đau, càng nhẹ càng sâu sắc. Chẳng hạn: 
May mà vẫn còn nhiều điều tốt 
Để ta hy vọng mỗi ngày 
Kẻ hãnh tiến thì cứ hãnh tiến
Còn giọng họa mi tự nó đã hay....
Những năm tháng làm việc, sống và viết ở miền núi đã chưng cất trong trái tim nhà thơ Cao Xuân Thái một tình cảm thiết tha với văn hóa miền núi. Ông đi nhiều, khắp các dải đất vùng cực bắc Tổ quốc đều in dấu chân của ông. Ông yêu cao nguyên đá Hà Giang đến mức mọi người phát ghen. Không chỉ làm thơ về vùng đất này, ông còn viết nhiều bút ký, ghi chép gây xúc động lòng người. Ông là một trong những tác giả viết hay nhất về cao nguyên đá.
Nghỉ hưu, tạm biệt những công việc bận rộn, nhà thơ lui về sống trong cõi riêng của mình. Viết và viết, không nặng nề như một nhiệm vụ, nhưng cũng không đơn thuần là một thú vui. Viết là trút bỏ những suy tư lên trang giấy. Là một cuộc trò chuyện bất tận với chính mình. Thơ Cao Xuân Thái ở quãng đời ông đã nghỉ hưu mang một màu sắc suy tưởng mới. Tâm hồn ông như hòa cùng thiên nhiên, chất tự sự mạnh hơn. Như thể mỗi ngày ông thường ngồi trong khu vườn của mình, chìm đắm trong mùi hương của các loài hoa, trong sương mờ đặc trưng và mùi đất đai quen thuộc của vùng văn hóa Đông Bắc, mà ngẫm ngợi. Một sự trễ nải nào đó của tâm trạng, hay là sự trở về chính mình của một người đã đi qua rất nhiều hỉ nộ ái ố của cuộc đời. Không tĩnh lặng đến thế, không thể nào có những câu thơ làm thức tỉnh người đọc như thế này: 
Làm sao tôi đến được vùng em- Ánh Sáng
Khi bóng tối luôn rình rập chờ lên ngôi
Khi bàn tay nhũn yếu cũng muốn ngăn nguồn sáng 
Muốn che lấp nhau
Bạc tiền, danh lợi... muốn che lấp ta 
Giữa năm tháng không yên tĩnh này 
Một khoảng tối trong hồn là điều không thể...
Lại nói về tĩnh lặng, dường như bi kịch của người cầm bút hôm nay là không có một “khoảng tối” đủ lớn cho chính mình, để nuôi dưỡng mọi nghĩ suy, để giàu có những thương yêu, chối bỏ, để nhìn đến đáy mọi đau buồn nghịch lý cuộc đời. Đâu đó, không hiếm để ví dụ những người cầm bút bị ồn ào cuốn đi. Văn chương thời thượng là khái niệm mới mà không ít người đã vô tình làm tăng thêm nội hàm của khái niệm này. Viết như son phấn cuộc đời. Viết để đuổi theo những giá trị nhất thời. 
Thơ như thể mặt hàng
Viết theo mùa vụ 
Vừa có danh vừa có tiền
Câu chữ cũ tự lặp lại mình 
Hớn hở một lời thiên hạ ngợi khen 
Thế giới bây giờ nhiều hệ giá trị đảo lộn 
Thơ thật và thơ giả
Thơ đồng quê, xa lông, tháp ngà 
Họ tung hô những lời thật “hot”... 
Ngẫm về nghề viết như vậy, là đau, là buồn. Nhưng cũng vì ngẫm về nghề như vậy, mà nhà thơ của miền núi cao biên ải Cao Xuân Thái đã định vị một điểm ngồi của mình, rất điềm nhiên trong thi ca. Là ông chỉ viết những đau thật, buồn thật, không vay mượn, đánh tráo. Ông tự dặn mình: 

Văn chương- cuộc đời cũng là vượt dốc 
Phải vượt
Không vượt qua tự lạc mất mình. Bởi vì ông đã thấu mọi nỗi cô đơn, nghiệt ngã của người cầm bút. Không thể khác, viết chính là “phơi bày” mình, là bóc vỏ mình. Viết như dứt những giằng xé trong sâu thẳm mình, cho nó một hình hài trên trang giấy. Nên, ông cũng chả thiết tha với những loại bạn đọc tìm thi ca như tìm son phấn, xiêm áo làm vì.
Nhà thơ Cao Xuân Thái những ngày này đang phải chống chọi với một căn bệnh hiểm nghèo. Giữa những đợt điều trị đi về vất vả, giữa những đau đớn thể xác, ông vẫn giữ một tâm hồn bình thản, an nhiên để làm thơ. Những ngày trên giường bệnh, ông biết ơn những người bác sĩ, hộ lý chăm sóc mình rưng rưng vì những cuộc gọi của bạn bè. Những hỏi han ân cần chia sẻ và động lực cho ông quên đi những cơn đau. Nhưng trên hết, vẫn là một bờ vai của người đàn bà của đời ông, cho ông dựa vào, yêu thương ấm áp. 
Sau trước vẫn là em
Bờ vai ấm cho tôi nương tựa
Bờ vai tin cậy lúc tôi ngã lòng
Hàng tháng ăn đứng ngủ ngồi khó nhọc
Tóc trên đầu bạc một nửa vì anh.... 
Em - trong trái tim một nhà thơ, là bóng cây xỏa những mát lành vào ngày tháng. Những đắng cay mệt nhoài rồi sẽ qua đi. Như câu thơ ông viết: 
Bỏ khối u là để sạch mình 
Khi cuộc sống có quá nhiều ô nhiễm.... 
Thái độ lạc quan, một chút trào lộng và cũng là rất nhiều yêu thương dành cho cuộc đời này. Như người thơ luôn còn “Em” như bến đợi để quay về sau mưa nắng. Để những câu thơ còn vang trong một khoảng tối đủ lớn nào đó của tâm hồn. Để trải nghiệm nông sâu của tình yêu và của cuộc đời vốn hữu hạn. 
Khi cái “được đi” cùng “cái mất”
Như hoa tàn hoa nở để ta tin...
Theo http://www.baomoi.com/

Mười một phút 2

Mười một phút 2 Chương 11 Công ty người mẫu gọi đến ngày hôm sau và hỏi về những tấm ảnh, cũng như thời điểm buổi trình diễn thời trang được...