Thứ Tư, 28 tháng 2, 2018

Ấy hồn Thục Ðế hay mình Ðỗ Quyên

Ấy hồn Thục Ðế hay mình Ðỗ Quyên
"Ấy hồn Thục Ðế hay mình Ðỗ Quyên""Ðỗ Quyên" là một loại chim cũng còn gọi là Tử Quy, tiếng nôm na là chim Cuốc. Ðầu mỏ chim hơi cong, miệng to, đuôi dài, lông lưng màu tro, bụng trắng có một đường đen thẳng ngang. Nó thường lủi trong bụi rậm, dưới ao sâu hoặc hồ rộng. Cuối Xuân sang Hè thì bắt đầu kêu vào đêm trăng mờ tịch mịch ở nông thôn. Giọng kêu buồn thảm, gợi lòng lữ khách nhớ nhà, nhớ quê hương.
"Thục Ðế" là vua nước Thục tên Ðỗ Vũ thấy vợ của một bề tôi là Biết Linh, người rất đẹp nên tìm cách thông dâm. Tức giận, Biết Linh dấy loạn, đem quân đánh phá kinh thành. Thục Ðế thất bại, mất ngôi, chạy trốn vào rừng, khổ sở quá rồi chết. Ðoạn này, sách "Thành đô ký" chép có khác là vua Thục thông dâm với vợ Biết Linh. Biết chuyện, Biết Linh bắt buộc vợ nói khích vua Thục nhường ngôi cho Biết Linh, rồi cùng vợ Biết Linh bỏ nước ra đi để sống cho trọn tình chung thuỷ. Thục Ðế say mê vợ Biết Linh quá, thà mất ngôi vàng hơn mất người đẹp nên nghe theo. Nhưng thảm cho Thục Ðế đã mất ngai vàng cuốn theo mất người đẹp, vì vợ của Biết Linh quay trở lại sống với chồng.
Nhục nhã, buồn tủi, vào rừng ở, nhớ ngai vàng, nhớ nước, Thục Ðế chết hoá thành chim Ðỗ quyên ngày đêm kêu "cuốc, cuốc" hay "quốc, quốc" (nước, nước). "Quốc, quốc" do tá âm "cuốc, cuốc".
Trong bài "Qua đèo Ngang" của Bà huyện Thanh Quan, có câu:
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
Thi ca cổ điển Việt Nam dùng rất nhiều điển tích về hai chim này.
TRẦN DANH ÁN, MỘT DI THẦN NHÀ HẬU LÊ (1423- 1788), NGHE TIẾNG CUỐC KÊU CŨNG cảm xúc, nhớ lại một triều đại hưng thịnh... mà cuối cùng vua Lê Chiêu Thống lại hèn nhát đầu hàng ngoại quốc, khiến lòng ái quốc tha thiết sống động trong tâm hồn thi sĩ, nhưng cảm thấy mình bất lực trước thời cuộc, nên đành gói ghém tâm sự di thần của mình trong mấy vần thơ:
Giá cô tại giang Nam
Ðỗ Quyên tại giang Bắc
Giá cô minh gia gia
Ðỗ Quyên minh quốc quốc
Vi cầm do hữu quốc gia thanh
Cô thần đối thử tình vô cực
Nghĩa:
Chim Giá cô ở bờ sông Nam
Chim Ðỗ Quyên ở bờ sông Bắc
Giá cô kêu gia gia
Ðỗ Quyên kêu quốc quốc
Chim nhỏ còn kêu tiếng nước nhà
Cô thần đối cảnh tình man mác!
Ðứng trước thành Cổ Loa, xưa nơi đây là cung miếu của vua Thục An Dương Vương, nhà thơ Chu Mạnh Trinh bất giác sinh lòng hoài cổ. Cung miếu đó, xưa tráng lệ huy hoàng bao nhiêu thì nay điêu tàn quạnh quẽ bấy nhiêu. Trong cảnh vắng vẻ lạnh lùng này, dưới ánh trăng mờ nhạt, tiếng Cuốc khắc khoải năm canh vọng lên buồn bã:
Tịch mịch tiền triều cung ngoại miếu
Ðỗ Quyên đề đoạn nguyệt âm âm
Nghĩa:
Cung miếu triều xưa đây vắng ngắt
Trăng mở khắc khoải Cuốc kêu thâu
Tiếng Cuốc của Chu Mạnh Trinh tuy có não ruột, nhưng chưa sâu xa thấm thía và bi ai bằng tiếng Cuốc của nhà thơ Yên Ðổ Nguyễn Khuyến. Tiếng Cuốc của Nguyễn là tất cả tiếng nói của lòng, của một người dân yêu nước bị mất nước. Tiếng Cuốc đó còn nói lên một nỗi đau buồn, uất hận của tác giả vì bất lực trước cảnh đen tối của đất nước bị nạn ngoại xâm. Và, đó cũng là tiếng nói của lương tâm đương thôi thúc của tác giả xông vào cuộc chiến đấu chung của dân tộc:
Khắc khoải sầu đưa giọng lửng lơ
Ấy hồn Thục Ðế thác bao giờ
Năm canh máu chảy đêm hè vắng
Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ
Có phải tiếc xuân mà đứng gọi
Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ?
Ban đêm ròng rã kêu ai đó
Giục khách gian hồ dạ ngẩn ngơ!
Mượn tiếng Cuốc kêu hay Ðỗ Quyên, hay Thục Ðế... để diễn tả tâm sự của một người dân vong quốc vẫn là một thông lệ trong văn chương.
Khúc đâu êm ái xuân tình
ẤY hồn Thục Ðế hay mình Ðỗ Quyên
Lẽ tất nhiên khúc đàn của Kiều ở đây không phải để tỏ lòng nhớ nước, mà là lòng thương tiếc thời tuổi trẻ với mối tình xuân nồng nàn thâm thuý ở buổi đầu "có phải tiếc xuân mà đứng gọi..."
Khúc đàn "đầm ấm dương hoà" lâng lâng mơ màng đến nỗi tưởng "mình hoá làm bướm hay bướm hoá làm mình" qua một cơn mộng đẹp. Ðoạn kế tiếp, khúc đàn êm ái xuân tình cũng lâng lâng mơ màng, không biết phải Thục Ðế hoá thành Ðỗ Quyên hay Ðỗ Quyên hoá làm Thục Ðế. Tác giả mượn hư nói thực, mượn thực nói hư.
Trên là tính chất của bản đàn.
Tiếp đến, tác giả tả tính chất của tiếng đàn.
Tiếng đàn rất trong và rất ấm.
Trong sao châu rỏ duềnh quyên
ẤM sao hạt ngọc Lam Ðiền mới đông
Tiếng đàn sao mà trong trẻo thế. Trong như hạt châu rỏ xuống vung nước (duềnh) đẹp (quyên) của đêm trăng. Hạt châu đã trong rỏ nước xuống dưới ánh trăng trong càng trong thêm. Cũng như hạt châu, tiếng đàn như hạt châu rỏ xuống duềnh quyên với một âm điệu trong sáng, êm ái, nhẹ nhàng.
Tiếng đàn ấm là tiếng đàn còn dư sức ngân mà chỉ ngân vừa chừng để dư âm lại sau. Tác giả cụ thể hoá sức ấm của tiếng đàn, ví như hạt ngọc Lam Ðiền mới đông.
Phê bình tiếng đàn, người ta thường cho rằng: tiếng đàn trong là tiếng đàn của người nhàn nhã, thanh tao; tiếng đàn ấm là tiếng đàn của người có hậu tức là có tướng tốt đẹp. Tác giả muốn tiếng đàn của Kiều, tỏ ra lúc này là tiếng đàn của người được hưởng thụ hạnh phúc sau 15 năm chịu cảnh đoạ đày, thuyết minh một định luật "bĩ cực thái lai", khác những khúc đàn trước!
Một điều cần tìm hiểu thêm- cũng như một số nhà nghiên cứu "Truyện Kiều"- là tác giả đã dịch thoát ý một số câu trong bài thơ "Cẩm SẮT" CỦA LÝ THƯƠNG ẨN ĐỜI NHÀ §ƯỜNG.
Nguyên bài thơ "Cẩm sắt" có 8 câu:
Cẩm sắt vô đoan ngũ thập huyền
Nhất huyền nhất trụ tứ hoa niên
Trang sinh hiểu mộng mê hồ điệp
Thục Ðế xuân tâm thác Ðỗ Quyên
Thương hải nguyệt minh châu hữu lệ
Lam Ðiền nhựt noãn ngọc sinh yên
Thử tình khả đãi thành truy ức
Chỉ thị đương thời dĩ vãng nhiên
Nghĩa:
Cẩm sắt năm mươi chẵn sợi mành
Mỗi dây một trụ nhớ ngày xanh
Mơ màng bướm lẫn Trang sinh mộng
áo não quyên kêu Thục Ðế tình
Thương hải lệ châu trăng chiếu suốt
Lam Ðiền hơi ngọc nắng hun thành
Tình này đợi nhớ trong mai hậu
Chán nản giờ đây khổ nỗi mình
(Bản dịch của Bửu Cầm và Tạ Quang Phát)
Như vậy, ta thấy tác giả Truyện Kiều không mượn ý của toàn bài mà chỉ mượn có 4 câu (thứ ba, tư, năm, sáu). Tại sao chỉ lấy 4 câu?
Ðây là một dụng ý sâu xa của tác giả.
Trong bài "Cẩm sắt": câu 3 tả tiếng đàn mơ màng; câu 4 tả tiếng đàn áo não; câu 5 tả tiếng đàn trong trẻo; câu 6 tả tiếng đàn ấm áp. Phải chăng tính chất của những tiếng đàn ấy thể hiện được cuộc đời của Kiều theo từng giai đoạn. Hay nói một cách khác, ngược lại, cuộc đời của Kiều đã trải qua những giai đoạn được thể hiện qua tiếng đàn.
"Trang sinh hiểu mộng mê hồ điệp" (câu 3): tiếng đàn có một âm điệu mơ màng, lâng lâng như một giấc mộng mà Trang Tử đến nỗi không biết mình hoá làm bướm hay bướm hoá làm mình. Cũng như Kiều sống mơ màng huyền ảo với hương vị của mối tình đầu lúc Kiều và Kim Trọng mới yêu nhau. Ðôi trai tài gái sắc này lúc trao kỷ vật, cắt tóc thề nguyền, lúc đề thơ hội hoạ, lúc đánh đàn- tuy thời gian ngắn ngủi- nhưng đã xây nhiều mộng đẹp. Thực và ảo ảnh dường như trùng hợp có một liên hệ chặt chẽ.
"Thục Ðế xuân tâm thác đỗ quyên" (câu 4): tiếng đàn có một âm điệu não nuột, ai cảm như nỗi uất hận của vua Thục nhớ nước nhớ nhà gởi vào tiếng nấc nghẹn ngào, thảm não của Kiều khi lưu lạc, nhớ quê, nhớ cảnh, nhớ cha mẹ, người yêu, sống đoạ đày trong kiếp phong trần vùi hoa dập liễu.
"Thương hải nguyệt minh châu hữu lệ" (câu 5): tiếng đàn đến đây thì trong trẻo như ánh trăng vằng vặc chiếu xuống biển xanh qua suốt lớp nước sâu đến những hạt châu long lanh như đẫm lệ. Cái trong trẻo thanh tao ấy chẳng khác gì tấm thân tài sắc và lòng trinh trắng của Kiều được chìm sâu dưới nước sông Tiền Ðường để rửa sạch hết bụi trần nhơ, và để rồi sống một cuộc đời thanh u, nhàn nhã dưới của thiền bên cạnh vãi Giác Duyên.
"Lam điền nhật noãn ngọc sinh yêu" (câu 6): tiếng đàn cuối cùng với một âm điệu nồng nàn, ấm áp như ánh nắng nhẹ, êm ả chiếu xuống núi Lam điền khiến cho ngọc quý nơi đây bốc lên hơi. Cái ấm áp ấy thực nồng nàn, thắm thiết, thi vị như Kiều đoàn tụ với gia đình, gặp lại người yêu, nối lại khúc tình xưa. Ngọc lên hơi thoang thoảng như ái tình lên hương thấm thía đậm đà.
Qua 4 câu trong bài thơ "Cẩm sắt" của Lý THƯƠNG ẨN VÀ NGẪM LẠI CUỘC ĐỜI CỦA KIỀU, CHÚNG TA THẤY SỰ NGẪU HỢP thích thú và cũng lạ kỳ giữa tiếng đàn của một nhà thơ đời Ðường với cuộc đời của một giai nhân đời Minh, và sử dụng ý khéo léo của tác giả Truyện Kiều, một thi hài cận đại của Việt Nam chúng ta.
Vì cuộc đời của Kiều- nhân vật chính của truyện- phải trải qua bốn giai ĐOẠN CÓ TÍNH CÁCH KHÁC NHAU, MƠ MÀNG, ÁO NÃO, TRONG TRẺO VÀ ẤM ÁP. Ý TỨ TRONG 4 câu (3, 4, 5, 6) của bài "Cẩm sắt" của Lý THƯƠNG ẨN PHẢI ĐƯỢC ĐẶT ĐÚNG CHỖ Ở PHẦN KẾT CUỘC CỦA TRUYỆN, ĐỂ người đọc thoả lòng, mừng cho một khách má hồng tài sắc được sống một cuộc đời đáng sống trong hương vị ngây ngất ấm êm. Và, cũng để tạo cho người đọc một tư tưởng lạc quan, yêu đời, không vì thuyết "tài mạng tương đố, tạo vật đố hồng nhan" quá máy móc mà đâm ra bi quan, yếm thế, tiêu cực. Và, cái số kiếp đoạn trường của con người đâu phải là một định luật bất di bất dịch.
Mượn ý của 4 câu thơ "Cẩm sắt", cũng như tác giả Truyện Kiều tuy phóng tác của một truyện của Trung Hoa nhưng tác giả đã chuyển hoá, sáng tạo chẳng những để cho tác phẩm của mình được rực rỡ, phong phú mà còn làm cho điển tích được sáng thêm với tính phổ cập và đề cao.
------------------
Ðoạn trường tân thanh - Kiệt tác của đại thi hào Nguyễn Du là một truyện thơ nôm viết bằng thể lục bát, dựa theo tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Trung Quốc, gồm 3.254 câu thơ. Hàng trăm năm qua, Truyện Kiều đã sống chan hòa trong đời sống của toàn dân tộc. Không riêng gì Văn học Việt Nam, mà trong Văn học thế giới cũng hiếm có tác phẩm nào chinh phục được rộng rãi tình cảm của đông đảo người đọc, từ già đến trẻ, từ người có học đến quần chúng bình dân trước đây phần lớn bị thất học, như Truyện Kiều. Sở dĩ như thế là vì ngoài nội dung phong phú và sâu sắc của nó, Truyện Kiều còn là một tác phẩm chứa đựng tinh hoa của ngôn ngữ dân tộc.  TRUYỆN KIỀU, NGÔN NGỮ BÁC HỌC VÀ NGÔN NGỮ BÌNH DÂN đã kết hợp với nhau, bổ sung cho nhau và phát huy cao độ những mặt tích cực của nó. Một trong những thành công khác về mặt nghệ thuật của Truyện Kiều là sự tài tình của nhà thơ trong cách sử dụng điển cố, điển tích. Hơn 100 điển tích được cập nhật trong chuyên mục này sẽ giúp bạn đọc hiểu thêm về tác phẩm Truyện Kiều cũng như ngòi bút tài hoa của nhà thơ Nguyễn Du.
(Theo Ðiển tích Truyện Kiều, NXB Ðồng Tháp)
Ban Biên Tập

Theo http://vuhuu.edu.vn/



Ấy là hồ điệp hay là Trang sinh

Ấy là hồ điệp hay là Trang sinh
Qua lời yêu cầu tha thiết của Kim Trọng và "hai thân cũng quyết theo một bài"... Kiều đành phải chấp thuận, và cả hai làm lễ động phòng. Nhưng rồi cũng trong đêm động phòng "bâng khuâng duyên mới, ngậm ngùi tình xưa", Kiều lại tủi thẹn, than thở phận mình, khiến chàng Kim phải an ủi "lọ là chăn gối mới ra sắt cầm", nên chuyện sang xin Kiều cho mình thưởng thức ngón đàn ngày xưa. Kiều vâng lời "phím đàn dìu dặt tay tiên" với:
Khúc đâu đầm ấm dượng hoà,
Ấy là hồ điệp hay là Trang sinh
Khúc đàn êm ái xuân tình
Ấy là Thục Ðế hay mình Ðỗ quyên?
Trong sao châu rõ duềnh quyên?
Ốm sao hạt ngọc Lam điền mới đông
(câu 3199 đến 3204)
Trang sinh tên Trang Chu cũng gọi là Trang Tử, học đạo Lão Tử, người đời Chiến Quốc.
Ðời ông, về sau, có người thêu dệt lắm chuyện huyền hoặc, vô lý gọi là "Trang Tử thử vợ". Chuyện rằng:
Một hôm, Trang Tử đi chơi ngang một nghĩa địa, thấy một người đàn bà đang ngồi cầm quạt , quạt một nấm mồ còn ướt. Ông lấy làm lạ hỏi thì người đàn bà ấy cho biết: đó là mộ của chồng. Vì khi gần chết, chồng có trối lúc nào muốn tái giá thì phải đợi mộ chồng khô. Nay có người đến hỏi, nàng muốn tái giá nhưng giữa lúc mộ chưa khô nên phải quạt cho mau khô, để kịp thời gian lấy chồng.
Trang Tử bật cười. Mãi về đến nhà vẫn còn cười. Vợ ngạc nhiên hỏi, ông thuật cả sự việc. Vợ bật cười, bảo: "Sao có người tệ bạc lắm vậy!" Trang Tử không nói gì.
Một hôm, Trang Tử đột ngột lâm bệnh chết! Ðám tang được quàn trong ba hôm. Vợ Trang Tử khóc lóc kể lể, lúc nào cũng đầm đìa nước mắt. Ðến ngày thứ hai, bỗng có một chàng thanh niên đến nhà, xưng là học trò của Trang Tử ở xa đến thăm thầy, nhưng chẳng may thầy mất, vậy xin điếu tang và ở lại lo việc ma chay cho thầy được trọn tình sư đệ.
Người học trò của chồng sao mà khôi ngô tuấn tú quá, lời nói sao mà ấm áp dịu dàng khiến vợ Trang Tử phải lòng, rồi cả hai dan díu tư tình nhau... Nhưng đến nửa đêm, chàng rên rỉ quằn quại kêu đau bụng, đau một cách dữ dội. Vợ Trang Tử lấy làm lo sợ, hỏi cách chạy chữa thì chàng bảo chỉ cần có sọ người mới chết đem mài uống thì bệnh hết ngay, nếu không sẽ chết mất. Thấy chàng sao thương quá, sợ mất chàng lại nghĩ chồng mới chết, sọ chồng hẳn có hiệu nghiệm, nên vợ Trang Tử không còn phải đắn đo gì nữa, nàng liền lấy vồ đập vỡ nắp săng (quan tài) định lấy sọ chồng làm thuốc cho tình nhân.
Nhưng nắp săng vừa bật lên thì Trang Tử cũng ngồi bật dậy, và cũng vừa lúc ấy chàng thanh niên biến mất. Thì ra, Trang Tử có phép thuật, giả chết để thử vợ. Người vợ lấy làm xấu hổ quá, tự tử. Trang Tử không buồn, tay vỗ cổ bồn, hát:
Kham ta phù thế sự
Hữu như hoa khai tạ
Thê tử ngã tất mai
Ngã tử thê tất giá
Ngã nhược tiên tử thì
Nhất trường đại tiếu hoạ
Ðiền bị tha nhân canh
Mã bị tha nhân khoá
Thê bị tha nhân luyến
Tứ bị tha nhân mạ
Suy thử đổng thường tình
Tương khan luỵ bất hạ
Thế nhân tiếu ngã bất bi thương
Ngã tiểu thế nhân thống đoạn trường
Thế sự nhược hoàn khốc đắc chuyển
Ngã diệc thiên thu luỵ vạn hàng
Tạm dịch:
Nên than ôi, thế sự
Ðường hoa đơm lại rã
Vợ chết ắt ta chôn
Ta chết vợ cải giá
Ví bằng ta chết trước
Một cuộc cười ha hả
Ruộng phải người khác cày
Ngựa phải người khác cưỡi 
Vợ phải người khác lấy
Con phải người khác mắng
Nghĩ lại chạnh tấm lòng
Nhìn nhau khôn tuôn lệ
Ðời cười ta chẳng bi thương
Ta cười đời luống đoạn trường
Việc đời khóc mà chuyển biến được
Ta cũng ngàn thu khóc vạn hàng
(Bản dịch của Vô Danh)
Do câu chuyện trên nên trong dân gian có câu:
Thương thay cho kẻ quạt mồ
Ghét thay cho kẻ cầm vồ bửa săng
"Quạt mồ, bửa săng" hẳn là chuyện bịa nhằm để châm biếm một số đàn bà, một số người vợ không tốt, không thuộc hạng "tiết hạnh khả phong". Giả chết để thử vợ âu cũng là một điều hay. Hẳn Trang Tử không cần.
Trang Tử tức Trang Chu là một nhà đạo học, vốn có tư tưởng xuất thế bắt nguồn tư tư tưởng vô vi của Lão Tử mà suy diễn ra. Ông chủ trương không tham sống, không sợ chết, không vui, không buồn, không dụng tâm vực đạo, không gắng sức giúp đời. Vì cái nhân sinh quan tự nhiên nhi nhiên đó, nên theo ông hễ gặp lúc nào sống mà sống là hợp thời, gặp lúc nào chết mà chết là thuận cảnh. Trang Tử bảo "Kẻ chân nhân ở đời xưa không tham sống, ghét chết. Sinh ra ai cũng không mừng, chết đi cũng không chống, thoắt qua thoắt lại, không quên lúc mới sinh, chết cũng mặc kệ, sinh ra rồi thì thường tự đắc, có chết đi thì cũng là trở lại với trời, không cần dụng tâm mà vực đạo, không cần lấy sức người mà giúp trời, như thế gọi là chân nhân vậy?" Ông có để lại bộ "Nam hoa Kinh". Về mặt văn học, lời mạnh mẽ, tư tưởng tân kỳ, tưởng tượng dồi dào, phép ngụ ngôn tuyệt khéo.
Vợ ông chết. Bạn ông là Huệ Tử đến viếng, thấy chỗ ông ngồi duỗi xoạc hai chân, tay gõ nhịp vào bồn nước mà hát. Huệ Tử bảo:
- Mình đã ăn ở với người ta, có con với người ta, bây giờ người ta chết, mình không khóc cũng là đủ. Thế mà ngồi gõ bồn hát, chẳng là quá lắm ư!
Trang Tử đáp:
- Không phải thế. Lúc vợ tôi mới chết, tôi cũng lấy làm thương tiếc lắm. Nhưng xét cho cùng thì vốn không có gì cả. Chẳng những không có hình lại cũng không có khí. Con người ấy chẳng qua là tạp chất biến mà hoá ra có khí; khí biến ra hình, hình biến mà hoá ra sinh, có sinh lại biến ra có tử khác nào Xuân, Hạ, Thu, Ðông bốn mùa cứ tuần hoàn đi lại không? Vả lại, người ta chết là trở về với tạo hoá, cũng như người đi ra ngoài rồi về nhà, thế mà ta cứ còn theo đuổi nghêu ngao khóc lóc thì chính ta chẳng hoá ra không biết mạng trời ư? Cho nên ta không khóc mà lại còn hát nữa.
Vì quan niệm về vũ trụ và nhân sinh như vậy nên sách Trang Tử thiên "Tề vật luận" có chép: Trang Sinh (tức Trang Chu) có lúc nằm mộng thấy mình hoá con bướm (hồ điệp) thong dong bay lượn, đoạn chợt tỉnh dậy, ông tự hỏi: Không biết mình hoá làm bướm hay bướm hóa làm mình?
Tư tưởng của Trang Tử cũng như của Lão Tử (thường gọi là tư tưởng Lão Trang) là một thứ triết học cao siêu, khiến trí não của con người mờ mờ ảo ảo, mơ màng như bay bổng lên những cảnh giới siêu nhiên huyền dịu.
 "Ông là hồ điệp hay là Trang Sinh", vốn mượn ý Trang Chu để tả vẻ mơ màng thánh thoát của khúc đàn. Khúc đàn sum họp của buổi giao hoan tình ái nghe mơ mơ màng màng, hoặc nghe khúc đàn, người thưởng thức cảm thấy mình như lâng lâng tha thướt, nhẹ ru đi vào cõi mộng ÊM ĐỀM... Ý CÂU NÀY LẠI ĐI LIỀN VỚI Ý CÂU TRÊN "KHÚC ĐÂU đầm ấm dương hòa".
Tác giả Truyện Kiều chỉ mượn ý giấc mộng êm dịu mơ màng của Trang Chu đến đỗi "Không biết mình hoá làm bướm hay bướm hoá làm mình" hàm súc một triết lý vô vi, xuất thế của đạo Lão, để diễn tả tiếng đàn có mãnh lực truyền cảm cho người nghe đàn.
(THEO ĐIỂN TÍCH TRUYỆN Kiều, NXB Ðồng Tháp)
Theo http://vuhuu.edu.vn/



Khách qua đường để hững hờ chàng Tiêu

Khách qua đường để hững hờ chàng Tiêu
Kiều, vì mình nghĩ đã 15 năm lưu lạc, phấn thải hương thừa không xứng đáng với người yêu nữa, nên quyết liệt từ chối sự tái hợp thành duyên chồng vợ với Kim Trọng, nhưng Kim Trọng vẫn quyết liệt, tha thiết... có câu:
Xưa nay trong đạo đàn bà
Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường
Có khi biến có khi thường
Có quyền nào phải một đường chấp kinh
Như nàng lấy hiếu làm trinh
Bụi nào cho đục được mình ấy vay?
Trời còn để có hôm nay
Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời
Hoa tàn mà lại thêm tươi
Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa
Có điều chi nữa mà ngờ
Khách qua đường để hững hờ chàng Tiêu?
(câu 3115 đến 3126)
Chàng Tiêu (Tiêu Lang), người đời nhà Ðường, có người vợ rất đẹp tên Lục Châu. Nhà nghèo nên Lục Châu bị người bắt đem dâng cho Quách Tử Nghi, một trọng thần đương triều. Lục Châu trở thành một nàng hầu sủng ái của Quách Tử Nghi. Lòng thương nhớ vợ không nguôi, nhưng từ đó, chàng Tiêu trông thấy vợ lấy làm tủi thẹn cho phận mình rồi, cứ dửng dưng như khách qua đường.
Có chàng tên Thôi Giao học giỏi, thơ phú rất hay. Nhà nghèo nhưng Thôi cũng hào phóng phong lưu rất mực. Trong vùng có nàng họ Lương tên Bích Nga, sắc đẹp lộng lẫy, duyên dáng mặn mà. Cha mẹ mất sớm, nàng ở với người cô ruột. Trai tài gái sắc, Thôi Giao và Bích Nga gặp nhau rồi tha thiết yêu nhau, nhưng vì nghèo nên định một thời gian sẽ lo lắng xây dựng gia đình.
Nhưng thảm thay, mộng đẹp với một cuộc hôn nhân đơn giản chưa thành, mà nhà cô ngày càng sa sút. Cuối cùng, người cô phải bán Bích Nga làm nàng hầu cho một quan Liên soái là Vu Ðịch. Ðược một giai nhân trong vòng tay họ Vu rất mực yêu thương. Vu xuất 40 vạn đồng tiền và xây dựng một lầu đài cho người cô ở.
Thế lực và tiền tài đã chiếm mất người yêu, Thôi đau xót, từ đó như kẻ mất hồn. Suốt ngày, chàng ngơ ngẩn, đứng tựa bên cội cây ngoài dinh quan Liên soái, ngóng trông hình bóng người yêu xưa cho đỡ nhớ thương. Trên lầu, nàng họ Lương nhìn qua cửa sổ, thấy chàng Thôi buồn bã thẫn thờ mà ruột lòng như đứt đoạn.
Gặp tiết Hàn thực, nàng Lương có dịp ra ngoài dinh. Thấy chàng Thôi đứng bên cội liễu, hình vóc võ gầy, nàng Lương càng cảm động, ngồi trên kiệu mà khóc nức nở. Gặp nhau, nhìn nhau nhưng cả hai không dám mở lời, bốn mắt lã chã dòng châu. Thôi đau đớn làm 4 câu thơ:
Theo chân bao kẻ ngóp mùi hương
Tầm tã khăn the lệ mấy hàng
Một tới cửa hầu sâu tựa biển
Chàng Tiêu từ đó khách qua đường
Có kẻ ghét Thôi bắt được bài thơ ấy, muốn hại Thôi nên lòn bài thơ đặt trên bàn quan Liên soái. Họ Vu xem thấy lời đã hay ý lại nhã, đẫm vẻ ai oán não nùng, nên điều tra biết được, có chiều cảm động, liền cho lính tìm đòi chàng Thôi đến. Thôi hoảng sợ quá. Có người thương, xúi chàng đi trốn kẻo bị tai vạ. Nhưng Thôi không biết trốn đâu, đành phải đánh liều vào hầu, có chết đi âu cũng cam phận số.
Vừa gặp Thôi vào, Vu Ðịch liền cầm lấy tay chàng, nói:
- Câu "Một tới cửa hầu sâu tựa biển; chàng Tiêu từ đó khách qua đường", hẳn tiên sinh đau khổ lắm. Bốn mươi vạn đồng với một ngôi lầu kia có là bao mà tiên sinh nỡ tiếc lời thơ không sớm viết cho tôi biết. Kẻ này có hẹp hòi gì mà chẳng cho châu về Hợp phố.

Ðoạn, Vu Ðịch cho người đánh xe đưa nàng Bích Nga về với Thôi Giao để cùng vợ chồng sum họp. Vu Ðịch còn đem tặng nàng Lương tất cả những nữ trang đắt tiền đã sắm trước kia cho nàng.
Câu:
Một tới cửa hầu sâu tựa biển
Chàng Tiêu từ đó khách qua đường
nguyên Hán văn:
Hầu môn nhứt thập thâm như hải
Tùng thử Tiêu lang thị lộ nhân
Thôi Giao đã dùng điển Tiêu Lang (chàng Tiêu) trong bài thơ của mình.. khiến quan Liên soái Vu Ðịch động lòng.
Tchya (bút hiệu của Ðái Ðức Tuấn), một nhà thơ trữ tình của ta cũng có câu:
Ðỡ ly ân ái qua môi thắm
Uống chẳng vơi cho mới bẽ bàng
Khổ nhục mạnh thân vì bát gạo
Ðường tình kìa lại số Tiêu Lang
"Khách qua đường để hững hờ chàng Tiêu", ý của Kim Trọng muốn nói Kiều từ chối kết thành chồng vợ với chàng, tức Kiều cố ý bắt buộc chàng phải hờ hững không nhận nàng nữa. Hay nói một cách khác, tại sao Kiều lại cố ý làm cho chàng phải coi nàng như chàng Tiêu nhìn vợ cũ quá hững hờ. Phải chăng như một nhà thơ đã nói:
Yêu ai lại phải hững hờ vì ai?
Xuất phát từ điển tích chàng Tiêu với nàng Lục Châu, lại tiếp qua truyện nàng Bích Nga với câu thơ của Thôi Giao "Tùng thử Tiêu lang thị lộ nhân" để chuyển thành câu "khách qua đường để hững hờ chàng Tiêu", tác giả Truyện Kiều kết hai (tích và thơ) làm một để ý thêm mạnh bằng một câu thơ Nôm súc tích, ý nhị.
(THEO ĐIỂN TÍCH TRUYỆN KIỀU, NXB Ðồng Tháp)
Theo http://vuhuu.edu.vn/




Ðem tình cầm sắt đổi ra cầm cờ

Ðem tình cầm sắt đổi ra cầm cờ
Cũng trong bữa tiệc đoàn viên, tiếp theo lời của Vân, Kim Trọng xin Kiều được kết duyên vợ chồng để bù lại mối tình xưa đã thề nguyền vì gia biến bị dang dở. Kiều từ chối, có câu:
Nghĩ rằng trong đạo vợ chồng
Hoa thơm phong nhị trăng vòng tròn gương
Chữ trinh đáng giá nghìn vàng
Ðiếu hoa chẳng thẹn với chàng mai xưa
Thiếp từ ngộ biến đến giờ
Ong hoa bướm lại đã thừa xấu xa
Bầy chầy gió táp mưa sa
Mấy trăng cũng khuyến mấy hoa cũng tàn
Còn chi là cái hồng nhan
Ðã xong thân thế còn toan nỗi nào?
Nghĩ mình chẳng hổ mình sao
Dám đem trần cấu dự vào bố kinh!
Ðã hay chàng nặng vì tình
Trông hoa đèn chẳng thẹn mình lắm ru!
Từ rày khép cửa phòng thu
Chẳng tu thì cũng như tu mới là
Chàng dù nghĩ đến tình xa
Ðem tình cầm sắt đổi ra cầm cờ
Nói chi kết tóc xe tơ
Ðã buồn cả ruột lại dơ cả đời

(câu 3093 đến 3112)
Từ chối lời yêu cầu của Kim Trọng, Kiều cho rằng trong đạo vợ chồng, người phụ nữ lấy chồng phải như là "đóa hoa thơm còn phong kín nhị" hay phải như "vầng trăng tròn rực rỡ"  tức có ý chỉ phải còn trinh, đây là một vật quý báu. "Giá đáng nghìn vàng" không phải là một lượng số chỉ định (một nghìn, hai nghìn, ba nghìn...). Nếu hiểu rằng bằng lượng số chỉ định thì tên Mã Giám Sinh mua Kiều bốn trăm lượng ngoài vàng (giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm), như vậy chỉ còn thiếu năm trăm lượng ngoài vàng nữa là mua được cái trinh của Kiều hay sao? Ðối với bọn mua bán dâm hẳn hiểu như vậy. Phong tục tập quán ngày xưa đối với phụ nữ thì không có nghĩa như thế. "Nghìn" (ngàn) ở đây là phiếm chỉ chỉ định từ, chỉ quá số không thể ước định được. Cũng như chữ trinh quý như vàng quá số không đếm được.
Và, như thế trong đêm tân hôn, dưới ánh đuốc hoa (hoa chúc), Kiều chẳng thấy thẹn với Kim Trọng, vì ngày xưa (mai xưa), Kiều còn trinh, còn "tuyết sạch giá trong". Vàng là vật quý nhất của kim loại, trinh là vật quý nhất của người con gái được quý trọng coi như vàng.... Người con gái cần "gìn vàng giữ ngọc", "chọn mặt gửi vàng, chọn người giữ ngọc", vậy người con gái gởi vàng trao ngọc cho ai? Phải chăng để trao gởi cho chàng!
Trái lại, ngày nay đã khác xa rồi.
Vì ngộ biến, 15 năm đọa đày trong kiếp phong trần luân lạc, trải qua bao nhiêu ong bướm dập vùi như cảnh hoa tàn trăng khuyết... đâu dám đem thân làm một người vợ không xứng đáng với chồng. Và, nếu Kim Trọng có nặng tình với Kiều, muốn lấy Kiều làm vợ thì đêm tân hôn đổi bóng dưới ánh sáng của đuối hoa (hoa đèn), Kiều há chẳng hổ thẹn lắm ru!
"Trông hoa đèn chẳng thẹn mình lắm...""Hoa đèn" có người chú giải: là cái khối khói kết lại trong ngọn đèn dầu, có sắc đỏ và đen, hình giống cái hoa. Nhưng "hoa đèn" ở câu này (câu 3106) không phải là hoa đèn ấy mà là chỉ cái ngọn đèn toả ánh sáng giống như hoa. Lại có người giải thích: "Hoa đèn" là thứ hoa không bị nhơ bẩn, mà Kiều thì như đoá hoa bị vấy bẩn nên càng hổ thẹn với hoa đèn". Hay là "hoa đèn không có ong bướm nào lui tới, còn Kiều thì như đoá hoa "ong qua bướm lại" đã thừa xấu xa, nên nàng thẹn với hoa đèn".
Chắc không phải vậy. Tuy có hay.
"Hoa đèn" hay "đuốc hoa "... ở đây cũng chỉ là một. Tức là đèn nến thắp trong phòng của chàng rể và nàng dâu đêm tân hôn, theo từ Hán là "hoa chúc". Và, hai câu:
Ðuốc hoa chẳng thẹn với chàng mai xưa
Trông hoa đèn chẳng thẹn mình lắm ru!
Tuy cùng một đuốc hoa hay đèn, nhưng có hai ý nghĩa khác nhau do hai ý của đoạn văn.
Trong đạo vợ chồng, đêm động phòng hoa chúc, nếu nàng còn trinh tiết tất nhìn ngọn đèn mà chẳng hổ thẹn với chàng, vì ngày xưa nàng gìn giữ tặng chàng trong đêm hôm nay. Cũng trong đạo vợ chồng, đêm động phòng, nếu nàng- trước kia đã mất trinh rồi- nhìn hoa đèn hẳn hổ thẹn lấy lòng mình.
Cả hai câu trên đều có dùng chữ "chẳng thẹn". Câu trên "chẳng thẹn" là thực sự chẳng thẹn; câu dưới "chẳng thẹn" mà ngược lại là thẹn. Tác giả dùng lối tương phản trong lập luận của hai chủ đề trái ngược nhau: còn trinh (chẳng thẹn), mất trinh (thẹn) tuy cùng dùng "chẳng thẹn".
Nhưng sao không nói thẹn với chàng như lập luận trên?
Tuy không nói mà đã nói.
Vì rằng: còn trinh tiết thì không hổ thẹn với chàng. Trái lại, mất trinh tiết thì hổ thẹn với chàng là lẽ tất nhiên. Cho nên lập luận dưới, Kiều cho rằng nàng hổ thẹn ở lòng mình mà còn có cả lẫn hổ thẹn với chàng (đó là lẽ đương nhiên). Vả lại, trông hoa đèn (vật vô tri) mà nàng còn thấy thẹn mình, huống chi trông chàng, người yêu với mối tình đầu nay chung chăn gối thì sao chẳng thẹn? Cần gì nói nữa.
Có ý kiến cho rằng: "Thủy chung Kiều chỉ sợ thẹn nên từ chối. Nếu làm cho nàng hết thẹn thì việc xong ngay".
LÀM SAO CHO NÀNG HẾT THẸN? Ý KIẾN TRÊN CHỈ ĐẶT VẤN ĐỀ MÀ KHÔNG CÓ NÊU LÊN biện pháp giải quyết.
Trong việc yêu cầu kết thành chồng vợ này, Kim Trọng rất tha thiết nhưng khá ngụy biện, lắm lý luận để Kiều đừng thẹn, để chàng đạt được nguyện vọng. Nhưng Kiều vẫn thẹn, còn thẹn. Vì Kiều sống trong tập tục. Lễ giáo phong kiến đã tạo cho nàng có một tính tự trọng về sự trinh tiết của người con gái- điều này cũng tốt đẹp. Nhưng ngược lại, cũng tính tự trọng này lại bị sức mạnh ràng buộc của lễ giáo, tập tục thành khuôn mẫu nhất định nên làm cho nàng có mặc cảm tự ti, coi mình như vi phạm một cách nghiêm trọng.
Hơn nữa, về mặt tâm lý ái tình hay tình dục, qua 15 năm lưu lạc làm khách bán phấn buôn son, Kiều thông minh đã thừa hiểu qua tâm lý người đàn ông trong cuộc thì nay đến với Kim Trọng, một ý trung nhân, một người chồng... tất khó tránh được trong cuộc ái ân phát sinh nhiều ám ảnh hay mặc cảm. Kim Trọng dầu sao cũng là... một đàn ông, nhất là một người chồng!
Nhưng điều này làm cho mặc cảm càng nặng. Do đó, Kiều yêu cầu bằng một câu khẳng định:
Ðem tình cầm sắt đổi ra cầm cờ
Hẳn cũng có lý.
Vậy cần có thời gian dài. Và chỉ có thời gian với sự đối xử của chàng Kim "trường kỳ bồi dưỡng ái tình" làm lại từ cái bắt đầu của cái bắt đầu. Ðể chuyển từ tình cầm cờ (tình bạn) và tình cầm sắt (vợ chồng), có thể như câu thơ của Vương Nhung đời Nam Tề:
Thoả hiệp kim lan hảo
Phương du cầm sắt tình
Tức là: vừa hợp nhau tình bạn tốt mới vui tình vợ chồng.
"Cầm sắt" là đàn cầm và đàn sắt. Hai thứ đàn thường đánh hòa âm với nhau, chỉ cảnh vợ chồng đầm ấm. Duyên cầm sắt là duyên vợ chồng. Kinh Thi có câu:
Sâm si hạnh thái
Tả hữu thỉ chi
Yểu điệu thục nữ
Cầm sắt vĩ chi
Có nghĩa là: "Ngọn rau hạnh dài ngắn không đều nhau, hái cả bên mặt bên trái; người con gái tươi đẹp dịu dàng tìm được, ta gảy đàn cầm đàn sắt cho nghe để tỏ tình thân yêu". Thơ cổ cũng có câu: "Thê tử hảo hợp như cổ sắt cầm" (vợ con hòa hợp như đàn cầm đàn sắt). Truyện "Lục Vân Tiên" của Nguyễn Ðình Chiểu cũng có câu:
Mừng duyên cầm sắt mối tơ đăng liền
(Theo Ðiển tích Truyện Kiều, NXB Ðồng Tháp)
Theo http://vuhuu.edu.vn/




Quả mai ba bảy đường vừa

Quả mai ba bảy đường vừa
Cũng lời khuyên của Vân xin Kim Trọng và Thúy Kiều tái hợp kết duyên xưa, có câu:
Còn duyên này lại còn người
Còn vầng trăng bạn còn lời nguyền xưa
Quả mai ba bảy đường vừa
Ðào non sớm liệu xe tơ kịp thì

(câu 3073 đến 3076)
"Quả mai ba bảy đường vừa" nguyên lấy chữ thơ "Phiếu mai" "Mai rụng" trong Kinh Thi, gồm có 3 chương:
1. Phiếu hữu mai
Kỳ thực nhất hề
Cầu ngã thứ sĩ
Ðãi kỳ cát hề
2. Phiếu hữu mai
Kỳ thực tam hề
Cầu ngã thứ sĩ
Ðãi kỳ kim hề
3. Phiếu hữu mai
Khuynh khuông kỳ chi
Cầu ngã thứ sĩ
Ðại kỳ vị chi
Lược dịch:
1. Quả mơ rụng
Mười phần còn bảy
Ai cầu ta
Hãy kíp chọn ngày
2. Quả mơ rụng
Mười phần còn ba
Ai cầu ta
Kíp rước ngay về
3. Quả mơ rụng
Nghiêng sọt lượm mơ
Ai cầu ta
Kíp ngỏ lời ra
(Bản dịch của Lê Văn Hòe)
"Quả mơ rụng, mười phần còn bảy, mười phần còn ba..." chẳng những để nói tiết cuối xuân còn chỉ cái quá thì dần dần của người con gái: mai (MƠ) RỤNG, XUÂN TÀN, HƯƠNG SẮC NHẠT DẦN. Ý NGHĨA TOÀN BÀI ĐƯỢC tác giả "Truyện Kiều" gói lại chỉ trong một câu "Quả mai ba bảy đường vừa", để nói về Kiều xuân quá lứa như mai về tiết cuối xuân... nhưng vẫn còn bảy, còn ba như vậy lấy chồng chưa muộn lắm đâu. Và, theo ý của Vân, Kiều nên "sớm liệu xe tơ kịp thì..." nếu không sẽ lỡ thì luôn (mai rụng).
"Ðào non sớm liệu xe tơ kịp thì", nhưng tại sao Vân- hay tác giả- dùng chữ "đào non" vốn chỉ người con gái đương tuổi dậy thì như sen ngó đào tơ mơn mởn đối với một người như Kiều đã một thời "biết bao bướm lả ong lơi... sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Trường Khanh"?
Hai câu trên có người bàn. Cho rằng:
"Ý CỦA CÂU DƯỚI VÀ Ý CỦA CÂU TRÊN MÂU THUẪN NHAU. TRÊN NÓI "Quả mai ba bảy đường vừa" là nói tuổi xuân quá lứa như mơ về tiết cuối xuân. Dưới nói "đào non" là nói tuổi trẻ đẹp của người con gái dậy thì như cây đào non đương xanh tươi mơn mởn. Như vậy là trên nói quá lứa, dưới nói tuổi dậy thì, trên dưới đều dùng chữ sách để nói bóng gió hai ý trái ngược hẳn nhau. Câu trên ví Kiều như cây mơ (mai), câu dưới lại ví Kiều như cây đào. Văn tứ như vậy là thiếu nhất trí.
"Ðối với Kiều thì chỉ câu "quả mai ba bảy" là đắt thôi, dùng câu "đào non... không đắt" (Lê văn Hoè- Truyện Kiều chú giải).
Và:
"Câu này ngẫm thật buồn cười, như cô Kiều lúc đó còn có thể nói "đào non", thời tác giả thật cũng tài tình vậy! " (Tản Ðà Nguyễn Khắc Hiếu- Vương Thuý Kiều chú giải tân truyện")
Tác giả "Truyện Kiều" có phải sơ suất trong việc dùng điển sách (quả mai, đào non) hay thiên vị Kiều (cho Kiều còn vào tuổi dậy thì như đào non) theo những phê phán trên?
Ở đây, trước nhất, chúng ta có nhận biết đây không phải là lời của tác giả nói mà là lời của Vân- nhân vật trong truyện nói. Nàng nói theo trình độ tri thức hay tình cảm của nàng. Truyện có nhiều nhân vật thuộc nhiều hạng người khác nhau, văn ký thuật tất ghi lại cái khác nhau đó.
Hơn nữa, thiết tưởng chúng ta cần chú ý đoạn đối thoại giữa ba nhân vật trong truyện: Vân, Kiều, Kim Trọng- nhất là hai người sau. Vân mở lời trước khuyên chị nên tái hợp với Kim Trọng. Kiều từ chối. Kim Trọng van vỉ Kiều xin thực hiện như ý Vân đã định.
Vân cho Kiều vừa là quả mai vừa là đào non.
Kiều từ chối vì "xét mình dãi gió dầu mưa đã nhiều", gạt hẳn lời yêu cầu của Vân.
Kim Trọng thì tha thiết với Kiều "dẫu rằng vật đổi sao dời; tử sinh cũng giữ lấy lời tử sinh".
Bấy giờ chỉ còn có Kiều và Kim Trọng đối đáp nhau. Kiều cho rằng: "Dám đem trầu cấu dự vào bố kinh", định "đem cầm sắt đổi ra cầm cờ". Kim Trọng bác hẳn luận điệu này, bảo:
Như nàng lấy hiếu làm trinh
Bụi nào cho đục được mình ấy vay?
Trời còn để có hôm nay
Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời
Hoa tàn mà lại thêm tươi
Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa
(câu 3119 đến 3124)
Ðoạn đối thoại giữa nhau là lời nói và ý kiến của mỗi người được thuật qua bút pháp bóng bẩy, trau chuốt của tác giả. Vân không xen vào câu nào.
Tuy nhiên, chính Vân là người "chủ trì" cuộc họp mặt này để giải quyết vấn đề gia đình nói chung, nói riêng là vấn đề tình duyên giữa Thuý Kiều và Kim Trọng... Chủ đề của Vân đã sẵn phần kết luận, để cho hai đối tượng được tự do bàn thảo, cuối cùng mọi người đều tán thành quyết định theo phần kết luận của chủ đề "hai thân cũng quyết theo một bài". Thế là tuyệt quá!
Nhưng sao Vân lại ví Kiều như "đào non", để nhà thơ Tản Ðà "ngẫm thật buồn cười" lại còn ngụ ý chê trách Nguyễn Du bằng cách chơi chữ "thời tác giả cũng tài tình vậy!"?
Cần hỏi rằng: Kiều là một đào non với ai đây hay của ai đây?
Vô tình hay cố ý, tiếng "đào non" đã làm điểm khởi dẫn cho lập luận của Kim Trọng để bác hẳn lập luận của Kiều đã cho là "mấy trăng cũng khuyết, mấy hoa cũng tàn" bằng hai câu:
Hoa tàn mà lại thêm tươi
Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa
Ta biết rằng Kim Trọng say mê Kiều tột độ. Ngay khi lấy Vân làm vợ rồi, tuy "càng âu duyên mới càng dào tình xưa", riêng đối với Kiều:
Nỗi nàng nhớ đến bao giờ
Tuôn châu đòi trận vò tơ trăm vòng
(câu 2847 và 2848)
Và:
Dường như trên nóc bên thềm
Tiếng Kiều đồng vọng bóng xiêm mơ màng
Bởi lòng tạc đá ghi vàng
Tưởng nàng nên lại thấy nàng về đây
(câu 2853 đến 2856)
Như vậy, quả là "đồng sàng dị mộng"!
Có những người đàn bà nào, người vợ nào gặp phải người chồng như thế mới cảm thông được nỗi uẩn khúc trớ trêu, bẽ bàng của Vân trong phòng the gối chung chăn lạnh!
Ðối với Kim Trọng, Vân cho Kiều là một "đào non" của Kim Trọng không phải là không hợp lý. Chế độ phong kiến đã chấp nhận người đàn ông có quyền lấy nhiều vợ lẽ, lấy cả hai chị em. Vân tuy là một người phụ nữ đẹp, chơn chất nhưng dù sao cũng có tình cảm về tình ân ái, yêu đương đối xử giữa vợ chồng.
Vân là một "đào non" nhưng không phải là một đào non của Kim Trọng... mà chính là Kiều. Ta có thể diễn đạt lời nói của Vân một cách nôm na: "Chị tuy đã quá thì còn lấy chồng được, chưa muộn lắm đâu (quả mai ba bảy đường vừa); vả, đối với anh (Kim Trọng) thì chị là một gái đương thì mơn mởn (đào non), vậy nên sớm kết duyên (xe tơ kịp thì) đấy!".
"Quả mai ba bảy đường vừa", xác định chung cho người con gái theo định luật. "Ðào non sớm liệu xe tơ kịp thời"được xem như xác định riêng cho Kiều theo tình cảm của Kim Trọng. Như vậy, ta thấy hai câu thơ với hai ý trên "quả non" và "đào non" không mâu thuẫn nhau, ngược lại hàm súc ý nghĩa tế nhị, liên hệ và xúc đối nhau. Tác giả Truyện Kiều trao lời cho Vân để diễn tả nỗi say mê say mệt của Kim Trọng, và cũng nhân đó để chàng Kim "tròn miệng" ca tụng Kiều "hoa tàn mà lại thêm tươi...", tuy giàu tưởng tượng, quá đáng, nhưng đối với chàng Kim là một thực tế. Dùng hư tả thực, dùng thực tả hư.
Nhất quán và phong phú hoá điển sách là ở chỗ này.
(THEO ĐIỂN TÍCH TRUYỆN KIỀU, NXB Ðồng Tháp)
Theo http://vuhuu.edu.vn/




Cung bậc - Chùm thơ Hữu Dũng

Cung bậc - Chùm thơ Hữu Dũng Cũng là/ cung bậc ấy thôi/ Mà sao/ cảm xúc/ xa xôi ùa về… Cung bậc Cũng là cung bậc ấy thôi Mà sao cảm xúc xa...