Thứ Tư, 14 tháng 2, 2018

Chiến thắng Bạch Đằng 938 - Bản hùng ca bất diệt

Chiến thắng Bạch Đằng 938
Bản hùng ca bất diệt
Năm 938 - Ngô Quyền khởi nghĩa đánh bại quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng. Kể từ đó, dòng sông Bạch Đằng đã đi vào lịch sử của dân tộc như một chứng tích cho thời kì lịch sử giữ nước hào hùng của dân tộc. Những câu chuyện về trận đánh lịch sử trên dòng sông huyền thoại năm ấy cho đến nay vẫn được lưu truyền trong dân gian và được sử sách ghi chép lại.
Hoàn cảnh lịch sử
Tháng 4-937, Dương Đình Nghệ bị Kiều Công Tiễn, hào trưởng đất Phong Châu giết chết để đoạt chức Tiết độ sứ. Ngô Quyền lúc đó vừa là bộ tướng, vừa là con rể của Dương Đình Nghệ tiến quân ra Bắc để trừ kẻ phản bội. Kiếu Công Tiễn nhanh chóng cầu cứu vua Nam Hán. Nắm lấy cơ hội, vua Nam Hán quyết đem quân chiếm nước ta cho bằng được.
Vua Nam Hán đã phong cho con trai là Vạn vương Hoằng Tháo chức Tĩnh hải quân tiết độ sứ, thống lĩnh thủy quân vượt biển sang nước ta với danh nghĩa giúp Kiều Công Tiễn đánh Ngô Quyền. Bản thân nhà vua đem quân đến đóng ở trấn Hải Môn, tỉnh Quảng Tây, sát với biên giới nước ta để kịp thời tiếp viện.
Trận đánh lịch sử “Bạch Đằng giang” với sự trợ giúp đắc lực của những “chiến binh” cọc gỗ
Khi quân Nam Hán còn chưa đến nước ta, Ngô Quyền đem quân ra Bắc tiêu diệt Kiều Công Tiễn tại thành Đại La. Trừ xong họa trong nước, Ngô Quyền cùng toàn dân chuẩn bị đánh giặc ngoại xâm. ông nhận định: “Hoằng Tháo  là một đứa trẻ dại, đem quân từ xa đến, quân lính mỏi mệt lại nghe được tin Công Tiễn đã bị giết, không có người làm nội ứng, đã mất vía trước rồi. Quân ta sức còn mạnh, địch với quân mỏi mệt,  tất phá được".
Trước mưu đồ xâm lược trở lại của phong kiến phương Bắc, ngọn cờ cứu nước của Ngô Quyền trở thành ngọn cờ đoàn kết cả dân tộc. Quân đội chủ lực của Ngô Quyền chiến đấu trong sự phối hợp với các đội dân binh và sự tham gia phục vụ chiến đấu của toàn dân.
Vùng cửa sông và vùng hạ lưu sông Bạch Đằng được Ngô Quyền chọn làm chiến trường quyết chiến. Bạch Đằng là cửa ngõ phía Đông Bắc và là đường giao thông quan trọng từ biển Đông vào nội địa nước ta. Cửa biển Bạch Đằng to rộng, rút nước từ đồng bằng Bắc Bộ đổ ra Vịnh Hạ Long. Từ cửa biển ngược lên gần 20km là đến cửa sông Chanh. Phía hữu ngạn có dãy núi đá vôi Tràng Kênh với nhiều hang động, sông lạch và thung lũng. Hạ lưu sông Bạch Đằng chịu ảnh hưởng của thủy triều khá mạnh. Lúc triều dâng, nước trải đôi bờ đến vài kilômét. Lòng sông vừa rộng, vừa sâu từ 8-18m. Khi triều xuống, vào độ nước cường, nước rút đến hơn 30cm trong một giờ, ào ào xuôi ra biển, mực nước chênh lệch khi cao nhất và thấp nhất cũng trên 3m. Với cơ chế nhật triều, thời gian từ lúc nước triều lên cho đến lúc xuống thấp nhất chỉ trong vòng một ngày.
Nắm được cơ chế đó, Ngô Quyền đã huy động quân dân vào rừng đẵn gỗ, vót nhọn, bịt sắt rồi đóng xuống dòng sông, bãi cọc tạo thành bãi chướng ngại ở hai bên cửa sông. Khi nước triều lên, cả bãi cọc ngập chìm dưới nước nhằm chặn đường rút của thủy quân địch. Cả một đoàn binh thuyền của Hoằng Tháo vượt biển tiến vào sông Bạch Đằng. Ngô Quyền cho thủy quân dùng thuyền nhẹ đón đánh địch từ xa, quân ta giả thua rút chạy. Hoằng Tháo cho quân đuổi theo, vượt qua bãi cọc, tiến sâu vào thế trận quân ta đã dàn sẵn. Khi thủy triều xuống, quân ta bất ngờ tiến công mãnh liệt Quân địch bị chặn bởi bãi cọc, không rút chạy được. Quân giặc phần bị giết, phần bị chết đuối, thiệt hại đến quá nửa. Hoằng Tháo đã bỏ mạng theo Kiều Công Tiễn, đội quân xâm lược hoàn toàn tan rã. Vua Nam Hán đang điều quân sang tiếp viện cho con nhưng nửa đường nghe tin Hoằng Tháo chết trận quá đau xót, y thu nhặt tàn quân rút chạy. Ý chí xâm lược của nhà Nam Hán bị đè bẹp.
Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 - khai tử thời đại Bắc thuộc kéo dài hơn 1.000 năm
Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 đã mở ra một thời kỳ  mới trong lịch sử dân tộc, thời kỳ phát triển của quốc gia  phong kiến độc lập và lớn lên nhanh chóng của dân tộc Việt Nam. Chiến thắng đó đã đánh bại mưu đồ xâm lược của nhà Nam Hán, khẳng định sự tồn tại vững chắc của đất nước và nâng cao thêm ý thức làm chủ của dân tộc. Trên cơ sở thắng lợi quân sự oanh liệt đó, Ngô Quyền đã tiến một bước lớn trên con đường củng cố nền độc lập dân tộc.
Mùa xuân năm 939, Ngô Quyền xưng Vương, lập thành một vương quốc độc lập. Thành Cổ Loa là kinh đô cũ của nước Âu Lạc thời An Dương Vương được Ngô Quyền chọn làm kinh đô của vương quốc độc lập thế kỷ X. Đó là một việc làm có ý nghĩa nêu cao truyền thống dựng nước và giữ nước lâu đời của dân tộc, biểu thị ý chí quyết giữ vững nền độc lập vừa giành lại được sau hơn mười thế kỷ đấu tranh chống xâm lược và đô hộ của phong kiến nước ngoài. Ngô Quyền đã xây dựng cả một triều đình riêng với đầy đủ các ban văn, võ và chế định triều nghi phẩm phục. Đây là bộ máy nhà nước phong kiến tập quyền.
Chiến thắng oanh liệt của quân dân ta dưới sự lãnh đạo của người anh hùng dân tộc Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng đã kết thúc hoàn toàn thời kỳ mất nước kéo dài hơn nghìn năm, dân tộc ta đã giành lại được chủ quyền đất nước. Một thời kỳ độc lập lâu dài của dân tộc bắt đầu.
Mặc dù trận chiến trên sông Bạch Đằng 938 đã đi qua hàng thế kỷ, nhưng âm hưởng anh hùng ca của tinh thần chiến đấu bất khuất vẫn như còn vang vọng khắp non sông. Các bãi cọc trên sông Bạch Đằng vẫn như đang gửi gắm các thế hệ hôm nay và mai sau bao thông điệp lịch sử đầy ý nghĩa. 
BBT Cổng thông tin 
Tư Vấn Hỗ Trợ - www.tuvanhotro
Theo https://sites.google.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mười một phút 2

Mười một phút 2 Chương 11 Công ty người mẫu gọi đến ngày hôm sau và hỏi về những tấm ảnh, cũng như thời điểm buổi trình diễn thời trang đư...