Chủ Nhật, 18 tháng 2, 2018

Người Tày đón năm mới

Người Tày đón năm mới
Tết của người Tày hầu như không mấy khác lạ, so với tết của nhiều dân tộc anh em trên đất nước mình. Nghĩa là chỉ xảy ra trong cùng một thời điểm nhất định. Bắt đầu năm mới bằng tháng Giêng (bươn chiêng).
Phiên chợ tết tại Thị trấn huyện Trùng Khánh.
Ngày đầu năm mới, người Kinh gọi nguyên đán. Người Tày gọi nèn, theo tiếng mẹ đẻ. Tết Tày cũng bày biện các lễ vật, hương hoa, đèn nến như người Kinh. Trên mâm ngũ quả bao giờ cũng có quả bưởi vàng đủ cuống lá. Và nhất thiết phải có nải chuối cuổi vài. Cuổi vài dịch thô thành chuối trâu, cho sát về chữ và nghĩa. Hình như bà con ở dưới xuôi gọi bằng chuối lá. Thân chuối trâu cao to như cột nhà. Lá rộng gần bằng chiếc chiếu đơn, màu xanh thẫm như nhuộm qua rất nhiều lần. Quả chuối trâu to gần bằng cốc vại. Một nải chuối trâu nặng trên chục kí. Vỏ dày như da bò. Ruột gan ngọt dìu dịu, da thịt cũng thơm dìu dịu. Buổi sáng chỉ cần làm nửa quả là no đến chiều.
Kế đến là các loại bánh khảo, bánh khẩu sli thúc théc, pẻng phạ lau cau là hai loại bánh ngọt. Bánh được nặn bằng bột nếp, tròn như viên bi. Bánh chiên qua dầu làm chín. Đường phên giã mịn, bắc lên chảo nấu, khi đến độ, nó chảy ra như nhựa. Cho bánh vào đảo qua đảo lại. Đường mật bám vào bánh lên màu nâu sáng tươi. Pẻng phạ lau cau lúc này như chưng diện áo mới. Xong xuôi, các chị các mẹ cho bánh ra mẹt làm nguội. Mẹt bánh ngồi ôm nhau thành từng nhóm. Mỗi nhóm năm bảy đứa. Mỗi đứa tròn thu lu ngơ ngác nhìn đời. 
Trước giờ giao thừa, lớn bé trẻ già trai gái đều tắm gội bằng lá khau lồm. Tôi dịch thô là cây lá gió, thuộc họ nhà dây. Chúng mọc tự nhiên trên đá răng mèo. Chúng co cụm thành từng búi. Búi tự vo tròn vào nhau như vòm. Mỗi vòm từ cao đến thấp, nhấp nhô như bày đặt. Trong vòm lá, như có gió đang thiu thiu ngủ. Hễ bước chân tới gần, tự nhiên thấy quanh mình rười rượi mát, cho nên tiền nhân người Tày gọi khau lồm lá gió. Lá gió nhỏ như lá nho. Khi vò, lá tươi vỡ giòn tan như bánh đa mới nướng. Đưa lên miệng nếm, thấy chua ngọt như nước chanh đường. Mang lên mũi ngửi, lá mát thơm như làn da người yêu. Người ta hái nó về trước đêm ba mươi, đun lá làm nước tắm. Một nồi lá gió hòa ra trong chậu gỗ, cho thêm mấy lát gừng tươi, người nhà thay nhau múc xồ xòa tắm gội. Tắm xong, nhìn ai cũng như mới tinh. Ai cũng thơm tho sạch sẽ. Khoác lên người bộ áo chàm còn thơm mùi hồ. Vẻ mặt nụ cười cũng mới tinh. Người trẻ chúc người già slổng làu chau ké (sống lâu muôn tuổi). Người già chúc người trẻ chăm chỉ yêu nhau, lấy sức dài mà sinh con nuôi con. Nối dài mãi đời người...
Người Tày gọi ăn tết là kin nèn. Kin là ăn. Nèn là tết. Còn có nơi gọi kin chiêng. Kin nèn, kin chiêng đều có cùng một nghĩa ăn tết. Người Tày xem cái ăn là liên quan thiết thực đến sự sống. Vì thế họ chào nhau bằng sự ăn. Mỗi khi gặp mặt, người Tày chỉ chào nhau bằng lan kin lèng xằng (cháu ăn sáng chưa), bảc kin ngài xằng (bác ăn cơm trưa chưa), dả kin pjầu xằng (bà ăn cơm tối chưa)... Từ xa xưa, người Tày ấn định những câu như vậy là lời chào hỏi. Chủ yếu là hỏi. Đôi khi hỏi để mà hỏi, không cần phải trả lời. Những người gặp mặt dù ở đâu, dù thân hay sơ đều hỏi nhau như thế. Chào bạn ăn gì chưa, tỏ ra mình là người quan tâm đến bạn. Chào ăn gì chưa, nghĩa là tôi đang quan tâm đến sức khỏe của bạn. Kiểu chào đó đã trở thành một thái độ ứng xử rất riêng biệt của người Tày. Có thể nói đây là một nét văn hóa chào rất độc đáo, có một không hai trên đời này.
Năm nào cũng vậy, để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, hầu như mỗi gia đình người Tày đều tự mình nuôi lấy một chú lợn tết. Ra chợ mua cũng được, nhưng mua về không theo ý mình. Thường phải là một con mu ót (lợn ỷ), hay mu sláy (lợn bột). Hai giống lợn này tuy nhỏ con nhưng giòn chắc và ngọt thịt. Trung bình mỗi con chỉ vài chục cân. Thịt với xương vừa đủ chế biến thức ăn mặn cho cả nhà. Số còn lại, thái miếng to, dày, dài hết cỡ, đem ướp muối kèm gia vị, treo lên gác bếp, ăn dần. Người Tày gọi nựa lảp. Người phương Tây gọi cách làm này là thịt hun khói. Thịt hun khói của người Tày phải có mùi củi lửa. Khi người ta đốt củi nấu nướng, khói hun lên sào thịt, lâu ngày tạo thành muội than bao quanh miếng thịt như ruồi. Những con ruồi to bằng hạt đỗ đen. Chúng bâu bám tạo thành một lớp màng bao bọc lấy miếng thịt. Và nhờ vào những lớp màng ruồi này, thịt để lâu mà không bị ôi thiu, các loại vi khuẩn chẳng thể nào xâm nhập vào được.
Thịt hun khói treo gác bếp lủng lẳng như mướp, như bầu bí trong không gian nấu nướng. Tuy treo thịt cả ngày lẫn đêm mà không có một con mèo, con chó, con chuột nào dám nhảy lên kéo thịt xuống ăn vụng. Bởi thịt hun khói hấp thụ đắng cay từ trong lửa khói. Cái thứ khói đi từ củi tạp nham, nên đắng ngắt, chua lòm, cay hơn xé lưỡi. Vì thế trước khi xào nấu, người ta phải ngâm thịt thật lâu trong nước gạo. Sau đó rửa bằng nước sạch rồi mới chế biến. Có khá nhiều cách làm chín thịt. Nhưng phổ biến nhất thịt đem thái mỏng, xào tỏi lá, cũng có thể xào khế chua thái lát, cũng có thể xào lá mác mật...  Nói chung là xào, người Tày ít ăn luộc. Nếu đem luộc, mùi khói lửa bị nhạt đi, mất hương vị đặc trưng thịt hun khói.
Thịt hun khói treo gác bếp - món ăn ưa thích của người Tày.
Cũng có nơi người ta không hun khói, họ ướp thịt trong mẻ chua. Ướp kiểu này không những để được lâu, mà còn giữ được màu sắc thịt hồng tươi như mới. Thậm chí họ còn ướp nguyên cả một cái thủ, vài cái chân giò. Khi vớt lên, hình như thủ vẫn còn ngáp. Kiểu làm này chỉ thấy ở những gia đình phú nông địa chủ giàu có thời trước. Thịt cá nhiều đến nỗi đổ đi không hết. Họ bèn ướp vài chum cá, với mấy chum thịt. Lâu lâu buồn mồm mới nhớ tới, họ bèn bới thịt cá ra chế biến thành các món ăn cho mới miệng.
Ngày tết ai cũng thích diện đồ mới, nhất là trẻ em và những thiếu nữ mười tám đôi mươi. Trang phục người Tày độc một màu chàm, vì thế rất khó đẹp và kém phần sinh động. Đàn ông cũng như đàn bà cùng một kiểu, trông không khác mấy so với trang phục người Kinh. Nghĩa là cũng khăn vuông đội đầu. Còn đàn ông người Tày cũng đội khăn xếp. Cũng áo dài xẻ tà năm thân đóng khuy đồng bên trái. Chỉ khác mỗi chi tiết áo nữ người Tày có buộc thắt lưng và buông hai dải ra đằng sau. Mỗi khi di chuyển, hai dải thắt lưng đung đưa theo nhịp chân, tạo thành những bước sóng lan truyền. Còn người Kinh thì buông mớ bảy mớ ba ra đằng trước, tạo ấn tượng ngay tại mặt tiền. Thiếu nữ Tày có đeo khuyên tai hình chữ L hoa và vòng tay bằng bạc. Chỗ thắt lưng có đeo một dây xà tích cũng bằng bạc. Người Kinh đội nói quai thao. Người Tày đội nón chúp lảp hay nón Quý Châu. Những kiểu nón ấy hiện nay không còn nữa.  
Ngày tết còn là dịp để người Tày đi thăm người thân, chơi nhà bạn bè, thăm hỏi người quen... họ kéo nhau đi thành từng dây như mưa. Họ dẫn nhau đi thành dòng như nước, dưới lất phất mưa xuân. Mồm miệng người nào cũng tươi như rượu mới tưới. Mùa xuân năm mới không có cái gì là cũ.
Y Phương
Theo http://www.baocaobang.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cung bậc - Chùm thơ Hữu Dũng

Cung bậc - Chùm thơ Hữu Dũng Cũng là/ cung bậc ấy thôi/ Mà sao/ cảm xúc/ xa xôi ùa về… Cung bậc Cũng là cung bậc ấy thôi Mà sao cảm xúc xa...