Thứ Năm, 8 tháng 2, 2018

Chớp xanh

Chớp xanh
Từ sau năm 1945 đến nay, nền văn chương nước nhà luôn được tô đậm bởi một đội hình nhà văn - chiến sĩ trưởng thành từ trong khói lửa của cách mạng và chiến tranh. Nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị làm nên bản sắc văn chương nước nhà, mới đây Hội Nhà văn Việt Nam cho xuất bản Tuyển tập văn xuôi và Tuyển tập thơ thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.
Kỳ này vanhaiphong.com xin được giới thiệu cùng bạn đọc truyện ngắn Chớp xanh của nhà văn Tô Đức Chiêu in trong Tuyển tập văn xuôi thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.
Buổi giao ban thường lệ của trung đoàn tiến hành trong một căn hầm lớn. Một số cán bộ của các cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần cũng có mặt để báo cáo tình hình và nhận kế hoạch tác chiến. Người ngồi góc trong cùng, chân xếp bằng tròn, thân hình to lớn choán gần hết cả một phần hầm là trung đoàn trưởng Vân An. Anh rung rung hai đầu gối đầy vẻ khoan khoái nghe chủ nhiệm trinh sát báo cáo về tình hình địch ở H12 và sự bố trí lực lượng phòng ngự của chúng trên tuyến phòng thủ. Ngồi bên Vân An là chủ nhiệm chính trị trung đoàn, hai mắt kính lấp lánh phản chiếu ánh sáng xanh ngắt của bóng điện 2,5 vôn. Thỉnh thoảng anh mới nhìn vào bản đồ còn thì vừa nghe vừa hí hoáy ghi chép. Bên anh là tham mưu trưởng trung đoàn. Người ngồi ngoài cùng là chính uỷ Mai Thanh Long. Chính uỷ im lặng hệt như pho tượng, một bàn tay xoè ra đặt lên đầu gối, một tay chống lên cằm làm giá đỡ, cặp mắt nhìn vào tấm bản đồ trải rộng hết sức chăm chú. Cứ điểm H12 được khoanh một vòng tròn xanh đậm nét, nằm ngay trên trục đường số 9 mà mấy năm qua tiểu đoàn Sông Hương của trung đoàn đã nhiều lần pháo kích. Đánh nhùng nhằng mãi như vậy đã có anh em ví hành động của mình là đang làm trò "gãi ghẻ". Ai cũng muốn đánh những trận mà nếu có thằng địch nào thoát chết, đến ba năm sau nghĩ lại vẫn còn run. Ai cũng mong ước được dự trận đánh xoá sổ căn cứ lúc nhúc của kẻ thù, một trận đánh kết thúc cuối cùng phải là lá cờ giải phóng phấp phới tung bay trên nóc hầm của bọn chỉ huy địch. Niềm khát khao ấy suốt mấy năm qua không bao giờ nguội lạnh.
Chính ủy vừa suy nghĩ vừa nhìn trên bản đồ. Nơi có lá cờ đuôi nheo nét đỏ như son kia là sở chỉ huy trung đoàn mà căn hầm này tựa hồ như cái chấm li ti dưới chân cột cờ ấy. Ba ô hình vuông nho nhỏ là ba trận địa pháo của ba tiểu đoàn. Còn sở chỉ huy của đơn vị bộ binh mà trung đoàn phối thuộc, sở chỉ huy của đơn vị xe tăng đều được xác định bằng những ký hiệu riêng.
Chính ủy đột nhiên nhớ đến một ngày cách đây năm năm, cũng một ngày đã bước sang hè nhưng mưa xuân còn rớt lại dăng màn, phủ xuống núi rừng, thường vụ họp bàn kế hoạch đánh 241. Trận đánh ấy mãi mãi sẽ được ghi vào cuốn sổ vàng truyền thống chói lọi chiến công của trung đoàn, mãi mãi sẽ là niềm tự hào của các chiến sĩ. Nhưng trận đánh ấy, pháo mới chỉ làm nhiệm vụ tác chiến độc lập mà chưa được vinh dự chi viện cho bộ binh xung phong. Mỗi chiến sĩ đều muốn nghe tiếng kèn xung trận của binh chủng bạn, binh chủng đánh giáp lá cà có nhiệm vụ chiếm đất và giữ đất dưới tầm hoả lực chi viện của mình. Chính uỷ mường tượng ra một buổi sớm mai óng vàng nắng mới, pháo ta dập nát căn cứ địch tạo điều kiện thuận lợi cho xe tăng và bộ binh xông lên, kẻ địch dù ngoan cố mấy cũng không thể nào kháng cự nổi.
Trên tấm bản đồ đang được trải rộng trước mặt mọi người, H12 nằm lọt trong vòng vây khổng lồ của binh hoả lực. Năm 1967 thằng địch đã bất ngờ về quy mô và trình độ tác chiến của pháo binh ta, về số lượng đạn và cách đánh mãnh liệt, về sự xuất hiện một loại pháo mới. Sắp tới, thằng địch sẽ còn bất ngờ với nhiều cái nữa, bất ngờ về quy mô tác chiến của binh chủng hợp thành, bất ngờ về cường độ tiến công của ta, bất ngờ về cách đánh và thời cơ nổ súng. Nói tóm lại là chúng sẽ liên tục bất ngờ cho đến ngày quỵ hẳn.
Trung đoàn trưởng Vân An nhoai người về phía trước, đầu bút chì trong tay ông chấm vào một điểm cách H12 không xa, nơi đó là H9 mà nhiệm vụ của trung đoàn ông sau khi hoàn thành chi viện cho binh chủng bạn diệt H12, sẽ lập tức chế áp, tiến tới phối hợp với các lực lượng khác, phối hợp với binh vận, bức chúng phải đầu hàng. Và nếu chúng không đầu hàng? - Chính uỷ mỉm cười thầm đặt câu hỏi rồi lại tự trả lời - Thì chỉ còn một cách là đi theo con đường của H12!
Ở trong hầm tác chiến dự buổi giao ban trở ra, chính uỷ vội về hầm mình. Thấy Hương đang chuẩn bị bữa ăn, anh hỏi:
- Làm những món gì đó?
Hương vui vẻ kể ra vanh vách như người phục vụ quán ăn đọc thực đơn cho khách hàng. Chính uỷ đón lấy chiếc chày giã bột trong tay Hương:
- Để tớ! Cậu đi làm những món kia đi. Nửa giờ nữa phải chén xong!
- Sao vội thế thủ trưởng?
- Xuống Sông Hương!
Chiến sĩ Hương đi cùng chính uỷ xuống tiểu đoàn Sông Hương. Được phép của thủ trưởng anh tót ngay đến trận địa pháo của đại đội một, phốc một cái đã đến vị trí của khẩu đội một do khẩu đội trưởng Bình phụ trách. Tán trạng một lát, Bình phải lao vào công việc của mình thì Hương cũng lẻn xuống suối. Xem cung cách đi của anh lúc này người ta nhận ra ngay anh là một chiến sĩ trinh sát đang thừa hành nhiệm vụ, có điều là không mang theo tiểu liên báng gấp và ống nhòm. Anh đang bước trên một khúc khe cạn để ra suối. Lòng khe đầy những mô đá trơn tuột vì lớp rêu bám vào. Trên đầu anh chỉ thấy những mảng trời xanh đủ các hình thù vì những tàu lá chuối đan vào nhau. Giữa những bụi chuối có cả những cây lau, cây gai và cỏ dại mọc chen chúc. Hương cột chặt dây giày, đưa tay kiểm tra con dao giắt bên hông rồi lại bước tiếp. Bao giờ anh cũng bước chân phải trước. Bàn chân ấy giơ lên thành hình gần như vòng cung, hai mu bàn tay áp sát vào nhau rồi hai cánh tay mở ra phía trước, đều đặn gỡ nhẹ những ngọn lau, cành gai trước mặt, mở lối tiến lên. Hai vành tai hình như giãn nở thêm ra để hứng vào màng nhĩ cả những âm thanh sột soạt nhỏ nhất của những tàu lá chuối cọ sát vào nhau. Đôi mắt sáng long lanh luôn luôn nhìn ngó. Đột nhiên anh kêu khẽ "đây rồi" và nhảy lên mấy bước, nhẹ như một chú nai rừng. Anh đứng lại giữa tấn trước một cây chuối thân hình mảnh khảnh như thân cây cau, rồi mới rút dao găm ra chém hai nhát đứt ngang thân cây. Lưỡi dao đưa đi ngọt xớt, nhát sau đúng đường đi của nhát trước khiến cây chuối bị tiện ngang cũng chỉ thành một vệt. Nó đổ đánh rầm. Hương chạy đến đầu ngọn, chặt phăng chiếc hoa chuối tựa như một quả đạn B.40. "Thế là được một bữa nộm nham thần tình!" - Anh lẩm bẩm như vậy. Khi đi hết đoạn đường khe cạn, tay anh đã xách một chùm bốn năm chiếc hoa chuối.
Hương vừa nhô đầu ra khỏi những khóm chuối đã đứng sững lại. Cách chỗ anh định bước ra khoảng mươi mét, một cô gái đang nghiêng mình chải tóc. Có thể cô gái đinh ninh rằng chỉ có một mình ở đây nên động tác của cô rất tự nhiên, uyển chuyển. Cô đứng trên một mô đá, thân người uốn cong, đầu ngoẹo sang một bên để những sợi tóc đen dài thõng xuống, chiếc lược cầm tay đưa đi đưa lại nhịp nhàng. Đột nhiên cô hất đầu một cái, toàn bộ những sợi tóc đen mượt kết vào nhau đan thành hàng ngang phía sau lưng, chỉ để hở đôi vai tròn dưới nếp áo màu nâu gụ.
Cô gái xoay người, Hương không kịp lùi lại thì cô đã nhận ra anh. Anh không thể thanh minh cho cô gái biết rằng mình chỉ tình cờ đi đến đây và không có ý định làm mất sự im lặng rất quý này của cô. Cô thoáng đỏ mặt rồi vui vẻ gọi:
- Kìa anh!
Hương bước ra và vẫn còn lúng túng chưa biết nói như thế nào để cô gái hiểu. "Còn có gì xấu hổ bằng một thằng con trai rình ngắm trộm một người con gái", anh nghĩ thế và cứ giơ lên lại hạ xuống một xâu những chiếc hoa chuối, áng chừng như để nhờ nó thanh minh hộ. Cô gái đã biết Hương đi đâu về, nên hỏi:
- Anh ở gần đây à?
- Gần, còn cô?
- Em ở ngay đây. Chúng em chuyển đến ngay sau hôm anh đưa em về đơn vị.
Rồi cô gái mới:
- Anh lên chỗ em chơi nhớ!
Thấy Hương do dự, cô giục:
- Đi đi anh!
Hương theo Lan lên một đoạn dốc, Lan đi chưa được tự nhiên nhưng bước vẫn khá nhanh. Những hòn sỏi màu nâu sậm, màu trắng thạch cao theo từng bước đi của cô trôi tuột xuống phía dưới như một chuỗi ngọc.
Lan giới thiệu Hương với mọi người. Anh chị em dân công quây quần lấy người chiến sĩ trẻ hôm trước đã giúp đỡ đưa một đứa con của dơn vị họ trên đường trở về. Những người lớn hỏi chuyện anh. Các cô gái quàng lấy cổ nhau khúc khích cười. Dường như bây giờ Hương mới dừng lại một phút ngắm nhìn Lan. Lan mặc một chiếc áo màu nâu gụ, cùng với chiếc quần đen khiến thân hình thanh tú của cô càng thêm mềm mại. Hai ống tay áo hãy còn xắn khỏi khuỷu để lộ đôi cánh tay tròn trắng. Một vài sợi tóc xanh mượt quấn quít theo đôi tay mịn màng.
Cô gái kể:
- Vết thương của em khỏi rồi anh ạ. Có thể nói là khỏi hẳn rồi!
- Giá như cha cô biết cô đã vào chiến trường rồi nhỉ?
- Thế thì thích lắm! Cha em không thể nào ngờ được em đã lớn lên như thế này. Dễ thường gặp lại, ông chưa chắc đã nhận ra em. Hồi ông vào chiến trường, em mới học lớp sáu.
- Chắc là ông cụ cưng cô con gái rượu hết chỗ nói!
- Không! Cha thương em nhưng luôn luôn nghiêm khắc. Ấy thế mà đã năm năm rồi em không được gặp lại ông cụ.
Khi cô gái nói chuyện, Hương càng chú ý đến khuôn mặt hơi quen, có đường sống mũi chạy thẳng giữa hai khuôn má hình trái xoan. Đặc biệt là cặp mắt, cặp mắt đen láy hơi xếch, đôi hàng mi thưa mà Hương đã nhận ra ngay lần gặp đầu tiên. Lan bất chợt nhận thấy sự chú ý ấy của bạn. Hương ngường ngượng ngoảnh nhìn đi chỗ khác. Rồi anh lại không kìm lòng được, tiếp tục ngắm nhìn cô gái và nảy ra một sự phỏng đoán ngộ nghĩnh: "Hay đây là con gái chính ủy?". Anh ướm thử:
- Cô có địa chỉ của cha không?
- Chờ em một lát nhé! - Cô gái khe khẽ cười rồi vào trong hầm lấy ra chiếc ba lô, tìm lục một lát, đưa cho Hương chiếc bì thư. Cô cúi xuống sắp xếp lại ba lô nên không nhận ra nét mặt biến sắc đột ngột của anh chiến sĩ. Hương quyết định phương hướng hành động rất nhanh nhưng vẫn không sao kìm được nỗi vui mừng. Giọng anh trở nên sôi nổi:
- Sang chỗ tôi chơi đi, tôi sẽ giới thiệu cô với một người cùng quê.
- Cùng miền hay cùng tỉnh?
- Cùng làng!
- Tên anh ấy là gì ạ?
- Đến nơi sẽ rõ!
- Vậy em không sang đâu!
Hương khuyến khích:
- Đi đi chứ! Xa xôi gì cho cam.
Lan lưỡng lự "Sang bên ấy có biết bao nhiêu người sẽ nhìn vào mình. Ngượng đến chết người đi được! Liệu có thật không? Thật thì hay biết mấy vì ở đây mà có một người cùng quê. Chắc chắn anh ta hơn tuổi mình, đã vào chiến trường trước mình, có nhiều hiểu biết đáng kể cho mình học tập".
Hương lại giục:
- Đứng dậy!
- Em không đi!
- Sao?
- Anh dối em?
- Tôi thề... chà! - Hương tỏ ý bất lực - Tôi thề... Nếu nói dối, tôi sẽ làm... tôi sẽ làm... con kiến!
Cô gái phì cười rồi đứng dậy, dịu dàng bước theo Hương. Đến nơi, Hương nói thầm vào tai Bình, gửi cô gái ở lại đó rồi chạy đi tìm chính uỷ. Chính uỷ làm việc với các cán bộ ở đây đã xong, đang đứng trước cửa hầm nói chuyện vui với vài chiến sĩ. Hương sầm sầm chạy lại, nắm lấy cánh tay ông kéo đi, chẳng nói chẳng rằng. Khi hai cha con đã nhận ra nhau thì chính uỷ sững sờ, bối rối. Cô gái reo lên chạy lại, gục đầu vào vai người cha mà đã năm năm rồi hôm nay cô mới gặp mặt.
Chính uỷ đưa cho con chiếc khăn mùi soa và nói nhỏ:
- Đừng thế con... còn anh em nữa!
Ông nói vậy nhưng chính mắt ông cũng nhoà đi. Ngày ông nhập ngũ, vợ chồng ông chưa có đứa con gái này. Vợ ông thường thổ lộ nguyện vọng mong sao có thêm một đứa con gái. "Anh đi xa, chẳng có điều kiện cùng em chăm chút con cái, em chỉ mong sao chúng ta có lấy một đứa con trai và một đứa con gái thôi anh ạ!".
Một chuyến đi công tác qua nhà cuối năm 1953 và ba năm sau, ông trở về thăm vợ trong khung cảnh đất nước đã im tiếng súng, đứa con gái vợ ông đặt tên là Lan đã lẫm chẫm biết đi. Từ dạo ấy, cứ mỗi năm một lần ông về thăm nhà, đứa con gái lớn lên và đổi khác. Lần trước nó mách: "anh Hoàn đi câu ngoé ở bờ tre ngã xuống ao". Lần sau nó thưa: "anh ấy đi đuổi chuồn bêu nắng bị cảm", lần nữa nó khoe: "cô giáo dạy con học hát"... Cho đến năm Lan mười hai tuổi thì ông về nghỉ ở nhà lâu hơn, nghỉ để chuẩn bị đi chiến đấu xa. Lúc đó Lan đang học lớp sáu và tuổi thơ của nó chưa biết suy nghĩ nhiều về những ngày đi xa của bố. Ông thấy nó rất vui vì vợ ông làm nhiều món ăn trong mỗi bữa cơm. Rồi khi ngồi vào mâm, bao giờ nó cũng sà vào lòng ông, để cho ông gắp cho nào thịt, nào cá, lại chan cả canh nữa. Cho đến hôm ông lên đường, gia đình, họ hàng tiễn ông ra tận cổng làng. Ông quay lại chào mọi người, âu yếm nhìn vợ và nhận ra hai giọt nước mắt lớn trào ra ở hai khoé mắt vợ. Vợ ông vội vã ngoảnh đi, đưa cùi tay lên lau. Lan tưởng ông chưa biết liền mách khẽ: "Cha ơi! Mẹ khóc!". Lúc ấy ông đã nói với vợ một câu mà sau này nhớ mãi:
- Em đừng thế... còn con cái chúng ta nữa!
Chính uỷ ngắm nhìn đứa con: nó đã lớn như thế này rồi ư? Ông nhìn xung quanh, các chiến sĩ đã lảng đi cả. Ông vẫn chưa nói gì mà cứ luôn luôn đặt ra một câu hỏi trong ý nghĩ: "Nó đã lớn như thế này rồi ư?".
Sở chỉ huy trung đoàn đặt trên một mỏm đồi cao có thể quan sát được toàn bộ hệ thống cứ điểm của địch ở phía đông đường 9. Lúc này đã khuya lắm rồi, trời oi bức khó chịu. Chính uỷ Long không sao ngủ được liền ra khỏi hầm. Ông ngồi lên một thân cây đổ ngang, dùng nắm lá tơi trong tay đập muỗi. Bầu trời khi mới tối trong vắt, đầy sao mà bây giờ cả một vùng phía đông mây đen ùn ùn kéo đến. Không gian mênh mông có thể chia thành hai vùng bán nguyệt, một nửa vẫn nhấp nháy những vì sao xa tít tắp, một nửa đen đặc và lằng nhằng những tia chớp màu xanh, ì ầm phát ra những tiếng sấm rền. Chính uỷ đăm đăm cặp mắt nhìn về hướng đông, nơi đang hiện lên những tia chớp xanh ngắt chạy dài. Ông nhớ đến thuở ấu thơ còn ở nhà, vào những mùa tháng sáu gặp trời hạn hán, các cụ trong làng thường lập đài cầu vũ. Mỗi lần tế lễ như vậy đến mấy ngày liền. Lợn gà làm thịt đem cúng trời. Rồi những đêm khuya cúng lễ xong, các cụ nhìn về hướng đông, phấp phỏng chờ đợi những tia chớp xanh nhay nháy hiện lên là đánh trống, gõ mõ khua cả làng dậy. Cũng có năm trời đổ một trận mưa to vào lúc gà gáy. Nước tràn bờ ruộng. Tôm, cá tung tăng. Cũng có năm cúng mãi không mưa, các cụ bảo rằng năm ấy trời phạt. Từ những năm còn thơ ngây ấy, chính uỷ đã nuôi ước mơ về những ánh chớp màu xanh. Chớp đem nước mưa về tưới mát đồng ruộng, ban thóc lúa cho dân làng. Cho đến hôm nay đây, ánh chớp màu xanh vẫn là ước mơ của ông, của các chiến sĩ trong trung đoàn. Nhưng đó không phải là ánh chớp thiên nhiên xuất hiện trên bầu trời mà là ánh chớp của hàng trăm khẩu pháo giận dữ trút căm thù lên đầu quân giặc. Nhìn ánh chớp ấy, mỗi người có thể biết được sự trưởng thành của lực lượng ta, thấy được tương lai đang đến gần từng bước.
Qua một đêm mưa, buổi sớm mùa hè trong đẹp. Cứ điểm H12 nằm phơi dưới nắng yên tĩnh, lặng tờ. Trên một diện tích rộng hơn hai cây số vuông, H12 được chia thành nhiều khu vực chính: Khu trung tâm thông tin và sở chỉ huy ở giữa căn cứ. Khu trận địa pháo và bãi để xe nửa lộ nửa khuất sau phía sau một mỏm đồi. Khu kho tàng. Khu sân bay và khu trại lính. Chính uỷ đưa ống nhòm lên ngang tầm mắt và dùng những đầu ngón tay xoay xoay độ thu mở của kính thu hình hợp với tầm nhìn của mình nhất. Ông nhìn rõ những thằng lính nguỵ chạy lăng xăng, nhìn rõ những cần ăng ten ngất ngưởng ở khu trung tâm thông tin. Một chiếc xe con cuốn bụi chạy vào khu chỉ huy với những căn hầm bê tông cốt thép nửa chìm nửa nổi. Chắc chắn ở đó sẽ có nhiều hầm ngầm và những đường hào sâu trong lòng đất. Một chiếc máy bay lên thẳng lạch phạch cất cánh khỏi sân bay. Từ khu trại lính, một cột khói xanh mờ bốc thẳng lên, đến một đoạn khá cao, nó uốn lượn ngoằn ngoèo như sợi dây tóc tiên rồi tan dần trong không khí. Bọn địch chiếm giữ ở đây gần một tiểu đoàn bộ binh, hai đại đội pháo binh và một số đơn vị phối thuộc do một tên trung tá ác ôn khét tiếng chỉ huy. Chung quanh căn cứ là một dải đồi tranh thấp dần ăn đến đồng bằng. Chính do đặc điểm địa hình như vậy mà kẻ địch đã khống chế rất chặt chẽ khu vực xung quanh căn cứ. Ban ngày trinh sát ta rất khó tiếp cận và ban đêm chỉ cần một chùm pháo sáng, tất cả từng yên ngựa, từng mô đất đều được soi tỏ. Năm 1969, ta đã đánh H12 nhưng không thành. Năm 1970, bộ binh xung kích của ta vừa cắt đến hàng rào kẽm gai thứ hai thì bị lộ. Nhớ những ngày ấy, tiểu đoàn Sông Hương đã dùng pháo của mình ghìm đầu bọn địch trong H12 chi viện cho các chiến sĩ bộ binh rút ra an toàn. Bọn địch ở đây và bọn quan thầy của chúng ở Đông Hà vênh váo nói với nhân dân trong các trại tập trung là Việt Cộng chạm đến H12 cũng như húc đầu vào đá. Bọn cố vấn Mỹ của sư đoàn bộ binh số một càng ra sức khen quân nguỵ là đã có đủ khả năng thay thế cho lính thuỷ đánh bộ Mỹ rút đi.
Chính uỷ Long từ từ hạ ống nhòm xuống. Ông đứng ở một đoạn hào sâu dẫn đến căn hầm chỉ huy và một số hầm khác. Từ trong căn hầm tác chiến, những tiếng trao đổi khe khẽ vang ra. Trên chiếc bàn nhỏ ghép bằng những thanh nứa tép đầy những sổ sách, bản đồ, bảng bắn, thước tính, bảng lô-ga-rít, giấy yếu đồ xạ kích, thước chỉ huy pháo binh. Trung đoàn trưởng Vân An và tham mưu trưởng trung đoàn đang làm việc ở đấy. Giúp việc các ông có chủ nhiệm trinh sát trung đoàn, trưởng ban tác chiến và một số chiến sĩ trinh sát. Căn hầm thông tin nối liền ngay với căn hầm chỉ huy. Từ đấy có đặt bốn máy điện thoại, một liên lạc với trên, ba liên lạc với ba tiểu đoàn. Hầm vô tuyến điện cũng nối liền với hầm chỉ huy nhưng ăn sang một ngách khác. Từ nơi đây tiếng máy chạy sè sè, tiếng na-níp dập: "tạch... tạch... tè..." vang ra đều đặn. Sở chỉ huy trung đoàn như một quả tim đang co bóp mạnh: các trận địa của trung đoàn là những bộ phận trong cơ thể, từng phân tử, từng tế bào của nó không ngừng hoạt động.
Không khí được mặt trời hun nóng đang giãn nở, căng ra và sắp sửa nổ - Chưa đến giờ à? - Chính uỷ Long tự đặt câu hỏi. Ông chưa được biết trên định chọn thời cơ vào lúc nào. Chập tối chăng? Gần sáng chăng? Điều đó hoàn toàn bí mật. Trung đoàn trưởng Vân An đi ra ngoài đưa cho ông xem một bức điện mà người chiến sĩ cơ yếu vừa mới dịch xong:
Bức điện viết:
"Gửi Z: giờ G = N + 2 - K".
Không khí lặng lẽ, trang nghiêm. Một sự trang nghiêm mà mặc dầu đã trải qua hàng trăm trận đánh, chính uỷ vẫn chưa hề có lần nào cảm thấy như thế. Bọn địch vẫn chưa hay biết gì cả. Tiếng động cơ phành phạch của chiếc máy bay lên thẳng đỗ xuống sân bay căn cứ như thường ngày đã chứng minh điều đó. Pháo binh được các binh chủng bạn mến yêu, được cấp trên tin tưởng đã trao cho vinh dự là người nổ phát súng đầu tiên mở màn trận đánh, mở màn chiến dịch. Đến giờ quy định. Chuông điện thoại đổ hồi. Hai phát pháo hiệu đỏ lừ vút thẳng lên cắt ngang bầu không gian xanh biếc không một gợn mây. Chính uỷ Long thấy máu mình nghẹn lại, dường như ở một khoảnh khắc nào đó con tim ông ngừng đập và máu ngừng chảy, dường như có một khoảng khắc nào đó toàn thân ông có dòng điện phóng qua, ấy là lúc trung đoàn trưởng Vân An hô lên qua máy điện thoại:
- Bắn!
- Làn đạn pháo của ta chạy cắt ngang bầu trời, giáng xuống toàn bộ căn cứ địch. Không riêng gì H12, toàn bộ các cứ điểm trên tuyến phòng thủ đang run rẩy dưới sức ép của hoả lực ta. Trong nắng mới chói loà, H12 cùng tất cả các vị trí khác ngùn ngụt bốc cháy. Sự rối loạn và khiếp đảm của kẻ thù thể hiện ở chỗ hàng chục phút đầu không có một khẩu pháo địch nào ngóc lên được nữa. Máy bay của chúng lao đến, đạn phòng không các loại của ta phóng lên, đan chéo nhau trên trời. Chưa bao giờ hoả lực khống chế bầu trời của chúng ta lại mạnh mẽ, chính xác như ngày hôm nay. Một chiếc OV.10 bốc cháy đâm sầm xuống Sáp Đá Mài. Các chiến sĩ pháo binh mặt đất reo to.
Chính uỷ trung đoàn không thể nào phân biệt được đâu là tiếng nổ của pháo đơn vị mình, dâu là tiếng nổ của pháo đơn vị bạn. Cả một vùng đất rộng gồm hai huyện Gio Linh - Cam Lộ và một phần huyện Hương Hoá đen đặc những tầng khói. Từ trên cao nhìn bao quát suốt tây sang đông chỉ thấy một biển khói mênh mông, ở những chỗ có căn cứ địch thì từng tầng, từng tầng khói đen đặc cuồn cuộn bốc lên không ngớt. Tiếng nổ gầm lên ở khắp mọi nơi. Tiếng đạn rít trong không khí ù ù như bão cuốn. Đêm về, các cỡ pháo của ta càng gầm lên dữ dội. Từ khắp các phía chân trời, những ánh chớp xanh ngắt chạy dài của các loại pháo phản lực, những ánh chớp sáng chói của các loại pháo rãnh xoắn, những ánh chớp đỏ lừ của các loại súng cối,... Cả một vùng trời sáng rực lửa đạn và các đồn thù đang ngùn ngụt bốc cháy.
Chính uỷ trung đoàn nhìn xuống các trận địa pháo của mình đến hoa cả mắt. Phía trước ông, H12 run rẩy, rung lên từng đợt. Mỗi một quả đạn pháo ta nổ trong căn cứ như một khối cầu lửa bùng ra, bốc lên thành hình những bông sen vàng, bông này chưa kịp tàn lụi nhiều bông khác đã nở ra làm thành một ảo ảnh ghi mãi vào trí nhớ.
Suốt đêm hôm ấy, suốt ngày hôm sau, pháo ta vẫn bắn không một lúc nào ngớt. Chính uỷ trung đoàn ngồi bên các máy điện thoại theo dõi diễn biến của từng đơn vị. Chốc chốc lại có một trợ lý chính trị hay trợ lý tham mưu đến xin ý kiến được ông giải quyết nhanh và gọn.
Ông đang nói với trợ lý tổ chức:
- Sao lại không kết nạp đảng viên tại trận địa được? Và tôi hỏi đồng chí, chi bộ đã xét duyệt lý lịch chưa? Chi uỷ đã có dự kiến trước chưa?
- Rồi ạ!
Chính uỷ quay sang trợ lý tuyên huấn;
- Đồng chí nên viết ngay lệnh động viên.
- Dạ! Báo cáo, anh cho vài ý kiến xem nên viết như thế nào?
Trung đoàn trưởng từ vị trí quan sát nhảy vào trong hầm điện thoại, giọng ông vang lên như sợ nói nhỏ chính uỷ sẽ không nghe thấy:
- Không thể nào quan sát H12 được nữa. Chỉ còn một mảng của lô cốt phía tây ló ra ngoài vùng khói thì một quả đạn không biết của khẩu đội nào rơi trúng đã xé xác nó tan tành ra từng mảnh rồi!
Bỗng ầm! ầm! ầm! - B.52. Tiếng nổ rất nặng từ phía trên dằn xuống. Hết mỗi loạt bom, chuông điện thoại lại kêu vang, các tiểu đoàn báo lên an toàn. Đến loạt thứ tư, liên lạc điện thoại với Sông Hương bị đứt. Chính uỷ và trung đoàn trưởng chạy sang hầm vô tuyến điện. Chính uỷ nghe giọng nói của tiểu đoàn trưởng Mai Hiền vọng qua không trung:
- Mưa to, gió lớn. Nhiều cây rừng bị bật gốc, có một cây không dùng xẻ gỗ được nữa. Một con voi bị chết, năm con khác bị thương.
Chính uỷ không nghe nữa mà nói để đồng chí chiến sĩ phát đi bằng tín hiệu:
- Đại đội nào bị nặng nhất?
- Trần Thanh!
- Còn chiến đấu được không?
- Báo cáo, nó bị thương ba và hy sinh một. Điều đó không quan trọng mà pháo bị bật tung lên cả, công sự bị đào bét.
Chính uỷ suy nghĩ một lát, trao đổi với trung đoàn trưởng rồi trung đoàn trưởng ra lệnh:
- Tổ chức ngay đại đội một lại, đưa pháo lên mặt đồi chiến đấu, chúng ta có nhiệm vụ phải tập trung hoả lực thật mạnh.
Chính uỷ bước ra khỏi hầm, xốc lại chiếc dây lưng có treo bi động nước, súng ngắn và một chiếc võng, vớ lấy cây gậy chống dựng ngay phía trong cửa hầm. Ông cất tiếng gọi:
- Hương ơi!
Hương từ căn hầm bên hiện ra, như con sóc nhạy nhẹ xuống hào giao thông. Chính uỷ vui vẻ nói:
- Ta xuống chỗ anh Hiền đi!
Chính ủy đi trước. Bàn chân ông bám đất nhẹ nhàng, cây gậy chống cầm tay vung vẩy. Hương theo sau. Anh biết rằng cây gậy chống ấy là một vật quý của ông, không bao giờ ông trao nó cho người khác. Ông đã chung thuỷ với nó suốt năm sáu năm nay, ở đầu gậy, chỗ đặt tay cầm nhẵn bóng và thân gậy có khắc nhiều gạch cùng với ngày, tháng, năm mà trung đoàn đã nổ súng chiến đấu.
Trên trời, đạn pháo ta gầm rít ầm ầm như muôn ngàn những tiếng động cơ phản lực. Bầu trời trở nên xám đục và ánh nắng bị khói đạn ngút ngàn che khuất trở thành một màu vàng khè, có lúc lại ong óng hay tái nhợt.
Một toán dân công hòm hầu hết là các cô gái trẻ vác đạn chạy về phía trước. Người nào việc ấy, vội vã chẳng kịp chào ai mà chỉ làm hiệu bằng những nụ cười, bằng ánh mắt sáng long lanh. Bất chợt, Hương nghĩ đến Lan. Hôm cô đến thăm cha đột ngột ấy, Hương đã thết cô một bữa cơm thịnh soạn bằng những thứ kiếm được trên rừng, dưới suối. Cô đã thành thật khen Hương không ngớt và nói rằng mình mới vào chiến trường chưa có kinh nghiệm nên cần học tập nhiều ở Hương. Để trả lời lại, Hương chỉ mỉm cười và đôi má đỏ hồng.
Một tốp phản lực rẹt qua. "Thì ra bây giờ mi lại vác mặt đến!" - Hương nghĩ vậy và theo dõi đường bay của hai con quạ sắt. Cả hai thằng địch sà xuống phía bên kia 544 liền bị đạn cao xạ ta phóng lên vây chặt. Chúng ngóc lên rất cao và bổ nhào xuống con đường mà Hương và chính uỷ đang đi. Chính uỷ chưa nhận ra những chiếc máy bay lẩn vào trong một vầng khói mờ mờ thì Hương đã thấy nó ổn định đường nhào. Một trái lửa đỏ lừ phụt ra ở đầu máy bay. Thằng địch cố lách qua vòng đạn cao xạ của ta để tiếp tục lao xuống điều chỉnh đường bay của trái tên lửa. Hương nhảy chồm lên, ôm lấy chính uỷ và đẩy nằm nép bên mô đất. Một ánh chớp sáng loé, một tiếng xé gió đánh "ụt" kéo dài, rồi mới đến một tiếng nổ đanh gọn. Vạt tranh chung quanh hai người bốc cháy. Tiếng cỏ dại nổ lách tách và tiếng lửa xua không khí giật giật. Hương xông lên phía trứoc, rẽ lửa cho chính uỷ chạy theo sau. Chiếc máy bay thứ hai lao xuống. Thằng địch trên trời đã nhận thấy ở nơi đây có một con đường mòn chạy qua và xa những trận địa pháo phòng không của ta. Nó chẳng dại gì mà không tương bom vào chỗ nó cho là an toàn hơn để còn trở về hạm đội. Phút lâm nguy, hành động của Hương trở nên quyết liệt. Anh đẩy chính uỷ nằm nép vào một thân cây đổ ngang còn mình nằm sát phía ngoài. Chính uỷ không chịu. Ông bật trở ra để đẩy Hương vào trong. Lần nữa Hương lại trườn ra ngoài và chồm nửa người che cho chính uỷ thì trái bom địch nổ.
Hương chỉ mơ màng cảm giác bị hất tung lên rồi ngất lịm đi. Một mảnh bom cắm vào chân anh và một mảnh khác lướt ngang bên sườn. Hương đang miên man trong giấc ngủ chập chờn. Có lúc anh như thấy mình đang nằm trên võng. "Lạ chưa! Rõ ràng là một chiếc võng thật đang chao đi chao lại hẳn hoi". Rồi anh thấy chân mình bị đau, bên sườn bị đau như có ai lấy kìm kẹp vào thịt. Anh nhấc tay lên định hất chiếc kìm ấy ra thì có ai đang giữ tay mình lại. Hương cố ngẩng đầu lên nhìn người đó nhưng không làm sao nhấc nổi. Cổ họng anh khô rát và mồm đắng chát. Anh lia lia đầu lưỡi thấy nó cứng như một miếng mo nang... Bây giờ anh mới thấy khát, khát đến kinh người. Cảm giác ấy đã giúp anh tỉnh lại. Anh cất tiếng gọi yếu ớt:
- Nước!...
Có tiếng người thì thầm bên tai anh, lúc xa, lúc gần. Hương thấy mình chao đi, chao lại như đang quay cuồng trong cánh võng, rồi trời im gió lặng, anh cũng nằm im và thở nhẹ. Tiếng người nổi lên lao xao bên tai anh, tiếng của nhiều người và anh còn nhận ra là giọng nói của những cô gái.
- Anh ấy khát.
- Không nên cho uống!
- Uống ít thì được.
- Để pha sữa!
Khi chiếc thìa nhựa đặt trên môi, anh chỉ cảm thấy có một vật gì cưng cứng áp vào môi mình. Rồi dòng nước mát ngọt đang chảy vào miệng, chảy đến đâu vòm miệng dịu đi đến đấy. Hương khe khẽ hé môi để dòng nước dễ chịu ấy chảy vào được nhiều hơn. Cặp mắt cũng từ từ mở. Một màu vàng xám đục, lúc tai tái, lúc trắng nhờ như màu khói, phút chốc tất cả những màu sắc đó tan biến hết. Hương đã nhận ra rõ ràng khuôn mặt những người đang đứng chung quanh mình, đã nhận ra mình đang nằm trên cáng và các cô dựa cáng vào một gốc cây. Kìa Lan! Ai nữa nhỉ? Hai cô kia anh không biết tên, chỉ mang máng nhận ra là đã gặp khi đến chơi với Lan. Lan vẫn nhẹ nhàng đặt thìa sữa lên môi anh và một cô xắp xắp chiếc khăn mặt ướt trên trán khiến anh thấy đầu mình vợi nhẹ đi nhiều.
Thìa sữa cuối cùng trong ca đã hết. Hương vẫn thấy thèm khát:
- Nước!
Lan âu yếm dỗ dành:
- Cố lên anh ạ! Gắng chịu đựng anh nhé!
Hương tỉnh được một lát lại mê man thiếp đi. Anh mơ màng thấy mình nằm trong một cánh võng chao đi chao lại. Có lúc anh nghe tiếng nước suối chảy róc rách dưới lưng. Có lúc anh thấy mình đang được nâng bổng trên một cánh rừng. Tiếng ai gọi nghe rất xa, tít tắp khiến âm thanh mảnh như một sợi tơ;
- Anh!
Hương láng máng nghe thấy tiếng gọi mà chẳng hiểu một tí gì cả.
- Anh ơi!
Tiếng gọi ấy nghẹn ngào:
- Anh... Hương ơi!
Tiếng gọi như có cánh bay nhanh từ một nơi xa tít đến gần:
- Anh Hương.
Mắt Hương từ từ mở và anh nhận ra Lan. Anh đột nhiên nhớ tới chính ủy. Ừ phải! Chính uỷ đã che đạn cho mình. Mình che đạn cho chính uỷ rồi bị thương ngất đi chẳng hay biết gì cả. Vậy chính uỷ thế nào? Anh mấp máy đôi môi:
- Chính uỷ?
Tiếng nói của anh thoảng qua như một hơi thở nhẹ. Lan chưa nghe thấy nên vẫn cứ đứng im nhìn anh. Hương gọi tiếp;
- Lan ơi... chính uỷ?
Lan run run đặt tay lên ngực Hương. Cô quỳ hẳn xuống bên người chiến sĩ, vuốt nhẹ những sợi tóc dính bết trên trán anh. Hương đã dần dần tỉnh hẳn. Anh nhận ra mình đang nằm trên một chiếc băng ca bằng vải bạt và bên anh chỉ còn lại một mình Lan. Có lẽ đây là trạm phẫu thuật phía trước! Tỉnh lại, anh càng thêm lo lắng cho thủ trưởng. Anh hỏi lần nữa:
- Chính uỷ?
Lan hối hả:
- Cha không việc gì! Anh ơi, cha không việc gì!
Hương trút một hơi thở nhẹ. Lúc này anh mới cảm thấy đau đớn ở những vết thương, mới thấm thía với những cử chỉ săn sóc âu yếm của Lan. Lan kiếm đâu ra một chiếc quạt đang nhè nhẹ đưa tay quạt mát cho anh. Hương thấy dễ chịu và lắng nghe hơi thở nhẹ của người con gái. Một dòng nước êm mát lan truyền khắp cơ thể anh. Một làn gió nhẹ đang mơn trớn trên khắp da thịt anh. Anh khẽ gọi:
- Lan...
- Anh!
Cánh tay Hương khẽ động đậy và bàn tay anh xoè ra chờ đón. Anh thấy bàn tay nhỏ nhắn, mềm mại của Lan đã nằm gọn bàn tay mình. Hương từ từ nắm bàn tay ấy lại để cho hơi ấm của bạn truyền sang. Anh vê vê từng ngón tay búp măng mịn màng và ngắm hàng mi thưa của Lan đang khẽ rung rung, một tay Lan vẫn thong thả quạt mát cho anh không hề mệt mỏi. Một tốp người đi đến. Lan vội rút tay về. Đó là tổ phục vụ phẫu thuật. Một người trạc hơn ba mươi tuổi khám tỉ mỉ vết thương trên người Hương. Anh đề nghị:
- Phải mổ vết thương ở chân để gắp mảnh đạn, đồng chí ạ!
Hương gật đầu. Lan bật ra một tiếng nấc. Chiếc băng ca được khiêng đến hầm mổ. Hương bình thản như giờ phút dắt dao găm bên hông đi tìm hoa chuối rừng. Anh thấy Lan đang đi theo mình, hai mắt đỏ hoe.
Trung đoàn được lệnh tiếp tục bắn dữ dội vào H12 mà không phải chuyển làn chế áp H9 nữa. Căn cứ H9 đã được một bộ phận của đơn vị bạn giải quyết xong. Bọn địch ở đây đã chấp nhận đầu hàng vô điều kiện ngay khi hoả lực tập trung của ta vừa mới rót vào. Vì bọn chỉ huy địch ở H12 ngoan cố, tư lệnh mặt trận quyết định sẽ dùng sức mạnh đè bẹp tất cả mọi sự kháng cự. Diệt H12 với những đòn khủng khiếp chính là điều báo trước cho bọn địch ở bất cứ một vị trí nào sau này một khi ta đã tiến công.
Chính uỷ trung đoàn vừa từ dưới trận địa Sông Hương lên. Khi đến Sông Hương, anh thấy một sự thay đổi không ngờ. Các trận địa đều cháy đen không phải vì bom địch mà chủ yếu là do lửa phụt ra từ đuôi nòng pháo của ta. Chưa khi nào chúng ta bắn nhiều đạn đến như thế. Đất đá phía sau trận địa được nung lên, giá như không có những phút tạm thời ngừng bắn, thì đã thành gạch từ lâu rồi. Các pháo thủ đen nhẻm khói thuốc và hầu hết khi nói chuyện với anh em phải ghé sát miệng vào tai gào cho thật to. Từng đoàn dân công kìn kìn vác đạn từ bến ô tô vào trận địa. Những khẩu pháo, nòng nóng lên đến nỗi sờ tay sát sẽ cháy xèo, anh em phải đái cả vào cho nó nguội trở lại. Riêng trận địa của đại đội một, khi chính uỷ xuống đến nơi, Trần Thanh đang xoay trần cùng anh em bới tìm khẩu pháo bị đất đá do bom đào lên phủ kín. Trần Thanh muốn để khẩu đội này cùng tham gia chiến đấu với toàn đại đội một thể. Chính uỷ lập tức chỉ thị cho tất cả các khẩu đội khác phải chuẩn bị chiến đấu ngay, không chờ pháo của khẩu đội kia nữa. "Phải tranh thủ từng giây, từng phút cày nát H12 để mở đường cho xe tăng và bộ binh ta xông lên!".
Trung đoàn trưởng ở trong hầm tác chiến còn chính uỷ ra đứng ở đoạn đường hào quan sát căn cứ địch. H12 không còn ra hình thù gì của một vị trí có người ở nữa. Nhưng khi khói trong căn cứ địch mỏng dần, qua ống nhòm, chính uỷ không thể nào tìm thấy một ụ súng, một lô cốt địch còn nguyên vẹn. Sự đổ nát trong căn cứ khiến ta từ xa nhìn vào thấy không khác gì một miếng da bò bị thui quá lửa, trụi hết lông và phồng rộp lên lam nham lở dở. Nhưng hàng rào kẽm gai chung quanh căn cứ đều nát vụn. Lửa chốc chốc lại bùng lên, khi ở chỗ này, khi ở chỗ khác. Toàn bộ căn cứ lớn của địch nghiêng ngửa như bị động đất. Đồng chí tư lệnh mặt trận, người đã ký tên "K" trong những bức điện gửi cho trung đoàn, lệnh cho tất cả các trạm cảnh giới phải tăng cường quan sát, tất cả các đơn vị phải sẵn sàng bắt gọn những toán địch đạp rào tháo chạy.
Đồng chí chiến sĩ vô tuyến ra báo cho chính uỷ biết đã bắt được làn sóng của địch. Chính uỷ đi vào trong hầm. Ông mắc ống nghe vào tai và qua những tiếng nhiễu xạ lạo xạo, giọng của những tên chỉ huy địch vang lên:
- Thưa ngài! Có thể sẽ không giữ nổi căn cứ, sức ép của đối phương rất mạnh và binh lính của chúng ta tử trận đã quá nhiều!
Đó chính là giọng nói của tên trung tá chỉ huy H12.
- Trung tá còn biện pháp nào nữa không?
- Dạ! Thưa, có một biện pháp duy nhất là tất cả phải một sống một chết thì bọn chó đẻ...
Viên trung tá dừng lại, cấp trên của hắn hỏi dồn:
- Cái gì?
- Đã có nhiều đứa tháo chạy khỏi căn cứ.
- Ông phải ngăn chặn tình trạng ấy bằng bất cứ giá nào!
- Tôi đã ra lệnh bắn ngay tại chỗ những tên bỏ vị trí chiến đấu.
- Được!
- Nhưng... Thưa ngài!
- Gì nữa?
- Thưa ngài, nhiều sĩ quan lẽ ra phải thừa hành mệnh lệnh ấy của tôi thì họ lại là người dẫn đầu nhiều binh sĩ chạy ra khỏi căn cứ.
- À!... Ra cái bọn ấy! - Giọng tên cấp trên của thằng trung tá uất lên bất lực - Riêng ông, tôi xin khuyên một điều là phải lấy danh dự của một người sĩ quan quân đội cộng hoà!...
- Thưa ngài, tôi hiểu ạ!
- Nếu cần trung tá sẽ cầm súng trường xông ra để nêu một tấm gương sáng cho toàn thể binh sĩ. Có thể nhờ vậy mà lật ngược thế cờ!
- Lạy chúa! Tôi cũng mong như vậy.
- Điều cốt yếu là trung tá không được hàng.
- Tôi sẽ không bao giờ đầu hàng!
Im lặng một lát.
- Thưa ngài!... Có lẽ nào... Sự chi viện của không lực Mỹ?
Một tiếng cười mỉa mai chua chát nổi lên và sau đó mới đến giọng nói:
- Họ bất lực! Ông nhớ Nam Lào năm ngoái rồi chứ, họ để chúng ta chết ở Bản Đông. Máy bay chiến đấu của sư đoàn không còn nữa, người Mỹ chi viện cho chúng ta bằng những máy bay rải bom theo toạ độ. Chỉ có được đến như vậy nữa thôi! Ông sẽ được toàn quyền hành động trong trường hợp mất liên lạc với sư đoàn.
Ngừng một lát, rồi một tiếng nổ đánh rầm lọt vào trong máy. Tiếng nói của những tên chỉ huy địch chết lịm đi. Chiến sĩ vô tuyến điện điều chỉnh sóng, tìm tần số mới cũng không lọt được âm thanh của tên chỉ huy H12 đâu cả. Hắn chết rồi chăng? Đài vô tuyến của chúng ra tro rồi chăng? Dù gì đi nữa thì giờ phút tận số của chúng đã điểm. Chính uỷ đi ra ngoài hào giao thông. Trời đã về chiều. Ánh mặt trời bị khói đen chặn lại khiến không gian ở đây trở nên một màu xám sáng. Từ khắp các trận địa pháo của trung đoàn, những ánh chớp xanh ngắt vẫn loé lên liên tiếp. Từ khắp các phía chân trời, chớp dồn dập không một lúc nào ngớt. Chợt có tiếng reo: Xe tăng! Các chiến sĩ ta nhảy ra ngoài công sự chứng kiến giờ phút oai hùng nhất của những ngày chiến đấu. Trong tiếng gầm rít như bão của các loại đạn pháo, hàng mấy chục chiếc xe tăng của ta dàn đội hình chiến đấu, từ nhiều hướng tiến lên H12. Bụi cuốn mù mịt và không gian muốn nổ tung vì đủ các loại âm thanh khác nhau. Ôi! Đã có một ngày nào vui như hôm nay không nhỉ? Trải qua hàng trăm trận đánh của cả hai cuộc kháng chiến đã có một trận đánh nào mê say cuốn hút lòng người như trận đánh hôm nay không nhỉ? Đã có trận đánh nào đạn pháo ta làm rạn nứt bầu trời, xe tăng ta cắm cờ giải phóng hùng dũng xông lên, các chiến sĩ bộ binh không phải luồn qua hàng rão kẽm gai nữa mà ngồi trên xe tăng tiến vào sào huyệt địch! - Chính uỷ thầm kêu lên như vậy và mắt ông như dán chặt vào những chiếc xe tăng ta đang tràn qua những lớp rào kẽm gai đổ nát, đè bẹp những lô cốt đang bị đào bới, các chiến sĩ bộ binh tung hoành trong căn cứ địch tìm những ngách hầm ngầm. Pháo của trung đoàn đã được lệnh ngừng bắn ngay khi xe tăng ta vào gần sát hàng rào kẽm gai thứ nhất và trung đoàn trưởng Vân An đã dùng đầu chì xanh gạch chéo lên vòng tròn quây lấy vị trí H12 trên tấm bản đồ...
H12, H9, D1, D5, C6,... đều lần lượt bị tiêu diệt. Tuyến phòng thủ của địch tan vỡ. Các khu gom dân Quán Ngang, Cam Lộ, Cùa,... bị phá banh. Hàng vạn dân ở hai huyện Gio Linh, Cam Lộ được giải phóng. Một dải đất rộng chạy từ tây sang đông thuộc phía bắc tỉnh Quảng Trị trở về tay nhân dân. Kẻ thù bị dồn lại thành một cụm ở phía nam thị trấn Đông Hà chạy qua Ái Tử về tới thị xã Quảng Trị, La Vang. Nơi đây sở chỉ huy trung đoàn ngày hôm qua còn là tiền tuyến thì hôm nay đã trở thành hậu phương. Mặt trận đã chuyển nhanh về hướng nam. Cuộc họp đảng uỷ trung đoàn được tiến hành rất khẩn trương trong căn hầm sở chỉ huy. Trên tấm bản đồ chi chít những ô, những vòng tròn xanh đỏ, bây giờ đột ngột hiện lên một đường mũi tên tươi rói thọc theo hình vòng cung xuống phía nam, ôm lấy mạn tây của Đông Hà - Lai Phước - Ái Tử. Mọi người im lặng nghe trung đoàn trưởng trình bày sơ bộ về nhiệm vụ sắp tới:
- Trung đoàn ta nằm trong đội hình mũi tiến công vòng cung từ phía tây quặp vào giữa hành lang Đông Hà - Quảng Trị - La Vang, cắt đứt tuyến phòng thủ của chúng, góp phần hoàn thành bước hai của chiến dịch.
Giọng của trung đoàn trưởng nhỏ mà vang khiến dư âm của nó ngưng đọng mãi trong tai người nghe như một tiếng reo. Anh vừa nói vừa lia hờ đầu bút chì trên tấm bản đồ. Tấm bản đồ đã nhầu nát. Tham mưu trưởng nghĩ ngay đến cách phải kiếm cho trung đoàn trưởng tấm bản đồ khác. Chủ nhiệm chính trị trung đoàn lại nghĩ rằng xong chiến dịch, anh sẽ đề nghị đưa tấm bản đồ này vào kho tàng những di vật truyền thống. Chính uỷ ngồi lặng im cân nhắc: một núi công việc bề bộn đang đặt ra. Phải chuyển gấp toàn bộ pháo đạn vào tít phía trong, nơi mà từ xưa bàn chân của trung đoàn chưa hề đặt tới. Chiến thắng rất lớn chắc chắn sẽ làm cho nhiều chiến sĩ ta không ngại gì mà không cưỡi lên nòng pháo thách đố với Quảng Trị - La Vang, hay ngồi vắt vẻo trên bờ công sự quan sát máy bay địch. Tình hình mới sẽ đẻ ra nhiều chiều hướng tư tưởng mới...
Chính ủy đi đi lại lại trên đoạn hào chật hẹp, lặng im suy nghĩ. Mấy ngày chiến đấu vừa qua đã để lại trong ký ức ông một hình ảnh thật là mãnh liệt, hình ảnh của những tia chớp xanh ngắt chạy dài, loé hiện lên không phút giây nào ngừng ở khắp mọi phía. Và ông lại nhớ đến những lời lầm rầm khấn vái của các cụ ở làng ông xưa kia, trước bàn thờ sơn son thếp vàng, hương trầm nghi ngút. Từ thuở ấy đến nay đã mấy chục năm rồi. Các cụ xưa kia hy vọng vào những ánh chớp xanh ngắt nhay nháy ở phương đông mỗi buổi tối khuya. Anh em ta bây giờ cũng đặt hy vọng và niềm tin vào những tia chớp như thế do chính tay mình làm nên đang loé hiện rực rỡ. Chính uỷ nghĩ đến những con người làm ra ánh chớp ấy. Mỗi đồng chí ngã xuống hay đổ một phần xương máu đều làm ông đau xót. Sau ngày chiến thắng, ông càng bồn chồn lo nghĩ đến người chiến sĩ liên lạc của mình. Ông nhớ vẻ mặt quyết liệt của Hương lúc Hương trườn ra ngoài và đẩy ông nằm nép vào phía trong cây gỗ. Đã mấy năm rồi, Hương sống với ông trọn tình đồng đội, thắm nghĩa anh em và những lúc vui, ông đã không ngần ngại đưa thư gia đình cho Hương xem, đùa chế gán ghép Hương với con gái mình. Nhưng phải đến buổi chiều bị bom trên đỉnh đồi tranh, chính uỷ mới thấy hết được những cái gì thuộc về bản chất nhất của con người Hương. Một phần phẩm chất cao quý đã bộc lộ ra trong phút lâm nguy, cũng như vàng chỉ sáng khi vào lửa, hoa càng thơm và đẹp khi có ánh mặt trời buổi sớm chiếu vào. Với ông, cũng như toàn trung đoàn, hình ảnh người chiến sĩ liên lạc như được in nổi trên nền trời xanh biếc của những tia chớp. Về những tình cảm của ông đang hướng đến Hương, khó tách riêng phần nào thuộc quan hệ cá nhân, phần nào thuộc tình cảm đồng đội. Mà lạ sao, từ mấy ngày nay ông không thể nào nghĩ đến con ông mà không nghĩ đến Hương, hay ngược lại không thể nào nghĩ đến Hương mà không nghĩ đến con gái.
Trên đường về sở chỉ huy mặt trận, ông rẽ vào đơn vị dân công thăm con. Lan vừa đi vận chuyển về, thấy cha đứng đợi, vội reo lên và chạy lại:
- Cha!
Cô vui vẻ giới thiệu cha mình với bạn. Người cha vẫn chắp hai tay vịn vào đầu gậy hỏi:
- Con có khoẻ không?
- Con mang trung bình mỗi chuyến ba mươi nhăm cân ạ!
- Chân con khỏi hẳn chưa?
- Con có thể chạy khoẻ rồi!
Chính uỷ nhìn đứa con và ông thấy bồn chồn trong dạ. Hương bây giờ thế nào? Mấy ngày qua nhiệm vụ chiến đấu cuốn hút ông, bây giờ nỗi lo lắng về người đồng chí lại trỗi dậy trong lòng. Lúc ấy, ông không ngờ hành động của Hương mau đến vậy. Ông chưa kịp đẩy Hương trở lại phía trong một lần nữa thì quả bom đã nổ. Người Hương mềm ra trên lưng và máu ướt đẫm áo ông. Ông băng bó vết thương cho Hương rồi cõng đưa về phía sau. Khi gặp tổ dân công của Lan, ông đã trao Hương cho họ. Ông còn nhớ nét mặt Lan lúc ấy chợt tái đi. Ông kể tóm tắt sự việc xảy ra cho mọi người nghe và dặn đi dặn lại phải đưa thương binh đến trạm phẫu thuật càng nhanh càng tốt. Bây giờ thời gian gặp con chỉ là chốc lát, ông tranh thủ hỏi thăm con về người chiến sĩ mà mình rất yêu mến. Cô gái kể quá trình đưa Hương đến trạm phẫu và nói:
- Các bạn về trước còn con ở lại đấy đến khi anh lên bàn mổ. Con muốn ở lại đợi xem anh ấy thế nào nhưng phải về để làm nhiệm vụ.
- Cậu ấy không kêu rên à?
- Không cha ạ! Giá con như anh ấy có lẽ con khóc hết nước mắt mất.
Người cha im lặng suy nghĩ. Ông nhớ năm 1969, có lần Hương dẫn đầu một tổ tiền trạm của trung đoàn tiến vào Sa Mưu, gặp bọn thám báo, cậu ta nổ súng ngay lập tức. Một thằng trước khi tháo chạy còn kịp quăng lại quả lựu đạn chỉ điểm cho máy bay oanh tạc. Cột khói vàng chưa kịp nở ra đã bị Hương dùng thân người đè sấn lên... Chính uỷ tiếp tục hỏi con:
- Khi con về, bác sĩ có nói gì không?
- Đồng chí ấy nói là sẽ cứu được và không phải cưa chân.
- Bác sĩ đã hứa như vậy?
- Dạ!
Trong ánh mắt người cha loé lên tia hy vọng. Ông tự an ủi mình: "Chỉ mong sao nó vẹn toàn! Có thể nó không làm nhiệm vụ ở phía trước được nhưng miễn là nó vẹn toàn!". Cô gái xác nhận lại một lần nữa:
- Bác sĩ hứa như thế cha ạ! Đồng chí ấy nói là phải mổ vết thương để gắp mảnh bom ra. - Lan đột nhiên lấy tay bưng mặt - Chao ôi! Nếu phải con thì...
Chính uỷ ngắm nhìn con. Ông muốn nói với con một câu vừa thoáng hiện ra trong óc mà ngay sau đó ông lại thấy là chưa nên: "Hương là một chiến sĩ tốt. Một con người chân chính!".
Ông đứng lên cầm lấy cây gậy và nhìn đồng hồ. Lan tiễn cha sang mãi bên kia sườn đồi, rồi đứng dựa vào một gốc cây nhìn theo mãi bóng dáng thân yêu bước đi.
Hương đi thẳng một mạch về sở chỉ huy trung đoàn thì chẳng còn ai. Anh giậm chân xuống đất kêu: "Khổ thân tôi! Lỡ mất rồi!". Bỗng anh thấy giận Thịnh không thể nào tả nổi. Nào là "Anh cứ yên tâm! Nhiệm vụ đánh giặc còn lâu dài, thế nào người ta chả dành cho anh một phần". Nào là "Sao anh nóng vội thế? Anh chưa khỏi về nhà làm sao theo được anh em?" Nào là "Anh phải thông cảm cho em, em có nói khéo mấy bác sĩ cũng không đồng ý để thương binh chưa khỏi hẳn ra viện đâu mà!". Hương nghe nói xuôi tai... Thế cho nên bây giờ mới đến nông nỗi này! Anh giận dữ và nói to tướng như có Thịnh ở ngay trước mặt:
- Làm sao theo được anh em thì mặc xác tôi, việc gì đến cô!
Bỗng có tiếng nói từ mé đồi bên kia vọng sang:
- Làm gì mà hét tướng lên thế?
Hương quay ngoắt lại, thấy một chiến sĩ cảnh vệ đi đến. Anh chiến sĩ này vừa ốm dậy, được phân công ở lại trông coi sở chỉ huy đang bực bõ vì sự không may của mình nên bây giờ rất vui sướng: Khi có thêm bạn. Anh ra vẻ một chủ nhà đón khách:
- Khoẻ hẳn rồi chứ?
Hương vẫn đứng im còn anh ta cười nói:
- Ái chà chà! Cũng tạm coi như là làm việc được rồi đấy. Thấy bạn vẫn chưa nói gì, chiến sĩ cảnh vệ châm chọc:
- Răng mà ngay đuỗn ra thế?
Hương hất bàn tay anh ta vừa đặt lên vai mình, hai mắt nhìn chằm chằm khiến anh ta phải lùi lại một bước.
- Trung đoàn đâu?
- Đi rồi!
- Đi hướng nào?
- Hướng có giặc
- Đừng có đùa, đây hỏi là vì nhiệm vụ.
Anh chiến sĩ cảnh vệ phật ý:
- Thừa hơi mà đùa với cậu! Tưởng người ta phải đến cầu xin cậu chắc?
Hương chợt thấy mình đã quá lời, anh tỏ ý xin lỗi bạn bằng một câu hỏi nhẹ nhàng:
- Trung đoàn đi đã lâu chưa?
Chiến sĩ cảnh vệ đứng chạng hai chân ra vẻ đắc thắng:
- Nếu đi nhanh có thể vượt sông Cam Lộ rồi!
Câu trả lời của bạn làm cho đôi chân Hương không thể nào đứng yên được nữa. Hai cái cẳng cứ nhúc nhích, bàn chân giơ lên rồi lại đặt xuống khiến cả người anh đung đưa. Anh có cảm giác mình như một con chim đang vẫy cánh bay xa đột nhiên bị chặn đứng lại, đành phải đấu dịu làm lành:
- Quế ơi! Cậu chỉ giúp mình con đường trung đoàn vừa đi. Cậu...
- Không được! Làm sao cậu theo kịp anh em?
- Cái đó cứ mặc mình!
- Cậu định đùa chắc? Tưởng muốn làm gì thì làm chắc? - Quế ra bộ chỉ huy - Trung đoàn giao nhiệm vụ cho tớ phải giữ lại tất cả các chiến sĩ điều trị ở phía sau trở về. Cậu đừng tưởng gần chính uỷ thì cũng sẽ... là chính uỷ.
- Đằng ấy thông cảm linh động cho mình, mình đã phải nằm bệnh viện đến một tháng nay rồi chứ ít ỏi gì cho cam. Thề với cậu rằng bây giờ bắt mình ở lại thì thà trói cẳng mình quăng vào căn hầm kia, mình còn thấy dễ chịu hơn. - Giọng Hương run run - Nào! Nói đi! Vả lại nước da cậu còn xanh thế kia cậu ở lại là phải lắm rồi, đừng bắt mình phải khổ lâu như thế. Mình đã "guồng" một mạch từ bệnh viện tới đây. Đừng bắt mình phải ở lại, cậu ơi!
Anh chiến sĩ cảnh vệ chớp chớp đôi mắt nhìn Hương. Anh thấy xiêu lòng: "Bắt nó ở lại thì cũng tội cho nó thật!". Thế là anh tuỳ tiện làm sai nhiệm vụ được phân công, vẽ đường cho Hương đuổi theo đơn vị.
Nghe Quế hướng dẫn xong, Hương bắt tay bạn và lao đi ngay. Bàn chân anh bén đất nhẹ nhàng. Chẳng mấy chốc anh đã qua suối La La đến Phù Tân ấp, qua Tân Kim đến làng Lãng Phước bên bờ sông Cam Lộ. Vội mấy anh cũng phải dừng lại ở đây một phút ngắm sự đổi mới của xóm làng bên kia bờ sông. Khắp các thôn làng, lá cờ giải phóng phấp phới tung bay đón chào nắng mới. Đầu năm 1967 anh đã đến đây trong dịp đánh điểm cao 241, khi ấy còn lá cờ ba que và bóng dáng lấc cấc của mấy thằng bảo an, dân vệ.
Anh lội ào qua sông, đến những làng dân cư đông đúc. Người người tấp nập trên đường. Những cán bộ của chính quyền cách mạng mới được thành lập bận rộn đi đi lại lại. Các mẹ, các chị đi làm đồng. Các em thiếu nhi nhảy nhót. Các anh em bảo an, dân vệ vứt súng giặc mang cày cuốc theo các mẹ, các chị. Có cả lính nguỵ rã ngũ trở về, người đã thay được bộ quần áo rằn ri, người mới chỉ thay được một chiếc quần hay một chiếc áo.
Hương bước những bước khá dài. Khát quá, anh mở nắp bi đông tu thẳng một hơi rồi lại hăng hái bước tiếp. Gặp một đoàn dân công đi ngược trở lại phía sau đón hàng, anh hỏi:
- Có thấy đơn vị pháo hành quân ngang qua đây không, các bác ơi?
- Chú hỏi đơn vị mô? Pháo xe kéo hay pháo khiêng vác?
Một bác nông dân chừng bốn mươi tuổi đang đi, đứng hẳn lại để trả lời Hương. Hương kể cho bác nghe một vài đặc điểm của đơn vị mình. Bác ta hăng hái trả lời:
- Vậy thì đã đi xa rồi! Dễ thường qua Mai Lộc rồi!
"Dễ thường qua Mai Lộc rồi!", mấy tiếng ấy vang lên trong lòng Hương như một hồi kèn. Cách đây một tháng trở về trước có ai mà dám nghĩ sẽ đi qua Mai Lộc một cách đàng hoàng, nơi tập trung lúc nhúc những bọn ác ôn đầu sỏ, lại nằm sâu trong vòng đai phòng thủ của giặc. Hương xốc ba lô, nắm chặt cây gậy chống chính uỷ trao tặng hôm ông cùng Lan đến thăm anh ở bệnh viện và lao như bay. Sáng sớm hôm sau anh đuổi kịp tiểu đoàn Sông Hương ở đông-bắc sông Ba Lòng.
Sở chỉ huy trung đoàn đặt trên một mỏm đồi cây non lúp xúp. Trong hầm tác chiến, trung đoàn trưởng, tham mưu trưởng trung đoàn và một số trợ lý giúp việc đang quây tròn quanh tấm bản đồ. Chính uỷ Mai Thanh Long đi đi lại lại trên một khoảng đất trống. Ông đang ôn lại những ngày chiến đấu đã qua và mường tượng ra những ngày sắp tới. Ông đi đến chỗ các chiến sĩ trinh sát để ngắm nhìn sân bay Ái Tử qua kính phương hướng bàn. "Ra cái miệng con quái vật như thế này!" Từ nhiều năm, ông đã mường tượng sân bay Ái Tử như miệng của một mụ phù thuỷ hay là của một con quái vật khổng lồ. Bọn địch đi càn quét trên khắp địa bàn của chiến trường trở về, cái miệng ấy há ra để cho những kẻ tội phạm lúc nhúc chui vào, mấy ngày sau chúng lại bị hà hơi đẩy ra đi gây tội ác ở nơi khác. Mùa hè năm 1967 khi đại đội một của tiểu đoàn Sông Hương đang tham gia vây ép Cồn Tiên, mười sáu tiểu đoàn lính thuỷ đánh bộ Mỹ cũng chui qua cái vòm miệng khổng lồ này để càn quét ở vùng phía nam khu phi quân sự. Suốt những năm trước kia, pháo của trung đoàn chưa bao giờ tới đây: hôm nay, toàn bộ hình thù kỳ dị của nó đã được thu gọn vào trong ống kính thu hình.
Sân bay Ái Tử chìm ngập trong ánh nắng chiều ảm đạm. Những đường băng dài cho máy bay phản lực, những bãi đỗ của máy bay lên thẳng, những khu kho hậu cần và trại lính phơi ra một màu xám xịt. Những lô cốt bao quanh sân bay, những ụ pháo bằng bao tải xếp cao, những ngôi nhà nhô lên đột xuất, tất cả hình thành một bộ răng khểnh, già nua.
Chính uỷ biết rằng căn cứ Ái Tử trên tấm bản đồ tác chiến đặt trong hầm chỉ huy đã được trung đoàn trưởng Vân An khoanh một vòng tròn đỏ. Những ngày đầu tháng tư, sau khi tuyến phòng thủ đường 9 bị vỡ thì từng liên đoàn quân biệt động, từng lữ đoàn quân dù nguỵ từ Công Pông Trạch, Trảng Lớn, từ Sài Gòn, Mỹ Tho vội vã được đẩy lên máy bay bay về phương bắc. Lực lượng trên mặt đất của địch ở đây đã lên đến trên mười trung đoàn, chưa kể mười mấy chiếc tàu Mỹ của hạm đội Bảy với ngót trăm nòng pháo, các máy bay Mỹ đậu ở sân bay nổi ngoài khơi và bên đất Thái Lan ngày đêm chi viện.
Chính ủy đang nghĩ đến những người con của trung đoàn góp phần làm nên chiến thắng hôm nay và ngày mai: "Đối với pháo binh như thế nào gọi là dũng cảm? Có phải cứ nhất thiết cầm lê thọc vào tim địch, bảo vệ trận địa hay kiên quyết chiến đấu bảo vệ đài quan sát mới gọi là dũng cảm hay không? Sự dũng cảm của một chiến sĩ pháo binh phải thể hiện ở dáng đứng hiên ngay bên nòng pháo ngay khi địch đang đánh vào trận địa của mình, ở tinh thần khiêng pháo và vác đạn đến sưng vai, loét chân vẫn không chịu lùi, ở cả sự sáng tạo ra nhiều cách đánh mới và tinh thần thương yêu đồng đội nồng nàn...".
Chiến sĩ thông tin ra mời chính uỷ vào gặp máy.
- Ai đó? - Ông hỏi.
- Cửu Long ạ!
"Lại cậu Hiền rồi, có việc gì vậy?" - Ông suy nghĩ và đi theo người chiến sĩ trực máy. Như không tin vào tai mình nữa, ngay khi vừa ghé sát ông nghe vào tai ông đã vội vã hỏi lại:
- Cậu đã về thật đấy à?
Từ đầu đằng kia dây nói, giọng người chiến sĩ khoẻ khắn vang lại:
- Vâng! Chính tôi đây ạ!
- Cậu về bao giờ thế?
- Tôi vừa mới về ạ!
- Khoẻ chứ?
- Khoẻ lắm!
- Nhưng sao cậu lại ở đấy? Phải ở lại hậu cứ đã chứ.
- Báo cáo thủ trưởng, tôi chiến đấu tốt rồi cơ mà!
- Cậu lên đây ngay với mình đi, rồi sẽ chuyện sau.
Đầu dây đằng kia im lặng một lát. Rõ ràng là anh ta đang suy nghĩ. Chính ủy đoán vậy và chờ đợi, không giục. Một hơi thở qua đường dây dẫn đưa lại rồi tiếng nói của Hương mới vang lên theo:
- Báo cáo chính uỷ, tôi xin một vài ngày ở đây có được không ạ?
Chính uỷ ngạc nhiên:
- Cần gì vậy?
-... Chính ủy tha thứ cho tôi... Chẳng lẽ suốt cả một chiến dịch lớn lao như thế tôi lại không được nổ súng một trận nào! - giọng chiến sĩ van lơn - Chính ủy hiểu lầm thì khổ tôi lắm, tôi không muốn xa chính uỷ một ngày nào cả. Tôi muốn... tôi chỉ xin đánh lấy dăm trận lại tiếp tục cùng sống với chính uỷ. Chính uỷ đồng ý đi!
Chính uỷ Long vỡ lẽ. Ông mừng vì Hương đã khỏi vết thương và trở về. Ông biết Hương không muốn xa mình mà từ lâu cậu ta hằng ao ước đuợc đánh dăm ba trận để bõ nhớ khẩu đội.
Nguyện vọng của Hương như thế ai mà lỡ ngăn cản? Ông chỉ còn áy náy là liệu nó còn đủ sức khoẻ chiến đấu hay không? Ông chưa tận mắt nhìn thấy Hương thì trong trường hợp này làm sao mà tin những lời cậu ta được. Mà sao nó lại về chỗ cậu Hiền? Tay này định "tiền trảm hậu tấu" chắc? Chính uỷ trao đổi bằng đường dây với tiểu đoàn trưởng Hiền, rồi gọi Hương đến bên máy, ông cố ý đùa:
- Cậu láu cá lắm! Cậu thử hỏi thủ trưởng tiểu đoàn và đại đội xem các đồng chí ấy có "chứa" cậu không đã chứ?
- Báo cáo chính uỷ, các thủ trưởng dưới này đồng ý cả rồi ạ!
- Đâu nào?
Chính uỷ nghe tiếng Hương giục: "Kìa! Thủ trưởng Hiền nói đi!".
- Bây giờ thế này! - Chính uỷ nói - Cậu định nhận nhiệm vụ gì?
Giọng Hương giòn vang:
- Tôi xin làm pháo thủ của đại đội một.
- Anh Thanh có nghe không?
- Anh Thanh hoan nghênh lắm ạ!
Chính uỷ bật cười:
- Cậu làm như người ta định rước cậu về không bằng - Giọng ông trở nên nghiêm túc - Tôi giao cho cậu làm khẩu đội trưởng đội một thay đồng chí Bình!
- Ối!
- Đừng có mà... - Ông định nói một câu gì đó, nhưng lại đột ngột hỏi - Rõ chưa nào?
- Rõ ạ!
Có nhiều tiếng thở trong máy, giọng Hương ngập ngừng:
- Báo cáo... Chính ủy ạ... có cả Lan cũng ở đây!
- Lại cả Lan nữa à?
- Dạ!
- Đâu rồi?
- Ở dưới đại đội một ạ. Là tôi muốn nói Lan đang ở khu vực của tiểu đoàn đấy ạ!
Chính uỷ im lặng một lát rồi nói với Hương:
- Cậu bảo nó là mình bận chưa xuống gặp được. Cậu phải động viên nó thay cho mình đấy nhớ!
- Vâng ạ!
Chính uỷ đặt ống nói xuống và đi ra ngoài, tiếp tục quan sát sân bay Ái Tử.
Chưa bao giờ tấm lòng của người cha lại làm cho chính uỷ phải suy nghĩ như những ngày hôm nay. Ông đi đi lại lại theo một thói quen, suy nghĩ đến con và trước mắt loang loáng hiện lên những ánh chớp xanh ngắt chạy dài của đạn pháo ta. Tình cảm của ông đối với Hương cứ lớn dần lên, sự quan tâm của ông đối với Hương cũng lớn dần lên, cho đến hôm nay, ông chợt nhận ra rằng hình như mình đã coi Hương như một đứa con. Thực lòng, ông cũng mong rằng thằng con trai ông đang đi học xa cũng sẽ được như Hương, đẹp người, tốt nết như Hương. "Đứa trẻ nào đã lớn lên trong một hoàn cảnh khắt khe, đã lam lũ từ tấm bé, thường là những con người về sau này tháo vát và giầu tình cảm" - Chính ủy suy nghĩ về Hương như vậy. Ông thương "thằng bé" ngay từ nhỏ đã không được quấn quít bên cha và ngày nay lại đang xa mẹ. Hình như đó cũng là một trong những nguyên nhân làm ông ngay từ phút đầu gặp gỡ đã chú ý đến Hương, đã cởi mở tình cảm với Hương. Về sau này có một lúc nào đó tình cảm của người cha lớn lên lấn át tình đồng đội, ông đã phải tự đe mình: "Ta có quyền gì coi Hương như vậy? Hương đối với ta trước hết và bao giờ cũng là tình đồng chí, đồng đội". Những đêm đi họp về khuya, thấy Hương nằm ngủ đạp chân ra khỏi màn, ông nhẹ nhàng kéo người Hương nằm cho ngay nắn rồi ghép màn lại.
Hôm tôi đi, mẹ tiễn tôi ra tận cổng làng. Tôi còn mặc quần áo học sinh nhưng vóc người đã lớn lắm rồi. Mẹ vẫn cầm lấy tay tôi, rồi từ từ vuốt trên mặt và mái tóc tôi. Lúc đầu tôi xấu hổ quá. Bao nhiêu người đang nhìn vào mình. Khi tôi thấy mắt mẹ ươn ướt thì lòng những nghẹn ngào. Tôi không còn nghe tiếng nói ở chung quanh nữa, không nhìn thấy ai nữa. Trước mắt tôi bây giờ chỉ có mẹ. Mẹ đang đứng đó và đôi bàn tay khô gầy ôm lấy má tôi. Tôi nhìn mái tóc đã điểm nhiều sợi bạc của mẹ, cảm giác đôi bàn tay chai sạn của mẹ và nghĩ đến cả cuộc đời mẹ đã dành cho tôi. Tôi muốn gục đầu vào lòng mẹ như ngày còn bé, muốn kêu lên: "Mẹ ơi! Con xin mẹ đừng khóc, con mong mẹ đừng vì vắng con mà buồn, xin mẹ tự hào là có một đứa con đã ra đi vì hạnh phúc chung của xóm làng!".
Hương đã nhiều lần tâm sự như vậy. Chính ủy nhớ rõ lắm vẻ mặt Hương khi kể, tư lự xa xăm:
- Mẹ tôi đã không khóc, chính ủy ạ! Bà cụ dắt tay tôi đến chỗ anh em đang tập hợp và nói với các đồng chí nhận quân: "Mẹ gửi nó cho các con! Mẹ tin tưởng các con sẽ giúp nó nên người. Mẹ đẻ ra nó, chắt chiu tần tảo nuôi dưỡng nó nhưng mẹ đã...".
Chiều hôm ấy chính ủy có việc xuống Sông Hương. Khi ông đang làm việc với các cán bộ tiểu đoàn thì thoáng thấy Lan vác đạn đến khẩu đội một. Hương đang buộc thêm ngụy trang lên nòng pháo, một cành hoa phong lan nở trắng rung rinh trong đám lá xanh ấy. Con gái ông vừa xếp đạn vào vị trí xong, đứng lùi lại phía sau một đoạn, phe phẩy nắm lá tơi làm quạt, nói với lên:
- Anh Hương mang cả hoa vào trận địa à?
- Cả hoa chứ sao! Súng và hoa mà lại!
- Cho em xin một bông nào!
Hương chưa biết nói sao, một chiến sĩ chen vào:
- Còn xin làm gì nữa. Chính cô là bông hoa đẹp nhất của khẩu đội chúng tôi đấy!
Chính ủy đã làm việc xong nhưng vẫn đứng ở đằng này, không muốn cắt đứt câu chuyện của bọn trẻ. Trong hầm chỉ huy của đại đội, chuông điện thoại reo lên, Trần Thanh chạy ra mời chính ủy vào gặp máy. Trung đoàn trưởng báo cho ông biết lệnh chiến đấu.
Toàn bộ trận địa nạp đạn, pháo ngẩng cao nòng. Chính ủy đứng bên đại đội trưởng Trần Thanh.
Một khẩu lệnh "bắn" rất đanh và gọn phát ra. Cả vùng trời rung động. Đạn nổ khắp nơi như sấm rền và những ánh chớp xanh ngắt loé hiện che lấp cả ánh nắng chiều vàng óng.
Tô Đức Chiêu
Theo https://vanhaiphong.com/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nhà thơ, hoạ sĩ Nguyễn Anh Vũ ra đi mãi mãi ở tuổi 50 10 Tháng Mười, 2023 Nhà thơ, hoạ sĩ Nguyễn Anh Vũ qua đời lúc 13h30 ngày 9/10 do...