Thứ Năm, 8 tháng 2, 2018

Tết - Thời gian sum họp bên gia đình

Tết - Thời gian sum họp bên gia đình
Cái không khí Tết tưng bừng rộn rã đó lại trở về, phủ lên mảnh đất Việt một cảm xúc vui tươi đến tưng bừng, rộn rã. Những chú chim én chao liệng trên bầu trời xanh mướt cùng với những đám mây, chút mưa phùn nhẹ rải rác, mang thêm sự đậm đà của bầu không khí xuân sang náo nức. Mọi người không hề chú ý tới những hạt mưa nhè nhẹ, thi thoảng có tiếng xuýt xoa, chà xát hai bàn tay vào nhau cho đỡ lạnh, chắc hẳn tâm tư của họ đang nghĩ về một thứ duy nhất: Tình cảm gia đình mỗi khi Tết về, mong rằng các con, các cháu sẽ trở về nhà ăn Tết cùng mình, được nghe tiếng nói ấm áp thân quen của một ai đó, xóa nhẹ đi bao cảm xúc buồn phiền trong lòng. Đêm đêm được nghe tiếng chuông đồng hồ điểm 0 giờ sáng – khoảnh khắc thiêng liêng đối với bao người con trên miền quê bình dị này “. 
Tết còn là dịp cho gia đình cùng đi chơi. Họ ngắm, lựa những cây quất, cành đào đẹp nhất đem về biếu ông bà, cha mẹ hoặc người thân trong gia đình. Trong phiên chợ, chỉ nghe được tiếng chào hàng và tiếng mọi người cười, nói chuyện rôm rả, vui vẻ, họ níu tay nhau đi khắp chợ, mua nguyên liệu làm bánh chưng, bánh kẹo rồi hoa quả,… Có vẻ không khí Tết này sẽ náo nhiệt hơn bao giờ hết. Nhưng trên thế gian này, không biết bao nhiêu người đã rơi lệ vì không được ăn Tết cùng với cha mẹ ruột của mình nữa… mà phải ăn Tết bên nhà… chồng.
Cô Mai là người phụ nữ đã lấy chồng được bảy năm rồi, trong suốt thời gian dài đó, một tuổi trôi qua là một lần cô lặp lại một điều ước giản đơn, mọi người phụ nữ chắc cũng đều mong muốn nó, đó là được về ăn Tết cùng cha mẹ đẻ của mình. Chồng của cô là chú Thành, mặc dù lấy được một người chồng thành đạt, giàu có nhưng điều đó cũng không thể làm cô vui. Mỗi dịp Tết, chú đều tặng cô những món quà xa xỉ, khác xa với điều ước mà cô đã ấp ủ bấy lâu nay, đưa cô đi ăn ở những quán ăn sang trọng, đắt tiền cùng với gia đình nội. Chú thật sự không thể hiểu được tâm lý của phụ nữ và còn tệ hơn nữa… là của chính vợ mình. Món quà mà cô luôn giang sẵn vòng tay chờ đợi dù là rất lâu là được đón giao thừa một cách đầm ấm, vui tươi cùng với cha mẹ ruột, được ăn những món ăn bình dị của thôn quê do tay mẹ làm dù chỉ là củ khoai, củ sắn hay đĩa rau luộc, miễn là cô được ngồi chung và tận hưởng bữa cơm nhà cùng với cha mẹ của mình. Trong 7 năm ở trong nhà chồng, chưa một lần nào cô được sà vào lòng mẹ, tâm sự với mẹ về cuộc sống thực tại và chuyện gia đình xưa cũ. Nghĩ về gia cảnh nhà ngoại khi xưa, cô không làm sao mà kìm được nước mắt. Căn nhà lá tranh, vách nứa đã bị bão đánh sập hoàn toàn, nhà cô phải cưu mang đi nơi này, chốn khác, mong sao có công ăn việc làm đàng hoàng, ổn định. Và định mệnh của cô cũng bắt đầu từ đó, cô gặp được chú Thành - người chồng hiện tại của cô. Chú đã đồng ý giúp cả gia đình cô và họ đã lấy nhau làm vợ chồng. Cha mẹ của cô Mai nửa vui, nửa buồn kèm theo một phần lo lắng. Ông bà lo cho con mình, sợ rằng nhà mình nghèo, chẳng đủ tư cách để cho con mình lấy một người con nhà giàu sang, phú quý. Nhưng chú Thành là một người rất kiên quyết, cố gắng năn nỉ cha mẹ cho bằng được, nhất định phải cưới cô Mai làm vợ.
Cha mẹ chú Thành ban đầu không chấp nhận chuyện đó, nhưng sau cũng phải mềm lòng vì hai người họ mê nhau quá, những lời năn nỉ đến tội nghiệp của chú Thành và một phần nào, họ thấy cô Mai cũng là người siêng năng, chăm chỉ làm lụng nên bằng lòng chi toàn bộ tiền tổ chức lễ cưới cho con trai và con dâu của mình. Chú Thành cũng đã xây một căn nhà đàng hoàng cho cha mẹ vợ để sống có cái ăn cái mặc đầy đủ.
Biết tính mẹ chồng cũng nóng nảy, cô biết cách làm cho mẹ hài lòng, vậy nên cứ mỗi dịp Tết, cô không dám nghĩ đến chuyện hé môi xin mẹ chồng cho về quê ăn Tết cùng cha mẹ ruột. Ngày tháng trôi qua thật mau, cuối cùng cũng đã đến Tết với khung cảnh vui tươi, nhộn nhịp. Trong ngày mùng 1 đó, cô Mai chỉ nở duy nhất hai nụ cười thật tươi khi chúc sức khỏe cha mẹ chồng và chồng con.
Tối hôm đó, chú Thành mới nói với cô rằng hãy cho chú biết một ước muốn khao khát của cô để chú biến nó thành sự thật. Cô ngập ngừng mãi rồi òa lên khóc nức nở, trút hết bao nhiêu nỗi buồn sầu, để rồi tích tụ lại thành đám mây đen trong lòng cô, trao hết nỗi buồn cho chú. Chồng cô nghe xong cảm động lắm. Bảo vợ soạn hành lí để mai chuẩn bị khởi hành, chú sẽ cố gắng xin cha mẹ mình.
Mùng 2 Tết, chú Thành và cô Mai thu hết can đảm xuống để thưa chuyện với cha mẹ chồng. Nào ngờ nghe hai vợ chồng nói xong, không chỉ cha chồng mà còn… mẹ chồng cũng rất xúc động nữa. Họ nghẹn ngào rồi giục cả hai đi thật nhanh không trễ giờ mất. Hai vợ chồng mừng tủi, mắt cô Mai đỏ hoe, vội vàng xách hành lí và ba giỏ quà to bỏ vào cốp xe, lát về đem biếu cha mẹ vợ, xin tạ lỗi vì mất bảy năm xa cách gia đình.
Về đến nhà, thấy mẹ đang phơi quần áo thấm đượm bao nỗi buồn, cô Mai xúc động cất tiếng gọi mẹ. Bà Minh thấy con gái đã trở về, buông thõng giỏ quần áo trên tay rơi xuống dưới đất, miệng lẩm bẩm: “Mai… Mai… con đã… đã về với mẹ sao…”. Rồi hai mẹ con ôm chầm lấy nhau mà khóc tức tưởi, khóc như chưa từng được khóc. Bao niềm vui, nỗi buồn của họ đã được giải tỏa bởi những giọt nước mắt đang lăn dài trên má, nhòe ướt cả đôi mi. Ông Chương vội vã đi ra, cũng ôm lấy vợ, con gái và con rể mà khóc, cả gia đình đều chung một dòng nước mắt. Mọi mong ước ấp ủ trong bảy năm qua của cô Mai đã thành sự thật, họ cùng nhau ăn bữa cơm do chính tay mẹ và con gái cùng vào bếp làm, cùng đón Tết như mọi nhà và trò chuyện, tâm sự với nhau tới khuya lắc khuya lơ mới đi ngủ, cô Mai đã chìm vào giấc ngủ do chính bàn tay của mẹ ruột vỗ về.
Theo https://tetnhangoai.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

"Trăm năm một thuở": Lời tri ân sâu sắc đến người thầy của bao thế hệ

"Trăm năm một thuở": Lời tri ân sâu sắc đến người thầy của bao thế hệ Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Giáo sư, Nhà giáo nhân dân,...