Thứ Ba, 13 tháng 2, 2018

Mùa xuân trong một số ca khúc Việt Nam

Mùa xuân trong một số ca khúc Việt Nam
Mùa Xuân một trong những đề tài từ trước đến nay có rất nhiều người ca ngợi và ca ngợi khá thành công trong lĩnh vực Văn học và nghệ thuật. Trong âm nhạc ta thấy có nhiều ca khúc về mùa xuân và có những ca khúc được đánh giá là tiêu biểu cho từng thời đại từng hoàn cảnh đồng thời được đánh giá là điển hình là độc đáo là sáng tạo là thực tiễn ở từng tác giả khác nhau. Những ca khúc ấy đã được thời gian thử thách và đã được sống mãi trong lòng mọi người với những dấu ấn thẩm mỹ sâu sắc.
Mùa Xuân không tách dời cuộc sống của tự nhiên và cũng không tách dời cuộc sống xã hội trong đó có trạng thái tâm lý của con người.
‘Xuân chiến khu" - một ca khúc của nhạc sĩ Xuân Hồng ra đời trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ đã đến với anh bộ đội và đã đến với chúng ta một cách nhanh chóng và rộng rãi bởi lẽ nó vừa tả cạnh vừa tả tình lại vừa thể hiện cái nét độc đáo của cuộc kháng chiến chống Mỹ vĩ đại của toàn dân ta:
"Mùa xuân về trong chiến khu tiếng chim rừng vang hót khắp nơi mùa xuân về trong chiến khu gió đưa cây rừng cành lá vi vu u u u chim hót mừng mùa xuân thắng lợi..."
Ở đây sự phối hợp cao độ tạo nên chất lượng tươi sáng của âm thanh những móc đơn móc kép hơi nhanh đã tạo nên cái rộn ràng của tiếng xuân của lòng người mà anh bộ đội là trung tâm:
"Mai vàng mai vàng đang nở lưng đồi chào anh bộ đội thêm một tuổi đời mừng anh thêm một tuổi xuân thêm nhiều chiến công toàn dân đang mong". Ta thấy xuân ở chiến khu rất vui rất đẹp. Anh bộ đội thêm tuổi mới càng thêm sung sức chiến thắng kẻ thù. Anh hăng say với nhiệm vụ anh lạc quan trong chiến đấu bởi vì trong mùa xuân đến có tình quân dân thắm thiết.
"Mai này xuân về hoa nở khắp nhà tìm anh bộ đội em tặng món quà cùng anh kể chuyện đã qua những ngày chiến chinh đời anh xông pha..." Tình quân dân ấy lại nảy nở trong mùa xuân có âm thanh đầy chất tươi sáng có màu sắc rực rỡ và không khí khẩn trương của những bước chân hành quân ra chiến trường: "xuân chiến khu nhớ tình làng quê xóm cũ quyết lòng diệt tan kẻ thù...".
Trong toàn bài dễ nhận thấy âm thanh nhịp điệu của các câu nhạc sao mà trong trẻo dịu dàng và rạo rực. Từ những câu mở đầu phát triển cao trào đến câu kết thúc đều tươi vui say sưa làm cho con người không thể cảm thấy được cái không khí ác liệt của khói súng mà chỉ tràn ngập trong tiếng hát giữa ngày xuân mặc dù có thể có những ngày xuân chưa trọn vẹn.
Đến mùa xuân khi hòa bình thống nhất chúng ta vẫn thấy âm nhạc xuất hiện với niềm vui náo nức trong lòng người dân Việt Nam. Trạng thái bồi hồi xúc động nhớ Bác Hồ và một niềm tin vào chân lý mới của nhân dân khi mùa xuân đến đã được nhạc sẽ Hoài Mai biểu hiển trong ca khúc: Mùa xuân quê hương.
"Quê hương vang mãi muôn khúc ca tưng bừng. Đời vui náo nức sức sống đang trào dâng. Mùa về trên quê hương nghe bao tiếng thân thương khi sông núi nối liền tin vui đến mọi miền..."
Ở ca khúc này cái tươi vui và ấm áp của mùa xuân được dàn trải mênh mông bằng những câu nhạc toàn nốt đen và nốt trắng. Cấu trúc của bài là hai đoạn nhạc có nhịp độ vừa phải và tình cảm tha thiết. Ở đoạn nhạc hai cao trào xuất hiện được nâng lên rồi lại giảm xuống. Ta tưởng như trong vườn xuân có làn gió nhẹ thoảng đến lay động lá cành rồi lại lướt qua. "Lời Tổ Quốc mênh mông bồi hồi khắp non sông giờ giao thừa còn ấm giọng nói của Bác Hồ một Việt Nam thống nhất chan hoà tình Nam Bắc. Ôi chân lý rạng ngời bừng lên sáng soi đời..."
Khi lặp lại giai điệu của ba câu đầu đoạn nhạc hai Hoài Mai đã dụng ý miêu tả trạng thái say sưa của con người trước làn gió mới tiếp đến. Đến phần cuối cao độ được tăng dần lên về kết thúc ở sức ngân dài của chủ âm. Tác giải muốn gợi một niềm tin và hy vọng mới mẻ mà con người cùng mùa xuân quê hương đã đạt được: "Vượt mọi nỗi gian lao hàn lại vết thương đau. Lòng ta hằng nung nấu nguyện ước của Bác Hồ. Cùng dựng xây đất nước cho đời thêm mơ ước tương lai sẽ ngập tràn một niềm vui bao la."
Khả năng miêu tả của ca khúc này hầu hết thiên về mặt gợi cảm. Dạng miêu tả Mùa Xuân của Hoài Mai là một dạng đặc biệt để chuyển tiếp tới các phong cách miêu tả khác nhau của những người sáng tác ca khúc mùa xuân chuyển tiếp tới nội dung phản ảnh mới của những ca khúc mùa xuân: cái tượng trưng cho mùa xuân không nhất thiết phải là cỏ cây hoa lá là gió là chim là nắng hồng tươi là tiết trời êm dịu. Cái tượng trưng cho mùa xuân chính là đất nước con người và thời đại đã mang một sức sống mới một niềm vui mới.
Nhưng làm gì để có sức sống mới niềm vui mới niềm vui mới ấy có thể đến với muôn người trong những hoàn cảnh nào trường hợp nào? Chúng ta hãy tiếp xúc với sáng tác của nhạc sĩ Phó Đức Phương ca khúc Tình ca trên những  công trình mới:
"Mùa Xuân đến cho đất trời màu nắng mới và mùa xuân đến cho công trình tầng cao mới. Cho Tổ Quốc ngàn lời ca và đàn én bay qua. Một rừng hoa nhịp cầu hoa những căn nhà ngói mới. Cho nhịp máy dồn vòng quay tiếng còi tầm vang như say. Một mùa xuân dạt dào trên rừng núi quê nhà".
Các hình ảnh mới của mùa xuân mà Phó Đức Phương miêu tả là sức lao động và tình yêu trong lao động. Cái đẹp của mùa xuân có thêm thành quả của các công trình lao động và cái vui say của mùa xuân có thêm cái vui say của tuổi trẻ của tình yêu gắn bó với công trình lao động làm đẹp giàu cho đất nước.
Cái nốt nhạc mở đầu ca khúc được chọn ở những cao độ có thể nói là cao nhất trong gam rê thứ (rế mí phá). Và độ khá dài (trắng chấm đôi đen trắng chấm đôi) để biểu hiện tiếng gọi tha thiết của không gian thời gian mùa xuân muốn thôi thức lòng người. Các nốt luyến kết hợp với đảo phách cùng với sự lặp lại giai điệu câu nhạc đầu tiên đã gây được cảm giác đột ngột say xưa trước cái mới liên tiếp. Các câu nhạc sau chủ yếu sử dụng các nốt móc đơn và luyến các móc đơn để biểu hiện cái không khí rộn rã nhịp nhàng của các công trình lao động xây dựng khắp đất nước. Đến cuối câu thì sử dụng trường độ là nốt tròn (la rề rế) đã phát huy được tác dụng biểu hiện. Sức ngân dài của nó rất phù hợp với trạng thái tươi vui say mê của tuổi trẻ trước sức lôi cuốn của cuộc sống nhất là trong đó có tình yêu chân chính tình yêu của người lao động rất đổi tự hào:
"Tình yêu đến cho má em màu nắng mới và mùa xuân đến tay nắm tay lòng phơi phới. Em sẽ nói gì cùng anh về hẹn ước tương lai về niềm tin và ngày mai những công trình em ơi! Cho tuổi trẻ một mùa xuân..."
Mùa xuân trong ca khúc "Tình ca trên những công trình mới" chính là cái không khí hội hè của tình cảm nó phảng phất như có những làn điệu dân ca những câu hát trao duyên của nam nữ ở ngay trên mặt trận mới: lao động và dựng xây Tổ Quốc.
Một ca khúc trữ tình ngắn gọn giản dị mà sâu sắc có đường nét giai điệu đẹp mới mẻ thú vị đó là ca khúc "Em ơi mùa xuân đến rồi đó" của nhạc sĩ Trần Chung.
Dưới hình thức người con trai tâm sự với người con gái Trần Chung muốn chúng ta hiểu nhiều về cuộc đời về đất nước:
"Em ơi mùa Xuân đến rồi đó thắm đỏ ngàn hoa sắc mặt trời. Nghe không gian mênh mông trong lời ca yêu thương đến với muôn người đến với muôn đời xuân ước vọng ngàn năm đã tới..."
Cuộc đời và đất nước ở đây chính là sức sống mãnh liệt dồi dào của tuổi trẻ dựng xây đất nước: "...Chim đón chào bàn tay dựng xây trên tầng cao thấy mùa xuân náo nức công trường đồng lúa mới dâng hương..."
Trong bài xuất hiện những âm hình khá đơn giản chủ yếu là những nốt đen kế tiếp trong nhịp nhưng khi hát lại ngắt chứ không liền mạch tạo nên hiệu quả rạo rực biểu hiện mùa xuân thiên nhiên đang đến sức sống của tuổi trẻ đang dồi dào sinh động: "Em ơi mùa xuân đến gọi ta tiếng gọi tình yêu mới hiền hòa..."
Khi cao trào phát triển ta thấy ngay cách xử lý sáng tạo. Các âm thanh được mạnh dạn đẩy lên cao vút tạo thành một biến động có phần hơi nhanh nhưng hợp lý vì mùa xuân của tuổi trẻ đang có những tiết tấu khẩn trương giục giã ở bản thân cuộc sống: "Ôi xuân tươi bao la đang giục ta đi mau tới những chân trời đất nước đón người xây đắp ngàn mùa sau hạnh phúc..."
Mùa xuân đến rồi cuộc sống mới đến rồi hãy đón lấy cuộc đời. Với nét nhạc lặp lại hai lần kết báo đã biểu hiện rất thành công những ý định mà tác giả mong muốn: "Em ơi mùa xuân đến rồi đó giang rộng vòng tay đón cuộc đời:.
Nhìn lại bốn ca khúc đã được phân tích ở trên ta nhận thấy các nhạc sĩ: Xuân Hồng Hoài Mai Phó Đức Phương và Trần Chung. Tuy cũng thể hiện một đề tài nhưng đã sử dụng các dạng nét giai điệu khác nhau. Mỗi dạng nét có riêng một ưu thế của nó không thể thay thế bằng dạng nét khác được. Các nhạc sĩ vừa có sự nhạy bén sáng tạo vừa có sự tìm tòi chọn lọc để tận dụng tất cả các khả năng miêu tả của âm nhạc.
Từ điệu thức khuôn nhịp nốt nhạc chủ yếu sự sắp xếp giai điệu đến tình cảm biểu hiện đã thể hiện những phong cách quý giá.
- Nhạc sĩ Xuân Hồng là chất phóng khoáng tình cảm lạc quan.
- Nhạc sĩ Hoài Mai là niềm thiết tha của tâm hồn rộng mở.
- Nhạc sĩ Phó Đức Phương là tình cảm nồng nhiệt đượm chất thơ ca.
- Nhạc sĩ Trần Chung là sự khám phá sáng tạo.
Tất cả đều đem đến cho chúng ta những mùa xuân tươi đẹp đầy ý nghĩa và đầy chất thơ. Mùa xuân cùng với sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước chào đón một năm mới đầy tương lai hứa hẹn.
Phạm Quế Nguyên
Nguồn: Báo Xuân VHNT Cần Thơ - 2009
Theo http://phamquenguyen.vnweblogs.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Fukushima: Thảm họa vẫn còn tiếp diễn

Fukushima: Thảm họa vẫn còn tiếp diễn Trích từ tiểu thuyết “Trò chuyện với thiên thần” của Trương Văn Dân Ba đang ngồi đọc lại những tra...