Thứ Tư, 14 tháng 2, 2018

Tản mạn về con người

Tản mạn về con người 
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua - sân trước - một cành mai
Hãy thử ngồi lặng im để quan sát sự vận động của những đứa trẻ, bạn sẽ thấy chúng có những cảm xúc vô cùng đáng yêu và rất tự nhiên, có khi tự nhiên òa khóc rồi lại ròn rã cười, có khi sợ hãi một điều gì đó rồi lại xoay chuyển thành sự yêu thương, có khi quay sang đánh bạn rồi lại ra ôm hôn thắm thiết.... tâm lý trẻ vốn trong sáng vô cùng, chúng thể hiện cảm xúc theo bản năng và theo kiểu bắt chước. Nếu người lớn hay nói cười thì trẻ cũng hay nói cười, nếu người lớn hay giận dữ, nóng nảy thì đứa trẻ rất dễ cáu giận vô cớ. Người lớn không khác gì tấm gương để những đưa trẻ soi vào đó và làm theo. Mọi cảm xúc của con người từ Hỷ, Nộ, Ai, Cụ, Ái, Ố, Dục đều được đứa trẻ sao chép lại một cách dập khuôn. Xã hội nào thế hệ đó, xã hội văn minh, tiến bộ thì các thế sau cũng văn minh, tiến bộ, được sống trong môi trường lành mạnh; xã hội còn nghèo nàn, lạc hậu thì các thế hệ sau cũng bị ảnh hưởng, các thế hệ sau khó thể hiện được tính sáng tạo, năng lực cá nhân khi mà chỉ loanh quanh lo lắng về cơm, áo, gạo, tiền bởi quy luật xã hội cho thấy rõ tâm lý xã hội có tính di truyền. Như vậy, tự bản thân con người phải có cách biến chuyển về nhận thức cá nhân nếu muốn đòi hỏi ở một xã hội tiến bộ hơn. Đạo Phật đã tìm ra sự hóa giải cho vấn đề lớn đó, biến chuyển bảy cung bậc tâm lý trên qua Bốn từ: Từ - Bi - Hỷ - Xả:
Từ là tâm chẳng sân si
Bi là thương hết không vì một ai
Hỷ là vui vẻ hài hòa
Xả là xóa hết đắng cay u buồn

Xét tổng thể, nếu con người tách ra khỏi cộng đồng thì không khác gì con người nguyên thủy, sống theo bản năng và nhu cầu tối thiểu nhất. Con người được sống trong cộng đồng là sự hãnh diện khi được cộng đồng chấp nhận. Sự chấp nhận trong cộng đồng được xuất phát từ bản năng bầy đàn, nhu cầu được chia sẻ, thậm chí từ bản năng thống lĩnh vốn tự nhiên. Chúng ta cùng nhìn nhận về con người thông qua hệ tọa độ tiến hóa: Trục tung là tiến hóa về tự nhiên, trục hoành là tiến hóa về xã hội:

Chiếu trên trục tự nhiên, con người đã thoát ly thế giới động vật nhờ vào sự tiến hóa của ngôn ngữ, và công cụ lao động. Ngôn ngữ chính là nền tảng trong phát triển xã hội sau này, đó là sự kế thừa và công thức hóa lại tự nhiên. Ngôn ngữ xã hội hiện nay vô cùng phong phú và đa dạng, nhất là hệ quả của quá trình xâm chiếm thuộc địa trước đây và quá trình toàn cầu hóa ngày nay. Đứa trẻ cũng chỉ ghi nhớ máy móc lại ngôn ngữ người lớn, và được chắt lọc, bổ xung trong quá trình trưởng thành. Ngôn ngữ còn thể hiện trí tuệ của cá nhân, thể hiện cung bậc cảm xúc và tạo ra những hiệu ứng mang tính cộng đồng.
Đặt trên trục xã hội, bầy đàn lúc này thay bằng tập thể, tổ chức. Đây là mối quan hệ Người - Người, rộng hơn là Người - Tập thể, cộng đồng. Con người chiếu trên trục xã hội chủ yếu đề cập đến cách ứng xử, các mối quan hệ, các hoạt động trong cộng đồng. Nhưng con người cá nhân vẫn duy trì bản năng tự nhiên, đó là tâm lý thông trị, tâm lý thống trị cá nhân với con cái, bạn bè, tập thể... Tâm lý này vốn chi phối đến hầu hết con người trong xã hội, ảnh hưởng đến các hoạt động, các mối quan hệ trong xã hội. Nếu đang ở trong xã hội mà không định vị được điều này, cá nhân luôn có xu hướng thống lĩnh, tự đề cao bản thân. Cá nhân rất dễ lạc vào chủ nghĩa thực dụng, xem trọng cái trước mắt mà không tính đến sự lâu dài, cũng như không hiểu được bản chất của cá nhân - thực chất là kết quả của tập thể cùng làm nên. Khi cá nhân vô tình không hiểu dễ dẫn đến sự tự tin quá mức vào bản thân. Và khi ta chiếu vào trục tiến hóa, cá nhân đó hiển nhiên thuộc về quá khứ tiến hóa của loài người - nói rõ hơn là chưa tiến hóa về mặt xã hội.

Dựa vào quy luật tự nhiên và xã hội của sự phát triển, mặc dù xuất thân từ tầng lớp vương giả, quý tộc, nhưng Đức Phật đã tự thoát ra những bộn bề của cuộc sống để đến với chân lý cốt lõi của cuộc sống - đó là sự Thanh tịnh. Cuộc sống cũng như cầu vồng bảy sắc sau cơn mưa, rồi đến lúc tan biến đi, để lại cái vĩnh hằng là bầu trời và ánh sáng trắng. Đức Phật đã dạy về Bốn điều xuất phát từ cuộc sống con người giữa mọi bề ưu tư. Cá nhân không phải ai cũng dễ dàng giác ngộ được, phải xuất phát từ sự tự nhận thức bản thân. Từ là tâm không sân si, không màng danh lợi, vì mọi thứ rồi cũng tan biến theo thời gian, chết rồi ta không mang đi, mà trần gian có ai nhớ đến mình. Bi là thương hết không vì một ai, cá nhân có tồn tại là nhờ vào cộng đồng. Không đặt thiệt hơn, cũng như lệch lạc trong đánh giá, suy xét. Muốn vậy phải hiểu người, hiểu đời, và thường khi về già, con người mới cảm nhận sâu sắc được, và cho đi yêu thương không nề hà.  Hỷ là vui vẻ hài hòa, có yêu thương mọi người thì lúc nào cũng thấy vui vẻ. Xả là xóa hết đắng cay u buồn. Có yêu thương, sống chan hòa thì con người dễ quên đi u buồn, hướng đến suy nghĩ tích cực hơn. Xã hội có quy luật lây lan tình cảm. Mỗi người cảm nhận được chân lý đó thì gia đình hạnh phúc, tập thể vững mạnh, xã hội chẳng mấy mà tốt đẹp, hài hòa hơn. Như vậy, để hóa giải được những vấn đề của cá nhân qua lời răn dạy của đạo Phật, cần hiểu được vai trò quan trọng của cộng đồng. Có cộng đồng, cá nhân mới định vị được bản thân, cũng như cái Đẹp chỉ đẹp khi xung quanh nó có những cái Xấu hơn, nếu xung quanh toàn cái Đẹp rồi thì lúc này không còn khái niệm về cái Đẹp nữa. Và có nghĩa là cái Xấu lúc này lại tốt vì nó làm nổi bật cái Đẹp. Chúng ta thuộc tuýp người nào: Cá nhân nào là đại diện cho cà rốt, cá nhân nào đại diện cho trứng, cá nhân nào đại diện cho hạt cà phê? Cá nhân muốn hiểu được bản thân phải được sống trong tập thể, tổ chức, từ đó mới tôi luyện và khẳng định được mình. Ngược lại, tổ chức, tập thể cùng cần tạo điều kiện để cá nhân không ngừng vươn lên, xét cá nhân nên xét trong tổng thể những gì họ phấn đấu chứ không phải vì một vài vấn đề mà đánh giá thấp cá nhân, dẫn đến sự bi quan, thậm chí phẫn nộ. Từ đó mới định vị được tuýp người - cá nhân một cách chính xác: cà rốt, trứng hay cà phê, để rồi mới có được đường hướng chỉ đạo hợp người - hợp lý - hợp tình - hợp thời.
Mỗi cá nhân vinh dự được sinh ra trong xác suất gần như bằng không, vinh dự có mặt trên Trái Đất mà khoa học hiện đại vẫn chưa tìm được hành tinh có sự sống nào khác ngoài vũ trụ kia. Để lịch sử tiến hóa theo chiều hướng tích cực, cá nhân nhất thiết phải được sống trong cộng đồng, cùng tham gia các hoạt động cộng đồng, cùng phát triển cộng đồng tốt đẹp hơn thì sự tiến hóa có chọn lọc mới tạo ra các thế hệ tương lai sống hạnh phúc. Luật Nhân - Quả trong Đạo Phật cũng là một trong những minh chứng của quy luật tự nhiên đó.
Luận bàn về con người - cá nhân thì vô cùng đa nghĩa, đa chiều. Xin dừng lại dưới góc nhìn của Đạo Phật về con người - cá nhân giữa cộng đồng. Xuân tài lộc biếc đến với muôn nhà, đến với nơi nơi, hạnh phúc đến với mọi người. Thay lời kết, xin gửi tới bài kệ của Thiền sư Mãn Giác với cách nhìn đầy vô vi của đạo Phật, xuân đi xuân lại về, vạn vật không ngừng biến chuyển, bản thân con người cũng phát triển không ngừng theo thời gian, chỉ có dấu ấn cá nhân mới là cốt lõi, hãy để tình yêu trong tim mọi người dù ở lại hay ra đi còn nhớ đến nhau.
Cáo tật thị chúng
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
Mãn Giác Thiền sư
Có bệnh bảo mọi người
Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa cười
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu, già đến rồi
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua - sân trước - một cành mai
Hòa thượng Thích Thanh Từ dịch

Nguyễn Thu Trang 
Theo http://c3minhphu.edu.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Việt Bắc – Suối nguồn thi ca 15 Tháng Mười, 2023 Với người Việt Nam, Việt Bắc còn gọi là Tây Bắc, là ngôn từ có âm thanh sâu lắng và ý...