Thứ Hai, 19 tháng 2, 2018

Đi theo tiếng gọi bản Mường

Đi theo tiếng gọi bản Mường 
Có những chuyến đi được lên kế hoạch thật kỹ lưỡng, nhưng cũng có vài lần tự dưng một cái tên được thốt ra. Vậy là, cứ thế mà đi thôi.
Những ngày cuối tháng 7, cơn áp thấp nhiệt đới chuẩn bị đổ bộ vào Vịnh Hạ Long vậy là chúng tôi hoãn kế hoạch đến thăm di sản thế giới và chuyển địa điểm sang Hòa Bình với thời gian vội vàng chỉ trong một ngày. Cớ ngỡ chuyến đi vội vàng ấy chỉ để lấp khoảng trống rảnh rỗi nhưng hóa ra đó lại là một kỷ niệm tuyệt đẹp ở miền núi Tây Bắc.
Đây rồi Đà giang ơi
Chúng tôi đón chuyến xe đêm từ Hà Giang sau ba ngày khám phá Đồng Văn- Mèo Vạc trở về Hà Nội lúc hơn bốn giờ rưỡi sáng. Có vẻ như bến xe Mỹ Đình không bao giờ yên ắng với cuộc sống mưu sinh gấp gáp. Chuyến xe buýt lúc năm giờ từ từ rời bến, bỏ lại Hà Nội đang còn ngái ngủ sau lưng. Sau chặng đường 45 phút, chúng tôi đã tới bến xe ngay trung tâm thành phố Hòa Bình. Hai người lữ khách lang thang theo con đường Nguyễn Trung Trực ngay sát bến xe rồi dừng chân tại quán ăn ven đường không hề có bảng hiệu. Bác gái lớn tuổi đon đả chào khách với nụ cười thật hiền hậu. Anh bạn đồng hành người ngoại quốc thì thào, đây là tô bún riêu mà anh từng ăn ngon nhất ở Việt Nam.
Hai kẻ lữ hành vác balo đi dọc theo dòng Đà giang, hàng phượng run rẩy trong cơn gió lồng lộng từ lòng sông thổi vào. Thủy điện đang xả lũ. Thác tung bọt mịt mù như cối giã nước, như thể cơn bão đang oằn mình trước sức nặng của chính nó. Cầu vồng vắt vẻo bắc ngang dòng nước khiến ai nấy đều trầm trồ suýt xoa. Tôi nhớ tới tùy bút Người lái đò sông Đà của nhà văn Nguyễn Tuân từng học những năm phổ thông, dòng Đà giang như con thủy quái hung hãn bị con người chế ngự. Trên khối đá chặn dòng nước hoang tàn tạc hình cô gái Mường với mái tóc tung bay, hệt như dòng nước vừa mềm mại nhưng lại mạnh mẽ sau những ngày giông bão.
Hình 1: Đà giang dữ dội và hùng vĩ 
trong ngày xả lũ ngay đập thủy điện
Hình 2:  nhưng Đà giang cũng không 
kém phần thơ mộng và trữ tình
Về với nguồn cội dân tộc Mường
Ngay con dốc Chăm sát bến xe Chăm Mát, chúng tôi tìm đến với Bảo tàng Di sản Văn hóa Mường theo lời giới thiệu của cô nhân viên ở Nhà văn hóa tỉnh. Bảo tàng tư nhân nằm ở vị trí đắc địa cao ráo với 6 căn nhà sàn, đây thật sự là nơi vô cùng lý tưởng cho bất kỳ ai muốn khám phá về lịch sử dân tộc Mường. Chú Thanh Bình, giám đốc bảo tàng niềm nở chào đón và dẫn chúng tôi đi tham quan từng khu vực trưng bày. Chú vốn là một người con xứ Mường ở Kim Bôi vì thế tôi dễ dàng nhận ra tình yêu vô vờ bến trong lời nói và ánh mắt mà chú dành cho những đồ vật cổ xưa. Với hơn 30 năm lăn lộn khắp bản làng Hòa Bình, chú sưu tầm tất cả những vật dụng từ đồ sinh hoạt gia đình cho tới các báu vật của quan lang xứ Mường “Nhất Vang, nhì Bi, tam Thàng, tứ Động”. Tôi như được trở về với những năm tháng huy hoàng của một dân tộc ở núi rừng Tây Bắc. Sau gần hai tiếng đồng hồ tìm hiểu và lắng nghe chú Bình tâm sự, chúng tôi đành chia tay hẹn một ngay sẽ trở lại. Trước nhà sàn, lá trầu quấn quanh cây cau tốt um tùm. Trên sân còn vương lá khế đọng nước, cảm giác thật bình yên ấy thật khó mà quên được.
Hình 3: Đồ đạc cô dâu Mường mang về nhà chồng
Hình 4: những báu vật cồng chiêng của người Mường
Chúng tôi đón taxi ngay bến xe Chăm Mát vào Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường cách đấy 8km. Đây thực sự là một nơi tuyệt vời cho giới nghệ sĩ ở và dành thời gian sáng tác. Nằm ngay ở quả đồi sát ven đường đi, khu vực không gian thoáng mát cùng với lối kiến trúc độc đáo khiến du khách ngỡ như mình đang lạc vào một vùng đất nghệ thuật. Những căn nhà sàn của người Mường và các phòng trưng bày về đời sống văn hóa Mường nằm e ấp giữa rừng cây. Chúng tôi ở lại một đêm, thưởng thức ẩm thực Mường và lắng nghe hơi thở núi rừng Tây Bắc giữa màn đêm tịch mịch.
Hình 5: Lối vào Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường

Hình 6: Nhà quan Lang Mường được phục dựng lại 
sau một vụ hỏa hoạn do ý thức kém của du khách
Bản Mường Giang Mỗ
Sáng sớm thức dậy tôi hỏi cô nhân viên ở bảo tàng nơi nào gần đây có thể đi dạo, vậy là cô gái chỉ về bản Giang Mỗ trên đường đi Thung Nai. Từ bảo tàng chỉ cần cuốc bộ 3.5 km là tới bản Giang Mỗ. Ven đường, tượng đài anh hùng Cù Chính Lan- người tiêu diệt xe tăng Pháp ở trận đánh ác liệt ngay dốc Giang Mỗ năm 1951- hiên ngang bất tử cùng năm tháng. Đoạn đường lác đác nhà dân, một bên là núi quyện trong sương mờ. Mưa lâm thâm, chúng tôi đành trú vào một hàng nước và nhờ anh chủ quán nấu hai gói mì tôm trứng. Phía bên kia đường một phụ nữ Mường lớn tuổi mặc trang phục truyền thống ngồi trên nhà sàn nhìn mông lung vào màn mưa.
Hình 7: Tượng đài anh hùng Cù Chính Lan ở dốc Giang Mỗ
Hình 8: Vẻ đẹp bình dị của ruộng nước làng Giang Mỗ
Bản Giang Mỗ hiện ra trước mặt, những căn nhà sàn nằm e ấp mình dưới chân quả đồi và trước mặt là ruộng lúa xanh non quyện lấy những hàng tre. Chúng tôi thong thả bước vào bản ngắm nhìn những căn nhà sàn, lũ chó nô đùa dưới giàn mướp trổ bông. Nhà của người Mường có hình dáng như mai Rùa, mà trong mo “Đẻ đất đẻ nước” có kể giai thoại con rùa dạy lang Cun Cần làm nhà để xin quan Lang tha mạng. Hôm ấy bản khá đông vì các bạn sinh viên tới ở nhà dân và mỗi người chọn cho mình một vị trí thật đẹp để phác họa. Sát ruộng lúa là bờ ao nước trong vắt có thể nhìn rõ lũ cá đang bơi đùa và hàng cam trĩu quả. Những người nông dân trong bản ngoài làm dịch vụ homestay với giá khá rẻ, dệt thổ cẩm, họ vẫn mưu sinh nhờ vào ruộng và đi hái măng rừng theo mùa. Bản làm du lịch từ năm 1994 nhưng chỉ có 40 hộ ở sát đường, còn 100 hộ đi sâu vào bên trong vẫn làm nông thuần túy.
Hình 9: Cô My say với khói thuốc lào bên bếp lửa
Chúng tôi đang tản bộ quan sát chợt một người phụ nữ ở căn nhà cuối bản mời vào chơi. Cô My thay ngay bộ đồ đang mặc bằng bộ váy truyền thống của người Mường khiến chúng tôi đều thốt lên “Đẹp quá”.  Cô mời khách vào tham quan căn nhà sàn có tuổi thọ từ năm 1970, mời chúng tôi uống rượu ngâm chuối và luôn vui vẻ giới thiệu cho tôi biết thêm về văn hóa Mường. Người phụ nữ Mường ngoài dệt thổ cẩm còn ngồi bên bếp lửa  trò chuyện, họ truyền tay nhau ống điếu cày và nhìn làn khói thuốc lào bay nghi ngút. Lúc ra về, tôi vui vẻ mua một bộ trang phục người Mường, khăn thổ cẩm do cô tự tay dệt về làm quà cho người thân. Cô còn tặng tôi một chiếc túi thổ cẩm đựng điện thoại khiến lòng tôi khá áy náy bởi số tiền cô bán được cho khách thật chẳng bỏ bèn với công sức lao động. Chúng tôi chào nhau ra về nhưng cô đi theo tiễn khách ra tận cổng làng. Một người trong bản bưng rổ nhãn mới hái từ vườn tặng cô My một ít, vậy là cô lại dúi vào tay hai chúng tôi bắt mang theo. Ra đầu bản, chúng tôi gặp người phụ nữ dân tộc Dao lớn tuổi ở cách bản vài cây số xuống đây bán đồ thổ cẩm cho khách du lịch. Bà bán chiếc khăn đội đầu với giá 100k/chiếc mà mất nửa tháng mới làm xong.
Hình 10: Những họa sĩ tương lai đến bản tác nghiệp
Chúng tôi rời bản Giang Mỗ lúc trời đã chuyển sang trưa, hai người phụ nữ dân tộc vẫy tay chào và nụ cười rạng rỡ của họ khiến lòng tôi lưu luyến. Thật mừng khi mà người của bản Giang Mỗ vẫn chưa bị du lịch xóa mòn những giá trị thôn quê hiền hậu.
Những nụ cười ở bản Giang Mỗ của ngày hôm ấy là món quà tuyệt vời nhất mà tôi đón nhận trên mảnh đất Hòa Bình trong một chuyến đi chơi ngẫu hứng.
Hình 11: Nụ cười thân thiện của người 
phụ nữ Mường và Dao níu kéo bước chân tôi.
Tham khảo:
Vé xe buýt từ Mỹ Đình Hà Nội đi bến xe Hòa Bình: 45.000/vé, thời gian 45 phút, xe chạy thường xuyên.
Bảo tàng Di sản Văn hóa Mường, địa chỉ tổ 6 phường Thái Bình. Giá vé vào tham quan 30k/người.
Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường, địa chỉ 202 Tây Tiến,. Giá vé tham quan: 50k/người. Giá phòng từ 300-500k/phòng, không gian rất thích hợp cho các đoàn họa sĩ tới sáng tác.
Bản Mường Giang Mỗ thuộc xã Bình Thanh, huyện Cao Phong: giá ở homestay cho người Việt Nam là 50k/ người, người nước ngoài 70k/người. Đây là nơi thích hợp cho những ai muốn ở cùng người Mường để khám phá cách sinh hoạt, ẩm thức, văn hóa của họ.
Nguyễn Kim Ngân
Theo https://kimngannguyen.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Fukushima: Thảm họa vẫn còn tiếp diễn

Fukushima: Thảm họa vẫn còn tiếp diễn Trích từ tiểu thuyết “Trò chuyện với thiên thần” của Trương Văn Dân Ba đang ngồi đọc lại những trang...