Thứ Tư, 7 tháng 2, 2018

Hoa đào và bước đường đến với những mùa xuân phương Nam

Hoa đào và bước đường đến với 
những mùa xuân phương Nam
Ở miền Bắc nước ta, hoa đào được xem là hình ảnh và linh hồn của mùa Xuân.
Hoa đào có tên khoa học là prunus persica, thuộc họ hoa hồng (rosaceae). Trước đây các nhà thực vật học phương Tây cho rằng hoa đào xuất xứ từ vùng Ba Tư, do đó mà đặt tên có từ persica. Nhưng theo những nghiên cứu từ năm 1992 thì hoa đào có nguồn gốc ở Trung Quốc được di thực theo con đường tơ lụa cách nay hơn 2000 năm. Hoa đào ở Việt Nam tất nhiên cũng từ các giống đào Trung Quốc mà ra. Chẳng những chung một giống loài mà còn chung cả một ngôn ngữ văn hóa hoa. Khi nói về hoa đào các nhà Nho người Hoa hay người Việt thường nghĩ đến bài thơ Đề đô thành Nam trang (hay còn gọi là Đề tích sở kiến xứ) của danh sĩ Thôi Hộ đời Đường:
Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong
Xin phép phỏng dịch:
Ngày này năm ngoái qua đây
Hoa đào ghen với má ai ửng hồng
Nay đào đã quyến gió đông
Mà người năm cũ bóng hồng phương nao! 
Bài thơ trên gắn liền hình ảnh hoa đào với truyền thuyết về mối tình lãng mạn giữa Thôi Hộ và một người con gái đẹp ở thành Trường An. Do đó, Thôi Hộ hẳn phải có tình cảm gắn bó sâu sắc với loài hoa nầy. Thôi Hộ đỗ tiến sĩ năm Trinh Nguyên thứ 12 đời Đường (tức năm 796 dl), từng được bổ nhậm chức Lĩnh Nam Tiết độ sứ. Theo nhiều tài liệu văn sử học thì nước ta từ thời Hùng Vương đã thuộc địa bàn vùng Lĩnh Nam. Sau này Hai Bà Trưng sau khi giành được độc lập cũng đặt tên nước là Lĩnh Nam. Vậy phải chăng cây hoa đào đã theo con đường làm quan của Thôi Hộ mà di thực xuống phương Nam để họp mặt cùng hoa cỏ mùa xuân của đất trời Việt Nam? Giả thuyết này nghe có vẻ hoang đường nhưng cũng khó phản bác.
Lại còn một truyền thuyết khác rất đẹp, rất Việt Nam được nhà thơ Chế Lan Viên kể bằng mấy câu thơ trong bài Cành đào Nguyễn Huệ:
Đào ơi! Theo ngựa về cung nhé

Nở cạnh đài gương sắc chiến bào
Chuyện kể rằng vua Quang Trung sau khi đại phá quân Thanh, vào thành Thăng Long thì đúng trưa mồng 5 tết (Kỷ Dậu-1789). Nhà vua sai người phi ngựa ngày đêm mang một cành bích đào về Phú Xu- ân để tặng công chúa Ngọc Hân. Có lẽ đây là cành đào đầu tiên từ Thăng Long theo đường “hành phương Nam” đến với xứ Huế. Những thế kỷ trước, hoa đào miền Bắc có thể được gửi hỏa tốc vào Nam theo con đường khoái mã của các bưu trạm. Thời Pháp thuộc thì hoa được chuyên chở bằng các phương tiện hiện đại như xe hơi, xe lửa hoặc máy bay. Trong thời kỳ đất nước bị chia cắt từ 1954 đến 1975, mọi con đường giao lưu bị gián đoạn nên bẵng đi một thời gian dài, miền Nam tuyệt không thấy bóng hoa đào.
Mãi đến mùa xuân năm Bính Thìn - 1976, sau ngày đất nước thống nhất, hòa bình độc lập, hoa đào mới có dịp tái ngộ với đồng bào miền Nam sau hơn hai mươi năm ly biệt. Từ đây cứ mỗi lần tết đến, hoa đào miền Bắc lại nhộn nhịp lên đường vào Nam để cùng hoa mai vàng làm nên những mùa xuân rực rỡ.
Hoa đào vốn chỉ hợp với xứ lạnh. Vào Nam nó trở thành món hàng quý hiếm, sang trọng nhưng không còn giữ được thần sắc tươi nhuận như trên quê hương miền Bắc. Một số người đã thử trồng cây hoa đào ở miền Nam nhưng không mấy thành công. Thế nhưng điều bất ngờ thú vị là ở đường Lê Hồng Phong - thành phố Đà Lạt có một nơi gọi là Thung lũng hoa đào của nghệ nhân Mười Lời.
Ông Mười Lời tên là Bùi Văn Lời, quê ở huyện Đại Lộc tỉnh Quảng Nam đến lập nghiệp ở Đà Lạt từ năm 1959. Năm 1997 ông ra Bắc mua được hơn 200 mầm đào Nhật Tân đem về thử ghép vào gốc cây đào má hồng của Đà Lạt. Cuộc thử nghiệm bước đầu đã thành công, cho ra một giống hoa đào mới rất tươi thắm.

Từ đó ông tiếp tục ghép và nhân giống các chủng loại hoa đào khác như bích đào, hồng đào, liễu đào, đào Phai, đào Thất Thốn, đào Bạch và cả đào Côn Minh dạng bonsai. Ông đã được tặng bằng nghệ nhân và đã đoạt nhiều huy chương vàng tại các hội hoa xuân trong nước. Ngoài ra, ông còn lập nhiều kỳ tích khác như lai ghép được giống hoa quỳnh nở ban ngày với hàng chục màu, ghép mơ chùa hương, mận tam hoa, táo Fuji… Vì vậy người ta còn gọi ông là bà mụ của vườn cây, là phù thủy xanh. Tại Hội chợ Tuần lễ xanh quốc tế ở thành phố Hồ Chí Minh, ông được Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng tặng giải vàng với bút phê: “Nghệ nhân Bùi Văn Lời đã chiết ghép, nhân vô tính loài hoa đào Hà Nội trên cây đào Đà Lạt, tạo thành một màu hoa đào mới làm nhịp cầu nối thủ đô Thăng Long với thành phố ngàn hoa Đà Lạt”.
Nghệ nhân Bùi Văn Lời đã từ trần vào năm 2009. Con ông là anh Bùi Văn Sang tiếp tục sự nghiệp trồng cây của cha. Hằng năm thung lũng hoa đào này cung cấp cho thị trường hàng trăm gốc đào thương hiệu Mười Lời. Năm 2013, cây đào 20 năm tuổi do ông Mười để lại đã đơm đầy hoa và trái, gọi là cây đào trăm trái. Cây đào nầy đã vượt qua các nghệ nhân trong nước, đem lại cho anh Bùi Văn Sang huy chương vàng tại Hội hoa xuân thành phố Hồ Chí Minh năm 2013. Có thể nói thành công lớn nhất của nghệ nhân Bùi Văn Lời là đã tìm được cho cây đào phương Bắc một quê hương mới ở phương Nam.
Hoàng Phủ Ngọc Phan 
Theo http://tapchisonghuong.com.vn/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Ernest Hemingway và chiều kích thứ năm Việc nghiên cứu phong cách văn xuôi của Hemingway phần lớn đã hoàn thành từ lâu. Phong cách nầy q...