Thứ Bảy, 17 tháng 2, 2018

Những cánh chim di trú

Những cánh chim di trú
Cứ mỗi năm theo nhịp điệu của thời gian, mùa Hè nóng bức với những ngày nắng chói chang từ từ chuyển bước ra đi, nhường lại khoảng không gian cho Mùa Thu. Với cái êm dịu, nhẹ nhàng của đất trời đang chuyển mình, vào một lúc nào đó, chúng ta ai cũng có một khoảng khắc ngẩng đầu lên nhìn bầu trời xanh ngát, thả hồn mình theo những đám mây lững lờ trôi, những cơn gió heo may se lạnh cuốn theo  lá vàng. Tất cả những thứ ấy đã dệt nên một nỗi buồn xa vắng, ngây ngất trong tâm hồn. Do đó trong mảnh vườn văn học nhân loại từ cổ chí kim, từ văn chương tới  các bộ môn thi ca, hội họa, nhiếp ảnh, âm nhạc, mùa Thu đã chiếm một chỗ đứng riêng biệt, trang trọng vì tính chất quá đặc thù của nó.
Dường như khi tạo dựng nên con người, Thượng đế đã đem nỗi buồn dấu kín trong tận cõi sâu thẳm tâm hồn loại thụ tạo đặc biệt này. Bởi đó trong kiếp sống nhân sinh con người dễ dàng san sẻ những xúc cảm trước cảnh chia lìa, đổ vỡ, đau thương hơn là niềm hạnh phúc, an vui. Để rồi từ thế hệ này qua thế hệ khác, nó trở thành mãn tính rồi di truyền mãi mãi trong dòng máu con người. Nhìn những chiếc lá vàng bay giữa mùa Thu, hồn người thổn thức trong nỗi chia lìa. Nhìn tuyết trắng xóa phủ đầy không gian bỗng chạnh lòng cho sư lạnh lẽo cô đơn. Nhìn con cò co ro trên cành cây trong buổi chiều vàng tắt nắng, niềm cô đơn như một phiến mỏng trôi bềnh bồng trong tâm tưởng. Thấy cụ già run rảy trong chiếc áo tơi lủi thủi dưới cơn mưa, lòng thương cảm trào dâng cho thân phận của kiếp người...  Chính vì thế khi nhìn vào dòng nhạc Việt chúng ta có rất nhiều những tình khúc cho Mùa Thu.:  Mùa Thu Chết, Giọt Mưa Thu, Nhìn Những Mùa Thu Đi, Mùa Thu Paris, Thu Cô Liêu v.v….
Trong thi ca Việt Nam, lớp thi sĩ tiền phong trong nền văn học tiền chiến đã để lại những vần thơ bất hủ về mùa Thu. Chúng ta dành một chút thời gian để lang thang vào vườn Thi ca mùa Thu tiền chiến.
Hãy theo cụ Tản Đà lãng đãng nhìn mùa Thu:
Trận gió Thu phong rụng lá vàng
Lá từ hàng xóm lá bay sang
Thơ mới Xuân Diệu thì:
Rặng liễu dìu hiu đứng chịu tang
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng
Đây mùa Thu tới, mùa Thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng
Thi sĩ Huy Cận trong bài “Rừng Thu”:
Nai cao gót lẫn trong mù
Xuống vùng nẻo thuộc nhìn Thu mới về
Sắc trời trôi nhạt dưới khe
Chim đi, lá rụng cành nghe lạnh lùng
Đây ta hãy nghe “Tiếng Thu” của Lưu Trọng Lư:
Em không nghe mùa Thu
Dưới trăng mờ thổn thức
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ.
Qua thi ca tiền chiến, các thi sĩ đã vẽ nên Mùa Thu đẹp như một  nàng thiếu nữ sầu muộn.

Về Nhiếp ảnh: Dường như mùa Thu là mùa quyến rũ nhất cho  người mê nhiếp ảnh. Nếu chúng ta có một máy hình, dù lớn hay nhỏ, dù nhà nghề hay chỉ là nghiệp dư thì cứ mỗi độ cây lá vàng úa khắp núi đồi, thành thị, thôn xóm, nó như có tiếng gọi vô hình, một ma lực huyền bí  quyến rũ mà bất cứ nhà nhiếp ảnh nào cũng không thể cưỡng lại được. Ngày nay nhờ kỹ thuật digital đưa nhiếp ảnh vào con đường rộng thênh thang và nhờ mạng lưới toàn cầu - thế giới ảo - đã dẫn đưa chúng ta chu du khắp mọi quốc gia trên thế giới để  thưởng thức những cảnh mùa Thu tuyệt vời trên hành tinh thân yêu của chúng ta. Chính tôi cũng đã có một số hình mùa Thu trên Yosemite gởi tới quý độc giả trên  http://www.cgnl-nn.com/forum và Dung Lac.Net
Tôi chỉ đưa ra đây mấy vần thơ tiêu biểu và một vài dòng rất ngắn gọn về tình yêu cao vút và lãng mạn mà các nhiếp ảnh gia dành cho mùa Thu. Bởi trong bài này tôi muốn nhấn mạnh tới một nét nhỏ nhưng rất duyên dáng của mùa Thu mà đặc biệt ở một vài vùng thuộc một số quốc gia mới có. Đó chính là những loài chim di trú hay còn gọi là thiên di  (Migrant bird). 

Các loài chim di trú thường ở vùng hàn đới (vùng lạnh) có một bản năng đặc biệt, chúng rất nhạy cảm về thời tiết. Khi tiết trời vừa trở lạnh sang Thu, chúng rủ nhau từng bầy bay về phương Nam trốn lạnh và kiếm ăn. Bản năng này mãi cho tới ngày nay với nền khoa học, kỹ thuật  tân tiến, các nhà điểu học cũng không sao hiểu nổi. Chính cái nhạy cảm đó mà hàng năm vào mùa Thu từ đầu tháng Chín (Sept) tới cuối tháng Mười Một (Nov) các loài chim từ phương Bắc giá lạnh thiên di về phương Nam ấm áp vào mùa Đông để kíếm ăn và có vài loài sinh sản một lớp thế hệ mới để mùa Xuân tới cùng nhau trở về sinh sống Phương Bắc. Các loài chim di trú này thường là những loài chim nước (water fouls) sống tập trung tại các eo biển, ao hồ, đầm lầy ở miền lạnh. Nhiều nơi tuyết phủ trên sáu bảy tháng trong năm. Chúng di chuyển thành từng đàn hàng trăm, hàng ngàn con. Trên đường bay thiên lý đó chúng  thường nghỉ cánh năm mười ngày, hoặc vài tuần, hoặc cả tháng trên các đầm lầy, ao hồ, hoang sơ tại một vài nơi thuộc miền ôn đới rồi tiếp tục thiên di về vùng ấm áp phương Nam (Sub tropical)
Tại Việt Nam đặc biệt có loài sếu đầu đỏ (hạc xám đầu đỏ). Hàng năm chúng thiên di từ vùng Hy Mã Lạp Sơn tới Ấn Độ, Cambodge và vùng  đồng bằng sông Cửu Long  miệt Châu Đốc. Nhiếp ảnh gia Nguyễn Hoàng Nam có những tấm hình chụp loài hạc này rất đẹp được Photo.Net chọn là những tấm hình đẹp nhất trong năm.   





Tại Bắc Mỹ  các loài chim thiên di gồm: Ngỗng tuyết, ngỗng Canada, thiên nga, bồ nông trắng, các loài mỏ nhát, vịt trời đủ loại. Đặc biệt nhất là loài hạc mốc, người Mỹ gọi Sand hill crane. Hiện nay mọi quốc gia đã ý thức được giá trị của thiên nhiên nên đời sống các loài chim di trú này được bảo vệ một cách chặt chẽ. Tại Mỹ có ba con đường di chuyển chính: Con đường phía Tây Nam gồm các tiểu bang dọc theo bờ biển Thái Bình Dương (Pacific Ocean) như Washington State, California, Oregon, New Mexico. Tuyến đường phía Đông dọc theo bờ biển Đại Tây Dương (Atlantic Ocean) gồm các tiểu bang North Carolina, South Carolina, Georgia và Florida. Con đường trung tâm gồm có Iowa, Nebraska, Oklahoma, Texas, Louisiana và Vịnh Mexico.  

Các tiểu bang đã dành một ngân khoản lớn và một số vùng đầm  lầy hoang sơ và những cánh đồng bạt ngàn sau mùa canh tác cho chúng nghỉ chân và sinh sống trong suốt mùa Đông. Để vào mùa Xuân tới chúng lại trở về phương Bắc tiếp tục cuộc sống một đời chim di trú. Viết tới đây tự dưng tôi thấy mình có một cái gì đó tương tự như  loài chim di trú. Tâm trí trực nhớ tới hai câu trong thơ Cổ:
Hồ mã tê Bắc Phong
Việt điểu sào Nam chi
Hồ mã tê Bắc Phong:  Giống ngựa Hồ (Mông Cổ) sống trên các thảo nguyên hoang mạc buốt giá. Giống ngựa này khi đưa xuống miền Nam Trung Quốc, lúc tiết trời cuối Thu sang Đông, mỗi độ gió heo may thổi cái lạnh giá buốt từ miền Bắc về, chúng hí lộng vang trời vì thương nhớ vùng thảo nguyên hoang dã mênh mông xứ Mông Cổ.
Việt điểu sào Nam chi: Còn loài chim Việt (Việt điểu) là loài chim chỉ thích làm tổ trên những cành cây quay hướng về phương Nam gió ấm mà thôi.

Xin trở lại với đề tài.
Riêng tại Sacramento, California, nơi tôi cư ngụ có tới hai vùng đầm lầy dành cho một số thú hoang và chim địa phương và  cũng là nơi dừng cánh của các loài chim thiên di: Một của Tiểu Bang: Sacramento River Wildlife Refuge và một thuộc Liên bang: Sacramento National Refuge. Hàng năm bắt đầu giữa tháng Chín tới cuối tháng Mười Một, các đàn chim từ Alaska, Canada và Washington State di chuyển về phương Nam. Vùng thung lũng  Sacramento là vựa lúa, bắp, rau cải, trái cây, những vườn nho bạt ngàn  lại nằm ngay giữa tuyến đường thiên di nên là nơi lý tưởng cho chúng dừng cánh. Thời điểm này người dân Sacramento có dịp chiêm ngắm cảnh hoàng hôn với tiếng chim vang trời, những đàn chim hàng trăm, hàng ngàn con bay trên đầu hay ngoài tận chân trời xa thẳm. Một cảnh hoàng hôn như trong một giấc mơ của thủa hồng hoang. Đẹp! Hoang sơ! Tĩnh lặng!
Cái đẹp của thiên nhiên, của vũ trụ muôn đời vẫn còn đó. Nhưng con người ngày nay  tự đánh mất do chính cuộc sống bon chen, xô bồ trong các đô thị đầy khói nhà máy và xe cộ. Nếu có một chút tâm hồn nghệ sĩ thì chao ôi chúng ta như được chìm đắm trong một thế giới diệu vợi, thanh thoát tách rời khỏi thế giới nhị nguyên để chìm vào nhất thể tâm linh. Ngay trong sự cảm nhận lúc đó chúng ta cũng tự thấy tâm hồn mình không đủ không gian mông lung để dàn trãi tâm tư. Cái ước lệ cho sự vô tận và mênh mông ngoài kia chính là những cánh chim lẻ loi lãng đãng trên bầu trời rực đỏ ráng chiều thu của California cũng chẳng khác chi ở khu trời Đông Phương bên kia nửa vòng trái đất được diễn tả qua câu thơ Đường tuyệt bút:
Lạc hà dữ cô vụ tề phi - Ráng chiều với cò trắng cùng bay. (1) (2)
Cô  đơn cò trắng - ráng chiều cùng bay (ND)

Tôi nghĩ rằng trong tất cả anh chị em chúng ta, ai cũng đã có lần một mình đứng ngắm hoàng hôn trên cánh đồng lúa Việt Nam. Khi hoàng hôn dần tắt ở đồi Tây cả một không gian bỗng vang vọng tiếng côn trùng, ếch nhái. Trời càng tối tiếng kêu càng nhiều, càng vang xa. Không gian lúc này càng trở nên u tịch vắng vẻ. Một nỗi buồn mênh mông bỗng dưng xâm chiếm tâm hồn mà trong bài thơ “Chiều” của Xuân Diệu đã được Phạm Duy phổ nhạc thành bản “Mộ Khúc” (3) nói giùm cho chúng ta:
Không gian như có dây tơ
Bước đi sẽ đứt, động hờ sẽ tiêu 
 
Viết tới đây tôi cũng thấy mình hoàn toàn bất lực để dẫn đưa người đọc về chốn vô ngôn, ở đó có cái đẹp tinh tuyền, thánh thiện mà Thượng Đế chính là nhà Nghệ sĩ tuyệt luân đang ngự trị. Xin mượn lời của một danh nhân Tây phương:  Picture is worth as  a thousand words.
Mời vào khu vườn nhiếp ảnh “Những Cánh Chim Di Trú“ tôi đã chụp trong Mùa Thu tại Thung lũng Hoa Vàng Sacramento, California.
1- Hà =  ráng chiều
2- Vụ = cò trắng
3- Mộ = buổi chiều. Tiếng chuông triêu mộ = tiếng chuông sớm chiều.

Như cánh vạc bay - Photo Nguyễn Ngọc Danh
Nguyễn Ngọc Danh
Theo http://www.art2all.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Gió mùa – Tạp bút Phương Uyên 25 Tháng Mười Một, 2023 Một mình lang thang chiều cuối thu. Cơn gió đầu mùa đã về mang theo những không ...