Thứ Năm, 8 tháng 2, 2018

Hoa mai trong văn chương Việt Nam

Hoa mai trong văn chương Việt Nam
Ngày Xuân là dịp người thi sĩ nâng bút, người họa sĩ vung cọ để thi họa. Tôi truy lục được một số thơ văn tiêu biểu cho bài viết biên khảo này như sau:
1) Với Quách Tấn:
Thi sĩ Quách Tấn vốn yêu hoa mai và ông đã viết về loài hoa này như sau:
“Mai là một đề tài rất thông dụng. Thi nhân dùng để tượng trưng cho niềm tiết tháo, cho lòng tinh khiết của mình. Thói đa tình cũng thường biểu lộ trong thơ. Chúng ta đã thấy rõ những điểm ấy trong bài thơ Mai chúng ta đã được đọc.
Và nhân đọc thơ Mai, chắc các em cũng như tôi không khỏi nghĩ luẩn quẩn:
– Mai kết bạn cùng tùng, trúc, luôn làm đại biểu cho giới nam nhi. Liễu luôn đại biểu cho giới phụ nữ. Còn Mai, khi thì đàn ông, khi thì đàn bà. Như thế có phải Mai là Đức Quán Thế Âm Bồ Tát của loài thực vật có sắc, có hương?
– Phi thị, thị phi cần chi phải biện bạch. Xem thơ mà tìm được cái thú do nhận thức, do tưởng tượng, do suy tư…, đó là đạt được mục đích. Bởi đối với chúng ta, xem thơ, nói chuyện thơ, không có mục đích nào khác hơn là hưởng thú, hưởng thú để di dưỡng tính tình, đẻ tăng tiến trên đường học vấn.
Nhưng không nên lý luận suông mà sanh chán. Bấy nay đã đem Mai của cổ nhân ra làm quà cho các em, tuy chưa được bao lăm, song các em đã biết qua mùi vị. Bây giờ tôi xin gửi đến các em một ít “cây nhà lá vườn”.
Xuân Giáp Dần (1974), nhân khóm Mai trong vườn, trong tháng giêng, tháng hai nở lác đác, sang tháng ba mới nở vun cành, tôi cao hứng ngâm được một luật:
“Giếng ngọt Giang Nam một khóm già
Xuân ngoài sáu chục nhánh trĩu hoa
Tình Xuân còn đợi duyên công chúa
Hương muộn càng say giấc Tố Nga
Mộng ngấm sương khuya hồn đọng ngọc
Vần gieo gió sớm bút trao già
Hỡi người thức trắng đêm thương nhớ
Tiếng địch thành cao vọng bến xa”
Tứ tuy không thoát khỏi phạm vi ảnh hưởng của cổ nhân, nhưng tình cảm chân thiết, nên chép ra lòng không mấy ngại ngùng. Gần đây, nhân thấy một người hàng xóm vất nhánh mai hết thời nơi xó nhà bếp, tôi cảm tác được bốn vần:
“Trước Tết Mai là hoa
Sau tết Mai là củi
Trước bao nhiêu nâng niu
Sau bấy nhiêu hất hủi
Nâng niu Mai chẳng mừng
Hất hủi Mai không tủi
Nghìn trước ngẫm nghìn sau
Khe trong lồng bóng núi.”
Nhìn qua thì an nhiên tự tại, nhưng chíp chắp vẫn thấy chua chát ngậm làm ngon, làm ngon để giữ lòng được an nhiên tự tại. Tôi nhận thấy người cũng như mình, xưa cũng như nay, nói đến MAI chỉ vì mình mà nói, chớ chưa từng thấy thi nhân nào vịnh Mai vì Mai. Đối với Mai như thế kể cũng phụ phàng quá! Song Viên Mai lại nói:
“Thơ vịnh vật mà không có ký thác thì chẳng khác lời đùa của trẻ em…, thì thơ kia là Mai hay Thi Nhân đâu còn là hai nữa, mà người đọc chúng mình còn phân biệt Ngã, Nhân. Thơ vịnh Mai là thế. Thơ vịnh các vật khác cũng thế.”, Quách Tấn.
2) Với Vũ Hoàng Chương:
Nhà thơ Vũ Hoàng Chương cũng cho nhiều thơ về hoa Mai như:
“Cao sâu từng nhập bóng cây già
Cây vẫn thân xưa bóng chẳng nhòa
Vườn trải băng sương trăm thức cỏ
Xuân còn thúy vũ một cành hoa
Lòng nghe nắng ấm say đôi chút
Cánh để men hồng nhuốm phớt qua
Vang tiếng chim xanh về hót đấy
Bồng lai hẳn nhớ kẻ đi xa”

(bài “Tết Đề Mai”, VHC)
“Rồng lên một bóng u hoài
Ôi thôi từng khúc ngã dài tâm tư!
Chín giao thừa, tám năm dư
Cành mai trắng mộng đêm trừ tịch xuông…

(“Cành Mai Trắng Mộng”, VHC)
“Ngàn mai lối tuyết đêm đông lạnh
Hai gã say sưa lạc nẻo về
Đắm giấc mơ tình trên nệm tuyết
Quanh người âu yếm lá mai che”
hay:
“Tuyết tan mai rụng còn đâu nữa
Dĩ vãng tìm đâu một chút ghi
Chăn gối đêm xưa nơi vực thẳm
Điêu tàn mang cả ái ân đi”
Rồi,
“Mai Tuyết là hai nàng bạc mệnh
Lấy xuân làm mộ nắng làm tang
Nâng niu đưa tới nguồn say đắm
Chỉ một đêm đông gió phũ phàng.”

(“Hận Rừng Mai”, VHC)
3) Với Sương Nguyệt Anh:
Khi viếng Điện Núi Bà hay Linh Sơn Thánh Mẫu, nơi thắng cảnh thiên nhiên rất hùng vỹ, uy nghi, trước những hàng mai trắng đang trổ hoa mừng xuân, nữ sĩ Thụy Khuê Sương Nguyệt Anh cảm tác hai bài thơ tiêu biểu là “Thưởng Bạch Mai Cảm Đề” và “Linh Sơn Nhất Thụ Mai” như sau:
“Non Linh đất phuớc trổ hoa nhân
Riêng chiếm vườn hồng một cảnh xuân
Tuyết đượm nhành tiên in sắc trắng
Sương pha bóng nguyệt ánh màu ngân
Mây lành gió lạnh nương hơi chánh
Vóc ngọc mình băng hắt khói trần
Sắc nước hương trời nên cảm mến
Non linh đất phước trổ hoa thần.

(“Thưởng Bạch Mai Cảm Đề”)
Và bài thơ Đường làm bằng hán tự khi xuân vịnh về tại Linh Sơn mà nữ sĩ Thụy Khuê đã cảm tác:
“Quỳnh tư ngọc cốt bản thiên chân
Tịnh độ cô liêu viên tục trần
Noãn nhập ám hương xuân dật từ
Hàn xung sơ ảnh nguyệt tà thần
Tuyết trung tự khước lưu phong vận
Phong ngoại ưng liên đạp tuyết nhân
Thừa hứng mạc hiếm sơn thủy viễn
Đồng lai dữ tử phú dương xuân”.

(“Linh Sơn Nhất Thụ Mai”)
Bài thơ trên được thi sĩ Hi Đạm chuyển ngữ sang Việt ngữ:
“Ngọc quỳnh cốt cách trời ban
Đất tịnh trơ vơ lánh thế gian
Ấm áp hương đầm xuân buổi sớm
Lạnh lùng bóng nhạt nguyệt đêm tàn
Nghĩ thân ánh tuyết hơi sương đượm
Thương kẻ hài sương gót tuyết chan
Mến cảnh nước non xa chớ ngại
Cùng lên ngâm vịnh tứ xuân tràn.”
4) Với Cao Bá Quát:
Thơ ông ca ngợi hoa mai như sau:
“Thập tái luân giao cầu cố kiếm
Nhất sinh đê thứ bái mai hoa.”

(Mười năm chu du tìm gươm cổ
Cả đời chỉ cúi lạy hoa mai).
Cao tiên sinh cúi đầu lạy hoa mai một kiếp đời trân quí hoa mai.
5/ Với Nguyễn Du:
Nguyễn Du tiên sinh nhìn bộ đồ trà có cây mai làm đề tài. Nổi tiếng trong đương thời là bộ chén dĩa trà”Mai hạc” có câu thơ nôm trích trong truyện Kiều của Nguyễn Du:
“Nghêu ngao vui thú yên hà
Mai là bạn cũ, hạc là người quen.”
Cây mai ở bộ tách uống trà này vẽ cành mai uốn cong rất nhiều hoa nở và một con chim hạc đứng trên bờ đá. Bộ trà mang màu men xanh ngọc và đề câu thơ chữ Hán “Hàn mai xuân tín tảo”, tức là cành mai mùa lạnh báo tin xuân sớm về.
Thật ra văn hóa ấm trà còn nhiều lắm, tôi đọc tài liệu đâu dó mà nay đã quên. Nói chung trong văn hóa các loại sành sứ có dùng biểu tượng của hoa mai. Tính chất thanh nhã của loài hoa này đã đi vào văn hóa của dân tộc Việt Nam. Nghệ thuật hội họa cũng chọn mai làm bao đề tài cho mùa Xuân hay cho ngày Tết. Thơ văn hay hội họa xoay quanh 4 loài kiểng quí, hay nôm na là “tứ quí”, mà hoa mai đã dân đầu: Mai, Lan, Cúc, Trúc. Các nhà Nho thường trang trí bộ tranh họa ngày xưa thời nho học thì hoa mai xuất hiện nhiều trong các bộ tranh vẽ qua nhiều kiểu khác nhau như mai bên hoa cúc, mai xen trong cành trúc hay mai lan song cặp,… bên cạnh là những dòng thơ ngắn bằng hán tự trong nét thư họa bay bướm và tất cả nói lên ý nghĩa cao quí của mùa Xuân về với chúng ta. Phải chăng hoa mai đã phô sắc diễm kiều, hoa mai đã đóng góp một sắc thái văn hóa dộc đáo cho dân tộc Việt Nam. Sự rực rỡ của màu hoa mai đang nở rộ trong ba ngày Tết thêm lá non nẩy lộc tươi mát mới là điềm thịnh vượng, phát lộc, phát tài và nó còn bao hàm ý nghĩa của sự hạnh phúc hay sung túc cho gia đình hay cho một đoàn thể hay một tổ chức thương mại nào đó nhân dịp đầu năm, khởi sự cho một chu kỳ mới của con người. Người người làm ăn phát đạt sung mãn của năm mới đang đến với xa hội nói chung.
Thi ca về hoa Mai còn nhiêu, tôi xin bước sang lãnh vực âm nhạc. Ngày Xuân mới hay ngày Tết về làm phơi phới thiên nhiên, làm xôn xao không gian qua vai trò của âm nhạc.
Âm nhạc về hoa mai:
“Bông mai vàng thuở nàng còn trẻ
Trên lối đi về lắm kẻ đợi mong
Bây giờ tình đã sang sông…”

(“Lý Bông Mai” - Kim Tuấn & Trương Quang Tuấn)
“Con biết bây giờ mẹ chờ tin con
Khi thấy mai vàng nở rộ bên sông…”
 

(“Xuân Này Con Không Về” - Duy Khánh)
“Mùa xuân… tung tăng trên phố phường
Nhánh mai vàng… khoe sắc đưa hương”

(“Bên Nhau Mùa Xuân”, Lê Quốc Thắng)
“Anh cho em mùa xuân,
Nụ hoa vàng mới nở…”

(“Anh Cho Em Mùa Xuân”, Nguyễn Hiên)
Nhạc mừng Xuân mới hay mang âm hưởng vui tân niên có hoa mai còn nhiều lắm. Ta đã đi từ thơ Quách Tấn, Vũ Hoàng Chương, Sương Nguyệt Anh, Cao Bá Quát, Nguyễn Du đến âm nhạc Xuân của Nguyễn Hiền, tất cả đều nói đến nét đẹp của mùa Xuân kèm theo vẻ thanh tao của hoa mai, vì hoa mai đã hòa nhập vào nếp sống của dân gian. Hoa mai mặc nhiên góp phần cho văn hóa xã hội thăng hoa giá trị tâm hồn chúng ta vậy.
Tóm lại, hoa mai góp mặt tại quê hương Việt Nam đem lại nếp sinh động trong tâm hồn văn hóa Việt tộc, mai đến rồi đi, rồi trở lại theo chu kỳ của mùa Xuân, của những ngày Tết mới của năm, mai đi từ vũ trụ quan của thiên nhiên đến góp phần vào nhân sinh quan trong hồn dân tộc, mai là biểu tượng đẹp đẽ, hài hòa trong lòng văn hóa Việt. Mai là nguồn vui cho mọi người chúng ta nói chung khi mùa Xuân về.
Pham Ngọc Mai
Theo https://giadinhhoangtrong.wordpress.com/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhà văn Nguyễn Quốc Trung trên hành trình đất không đổi màu

Nhà văn Nguyễn Quốc Trung trên hành trình đất không đổi màu Nhà văn Nguyễn Quốc Trung qua đời cách đây 2 năm vì Covid-19, được Hội Nhà văn...