Thứ Tư, 14 tháng 2, 2018

Đại thắng mùa xuân Kỷ Dậu 1789

Đại thắng mùa xuân Kỷ Dậu 1789
“Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để đen răng
Đánh cho nó chích luân bất phản
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
Đánh cho sử tri Nam quốc 
anh hùng chi hữu chủ…”
Những vần thơ bất hủ này khiến người ta nhớ đến một chiến công hiển hách, lẫy lừng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta - Đại thắng mùa xuân Kỷ Dậu 1789
Sử sách ghi lại, năm 1788, trong bối cảnh bị đe dọa bởi các cuộc khởi nghĩa của nhân dân diễn ra khắp nơi và để củng cố ngôi vị và quyền lực của mình, vua Lê Chiêu Thống đã cho người sang cầu cứu nhà Thanh.
Nhà Thanh “thừa nước đục thả câu” - Tình thế cấp bách
Vua nhà Thanh lúc đó là Càn Long vốn có mưu đồ sang xâm chiếm nước ta từ lâu, song vì chưa có cớ gì nên chưa khởi binh. Được sự cầu cứu của vua nước Nam, vua Càn Long đã lập tức cử Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị dấy binh sang xâm lược nước ta lấy cớ là giúp vua nước Nam dẹp loạn.
Tổng đốc Tôn Sĩ Nghị thống lĩnh 29 vạn quân chia làm 4 mũi ồ ạt tiến vào thành Thăng Long. Trước thế giặc mạnh, quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của Ngô Văn Sở và Ngô Thì Nhậm phải tạm rút về phòng tuyến Tam Điệp, chờ đợi thời cơ phản công. Ngày 17/12/1788, Tôn Sĩ Nghị chỉ huy quân Thanh tiến vào kinh thành Thăng Long và đọc sắc chỉ của vua Càn Long phong cho Lê Chiêu Thống làm An Nam Quốc vương. Do không gặp phải sự kháng cự lớn nào từ quân dân nước Việt, Tôn Sĩ Nghị đã ngạo mạn tuyên bố đến ngày xuân mùng 6 Tết sẽ kéo quân vào thẳng sào huyệt Tây Sơn.
Thần tốc Bắc chiến - Trận Ngọc Hồi - Đống Đa
Nhận được tin cấp báo, ngày 22/12/1788 (tức ngày 25/11 âm lịch), người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ đã xưng vương, lấy tên hiệu là Quang Trung thống lĩnh đại quân tiến ra Bắc chống trả quân Thanh xâm lược.
Ngày 20 tháng Chạp năm Mậu Thân (15 tháng 1 năm 1789), đại quân của Quang Trung đã ra đến Tam Điệp. Sau khi xem xét tình hình, Quang Trung hẹn ba quân ngày mồng 7 Tết sẽ quét sạch quân Thanh, vào ăn Tết ở Thăng Long.
Quang Trung chia quân làm 5 đạo. Một cánh do đô đốc Long chỉ huy từ làng Nhân Mục tập kích đồn Khương Thượng và phía Tây Thăng Long. Cánh đô đốc Bảo tiến đánh các đồn phía Nam Thăng Long. Trung quân do đích thân Quang Trung chỉ huy, phối hợp với đô đốc Bảo đánh diệt các đồn phía Nam Thăng Long. Cánh đô đốc Tuyết và đô đốc Lộc theo đường biển ra Bắc, chặn đường lui của địch ở phía Bắc sông Nhị Hà và huyện Phượng Nhãn. 
Đêm 30 tháng Chạp âm lịch, quân Tây Sơn đánh diệt đồn Gián Khẩu của các tướng Lê Chiêu Thống. Sau đó Quang Trung đánh diệt các đồn Nguyệt Quyết, Nhật Tảo, dụ hàng được đồn Hà Hồi. Đêm mồng 4 Tết, Quang Trung tiến đến trước đồn lớn nhất của quân Thanh là Ngọc Hồi nhưng dừng lại chưa đánh khiến quân Thanh lo sợ, phần bị động không dám đánh trước nhưng cũng không biết bị đánh lúc nào. Trong khi đó cánh quân của đô đốc Long bất ngờ tập kích đồn Khương Thượng khiến quân Thanh không kịp trở tay, hàng vạn lính bỏ mạng. Chủ tướng Sầm Nghi Đống tự vẫn. Xác quân Thanh chết sau xếp thành 13 gò đống lớn, có đa mọc um tùm nên gọi là gò Đống Đa. 
Đô đốc Long tiến vào đánh phá quân địch phòng thủ ở Tây Long. Sáng mồng 5, Quang Trung mới cùng đô đốc Bảo tổng tấn công vào đồn Ngọc Hồi. Trước sức tấn công mãnh liệt của Tây Sơn, quân Thanh bị động thua chết hàng vạn, phần lớn các tướng bị giết. Trong khi Quang Trung chưa đánh Ngọc Hồi thì Tôn Sĩ Nghị nghe tin đô đốc Long đánh vào Thăng Long, cuống cuồng sợ hãi đã bỏ chạy trước. Đến sông Nhị Hà, sợ quân Tây Sơn đuổi theo, Tôn Sĩ Nghị hạ lệnh cắt cầu khiến quân Thanh rơi xuống sông chết rất nhiều làm dòng sông bị nghẽn dòng chảy.
Trên đường tháo chạy, Tôn Sĩ Nghị bị hai cánh quân Tây Sơn của đô đốc Tuyết và đô đốc Lộc chặn đánh, tơi tả chạy về. Lê Chiêu Thống hớt hải chạy theo Nghị thoát sang bên kia biên giới. Quân Tây Sơn đuổi theo và rao lên rằng sẽ đuổi qua biên giới đến khi bắt được Tôn Sĩ Nghị và Chiêu Thống mới thôi. Bởi thế dân Trung Quốc ở biên giới dắt nhau chạy làm cho suốt vài chục dặm không có người. Như vậy, sớm hơn dự kiến, chỉ trong vòng 5 ngày, quân Tây Sơn đã đánh tan quân Thanh.
Trưa 30/1/1789 tức ngày mùng 5 Tết, đại quân Tây Sơn tiến vào kinh thành Thăng Long ăn mừng thắng lợi sớm hơn dự định hai ngày. Nhân dân kinh thành đã dâng lên nhà vua những cành đào đỏ thắm, bánh chưng xanh trong tiếng pháo nổ khắp nơi mừng đại thắng... Ngô Ngọc Du, một nhà thơ đương thời, đã ghi lại không khí tưng bừng của ngày chiến thắng oanh liệt đó của Tây Sơn trong bài thơ sau:
Đoàn voi chiến băng đại ngàn ra trận
Những chàng trai Thanh, Nghệ bỏ cày cuốc tòng quân
Mắt nhìn thẳng hướng Thăng Long giục bước
Một trận rồng lửa giặc tan tành
Bỏ thành cướp đò trốn cho nhanh
Ba quân đội ngũ chỉnh tề tiến
Trăm họ chật đường vui tiếp nghênh...
Đại thắng Xuân Kỷ Dậu 1789 - Chiến công làm nên lịch sử
Chỉ trong năm ngày đêm đầu tiên của mùa xuân năm Kỷ Dậu, quân dân nước Việt đã đánh tan 20 vạn quân xâm lược nhà Thanh gọn gẽ, nhanh chóng. Trong lịch sử giữ nước, dân tộc ta đã tiến hành nhiều cuộc kháng chiến, đã từng đánh bại nhiều kẻ thù xâm lược, nhưng chưa từng có một trận chiến oai hùng trong một thời gian ngắn như thế. Chiến thắng mùa xuân Kỷ Dậu - 1789 vì thế đã đi vào lịch sử dân tộc và lòng người Việt như một trong những mùa xuân kỳ diệu nhất, tiêu biểu một sức sống phi thường, ý chí kiên cường trong chiến tranh vệ quốc vĩ đại; đánh tan giấc mộng xâm lăng và bành trướng của những thế lực phương Bắc.
Khác với những cuộc kháng chiến trước đây, kháng chiến chống Thanh cuối thế kỷ XVIII của đoàn quân Nguyễn Huệ là “cuộc chiến tranh nhân dân phát triển từ phong trào cách mạng nông dân Tây Sơn chống bọn phong kiến thối nát và giặc ngoại xâm”. Và trong cuộc kháng chiến thần thánh này, “ngọn cờ cứu nước đã trở thành ngọn cờ đại nghĩa dân tộc. Mọi tầng lớp yêu nước đã thật sự đoàn kết lại dưới ngọn cờ đó, đóng góp xương máu, công sức làm nên chiến thắng lẫy lừng”. Trong đội quân tiến vào giải phóng Thăng Long năm đó có nông dân, có sĩ phu, quan lại và có cả hàng ngũ lãnh đạo cao cấp của những triều đại trước vốn ý thức “trung quân” cuối cùng cũng đi theo tiếng gọi của lòng yêu nước tham gia kháng chiến.
Chiến thắng xuân Kỷ Dậu 1789 là một chiến công vĩ đại vào loại bậc nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Chiến thắng ấy trong mùa xuân của đất trời hòa quyện bản lĩnh và tư thế bất khuất của nhân dân Việt, chiến thắng để khẳng định văn hóa truyền thống, chủ quyền của dân tộc.
BBT Cổng thông tin 
Tư Vấn Hỗ Trợ - www.tuvanhotro
Theo https://sites.google.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cung bậc - Chùm thơ Hữu Dũng

Cung bậc - Chùm thơ Hữu Dũng Cũng là/ cung bậc ấy thôi/ Mà sao/ cảm xúc/ xa xôi ùa về… Cung bậc Cũng là cung bậc ấy thôi Mà sao cảm xúc xa...