Thứ Năm, 8 tháng 2, 2018

Đến với thơ Đường luật của Hàn Mặc Tử

Đến với thơ Đường luật của Hàn Mặc Tử
Văn học Việt Nam giai đoạn 1930-1945 đã đạt được những thành tựu vô cùng rực rỡ và xuất hiện nhiều tên tuổi lớn, trong đó có nhà thơ Hàn Mặc Tử. Ông là nhà thơ nổi tiếng, là một trong những người khởi đầu cho trào lưu thơ lãng mạn hiện đại Việt Nam. Thơ ông được đánh giá rất cao, một số bài được đưa vào sách giáo khoa để giảng dạy trong nhà trường như: Đây thôn Vỹ Dạ, Mùa xuân chín...
Thế nhưng, khi nói về Hàn Mặc Tử, người ta thường nhắc đến những bài thơ mới theo khuynh hướng lãng mạn, rồi đến tượng trưng, siêu thực... mà ít đề cập đến mảng thơ đường luật của ông.
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi muốn cùng quý thi hữu tìm hiểu thêm- tất nhiên chỉ là bước đầu - một số bài thơ đường luật của Hàn Mặc Tử. Từ đó, chúng ta có thể hình dung một cách đầy đủ hơn con đường thơ của ông, một thi sĩ tài hoa nhưng bạc mệnh.
I- VÀI NÉT VỀ CUỘC ĐỜI HÀN MẶC TỬ:
Hàn Mặc Tử (1912-1940) tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh ngày 22.09.1912 tại làng Lệ Mỹ, TX.Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Ông lớn lên ở Qui Nhơn (Tỉnh Bình Định) trong một gia đình theo Công giáo.
Thân phụ của ông là Nguyễn Văn Toản, làm thông phán nên thường di chuyển nhiều nơi, Hàn Mặc Tử  đi theo cha và do đó phải học ở nhiều trường khác nhau như Sa Kỳ (1920), Qui Nhơn, Bồng Sơn (1921-1923), trường dòng Pellerin Huế (1926)…
Hàn Mặc Tử có năng khiếu thơ từ rất sớm. Khi mới 14 tuổi, ông đạt giải nhất trong cuộc thi thơ ở một thi xã. Ông đã từng gặp cụ Phan Bội Châu và chịu ảnh hưởng khá nhiều từ nhà chí sĩ này. Thơ ông được cụ Phan giới thiệu lên báo và họa vận 3 bài đường luật. Cũng do mối quan hệ với cụ Phan Bội Châu nên ông đã bị xóa tên khỏi danh sách đi du học ở Pháp.
Hàn Mặc Tử có thời gian làm ở Sở Đạc điền Qui Nhơn (Tỉnh Bình Định), sau đó vào Sài Gòn lập nghiệp. Đến Sài Gòn, ông phụ trách trang Thơ báo Công Luận, phụ trách trang Văn báo Sài Gòn. Thơ ông đăng nhiều ở các báo: Phụ nữ Tân văn, Tiếng dân, Công luận, Tân thời, Đông dương tạp chí, Người mới, Trong khuê phòng, Sài Gòn...
Khi biết mình mắc bệnh phong, một căn bênh nan y lúc bấy giờ; ông đã bỏ tất cả và trở về Qui Nhơn. Hàn Mặc Tử thuê một chòi tranh ở Gò Bồi (cách Qui Nhơn 15km) để ở và tuyệt giao với bạn bè. Tháng 9.1940, ông vào Bệnh viện phong Quy Hòa điều trị, mang số bệnh nhân 1134. Hàn Mặc Tử đã qua đời tại đây ngày 11.11.1940, khi mới 28 tuổi.
Cuộc đời Hàn Mặc Tử được biết đến với nhiều mối tình. Có những người pḥụ nữ ông đã gặp mặt, có người ông chỉ giao tiếp qua thư từ. Có thể kể đến như: Hoàng Cúc, Mộng Cầm, Mai Đình, Thương Thương, Ngọc Sương, Thanh Huy, Mỹ Thiện... Những mối tình đó đã để lại nhiều dấu ấn trong các tác phẩm của ông.
- Các bút danh: Minh Duệ Thị, Phong Trần, Lệ Thanh, Hàn Mạc Tử (sau đổi thành Hàn Mặc Tử).
- Các tác phẩm: Gồm các tập thơ như Lệ Thanh thi tập, Gái quê, Đau thương, Xuân như ý, Thượng thanh khí, Cẩm châu duyên (2 vở kịch thơ), Chơi giữa mùa trăng (thơ, văn xuôi)…
II- THƠ ĐƯỜNG LUẬT CỦA HÀN MẶC TỬ:
Thế giới thơ của Hàn Mặc Tử khá phức tạp. Ông đã đi từ thơ Đường luật cổ điển sang thơ mới theo khuynh hướng lãng mạn, rồi đến tượng trưng, siêu thực. Giai đoạn đầu, cảm xúc thơ trong sáng, lời thơ nhẹ nhàng, tứ thơ bình dị, chan chứa tình quê... Nhưng càng về sau, thơ ông càng đầy những cảm xúc lạ lùng, kinh dị, huyền bí; thậm chí điên loạn và đượm màu sắc tôn giáo. Những đau đớn do căn bệnh hiểm nghèo hành hạ thể xác và tâm hồn đã để lại dấu ấn rõ rệt trong tác phẩm của ông.
Thơ đường luật của Hàn Mặc Tử được sáng tác ở giai đoạn đầu, tập hợp chủ yếu trong Lệ Thanh thi tập. Chúng tôi xin giới thiệu một số bài sau đây:
1- NĂM BÀI THƠ ĐƯỜNG LUẬT:
1/ CHUYẾN ĐÒ NGANG                        
Không hẹn hò sao gặp gỡ đây?           
Người thời như tỉnh, kẻ như say         
Trong veo làn nước soi đôi mặt           
Xa tít quê nhà trỏ một tay                   
Tâm sự mới trao bờ đã đến                 
Nỗi niềm chưa cạn khách về ngay      
Ba sinh duyên nợ âu là thế                  
Một chuyến đò đưa nghĩa một ngày.
2/ THỨC KHUYA
(Đêm không ngủ)
Non sông bốn mặt ngủ mơ màng
Thức chỉ mình ta dạ chẳng an
Bóng nguyệt leo song sờ sẫm gối
Gió thu lọt cửa cọ mài chăn
Khóc giùm thân thế hoa rơi lệ
Buồn giúp công danh dế dạo đàn
Trỗi dậy nôm na vài điệu cũ
Năm canh tâm sự vẫn chưa tàn.
3/ CHÙA HOANG 
Chùa không sư tụng cảnh buồn teo     
Xác Phật còn đây chuỗi Phật đâu?      
Réo rắt cành thông thay kệ đọc           
Lập lòe bóng đóm thế đèn treo            
Hương sầu khói lạnh nằm ngơ ngác    
Vách chán đêm suông đứng dãi dầu             
Rứa cũng trơ gan cùng tuế nguyệt       
Bên thềm khắc khoải tiếng quyên kêu.
4/ BUỒN THU
Ấp úng không ra được nửa lời
Tình thu bi thiết lắm thu ơi!
Vội vàng cánh nhạn bay đi trớt
Hiu hắt hơi may thoảng lại rồi
Nằm gắng đã không thành mộng được
Ngâm tràn cho đỡ chút buồn thôi         
Ngàn trùng bóng liễu trông xanh ngắt
Chỉ có thông kia chịu với trời.
5/ GÁI Ở CHÙA                                                                              
Rừng Thiền thấp thoáng dáng quần thoa  
Khuê các trâm anh cũng rứa à?           
Mùi tục chưa chi mà vội chán             
Cuộc đời mới thế đã lo xa                    
Lạt mùi son phấn say mùi đạo             
Chán cảnh phồn hoa mến cảnh chùa   
Dì Nguyệt trớ trêu lòng dạ thiểm         
Trăm năm nỡ để thiệt thòi hoa!   
2- ĐÔI ĐIỀU CẢM NHẬN:
- Về bài thơ Chuyến đò ngang: Có lẽ không ai nghĩ là của một cậu bé 14 tuổi đã viết sau những chuyến qua đò đi học. Cảm xúc thơ thật mới lạ, trong sáng nên khi đọc ta cảm thấy ý thơ không bị nhốt trong cái lồng thơ quen thuộc và cũ kỹ. Hai câu:
Trong veo làn nước soi đôi mặt
Xa tít quê nhà trỏ một tay...
đã vẽ ra một không gian mênh mông, xa mờ từ con đò ngang đưa cậu bé mỗi ngày đi học. Con đò tuổi thơ ngày ấy đã dự báo một thiên tài xuất chúng.
- Ba bài thơ Thức khuya, Chùa hoang, Gái ở chùa được đăng trên Thực nghiệp dân báo năm 1931. Hàn Mặc Tử (bút hiệu lúc bấy giờ là Phong Trần) mới 19 tuổi. Cụ Phan Bội Châu đã khen ngợi: “Từ về nước đến nay, được xem nhiều thơ văn quốc âm, song chưa gặp được bài thơ nào hay đến thế. Hồng Nam nhạn Bắc, ước ao có ngày gặp gỡ để bắt tay nhau cười to một tiếng, ấy là thỏa hồn thơ tôi đó!”
- Trong thơ đường luật của Hàn Mặc Tử, chúng ta thấy phảng phất khẩu khí và giọng điệu “ưu thời mẫn thế” kiểu như  Bà huyện Thanh Quan, Nguyễn Khuyến, Tú Xương ...
Non sông bốn mặt ngủ mơ màng
Thức chỉ mình ta dạ chẳng an...
Khóc giùm thân thế hoa rơi lệ
Buồn giúp công danh dế dạo đàn...
(Thức khuya)
Cũng giống như tâm sự của các nhà nho yêu nước trước cảnh quê hương chìm trong bóng đêm nô lệ, luôn trăn trở, băn khoăn cùng thế sự.
Nằm gắng đã không thành mộng được
Ngâm tràn cho đỡ chút buồn thôi...
(Buồn thu)
Khắc khoải năm canh quyên nhớ nước…
Giấc điệp mơ màng vùng trỗi dậy
Vừa toan tính đó có ai hay...
(Canh khuya cảm tác)
- Ông có cách nhìn đời rất nhân văn, luôn sống và cảm thông với mọi người, cả những người con gái ở chùa.
Dì Nguyệt trớ trêu lòng dạ thiểm
Trăm năm nỡ để thiệt thòi hoa!
(Gái ở chùa)
Khó có thể tin rằng, Hàn Mặc Tử khi ấy mới 19 tuổi, cái tuổi mà thời đó người ta còn xem là thiếu niên.
- Về cách sử dụng ngôn ngữ: Tuy hình thức thơ cũ, nhưng ông đã sử dụng những từ ngữ mang nội dung hoàn toàn mới.
Bóng nguyệt leo song sờ sẫm gối
Gió thu lọt cửa cọ mài chăn...
(Thức khuya)
Với những từ leo song, sờ sẫm, lọt cửa, cọ mài..., Hàn Mặc Tử đã mang đến cho trăng gió, gối chăn- vốn là những hình ảnh sáo mòn- một nội hàm hoàn toàn mới: Sống động, gợi cảm, xác thịt hơn... Ông đã đem thơ bước sang một giai đoạn mới bằng những câu thơ hoàn toàn mang hơi thở lạ, thoát khỏi vòng luân lý, đạo đức của những năm 30 thế kỷ trước.
Réo rắt cành thông thay kệ đọc
Lập lòe bóng đóm thế đèn treo
Hương sầu khói lạnh nằm ngơ ngác
Vách chán đêm suông đứng dãi dầu...
(Chùa hoang)
Những từ réo rắt, lập lòe, bóng đóm, hương sầu, khói lạnh, vách chán, đêm suông, nằm ngơ ngác... đã gợi cái vắng lặng, khuya khoắt của một xóm thanh lâu hơn là cảnh thanh tịnh, đầy vẻ từ bi của nhà chùa! Cảnh chùa đã hoang, lại thêm không sư nhưng còn có Xác Phật, thật là tinh quái và phạm thượng biết bao! Có nhà nghiên cứu cho đây là sự phạm thượng của một thiên tài. Hàn Mặc Tử đã làm một cuộc cách mạng ngôn từ và tư tưởng như vậy trong thơ đường luật.
Nhìn chung, số lượng thơ đường luật của Hàn Mặc Tử không nhiều; nhưng đây lại là cột mốc quan trọng trên con đường thơ của một thiên tài. Ngay từ những bài thơ đường luật chặt chẽ về niêm luật, chúng ta đã thấy xuất hiện những nụ mầm mới lạ về ngôn từ và tư tưởng. Những nụ mầm ấy đã nở thành những đóa hoa lung linh hương sắc ở giai đoạn tiếp theo và để lại cho đời những thi phẩm sống mãi với thời gian.
Tôi đã về thăm đất Qui Nhơn, đứng lặng bên mộ Hàn Mặc Tử trên đồi Thi Nhân (Ghềnh Ráng), ngậm ngùi tiếc thương một con người tài hoa nhưng bạc mệnh. Ông ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ và sự nghiệp văn chương cũng vừa mới bắt đầu.Thế nhưng, qua chặng đường thơ khoảng 10 năm của mình, thi sĩ đã trở thành một trong những người khởi đầu cho dòng thơ lãng mạn hiện đại Việt Nam với những vần thơ xuất thần, bất hủ. Không chỉ có vậy, ông còn để lại trong trái tim của hàng triệu người hâm mộ cả nước sự nuối tiếc và tình cảm mến thương vô hạn.
Xin mượn lời nhận xét sau đây của nhà thơ Chế Lan Viên để thay lời kết:
“Mai sau, những cái tầm thường, mực thước kia sẽ biến đi và còn lại của cái thời kỳ này chút gì đáng kể, đó là Hàn Mặc Tử.”
(Chế Lan Viên, Báo Người mới số 5, 3/11/1940)
LÊ NGỌC THẠC
Theo http://thoduongdatviet.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Gió mùa – Tạp bút Phương Uyên 25 Tháng Mười Một, 2023 Một mình lang thang chiều cuối thu. Cơn gió đầu mùa đã về mang theo những không ...