Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2018

Tứ đại tài nữ Trung Hoa

Tứ đại tài nữ Trung Hoa 
Trung Hoa tứ đại tài nữ: Lý Thanh Chiếu, thiên cổ đệ nhất tài nữ
Trong lịch sử Trung Hoa, có 4 người phụ nữ được đánh giá là tứ đại tài nữ, họ là những người phụ nữ rất tài năng, cái tài của họ được thể hiện qua những áng văn chương, tiếng đàn, hay nét chữ… Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới độc giả đôi nét về 4 người phụ nữ tài hoa danh tiếng trong lịch sử Trung Quốc với những tác phẩm được đánh giá rất cao và câu chuyện của họ khiến người đời cảm phục.
Trung Hoa cổ đại có những tiêu chí đặc biệt để đánh giá một người phụ nữ tài năng, ngoài cầm - kỳ - thi - họa thì phẩm hạnh và cốt cách của người phụ nữ được coi là viên ngọc tâm hồn của họ.
Ngoài cầm - kỳ - thi - họa thì phẩm hạnh và cốt cách của người 
phụ nữ được coi là viên ngọc tâm hồn của họ (Ảnh: pinterest.com)
4 người phụ nữ mà được đánh giá là tứ đại tài nữ trong lịch sử Trung Hoa được kể đến là: Lý Thanh Chiếu, Trác Văn Quân, Ban Chiêu và Thái Văn Cơ. Mỗi người đều có một số phận, một tài năng và một câu chuyện về cuộc đời riêng. Nhưng tận sâu trong tâm hồn họ là tâm hồn của thi sĩ, của những khát khao và mong ước tưởng chừng nhỏ nhoi và bình dị.
Lý Thanh Chiếu - Người được mệnh danh là Trung Hoa đệ nhất tài nữ
Lý Thanh Chiếu hiệu Dị An cư sĩ, là nữ tác gia chuyên sáng tác từ nổi tiếng thời nhà Tống, với lối dùng hoa mĩ, bà đứng đầu trường phái Uyển ước từ, được xưng tụng là Thiên cổ đệ nhất tài nữ.
Lý Thanh Chiếu - Người được mệnh danh là 
Trung Hoa đệ nhất tài nữ. (Ảnh minh họa: pinterest.com)
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống thơ ca, cha bà - Lý Cách Phi là một học giả, tác giả tản văn có tiếng tăm, mẹ bà cũng là người thông thạo văn chương. Lý Thanh Chiếu từ nhỏ đã hấp thụ tinh hoa từ cảm hứng văn chương từ phụ mẫu và được thừa hưởng một nền giáo dục hoàn toàn tốt đẹp.
Bà thành công trong nhiều lĩnh vực văn học: văn xuôi, từ, thơ ca. Lúc còn là thiếu nữ, Thanh Chiếu đã làm thơ, thơ của bà phần lớn viết về nét bình dị, lý thú của cuộc sống, với điệu vần trong sáng, tình cảm tự nhiên trong phong cảnh xinh tươi, hữu tình.
Từ thời niên thiếu, Lý Thanh Chiếu đã bộc lộ khí chất hơn người, tinh thông văn học lạ thường, nên cha nàng nhiều lần lo lắng, bởi ở thời đó phụ nữ quá tài giỏi thì khó tìm được một bậc nam nhi am hiểu thông tường để mà xuất giá. Thế nhưng ông trời chẳng phụ người tài, năm 18 tuổi bà được gả cho thái học sinh Triệu Minh Thành, con trai Tể tướng Triệu Đĩnh, là một nhà khảo chứng kim thạch học nổi tiếng, làm nên mối nhân duyên tốt đẹp nhất thời Bắc Tống.
Chuỗi tháng ngày phu thê hạnh phúc sớm tàn, để lại bà trong gian nan bể dâu của cuộc đời
Như hai tri nhân tìm được một nửa của phần còn lại đời mình, 
họ say mê và đều là những người hiểu biết về khoa học văn chương, nên đây được ví như trời sinh một cặp. 
(Ảnh minh họa: pinterest.com)
Những tháng ngày xuất giá bên chồng, như hai tri nhân tìm được một nửa của phần còn lại đời mình, họ say mê và đều là những người hiểu biết về khoa học văn chương, nên đây được ví như trời sinh một cặp.
Vợ chồng bà tâm đầu ý hợp cùng nhau chuyên tâm vào nghiên cứu, sưu tập, chỉnh lý các tác phẩm trên đá, trên đồng.
Tuy nhiên, sự gắn bó chẳng được lâu, một thời gian sau, Triệu Minh Thành phải đi làm quan ở nơi xa. Lý Thanh Chiếu không thể đi theo, bà cảm thấy vô cùng cô đơn, buồn tẻ. Điều này đã ảnh hưởng đến những sáng tác của Thanh Chiếu giai đoạn này, đầy nặng nỗi cô đơn, ly biệt, nặng trĩu nỗi buồn trong tình yêu.
Sum vầy đoàn tụ chẳng được bao lâu thì binh đao chiến mạc tàn phá, năm Tĩnh Khang (1127) thời Bắc Tống, quân Kim thế mạnh, đánh chiếm Khai Phong, bắt giữ cả hai vua nhà Tống là Tống Huy Tông và Tống Khâm Tông. Cứ thế, Nam bắc Hoàng Hà lần lượt rơi vào tay quân Kim, nhiều quan lại trong triều đình nhà Tống phải chạy xuống phía nam, trong đó bao gồm vợ chồng Lý Thanh Chiếu.
Trong lúc loạn lạc, Triệu Minh Thành nhận được lệnh làm thái thú Hồ Nam, nhưng trên đường đi nhậm chức thì bị cảm và mất ở Kiến Khang. Chồng ốm mất mà quân Kim cứ tràn xuống tấn công, khiến bà và nhà Tống nay đây mai đó. Nước mất, nhà tan, từ ấy, cuộc sống của Lý Thanh Chiếu bắt đầu khốn khổ, thân gái đơn côi dặm trường, phiêu bạt càng khiến tâm hồn nàng trở nên khô héo, nên đã sáng tác rất nhiều tác phẩm bày tỏ sầu bi trong bối cảnh ảm đạm này.
Hàng Châu, Việt Châu, Đài Châu, Kim Hoa…là những vùng miền bà đã lần lượt trải qua, Lý Thanh Chiếu sống một mình trong cảnh cô tịch, khốn đốn cho đến khi già yếu rồi qua đời.
Vợ chồng bà tâm đầu ý hợp cùng nhau chuyên tâm 
vào nghiên cứu, sưu tập, chỉnh lý các tác phẩm 
trên đá., trên đồng. (Ảnh minh họa: facebook.com)
Lý Thanh Chiếu nổi tiếng là một đại biểu xuất sắc của phái từ Uyển Ước.
Trong di sản văn học cổ Trung Quốc, người ta thường nhắc đến: tản văn thời tiên Tần, phú thời Hán, thơ thời Đường, từ đời Tống, kịch đời Nguyên, tiểu thuyết thời Minh- Thanh. Từ đời Tống, kịch Nguyên để tạo thành một tác phẩm hoàn chỉnh, ngoài văn bản văn học còn nhiều yếu tố liên quan như âm nhạc, vũ điệu, sân khấu…
Từ là một thể loại nửa thơ nửa văn xuôi hình thành vào đời Đường, và phát triển mạnh vào đời Tống.
Ở thời kỳ đầu, từ là một loại thơ (nhưng khác với thơ ở chỗ có quan hệ với âm nhạc), phải đến thời Vãn Đường, từ mới thành một thể độc lập mang đầy đủ những đặc điểm riêng, và phát triển mạnh ở đời Tống.
Đời Tống, từ phát triển thành hai con đường: từ uyển ước và từ hào phóng. Từ uyển ước là lối làm từ theo đúng truyền thống, ngôn ngữ tinh luyện, ý tưởng, hình tượng sâu sắc, uyển chuyển, phong cách tế nhị. Đặc biệt là âm luật phải đẹp đẽ và phù hợp với âm nhạc.
Từ hào phóng đi ngược lại: không phân ranh giới giữa từ thi, diễn đạt tự do, đưa cả thơ, văn xuôi vào từ, âm luật chỉnh hay không không phải là vấn đề trọng yếu, ngôn từ thanh nhã không thành vấn đề, những lời nói khẳng khái oai hùng, lời than thở bi thương, thầm thì, hài hước đều được đưa cả vào trong từ ngang hàng với thơ ca “không có điều gì không nói được”, nó có khuyết điểm là làm từ mất đi đặc điểm tinh tế vốn có, nhất là đối với những kẻ kém tài: từ trở nên vụng về, vô vị, thô mộc.
Thời Tống, từ đi theo hai con đường này cùng phát triển. Phái uyển ước làm cho từ tinh tường, tế nhị. Phái hào phóng làm cho từ tự do, phóng khoáng.
Trong thi ca của Lý Thanh Chiếu, mỗi từ được sử dụng chuẩn xác, khéo léo và nhẹ nhàng tinh tế. Điều này thể hiện rất rõ nét trong bài thơ Điểm Giáng Thần:
Súc bãi thu thiên,
Khởi lai dung chỉnh tiêm tiêm thủ.
Lộ nùng hoa sấu,
Bạc hãn khinh y thấu.
Kiến hữu nhân lai,
Miệt sạn kim thoa lưu.
Hoà tu tẩu,
Ỷ môn hồi thủ,
Khước bả thanh mai khứu.
Dịch thơ:
Thôi đạp bàn đu
Đứng đờ lười vuốt tay thon nhỏ
Sương đầm hoa võ
Áo thấm mồ hôi rỏ
Thấy có người vào
Thoa tuột giầy để hở
Chừng mắc cỡ
Chạy về quay cổ
Lại ngửi thanh mai ngó
(Bản dịch Nguyễn Chí Viễn)
Sương đầm hoa võ. Áo thấm mồ hôi rỏ 
(Ảnh minh họa: pinterest.com)
Phụ nữ xưa thường rất kín bàn chân, nhưng qua bài thơ của Lý Thanh Chiếu, người ta thấy được sự dịu dàng e ấp của thiếu nữ với tâm hồn trong sáng, điểm thêm sự e ngại lại càng làm toát lên vẻ đẹp dịu dàng, quyến rũ đầy bí ẩn.
Từ trong thơ của Lý Thanh Chiếu đạt tới sự chau chuốt tuyệt đỉnh, bởi vậy mà được tán tụng là đại diện xuất sắc của phái từ uyển ước.
Từ trong thơ của Lý Thanh Chiếu đạt tới sự chau chuốt tuyệt đỉnh, bởi vậy mà được tán tụng là đại diện xuất sắc của phái từ uyển ước.
(Ảnh minh họa: pinterest.com)
Bà là một tác giả nữ thể hiện tài năng hiếm hoi trên từ đàn thời Tống.
Sự xuất hiện của Lý Thanh Chiếu trên từ đàn đời Tống là một bất ngờ độc đáo. Nếu xét trên bình diện lịch sử văn học Trung Quốc, tác gia văn học nữ không phải là nhiều (Thái Viêm đời Hán, Thái Diễm đời Ngụy…). Cởi mở như đời Đường với hơn 2200 tác giả mà cũng chỉ có Tiết Đào, Đỗ Thu Nương, lại cũng không phải là hàng tác gia xuất sắc. Quả là nhà thơ nữ Trung Quốc quá hiếm hoi so với những thời đại văn chương như vậy.
Huống hồ đối với tình hình xã hội tư tưởng đời Tống, sự xuất hiện của bà rõ ràng là một ngoại lệ. Lý Thanh Chiếu còn là từ nhân hiên ngang đại diện cho một phái, một bên là Tô Thức phái từ hào phóng, tác gia văn học xuất sắc nhất thời Tống.
Sáng tác của Lý Thanh Chiếu có thể chia thành hai giai đoạn rõ rệt: giai đoạn đầu: trước 1127: phản ánh cuộc sống hạnh phúc, viên mãn, giọng điệu hoan hỷ, vui tươi, phần lớn từ nói về phòng khuê, tình yêu, ly biệt, thiên nhiên. Giai đoạn sau: từ 1127 trở đi: cuộc sống tha hương, mất nước, lưu lạc, khốn khó, giọng điệu u buồn, trầm uất, cô đơn, từ đã thoát khỏi phạm vi khuê phòng hướng đến những vấn đề xã hội, trọng tâm ở đây là tâm trạng của kẻ mất gia đình, mất nước, cái buồn riêng hòa lẫn với nỗi đau chung của dân tộc.
Lý Thanh Chiếu còn là từ nhân hiên ngang đại diện 
cho một phái, một bên là Tô Thức phái từ hào phóng, 
tác gia văn học xuất sắc nhất thời Tống. 
(Ảnh minh họa: pinterest.com)
Là một phụ nữ quý tộc tài hoa, có học vấn, tình cảm phong phú, có lẽ Lý Thanh Chiếu là từ nhân diễn đạt sâu sắc nhất tâm sự và hoàn cảnh của người phụ nữ sống trong xã hội thời bấy giờ, họ bị ràng buộc bởi những định kiến.
Thời Tống hết sức đề xướng lễ giáo khống chế phụ nữ, cho nên phụ nữ chịu sự khuôn phép tới ngột thở, nên thời này, có những bậc nam nhân đã viết thay cho nỗi buồn và những khát khao trong tư tưởng của người phụ nữ ví như Liễu Vĩnh, Tần Quán…Nhưng đó cũng chỉ là sự cảm thương chứ diễn tả được đầy đủ sắc thái tình cảm, ước mong của người phụ nữ thời đó.
Khi Lý Thanh Chiếu xuất hiện, giống như một làn gió mới độc đáo, là đại biểu cho hơi thở và tâm tư của người phụ nữ, bà viết lên những diễn biến tâm trạng của chính mình, những khát khao thầm kín của bà cũng như tiếng nói của biết bao nhiêu người phụ nữ bị định kiến và khuôn phép kia chói buộc.
Bà chọn những sự vật dễ gợi liên tưởng, lại dùng bút pháp tinh tế của người phụ nữ để biểu đạt những ý tưởng đó, nên nó có một sắc thái khác biệt hơn, sâu sắc hơn và khéo léo hơn.
Lý Thanh Chiếu gửi gắm tâm trạng, nguyện vọng của người phụ nữ dưới thời nhà Tống.
Trong bài thơ Ngư gia ngạo - Ký mộng,
Bà còn khéo miêu tả tâm trạng, nguyện vọng của người phụ nữ muốn thoát khỏi cuộc sống nhỏ hẹp tù túng, buồn tẻ, khát khao một thế giới tinh thần tráng lệ hơn, rộng mở hơn:
Thiên tiếp vân đào liên hiểu vụ,
Tinh hà dục chuyển thiên phàm vũ.
Phảng phật mộng hồn quy đế sở.
Văn thiên ngữ,
Ân cần vấn ngã quy hà xứ ?
Ngã báo lộ trường ta nhật mộ,
Học thi mạn hữu kinh nhân cú.
Cửu vạn lý phong bằng chính cử.
Phong hưu trú,
Bồng chu xuy thủ tam sơn khứ
Dịch thơ:
Mây khói trời mai làn sóng tỏa
Dòng Ngân xẻ nhích ngàn bướm múa
Mộng hồn phảng phất về thiên phủ
Nghe trời nhủ:
Chẳng hay ngươi định về đâu đó
Ta thưa: ngày chiều đường xa lỡ
Thơ có câu hay khiến người sợ
Chín vạn dặm cánh bằng gặp gió
Gió lên nữa
Đi tới non tiên thuyền nhẹ chở
(Nguyễn Xuân Tảo dịch)
Gió lên nữa. Đi tới non tiên thuyền nhẹ chở. (Ảnh: pinterest.com)
Trong bài thơ trên bà mang theo một ý tứ mạnh mẽ táo bạo, lạc quan, tự tin, không có vẻ của một nữ nhân làm ra: ”Thơ có câu hay khiến người sợ”. Một chút thoáng đạt trong lối tư duy, một chút mạnh mẽ muốn bứt phá, một chút ngạo nghễ khiến người ta tưởng rằng đó là của một nam nhân. Sự phá cách rất đáng khâm phục trong ý thơ của bà.
Nhưng cũng có bài thể hiện một tình yêu chính trực ngay thẳng và chân thực, chia sẻ và hi sinh cho nhau, đưa ra một góc nhìn về sự chuẩn mực cho tình yêu, sự đồng điệu về tâm hồn, sự coi trọng và vị nể tình phu thê.
Thơ của bà cũng mang những vẻ đẹp của thiên nhiên phong cảnh, tức cảnh sinh tình, và thường mượn cảnh để khắc họa vẻ đẹp của tuổi xuân thì, thời gian là cỗ máy chở theo những thanh xuân một thủa, hay tâm tình của một người phụ nữ phải sống trong nỗi khắc khoải đợi mong chẳng khác chi nhìn xuân qua mà úa tàn nhan sắc.
Lý Thanh Chiếu thường hay sử dụng những hình ảnh mang sắc thái nữ tính rất rõ. Trong bài Nhất Tiễn Mai bà viết “khinh giải la thường, độc thượng lan châu” (cởi nhẹ áo lụa, một mình bước lên thuyền lan) , khó ai miêu tả phong thái nhẹ nhàng, cử chỉ thoát tục của người phụ nữ được như vậy. Hay hình ảnh “tố đắc tiểu yêu thân, bất nại thương xuân” (eo vốn nhỏ thon thon, khốn nỗi xuân mòn - Lãng Đào Sa- kỳ nhị) diễn tả nét tươi trẻ kiều mị của người con gái.
Cởi nhẹ áo lụa, một mình bước lên thuyền lan (Ảnh: pinterest.com)
Miêu tả nỗi niềm tương tư triền miên một cách khéo léo. Nỗi niềm đó vừa rời khỏi đôi mày (ý nói từng giọt lệ rơi), thì nó đã bám vào trong tim. Câu này lấy ý từ bài Ngự Nhai Hành của Phạm Trọng Yêm “Đo lai thử sự, mi gian tâm thượng, vô kế tương hồi tị” (chuyện tương tư ấy, luôn xuất hiện trên đôi mày và trong cõi lòng, không có cách nào né tránh được) , nhưng bà tách chữ “mi” và chữ “tâm” ra làm hai câu, làm cho tâm trạng sinh động hơn.
Về sau này khi tình nghĩa phu thê chia cắt, âm dương đôi đường, trong loạn lạc mà khổ đau, thì hồn thơ của bà lại chính là nỗi niềm cô đơn sầu lẻ bóng Thì ta chỉ thấy người mượn bóng cho đỡ cô độc, rồi người bỏ bóng chứ bóng chả bỏ người bao giờ, trong bài Như mộng lệnh:
Thuỳ bạn minh song độc toạ,
Ngã dữ ảnh nhi lưỡng cá.
Đăng tận dục miên thì,
Ảnh dã bả nhân phao đoá.
Vô na!
Vô na!
Hảo cá thê lương đích ngã.
Dịch thơ:
Ai bạn bên song ngồi tựa?
Chiếc bóng với ta hai đứa.
Đèn tắt chực đi nằm,
Bóng cũng bỏ ta trơ đó.
Vò võ!
Vò võ!
Khéo cảnh thê lương mắc mớ.
(Nguyễn Chí Viễn dịch)
Còn rất nhiều những áng thơ tài hoa qua cách dùng từ chính xác và tinh tế của Lý Thanh Chiếu mà người đời vẫn còn lưu truyền. Ý thơ của bà chính là lời giãi bày của những người phụ nữ thời đó, bà thường sử dụng những ý từ rất khéo léo để mô tả sự héo hon của tâm hồn, như ví một người người phụ nữ khi không còn quan tâm đến dung nhan là thể hiện một tâm trạng u uất đến cùng cực.
(Ảnh: youtube)
Nếu đánh giá một cách khách quan về tài thi phú của Lý Thanh Chiếu, thì quả thực tài năng của bà vượt xuất khỏi cái khuôn phép gò bó định kiến dưới thời nhà Tống, tạo sự bứt phá trong sự thể hiện tài năng và tư tưởng mới mẻ của người phụ nữ thời đó, dám bày tỏ những khát khao, mong ước và ngay cả những tâm tư thầm kín của mình. Thơ của bà chính là lời nói đại biểu cho những phụ nữ có tài năng nhưng không sao mà bày tỏ bởi chính những rào cản bị gò bó mà khao khát bứt phá ra.
Viết về Lý Thanh Chiếu, quả thực có quá nhiều bài thơ thể hiện tài thi phú với nghệ thuật dùng từ rất tinh tế, thầm kín mà sắc xảo. Bà thực sự là một tài năng xứng với danh hiệu Trung Hoa đệ nhất tài nữ. Và bà cũng được bình chọn là một trong số 26 người đẹp nổi tiếng của Trung Quốc ở mọi thời đại. Một người phụ nữ tài sắc vẹn toàn.
Trung Hoa tứ đại tài nữ: Trác Văn Quân dùng áng thơ kỳ tài kéo người yêu lạc bước trở lại
Trác Văn Quân hay được gọi là Văn Hậu, là một tài nữ nổi danh thời Tây Hán, có tài sắc vẹn toàn, giỏi cầm kỳ thi họa, nên đã được xếp vào “Thục trung Tứ đại tài nữ” trong lịch sử Trung Quốc. Câu chuyện tình của bà với Tư Mã Tương Như đã nổi tiếng trong tình sử cổ đại qua điển tích Phượng cầu hoàng và đã trở thành điển tích thông dụng trong văn học. Đồng thời người đời thán phục vì tài năng thơ phú của bà khi gắn với điển tích Trác Văn Quân dùng thơ dành lại chồng.
Trác Văn Quân là tài nữ đời Tây Hán, được suy tôn như một trong những nữ nhân nổi tiếng nhất của Trung Quốc cổ đại. Bà sinh ra ở Tứ Xuyên, là con gái của Trác Vương Tôn, một đại phú đương thời. Xuất thân phú quý, Trác Văn Quân được cha mẹ nuôi nấng dạy bảo kĩ lưỡng, lớn lên, bà sớm đã nổi danh gần xa vì tư sắc diễm lệ lạ thường, biết chơi đàn cầm và biết làm thơ, nổi tiếng có tài ứng đối, vẻ đẹp chim sa cá lặn, lại có khả năng chơi đàn điêu luyện, và cũng hết sức rành âm luật, thiện thơ ca.
16 tuổi bà được gả cho Hàm Tâm một tú tài theo nghiệp bút nghiên. Thế nhưng, hạnh phúc chẳng tày gang tấc, sau nửa năm sống cùng nhau, Hàm Tân bỗng lâm bệnh rồi từ trần, Trác Văn Quân bỗng chốc trở thành quả phụ, nàng héo hon, tàn úa bên bàn thờ của người chồng đã khuất.
Do còn quá trẻ nên được đón về nhà cha mẹ đẻ. Chính lúc này cuộc sống của Trác Văn Quân bắt đầu một trang mới.
Trác Văn Quân tài sắc vẹn toàn. (Ảnh minh họa: Pinterest.com)
Chuyện tình Văn Quân - Tương Như một điển tích nổi tiếng thi ca văn chương thời bấy giờ.
Truyện tình yêu của Tư Mã Tương Như và Trác Văn Quân nảy sinh ở thời Hán Vũ Đế. Lúc đó, tự do yêu đương là một việc kinh thiên động địa, cho nên câu chuyện của họ vô cùng hấp dẫn mọi người.
Chuyện kể rằng trong một lần ghé đất Lâm Cùng, Tư Mã Tương Như làm quen với Trác Vương Tôn, cha của Trác Văn Quân, khi ấy nổi tiếng xinh đẹp và tài năng thi ca đàn họa. Nhưng Văn Quân là phận gái góa phòng đơn gối chiếc. Nhưng vì lòng cảm mến ái mộ Văn Quân, Tương Như vẫn muốn một lần được bày tỏ.
Biết Văn Quân yêu thích tiếng đàn, Tương Như nảy ý dùng tài hoa của mình để thăm dò nông sâu tâm hồn người thiếu phụ trẻ cô đơn. Khúc Phượng cầu hoàng nổi tiếng của tài tử đã làm say lòng giai nhân.
Phượng hề, phượng hề quy cố hương,
Ngao du tứ hải cầu kỳ hoàng,
Thời vị ngộ hề vô sở tương,
Hà ngộ kim tịch đăng tư đường.
Hữu diệm thục nữ tại khuê phường,
Thất nhĩ nhân hà sầu ngã trường.
Hà duyên giao cảnh vi uyên ương
Tương hiệt cương hề cộng cao tường
Dịch thơ:
Chim phượng, chim phượng về cố hương,
Ngao du bốn bể tìm chim hoàng
Thời chưa gặp chừ, luống lỡ làng.
Hôm nay bước đến chốn thênh thang.
Có cô gái đẹp ở đài trang,
Nhà gần người xa não tâm tràng.
Ước gì giao kết đôi uyên ương,
Bay liệng cùng nhau thỏa mọi đường.
Cũng từ khúc nhạc này, Trác Văn Quân quyết tâm bỏ lại vành khăn tang thờ người chồng đã chết được nửa năm, đi theo tiếng gọi con tim. Cô quyết cãi lời cha, nguyện theo Tư Mã Tương Như đến chân trời góc bể.
Cặp trai thanh nữ tú cùng say mê thi ca đàn xướng, đều là cặp trời sinh đã đa tài đa nghệ, họ sớm tương đồng như giai nhân tri kỉ. Văn Quân dứt nhung gấm để chịu cuộc sống khổ cực vì tình yêu, Tương Như phá bỏ định kiến để nguyện bên người tâm đầu ý hợp.
Rồi tình yêu của họ vượt qua bể dâu khổ sở, được cha mẹ đồng thuận. Cũng là lúc Tương Như được phong chức quan. Với tài năng của mình, Tương Như được nhà vua vô cùng sủng ái.
Thêm một lần ngã rẽ cuộc đời của Văn Quân, người phụ nữ sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành, đa tài đa cảm.
Tư Mã Tương Như phá bỏ định kiến để được 
ở bên người tâm đầu ý hợp… (Ảnh minh họa: Pinterest.com)
Tài năng của Trác Văn Quân thể hiện qua bài thơ: Bạch đầu ngâm.
Năm 140 TCN, Hán Vũ Đế lên ngôi, sau khi xem các tác phẩm của Tư Mã Tương Như, Vũ Đế lấy làm thích thú, bèn triệu chàng lên kinh thành Trường An sống. Bằng tài trí của mình, Tư Mã Tương Như sáng tác bài Thượng Lâm Phổ, được Hán Vũ Đế ưa thích, liền phong cho chàng làm chức Lang Quan, giữ lại ở kinh đô Tràng An.
Tương Như lúc này có chút danh phận, kèm với tài hoa có tiếng, nên trở thành người trong mộng của biết bao tiểu thư mệnh phụ chốn kinh thành, trong xa hoa danh tiếng người ta dễ quên đi tri kỉ bạc đầu.
Trong lòng Tương Như đã say mê hương sắc lạ, quên đi người vợ Văn Quân đang mòn mỏi đợi chờ, thư từ qua lại, Văn Quân biết Tương Như muốn lập thiếp, lòng buồn bã khổ đau.
Rồi một hôm, nàng đang ngồi tựa cửa, chợt có người dâng đến một phong thư của chàng, mở bức lụa trắng tinh mà lòng những xốn xang. Nào ngờ trên mảnh lụa chỉ vỏn vẹn vài chữ “Một hai ba bốn năm sáu bảy tám chín mười trăm ngàn vạn” . Thưa thớt như bước chân người trở về, lạt lẽo như lòng kẻ phụ phàng. Người đưa thư còn bảo chàng dặn lấy hồi âm ngay.
Tâm cuồng ý loạn, vừa hận vừa đau nàng cầm bút đề luôn một mạch.
Ngai như sơn thượng tuyết,
Kiểu nhược vân gian nguyệt.
Văn quân hữu lưỡng ý,
Cố lai tương quyết tuyệt.
Kim nhật đấu tửu hội,
Minh đán câu thuỷ đầu.
Tiệp điệp ngự câu thượng,
Câu thuỷ đông tây lưu.
Thê thê phục thê thê,
Giá thú bất tu đề.
Nguyện đắc nhất tâm nhân,
Bạch đầu bất tương ly.
Trúc can hà niệu niệu,
Ngư vĩ hà si si.
Nam nhi trọng ý khí,
Hà dụng tiền đao vi
Dịch Thơ:
Trắng như tuyết trên núi,
Sáng như trăng ở trong mây.
Nghe lòng chàng có hai ý,
Nên thiếp quyết cắt đứt.
Ngày hôm nay nâng chén sum vầy,
Sớm mai đã đưa tiễn nhau ở bên sông.
Đi lững thững trên dòng nước,
Nước cứ chảy xuôi mãi từ đông về tây (mà không quay về).
Buồn rầu lại cứ buồn rầu,
Lấy nhau rồi những tưởng không nên than vãn.
Mong có được người một lòng không thay đổi,
Đến khi đầu bạc chẳng xa nhau.
Cần câu trúc dáng thon thon khẽ động,
Đuôi cá vẻ cong cong.
Nam nhi coi trọng ý chí,
Sao lại vì tiền bạc (mà thay lòng)!
Bức thư còn chưa ráo mực, nỗi lòng Trác Văn như một tiếng thở dài, liền mạch mà viết bài thơ.
Lời trách móc nhẹ nhàng mà sâu sắc, như vội quên đi những năm tháng bần hàn, bậc quân tử vì say mê hương sắc lạ, tham hư vinh mà quên cả tri nhân, lời than trách như thêm một lần tủi, nhưng cũng mạnh mẽ mà quyết đau một lần, vì chồng nếu cứ ham mê như thế, thì tình phu thê cũng lạnh lẽo phai mờ. Trác Văn cũng thuận theo mà đoạn tuyệt, quyết buông đi nếu chẳng níu kéo được gì.
Trác Văn Quân hồi âm thư cho chồng tỏ ý lòng mình 
cũng là nhắc nhở chồng. (Ảnh minh họa: Pinterest.com)
Nàng khéo léo nói lên nỗi lòng người phụ nữ sống trong mòn mỏi đợi chờ, rồi bà mong chồng một lần thấu hiểu, giọng thơ có trách móc, có than thân, có tủi hờn, nhưng đâu đó lại thoang thoảng lời nhắc nhở.
Bậc làm trai chớ phụ khó say tài, làm nghiệp lớn chớ quên tình tri kỉ, lòng tri nhân như bến nước thủy chung đợi chờ son sắt, bậc anh tài như con thuyền phiêu đãng chẳng biết đỗ nơi đâu.
Rồi bà lại một khéo hơn ai hết, được ước một lần đổi phận ở kiếp sau.
Khi mình là một nam nhân thì tài cao trí lớn, được vẫy vùng cho thỏa sức trí liêu trai, bà cũng chẳng kém phần kém cạnh, nhưng hỡi ơi thân phận má đào, tài năng thấu chỉ phía sau tấm rèm mỏng chốn khuê phòng.
“Sau khi một biệt, lòng gởi hai nơi,
Chỉ hẹn rằng ba bốn tháng,
Nào ngờ lại năm sáu năm,
Bảy dây trống trải đàn cầm,
Tám hàng thư không thể gởi,
Chín mối bội hoàn dang dở,
Mười dặm trường đình mỏi mắt ngóng trông,
Trăm tương tư, ngàn dằn vặt, muôn chung nào nỡ oán chàng.
Vạn lời ngàn tiếng nói sao đang,
Trăm cô liêu tựa mười hiên vắng,
Mùng chín tháng chín lên cao trông lẻ nhạn,
Tháng tám trung thu tròn trăng chẳng thấy người,
Tháng bảy nửa vầng hương cầm đuốc hỏi ông trời,
Tháng sáu phục hiên ai ai lay quạt lạnh lòng ai,
Tháng năm lửa lựu lập loè sầm sập mưa dầm hoa tả tơi,
Tháng tư tỳ bà lạnh vắng người toan soi gương tâm ý loạn,
Chợt hối hả tháng ba hoa đào theo nước trôi,
Cháng hai gió gảy tiếng rã rời.
Ôi chàng, chàng ơi,
Nguyện cho được sau một kiếp,
Chàng thành nhi nữ để thiếp làm phận trai”
Sau khi nhận được bức thư hồi đáp, đọc những dòng thư thấm đẫm nỗi lòng người phương xưa, mỗi câu, mỗi vần đều được sử dụng khéo léo từ những từ ngắn ngủi mà mình đã gửi, Tương Như chợt nhận ra tài năng tuyệt đỉnh của Văn Quân, trong ông là sự thán phục và không khỏi xúc động.
Chợt hồi tưởng về những năm tháng đoạn trường vợ chồng ân nghĩa phu thê. Ông mới nhận ra người vợ tài sắc của mình như viên ngọc quý giá, để rồi Tư Mã Tương Như quyết định từ quan, quay về Thành Đô, đoàn tụ cùng vợ. Hai người chung sống bên nhau đến bạc đầu, và ngày nay.
Chuyện tình cũng những vần thơ mà Trác Văn Quân gửi cho chồng, vẫn được người đời sau đọc với tất cả sự ngưỡng mộ và đồng cảm.
Sau khi đọc thư hồi âm củ vợ Tư Mã Tương Như đã 
tỉnh ngộ và nhớ lại đoạn thời gian vợ chồng tâm đầu 
ý hợp liền từ quan trở về. (Ảnh minh họa: Pinterest.com)
Chỉ vẻn vẹn một bài thơ, Trắc Văn Quân đã làm chồng tỉnh cơn mê lạ, một chút thôi là lạc lối trở về. Đây phải thừa nhận là một tài tuyệt đỉnh.
Cái đẹp của tâm hồn nơi người phụ nữ, còn đáng quý hơn cái nhan sắc bề ngoài. Lòng vị tha bao dung của họ, là vẻ đẹp vốn có trời ban. Nhưng trong tâm tư rối loạn, cơn ghen kia có thể trở thành Hoạn Thư, nhưng với Trác Văn, bà biết kìm nén lòng mình, biết khôn khéo mà kéo chồng trở về.
Bút pháp về nghệ thuật thi phú cùng tài năng cũng như tâm trạng chân thật, kết hợp cùng đạo lý ở đời, Trác Văn đã mang tình yêu của người trở lại, và họ sống bên nhau tới tận bạc đầu.
Trung Hoa tứ đại tài nữ: Ban Chiêu, nữ sử gia đầu tiên của Trung Quốc được ví như Khổng Tử của phái nữ
Ban Chiêu là một người phụ nữ có trí tuệ uyên thâm, văn chương lỗi lạc, bà được xem là nữ sử gia đầu tiên của Trung Quốc. Bà cùng anh trai Ban Cố viết nên Hán thư, một trong Nhị thập tứ sử nổi tiếng của Trung Quốc.
Ban Chiêu còn có tên Ban Cơ, tiểu tự là Huệ Ban, xuất thân thế gia vọng tộc họ Ban, bà thông tuệ chữ nghĩa, âm thông kinh sử, hiểu đạt lễ nghi.
Trong các triều đại Trung Quốc cổ xưa, nữ nhân thường không tham gia chính sử, có chăng cũng chỉ là hậu thân cho nam nhân trên chính trường. Các nữ nhân xưa kia, nếu có học hành thì cũng chỉ thường được dạy dỗ về cầm - kỳ - thi - họa còn kinh thư, sử sách vốn dĩ chỉ dành cho đấng nam nhi mà thôi.
(Ảnh minh họa: pinterest.com)
Vì vậy nên, việc xuất hiện một nữ nhân giỏi giang, học vấn uyên bác như Ban Chiêu quả thực là một điều hiếm thấy trong lịch sử.
Ban Chiêu - Viên ngọc sáng tài năng được rèn giũa từ một gia đình đại trí thức thời bấy giờ.
Ban Chiêu sinh ra ở Phù Phong, An Lăng, nay là khu vực gần Hàm Dương, Thiểm Tây, xuất thân trong một gia đình Nho giáo nổi tiếng, họ Ban, một gia đình rất có tài hoa về văn học vào thời Đông Hán, có tổ tiên là Lệnh doãn nước Sở Tử Văn. Tổ phụ là Ban Trĩ, là một người con trai của Ban Huống và là anh của Ban Tiệp dư của Hán Thành Đế.
Cha bà là Ban Bưu, là nhà văn nổi tiếng Trung Quốc thời bấy giờ, ngoài ra bà có một người anh là Ban Cố, nhà sử gia nổi tiếng. Bà còn có một người anh nữa là Đại tướng quân Ban Siêu, có công lao trấn giữ vùng Tây Vực chống lại Hung Nô thời Hán. Cha, anh bà có học thức cao nên bản thân nàng cũng không hề thua kém.
Ban Chiêu từ nhỏ đã bộc lộ tư chất 
hơn người. (Ảnh minh họa: pinterest.com)
Ban Chiêu từ nhỏ đã được thừa hưởng những giá trị cũng như danh tiếng truyền thống văn chương rực rỡ của gia tộc, sớm được tiếp cận tinh hoa dòng tộc, cũng là người đam mê đặc biệt với tài năng vốn có, nên ngay từ nhỏ bà không giống với những nữ nhi bình thường khác.
Từ nhỏ Ban Chiêu đã được gia đình chú ý dạy dỗ, nên sớm đã uyên bác, giỏi giang hơn người. Giáo dục tư cách đạo đức, trau dồi phẩm hạnh, mở mang học hỏi kiến thức sử sách, rèn luyện văn chương thi phú.
Tư tưởng am tường sử sách, thông thạo văn chương, thấu hiểu nghi lễ nên khi trưởng thành, bà thường được mới vào cung để dạy kinh sử cho hoàng hậu và các quý nhân.
Sử sách ghi rằng, Ban Chiêu nổi tiếng về trí tuệ uyên bác, thời ấy Mã Dung, một học giả lớn cùng thời muốn cầu được sự chỉ dẫn của bà, đã chấp nhận quỳ rất lâu ở bên ngoài thư viện đọc sách để đứng nghe bà giảng giải. Đối với một nữ nhân thời xã hội bây giờ, thì Ban Chiêu là một nhân tài kim cổ hiếm hoi.
Bà là một vị sử gia đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc.
(Ảnh minh họa: pinterest.com)
Vốn có tài văn chương từ nhỏ, lại giỏi nghiên cứu tìm hiểu sử sách kim cổ, tài khiếu viết văn của Ban Chiêu trước hết thể hiện trong quá trình giúp anh trai Ban Cố viết cuốn Tiền Hán Thư , đây là cuốn sử đoạn đại mang thể loại ký truyện đầu tiên của Trung Quốc, có địa vị ngang hàng với cuốn Sử Ký của Tư Mã Thiên thời Tây Hán trên lịch sử.
Cha của Ban Chiêu là người đầu tiên bắt tay vào việc viết bộ sử này, sau khi cha qua đời, anh trai Ban Cố nối tiếp hoàn thành.Tuy nhiên, chỉ được một thời gian ngắm, sau này, do mâu thuẫn với triều đình Hán Hòa Đế, Ban Cố bị tống giam và chết, để lại tác phẩm còn dang dở.
Cha qua đời, anh trai bị tống giam chết… 
Để lại tác phẩm còn dang dở. (Ảnh: Pinterest.com)
Tiếp tục con đường của cha và anh, Ban Chiêu dâng sớ xin Hán Hòa Đế cho phép vào Đông Quan tàng thư để tiếp tục công việc biên soạn bộ Hán Thư này. Những phần do bà soạn từ tập 13 đến 20 và tập 26 được coi là mẫu mực cho nhiều tác phẩm lịch sử về sau. Sau khi bộ Tiền Hán Thư được cho xuất bản, đã nhận được sự đánh giá rất cao. Những chương hay và gay cấn nhất của bộ sử cũng đều do Ban Chiêu hoàn thành.
Sau đó, Hán Hòa Đế cho mời Ban Chiêu vào cung dạy học cho cung nhân, bà được gọi là Tào đại gia. Mỗi lần các địa phương cống lên những thứ trân quý mới lạ, Hòa Đế đều gọi Ban Chiêu sáng tác phú để tán dương.
Một chút luận bàn sơ lược về tác phẩm để đời Nữ giới
Nữ giới: ‘Khiêm nhường cung kính 
người trước mình sau….”. (Ảnh: Pinterest.com)
Trong suốt cuộc đời mình, với tài năng văn chương và trí tuệ lỗi lạc bà có những cống hiến lớn lao trong giới sử học và chính trường, nhưng tác phẩm văn chương của bà cho tới ngày hôm nay không con được lưu giữ nhiều, chỉ còn lưu lại Đông Chinh phú và Nữ giới . Đây là 2 tác phẩm lớn có ảnh hưởng sâu sắc tới văn học các đời sau.
Điều đáng chú ý nhất chính là bộ Nữ giới, đây tác phẩm gây ra tiếng vang lớn thời kì xã hội bấy giờ,
Bộ “Nữ giới” được coi là một tác phẩm gây ngạc nhiên lớn, bao gồm bảy chương, mang nội dung hướng đến việc dạy dỗ con gái, nữ giới về việc học, việc nhà… một chủ đề bấy giờ rất hiếm khi được đề cập đến. Trong tác phẩm này, những quan điểm về việc làm vợ, làm mẹ hay những chuẩn mực để đánh giá đức hạnh của người phụ nữ được xây dựng một cách rõ ràng, cụ thể:
Trong nữ giới bà viết:
“Khiêm nhường cung kính, trước người sau mình. Làm điều thiện không cầu lưu danh, làm điều sai trái không chối bỏ. Nhẫn nhục chịu đựng, luôn tỏ ra sợ hãi, chính là ti nhược vậy’’.
Bà chú trọng và nhấn mạnh người phụ nữ phải lấy thế mạnh của bản thân làm sợi chỉ, thế mạnh ấy chính là sự dịu dàng nhu thuận, lạt mềm mà buộc chặt, tâm tính rộng mở, bao dung và độ lượng.
Có người hỏi vậy ý của câu luôn tỏ ra sợ hãi nghĩa là gì, chính là bộc lộ sự khiêm nhường, bậc nữ nhi không giải quyết vấn đề bằng nắm đấm, bởi về sức mạnh chẳng thể địch được bậc nam nhân, nhưng lấy nhu thuận mềm dẻo mà thu phục lòng người. Biết nhẫn nhịn đó chính là đức hạnh cần có của người phụ nữ.
Nạt mềm mà buộc chặt, tâm tính rộng mở, 
bao dung và độ lượng. (Ảnh: Pinterest.com)
Bà viết: “Đạo của vợ chồng, tham chiếu theo nguyên lý âm dương, thông suốt theo chỉ dẫn của thần minh, tin theo đạo nghĩa vĩnh hằng của thiên địa, cũng chính là đại tiết của nhân thường luân lý vậy.”
Bà đưa ra đạo lí vợ chồng, tại sao vợ chồng lại là đạo lí? bởi theo quan điểm của bà, việc bái trời bái đất thành thân là việc trọng đại, chính là thuận theo ý của trời. Một người coi trọng phu thê mới có thể thể hiện sự thành kính với trời đất.
Vợ chồng cũng thuận theo sự hài hòa âm dương, biết nhường nhịn và cung kính nhau mà an hòa gia đình. Người phụ nữ đã trao cả cuộc đời tuổi xuân sắc cho chồng, thì người chồng cũng biết quý trọng mà nâng niu tới người vợ. Nếu như người chồng làm đại sự, thì người vợ chính là hậu phương vững chắc cho người chồng, đều là sự hi sinh để vun đắp tình nghĩa vợ chồng, nên nhất định phải tôn trọng và cung kính lẫn nhau.
Thiên “Kính thận” bàn rằng: “Đặc tính âm-dương hai bên là bất đồng, hành vi nam-nữ cũng có khác biệt. Dương tính lấy cương cường làm phẩm cách, âm tính lấy ôn nhu làm biểu trưng; nam nhân lấy cường tráng làm cao quý, nữ nhân lấy mềm yếu làm mĩ lệ.”
Ở đây bà đưa ra sự khác nhau giữa nam và nữ, từ hành vi tới lời ăn tiếng nói cũng có tiêu chuẩn đo lường khác nhau. Nữ nhân lấy sự mềm mại, nhu thuận, dùng trí tuệ có được từ sự nhẫn nhịn mà đo lường.
(Ảnh minh họa: pinterest.com)
Trong phần “Phụ hành” viết:
“Người phụ nữ có tứ hành, gọi là phụ đức, phụ ngôn, phụ dung, phụ công. Đây là đại đức không thể thiếu của người phụ nữ, cũng chính là tứ đức trong tam tòng tứ đức.”
Nghĩa là phụ nữ không cần phải tài hoa tuyệt thế, nhưng phải biết lắng nghe, giữ lễ tiết chính trực, hành xử khuôn phép đó chính là phụ đức.
Lời ăn tiếng nói không nhất thiết phải dùng ngôn từ sắc sảo, nhưng phải nhẹ nhàng thấu đáo, có sự suy xét kĩ lưỡng trước khi nói, tâm người phụ nữ thể hiện ra lời nói của mình, nên lời nói không hay, chính là tâm hồn không chính, không biết lựa lời mà nói thể hiện sự nông cạn trong tư duy, hay dối trá xảo ngôn hay thị phi nhân ngã thể hiện sự ích kỉ hẹp hỏi, tâm hồn kém cỏi, đó chính là phụ ngôn.
Phụ dung có nghĩa là phụ nữ không nhất thiết cứ nhan sắc mĩ lệ là đẹp, mà phải biết thế nào là đẹp chân chính, gọn gàng, tinh tươm, y phục kín đáo, thân tâm sạch sẽ, giữ thân chuyên chính.
Phụ công chính là nói tới tài năng cơ bản như thêu thùa may vá, nữ công gia chánh, hiểu đạo lí cơ bản và biết thiết đãi khách, giữ chuẩn mực trong hành vi với khách. Tạo nét đoan trang và nghi lễ trong đối đãi với người ngoài.
Trong những phần tiếp theo của Nữ giới bà giảng giải tới lòng thủy chung, tới phẩm hạnh của người phụ nữ trong việc chuyên chính với chồng, hay những phần giảng về mối quan hệ với gia đình với bố mẹ chồng, anh em nhà chồng.
Phải nói rằng, Nữ giới đưa ra một chuẩn mực rất chi tiết về một người phụ nữ, là một thước đo gây dựng lên phẩm giá của người phụ nữ đức hạnh. Một cuốn sách chứa đựng những triết lí cho nữ giới mà xưa nay chưa từng có một cuốn sách nào đưa ra chuẩn mực đánh giá cụ thể như vậy.
(Ảnh minh họa: Pinterest.com)
Ban Chiêu - Một chính gia có tầm ảnh hưởng lớn với trí tuệ uyên thâm.
Đặng thái hậu thường xin ý kiến của bà trong việc 
đại sự và coi bà như thầy. (Ảnh: Pinterest.com)
Năm 105, Hán Hòa Đế qua đời khi mới 27 tuổi. Do người anh của Lưu Long là Lưu Thắng, con trưởng của Hòa Đế, bị tật nguyền không thể nối ngôi nên Lưu Long được ẵm lên ngôi, trở thành Hán Thương Đế. Lưu Thắng được phong làm Bình Nguyên vương.
Khi được đưa lên ngôi, Lưu Long mới 100 ngày tuổi, là vua lên ngôi trẻ tuổi nhất trong lịch sử Trung Quốc. Thái hậu Đặng Tuy – hoàng hậu của Hòa Đế, làm nhiếp chính.
Triều chính rối ren, xã tắc loạn tặc, Thái Hậu Đặng Tuy phải vất vả dẹp loạn, đảm nhiệm việc triều chính. Vốn khâm phục trí tuệ của Ban Chiêu, Đặng thái hậu thường xin ý kiến của bà trong việc đại sự và coi bà như thầy.
Thời gian đó, rất nhiều ý kiến, lời khuyên của Ban Chiêu đã tạo nên những chính sách quan trọng trong đất nước. Đặng Tuy thái hậu nhờ vậy đã có những quyết định sáng suốt, điều hành triều đình nhà Hán suốt 2 đời vua và được mọi người đánh giá tốt bởi sự uyên bác, bao dung, lễ độ.
Đặng thái hậu lâm triều nghe chính, Ban Chiêu được phép cùng Thái hậu bàn luận chính sự. Bà thông minh đoan chính, can gián điều sai, góp nhiều ý kiến bàn luận sâu sắc khiến Thái hậu rất tâm đắc.
(Ảnh minh họa: pinterest.com)
Có câu chuyện được sử sách ghi chép về lời can gián của Ban Chiêu trình Đặng thái hậu như sau: Năm 107, anh trai Thái hậu là Đặng Chất nhân do mẫu thân Âm phu nhân qua đời, xin thái hậu cho từ quan về quê. Đặng thái hậu ban đầu không đồng ý, hỏi ý kiến Ban Chiêu, bà đáp:
‘‘Hoàng thái hậu bệ hạ mỹ đức thịnh hành, nối được ơn đức của Nghiêu Thuấn, khiến thiên hạ thái bình. Thần hạ ngu muội, đắc ngộ minh chủ, không có bản lĩnh như thế, nay xin đưa ra vài ngu kiến. Thần nghe thánh hiền xưa, ca ngợi việc khiêm nhượng, là thấy bản thân lực bất tòng tâm thì nhượng cho kẻ hiền, mãi được đời sau ca ngợi.
Xưa có Bá Di, Thúc Tề không ham danh lợi mà nhượng ngôi quốc quân, thiên hạ khen không tiếc lời sự cao thượng của 2 người. Thái Bá nhượng vị cho Quý Lịch, đức Khổng Tử 3 lần khen ngợi không dứt. Ân đức của họ được lưu truyền, mãi là tấm gương cho hậu thế. Luận Ngữ có viết: “Năng dụng lễ nhượng trị quốc, tòng chánh hoàn hữu thập yêu khả vi nan ni?” là để nói nên thôi nhượng mĩ đức, ảnh hưởng sâu xa.
Nay, 4 vị quốc cữu kiên tuẫn trung hiếu, nhất định từ quan về quê, nếu như cự tuyệt ý định, e rằng về sau không có tiếng hiền, lại còn mang danh ngoại thích lộng quyền. Thần thiếp ngu kiến trần ngôn, cốt gắng sức suy nghĩ cho Bệ hạ, để báo ân đức của Bệ hạ đối với ngu thiếp’’.
Lời bà đưa ra đạo lí thâm sâu, hợp tình người, cũng là lời dậy cho một bậc được coi là mẫu nghi thiên hạ, tuy hết sức hạ mình đưa ra lời can gián, xong trí tuệ và sự uyên thâm trong sách lối của bà khiên Đặng thái hậu lắng nghe và thuận theo.
Như vậy mới thấy rằng, Ban Chiêu không chỉ là một người tài năng lỗi lạc, am hiểu lịch sử, một chính gia giỏi mà hơn hết bà là một người phụ nữ đức hạnh, thông hiểu lễ nghi. Ban Chiêu thật xứng đáng là “nhất đại anh chủ” của giới nữ nhân ngàn đời, được ví như Khổng Tử của phái nữ.
Trung Hoa tứ đại tài nữ: Thái Văn Cơ, người phụ nữ đa tài tuyệt thế
Thái Văn Cơ được biết tới là một nữ nhạc gia, nữ học giả và nữ thi nhân nổi tiếng bậc nhất thời kỳ Kiến An, Hán Hiến Đế Lưu Hiệp. Bà là một trong những nữ văn nhân đầu tiên của Trung Hoa. Tài hoa nhưng bạc phận, bà là tác giả của Bi phẫn thi, một thi phẩm được coi là một kiệt tác thể loại thơ tự sự của văn học Kiến An và của thơ ca cổ điển Trung Quốc.
Thái Văn Cơ tự Chiêu Cơ hay Thái Diễm, bà là một thi sĩ tài hoa dưới thời nhà Hán.Thái Diễm là người Trần Lưu (nay thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc). Cha bà là Thái Ung, một nhà văn, nhà thơ và nhà thư pháp lừng danh cuối thời Đông Hán.
Trung Quốc cổ xưa phận nữ thường không được đi học, trừ phi xuất thân từ gia đình vương quan quyền quý, và Chiêu Cơ may mắn được sinh ra trong một gia đình nhà nho, cha nàng lại là một nhà thông thái nổi tiếng, am thông nhiều lĩnh vực, một quan lại triều đình.
Được thừa hưởng từ những tinh hoa trong nghệ thuật từ cha mình, lên 8 tuổi Thái Diễm đã giỏi đàn, trưởng thành trong đam mê dưỡng dục về nghệ thuật, nên tài năng sớm được bộc lộ.
Thái Văn Cơ - Người phụ nữ đa tài tuyệt thế.
Nhắc tới Thái Diễm người ta không thể không nhớ tới tác phẩm được ví là đại danh tác: Bi phẫn thi là một trong những bài thơ tự sự nổi tiếng nhất của văn học Kiến An cũng như thơ ca cổ điển Trung Quốc.
Bi phẫn thi gồm hai bài. Bài thứ nhất, dài tổng cộng 108 câu ngũ ngôn, gồm ba đoạn, là tác phẩm hay nhất của Thái Diễm. Bài thứ hai dài 38 câu, cũng thuật về việc nàng bị bắt đi đến cảnh chia tay với con trở về, nhưng viết theo thể “tao”,một dạng đặc biệt của sở từ.
Thái Văn Cơ tự Chiêu Cơ hay Thái Diễm, bà là một thi sĩ 
tài hoa dưới thời nhà Hán. (Ảnh minh họa: pinterest.com)
Trong Bi phẫn thi bút pháp tự sự kết hợp nhuần nhuyễn với trữ tình, nỗi đau khổ dằn vặt của tác giả từ lúc bị bắt rồi lưu lạc sang đất Hung Nô. Mỗi một chữ là một giọt lệ, làm xúc động lòng người.
Ngòi bút vô cùng sắc bén với cách dùng từ ngắn gọn xúc tích, chỉ qua mấy câu thơ bà đã khắc họa được âm mưu của Đổng Trác:
Hán quý thất quyền bính,
Đổng Trác loạn thiên thường.
Chí dục đồ thoán thí,
Tiên hại chư hiền lương.
Bức bách thiên cựu bang,
Ủng chúa dĩ tự cương.
Dịch thơ:
Hán mạt mất quyền bính,
Đổng Trác loạn dưới trên.
Chí hòng cướp ngôi báu,
Trước tiên giết kẻ hiền.
Bức bách về kinh cũ,
Ép vua phải theo mình.
Hán mạt mất quyền bính. 
Đổng Trác loạn dưới trên. (Ảnh: Pinterest.com)
Hay để miêu tả tội ác của quân Đổng Trác, cũng chỉ cần ngắn gọn qua mấy câu thơ:
Bình thổ nhân thuý nhược,
Lai binh giai Hồ, Khương.
Liệp dã, vi thành ấp,
Sở hướng tất phá vong.
Trảm tiệt vô quyết di,
Thi hài tương sanh cự.
Mã biên huyền nam đầu,
Mã hậu tải phụ nữ.
Dịch thơ:
Trung Nguyên người sức yếu,
Lính tới rặt Hồ, Khương.
Bắt thôn, vây thành ấp,
Mỗi chốn đều tan hoang.
Giết sạch không để sót,
Khắp nơi xác vãi vương.
Treo đầu quanh mình ngựa,
Phụ nữ chở sau xe.
Thời ấy để khuyến khích tinh thần quân binh, người ta cho phép quân binh được phép vơ vét tài sản, cướp bóc và bắt những cô gái về làm tì thiếp.
Thái Văn Cơ cũng nằm trong số những nữ nhân đó, bị bắt và mang đi, với những nỗi đau ê chề khi chẳng danh phận thân thích. Cha thì mất, vua thì chẳng còn, bơ vơ mà chịu nỗi nhục này.
Dục tử bất năng đắc,
Dục sinh vô nhất khả.
Bỉ thương giả hà cô,
Nãi tao thử ách hoạ?
Muốn chết mà không được. Muốn sống 
chẳng đường thôi. (Ảnh: pinterest.com)
Dịch thơ:
Muốn chết mà không được,
Muốn sống chẳng đường thôi.
Ta nào gây tội lỗi,
Sao đày đoạ hỡi trời?
Chỉ vẹn vẹn mấy câu thơ, Văn Cơ đã lột tả trọn vẹn những cảm xúc, nỗi đau hay diễn tả bối cảnh rối ren thời binh đao loạn lạc. Thể hiện tài năng văn chương trong cách dụng từ của mình.
Những đoạn sau của Bi phẫn thi mà ghi lại cảnh nơi chốn biên thùy xa lạ một cách chân thự, trong thi có họa, một bức tranh thê lương hiện ra trước mắt người đọc là cuộc sống của Thái Diễm ở đất Hung Nô, hay làm người ta rơi lệ trước cảnh chia li cốt nhục.
Tới cuối bài Bi phẫn thi chính là cảm xúc hoang mang lo sợ, trở về cố hương nhưng lại mang theo nỗi sợ hãi bị ruồng bỏ khi buộc phải lấy người chồng thứ 3.
Điều nữa thể hiện tài năng của bà chính là từ những vần thơ đã chuyển thể sang nhạc, chính là bản nhạc Hồ già thập bát phách , dưới tài nghệ và am hiểu về âm luật, cũng như nhạc lí, bản nhạc của bà là tiếng bi ai nhất của cuộc đời, người ta nói, tiếng đàn bà chơi khiến chim kia ngừng bay mà nhỏ lệ.
Trong Hậu hán thư có ghi chép sau khi chuộc bà về nước Tào Tháo chỉ định bà kết hôn với Đổng Tự. Sự việc này được Tào Phi nhắc đến trong tác phẩm Thái ba dê nữ phú, ngay trong lời nói đầu ông viết: ‘‘Cha tôi và Thái Ung giao tình như giữa Quản Trọng và Bảo Thúc Nha, do đó sau khi cha tôi chuộc Thái Văn Cơ về, đem nàng tặng hôn cho đồn điền đô úy Đổng Tự’’.
Nhưng rồi đột nhiên sóng gió tới, chồng bà bị phán tội tử hình. Thái Văn Cơ vội vã cầu khẩn Tào Tháo, lúc đó Tào Tháo đang mở đại yến đãi khách, trong phòng khách toàn những vị đại quan, cao minh uyên thâm tài giỏi. Thái Văn Cơ bước vào dùng lời lẽ vô cùng ai oán xin được miễn tội chết cho chồng, dùng lí lẽ mà thuyết phục Tào Tháo. Cuối cùng ông đồng ý với Văn Cơ miễn tội chết cho chồng, nhưng Tào Tháo cũng đưa ra yêu cầu của mình. Tào Tháo nói:
‘‘Phu nhân, tôi nghe nói tới tài năng kiệt xuất của cha bà, hẳn lúc sinh thời có rất nhiều sách vở, những sách này bà còn nhớ không? chúng được để ở đâu?’’
Thái Văn Cơ đáp: ‘‘Sách vở của cha khá nhiều, đại khái có hơn 4000 cuốn, nhưng vì chiến loạn tôi lại là con gái vì vậy những sách này đã bị phiêu tán rồi, đã không thể tìm thấy được nữa rồi, nhưng hiện nay tôi có thể đọc thuộc lòng khoảng chừng hơn 400 quyển thôi’’
Tào Tháo nghe thấy thế vô cùng vui mừng, liền nói sẽ cho người đến tận nhà bà mà xin được chép lại. Văn Cơ nói:
‘‘Không cần làm như vậy, những sách vở này tôi sẽ tự viết ra cho ngài. Ngài muốn tôi viết theo kiểu chữ Khải hay kiểu chữ Thảo, chỉ cần nói , tôi có thể đáp ứng’’.
Quả nhiên là như vậy Tào Tháo vô cùng thán phục và ngưỡng mộ tài năng thi pháp của Văn Cơ, bà không chỉ là học rộng tài cao, mà còn là một thư pháp gia tuyệt đỉnh.
Ghi nhớ 400 cuốn sách mà chép lại không có một chút sai sót, minh chứng cho trí tuệ và bộ nhớ của bà, tương truyền sau này bà đã dần khôi phục và tiếp tục những công trình còn dang dở của cha.
Thói đời ghen tị với người có tài, ban cho Văn Cơ những nỗi khổ đau tột đỉnh.
Cuộc đời của Văn Cơ là chuỗi tháng ngày đau khổ, đa tài mà truân chuyên, bốn lần xuất giá thì 3 lần là khổ đau bất hạnh.
Văn Cơ bị ép gả cưới, cuộc đời đầy những 
đau khổ bất hạnh.. (Ảnh: pinterest.com)
Lần đầu thì đoạn đường chẳng đặng, đứt gánh giữa đường, rồi bị bắt và ép sang Hung Nô, trên đất Hung Nô xa lạ với những nỗi nhục dày xéo, bà chẳng nhân danh thân phận, như một dân nữ bình thường mà ép phải thành thân.
Trong một số sách có ghi chép rằng, bà bị ép cho Tả Hiền Vương, rất nhiều vở kịch diễn tả mối tình hạnh phúc của bà và Tả Hiền Vương. Nhưng trên thực tế lại hoàn toàn khác, theo nhiều nguồn ghi chép và theo logic thì có thể nhận thấy, nếu như bà được làm vợ Tả Hiền Vương thật thì bà phải có danh phận, con bà cũng phải có danh phận, nhưng sử sách lại không hề có ghi chép nào về danh phận của 2 đứa trẻ con bà, hơn nữa nếu là vợ của Tả Hiền Vương mà lại có thể được chuộc về bằng vàng ngọc sao? Điều này thật không đúng với thể diện ngoại giao thời đó, nó có thể được coi là quốc nhục.
Vậy một câu hỏi đặt ra ở đây là gì, Văn Cơ thực sự bị ép thành thân với ai? Qua thơ của Văn Cơ, thì có nhiều ý kiến cho rằng, bà là một nô tì, ép gả cho một binh sĩ bình thường, có thân phận như một nô lệ, bởi vậy mà Tào Tháo có thể chuộc bà về.
Như vậy có thể nói, những nỗi đau khổ ê chề, nỗi nhục nhã của bà trong thơ và nhạc của bà là hoàn toàn thực tại.
Có người nói Thái Văn Cơ và Vương Chiêu Quân có cùng cảnh đời đau khổ. Nhưng quả thực, Vương Chiêu Quân còn có nhiều may mắn hơn cuộc đời bà, xuất giá dù sao cũng có danh phận của một công chúa, được danh phận rõ ràng, được sứ giả hộ tống sang tới đất Hung Nô. Nhưng với Thái Diễm Văn Cơ, thì hoàn toàn là cành hồng bị dẫm đạp, danh phận chẳng có, thân thế thì không, bơ vơ khổ cực nơi xứ người, đây mới chính là nỗi cùng cực của một nữ đại kì tài.
Rồi nỗi đau phải vĩnh lìa cốt nhục, bà như một người mẹ khổ đau nhất thế gian.
Có thể nói rằng, với Thái Văn Cơ, người đời càng cảm phục bởi tài năng của bà bao nhiêu, thì càng xót xa cho số phận của bà bấy nhiêu, tác phẩm văn chương thi phú của bà nhiều vô kể, nhưng trong đó cũng đều ẩn chứa những nỗi buồn, giọt lệ đài trang thấm đấm từng chữ trong hồn thơ của bà.
Có lẽ ông trời cũng cảm thương cho số phận Văn Cơ, mà đến cuộc hôn nhân thứ tư bà mới được nếm được mùi vị của hạnh phúc đoàn tụ. Gian truân thủa sinh tiền và hậu vận có phần được bồi đắp, cũng là niềm an ủi phần nào tới một nữ đại tài.
Trải qua những đau khổ thăng trầm trong cuộc đời 
Văn Cơ mới có được hạnh phúc. (Ảnh: pinterest.com)
Khép lại truyền kì về tứ đại tài nữ Trung Hoa cổ đại, chúng ta dễ dàng nhận thấy được thân phận của họ trong xã hội thời đó, khi tài năng đi liền với bất hạnh khổ đau. Dường như cả bốn người phụ nữ được lịch sử vinh danh họ về tài năng xuất chúng thì đều không ai êm ả trên con đường lập thất. Một lần nữa người đời thêm chiêm nghiệm, kiếp con người là những đau khổ vùi lấp. Tài năng cũng chỉ tạo được danh tiếng mà chẳng mang lại được cho họ hạnh phúc thực sự. Một lần nữa mà xót thương cho những phận nữ nhi trong thời thế xã hội với những định kiến ngăn chở tài năng.
Tịnh Tâm
Theo https://www.dkn.tv/





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cung bậc - Chùm thơ Hữu Dũng

Cung bậc - Chùm thơ Hữu Dũng Cũng là/ cung bậc ấy thôi/ Mà sao/ cảm xúc/ xa xôi ùa về… Cung bậc Cũng là cung bậc ấy thôi Mà sao cảm xúc xa...