Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2018

Cuốc kêu lau trắng

Cuốc kêu lau trắng…
Dường như từ cái thuở Kinh thi và sau đó Đường thi, Tống  thi… con chim cuốc đã kêu buồn khắc khoải. Đến thơ Haiku, cuốc vẫn còn cứ kêu. Giai thoại cho rằng cuốc là loài chim rất chung tình, sống và chết có đôi có lứa. Con này mất, thì con kia ở vậy một mình và cứ kêu hoài kêu hủy, không ăn không uống gì cho đến khi chết rục, chết khô, thảm sầu trong bụi tre gai. Xác con cuốc chết rục ấy nếu ai may mắn phát hiện được đem về chế biến thành bột là một loại thuốc mê. Trai gái muốn được yêu chỉ cần cho đối tượng mà mình thầm thương trộm nhớ uống vài thìa bột con cuốc rục thì nàng (hay chàng) sẽ yêu mình mê muội… Chuyện ấy chắc chỉ là giai đoạn thôi, không biết đúng sai thế nào nhưng nghe ra cũng có tình. Quốc văn Việt Nam đã từng nổi tiếng với tiếng kêu con chim quốc quốc của Bà huyện Thanh Quan mang nỗi buồn nhớ nước. Giai thoại Trung Hoa cũng từng cho rằng con chim cuốc mang hồn Thục Đế, mất nước hồn vua nhập vào chim, suốt đời kêu thương nỗi đau vong quốc.
Chim cuốc thường kêu nhiều vào những ngày lập thu cuối chiều, khi bóng nắng đã vàng nhạt nhạt và con nước lên phủ kín những chân tre ven sông. Bao giờ tiếng cuốc kêu cũng buồn không sao lý giải được. Cứ thảng thốt rồi thắc thỏm như là đang đợi chờ ai, mà có đợi chờ ai đâu, mà có ai đâu để đợi chờ? Tiếng cuốc kêu cuối chiều nghe ra cũng nao lòng nao dạ như tiếng vạc kêu đêm, âm ba của nó dội vào thinh không, làm rợn ngợp bầu không giam xa vắng.

Chỉ khi đã sống qua bể dâu, khi đã buồn vui đến tận cùng như những giọt rượu đắng, đã trải qua những đêm dài ác mộng… con người ta mới có được cái quyền thấu thị một tiếng cuốc kêu chiều. Tiếng kêu thương ấy như cái dằm đâm đầu ngón tay, như vết thương vô hình trong lồng ngực, như cơn đau thấp khớp âm ỉ theo ngày qua trái gió trở trời.
Nhưng nghe tiếng chim cuốc kêu vào mùa đông mới cảm hết nỗi buồn làm người.
Ngoài sông mưa mịt mùng, mờ tỏ một ngọn đèn chài dưới bóng tre âm u, tiếng cuốc kêu nhập nhoạng như tiếng thở dài của một khách tha hương. Và cùng với tiếng cuốc kêu, lau trở mình nở mù xám bờ sông. Dường như là có một mối quan hệ nào đó thật khắng khít mà mơ hồ giữa tiếng cuốc kêu và lau trắng ngày đông. Cứ như là những đóa hoa lau bên cồn dại có tiếng kêu riêng của loài cây thân sậy. Tiếng chim ấy như một vi đối thoại nó vô thanh diễn ra trong tâm hồn con người. Cuốc càng kêu buồn, hoa lau càng nở rộ trắng xóa cồn xưa. Ôi màu lau như tóc mẹ bạc lòng, như bóng cây đa buồn bến cũ, như phiên chợ chiều mái rạ liêu xiêu.
Tôi ngắm màu lau trắng ấy bằng tâm thức của một đứa con lang bạt kỳ hồ, ngày trở về đứng bên dòng sông cũ, chờ con cuốc ngày xưa kêu những lời vô thanh, gọi về đám sương mù trên mặt sông, gọi về bóng em mờ nhòa dưới lòng cát trắng, mà nhớ ngần ấy tháng năm buồn tôi đã bỏ ra đi.

Làm sao có thể diễn đạt một tiếng kêu bằng ngôn ngữ, cũng như làm sao có thể vẽ lại đóa hoa lau trắng bằng màu sắc của con người. Sự bất lực có thật ấy đã khiến tôi chỉ còn biết im lặng ngắm những triền hoa lau trắng, và nghe tiếng trái tim mình đập vội theo tiếng cuốc kêu thương. Bức tranh Đường thi ấy sừng sững dưới bóng chiều cho đến khi đêm tối loang dần, chỉ còn lại một màu đen tuyền thăm thẳm. Và trong đêm tối thẳm sâu ấy, tôi biết là cuốc vẫn kêu lặng lẽ và hoa lau vẫn nở mặc nhiên như những gì vô ưu nhất ở cuộc đời này.
Đêm ấy, tối nằm mơ. Nghe trong gió, bờ lau trắng kêu nức nở tiếng kêu của loài chim cuốc mất bại tình. Và những con cuốc kỳ lạ thay lại nở trắng như những đóa hoa lau. Chúng đi thành bầy trắng xóa cả một triền sông vắng…
Nguyễn Xuân Hoàng
Nguồn: Kiến thức ngày nay - Tp. HCM 2007
Theo http://www.bosungkienthuc.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cô nhỏ Trúc quan âm

Cô nhỏ Trúc quan âm Cách nhà tôi nửa cây số, về phía trái, là một trường tiểu học. Cách trường tiểu học này chừng trăm thước lại có trường...