Thứ Tư, 18 tháng 4, 2018

Những cống hiến cho đời sống xã hội

Những cống hiến cho đời sống xã hội
Giải thưởng HCM và Giải thưởng Nhà nước về VHNT được trao (5 năm 1 lần) cho các tác phẩm VHNT có giá trị xuất sắc về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật; có tác dụng trong giáo dục, xây dựng con người mới, nâng cao trình độ thẩm mỹ của nhân dân, góp phần đáng kể vào việc thay đổi nhận thức của nhân dân trong sự nghiệp phát triển VHNT Việt Nam, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Năm 2016, cụm tác phẩm: Trăng vỡ (Tiểu thuyết) và Đêm thức (Tập truyện ngắn) của nhà văn Đức Ban được nhận Giải thưởng Nhà nước. Đây là một phần thưởng cao quý khẳng định những cống hiến của nhà văn cho đời sống xã hội; cũng là niềm tự hào của giới hoạt động văn hóa, văn nghệ Hà Tĩnh. Tạp chí Hồng Lĩnh xin chúc mừng nhà văn Đức Ban và trân trọng giới thiệu truyện ngắn “Mồng mười tháng tám” của nhà văn và bài viết văn xuôi Đức Ban của T.S Đặng Lưu.
MỒNG MƯỜI THÁNG TÁM
Dù ai buôn đâu bán đâu
Mồng mười tháng tám chọi trâu thì về

(Ca dao)
Ngoài rìa thị xã, về phía mặt trời lặn có một ngôi nhà nhỏ nằm đơn côi giữa một bãi cây trinh nữ. Những cây trinh nữ mọc từ thuở nảo nào, thân xám mốc, khía lá oằn ẹo và hoa nhỏ tím ngát cả bốn mùa. Bạn tin hay không tin thì tùy, nhưng quả đúng thế, cái thứ trinh nữ hoa tươi bốn mùa ấy. Góc sân, cái sân đất nhăm nhít kẽ nứt có hai cây dâu già, cành lưa thưa lá rụng rơi xuống bậu cửa sổ bay vào tận chân giường.
Sau chiến tranh chống Mỹ cho đến giờ, khi tôi viết câu chuyện này đã hơn hai chục năm, chủ nhân ngôi nhà ấy là hai người đàn bà. Họ cùng tuổi, cùng đi thanh niên xung phong, cùng làm công nhân di tu bảo dưỡng đường và cùng chưa chồng. Kỹ hơn, cái quá khứ của họ ở trong ba tờ báo in thuở chiến tranh đã úa vàng nằm tại thư viện tỉnh và trong ký ức của người cùng thời với họ. Mà những người ấy nay ở thị xã tôi thì ít ỏi lắm. Hai người đàn bà ấy cũng chẳng mấy khi nhắc lại chuyện xưa cũ. Thậm chí họ còn cáu kỉnh cái trí nhớ dai ngoằng của mình. Thảng hoặc, sự trái tính trái nết của con gái quá lứa lỡ thì sinh ra chuyện dỗi hờn cãi cọ, nhưng mọi thứ rối rắm linh tinh ấy von lại trong bốn bức phên nứa không ra đến bãi cây trinh nữ. Rồi qua, tâm thái họ trở lại yên hòa. Ngôi nhà nhỏ chìm vào trong bầu yên tĩnh.
- Hai người đàn bà sống với nhau tốt quá! - Dân thị xã nhỏ, rất ít cây xanh của tôi nói thế. Vài gã rỗi rãi kháo chuyện trong quán rượu rằng, những đêm trời động có bốn giọt lửa bay từ trong nhà hai người đàn bà ấy ra, lượn lờ giữa bãi cây trinh nữ rồi vút thẳng vào những khung cửa có bóng đàn ông, mãi canh hai, canh ba mới uể oải bay về. Một sự bịa đặt xem ra có nguồn cơn của nó: Không ít đàn ông khỏe mạnh đã từng thấy rõ ánh lửa lóe lên trong mắt hai người đàn bà. Đến dạo, thay vì ánh lửa ấy là một làn sẫm tối buồn nao lòng. Không nghe lời bàn tán về hai người đàn bà ấy nữa. Cái sự quan tâm của dân thị xã tôi nó đỏng đảnh và thất thường như cái thời tiết bán sơn địa này.
Ngỡ mãi mãi cái buồn nao lòng ấy. Nhưng cũng như mọi thứ trên cõi đời này, sự mãi mãi chỉ là điều bịa đặt. Cuộc sống hai người đàn bà, cả đến bầu yên tĩnh đã nói ở trên, bị phá tung. Mà có phải vì chuyện động trời đục nước đâu. Bắt đầu bằng một người đàn ông, làm nghề bốc vác ở bến xe tỉnh.
Chuyện xảy ra vào một đêm mưa, những hạt mưa bay lang thang nhìn thấy được nhờ ánh sáng của những tia chớp lóe lên phía rừng. Người đàn bà thứ nhất dẫn người đàn ông ấy về nhà. Họ không mở cổng mà giẫm lên bãi cây trinh nữ đi tắt vào sân.
- Ai đấy? - Người đàn bà thứ hai đang ngồi ôm gối trên giường, thõng chân xuống, ngước mặt hỏi.
- Anh Cương, người yêu của tao. - Người đàn bà thứ nhất đáp, mắt long lanh.
Im lặng một lúc lâu. Rồi người đàn bà thứ hai nắm tay người đàn bà thứ nhất kéo vào phòng trong. Chị nói:
- Yêu à? Thế mà không nói với tao một tiếng. Bạn với chả bè.
- Thì mới quen nhau...
- Nhanh gớm!
- ờ... Tình yêu mà.
Người đàn bà thứ hai bỗng cáu kỉnh:
- Thôi đi!
Người đàn bà thứ nhất giật mình, rồi cúi đầu như kẻ có lỗi.
- Thì tao đã đưa anh ấy về nhà chúng ta.
- Chu đáo đến vậy đấy.
Một làn tối lướt qua khuôn mặt người đàn bà thứ nhất. Chị khép đôi hàng mi có nét chì xanh, bốn mươi sáu năm qua chưa hề có. Chị nói, giọng hiu hắt:
- Mày biết chúng mình bao nhiêu tuổi rồi đấy... Bằng lứa ta, người ta đã có con đàn, cháu đống.
Người đàn bà thứ hai mềm nhũn người, chị bíu vào vai bạn.
- Tao vừa dại dột cái gì vậy?... Không, tao không nói gì cả mà.
Người đàn bà thứ nhất ôm lấy bạn, dỗ dành:
- Không! Tao không lấy chồng đâu. Tao ở lại với mày.
Người đàn bà thứ hai đẩy bạn ra.
- Lảm nhảm những lời dại dột rồi. Thôi, ra với người ta đi!
Người đàn bà thứ nhất đưa ngón tay cái và ngón tay trỏ gỡ vu vơ trên mái tóc bạn một lúc rồi rón chân bước ra phòng ngoài.
Còn một mình, người đàn bà thứ hai uể oải xoài người xuống giường. Mặt chiếu hôi hổi nóng. ánh điện nhập nhọa. Chị nhắm mắt. Bóng tối trùm lên chị, và hình như bò rân rân khắp da thịt chị. “Ngủ” - chị nói với mình. Như ức triệu lần chị từng nói với mình. Nhưng nào có ngủ được! Chị ngồi dậy rồi nằm xuống, rồi lật nghiêng người. Mở mắt, chị nhìn chăm chăm qua khe hở nơi bức phên nứa và dỏng tai cố nhận biết nghĩa thứ âm thanh rì rầm có lúc hổn hển ở phòng ngoài. Lý trí bảo chị không nên làm thế; thậm chí chị còn tự xỉ vả tính tò mò của mình. Vậy nhưng cái mắt chị vẫn nhìn, cái tai chị vẫn nghe. Người đàn ông ngồi trên ghế đẩu, cái thế ngồi thật vững chãi.
Một cái gì đó cựa quậy trong tâm can, nhói đau trong lồng ngực, có cảm giác quá chật chội của chị. Chị ném đầu xuống gối, chưa đủ, chị kéo chăn chiên lạnh lẽo phủ kín mặt mình.
Đêm sau, đêm sau nữa... vẫn thế. Vẫn người đàn bà thứ nhất và người đàn ông bốc vác ngoài bến xe tỉnh ở phòng ngoài, mình chị ở phòng trong với chiếc gối nhồi rêu đá đã hết độ xốp cứng như gỗ.
Đến một hôm chị nán lại mặt đường, ghép nốt khối đá hộc bạn bè bỏ lại, mãi khuya mới về nhà. Đây là đêm thứ bảy kể từ khi người đàn bà thứ nhất dẫn người đàn ông có khuôn ngực vâm váp về nhà. Trời oi. Trăng chảy nhòe trên lá cây, nhỏ từng giọt một xuống mặt đường. Chị vào nhà theo lối cửa sau, rón rén và nhẹ như một coi mèo cái. Phòng ngoài người đàn ông đang đứng, áo hở ngực. Chao ôi, một khuôn ngực khỏe mạnh. Chị không thể không nhìn vào khuôn ngực ấy, cho dù phải cúi gập người ghé mắt vào cái lỗ hổng nơi bức phên, một lỗ hổng vừa vặn cho chú gián con lọt mình. Bất giác những sợi dây thần kinh trên đầu chị giật giật. Cứ như có những tấm màn chăng ngang dọc trong đầu bất đồ bị xé toang, chị nhìn thấy một khuôn ngực khác, một khuôn mặt khác. Một khu rừng có lửa cháy và tiếng nổ chát chúa. Những thứ ấy có từ rất lâu rồi. Hồi đó đang chiến tranh, chị ở trong rừng Trường Sơn. Vào một đêm trăng ướt át, người đàn ông ấy nhỏ bé lọt thỏm trong vòng tay chị... Sáng ra anh bị thương phải chuyển về tuyến sau. Chị không biết gì về anh nữa. Tuồng như anh đã biến mất khỏi mặt đất. “Nhà anh ở cửa rừng, đầu nguồn một dòng sông. Hết chiến tranh anh sẽ đưa em về bằng thuyền buồm. Quê anh người ta dùng thuyền chở gỗ. Rất lạ là gió thổi hướng nào thuyền vẫn cứ đi theo hướng người quê anh muốn” - Anh ta nói thế... Tự nhiên đôi môi chị run rẩy. Đâu đó trong đầu chị vang lên tiếng xào xạc, rền rĩ mơ hồ của rừng. Chị ngã người xuống giường. Khuôn ngực bỗng ngứa ngáy không chịu nỗi. Rồi bất ngờ một cơn run lan khắp cơ thể. Lại một cơn run. Một cơn run nữa. Người nóng mà vẫn run. Chẳng phải thứ cơn run vì sốt rét ngày xưa chị ở rừng thường gặp. Chuyện tình giữa chị và anh cũng bắt đầu từ một cơn run sốt rét. Anh ủ ấm chị bằng da thịt của anh... Mọi thứ dường như không phải trong trí nhớ mà nó đang hiện hữu hình hài, mùi vị. Biết đâu anh ấy còn sống, còn ở một chỗ nào đó trong rừng. Cuộc đời này chẳng là chuyện gì cũng có thể đó sao? Chẳng là đã từng có người lạc rừng ở với người dân tộc Lá vàng, ăn thịt sống, quấn vỏ cây quanh mình đó sao? Nghe kể có người thành người rừng, lông lá như khỉ, như vượn... Anh ấy còn sống, còn lạc chị! - ý nghĩ ấy bám riết tâm trí chị, nóng bỏng, đầy quyền năng. Mọi thứ chung quanh chị trở nên mờ ảo như sương khói. Chị đứng dậy, người liêu xiêu. Chị đẩy cửa sau bước xuống mảnh đất trải đá cuội tròn, trong đêm nom trắng như trứng chim rồi đi vào bãi cây trinh nữ. Đom đóm bay vòng, những đốm sáng xanh to và tròn như nuốm vú. Chị đi như một kẻ mộng du. Chị cứ đi như một kẻ mộng du cho mãi quá chiều, mệt lả chị rẽ vào một ngôi nhà bên đường có vẻ cổ kính và tĩnh mịch như một ngôi chùa.
Trong nhà không khí lờ nhờ lởn vởn những làn khói xanh mỏng tang. Một bà lão tóc cước ngồi trước cái án thư. Trên án thư có một chồng hoa quả và ba nén nhang đang ri rỉ cháy. Bà bảo, hôm nay là ngày mồng mười tháng tám, cái ngày những người phiêu bạt, ly tán, nhưng linh hồn bơ vơ lang thang tìm về với nhau. Rồi bà bộc bạch: Bà ở vùng ngọn sông, cửa rừng này từ thuở cây đa trước sân xòe hai cái lá, rừng thì còn mọc rễ vào tận ngõ. Chị uể oải nhìn gốc đa sần sùi hõm lỗ chỗ, sát bậc thềm. Tấm thân xương xẩu của bà lão cũng có vẻ già cỗi tựa gốc đa. Trong ánh chiều vàng rớt, có khi chị thấy bà như cái bóng mỏng dính, nhẹ tênh. Cả giọng nói của bà cũng nhẹ tênh. Bà nói, chồng bà là du kích thời xưa. Ông chết trong một trận càn của giặc Pháp lên cửa sông Duềnh. Cái chết nào cũng khổ sở, nhưng chồng bà chết khổ hơn bất cứ cái chết nào từng có trên cõi trần. Cao một mét sáu mươi, nặng năm mươi tám cân, ông chỉ còn vài mảnh thịt và máu dỏ dính bệt vào đất cát. Hồi ấy bà tròn hai mươi tuổi khỏe mạnh và đẹp nhất vùng. Đàn ông dưới xuôi lên, đàn ông ở trong làng ra vo ve quanh bà. Cứ mỗi lần xáp mặt họ, chẳng hiểu sao bà lại nhớ đến cái chết của chồng, vậy là bà rụt ngay lại. Bà tự bảo, khi nào bà quên được chồng, bà mới lấy người khác. Trời ơi, cái trí nhớ của bà nó mới mãnh liệt, mới dai dẳng làm sao. Ba năm, mười năm, mười lăm năm... Khi hình ảnh những mảnh thịt và máu dính bết đất cát mờ nhạt trong ký ức thì bà đã ngoài bốn chục tuổi. Gầy, da xám xịt. Không còn ai đến với bà nữa. Bà bỏ làng ra đây, nơi chồng bà chết, dựng nhà ở một mình.
- Bà định ở đây đến bao giờ? - Chị hỏi.
- Đến chết. - Bà đáp và chớp chớp đôi mắt không còn ánh xanh.
Chị băn khoăn:
- Lỡ lúc ốm đau?
Bà móm mém cười.
- Với ta, ốm đau còn có nghĩa lý gì? - Rồi như tránh câu chuyện tiếp tục dính đến mình, bà hỏi chị đi đâu, làm gì?
Chị nói dối rằng, chị vào rừng kiếm thuốc chữa bệnh phụ nữ. Hồi chiến tranh chị từng ở rừng sáu năm, thông thuộc hàng trăm thứ lá.
- Đi nửa buổi nữa là đến rừng. - Bà lão nói.
- Ngày xưa rừng khác lắm. - Chị nói, giọng buồn thiu.
- ờ, bao nhiêu là tháng, là năm rồi...
Bà lão thở dài. Khuôn mặt trắng xanh của bà cứ chập chờn sau làn khói hương khiến chị nổi da gà.
Chị nói như đọc một lời của trí nhớ:
- Đã hai mươi bốn năm rồi.
Bà lão ngước nhìn chị, nói:
- Tuổi tác với đàn bà con gái nó ác độc hơn mọi thứ trên cõi đời này, ta biết là con đâu phải vào rừng kiếm thuốc. Phải vậy không?
Bất giác chị rùng mình. Dáng vẻ bà, ánh mắt bà, giọng nói bà khiến chị không thể nói dối. Chị kể về đời mình, như kể với một người bạn tri âm vậy...
- Con đi tìm anh ấy. - Cuối cùng chị nói.
- Sao bây giờ con mới đi tìm nó? - Bà lão hỏi.
- Sau chiến tranh con chờ anh ấy về, tìm kiếm anh ấy. Sáu năm như thế. Con đã ngu không hỏi quê quán anh ấy. Chỉ biết anh ấy ở đầu sông nơi cửa rừng. Đất nước thì rộng quá, nhiều đầu sông cửa rừng quá, con chẳng lần nổi. Nay thì con đã hơn bốn chục tuổi rồi. Tưởng sống yên ổn được. Nhưng...
- Ta hiểu. Vậy là con chưa già đâu. Cứ đi đi con ạ. Không gặp người này thì sẽ gặp người khác.
- Con mà chưa già ư? - Chị hỏi, mắt mở tròn.
Bà lão không đáp, móm mém cười, rồi nói:
- Đêm nay gần đến mồng mười tháng tám rồi, con ở đây với ta, mà cũng đã đến cái nơi đầu sông, cửa rừng rồi.
Chị hỏi:
- Đêm qua, những ai ngủ trong nhà ta vậy?
- Mấy đứa đi lấy gỗ, thuyền buồm đỗ ngoài sông ấy... - Bà lão có vẻ hờ hững.
- Họ tốt cả chứ ạ?
- Có tốt ta mới mở cửa cho vào nhà. Bộ đội, thanh niên xung phong về cả đấy! Chưa vợ con, cả ba đứa sống như chim, như cá.
Chị mở to mắt nhìn bà lão. Tự nhiên cảm giác nuối tiếc, hụt hẫng dòa lên trong lòng chị.
Bà lão tụt khỏi giường đi về phía bếp lúi húi nhóm lửa. Những thanh củi ba người người đàn ông mang đến cho bà khô nỏ bắt lửa đỏ rực. Đêm qua, chúng đến lúc cô gái đã ngủ. Nó nằm ngửa, đầu nghẹo sang một bên nom thật thương. Còn khuôn ngực nó thì cứ dồi lên, dẹp xuống một cách tội nghiệp. Bà nghĩ, cô ta trạc tuổi bà năm bà bỏ làng ra ở riêng. Nếu không vì chiến tranh nó đã được làm mẹ; mẹ của hai, ba đứa con... Mươi năm nữa nó lại như mình ư? - Bà bỗng lo lắng mơ hồ. Rồi bà kéo một người trong ba người đàn ông ra sân, nói với hắn rằng, cô gái là cháu bà, nết na, lam làm và chưa một lần ăn nằm với đàn ông; rằng hãy thương lấy cô ta... Hắn cười, miệng ự ự câu gì đó bà nghe không rõ. Khi trong làng eo óc tiếng gà gáy, hắn đến với cô gái và được lĩnh hai cái tát.
- Tha lỗi cho ta. Ta không có ý xấu đâu. - Cuối cùng bà nói một cách khó nhọc. - Ta nghĩ, đời người con gái như cây giá đậu xanh, nó mềm lắm, nó ngắn lắm, nó đáng thương lắm. Vậy nên ta mới làm thế.
Chị ôm lấy đôi vai gầy của bà:
- Bà tốt với con quá... Có thể... Đêm qua con ngu ngốc... - Chị nấc lên, giọng run rẩy.
- Đừng khóc! - Bà vuốt tóc chị. - Trời có mắt con ạ!
Chị đi đến bên bếp lửa, ngồi xuống. Ngọn lửa mỏng và nhọn hoắt, có màu gỉ đồng. Căn phòng chỉ còn mỗi mình chị. Bà lão biến đâu mất. Ngoài trời đêm loang loáng những bóng trắng lướt qua khung cửa sổ nho nhỏ. Phía rừng, tiếng gió xào xạc, xào xạc.
Nghe kể, sau cái đêm người đàn bà thứ hai biến khỏi nhà, cả vườn trinh nữ ngã rạp, hoa rũ xuống. Người đàn bà thứ nhất vừa khóc vừa chạy khắp thị xã hỏi han, tìm kiếm bạn. Quá chiều, đột ngột trời đổ mưa bụi lay phay, nỗi lo lắng trong chị mới dịu xuống được chút ít. Chị cùng anh công nhân bốc vác ở bến xe tỉnh, mang một túi bánh mỳ, một bi đông nước, ngược đường về phía rừng. (Về sau khi tôi hỏi, vì sao chị lại đi về phía rừng, chị đáp rằng, chị không biết; rằng, có cái gì đó trong tâm can mách bảo chị). Ngót hai buổi họ gặp nhau.
Người đàn bà thứ hai đang đu người quanh những gốc cây săng lẻ thanh thản, vỏ cây trong bóng râm trở nên trắng óng ánh, chạy nhanh về phía người đàn bà thứ nhất.
Họ ôm chầm lấy nhau, cứ như hàng chục năm mới gặp lại.
- Tao tưởng mày độn thổ hay lên trời rồi. - Người đàn bà thứ nhất hổn hển nói.
- Còn lâu mới độn thổ. - Người đàn bà thứ hai hổn hển nói.
- Sao mày lại lạc vào cái chốn này.
- Chẳng phải lạc đâu! Tao đi chơi cho cái đầu nó thông thoáng, tiện thể kiếm thuốc lá rừng. Mày biết, tao kinh nguyệt không đều.
- Thôi, về! - Người đàn bà thứ nhất nói, kéo tay bạn.
Người đàn bà thứ hai lắc đầu
- Tao chưa về đâu.
- Mày bảo sao?
- Tao ở đây.
- Để làm gì?
- Đấy là việc của tao.
Người đàn bà thứ nhất giẫm chân, giọng chảy qua kẽ răng như khóc.
- Mày điên rồi hả?
Người đàn bà thứ hai cười.
Người đàn bà thứ nhất đưa bàn tay, những ngón tay gầy run rẩy, luống cuống xoa lên đầu bạn, nói:
- Hồi chiến tranh mày có bị thương chỗ nào không?
- Bị thương khắp người ấy.
Người đàn bà thứ nhất van vỉ:
- Mày thương tao, về với tao nào.
- Tao thương mày. Tao thương mày. Tao thương tất tật... Cơ mà, mày cứ về đi.
- Mày đã nói vậy thì...
- Ừ, về đi...
 Ngôi nhà nằm ngoài rìa thị xã bây giờ vợ chồng người đàn bà thứ nhất ở. Bãi cây trinh nữ không còn. Họ cuốc xới để trồng hoa. Tuyền hoa hồng bạch. Sau ngày thị xã trở thành thành phố, dân thị xã tôi đâm sính chơi hoa. Giá hoa đắt chưa từng thấy. Bán một bông hoa hồng mua được hai ống sữa bò gạo ngon.
Vợ chồng người đàn bà thứ nhất sắm sửa được nhiều thứ cho sinh hoạt gia đình cả đến vải trắng may tã lót chờ đứa con đầu chào đời.
Người đàn bà thứ hai dự lễ cưới người đàn bà thứ nhất xong, lên ở với bà lão nơi cửa rừng. Vừa qua, tôi nghe mấy gã xích lô ngồi uống rượu dưới cây ngô đồng cạnh ngã tư kháo chuyện rằng, hôm mồng mười tháng tám trời mưa như vãi gạo nếp, người đàn bà thứ hai từ rừng về thị xã mua áo cưới. Cùng đi với chị có một bà lão nom chẳng giống người trần.
12/2000
Đức Ban
VĂN XUÔI ĐỨC BAN
Bắt đầu in sách từ năm 1978 (tập truyện ngắn Mưa rừng) cho đến lúc khép lại thế kỉ XX, Đức Ban cho ra đời hơn chục đầu sách, gồm cả truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch… Gắn bó với nghề văn một cách tận tâm, tận lực; bền bỉ như một người đi đường đã định rõ hướng, Đức Ban lặng lẽ kết bó những thành quả nhất định, trở thành gương mặt tiêu biểu của văn xuôi Hà Tĩnh hơn hai mươi năm qua.
Đọc Đức Ban, dễ thấy ông cũng để mắt đến khá nhiều mảng, nhiều vấn đề trong cái hỗn mang của đời sống đương đại. Nhưng, như một ý kiến đã chỉ ra rất đúng: thể loại sở trường của Đức Ban là truyện ngắn, và mảng đề tài ông gắn bó nhất là đời sống nông thôn (1).
Miêu tả sinh hoạt của người thôn quê là điều không còn mới mẻ trong văn học Việt Nam. Thế nhưng, ở mảng đề tài ngỡ như đã được khai thác đến cạn kiệt, vẫn còn trầm tích biết bao tầng vỉa, hứa hẹn những tìm tòi mới mẻ, bất ngờ. Với một đất nước 80% dân số là nông dân, lại trải qua biết bao biến động dữ dội, mảng hiện thực nông thôn đúng là một món nợ mà những người cầm bút không thể lãng tránh.
“Cứ luôn thấy mình mắc nợ đời, cứ luôn thấy mình tài hèn sức mọn trước thiên chức của văn chương nghệ thuật” - những lời tự bạch ấy của Đức Ban cũng chính là một động lực thúc đẩy ông quyết tâm “cày xới” trên cái mảnh đất vốn đã trở thành máu thịt của mình. Phải viết về cái miền quê thân thuộc, phải vén bức màn bí ẩn để nhìn rõ hơn những miền khuất tối, đó là một cách để trả món nợ đời.
Hình ảnh cuộc sống thôn quê hiện lên trong truyện Đức Ban phức tạp, chồng chéo, đan cài giữa bóng tối và ánh sáng, giữa thiện và ác, giữa thù hận và bao dung, giữa mưu mô toan tính và trong sáng, ngây thơ... Nó là muôn mặt cuộc đời. Nó là dòng chảy âm thầm, ngỡ như ngưng đọng nhưng chứa chất bên trong bao nhiêu va đập, cuộn xiết. Tạo nên không gian đặc trưng trong phần lớn truyện của ông là khúc sông quanh co với những gốc bần lặng lẽ đơn côi, những bến tắm vắng vẻ đìu hiu như bị bỏ quên, những cây đa, lùm lòi, đền miếu... Bấy nhiêu văn liệu quen thuộc trở đi trở lại trong biết bao tác phẩm như một thứ ám ảnh. Cứ đọc lần lượt từng truyện ngắn của Đức Ban, có cảm giác như mỗi lần đi xa về gặp lại làng xưa, trước mắt mọi vật vẫn cũ cũ như thế, không hề chuyển di, không hề đổi khác. Có chăng, ấn tượng về làng quê trong ta càng đậm hơn do sự chồng lấn của những cảm xúc thế sự lắng đọng pha chút ngậm ngùi.
Đức Ban rất sở trường trong cách tạo dựng không khí. Phải đọc truyện Đức Ban theo kiểu “chồng văn bản” mới thấy được dụng ý của tác giả. Dường như bao nhiêu truyện viết về thôn quê cũng chỉ bắt gặp cái gương mặt làng quê quen thuộc ấy mà thôi. Nhưng chi tiết rời vụn như những nét kí họa thấp thoáng đây đó trong các trang truyện. Khi thì “mấy chục nóc nhà xếp thành hình lưỡi mác bên bờ sông Nghèn... Những mái tranh bạc phếch lươm nhươm, đằng trong bám đầy hồ bóng phơi ra giữa thanh thiên bạch nhật dưới bầu trời cao ngút khoáng đãng”; khi thì “dăm chục nóc nhà, ba phía sông Nghèn bao bọc, một phía là đồng ruộng rải rác những ao chuôm, mồ mả, con đường làng trống trải thoảng mùi rơm mục với mùi phân khô chạy ngoằn ngoèo giữa những bụi tre dày sít”...

Chỉ có thế mà nó gợi lên ở người đọc một sự hình dung, một cảm nhận rất rõ về không khí làng quê. Đối với truyện ngắn, người viết phải dựng bối cảnh, tạo “môi sinh” cho nhân vật hoạt động. Trong tác phẩm của mình, Đức Ban rất chú ý tái hiện bối cảnh tự nhiên. Cả những mối quan hệ xã hội dường như cũng chìm ẩn vào tự nhiên. Bởi vậy, làng trong truyện Đức Ban là một thực thể tự trị, cũ kĩ, xa vắng, hoang sơ, như từ bao nhiêu đời nay vốn thế.
Trên cái nền cảnh nhập nhòa ấy, từng thời điểm khác nhau thấy trồi trụt, trôi nổi bao nhiêu khuôn mặt, bộ dạng, số kiếp con người.
Con người trong truyện Đức Ban không phải là người nông dân trong cái vỏ khái niệm xã hội học chung chung mà hiển thị rõ ràng những thân phận cá biệt. Thế giới nhân vật của Đức Ban gồm vô số những nhân vật dưới đáy. Đó là ông Trìu, con người bị đẩy ra khỏi mảnh đất hương hỏa của cha ông, sống lênh đênh, trôi nổi trên sông nước, chết trong cô độc, đơn côi (Hoa bần). Đó là ông Cự, từ chỗ có bát ăn bát để, bỗng sa cơ lỡ vận, con cái hắt hủi, bị đẩy ra ngoài rìa cuộc sống, bị vu oan giá họa, không chịu được nhục nhã phải treo cổ tự tử (Ngôi sao hôm leo lét). Đó là Nhọn, kì hình dị tướng, tồn tại vật vờ như một kẻ lạc loài dưới cái nhìn kì thị, khinh bỉ của người làng (Bức tượng đất nung). Rồi những Nợi (Đền thờ Đức Thành mẫu), người đàn bà hóa điên (Tiếng đêm), ông Cải - một Qua-di-mô-đô thời hiện đại ở làng quê Việt Nam (Chuyện cổ tích năm chín mươi lăm), cặp trai gái yêu nhau với cuộc tình đầy oan trái (Miếu làng)... Những con người ấy sinh ra trên cõi đời này dường như chưa bao giờ biết đến ánh sáng, niềm vui. Cuộc sống của họ là những chuỗi ngày nặng nề, cơ cực. Thế nhưng, Đức Ban không quá chú tâm vào chuyện đói cơm rách áo, không xem đó là mặt quan trọng nhất của sự sống. Bao nhiêu thân phận khổ nghèo còng lưng vì miếng ăn, vì sự tồn tại thể xác, nhưng họ vẫn gắng sống, sống như một lẽ sinh tồn tự nhiên. Vậy mà chỉ một ngọn đòn tinh thần, họ sẽ hoàn toàn suy sụp. Thì ra - nói như Đumbatdê, nhà văn Xô viết trước đây -, “Ở đời, tâm hồn con người nặng gấp trăm lần thể xác”. Sức ám ảnh của truyện Đức Ban có lẽ được gợi lên trước hết ở những bi kịch tinh thần của con người - điều hoàn toàn xa lạ với sự hình dung của những đầu óc lạc quan tếu. Đương nhiên, bi kịch tinh thần được miêu tả ở đây có màu sắc hoàn toàn khác với những gì mà Nam Cao cũng như một số cây bút từng thể hiện trong loạt truyện viết về người dân quê trước cách mạng.
Cảm quan hiện thực của một nhà văn thể hiện không chỉ ở việc miêu tả sắc nét thực trạng cuộc sống, mà quan trọng hơn cần chỉ ra nguyên nhân của thực trạng ấy. Ở điểm này, ngòi bút của Đức Ban tỏ ra khá tinh vi. Tác giả không hề đơn giản hóa vấn đề. Không ít lần, người viết muốn “đè tận tay, day tận mặt” những kẻ trực tiếp gieo rắc nỗi khổ không đáng có cho đồng bào, đồng loại. Đó là những kẻ như Phan Bá Long, Tứ (Trăng vỡ), mẹ con bà Ngụ, thằng Sắt (Ngôi sao hôm leo lét), cha con ông chủ tịch xã (Hoa bần), một cán bộ có địa vị mà tha hóa, bất nhân, bạc tình (Tiếng đêm)...

Tuy nhiên, đằng sau những bộ mặt nhơn nhơn hiện thân của cái ác, người đọc nhiều lúc cảm thấy rùng mình vì những tấm lưới vô hình chụp lên số phận con người. “Mắt lưới” đó có khi là những kẻ vận dụng máy móc thiết chế xã hội; những kẻ nhân danh cách mạng tự tung tự tác vơ vét cho bản thân, đẩy người ta vào chỗ chết; có khi là sự trì độn, u mê, cả tin vào những điều ngụy tạo; là sự thù hận, ích kỉ, hẹp hòi, là sự đố kị ganh ghét nhau một cách vô lối, sự vô cảm trước nỗi đau đồng loại; là tâm lý thực dụng hám danh, hám lợi... Trong Trăng vỡ, ta bắt gặp một chi tiết đầy ý tính biểu tượng: “Một chú ruồi xòe cánh... bay vụt lên cửa sổ, chắc nó có ý định ra khỏi phòng. Nhưng nó mắc vào tấm mạng nhện chăng giữa hai chấn song sắt. Nó giãy giụa, kêu o o giữa những sợi tơ mềm óng ánh. Càng giãy, những sợi tơ càng quấn chặt thêm vào chân nó”. Đức Ban đã ý thức rất sâu sự chi phối triệt để hoàn cảnh đối với số phận, cuộc sống con người. Bao nhiêu kẻ muốn vùng vẫy thoát ra mà nào có được. Có những người tung phá giữ dội, mạnh mẽ như Nợi (Đền thờ Đức Thánh mẫu), từng muốn chống lại sự áp đặt nghiệt ngã, đi theo tiếng gọi của trái tim như đôi trai gái trong Miếu làng, thậm chí sục sôi khao khát trả thù như Thùy Linh (Trăng vỡ)..., vậy mà rốt cuộc, họ đành bất lực, phải cam chịu một cách nhẫn nhục. Nỗi ám ảnh của nhân vật Lương - người kể chuyện trong Trăng vỡ khiến ta cảm thấu rõ ràng hơn sự vây riết khủng khiếp của một thế lực vô hình: “Trước kia đã nhiều lần đứng trước tai họa, tôi run sợ mà mong ước rằng, giá mà tất cả chỉ là giấc mơ, nó sẽ qua đi và những tai họa khác sau đó tôi có đủ khôn ngoan hơn để tránh né. Nhiều lần như vậy, cái giấc mơ ảo tưởng ấy không đánh lừa được thần kinh tôi nữa. Tôi chỉ còn nỗi lo sợ triền miên, lặp đi lặp lại... Tôi vẫn là tôi. Những tai họa tôi đã vấp đã và đang bủa vây tôi...”. Điều đáng nói là trong sự cầm tù của hoàn cảnh, nhiều lúc có sự chuyển hóa thật kì lạ. Hôm nay là tội đồ, ngày mai có thể trở thành nạn nhân. Hỉ (Trăng vỡ), lão chủ tịch huyện (Lối đi trong đêm tăm tối)... là những con người như vậy. Phải chăng đó là biện chứng của cuộc đời?
Viết về những thân phận đau khổ, hiu hắt, những con người bất hạnh, ngòi bút Đức Ban thấm đẫm một nỗi cảm thông, một sự nâng niu chi chút. Đúng như Lê Văn Tùng nhận xét: nhân vật “tôi” thường là chứng nhân kiêm dẫn truyện. “Tôi” là người làng, đã từng sống, cùng vui, cùng khổ với bao nhiêu số kiếp được nói đến trong trang sách. Qua nhân vật thuật truyện, Đức Ban gửi gắm niềm tin mãnh liệt của mình đối với những vẻ đẹp ngời sáng tiềm ẩn trong tâm hồn, nhân cách của những người sống lầm lụi với bùn đất quê hương. Đói khổ, nghèo hèn không làm mất đi cái thiện căn sâu rễ bền gốc nơi họ. Trên cái nền lạnh lẽo, quạnh quẽ, hoang vắng, những người bị hắt hủi vẫn đến với nhau, sưởi ấm cho nhau bằng một thứ tình cảm chân thực, cao quý: chị Thảo với ông Trìu (Hoa bần); con Hệ với lão Cự (Ngôi sao hôm leo lét); “tôi” và Nợi (Đền thờ Đức Thánh mẫu)... Trong âm điệu trầm buồn của những câu chuyện, thỉnh thoảng thấy vút lên giai điệu nồng nàn tha thiết của lòng vị tha, sự bao dung, niềm trắc ẩn. Thời nào cũng thế thôi, lòng tốt trong sáng, giản dị mà thiết thực vẫn là điều quí hiếm, rất đáng được nâng niu. Đọc truyện Đức Ban, nhiều khi ta thấy lòng ấm lên vì bắt gặp những “hạt vàng” của lương tâm. Đó là lòng tốt hiền minh của Viễn (Trăng vỡ); sự khoan dung, lòng thương người đến mức thánh thiện của bà lão (Chuyện cổ tích năm chín mươi lăm), đức ẩn nhẫn của một người cha không có quyền nhận con mình trong một tình huống đầy oái oăm (Khúc hát ngày xưa)... Chính những nhân vật ấy đã góp phần làm bừng lên những tia sáng lạc quan để tác phẩm không rơi vào hoài nghi, bế tắc, vô vọng.
Bên cạnh đề tài làng quê, loạt tác phẩm về cuộc sống thời hậu chiến của Đức Ban cũng đặt ra nhiều vấn đề đáng suy ngẫm. Nỗi đau bởi cuộc chiến tranh được cảm nhận từ một phương vị khác. Đâu đó trong cuộc đời này vẫn tồn tại những bất công. Hãy còn không ít người từng hiến dâng tuổi trẻ của mình cho đất nước, vậy mà sau chiến tranh, họ chịu bao thiệt thòi, đau khổ. Hình ảnh cô Bờ (Người đàn bà choàng khăn), Khang (Sông nước), hai người đàn bà lỡ thì (Mồng mười tháng tám)... không phải là những trường hợp cá biệt. Những ngày tháng ở chiến trường đối mặt với mưa bom bão đạn chưa hẳn đã đáng sợ hơn khi đối mặt với sự thờ ơ vô trách nhiệm, sự lãnh đạm đến mức độc địa của người đời, những mưu ma chước quỷ lợi dụng việc công để mưu đồ ân oán cá nhân. “Bom đạn thằng Mĩ là kinh khiếp, chết vì nó, đui què mẻ sứt vì nó, nhưng nó làm việc rõ ràng... Đằng này, người ta làm cho anh bị thương mà anh không thấy bóng dáng người ta đâu” (Trăng vỡ). Số phận của Khang trong truyện ngắn Sông nước là một ví dụ. Sau chiến thắng Sài Gòn, Khang lại lên mặt trận Tây Nam đánh đấm, tối tăm mặt mũi, hai lần bị thương, hai lần vào tù vì những chuyện không đâu. Ra tù về quê, thằng Hưng xã đội trưởng (một thời là tình địch) dẫn dân quân đến hỏi giấy tờ. Chỉ có mỗi cái giấy ra viện không ghi đơn vị, hắn chụp lên đầu Khang cái tội đào ngũ, phản bội Tổ quốc bắt giam vào kho phân đạm hợp tác. Người yêu thì đã đi lấy chồng, cha thì bực bội, nhục nhã không muốn nhìn mặt con. Khang không còn chốn nương thân, đành nhảy tàu vào Sài Gòn làm ăn kiếm sống. Về làng lần thứ hai thì cha đã chết, một mình tứ cố vô thân, lênh đênh trên sông nước gập lưng trên cần te đến gãy cột sống mà cũng chỉ tạm bợ qua ngày. Đến thế rồi mà vẫn cứ bị săn đuổi. Thằng Hưng mò xuống thuyền dọa dẫm Khang chuyện lí lịch không rõ ràng. Nỗi tức giận, tủi cực và cả sự bất lực cùng lúc nổi lên trộn lẫn vào nhau muốn nổ tung cả người, bật lên thành tiếng chửi phẫn uất: “Mẹ nó! Một lũ không đi chiến đấu, khi chiến tranh qua rồi, trời yên biển lặng rồi lại khệnh khạng nhân danh chính quyền mà dạy dỗ người từng đổ máu cho sự hòa bình”. Đọc truyện, có lúc cảm thấy uất nghẹn đến không thể thở nổi, muốn phá tung, đập nát tất cả cho bõ hờn; nhưng một cảm giác khác cũng rất rõ: dường như có sợi dây vô hình vô cùng bền chặt cứ thít chặt lấy, càng quẫy đạp, càng vô vọng.
Ở một góc nhìn khác, truyện ngắn Mồng mười tháng tám đã khơi dậy nỗi đau đớn âm thầm, khắc khoải trong tâm trạng những cô gái quá lứa lỡ thì vì tuổi xuân đã gửi lại nơi rừng già Trường Sơn một thời máu lửa. Giữa ngày thường cuộc sống thời bình, nào ai có thể chia sẻ với những mất mát, thiệt thòi lớn lao của hai cô gái thanh niên xung phong - những nhân vật được nói đến trong truyện. Thậm chí, họ còn phải nhận cái nhìn giễu cợt của những kẻ vô tâm vô tình: “Vài gã rỗi rãi kháo chuyện trong quán rượu rằng, những đêm trời động, có bốn giọt lửa bay từ trong nhà hai người đàn bà ấy ra, lượn lờ giữa bãi cây trinh nữ rồi vút thẳng vào những khung cửa có bóng đàn ông, mãi canh hai, canh ba mới uể oải bay về”. Ai mà không hiểu họ thiếu thốn điều gì. Khi một trong hai người đàn bà tìm được bến đỗ của đời mình cũng là lúc người còn lại cháy lên nỗi khát khao vô biên và vô vọng. Những ước muốn âm thầm bị dồn nén trong sâu thẳm trong cõi lòng bỗng bật dậy như con sóng dâng trào:
“Chị vào nhà theo lối sau rón rén và nhẹ như một con mèo cái. Phòng ngoài, người đàn ông đang đứng, áo hở ngực. Chao ôi, một khuôn ngực khỏe mạnh. Chị không thể không nhìn vào cái khuôn ngực ấy, cho dù phải cúi gập người ghé mắt vào cái lỗ hổng nơi bức phên. Bất giác những sợi dây thần kinh trên đầu chị giật giật. Cứ như có những tấm màn chăng ngang dọc trong đầu, bất đồ bị xé toang...”. Người viết đã chạm đến những chuyện hết sức nhạy cảm trong tâm lý của những người phụ nữ chưa từng được nếm mùi hạnh phúc. Nó đánh thức ở người đọc niềm cảm thông, chia sẻ với những nỗi đau, những mất mát ghê gớm của con người bởi chiến tranh.
Về mặt thể loại, ngoài truyện ngắn, Đức Ban đã thử bút ở lĩnh vực tiểu thuyết và truyện dài, trong đóTrăng vỡ là tác phẩm thành công hơn cả. Lấy bối cảnh là cuộc sống phức tạp ở một tổng đội thanh niên xung phong sau chiến tranh, với cảm hứng phê phán mạnh mẽ, tác giả đã vạch trần sự tha hóa ở một bộ phận cán bộ. Đó là những kẻ nhân danh cách mạng, nhân danh Đảng để thỏa mãn những dục vọng thấp hèn của cá nhân, triệt bỏ đường sống của những con người lương thiện, chân chính. Mặc dù cuốn tiểu thuyết tái hiện không khí lịch sử xã hội ở thời điểm cụ thể, với một phạm vi đời sống cụ thể, nhưng đọc lại vẫn thấy được ý nghĩa cảnh báo sâu xa.
Viết truyện, Đức Ban đã tìm được cách xử lý nghệ thuật riêng của mình. Lê Văn Tùng đã nhận xét rất đúng: xuyên suốt các thiên truyện của Đức Ban là cái nhìn trầm cảm. Chính cái nhìn trầm cảm - đặc trưng cốt lõi trong thi pháp truyện ngắn Đức Ban - đã chi phối mọi yếu tố có mặt trong tác phẩm. Nó quyết định sự lựa chọn những mẫu nhân vật giúp nhà văn thể hiện những suy tư của mình về cuộc đời. Không phải ngẫu nhiên thế giới nhân vật trong hầu hết truyện của Đức Ban là những con người bình thường, bé nhỏ trong cái nhịp u trầm lặng lẽ của dòng chảy cuộc đời. Họ đều là những số phận kém may mắn, gợi ta nghĩ đến những hình tượng con côi, em út đầy bất hạnh trong truyện cổ tích. Những cái tên nhân vật đọc lên nghe cũng nhọc nhằn khổ ải: ông Trìu, lão Cự, ông Cải, Nợi, Nhọn... Lắm lúc, họ chỉ được gọi tên bằng những đại từ chung vô danh: anh, chị, nàng, hắn, lão, người đàn bà thứ nhất, người đàn bà thứ hai... Đó là những thân phận dễ chìm lẫn vào đám đông.
Truyện ngắn của Đức Ban đẫm màu sắc cổ tích. Chất cổ tích có khi in dấu qua cách vào truyện: “Thuở ấy, cạnh con sông Nghèn bắc năm hai mùa nước trong đục, có một người đàn ông... (Ngôi sao leo lét), “nghe kể rằng, lọt lòng mẹ là lão khóc cái tiếng khóc vòi vĩnh và hờn giận suốt ngày này sang ngày khác...” (Lối đi trong đêm tăm tối), “Năm ấy, làng được mùa lúa...” (Khúc hát ngày xưa), “Thời xưa, ở một làng nọ thuộc vùng đồi núi miền Trung có một cô con gái mồ côi xinh đẹp, trí lực hơn người” (Chuyện cổ tích năm chín mươi lăm)... Có khi, chất cổ tích thể hiện yếu tố hoang đường, kì ảo phảng phất trong nhiều câu chuyện. Kết hợp với những điều đó là các chi tiết được điệp lại ở nhiều truyện ngắn như những mô típ trong truyện kể dân gian (dòng sông, bến nước, con thuyền, bóng đêm...) tạo nên ám ảnh trong lòng người đọc. Giọng kể trong truyện Đức Ban thường chậm rãi, rỉ rả, đượm một vẻ buồn vắng xa xôi, rất hợp với nội dung câu chuyện. Trong lời văn thuật chuyện, ta bắt gặp nhiều từ địa phương được sử dụng rất đắt, khiến tác phẩm toát lên phong vị riêng của một miền quê. Tuy nhiên, Đức Ban không lạm dụng điều này. Ông  có ý thức tìm tòi, sáng tạo từ ngữ, đặc biệt là những từ láy hiếm gặp, chẳng hạn: xõa xượi, lăm răm, đùi đụi, khuềnh khoàng, loạp roạp, rí rách, tung tinh, tốc tác, chuầy chòa... Với một ý thức sáng tạo như vậy trong nghệ thuật tự sự, có thể nói Đức Ban đã tạo cho mình một giọng điệu riêng, yếu tố quan trọng góp phần hình thành phong cách cá nhân.
Đặng Lưu
Theo http://vanhocnghethuathatinh.org.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Phan Khương Thái Con Tôm Tìm Vỏ   Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 233 (số cuối cùng, ra ngày 1- 4 – 1975) Những ...