Thứ Bảy, 14 tháng 4, 2018

Pleiku xưa và con đường tình nhân

Pleiku xưa và con đường tình nhân
Đường Trịnh Minh Thế xưa (nay là đường Trần Hưng Đạo - TP. Pleiku), có chiều dài được Google Maps đo chính xác là 1,2 km, nhưng cái thời những đôi tình nhân hay đưa đón, hẹn hò nhau cách đây vài mươi năm thì nó được tính chiều dài bằng cách khác. Từ ngã tư Hoàng Diệu - Trịnh Minh Thế (Hùng Vương - Trần Hưng Đạo) đến ngã ba Hoa Lư, có người đã đo không dưới một lần, bằng chính những lần dạo bước. Nó dài đúng bằng 1.730 bước chân…  
“Con đường tình ta đi…”
Ông Trịnh Duy Côn (104 Hùng Vương, TP. Pleiku) hồi tưởng, sở dĩ đường Trịnh Minh Thế trước 1975 được mệnh danh là “Con đường Tình nhân” là bởi nhiều lý do: trên con đường này không có nhà dân, chỉ có cơ quan công sở nên không ai được tụ tập buôn bán, thành ra vỉa hè thênh thang… Đường rợp bóng thông và long não, cây giao tán nhau rất đẹp. Đây cũng là nơi tập trung nữ sinh của Trường Trung học Plei Me và Trường Phạm Hồng Thái đi học, tan học về mỗi ngày. Nữ sinh 2 trường này được cho là đẹp nhất Pleiku, đa phần học giỏi, gia đình khá giả nên các nam sinh thường “theo đuôi” lẽo đẽo phía sau.

Nữ sinh Plei Me ngày ấy trên đường 
Trịnh Minh Thế giờ tan học (ảnh: Internet)
Với ông Duy Côn, con đường Trịnh Minh Thế gắn liền với kỷ niệm về một mối tình, và đến nay ông bà đã đi cùng mối tình ấy suốt hơn 40 năm nên có dễ gì quên được “chứng nhân” ấy. Ngày đó, ông yêu Nguyễn Thị Lan, con gái một gia đình gốc Bắc di cư vào Pleiku từ những năm 1950. Cô phải phụ mẹ bán hàng nên hầu như chỉ có buổi tối chàng trai trẻ xa nhà mới mời cô đi chơi được. “Pleiku hồi đó là thành phố lính. Hầu như lúc nào nhìn ra cửa cũng thấy bóng áo lính. Quán cà phê cũng toàn lính, nên chúng tôi ít tới đó. Thành ra thường đi dạo bộ trên “Con đường Tình nhân”. Ông vẫn nhớ mãi một tối mùa đông năm 1972, nhiệt độ Pleiku xuống chỉ còn khoảng 10oC, ông cùng người bạn gái đi dạo trong trời đêm lạnh giá, sương bay là đà vương vấn ôm lấy những ngọn đèn đường vàng vọt… Đó là không gian dễ khiến người ta quên mất thực tại. Nhưng đến cái nắm tay còn chưa dám thì người lữ thứ lúc ấy còn biết làm gì hơn là đếm những bước chân mình? Một, hai, ba… Đến cuối đường thì đúng 1.730 bước chân! Cũng trong những lần đầu dạo bước mà vẫn chưa nói nên câu ấy, ông ngắm nhìn hàng cây 2 bên đường. Những cây đẹp nhất giờ vẫn in trong ký ức của ông và vẫn còn đó như những chứng nhân lặng lẽ: cây long não cổ thụ trước Sở Giao thông-Vận tải; cây phượng ở gần cuối đường (nay nằm trong khuôn viên Quảng trường Đại Đoàn Kết)…
Với ông, con đường chứng kiến nhiều kỷ niệm rất lãng mạn nhưng cũng khá… buồn cười. Số là, những ngày đầu hò hẹn, để mời được cô Lan ra khỏi nhà, chàng trai phải dẫn kèm theo… 2 đứa cháu của bạn gái. Cả 2 đứa cứ tò tò như 2 cái remote. Đi hết một vòng, đến đường Phó Đức Chính (nay là Nguyễn Văn Trỗi), họ quẹo xuống rồi ghé đường Phan Bội Châu, nơi bán bánh kẹo nhiều nhất Pleiku bấy giờ, mua cho mỗi đứa một ít bánh kẹo “hối lộ” để được đi dạo tiếp một vòng nữa trên “Con đường Tình nhân”.
Có lẽ, đó cũng là lý do khiến ông rất thích bài hát “Con đường tình ta đi” của nhạc sĩ Phạm Duy với những câu: “Con đường nào ta đi, với bàn chân nhỏ bé…. Con đường thảnh thơi nằm, nghe chuyện tình quanh năm…”.
Đợi “em tan trường về”
Từng qua thời học trò ở Pleiku trước năm 1975, ông Nguyễn Sơn (xã Diên Phú, TP. Pleiku) cũng có những kỷ niệm thật khó quên về con đường học trò, “Con đường Tình nhân” Trịnh Minh Thế. Ông kể, con đường này vào giờ đi học và tan học toàn áo trắng: áo dài trắng nữ sinh và áo sơ mi trắng của nam sinh. Cảnh tượng những chiếc áo trắng thấp thoáng dưới bóng thông xanh thật tinh khôi, trong trắng. Mùa bướm bay thì con đường thơ mộng nhất nhì thị xã này lại càng mang một vẻ đẹp huyễn hoặc khi hàng trăm cánh bướm chấp chới bay liệng bên các bóng hồng xinh xắn. Đó là lý do nam sinh các trường hay đi từng tốp sau lưng các cô để trêu ghẹo. Hoặc, có những tình huống rất hài, đó là khi thấy anh bạn cùng lớp “theo đuôi” một cô nữ sinh, cả nhóm bạn của ông cứ hát toáng lên mấy câu trong bài “Ngày xưa Hoàng Thị” (thơ Phạm Thiên Thư, nhạc Phạm Duy): “Em tan trường về, đường mưa nho nhỏ/Em tan trường về, đường mưa nho nhỏ/Ôm nghiêng tập vở, tóc dài tà áo vờn bay…”.

Ngày ấy, dường như tuổi học trò ở đâu cũng đều có những mối tình dễ thương đến vậy. Ông Nguyễn Sơn cũng chia sẻ một thông tin chưa được kiểm chứng: cô gái có tên Hoàng Thị Ngọ trong bài thơ “Ngày xưa Hoàng Thị” của Phạm Thiên Thư chính là một giáo viên dạy triết học ở Trường Plei Me. Dĩ nhiên lúc đó cô Ngọ tan trường ở nơi khác (Sài Gòn) chứ không phải ở Pleiku. “Sau này tôi có dịp gặp và hỏi chuyện nhà thơ Phạm Thiên Thư về nhân vật chính trong bài thơ nói trên, anh nói đó không phải là tình cảm sâu đậm như mọi người nghĩ, mà khi đó chỉ là ông thấy cô Ngọ dễ thương nên “theo đuôi” rồi làm bài thơ” - Ông Sơn kể lại. Bài thơ sau đó được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc và trở thành bài tình ca nổi tiếng của cả một thế hệ, cho đến cả bây giờ.
Ngày ấy, nhà ông Nguyễn Sơn ở đường Trần Quý Cáp (nay là đường Lý Tự Trọng, TP. Pleiku), còn cô bạn gái học cùng lớp ở Trường Trung học Pleiku thì nhà ngay Diệp Kính. Tuy đường Trịnh Minh Thế không phải là đường đi học về, nhưng thỉnh thoảng họ vẫn đi dạo trên con đường này, có khi ghé chùa Hộ Quốc (nay là Bảo tàng Cổ vật tỉnh) chơi hàng giờ. Trong hồi tưởng của ông, những mối tình học trò thời ấy vô cùng trong sáng. “Hồi đó, đang để ý cô nào mà được nhìn lại một cái thôi là trời long đất lở, nếu mà được nắm tay nữa thì… coi như trời sụp luôn!” - Ông hóm hỉnh kể lại. Rồi vì những biến cố của đời sống, họ chia xa đến giờ. Tình học trò hoa mộng tưởng chỉ thoáng qua mà lại chẳng thể nhạt nhòa...
Qua thời gian, con đường ấy giờ đã có nhiều thay đổi nhưng vẫn đẹp: thênh thang, dịu dàng trải ra trong nắng gió cao nguyên. Song trong tâm cảm của những người đã từng khắc sâu ký ức thuở học trò, chất thơ ngày xưa ấy giờ biết tìm đâu?.
Phương Duyên
Theo http://dulichpleiku.gialai.gov.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Cung bậc – Chùm thơ Hữu Dũng 20 Tháng Mười Hai, 2023 Cũng là/ cung bậc ấy thôi/ Mà sao/ cảm xúc/ xa xôi ùa về… Cung bậc   Cũng l...