Thứ Bảy, 14 tháng 4, 2018

Cánh đồng xanh mây trời

Cánh đồng xanh mây trời
Chợ họp trên bờ kè, xuồng ghe tấp nập. Những con thuyền lờ mờ ẩn hiện trong mù khơi sóng nước ban mai. Lam thức dậy từ lúc trời còn chưa sáng, gà gáy báo hiệu canh ba, canh tư, Lam trở mình. Bé Nụ vẫn còn ngủ say trong chăn. Lam cúi xuống hôn con rồi khẽ bước xuống giường. Ngoài trời, gió lạnh từng đợt thốc mạnh vào vách nhà phần phật. Thời tiết giữa năm thất thường, ban ngày trời nóng, trên mặt nước đọng lại từng mảng váng phèn vàng vọt, khô rôm rốp dưới cái nắng như lửa xối. Ban đêm những cơn gió lạ ngoài triền sông băng qua cánh đồng mang theo hơi lạnh thổi vào trong xóm. Nằm trong mùng, lắng tai nghe sương rơi lộp bộp trên mái lá và tiếng đồng vọng của lũ chim bay đi ăn đêm vọng lại, buồn thê thiết. Ngó sang buồng bên thấy Chuân vẫn còn thiêm thiếp, đoán chắc chồng lạnh, Lam đi vào kéo chăn đắp lên người chồng rồi đi ra. Một đốm sáng lờ mờ ẩn hiện ngoài cánh đồng, Lam nhóm bếp nấu cơm ăn cho vững bụng, hâm khứa cá kho cho nóng để trong lồng bàn cho chồng ăn. Xong xuôi, Lam trùm khăn lên đầu, đội thêm cái nón lá rồi xuống xuồng chèo ra chợ cho kịp. Trước khi chiếc xuồng rời bến Lam còn í ới dặn lại chồng: “Mình thức thì lấy cơm trong lồng bàn ra ăn, phần của con tui để trên bếp. Trưa trưa tui về”. Mái chèo khỏa nước, con trăng 16 dập dờn trôi trên mặt sông.
Tình yêu gia đình tôi - Sơn mài - Hs Mai Anh Dũng
Chuân cưới Lam khi Lam còn để tóc dài chấm lưng. Lấy chồng rồi Lam cắt mái tóc lên cho ngắn, ngày xưa Lam quý từng sợi tóc của mình như từng giọt máu, chiều chiều Lam ra vườn nhặt hoa bưởi để má nấu nước gội đầu cho tóc thơm tóc mượt. Cắt đi thì tiếc, để thì vướng víu. Suốt ngày vợ chồng Lam quần quật ngoài đồng. Dong trâu ra đồng từ lúc trời còn đẫm sương đến khi trở về nhà thì trời chập choạng tối. Chuân thương Lam từ mái tóc dài thoảng hương cau hương bưởi, từ cái cười duyên dáng và giọng nói chân chất ngọt ngào. Hồi xưa Chuân là người đàn ông chí thú làm ăn, lại sống nhân hậu nghĩa tình, xóm ai cũng thương. Cưới nhau được một năm, Chuân bỗng nổi lên một triệu chứng lạ. Mặt Chuân hồng hào, bóng lưỡng lạ thường, trên người mọc nhiều chấm đỏ. Lam kêu Chuân đi khám thử xem người ta phán bệnh gì để còn có cách chạy chữa mà Chuân không chịu đi. Người trong xóm bảo Chuân bị cùi. Nghe chuyện Lam bàng hoàng đớn đau, còn Chuân vì mặc cảm nên suốt ngày lủi thủi trong buồng. Nhiều lúc thương con, Chuân thèm được bồng bé Nụ trên tay, nụ hôn người cha chan chứa yêu thương sẽ rê khắp người đứa con bé bỏng để cảm nhận mạch nguồn phụ tử dạt dào trong tâm hồn người đàn ông đau khổ. Lam chỉ còn biết khóc, Chuân bảo: “Mình à, mình đừng có khóc nữa. Tui không còn làm được gì thì mình phải mạnh mẽ lên để mà lo lắng cho con nữa chứ. Mình cứ vậy hoài, tui rầu quá…”. Chồng nói vậy Lam không còn cách nào khác ngoài việc lau dòng nước mắt, nuốt cay đắng và những trêu ngươi cuộc đời vào lòng. Lam biết mình cần mạnh mẽ hơn bao giờ hết để làm chỗ dựa vững chắc cho chồng, cho con. Những ngày Chuân bệnh, một mình Lam lo chuyện trong nhà ngoài đồng, thấy vợ cực, nhiều đêm Chuân nằm vắt tay lên trán, nước mắt đàn ông chảy ròng ròng trên làn da ửng đỏ, bất lực đến cùng cực. Mấy lần Chuân định tìm đến cái chết để vợ con đỡ khổ vì mình, Lam an ủi chồng: “Ráng thôi mình! Ráng mà sống với tui, với con.
Đời bắt mình khổ ải không lẽ mình buông bỏ dễ dàng. Rồi mình sẽ hết bệnh thôi, tui tin chắc như thế…”. Má Chuân biết tin con bệnh nên lặn lội đường xa xuống xóm tìm con, khóc lóc kêu Chuân về ở hủ hỉ với má để tiện việc chăm sóc. Lam không chịu, Lam nói: “Chuân là chồng con, ảnh có ra sao thì vẫn là chồng của con má à! Con thương ảnh còn không hết chứ bỏ sao đành hả má?”. Nghe Lam nói vậy, má im lặng, giọt nước mắt người mẹ khẽ khàng rơi trên cay đắng cuộc đời.
Nhiều đêm, Lam nhớ chồng, nhớ cái ôm nồng nàn lúc trước sưởi ấm Lam qua canh dài gió lạnh. Lam giở mùng rón rén bước tới giường Chuân, chun vào ngồi bó gối nhìn thân hình tàn phế của Chuân, nước mắt Lam lại lăn dài. Chuân say giấc, còn Lam thì ngồi nguyên như vậy cho đến khi trời hửng sáng. Từ lúc biết căn bệnh nghiệt ngã đang dần hành hạ xác thân, Chuân ngăn không cho Lam đụng vào người mình. Không phải Chuân không thương Lam mà Chuân sợ Lam sẽ lây bệnh rồi truyền sang đứa con ngây thơ tội nghiệp, Chuân tự dọn giường ngủ riêng, ăn cơm cũng bới riêng ra hiên nhà ngồi ăn. Lam đau xót bưng cơm ra ngồi ăn với chồng, vậy mà Chuân cũng e dè, ngượng ngập như kẻ tội đồ.
Bên kia sông, bìm bịp thắt thẻo kêu chiều. Những giồng cải nở hoa bung vàng dưới cái nắng cuối năm ấm áp. Ngoài kia, dòng sông đầy vơi lững lờ trôi. Sông nước muôn đời vẫn thế, chỉ có cuộc đời là biến thiên với thời gian. Dòng sông và cuộc đời có bao giờ xuôi chiều cùng nhau? Mà cuộc đời lênh đênh trôi rồi tan vào mù khơi sóng nước…
Lam chèo xuồng về nhà thì đã trưa trờ trưa trật. Từ xa, Lam đã thấy ngọn khói trắng cuộn lên nền trời, quyện chặt vào ngọn sầu đâu trước nhà. Lam thốt lên hốt hoảng. Xuồng chưa tấp vào bờ Lam đã nhảy vọt lên mặt đất, chiếc xuồng bạt ra trôi lềnh bềnh giữa sông. Trước mặt Lam là ngôi nhà thân yêu đang dần rệu rã trong ngọn lửa hung dữ. Lửa như cái lưỡi dài vàng vọt đang liếm dần lên nuột lạt mái nhà, cháy nham nhở. Người trong xóm kéo đến, la làng. Vài thanh niên hì hụp xách nước dưới sông lên dội vào căn nhà đang bừng bừng trong lửa với hy vọng mong manh sẽ dập tắt ngọn lửa hung tàn.
“Trời ơi! Ai đó làm ơn cứu con tui, chồng tui với” - Lam thốt lên thổn thức, đớn đau khuỵu xuống trong vòng tay một người đàn bà. Một người đàn ông cởi trần, bờ lưng hừng hực màu của lửa đang bế đứa nhỏ từ trong đám cháy lao ra rồi ngã qụy xuống bờ kinh. Lam ngất đi khi vừa kịp nhìn thấy bé Nụ mặt mày nhem nhuốc, tái nhợt không còn giọt máu. Không ai nhớ đến người đàn ông tật nguyền đang vẫy vùng tìm chút hy vọng sống trong căn nhà ngùn ngụt lửa…
Khi Lam tỉnh dậy thì trời đã tối, ngọn gió ven sông tấp vào mái lá xột xoạt. Bên cạnh Lam, bé Nụ đang nằm thở pho pho. Lam ngó thấy mình đang nằm trong một căn nhà lạ, tăm tối.
“Con tỉnh rồi à? Hồi trưa đám cháy dữ quá…”. Giọng của dì Hồng. Nhà dì nép mình bên bờ sông, nằm im lìm dưới tán còng già cổ thụ. Cây còng ấy, đã mấy bận dì Hồng nhờ Chuân leo lên lấy cái cưa cưa đi những nhánh già cội kẻo mưa về gãy đổ. Chuân cưa mấy bận, mùa mưa, nhánh cây lại tỏa ra xanh um. Chưa kịp cắt thêm lần nữa thì Chuân đổ bệnh. Mùi hoa ngan ngát theo gió thoảng vào trong nhà.
“Chuân! Chồng con… chồng con đâu rồi dì?”. Dì Hồng im lặng. Lam nấc lên đau xót: “Trời ơi là Chuân”, rồi lao nhanh ra bờ sông. Bên kia sông, có ngôi nhà tháng năm nằm êm đềm nghe mưa nghe nắng, nơi ấy ấp ủ giấc mơ đơn sơ của đôi vợ chồng trẻ, nơi ấy đầy ắp tiếng cười trẻ thơ, có bữa cơm nhà nồng nàn khói bếp và cả những đớn đau nghiệt ngã cuộc đời. Bây giờ vĩnh viễn nằm sâu trong lớp tro tàn căm lạnh. Nhớ hồi hôm qua, hôm kia Chuân còn nói nói cười cười, bé Nụ nằm võng khúc khích… chỉ còn là tro nguội bụi lạnh. Không thấy Chuân đâu, cả một chút dấu vết của Chuân còn sót lại cũng không. Lam nức nở, khuỵu xuống, tóc Lam xòa xòa trong nước, đớn đau. Ngọn gió chiều bất nhẫn thổi vào đống tro tàn, bụi gặp gió vẩn lên cuộn xoáy rồi êm ả tan vào đồng chiều quạnh quẽ.
Hoàng Khánh Duy
Nguồn: Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 465
 Theo http://tuanbaovannghetphcm.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Gấp sách lại chợt thấy lòng bình yên – Lê Trương Thúy Diễm 18 Tháng Mười Hai, 2023 Tôi vừa đọc xong những dòng chữ đầy thi vị của Nguy...