Thứ Năm, 12 tháng 4, 2018

Chuyện cất trong lòng núi

Chuyện cất trong lòng núi
Những ngày mới quần kết chúng tôi chưa dám về buôn làng mà sống trong rừng, ở hang đá. Chỉ vài người tin cậy nhất biết chỗ chúng tôi để thông báo tin tức và tiếp tế bắp, muối, củ mì, thỉnh thoảng có cả gạo, thứ gì cũng là của bà con buôn làng nhịn bữa gửi cho.
Một hôm nọ tôi và Hoong đang đốt lửa trong một ngách hang để xua bớt khí đá lạnh lẽo đang tỏa ra ngờm ngợp thì Bá Bang (*) xuất hiện. Hoong ố á mừng rỡ, Bá Bang ngồi xuống thân mật choàng vai Hoong, hỏi thăm sức khỏe chúng tôi. Qua anh, chúng tôi được biết bà con vừa đốt rẫy xong, chuẩn bị trỉa. Thảo nào mấy bữa nay khói lên suốt ngày xanh thẩm lưng núi, đến đêm khuya khói còn cuộn trắng xóa trên những vạt lửa lớn ngun ngún đỏ. Thấy khói đằng xa, tôi như bắt được cả mùi cháy thơm nồng của lá cây bị đốt, tay chân bồn chồn nhớ rìu nhớ rựa. Giờ nghe Bá Bang kể lại thèm về giúp cha làm rẫy vô hạn. Tôi biết Hoong cũng muốn lắm, nhưng nó không nói gì, chỉ lặng lẽ gãi gãi cổ chân. Bá Bang khẽ khẽ nói:
- Chok với Hoong biết gì chưa? Thằng Đing nhận xoong, nồi, rìu rựa của thương lái rồi.
Hoong trố mắt rủa:
- Cái đồ cọp tha!
Chúng tôi đã biết mấy tay thương lái là tay chân của quận trưởng Thái Quới thả lên mua bán đổi chác để dụ dỗ đồng bào. Ít lâu nay chúng lên xuống rất dày và sau khi chúng về xuôi thì tiếp đó dân làng thường chịu cảnh ruồng bố. Vì vậy bà con tỏ rõ sự tức giận đối với chúng, chỉ riêng Đing là còn giao tiếp một cách khả nghi. Người làng thấy vậy có ý dè chừng điều không hay xảy ra, thì bây giờ nó đã xảy ra rồi. Sớm quá!
Đing ở Hà Ri ăn nước Tà Má, còn tôi ở Tà Lek ăn nước Tấn, tuy không cùng buôn làng nhưng trước đây đã biết nhau. Tôi thường qua Hà Ri do yêu cầu công tác nên già trẻ bên ấy đều thuộc tiếng thuộc mặt. Còn tôi chú ý đến Đing vì anh này có vẻ đẹp mê mẩn lòng người. Nhiều cô gái ao ước bắt Đing làm chồng nhưng Đing lắc đầu hết. Đing ưng một cô có họ với Đing, cô ta gọi Đing bằng chú. Đing đắm đuối và khổ đau với mối tình này. Tục lệ Banar không cho phép người có họ lấy nhau. Cô gái bắt người khác làm chồng. Đing đành để một người không yêu đổ rượu cưới mình, nhưng lòng Đing không lúc nào phai nhớ người cũ. Hai người vẫn lén lút đi lại với nhau. Dân làng lên án kịch liệt. Dư luận làm Đing đau đầu. Bọn địch đội lốt thương lái thính hơi đã thóp được căn bệnh của Đing. Chúng bảo nếu Đing giúp chúng diệt hết cộng sản, chúng sẽ cho Đing làm trưởng làng, sẽ giúp Đing cướp lại người phụ nữ yêu dấu. Chúng vừa ngọt nhạt vừa buông mồi dụ dỗ, dần dần biến Đing thành tay sai chỉ điểm. Cái hồn Đing bây giờ như con cá gặp thức lạ, nhấm nháp nhấm nháp, nếu tỉnh ngộ không kịp sẽ ngậm phải móc câu đố gỡ cho ra. Cái hồn Đing bây giờ như con chim chào mào thèm ăn quả chín, rỉa mê rỉa mải quên rằng lưới đang chụp xuống. Con cá bị tách khỏi đàn, con chim bị sa lưới thì khổ thân, nhưng cái hồn người ở trong sự chi phối của kẻ xấu sẽ bị lung lạc, bị hoen ố, có thể quay lại làm hại dân làng, làm hại cách mạng.
- Tính sao bây giờ hè? Làm cách sao hè?
Hoong lại hỏi một cách lo lắng.
Bá Bang đặt tay lên vai tôi:
- Chok giáp mặt Đing thử xem?
Bá Bang nói như hỏi ý, nhưng tôi hiểu đó là lệnh. Tôi nghĩ và thấy chẳng còn cách nào khác, đành nhận lời.
Khi tôi và Hoong về lại hang, Bá Bang vẫn còn ở đấy chờ. Tôi nói với anh:
- Đing bảo tay nó lấy của giặc nhưng bụng nó cách mạng. Nó hứa sẽ không báo với bọn lính là đã gặp hai đứa tôi. Chưa biết sao nữa.
Bá Bang gật đầu bảo:
- Tạm thời cứ thế đã. Có gì mình nói sau.
Thằng Đing xuống báo ngay với quận cái tin tôi và Hoong quần kết. Nghĩ tới cha tôi và cha mẹ Hoong, nghĩ tới các cơ sở cách mạng ở làng có thể bị hại, ruột gan tôi cồn cào không yên. Thằng đồn trưởng, đúng như tôi đoán, đã gọi cha tôi và chú tôi, tức cha Hoong, lên quận. Hai người đã được Bá Bang bày cho trước, lên quận cứ theo đó mà trả lời.
Thằng đồn trưởng nhịp nhịp giày trên nền xi măng:
- Hai ông già thương con không?
- Thương lắm chớ!
- Hà hà, thương con mà con về không hay không biết gì à? - Đồn trưởng nheo một mắt hỏi giọng mỉa mai.
- Đâu có, con tao nó đi tập kết mà.
Thằng đồn trưởng đập bàn sừng sộ:
- Đừng giấu! Con chúng mày quần kết rồi. Khai đi!
- Tụi tao không biết đâu!
Nó gí súng vào tai hai ông già đến chảy máu:
- Có người biết mày nuôi con trong nhà. Đừng giấu!
- Ai? - Cha tôi hỏi.
Chúng kéo Đing ra. Đing lấm lét nói:
- Con của hai bok về nhà rồi. Tui gặp rõ ràng. Khai đi mà. Nó ăn cơm với tui hôm qua ở nhà rẫy. Khai thiệt đi rồi ông đồn trưởng tha hai bok về.
Cả cha tôi và cha Hoong chỉ mặt Đing kêu lên:
- Ơ, vậy đúng mày rồi, mày nuôi tụi nó mày mới biết chớ. Tao đâu có gặp! - quay sang thằng đồn trưởng - Hỏi Đing đó, nó ăn cơm chung nó biết, tụi tao không biết đâu.
Đing lúng túng. Thằng đồn trưởng giận dữ bắt Đing làm giấy bảo đảm sẽ tìm ra chỗ chúng tôi, rồi thả hai ông già.
Lần này tôi và du kích Hồ Rô đi gặp Đing, Bá Bang dặn đi dặn lại tôi rằng phải cố gắng giáo dục Đing, đừng giết nó, giết nó là sai chính sách, sẽ bị kỷ luật Đảng. Hiện nay trước đồng bào, Đing giống như một con thú đổi bộ lòng khác nhưng sắc lông vẫn thế. Nếu mình giết Đing, bọn giặc sẽ có cớ kích động sâu hơn đối với gia đình Đing, với người đàn bà Đing yêu và cả với dân làng. Chi bằng đợi một thời gian, nếu nó không tiến bộ mà ngày càng lộ rõ thái độ tay sai thì trị cũng chưa muộn. Tôi lắng nghe Bá Bang, cơn giận sôi sục trong lòng từ từ hạ xuống.
Chúng tôi tới nhà Đing khi các bếp đều yên ngủ. Con heo con gà dưới sàn cũng ngủ say. Hồ Rô đứng ở chân thang cảnh giới. Tôi rút dao, bước lên nhà sàn, đến chỗ Đing nằm ngủ.
Tôi giơ dao lên:
- Dậy đi! Dậy! Bữa nay mày thành con ma!
Đing mở mắt. Thấy con dao trong tay tôi, mặt nó co rúm lại nhưng cái miệng con cưởng của nó bèn hót:
- Ơ Chok! Chok! Anh em với nhau mà sao nói chuyện dao rựa đêm hôm vậy?
Tôi để nó ngồi dậy, vạch mặt nó đã sai lời hứa. Nó chối đây đẩy, nhưng chợt thấy con dao sắc lạnh và ánh mắt dữ dội của tôi, nó cụp mắt xuống. Gương mặt nó trong bóng đêm lờ mờ vẫn đẹp đủ làm mềm lòng người khác. Nếu Bá Bang không nói tận tình thì lưỡi dao này cắm phập vào ngực nó rồi. Ngắm kỹ Đing trong tư thế ngồi nhẫn nhục, tôi chạnh lòng bảo nó:
- Máu Banar chảy trong người mày, Đing à, đâu phải máu nào khác. Mày lại được Giàng cho đẹp hơn mọi người, vậy mà mày dở quá, hèn quá! Thôi, con dao này tha cho mày sống, mày phải biết sửa mình. Theo cách mạng thì khổ nhưng không nhục, mày nên nhìn vào dân làng Hà Ri này mà bỏ ngay những cái u tối, đừng như con suối chảy lạc hướng không góp nước cho sông. Con suối không gặp sông rồi cũng hết nước đấy, Đing à.
Nó ngước nhìn tôi rồi xòe bàn tay ra trước mặt nhổ nước miếng lên đấy cất lời thề. Thề rằng: Đing không dại dột đi ngược với dân làng, với cách mạng, không làm tay sai cho giặc nữa. Nếu sai lời thề thì Đing sẽ chết thảm.
Đing đã nuốt lời thề. Bãi nước miếng nhổ trên tay đêm nào, nó đã liếm lại cặn kẽ rồi đi xuống quận, cam đoan sẽ giết tôi để lấy thưởng.
Từ đó, bất kể đi đâu, lên rẫy hay bẫy thú, Đing đều đem dao ná, tên thuốc.
Cũng trong khoảng thời gian này, địch chận hết các thứ mắm muối, thuốc men, rìu rựa, nồi niêu xoong chảo ở đồng bằng đưa lên. Dân làng càng ngày càng khổ. Củ mì, củ lang không đủ ăn, các yá, các mí buồn lo để mấy núi cho hết. Con trai mới lớn bị hăm dọa bắt lính. Tụi con gái nơm nớp sợ cái cảnh chồng đi lính cho địch, mặc đồ lạ con mắt, nói lời lạ lỗ tai, quay súng dọa nạt đồng bào, bỏ vợ một mình đi nưong rẫy cực khổ. Vì vậy, chuyện chạy làng vừa đưa ra họp đồng bào đã ưng ngay. Ai nấy tích cực chuẩn bị.
Người Banar chúng tôi vốn thiệt thà, bụng đau thì mặt nhăn, bụng lo thì mặt héo, bụng ưng thích thì mặt tươi tỉnh, đến khi phải đối phó với giặc từng li từng tí, cán bộ Kinh đã bày cho chúng tôi phải biết giấu tình cảm của mình trước kẻ thù. Song cái vui cái buồn riêng còn giấu được, chứ cái vui cái buồn chung khó giấu lắm, nó có cái xôn xao, lan truyền của lửa, của nước, trước sau gì cũng lộ ra. Mà khéo mấy đi nữa cũng chỉ che được mắt kẻ thù ở xa tới, chứ giấu sao được với cái đứa theo giặc đang sống trong đồng bào?
Có ý kiến xin giết Đing, Bá Bang bảo: - Cấp trên nói “Không được”. Cái chết của Đing sẽ làm thằng địch nghi ngờ và càng riết dân chặt hơn, việc chạy làng sẽ bị chúng khám phá và ngăn chặn từ trứng nước.
Và mặc dù Đing luôn chờ dịp để bắn lén tôi, tôi vẫn cứ phải đến gặp nó theo sự phân công của trên. Tôi đẽo cây làm súng lục giả, giắt lưng nửa kín nửa hở. Cùng đi với tôi là Bá Bang.
Đến nước Tà Má ở đầu làng, chúng tôi thấy thằng nhỏ con của Đing đang lấy nước.
- Ơ cháu, bá cháu có nhà không?- Tôi hỏi nó.
Nó nhìn tôi gật đầu rồi nhìn sang Bá Bang. Bá Bang mỉm cười hỏi nó mấy câu bằng tiếng Banar, nó trả lời và cũng cười, trên mặt đã hết sợ. Bá Bang bảo nó về thưa với cha ra nước Tà Má có người quen gặp, đừng nói tên Bá Bang và chú Chok. Nó hỏi lại. Bá Bang trấn an, thằng nhỏ yên bụng mang nước về.
Chúng tôi tìm chỗ khuất cách xa nhau đứng chờ. Lát sau thấy bóng Đing từ xa tới. Nó vừa đi vừa láo liên ngó xung quanh. Bá Bang ra trước. Đing thấy Bá Bang tay không thì vững dạ giắt dao lên lưng.
Tôi từ bụi cây nhảy phốc ra, kê mũi súng lục vào đầu Đing, trợn mắt quát:
- Mày đây rồi, trước sau rồi cũng là theo địch mà. Mày thề với tao rồi liếm nước miếng phản liền. Mày hứa chặt đầu tao cho địch phải không?
Đing lắc đầu chối bai bải, mắt nó ngó Bá Bang cầu cứu. Bá Bang ra hiệu cho tôi hạ súng xuống rồi bảo nó nói thiệt. Nó nhận là có làm cam đoan giết Chok để lừa bọn lính dưới quận, chứ nó không đời nào làm thiệt vì nó với tôi đều là người Banar. Người Banar ai lại giết lẫn nhau.
Tôi nhìn cái miệng giả dối của Đing, thấy ghét quá chừng. Nó thấy tôi ngó chòng chọc thì biết sợ, thôi líu ríu. Bá Bang làm ra vẻ tin những lời nó nói để nhân đó mà thuyết phục nó. Bá Bang nói rằng cách mạng và đồng bào biết là Đing không có ý theo giặc, chẳng qua bị ép nên mới phải giả vờ để yên thân thôi. Thằng giặc nham hiểm lắm. Bá Bang bảo cho Đing biết, chúng chẳng thật dạ với Đing như cái mồm chúng hứa. Nếu chúng thương người dân tộc thì chúng ép đồng bào bỏ mồ mả tổ tiên, bỏ đất núi xuống đồng bằng làm gì? Nếu chúng thật bụng thương Đing, sao chúng không cho Đing nhà cửa để sống yên mà buộc Đing phải rình rập người mình, giết Chok, giết cán bộ, khiến cái đầu Đing phải tính toán toàn chuyện tối tăm, cái hồn Đing cứ luôn luôn phập phồng vừa sợ địch trù dập vừa sợ cách mạng trị tội.
Đing theo chúng thì lũ làng khinh ghét, như vậy khác nào cái cây không có gốc, con ma không có nhà mồ, sống chết đều vất vưởng. Bấy lâu nay cách mạng bảo Chok về khuyên Đing là vì chìu theo ý đồng bào muốn để Đing sống và sửa mình theo lẽ phải. Đing vì chuyện riêng mà làm trái tập tục của đồng bào, rồi vì chuyện riêng mà oán đồng bào có khác nào cái quả sâu mọt không oán con sâu mà oán cái cây sinh ra nó, tự bứt mình rơi xuống khi hãy còn non chát, liệu có ích gì hay chỉ hại mình? Dân làng muốn cứu Đing, cách mạng sẵn sàng khoan hồng mọi lỗi lầm của Đing, chỉ mong Đing rời bỏ con đường xấu, trở lại con đường tốt. Được như vậy dân làng rất mừng, cách mạng rất mừng.
Bá Bang còn nói nữa, nói nữa, nói nhiều lắm trong cái lúc mặt trời lặn ấy. Có một khoảnh khắc trời chợt tối sập không rõ mặt người, rồi một ngôi sao leo lên đầu núi, rồi hai ngôi sao leo lên đầu núi, rồi nhiều ngôi sao đánh đu leo lên bầu trời. Tôi thấy mắt Đing rơm rớm. Nó khóc. Ồ, mày còn khóc được vì lời nói hay, lời nói phải hả Đing? Bụng tôi xốn xang vì thương, vì tội cho nó, kẻ lạc đường đang hối hận. Vọng đến một tiếng chim kêu đêm lẻ loi tội nghiệp. Con chim kia còn biết buồn khi lẻ bầy, mày sao không biết buồn khi tách khỏi lũ làng? Rồi đây làng lên núi cao, mày thui thủi xuống ở dưới đồn, không nhớ không xót à Đing? Tôi muốn nói với nó như vậy, nhưng lúc đó Bá Bang bảo tôi:
- Đing muốn thề.
Lại thề. Mong sao lần này mày thề thiệt bụng, tao hết muốn tin mày. Tôi đưa cái dao lên ngang mặt nó. Nó nhìn trân trối rồi liếm lưỡi dao ba lần để thề. Bá Bang đón khẩu súng từ tay tôi. Bá Bang ngậm mũi súng ba lần và tuyên bố nếu Đing trở mặt thì súng này sẽ bắn Đing tan xác.
Kế hoạch đã bàn xong, còn bốn ngày nữa chạy làng lên núi thì người Hà Ri lên báo rằng Đing đã bỏ trốn hơn một ngày, không biết nó đi đâu.
Tôi và Bá Bang chưa đoán được Đing đi đâu. Tôi nghi nó lại phản bội lời thề. Bá Bang cho rằng không phải thế. Bá Bang bảo tôi phải biết tin ở con người.
Trưa hôm đó tôi và Bá Bang đang đi thì thấy Đing ngược đường trên hòn Dựng với cái rìu lăm lăm trên tay. Nó chăm chú nhìn xuống đất kỹ lắm, có chỗ dừng lại ngồi thụp xuống lấy tay bới cỏ. “Thằng này ngựa quen lối cũ rồi, nó dò đường xem chỗ nào mình đặt chông đây mà”. Tôi thì thào với Bá Bang rồi nhảy ra chận đường nó.
Nó bị bất ngờ, miệng há to, tay không kịp cầm cái rìu lên.
- Lần này đất đòi ăn thịt mày đấy! Tao phải cứa đầu mày! – Tôi gằn giọng nói với nó.
Cánh tay cầm dao của tôi bị Bá Bang níu giữ. Đing lại hứa leo lẻo. Bá Bang lắc đầu không tin nhưng bảo tôi thả nó đi. Nó chạy xuống chân hòn Dựng, bỏ lại cái rìu trên sườn núi. Mấy lần nó vấp té, lại lóp ngóp đứng dậy chạy. Tôi hỏi Bá Bang:
- Sao lần này cũng không cho tui giết?
- Để nó báo cho địch là mình chưa gài chông. Tụi nó sẽ tưởng còn lâu mình mới dời làng… Tôi và Chok chia nhau về báo các làng dời đi nội đêm nay. Đi khỏi đâu cắm chông ngay chỗ đó.
Tin đến với làng Hà Ri muộn nhất. Buổi sáng hôm sau, Hà Ri sắp dời lên phía sau hòn Gió thì một trung đội lính quận kéo tới. Tự vệ lên báo, tôi và Bá Bang nóng lòng ở phía Hà Ri như lửa đốt. Một chặp lâu có tiếng súng. “Tụi nó bắn” – Tôi thì thào. Im rất lâu, lại có nhiều tiếng súng nổ lụp bụp. “Hà Ri đánh rồi” - Bá Bang kêu nho nhỏ. Tự vệ nói: “Không thấy thằng Đing. Chắc nó dẫn đường cho toán lính khác lên đây!”. Bá Bang bảo tôi báo cho Tà Lok Tà Lek chuẩn bị chiến đấu.
Sau buổi trưa, phía Hà Ri im dần rồi bặt hẳn.
Không ai nói với ai, tôi và Bá Bang đều thở dài. Hà Ri im hẳn nghĩa là sao? Địch rút hay Hà Ri bị diệt rồi? Có ai thoát không? Ánh mắt tôi và Bá Bang vừa chạm nhau vội lảng đi ngay. Soi vào nhau thật khổ tâm. Thương Hà Ri quá, mỗi chúng tôi cứ tự buộc tội cho mình.
Bóng chiều vừa sụp xuống, tôi và Bá Bang mang ná, tên thuốc và lựu đạn rời hòn Dựng, hướng về phía Hà Ri, nương theo các đám tranh săng mà đi.
Đến gần suối Tà Má, tôi phát hiện tụi lính bảo an đang nằm phục, tôi vừa nháy mắt cho Bá Bang thì thấy thằng Đing nhảy lên từ xa và hét gọi chúng tôi đứng lại. Chúng tôi chạy ngược về. Chúng bắn như vãi đạn, vừa bắn vừa la xung phong. Thằng Đing đi trước, bọn lính theo sau, vừa đi vừa tránh chông nên không đuổi kịp. Chúng tôi cứ dựa vào rừng mà chạy riết. Đến nước L’Huôm thì chúng tôi vượt khỏi tầm nhìn của địch. Bá Bang đoán chúng sẽ phục ở nước L’Huôm chứ không dám đuổi nữa. Chúng tôi bèn kiếm đường khác vòng sang Hà Ri.
Ôi Hà Ri! Hà Ri mọi ngày thơ mộng trù phú. Hà Ri với con trai đẹp như thần, con gái đẹp như tiên. Giờ đây làng trống trênh xơ xác. Tôi bảo Bá Bang leo lên thân cây to đầu làng chờ, còn tôi nhón chân tới ngôi nhà đầu tiên. Tới gần ngôi nhà, tôi nghe tiếng rù rì. Lính hay đồng bào? Trống ngực tôi đập thình thịch. Tôi bò rất nhẹ, tới gần, tới gần…
Ở trên sàn là tụi lính địch chừng sáu bảy tên đang nằm nói chuyện khe khẽ.
Tôi bò ra, lần này cẩn thận hơn, lết về phía gốc cây đầu làng giả tiếng tắc kè kêu. Bốn bề im ắng. Tôi lại giả tiếng tắc kè. Không có tiếng đáp lại. Ủa, Bá Bang đâu rồi?
Một ý nghĩ vụt đến làm tôi lạnh run.
Có thể là do chờ tôi lâu quá, Bá Bang tuột xuống gốc cây thì bị cọp tha đi chăng?
Nếu Bá Bang bị cọp tha thế nào cái xà-cột cũng rớt lại đâu đây. Tôi quờ quạng, mười ngón tay chỉ đụng mấy cục đất đá lởm chởm.
Hay là Bá Bang bị thằng giặc bắt?
Ngực tôi như có một tảng đá lớn đè nặng. Tiếng rù rì từ ngôi nhà sàn đầu làng Hà Ri như còn vẳng tới. Bá Bang, Bá Bang ơi! Tôi kêu thầm trong bụng, chợt thấy thiệt nhiều mất mát. Bá Bang, Bá Bang ơi! Cuộc chiến đấu mới bắt đầu, ai thay anh chỉ cho dân Banar chúng tôi chống giặc?
Đau thắt ruột, tôi lầm lũi trong đêm lần về căn cứ.
Dọc đường, những chỗ nghi có địch phục thì tôi tránh ra, đi theo lối thú rừng thường kiếm ăn. Nói chung là đường chẳng ra đường. Đến gần nước Tấn mới có đường trước mặt rẽ làm hai nhánh. Tôi chọn nhánh bên trái, mờ sáng thì tới gần chỗ L’Huôm, nơi buổi sáng anh em tôi thoát khỏi tầm đạn địch. Giờ chỉ mình tôi trở về, cái chân mồ côi. Bá Bang ơi!
Tôi đứng dựa vào một bụi cây, há miệng thở, cổ họng khô khốc như muốn cháy thành lửa ngọn. Mắt cũng nóng, mà tôi không khóc được. Chỉ biết rằng buồn đau này nặng nề lắm, không chỉ với tôi mà còn với đồng bào, với cả tổ chức. Đồng bào không thấy anh về sẽ hỏi, tôi biết làm sao để khỏi phải nói là anh đã hy sinh. Tôi mồ côi anh rồi. Cuộc khởi nghĩa còn khó lắm mà, Bá Bang ơi!
Có tiếng động làm tôi giật mình. Tôi mau chân nấp sau bụi cây, nín thở, căng mắt, né đầu dòm sang phía kia. Bên ấy im bặt. Chặp sau có tiếng hỏi nhỏ và đằm:
- Ai đó? Phải Chok không? Chok…
Giàng ơi! Tiếng Bá Bang! Giàng ơi! Chok không lầm mà! Tôi từ sau bụi mây nhào ra. Anh cũng từ sau một bụi mây nhào ra.
Chúng tôi sững lại một chút để thấy nhau cho chắc. Miệng lưỡi tôi cứng ngắt. Miệng lưỡi Bá Bang cũng cứng ngắt. Không nói được. Chúng tôi xô lại ôm chầm nhau, bàn tay người này sờ nắn khắp mình người kia. Bằng xương bằng thịt của cha mẹ anh, của cha mẹ tôi đẻ ra đây rồi. Bá Bang cao hơn tôi một cái đầu. Nước mắt anh nhỏ thánh thót trên đầu tôi, nước mắt tôi chảy ròng ròng trên ngực xuống bụng anh. Rừng núi ơi, anh em chúng tôi vượt cõi chết trở về!
Đó là những ngày đầu năm 1959 sôi động, cái sôi động của ngọn lửa đêm trước khởi nghĩa Tà Loc- Tà Lek.
(*) Bá Bang: là tên hoạt động miền núi của đ/c Nguyễn Trung Thọ Thường vụ huyện ủy Vĩnh Thạnh (tỉnh Bình Định) trước khởi nghĩa Tà Lok  Tà Lek.
Trần Thị Huyền Trang
Theo http://www.baobinhdinh.com.vn/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mười một phút 1

Mười một phút 1 Hỡi ơi, Mẹ mary Người thụ thai mà không phạm tội, cầu nguyện cho chúng ta, những kẻ luôn hướng về Người Amen "Không thể...