Thứ Năm, 12 tháng 4, 2018

Cõi Phật trong thơ Đào Tấn

Cõi Phật trong thơ Đào Tấn
Nếu có một cõi Phật trong thơ Đào Tấn, thì đó cũng là cõi trần mà thôi. Đào Tấn có bài Tự Phật - nghĩa là Phật ở mình - Phật tự ta, và lại có hai câu thơ trong bài Tặng Tăng: “Một mình ngồi ở cửa quan khốn khổ không việc gì làm - bèn đem trà núi tặng sư núi, buồn cười thật”. Vậy là thấp thoáng trong ông quan Đào Tấn, đã thấy ông sư. Có điều, ông sư đây không tu ở chùa, mà tu tại gia, tu tại tâm, tu chính trong nụ cười của mình, phảng phất nụ cười vô vi của Phật Di Lặc: “Việc xưa nay xếp an bài cả - Dâu biển, phù vân, cười như không”. Cảm được cái “nhất tiếu không” như một công án của Di Lặc, Đào Tấn đã như đạt đạo. Có điều, ông không hé lộ nhiều về khả năng tham thiền của mình, không tự nhận mình đạt đạo. Ông chỉ viết những bài thơ đượm mùi thiền này như một đối tượng với những phiền lụy tuế toái của một đời làm quan. Và về thi pháp, có thể coi phần thơ thiền này như một phía khác với những lời thơ bi hùng trong các vở tuồng nổi tiếng của Đào Tấn.
Là nhà thơ dù ở thời nào, đều có những khoảng lặng, đều có “lòng giếng” riêng trong tâm hồn mình như Nguyễn Du từng viết. Cái tâm “lặng như đáy giếng” ấy đã có trong ông quan Đào Tấn ngay từ lúc ông “đại ẩn” - ở ẩn giữa chốn quan trường. Một ông quan đầu tỉnh, một ông thượng thư trong triều mà chỉ đau đáu nghĩ về những nhân vật tuồng của mình, về những vở tuồng và những bài thơ nhỏ của mình, đó chẳng là điều lạ sao? Thiếu gì nhà thơ, khi đã “bén mùi” quan, đã vùng vẫy trong chốn quan trường, đều hốt nhiên quên… thơ, hoặc coi thơ chỉ còn là những trò thù tạc, hay là những câu giảng giải đạo lý, những khẩu hiệu ghép vần (?) Đào Tấn làm quan đến mấy chục năm, mà tác phẩm tuồng của ông có thể diễn liền mấy chục đêm không hết, mà những bài thơ của ông còn lưu truyền lại hàng trăm năm sau, đủ biết ông quan này không phải “quan chay” cũng không phải kiểu “quan văn nghệ”, mà chỉ là anh nghệ sĩ là nhà thơ đội lốt… “quan”, mượn chốn quan trường để hành nghề… văn nghệ. Và sống chết vì một vở tuồng, một tập thơ. Phần thơ tạm gọi là “thơ thiền” trong toàn bộ tác phẩm thơ Đào Tấn không nhiều.
Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn đã cẩn trọng chọn ra được 13 bài, trong đó có bài như “Hoa Triêu dạ dữ nội hữu Diêu Tiên khanh du Diệc Cổ tự” chỉ là một cảm thức thời gian man mác, khi “Hai kẻ thanh xuân giờ đây đầu đều đã bạc”. Không biết về sau cụ Phan Khôi có được gợi hứng từ bài này cho bài thơ được coi là mở đầu phong trào thơ Mới, bài Tình già: “Hai mươi bốn năm xưa, một đêm vừa gió lại vừa mưa….”. Bài thơ của Đào Tấn thì viết: “Hai mươi bốn năm trước cũng đêm nay chúng ta cùng dạo chơi…”. Cái có thể gọi là Cõi Phật trong thơ Đào Tấn nhiều khi chỉ là cõi hoài niệm, và nhà thơ không hề quên mình là khách giang hồ đã mấy mươi năm chưa có dịp quay về ngôi chùa cũ. Hoài niệm ấy có khi là hình ảnh một bậc tiền bối, một ông quan ngất ngưởng cưỡi bò vàng mà có lẽ Đào tiên sinh hết sức ngưỡng mộ nhà thơ Nguyễn Công Trứ:
Khách cưỡi bò vàng nay khuất bóng
Ai người với núi hẹn tao phùng
(Yến Lan dịch thơ)
Trong nguyên tác, Đào Tấn đã gọi thi sĩ họ Nguyễn này là “Hoàng độc thi nhân” - tức nhà thơ cưỡi bò vàng, với cốt cách và không khí hư hư thực thực như Lão Đam cưỡi trâu trong truyền thuyết. Và mơ hồ trong những bài thơ thiền là cái phong vị riêng của Đào Tấn. Không phải cõi Phật mơ hồ, mà vì mơ hồ vốn là bản chất của thơ. Đào thi sĩ đã dồn thi lực cho những bài thơ tứ tuyệt xinh nhỏ, và trong những bài tứ tuyệt ấy, ông lại dồn cho hai câu kết sức nặng của sự lơ ngơ, của cái rỗng không, của “vô vi chi đạo”.
Cười đáp: “Bên trong có tảng băng,
Chẳng ăn chi cả, toàn rỗng tuếch”
(Xuân Diệu dịch, bài Tự Phật)
Cái “rỗng tuếch” (không không) ở đây hoàn toàn khác với cái “rỗng tuếch” của những anh “lỏng chữ” hay “loãng tâm hồn”. Ngược lại, nó là cái rỗng không của khoảng trắng giữa hai dòng thơ, phần để trắng của bức tranh thủy mặc, cái rỗng không của bầu trời chan chứa… Thơ Đào Tấn đã có những bài tứ tuyệt tinh tế, nhưng hơn cả tinh tế, ông còn có những bài thơ tự nhiên nhi nhiên, những bài thơ khinh khoái như thể gió viết nắng làm cây lưu đá giữ: “Khối đá im lìm nằm giữ lấy chuông hư” (Vô ngôn ngọa thạch thủ tàn chung), một câu thơ ở vào hàng tuyệt bút. Cứ đi vào “Cõi Phật” trong chùm thơ Đào Tấn, người ta lại gặp… Cõi người với đầy những xúc cảm miên man, đứt nối của nhân duyên, của phận người. Có thể nói Đào Tấn chưa một ngày thoát khỏi cái “cõi tục” mà ông đã lựa chọn hay bị lựa chọn. Nhà thơ ấy không từ chối những hệ lụy của phận người, nhưng luôn biết vượt lên để nhìn lại, vượt lên để nhìn từ trên cao những hệ lụy ấy:
Một trăm lẻ tám tiếng chuông
Nỗi đau nhân thế đau từng đọt cây.
(Vũ Ngọc Liễn dịch, bài Vô đề)
Đọc lại câu thơ nguyên tác, rồi đọc câu thơ dịch lục bát, thầm cảm ơn người dịch thơ đã thấu hiểu lòng Đào Tấn: 108 tiếng chuông trong cõi Phật kia liệu có đối trị, có giải thoát được 108 sự phiền não, 108 nỗi đau trong thế gian này? Hay khi những tiếng chuông buông nỗi đau lại như được nhắc lại, được mở vào một không gian xa hơn, bao trùm hơn? Cứ như những bài thơ ngắn này mà xét, Đào Tấn cũng đủ thi lực để được người đời công nhận là một nhà thơ lớn. Nhưng dường như Đào tiên sinh không mấy quan tâm đến sự công nhận này. Ông cứ bình thản với thơ mình, bình thản với phận mình. Đời làm quan có thể sướng, có thể khổ, có thể vinh, có thể nhục.
Đào Tấn đã không thể từ chối cái “phận làm quan”, nhưng ông cũng không từ chối số phận làm một nhà thơ, dẫu số phận ấy đầy bất trắc. Hiến mình cho những vở tuồng, cho những nhân vật mình sáng tạo, cho những câu thơ mình chợt viết trong đêm, Đào Tấn đã tự mình tạo cho mình một cõi. Đó không phải cõi Phật, chẳng phải cõi trần hay cõi… quan, đó là cõi… văn nghệ, cõi thơ. Đã vào cõi ấy tức là đã thiền, một cách tự nhiên, một cách dễ dàng.
Sư Mai Nam quốc lõi tham thiền
Tương nhạt dưa suông đặt yến diên
Say khướt, mũ sen rơi xuống đất
Các cô gái nấp rũ cười điên.
(Tặng Mai Tăng - Đỗ Văn Hỷ dịch thơ)
Đây là bài thơ tự trào của một người luôn tỉnh táo trước các chức danh, dù đó là chức danh thượng thư hay chức danh cao tăng. Nghĩ cho cùng, quên được cái danh của mình cũng khó, nhưng khi quên được rồi thì cái thực mới hiện ra!.
Thanh Thảo
Theo http://www.baobinhdinh.com.vn/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chê vợ - Truyện ngắn Chinh Văn

Chê vợ - Truyện ngắn Chinh Văn Lê từng bước nặng nhọc trên đường, Sen đi như kẻ mộng du. Ngày trước, đi trên con đường nầy lòng cô vui khấ...