Thứ Năm, 12 tháng 4, 2018

Giới thiệu tản văn Ngày nắng đêm mưa của Tôn Nữ Thu Nga

Giới thiệu tản văn Ngày nắng đêm mưa 
của Tôn Nữ Thu Nga
Nhà văn Tôn Nữ Thu Nga, tác giả tập truyện ký TUỔI THƠ, vừa cho phát hành tác phẩm thứ hai Ngày Nắng Đêm Mưa.
Tựa
Bốn năm trước, tôi bất ngờ nhận được tác phẩm Tuổi Thơ -tập truyện ngắn & bút ký- qua đường bưu điện do tác giả gửi tặng. Tôi không quen Tôn Nữ Thu Nga, trước đó chỉ biết bút danh của chị qua các bài đăng trên Nguyệt san thế kỷ 21. Vốn ưa thích văn phong của chị, tôi mở sách đọc ngay. Nhiều bài tôi đã từng đọc nhưng lần này đọc liên tục suốt 12 bài, không những cảm tình càng tăng mà còn thêm nhiều xúc cảm mới. Tác phẩm mang một tâm hồn cao đẹp của người sáng tác: tha thiết với quê hương, chan chứa tình người và đam mê thiên nhiên muôn màu muôn vẻ. Theo địa chỉ email trong sách, tôi viết thơ cám ơn chị và nói lên cảm nhận của tôi…
Bốn năm sau, tôi lại bất ngờ nhận được một quà tặng khác: Nhà văn Tôn Nữ Thu Nga gửi đến bản thảo tác phẩm thứ nhì, với yêu cầu tôi viết lời giới thiệu. Cái lý do tác giả nêu ra lại không dính dáng gì đến văn chương chữ nghĩa: phu quân của chị có cùng “màu áo” với tôi. Nhưng đó lại là lý do tôi khó thể chối từ…
Tên tác phẩm mới là “Ngày nắng đêm mưa”, gồm 14 bài tản văn phần lớn đã được đăng trên báo chí từ nhiều năm qua. Đề tài bao gồm thiên nhiên, gia đình, nghề nghiệp nhưng chủ đề đều khác biệt. Mỗi đề tài, tác giả lan man từ chuyện nọ sang chuyện kia. Không gian thì… bao la: từ nơi ni đến chốn nớ; từ miền Tây nước Mỹ sang vùng phía Đông; thậm chí từ Nam Phi đến tận xứ Úc xa xôi.
14 bài tản văn cũng là 14 bài tự sự, được diễn đạt bằng một văn phong trong sáng, nồng ấm, có khi bông đùa dí dỏm… tạo nên những nét linh động , lôi cuốn, nhiệt thành. Và có khi tràn ngập cảm thương cho phận người qua “Truyện của Jane”, “Người vũ nữ múa cột”…
“Bé Angel không phải là một em bé may mắn như nhiều em khác, Angel nhiễm trùng rất nặng, khi bị mổ lồng ngực để chữa mạch máu bị hở trong tim, vết mổ làm độc một thời gian rất lâu. Tiếp theo là máu chảy trong não, thận suy cấp tính và kinh phong. Có nhiều ngày tôi phải đứng bên em cả mười hai giờ, liên tiếp cấp cứu vì em tim em thỉnh thoảng lại ngưng đập; túc trực bên tôi là người bác sĩ dưỡng nhi và mấy cô y tá tiếp nhau chuyền thuốc.
Những ngày đen tối ấy, người mẹ trẻ bấu tay vào khung cửa kính nhìn chúng tôi làm việc trong phòng, cô liên tục gọi: Angel, Angel, mẹ yêu con, trở về với mẹ, mẹ không còn ai bên mẹ nữa, con ơi, đừng đi nghe con… Tiếng kêu cô khàn đục, nước mắt cô tràn trề, cô giống như cô bé lọ lem tội nghiệp, những tiếng kêu xé lòng của cô cũng làm bầm dập trái tim tôi.” (Người vũ nữ múa cột).
“Khi rời Sóc Sơn, các em học sinh trong làng đứng bên lề đường tò mò nhìn đám người lạ. Các cô che miệng cười khi thấy tôi chụp hình cho họ. Nghe loáng thoáng bên tai rằng sau bức tường bên kia con đường đất, khi xưa là trại tù. Nhìn từ trên xe xuống, tôi chỉ thấy bãi đất với dãy nhà cũ kỹ và các lều tranh trống lỗng, những sợi tranh mục lưa thưa bay trong gió. Lòng tôi bổng nhói đau, thầm nhớ đến các trại tù cải tạo rải rác khắp miền Bắc Việt. Chứng tích tàn nhẫn và buồn bã của cuộc chiến tranh điêu tàn đã hủy hoại tình người và mảnh giang sơn gấm vóc.”
(Trên đường thiên lý)
“Ðàn ông Thượng chỉ mặc có cái khố, đeo cung tên trên vai vì thuở ấy họ chưa có súng ngựa trời như hiện tại. Ðàn bà đèo con nhỏ sau lưng, tay dẫn mấy đứa lớn hơn, cũng mang gùi như mẹ chúng. Họ mặc váy màu đen, áo che ngực, chân tay đeo kiềng đồng. Lũ bé con cũng đeo vòng ở cổ chân. Một hôm có người cho tôi một chiếc kiềng đồng, tôi đeo về nhà thì bà Vú tỏ ra sợ hãi lắm. Bà cho rằng tôi sẽ bị thư yểm bởi người Thượng nên bà lấy mất. Mấy cô giúp việc bảo tôi rằng mấy bà Thượng mặc váy để dễ đi tè, họ còn đang chân biểu diễn cách đi tè của đàn bà Thượng rồi cười khúc khích. Tôi chưa thấy bà Thượng nào đi tè ngoài chợ cả. Vả lại có làm như vậy cũng là chuyện thường tình. Muốn tìm ra cầu tiêu ở Việt Nam bây giờ cũng còn khó khăn huống chi chuyện năm mươi năm xưa!”(Pleiku đất đỏ)
Cùng với tài thuật sự duyên dáng,  cảnh quan được mô tả bằng bút pháp mà nhà văn Hà Kỳ Lam, có lần đọc bài “Sương khói Sapa” trong Nguyệt san Thế Kỷ 21, cho rằng Tôn Nữ Thu Nga đã áp dụng một bút pháp riêng, tạm gọi là “bút pháp chụp hình”. Tôi hoàn toàn tán đồng nhận xét của nhà văn. Và cái bút pháp tả cảnh đặc trưng đó luôn luôn hiện diện trong mỗi bài văn trong suốt tuyển tập, không nhiều thì ít:
“Trên bờ thác, những cây phong, cây du mặc dầu còn nhỏ, lá cũng đã đổi màu. Cây vàng tươi, cây đỏ sậm, cây nâu nhạt và nhiều cây vẫn còn xanh. Lá lung linh ửng màu trong nắng sớm. Tôi lựa một góc cạnh, nhìn vào ống kính, ghi nhận một phần lá rụng trên cỏ, ba thân cây vươn cành yểu điệu với ba màu lá khác nhau chan hòa ánh sáng, xa xa nước suối chảy dạt dào trắng bạc. Bên kia thác nước, rừng cây âm u huyền hoặc trong bóng tối. Muốn có tấm ảnh này tôi phải để khẩu độ nhỏ, thời gian thật chậm, và cầu nguyện gió đừng thổi lên bất tử cho lá khỏi bị nhạt nhòa.” (Dấu chân thu)
“Trên không phận Boston, trời trong vắt, mảnh trăng ba phần tư còn soi sáng những sông, hồ, lạch, bên dưới. Mỗi lần bay ngang vùng có nước, ánh trăng viền bạc hai bờ loang loáng những đường sáng, vầng trăng phản chiếu tỏ như gương. Tôi cảm thấy bị thôi miên bởi sự huyền bí của cảnh vật. Chỉ chốc lát, thành phố Boston hiện ra trước mắt tôi, huy hoàng như tà áo nhung đen kiêu sa lộng lẫy, kết bằng kim cương và đá quý, của các mệnh phụ Việt nam thường mặc trong các tiệc cưới”. (Thu ca muôn điệu)
“Nhiên bước quanh xem xét các đóa hoa Matiljilas vừa mới nở, cánh hoa trắng nhăn nheo như giấy nhiễu, hoa lớn bằng bàn tay, nhụy vàng tươi. Các con ong đã khám phá ra nguồn mật mới, bay vù vù từ hoa này qua hoa khác. Cây hoa đầy những nụ chưa nở, tròn trĩnh như viên bi và bao phủ bởi các sợi gai mịn và ngắn. Cạnh bên, một cây hoa vàng giống như hoa mai, cành thẳng và mạnh, hoa lớn và nhiều nhưng lá không đẹp như lá mai.” (Ngày nắng)
Cảnh đã  đẹp mà tình trong cảnh còn điểm tô thêm vẻ nao lòng. Mỗi khi chị đến một nơi mới, bất cứ nơi nào, quê nhà hay quê người, chị nhẩn nha quan sát rồi thong dong so sánh với những cảnh quan chị đã sống qua, những kỷ niệm còn lắng đọng trong tiềm thức, giống như chị lật cuốn album tìm xem lại những bóng hình gợi nhớ:
“Xe chạy xuống núi, Tuấn và tôi ngồi lặng lẽ không chuyện trò, nhìn bờ biển mù sương và các đọt cây thông mơ màng trong cái màn thưa trắng nhạt nhòa. Các ngọn đồi cũng còn ngái ngủ trong chăn mây và hồn tôi cũng bao bọc trong những tấm tơ mong manh ấy. Đường về núi non trùng điệp, khí lạnh ngoài kia như đang len lỏi vào hồn. Xe chạy xuống phía đồng bằng, động cơ êm ái như đang bay trong cõi mù sương. Phải chăng đó là cảm giác của những người đang giã từ cõi mộng???” (Thu trên biển vắng).
“Xuống đến bờ hồ, tôi bước trên những tảng đá phơi mình trong dòng nước mát. Hồ lục thủy, phản chiếu màu sắc của núi bạc, trời xanh và rừng thẳm, mặt nước lặng yên như gương. Ngồi trên một tảng đá, tôi lắng nghe tiếng chim chí chóe chuyền cành, tiếng các con thú nhỏ sột soạt chạy trong bụi rậm, tiếng nước chảy róc rách qua ghềnh đá thấp. Tôi cảm thấy gió mơn man nhẹ trên tóc, trên da; nắng âm ấm chuyền cho tôi những sinh khí mới.” (Tasmania - Những ngày đầu thu)
“Nửa khuya hôm ấy, nằm nghe đàn khỉ chạy ào ào trên mái ngói, nghe mưa rào đổ xuống dạt dào trên cành lá, tôi thiếp ngủ dưới tấm mùng lưới trắng phất phơ, trong tiếng quạt trần, quay đều đều . Tiếng mưa, tiếng quạt, tấm mùng thưa đã đưa tôi về lại quê hương và ru tôi ngủ say sưa như ngày thơ tôi nằm bên cạnh mẹ”. (Đêm mưa bên hồ Hulala)
Tôi đã hiểu cái lý do vì sao tôi thích văn phong của Tôn Nữ Thu Nga. Chị đam mê nhiếp ảnh đồng thời lại say đắm văn chương. Hai tâm hồn cùng hòa một tiết điệu tạo một nhịp văn nhẹ nhàng mà lôi cuốn. Như ở lời kết bài “Màu quan san”: “Thế đấy, niềm vui riêng tôi, không cần màu long lanh của kim cương, vàng bạc. Trong cõi thiên nhiên, màu trời xanh, núi biếc, mây trắng, lá vàng là những thứ trân châu bảo vật, trang điểm đời sống tâm linh. Cho nên ngày tháng miệt mài, tôi đem cảnh rừng thu về nơi thị tứ, chỉ hy vọng chia sẻ những vẻ đẹp đã thu thập qua nhiếp ảnh, sau bao dặm đường lang bạc muôn phương.”
Thực tế, có đến hàng trăm “rừng thu” tuyệt vời mà chị  khổ công săn chụp quanh địa cầu đã được trưng bày ở nhiều phòng triển lãm nổi tiếng trên thế giới.Cái đam mê đó đã được tưởng thưởng bằng các giải quốc tế. Còn cái say đắm văn chương thì cũng đã được độc giả nhiệt tình thưởng thức qua tác phẩm “Tuổi Thơ”. Thay cho lời chúc mừng tác giả thành công với thể loại Truyện ngắn và Bút ký từ tác phẩm đầu tay này, tôi hân hoan giới thiệu nghệ thuật viết tản văn của Tôn Nữ Thu Nga qua tác phẩm thứ nhì “Ngày nắng đêm mưa”.
Tản văn thường dễ đọc. Nhưng đọc mà thấy hay thì không dễ viết. Bằng ngòi bút tài hoa, ngoài phản ảnh những đường nét độc đáo qua đôi mắt thẩm mỹ nhạy bén của một nhiếp ảnh gia, nhà văn Tôn Nữ Thu Nga còn đưa độc giả “Ngày nắng đêm mưa” qua những đoạn đường gian nan đi tìm nét đẹp thiên nhiên và cuộc sống bằng lối diễn đạt trong sáng và lý thú. Lý thú nhất là tuy từng bài có nội dung khác nhau nhưng được khéo léo đưa vào chung một kính vạn hoa đầy sắc màu sinh động…
Sinh động như màu áo giữa trùng khơi ngày nào…
Vũ Thất
 Theo http://thatsonchaudoc.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mười một phút 2

Mười một phút 2 Chương 11 Công ty người mẫu gọi đến ngày hôm sau và hỏi về những tấm ảnh, cũng như thời điểm buổi trình diễn thời trang được...