Thứ Năm, 12 tháng 4, 2018

Đi theo ngọn lửa từ trái tim mình

Đi theo ngọn lửa từ trái tim mình…
Tháng 4 này, tại thành phố Đà Nẵng, diễn ra một cuộc hội ngộ đặc biệt. Đó là những học viên lớp viết văn khóa IV, khóa đào tạo đặc biệt do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, nhằm bổ sung lực lượng cho chiến trường miền Nam (1970-1971) về thăm lại chiến trường khu V. Dưới đây là ghi nhận của PV Báo Bình Định từ cuộc hội ngộ cảm động và nhiều ý nghĩa này.
Người đi mang theo tuổi trẻ
Đó là vào đầu những năm 70, khi họ còn là sinh viên mới tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Khoa Sử (Đại học Tổng hợp Hà Nội) và một số anh chị em đã ra công tác trước đó được tham gia khóa đào tạo đặc biệt, do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, nhằm bổ sung lực lượng cho chiến trường miền Nam. Lớp học có chưa tới 100 học viên (trong đó có 7 học viên là người Bình Định) và chỉ kéo dài ba tháng, nhưng đó là những tháng ngày họ sống trọn vẹn với tình bạn, tình đồng đội.
Họ đã tỏa đi khắp nẻo chiến trường: Thừa Thiên, Khu V, Nam Bộ. Chia tay nhau, với lời hẹn: khi nào muốn biết tin tức của nhau thì viết thư cho thầy Nguyên Hồng. Ra đi, với họ thật nhẹ nhàng và tự nhiên: “Nếu anh chết có sao đâu/ Như người khách của chuyến tàu thời gian” (thơ Nguyễn Khắc Phục).
Vừa cầm bút, họ vừa cầm súng đánh giặc, tham gia kháng chiến không chỉ bằng những trang viết, mà cả bằng sức lực và trí tuệ. Nhiều người đã ngã xuống trên chiến trường. Anh Nguyễn Hồng xông xáo, xốc vác, sát cánh cùng bộ đội chiến đấu, đã nằm lại ở Điện Bàn, chỉ để lại một truyện ngắn và một bài ký. Anh Lê Văn Luyện bị B52 trùm lên trên đường hành quân...
Những cô Hồng, cô Thắng, cô Thanh… xinh đẹp có tiếng của Đại học Tổng hợp Hà Nội, đem theo cái lãng mạn vào Trường Sơn, ngày ra đi trong hành trang có cả Pauxtôpxki, ai ngờ cũng bền bỉ, dũng cảm chẳng kém cánh thanh niên xung phong. Anh Nguyễn Trí Huân đăng thơ trên Văn nghệ Giải phóng đến giờ vẫn có người thuộc. Anh Nguyễn Khắc Phục, Lê Điệp… tài hoa trên từng trang viết. Cùng với cây bút, họ đi qua chiến tranh trong suốt thời tuổi trẻ, và với họ, đó là những tháng ngày đẹp nhất, không thể quên trong suốt cuộc đời. 
Người về tóc trắng phủ đầy
Vẫn được đọc những tác phẩm của nhau, và gặp lại thời tuổi trẻ trên từng trang viết, nay họ lại được gặp mặt nhau. Cuộc gặp mặt lần thứ hai này do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, diễn ra tại thành phố Đà Nẵng. Trước buổi gặp mặt, họ đã dâng hương tưởng niệm các văn nghệ sĩ, trong đó có những bạn văn khóa IV, đã ngã xuống trên chiến trường khu V; mặc niệm tưởng nhớ nhà văn Nguyễn Đình Thi, hiệu trưởng, cũng là người thầy trực tiếp giảng dạy khóa IV, đã ra đi vào ngày 18-4.
Học viên khóa IV hôm nay, mỗi người đã có một trách nhiệm, một công việc. Sau gần 30 năm, có người nay đã là Ủy viên Trung ương Đảng (Phạm Quang Nghị, Nguyễn Đức Hạt), người là nhà văn tên tuổi (Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Khắc Phục…), là nhà khoa học (Trần Đức Cường, Phan Xuân Biên, Phan An…), nhà báo (Lê Quang Trang, Đoàn Tử Diễn, Ngô Quy Nhơn…). Tóc nhiều người nay đã ngả màu, nhưng ngọn lửa tuổi trẻ như vẫn còn âm ỉ cháy trong tâm hồn.
Kỷ niệm của một thời tuổi trẻ, những ngày còn học ở Quảng Bá, rồi chia tay nhau vượt Trường Sơn vào Nam, những đêm ngủ hầm, hành quân cùng du kích… còn in hằn trong ký ức. Nhà văn Nguyễn Trí Huân kể lại cái cảm giác về những ngày sốt rét nằm lại dọc đường, lòng nôn nao, lo không vào kịp để chiến đấu. Nhà văn Vũ Thị Hồng thì vẫn không quên được những đêm ngủ rừng, bứt rau rừng ăn cho khỏi đói. Còn anh Nguyễn Đức Hạt thì khẳng định: “Dù làm việc gì, chúng ta cũng giữ trọn niềm tự hào về đoạn đường đẹp nhất đã trải qua, giữ vững truyền thống của đội ngũ chiến sĩ văn hóa đã vào chiến trường trong những năm ác liệt nhất. Đấy chính là động lực giúp chúng ta làm tốt trách nhiệm còn lại với cuộc đời”.
Với những học viên khóa IV gắn bó với chiến trường Khu V, mỗi tấc đất miền Trung đều gắn với những kỷ niệm máu xương. Kỷ niệm nối tiếp kỷ niệm, trỗi dậy theo mỗi bước chân khi về thăm lại chiến khu xưa tại Khu di tích Nước Oa (huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam), căn cứ địa của Khu V. Nơi này, là những ngày vượt suối hái rau rừng, gặp lũ; nơi kia là nơi làm việc của anh em văn nghệ, và đây, nơi đồng đội, bạn bè ngã xuống…
Về đây, với nghĩa trang liệt sĩ các huyện Điện Bàn, Trà My nơi các anh Nguyễn Mỹ, Nguyễn Hồng… những bạn văn nằm lại. Thắp nén nhang trong cái nắng và gió chiều khu V, sao lòng thấy rưng rưng. Nhưng xin đồng đội hy sinh hãy yên lòng, thời tuổi trẻ của các anh vẫn đầy ắp trên từng trang viết hôm nay. Với số vốn liếng của những năm tháng ở Trường Sơn, những cây bút khóa IV đã và đang góp một phần vào những trang báo, những trang văn về chiến tranh. “Những trang viết chưa “rứt” ra khỏi đất khu V” - nhà văn Võ Thị Hồng đã khẳng định vậy. Còn với nhà văn Nguyễn Trí Huân thì “những tác phẩm chưa viết được hết những điều cần viết, muốn viết. Vẫn thấy như còn “mang nợ” mảnh đất khu V trung dũng, kiên cường”.
Dẫu cho hôm nay, giữa bao lo toan, tất bật với bao chuyện cơm áo cuộc đời, cái đáng quý với học viên khóa IV, là tất cả đều sáng trong, không một ai phải tủi hổ vì lầm lạc. Dường như chính cái quá khứ thời tuổi trẻ tươi đẹp ấy, đã luôn nhắc nhở người ta hướng về cái cao đẹp, quá khứ không chỉ là quá khứ mà như than đá, âm ỉ ngọn lửa, đã tiếp thêm rất nhiều động lực, thêm tình yêu, và thêm trách nhiệm cho hiện tại hôm nay.
Họ đã cùng hát những khúc ca đồng đội của một thời tuổi trẻ; đọc cho nhau nghe những sáng tác mới, viết cho một thời tuổi trẻ, cho đồng đội đã ngã xuống. “Đồng đội ai còn ai mất/Trường Sơn trùng điệp còn đây/Người đi mang theo tuổi trẻ/Người về tóc trắng phủ đầy” (thơ Lê Điệp). Trong cái không khí ấm áp tình bạn, tình đồng đội, họ như trở lại với tuổi 20, thành những cái Chiến, cái Hồng… những bé gái quý khóa IV; những thằng Biên, thằng Cường… rất ranh, rất nghịch ngợm, trong trẻo (như cách gọi quý của thầy Nguyên Hồng lúc ấy).
Thời gian dường như đang trở lại, để cho tình bạn, tình đồng đội trong trẻo, hồn nhiên ngự trị. Tình bạn theo họ trong dọc đường chiến tranh. Tình bạn và ký ức những năm tháng ở Trường Sơn sẽ mãi mãi như một tài sản quý giá, nhắc nhở mỗi người trách nhiệm, không chỉ với hiện tại, với tương lai, mà cả với quá khứ tươi đẹp.
Lê Viết Thọ
Theo http://www.baobinhdinh.com.vn/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cà phê bên sông Cà Ty

Cà phê bên sông Cà Ty Mây xa nhớ nắng mây đen/ Ta gần mà chẳng ai thèm nhìn nhau… Cà phê bên sông Cà Ty 1. Sáng nay Phan Thiết mưa rây Mặt...