Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2018

Nồng nàn hương cỏ

Nồng nàn hương cỏ...
Ngày bé, mỗi lần theo mẹ ra đồng, tôi thường tự hỏi cỏ mọc ở trên trái đất này có mục đích gì mà sao nhiều vô kể.
Mới hôm nào ra đồng nhổ cỏ đến mỏi cả tay mà chỉ mấy hôm sau những ngọn cỏ bé xíu như cây tăm đã mọc đầy chi chít. Nhìn những luống ngô, khoai ngoi mình trong những bụi cỏ mà lòng tự nhiên rấm rứt, chẳng lẽ không có cách nào trị được tận gốc những đám cỏ đáng ghét đó hay sao. Lúc ấy mẹ chỉ biết nhìn tôi ngao ngán lắc đầu. Bởi chính bản thân mẹ còn chẳng biết những loài cỏ kia từ đâu mà xuất hiện, chỉ biết rằng nhờ cỏ mà người dân quê mới có công việc để làm ngoài những tháng ngày chăm sóc, tưới tiêu cần mẫn.
Có những loài cỏ rễ bám sâu vào lòng đất rất chặt, nhổ đến đỏ cả tay mà chỉ lôi được thân cây chứ rễ thì cứ nằm trơ ra như thách thức. Cỏ coi vậy mà dễ mọc, không chừa nơi nào, từ những mô đất cao, vùng đất trũng cho đến cả dưới nước cũng nhiều không đếm xuể.
Quê tôi chủ yếu làm nghề nông nên bất cứ cấy trồng vụ gì cũng có công đoạn đi làm cỏ. Cỏ lúa, cỏ ngô, cỏ đậu, cỏ rau... Riết rồi như một thói quen, hễ cứ cấy trồng được một thời gian là mẹ lại bắt chúng tôi ra đồng.
Ngày ấy việc ra đồng nhổ những cây cỏ be bé trở thành nỗi ám ảnh của tụi trẻ con. Vì ngồi giang nắng, giang mưa cả mấy ngày liên tục đến mỏi cẳng, ê mông mà cỏ thì không cách nào tiêu diệt hết. Thế rồi như hiểu được ý đồ của tụi con nít, mẹ đành giao cho mấy chị em tôi mỗi đứa một luống, để xem đứa nào làm sạch và nhanh sẽ được thưởng quà. Hồi đó quà chỉ là mấy chiếc bánh rán, bịch bỏng gạo hoặc vài trái ổi găng thơm nức mũi nhưng đủ làm chúng tôi háo hức vô cùng. Đúng là trẻ con có khác, có quà là mắt sáng bừng, cứ thế lao ra đồng nhận nhiệm vụ rồi ngồi một mạch bứt cỏ từ trưa tới chiều, quên hết cả mệt mỏi dưới cơn nắng ngột ngạt. Có đứa vì làm việc quá nhiệt tình mà “nhân tiện” nhổ luôn cả mấy gốc ngô non, để khi phát hiện ra lại vội vàng trồng lại y như cũ.
Lớn hơn chút nữa, tôi được giao nhiệm vụ đi chăn trâu sau những buổi học ở trường. Chiều chiều, khi những hạt nắng nhún nhảy trêu ghẹo những đám mây trên trời, tụi con nít chúng tôi lại í ới gọi nhau ra đồng chăn trâu rộn rã cả con đường làng rợp bóng cây râm mát. Lúc đầu cả đám chọn cánh đồng sát nhà để chăn nên chỉ được một thời gian là hết, cỏ mọc ra không kịp cho đàn trâu gặm. Nhìn đám trâu đen trở về mà bụng thì hóp lại, có đứa bị ăn vài cán chổi vì tội làm biếng để trâu đói hoài. Những lúc như thế, cả đám lại ước gì cỏ mọc nhanh hơn để có thứ cho lũ trâu ăn mà đỡ phải đi chăn ở cánh đồng xa thì tuyệt vời biết mấy.
Nhớ những xế chiều buộc trâu trên đồng cỏ xanh tốt, tụi con nít chúng tôi thỏa sức mà chơi đùa. Có khi chơi vật nhau trên những bãi cỏ mềm, hoặc để đôi chân trần chạy nhảy trên những đám cỏ xanh rồi mải mê thả diều mà nghe như những ngọn cỏ xanh mượt tỏa mùi hương nồng nàn, quyến luyến dù chẳng thể diễn tả được mùi hương ấy một cách rõ ràng.
Nhớ cả những ngày mưa gió dầm dề, vì không muốn phải giang mình dưới tiết trời khắc nghiệt để chăn trâu, đám trẻ con được giao cho chiếc liềm đi khắp các bờ ruộng cắt cỏ về cho lũ trâu được nhốt ở trong chuồng.
Khi ôm những bó cỏ non trên tay, mà tưởng như lẫn trong những bó cỏ mà có lúc chúng tôi ghét cay ghét đắng là mùi của bùn ngai ngái, của những giọt mồ hôi và nghe như có cả mùi của tuổi thơ vụt qua trong hoài niệm tiếc nuối.
Sáng nay trên đường đến lớp, ngang qua đoạn đường quen thuộc, thấy hai bên vỉa hè, mấy cô chú công nhân môi trường tất bật trồng những vạt cỏ xanh mà lòng rưng rưng nghẹn ngào. Bởi cũng khá lâu rồi kể từ ngày xa quê, không còn được thấy những bờ cỏ xanh non đã gắn liền với một thời tuổi thơ khốn khó. Ước gì được quay trở về khoảng trời tuổi thơ ấy như những ngày xưa, được nằm trên những vạt cỏ mềm mượt líu lo ca hát. Bất chợt, bỗng thèm được ôm trong lòng bó cỏ non xanh mướt, phảng phất bao mùi hương rất đỗi thân quen để có thể sống an nhiên và bình yên như thuở nào...
Song Ninh
Theo http://baodaklak.vn/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tướng tiên phong đổi mới thơ Việt Nam từ 1900 đến nay 10 Tháng Mười Hai, 2023 Năm 1990, Việt Nam bư...