Thứ Năm, 12 tháng 4, 2018

Đọc “Thương quá đôi tay” của Nguyễn Thị Lệ Thu

Đọc “Thương quá đôi tay”
của Nguyễn Thị Lệ Thu
Trước hết cần nói ngay rằng đây không phải là một tập truyện ngắn, mà là tập sách viết về thiếu nhi bằng văn xuôi, trong đó là những mẫu chuyện kể có dàn dựng. Việc xác định thể loại là cần thiết để tiếp nhận, đánh giá. Cũng xin lưu ý, vấn đề thể loại ở đây là theo cách nhìn truyền thống, chẳng hạn truyện ngắn phải có cốt truyện, tình huống và nhất là phải có nhân vật, những nhân vật có số phận, tính cách hẳn hoi. Trong khi, với quá trình phát triển, tự nó, các thể loại đã phá vỡ tính “truyền thống” từ lâu. Tiểu thuyết của Milan Kundera, Cao Hành Kiện…; tạng truyện ngắn không có cốt truyện của các cây bút trẻ Việt Nam: Phan Triều Hải, Phan Thị Vàng Anh… là những ví dụ.
Trở lại với tập sách “Thương quá đôi tay” của Nguyễn Thị Lệ Thu. Nó nằm trong tủ sách “Tuổi Hồng” của Nhà xuất bản Trẻ, rất riêng bởi 16 câu chuyện đều có bối cảnh vùng sâu vùng xa, chung quanh nơi ở và công tác của tác giả, huyện An Lão. Đây là thế mạnh của chị. Trong hằng hà sa số đồ chơi nhựa, điện tử…, đồ chơi bằng nắp chai: làm xe, làm nhà của thằng Long con nhà nghèo thật hấp dẫn, sáng tạo. Chuyện ăn, học ở mặt bằng chung xã hội bây giờ là điều ít có gì để nói, nó hiển nhiên. Nhưng với thằng Gạo, thằng Krốc, Ráp, con Nhi…, những đứa trẻ trong các gia đình lam lũ khổ nghèo trong sách là thành chuyện, chuyện cảm động! Chuyện mò cua, bắt ốc, làm rẫy, trồng trỉa… để giúp gia đình và được đi học đều khắp trong sách làm xúc động không chỉ tuổi các em. Không biết cúi nhìn, lắng nghe, cảm thông và chia xẻ với các em, không thể viết tốt về các em được.
Ngoài điều đó ra, tác giả còn có bí quyết này: tuyến nhân vật người lớn chủ yếu là mẹ và cô giáo. Hai “cô tiên” này giúp chị rất nhiều, nghĩa là những tấm lòng nhân ái, những lời răn dạy trong các câu chuyện thật tự nhiên, không khiên cưỡng. Cô giáo có khi trực tiếp trong “Niềm vui của Gạo”, “Mùa đông ấm áp”…, có khi gián tiếp như “Rừng của Nía”, “Bạn đường rừng”… đều đẹp, dịu dàng, nhân hậu.
Trên đường từ rẫy về, tình cờ Nía phát hiện bọn người chặt cây phá rừng. Nhớ lời cô dạy, Nía biết đây là việc xấu, có hại. Nía quyết định “báo cáo thôi”. Nhưng mí là cán bộ phụ nữ, đang đi họp dưới huyện, hai ngày nữa mới về. Hãy xem đoạn tiếp theo: “Nía khó nghĩ quá. Hay là đem chuyện này thưa cùng cô giáo? Ừ, phải đấy. Cô giáo tuy ở dưới xuôi lên nhưng lại yêu trẻ và yêu làng bản. Cái bụng của cô sáng như trăng rằm vậy. Hay được chuyện này nhất định cô sẽ có cách giải quyết tốt thôi. Nghĩ vậy, đôi chân Nía càng bước nhanh hơn và ngôi nhà lá nhỏ đẹp mà cả bản chung sức làm cho cô giáo hôm khai giảng đã hiện ra trước mặt…”. Hết chuyện rất khéo! Cô, trò đều đẹp, đều tốt mà không gượng ép. Hình ảnh người mẹ cũng vậy. Cả hai chính là tác giả, làm mẹ và dạy học. Tập sách có vài người già: ngoại, bà Năm neo đơn ở hàng xóm, bà bán rế ngoài chợ. Cũng là người mẹ hoá thân dạy con lòng thương người, cách hành xử tốt trong cuộc sống. Trong sự tính toán chi li đến nhẫn tâm của một bà phốp pháp đối với cụ già bán rế, Thuỷ dám cắt phần bì nước đậu cu Tí giúp bà, tin rằng em vẫn vui, mẹ sẽ khen…
Không màu mè triết lý, không tham lam dông dài, một thằng Trung người vùng cao ráng thuộc bản cửu chương bị cả lớp cười rồi nể mặt khi bạn ấy có hành vi hào hiệp (Thằng Trung); một buổi đi bắt ốc đêm trăng (Đêm hè trên sông quê); các bạn cùng lớp cho áo để Thuỳ có một “Mùa đông ấm áp”; một con chim nhặt được trả lại vì nó nhớ thương chủ cũ (Chủ cũ); niềm vui được đi học của Gạo… tất cả giản dị, trong trẻo, chân thành lắm. Ấy là văn.
Đặc biệt là viết cho thiếu nhi. Chị không rơi vào tình trạng “dùng dao mổ trâu giết gà” như một số người. Giọng văn đằm thắm, đôn hậu đầy nữ tính cũng là mặt mạnh của chị. Đây là tâm trạng một cô bé ngồi ngắm mưa: “Bỗng thấy thương vô cùng những bong bóng nhỏ to phập phều trôi nổi chỉ phút chốc đã lặn mất tăm trong dòng nước”. Hoặc: “Mưa dần nặng hạt, bạn tôi vẫn chưa về. Trên cánh đồng trắng xoá màn mưa ấy, Nhi đang dùng đôi tay bé nhỏ của mình bới tìm cái ăn cho cả gia đình. Biết đến bao giờ cảnh khổ buông tha Nhi, trả lại cho bạn đôi tay với những ngón thon dài hình chiếc bút xinh xinh? Ôi! Đến bao giờ?… Thương quá, đôi tay đầy những vết xước, Nhi ơi…!”
Từ khi thực sự cầm bút đến giờ, quãng 5, 6 năm nay, tác phẩm của Nguyễn Thị Lệ Thu có mặt hầu khắp trên các báo, tạp chí, đài phát thanh, mục viết cho thiếu nhi. Những điểm mạnh trên của cây bút nữ mê viết này, tưởng không cần nói thêm. Vùng đất màu mỡ ấy chị còn khai thác nhiều. Nếu muốn góp ý, tôi nghĩ: sao chị không cài những giấc mơ, những huyền thoại vào cái nền hiện thực vững chãi đó. Bởi vì, đề tài sẽ mở ra không ngừng, và điều này quan trọng hơn: với người cầm bút, hiện thực là cái ẩn đằng sau những gì trông thấy, lòng tốt không chỉ dừng lại ở cho áo, cho ăn - ngay cả với đứa trẻ! Phải, ngay cả với trẻ em…
* Nhà xuất bản Trẻ, 2001.
Lê Hoài Lương
Theo http://www.baobinhdinh.com.vn/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Gió mùa – Tạp bút Phương Uyên 25 Tháng Mười Một, 2023 Một mình lang thang chiều cuối thu. Cơn gió đầu mùa đã về mang theo những không ...