Chủ Nhật, 15 tháng 4, 2018

Tâm hồn và vốn sống trong sáng tác bài hát

Tâm hồn và vốn sống trong sáng tác bài hát
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn có lần nói: Một bài hát hay chính là kết quả của một quá trình tích lũy vốn sống và cảm xúc đã đến lúc chín mọng. Còn những luật lệ, kỹ thuật chỉ là những điều kiện để "bảo đảm" xây dựng một tác phẩm trọn vẹn.
Nguyễn Đức Toàn kể về bài Tình em biển cả rằng: “Tôi đi biển đã nhiều, từ cái ngày hải quân của ta chỉ vẻn vẹn mới có mấy cái thuyền gỗ. Sau mỗi lần đi ấy tôi thường viết một hai bài hát về biển, nhưng chẳng có bài nào hay.
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn
Mãi đến năm 1975, trong những ngày hòa bình đầu tiên trên đất nước tôi lại có dịp ra biển… Biển trong những ngày ấy thật tuyệt đẹp: sóng, nước, mây, trời… và dường như chưa có bao giờ tôi thấy biển đẹp như hôm ấy.
Tôi khẽ thốt lên: "Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay, non nước mây trời lòng ta mê say…". Bài hát cũng mở đầu bằng những chữ ấy. Rõ ràng tôi đã viết từ một ý nghĩ, một cảm hứng chợt đến, nhưng phải đâu là một lần đầu tiên gặp biển, ngược lại đó là kết quả của một sự thu nhận lâu dài, lặp đi, lặp lại nhiều lần qua những lần đi biển và bài ca ấy thành công khi cảm xúc về biển đã chín, đã tràn đầy những yêu thương…”.
Nhạc sĩ Đỗ Nhuận trong cuộc đời hoạt động âm nhạc của mình đã tổng kết có năm điều cần thiết đối với người sáng tác: "Ví như người có năm ngón tay thì mới có bàn tay sáng tạo". Năm điều đó là: Đi, Nghe, Đọc, Học, Viết.
Đỗ Nhuận kể, năm 1952 trong một chuyến đi chiến dịch với một nhà thơ có am hiểu về âm nhạc dân tộc, trên đường, hai người hát nhiều các bài dân ca theo nhịp chân bước.
Đỗ Nhuận xướng một câu hát theo điệu hề mồi mà anh thuộc từ nhỏ: Ai về Phú mi tỉnh Hưng Yên(sol, rê, sol, là, đồ, rê). Hát xong, ông bỏ lời ca rồi xướng âm theo điệu nhạc nhưng mạnh hơn theo lối diễn tả của hành khúc, xong Đỗ Nhuận hỏi nhà thơ:
- Nghe có dân tộc không?
- Rất rõ!
Đỗ Nhuận lại hỏi:
- Nghe có hùng mạnh không?
- Rất hùng mạnh!
Đỗ Nhuận khẽ reo lên: thế là tìm ra rồi. Tại sao không dựa vào kinh nghiệm của dân ca Việt Nam mà xây dựng hành khúc Việt Nam, sao cứ bị bó hẹp và luẩn quẩn với điệu tính trưởng và tiết tấu phương Tây.
Cách vài tháng sau chuyến đi với nhà thơ ấy, Đỗ Nhuận theo bộ đội hành quân lên Điện Biên Phủ. Lúc đó anh cùng hành quân với đơn vị X. từ Thái Nguyên qua sông Hồng, sang địa phận Yên Bái.
Cấp trên phổ biến cho cán bộ và chiến sĩ: "Chúng ta hành quân đi đánh Trần Đình". Mọi người đoán non đoán già là hành quân nghi binh qua Nghĩa Lộ rồi quật về đánh ở vùng đồng bằng, vì trong danh địa ở miền Bắc không có địa phương nào tên là Trần Đình cả.
Mọi người xôn xao bàn tán. Hồi đó anh em chiến sĩ còn mặc quần áo nâu, đi dép cao su, trong đêm trăng, vai đeo ba lô, gạo, đạn và súng vẫn bước đều. Cán bộ chính trị của đơn vị biết rõ thắc mắc của chiến sĩ mình nên nói một câu động viên: “Đời chiến sĩ đâu có giặc là ta cứ đi!”.
Đỗ Nhuận đi trong hàng quân cũng vừa có thắc mắc như anh em, lại lo tìm đề tài sáng tác. Câu nói giản dị nhưng sâu sắc đó gợi ngay cho Đỗ Nhuận một chủ đề sáng tác. Anh lấy đó làm câu kết và viết trước vào sổ tay:
“Đời chúng ta, đâu có giặc là ta cứ đi!”
Sau đó nghĩ đến hai câu mở đầu theo thể thất ngôn:
“Hành quân xa (dẫu) qua nhiều gian khổ
Vai vác nặng, ta (đã) đổ mồ hôi…”
Viết xong một đoạn Đỗ Nhuận đề nghị anh em cùng hát theo. Sau đó ông viết tiếp lời hai:
“Dù đôi chân qua những chặng đường có mỏi…”
Hành quân đến Sơn La, đơn vị tạm nghỉ ở bản. Đỗ Nhuận tranh thủ đi thăm lại nhà tù Sơn La, nơi cách đây mười năm anh bị Pháp bắt giam. Ngồi trên nền xi măng cũ trong nhà tù hoang tàn, anh viết tiếp lời ba và lời bốn:
“Bọn xâm lăng (nó) gây nhiều đau khổ
Kia đồng bào (đang) mắt đỏ chờ ta”
Rồi hành quân. Cứ như thế vừa đi Đỗ Nhuận vừa hoàn chỉnh bài hành khúc, anh ghi nhạc bằng chữ số vào sổ tay. Thoạt đầu nét nhạc theo bước nhịp đi của anh, bước chân tuy không nhanh nhưng chắc chắn, quả quyết.
Giai điệu âm nhạc ở đây giản dị tự nhiên xây dựng hành khúc dựa trên chất liệu dân tộc mà ông đã học được ở điệu dân ca hề mồi từng có dịp trao đổi với nhà thơ nọ hồi năm 1952, theo quãng 7 (son la). Lúc đầu bài hành khúc có tên Đâu có giặc là ta cứ đi sau đổi là Hành quân xa.
Huy Thục cũng là một nhạc sĩ đi nhiều, có mặt ở nhiều chiến trường, nhiều địa phương: Cảm hứng sáng tác chân thực của ông bắt nguồn từ trong thực tế cuộc sống chiến đấu và sản xuất. Năm 1968 Huy Thục vào mặt trận đường 9.
Nhạc sĩ Huy Thục
Thời gian đầu ông chưa biết viết gì trước cuộc sống phong phú và hào hùng quá. Viết về những trận đánh? Những con người ở đây ư? Nhưng dưới khía cạnh nào? Nếu không khéo sẽ rất dễ sa vào chung chung, nghèo nàn…
Vốn có kinh nghiệm khai thác tài liệu sống. Huy Thục lân la xuống các đơn vị, gặp gỡ chiến sĩ cùng sinh hoạt với họ và hỏi đủ thứ chuyện trên đời. Một buổi trưa nóng bỏng ở đất Quảng Trị các chiến sĩ rủ Huy Thục đi tắm.
- Tắm ở đâu
- Dưới chân đồi, suối La La!
Mới nghe đến chữ "suối" cái nóng như dịu bớt trong đầu ông. Hình ảnh con suối tỏa mát ngay trong tâm trí. Những nét cười hồn nhiên thanh thản của những nét mặt trẻ măng. Một sự thanh bình, yên ắng trong tâm hồn: “có một thực tế tồn tại - có những phút thảnh thơi, tươi roi rói của sự nghỉ ngơi giữa hai trận đánh”. Thế là Huy Thực nắm ngay cái "tứ" này để miêu tả cuộc sống chiến đấu của người chiến sĩ.
Ông phát hiện ra chất lãng mạn khỏe khoắn có thực trong đời sống chiến đấu ở đây. Những nốt nhạc và lời ca đầu tiên hình thành như một tiếng thốt ra từ cửa miệng đầy hân hoan, ngỡ ngàng: “Ơi! Dòng suối La La. Nước trong xanh hiền hòa…”.
Cảm xúc trữ tình đó đi suốt bài ca, như một câu chuyện kể, bắt đầu từ con suối, Huy Thục đưa vào câu chuyện chiến đấu, kể về chiến công oanh liệt của mười dũng sĩ trong tiểu đội anh hùng Bùi Ngọc Đủ trên ngọn đồi không tên tiêu diệt một tiểu đoàn lính thúy đánh bộ Mỹ.
Bài hát Dòng suối La La ra đời từ buổi đi tắm ấy và được văn công xung kích hát phục vụ ngay. Sau này, mỗi lần đi tắm ở suối, các chiến sĩ lại ngân nga: “Ơi, dòng suối La La, nước trong xanh hiền hòa…”.
Một lần khác, Huy Thục vào tây Khe Sanh không khí chiến trường thật náo nhiệt. Bộ đội dân công ngược xuôi như đi trẩy hội. Những cô gái Vân Kiều đi tải lương gùi đạn trên vai có cả cây đàn Ta lư.
Huy Thục ghi nhận ngay hình ảnh độc đáo đó: “Đàn Ta lư cùng hành quân ra trận”. Nhưng anh chưa tìm ra cấu tứ cho một sáng tạo nào đó. Hình ảnh đàn Ta lư ra trận cứ sống mãi trong tâm trí và để lại đó.
Sau khi có Dòng suối La La, anh lại quay về hình ảnh cây đàn. Huy Thục suy nghĩ: “Hay là hãy bắt đầu từ cây đàn để nói đến cuộc sống của chị em, sự đóng góp của chị em dân công cho chiến thắng ngày hôm nay”.
Một lần nữa Huy Thục lại đi sâu vào tìm hiểu cuộc sống đầy gian khổ của những người dân công tải lương, gùi đạn. Đi trong bom đạn, có khi đi hàng tuần trong những cánh rừng không dân, trong những ngày mưa dông nắng gắt. Gùi gạo nặng trĩu trên vai có lần phải nhịn đói hoặc ăn rau rừng thay cơm nhưng không ai tơ hào đến một hạt gạo của tiền tuyến.
Thế mà cuộc sống vẫn phơi phới, vẫn tràn đầy tiếng hát, tiếng cười.
Một buổi sáng trở dậy, nhìn ra bìa rừng phía núi, Huy Thục đã ghi vào sổ tay của mình cái hình ảnh ông đang thấy: “Từ trên đỉnh núi cao, nhịp nhàng thánh thót lời ca trong tiếng đàn Ta lư, theo nhịp bước quân đi”.
Cảm xúc tươi nguyên từ cuộc sống được ông đem tất cả vào bài hát, chỉ thay đổi chút ít cho phù hợp với âm nhạc: “Từ trên đỉnh núi cao chon von, thánh thót nhịp nhàng vang lời em ca. Theo nhịp bước quân đi trong tiếng đàn Ta lư…”.Cứ thế Huy Thục ghi chép, suy nghĩ, xúc động rồi lại ghi chép.
Cuối cùng bài hát Tiếng đàn Ta lư ra đời. Hình ảnh được kết lại ở mối tình gắn bó giữa hậu phương và tiền tuyến, là sự lạc quan, yêu đời của chị em dân công hỏa tuyến, tất cả được mở ra và gói lại bằng tiếng đàn “tính, tính, tính”…
Bài hát ra đời được nữ diễn viên Vân Anh cùng đi với Huy Thục biểu diễn ngay tại các đơn vị dân công. Từ ngày hôm ấy các cô dân công Thái Bình, Nam Hà, Thanh Hóa… trên đường đi tiếp vận khi đặt gùi xuống, lúc vác gùi lên miệng hát vang: “Đi chiến trường gùi trên vai nặng trĩu. Đàn Ta Lư em cất tiếng ca vui cùng núi rừng…” thay cho hiệu lệnh: Nào, ta lên đường!
Khi kể lại trường hợp sáng tác Tiếng đàn Ta lư, Huy Thục nói: “Sáng tạo nghệ thuật ư? Thực ra tôi có sáng tạo gì lắm đâu. Tôi chỉ cố gắng ghi lại cuộc sống bằng âm thanh qua cảm xúc của mình thôi”.
Đó là một cách nói khiêm tốn, nhưng có phần đúng. Sở dĩ Huy Thục có suối La La, Tiếng đàn Ta lư bởi cuộc sống đã tràn vào tâm hồn anh, tràn vào bài hát một cách tự nhiên đến nỗi không thể tách nổi đâu là tác phẩm đâu là cuộc đời. Tất cả những cái đó được liên kết và đến lúc nào đó thì phát ra thành lời ca.
Trong một số anh em sáng tác trẻ chuyên và không chuyên có người băn khoăn bản thân công tác ở một ngành rất lâu lại có khả năng sáng tác nhưng sáng tác không hay về đề tài đó. Trái lại, có một số nhạc sĩ chỉ cần đi thâm nhập thực tế một thời gian lại có sáng tác hay về đề tài ấy. Có phải vì tài năng không? Hay vì một nguyên nhân nào?.
Nhạc sĩ Đỗ Nhuận
Nhạc sĩ Đỗ Nhuận trả lời, yếu tố khả năng sáng tác chỉ là một phần quyết định về chất lượng của tác phẩm. Điều quan trọng là cách nhìn vấn đề trong khi đi thực tế, từ thực tế biết lấy ra cái gì cần phải lấy.
Và ông kể về trường hợp của mình khi một số nhạc sĩ đi sáng tác về đề tài lương thực. Cả đoàn được đi thăm ba, bốn địa phương khác nhau, được thấy người thực việc thực, được nghe nhiều mẫu chuyện sống, được gặp điển hình, lại được học về chính sách lương thực, v.v… mà vẫn chưa có cảm xúc khởi đầu.
Trong đoàn, nhiều anh em đã viết xong hoặc sắp xong, riêng ông chưa viết được dòng nào. Tuy vậy ông cũng không sốt ruột, vì kinh nghiệm bản thân cho thấy là không nên vội vàng, không nên "làm thay công việc của người khác", phải kiên trì tạo cho mình có sự rung cảm thực sự rồi mới viết.
Một hôm ông về quê nội cùng với một đồng chí bên ngành lương thực tìm hiểu tình hình công tác này ở xã nhà. Hồi đó mặc dầu mùa màng của xã không tốt lắm, có nhà còn thiếu thốn nhưng nghĩa vụ lương thực đối với Nhà nước thì nhà nào cũng làm đầy đủ, nhanh chóng và tự giác.
Ông đến thăm gia đình một bà cô có hai con trai đi bộ đội, con gái ở nhà đảm đang công việc gia đình, hợp tác… Và mọi người đều coi được đóng góp lương thực là một vinh dự.
Trước đây, đến một số địa phương khác, ông cũng đã gặp nhiều người như vậy, song lúc đó ông còn cho rằng cán bộ hỏi thì bà con trả lời thế thôi, chứ không biết trong bụng bà con có người lại nghĩ khác.
Lần này về chính quê mình, được nghe người thân nói với mình sự thật, không hề dè dặt: "Mình bớt ăn đi một chút để cho con cháu mình ngoài tiền tuyến được ăn no". Nghe câu này, ông rất cảm động và thấy được tình cảm chân thực của con người mới, mình có rung cảm theo sự chân thực đó thì mới sáng tác được.
Thế là sự hiểu biết về công tác lương thực cộng với sự rung cảm đó đã gây men cho ông sáng tác và thực sự biến thành tình cảm của mình. Bài Hạt thóc là hạt vàng đã được ra đời trong một quá trình dài như vậy.
60 năm qua, âm nhạc đã và đang được phát triển không ngừng trong sự nghiệp cách mạng của quần chúng, đã có hàng trăm ngàn bài hát ra đời được quần chúng ưa thích, vì chính nó đã được thai nghén và ra đời trong quá trình lao động nghiêm túc và đầy trách nhiệm bắt buồn từ cảm xúc chân thực về cuộc sống mới con người mới của các nhạc sĩ nổi tiếng đi trước.
Những ghi chép tản mạn tuy chưa đầy đủ trên đây phần nào có thể cung cấp kinh nghiệm cho những bạn sáng tác trẻ phấn đấu có những bài hát hay phục vụ tốt các nhiệm vụ quan trọng của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước cũng như hòa nhập quốc tế hiện nay.
Dân Huyền
Theo http://baicadicungnamthang.net/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

"Trăm năm một thuở": Lời tri ân sâu sắc đến người thầy của bao thế hệ

"Trăm năm một thuở": Lời tri ân sâu sắc đến người thầy của bao thế hệ Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Giáo sư, Nhà giáo nhân dân,...