Chủ Nhật, 15 tháng 4, 2018

Tiết Thanh Minh, đọc và ngẫm Kiều của Nguyễn Du

Tiết Thanh Minh, 
đọc và ngẫm Kiều của Nguyễn Du
Thanh Minh là một trong những cái Tết (Tiết) quan trọng của người Á Đông xưa. Nền văn hóa xưa là Văn hóa Thần truyền. Mọi phong tục, lễ nghi quy phạm Đạo Đức của người xưa đều xuất phát từ Tin vào, Kính ngưỡng vào Thần. Do đó, mọi tập tục, với người xưa đều là sợi dây dẫn năng lượng nối con người vào Thế giới của Thần.
Xã hội hiện đại sống với nhịp sống hối hả. Văn minh vật chất đề cao hưởng thụ và tự do cá nhân đã làm cho các sinh hoạt văn hóa mang đậm sắc màu Á Đông cứ nhạt dần và có nguy cơ bị tiêu biến.
Do quan niệm tất cả những gì không sản xuất ra được sản phẩm vật chất là lạc hậu nên tư duy con người hôm nay bị thống trị bởi khoa học thực dụng. Không khoa học nghĩa là Mê Tín.
Các môn đệ của Đạo Gia cho rằng nếu Cơ Tâm thay thế cho Pháp Tâm thì đó là sự phản bội, sự quay lưng với Thần. Và con người sẽ bị Thần hủy diệt.
Thanh Minh để hưởng thụ cái hạnh phúc của Thiên Nhân hợp nhất
Thanh Minh là khoảng thời gian cuối xuân, tháng Ba âm lịch. Nhân gian thường tổ chức Lễ và Hội. Người ta làm Tết cho người đã khuất và trai thanh nữ tú ra giữa đồng cỏ xanh của đất trời để hưởng thụ cái hạnh phúc của Thiên Nhân hợp nhất.
Đỗ Mục thời Đường có bài “Thanh Minh” rất nổi tiếng:
清明
清明時節雨紛紛,
路上行人欲斷魂。
借問酒家何處有?
牧童遙指杏花村。
Thanh minh
Thanh minh thời tiết vũ phân phân,
Lộ thượng hành nhân dục đoạn hồn.
Tá vấn tửu gia hà xứ hữu?
Mục đồng dao chỉ Hạnh Hoa thôn.

(Ảnh: Facebook.com)
Dịch nghĩa
Tiết thanh minh mưa rơi lất phất
Người đi trên đường buồn tan nát cả tấm lòng
Ướm hỏi nơi nào có quán rượu
Trẻ chăn trâu chỉ xóm Hoa Hạnh ở đằng xa
Dịch thơ
Thanh minh lất phất mưa phùn
Khách đi đường thấm nỗi buồn xót xa
Hỏi thăm quán rượu đâu à?
Mục đồng chỉ lối Hạnh Hoa thôn ngoài.

(Tương Như dịch)
Nguyễn Trãi cũng có bài thơ cùng đề tài:
清明
一從淪洛他鄉去,
屈指清明幾度過。
千里墳塋違拜掃,
十年親舊盡消磨。
乍晴天氣模稜雨,
過半春光廝句花。
聊把一杯還自彊,
莫教日日苦思家。
Thanh minh
Nhất tòng luân lạc tha hương khứ,
Khuất chỉ thanh minh kỷ độ qua.
Thiên lý phần doanh vi bái tảo,
Thập niên thân cựu tẫn tiêu ma.
Sạ tình thiên khí mô lăng vũ,
Quá bán xuân quang tê cú hoa.
Liêu bả nhất bôi hoàn tự cuỡng,
Mạc giao nhật nhật khổ tư gia.
Dịch nghĩa
Từ khi lưu lạc quê người đến nay,
Bấm đốt ngón tay tính ra tiết thanh minh đã mấy lần rồi.
Xa nhà nghìn dặm không săn sóc phần mộ tổ tiên được,
Mười năm qua bà con thân thích đã tiêu tán hết.
Tạnh cơn mưa mây, trời chợt sáng,
Hoa đồ mi đã quá nửa chừng xuân.
Hãy cầm lấy chén rượu mà gượng uống,
Ðừng để ngày ngày phải khổ vì nỗi nhớ nhà.
Dịch thơ
Tha hương đất khách từ lưu lạc,
Bấm đốt thanh minh đã mấy lần.
Muôn dặm mộ phần khôn viếng lễ,
Mười năm thân thích cứ vơi dần.
Mưa rào đổ tạnh, đang vào tiết,
Hoa đẹp đơm bông, quá nửa xuân.
Gượng chén tay nâng khoây khỏa chút,
Nỗi nhà nỗi khổ liệu xua tan.

(Ngô Văn Phú dịch)
Thanh Minh của Nguyễn Du
Nhưng có lẽ nổi tiếng nhất là những câu thơ tuyệt vời trong “Truyện Kiều” của Đại thi hào Nguyễn Du.
Hầu như bất cứ người Việt Nam nào cũng ngâm nga được vài câu trong đó!
Cái độc đáo của Xuân ở đây không phải là một ngày xuân, một khoảnh khắc Xuân, một cành hoa Xuân sung mãn, diệu kỳ, điển hình. Nó là ngày xuân của tiết Thanh Minh.
Đúng là cảnh của một ngày trong mùa xuân muộn. Nó rất riêng, rất đặc trưng về một ngày chơi xuân của 3 chị em Thúy Kiều.
Chị em Thúy Kiều. (Ảnh: Pinterest.com)
Đây không phải là cảnh MÙA XUÂN. Chúng ta thường dễ dãi đồng hóa cái ngày Xuân rất cụ thể này thành một ngày xuân nhàn nhạt vô hồn. Ở đây, ngày xuân có sáng, có chiều, có lễ, có hội, có 3 chị em, có cái nhìn và tâm sự rất riêng tư của Kiều, có Kim Trọng, có Đạm Tiên, có đêm xuân thổn thức, có sáng hôm sau chim hót xa gần và có cả bông hoa liễu “bay sang láng giềng làm mai, làm mối”..
Đó là một ngày xuân cụ thể với rất nhiều những sự vật, tâm trạng cụ thể mà chỉ qua thiên tài họ Nguyễn mới có thể tạo nên một bức tranh với một cái nhìn đầy ý nghĩa.
Mùa xuân thường có những dấu hiệu quy ước. Nào là chim én lượn, cây nảy chồi, trời xanh nước biếc; nào là hoa đào, hoa mai nở rộ, nào là cỏ non dợn sóng với gió xuân mát rượi…
Có thể nghe lại “Mùa Chim Én Bay” này để thấy cảm xúc xuân thông thường của tuổi trẻ:
“Khi gió đồng ngát hương rợp trời 
chim én lượn
Cây nẩy mầm chồi xanh, mây trắng bay 

yên lành
Em chợt đến bên anh dịu dàng 

như cơn gió nhẹ
Và lòng anh để ngỏ cho tình em mơn man
Em là cách én mỏng chao xuống 
giữa đời anh
Cho lòng anh xao động thành mùa xuân ngọt ngào
Em về én lại xa mùa xuân không ở lại
Bên em anh gần mãi nên đời vẫn ớ ơ… đời vẫn xuân trào”…
Nguyễn Du cũng nói về chim én trong cảnh mùa xuân:
“Ngày xuân con én đưa thoi”
Ngày xưa, dệt vải cần có con thoi. Có tài liệu còn mô tả con thoi ấy giống hình con chim én. Tấm vải được căng trên khung có những sợi tơ chiều dọc. Đây là dây KINH. Vì nó dường như cố định và phải liên tục nhấc lên nhấc xuống cho nên người ta phải lựa chọn những sợi tơ có chất lượng. Chúng bền hơn, khó đứt hơn.
Người ta dùng con thoi lao qua lao lại theo chiều ngang để dệt nên tấm vải. Những sợi ngang này là sợi VĨ.
Đây là lý do chữ KINH có nghĩa mở rộng chỉ những gì quan trọng, chắc bền. Ta nói Kinh Sách; thậm chí dân tộc Việt chiếm đa số người trong 54 dân tộc anh em, ta thường nói đó là dân tộc KINH.
Việc dệt vải không phải là công việc thú vị gì. Cũng như xay lúa, đi cày, người xưa đã rèn cho mình đức tính Nhẫn nại vô song…
Người dệt vải thuần thục, thì gieo thoi qua lại như là một bản năng. Thoi đi rất nhanh.
(Ảnh: Pixabay.com)
Mùa xuân mới về đó mà giờ đây thời khắc ngày tháng qua nhanh như thoi đưa. Có một chút ngậm ngùi: Xuân cũng hạn cuộc ba tháng như Hạ, Thu, Đông mà thôi. Trời đất vốn vô tình đâu có chiều theo cái chữ Tình của con người mà vận tác..
Hình như con én của Nguyễn Du chỉ là một đơn vị. Xuất hiện nhỏ nhoi trên bầu trời của những ngày xuân muộn, xuân tàn. Một con én mang thân phận trả nợ thế gian. Nó không bay lượn khoáng đạt tự do mà phải dệt những sợi VĨ cuối cùng cho tấm vải mùa Xuân. Nó không phải là con chim én trong bài hát kia chao nghiêng, chấp chới lời yêu lứa đôi.
Xuân cô đơn, xuân đang đi những bước cuối cùng. Đó là Cái Xuân của riêng Nguyễn Du dùng nó cho một ngụ ý trong tác phẩm.
Quả vậy, cái ngày xuân nay: “Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.”
Tra từ điển hai tiếng “韶光 sháo guāng” (thiều quang) nghĩa là cảnh xuân tươi đẹp, tuổi xuân phơi phới.
Muốn rõ hơn chữ THIỀU, ta cần tìm hiểu nghĩa của nó. THIỀU có nghĩa là:
1. (Danh từ) Tên một khúc nhạc của vua Thuấn nhà Ngu. Sách “Luận Ngữ” có viết: “Tử tại tề văn THIỀU, tam nguyệt bất tri nhục vị, viết: Bất đồ vi nhạc chi chí ư tư dã 子在齊聞韶, 三月不知肉味, : 不圖為樂之至於斯也 (Thuật nhi 述而) Khổng Tử ở nước Tề nghe nhạc Thiều, ba tháng không biết mùi thịt, bảo: Không ngờ nhạc tác động tới ta được như vậy.
2. (Danh) Chỉ chung nhạc cổ.
3. (Tính) Tốt đẹp. ◎ Như: thiều hoa 韶華, thiều quang 韶光 đều nghĩa là “quang cảnh tốt đẹp” cả. § Ghi chú: Cảnh sắc mùa xuân, bóng mặt trời mùa xuân, tuổi trẻ thanh xuân cũng gọi là thiều quang.
Như vậy: Tuổi thanh xuân của con người, sắc xuân của thiếu nữ, bản nhạc xuân diệu kỳ có thể tịnh hóa tâm hồn vạn vật đã phai, đã hết đầy, đang vơi dần đi.
90 ngày rất ngắn ngủi của xuân đang hết dần. Khí vượng xuân, khí hạo nhiên của xuân, sắc của xuân, nhạc của xuân đang hết dần. Thật khó mà nói cho hết được hai tiếng “Thiều quang” trong câu thơ này!
Hai dòng:
“Cỏ non xanh rợn chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”

(Ảnh: Youtube.com)
Một mùa xuân với những điềm chẳng lành
Vẫn ngẫm rằng tại sao Nguyễn Du dùng từ “RỢN” chứ không phải “TẬN” (Cỏ non xanh rợn chân trời..). Bởi đây là một ngày Xuân của tháng thứ ba. Cỏ tưởng non nhưng thực ra nó đã “xanh rì”. Trong đôi mắt có nhiều tiên cảm về thân phận, nàng Kiều thấy có cái gì đó chẳng lành cho cuộc đời thiếu nữ của mình trong lần đầu tiên chơi xuân.
Điều này hợp lý khi câu thơ tiếp theo ta gặp một cành lê buổi tàn xuân. Hoa không chen chúc, nở rộ mà lơ thơ vài ba bông trắng còn lại.
Xuân là của Đào:
“Nhân diện đào hoa tương ánh hồng”
“Hoa đào năm ngoái còn cười gió Đông”…
Tại sao lại là hoa ?
Tại sao tối hôm ấy Kiều khóc khiến cha mẹ hốt hoảng:
“Cớ sao trằn trọc canh khuya,
Màu hoa lê hãy đầm đìa giọt mưa?”
Tại sao “Người đàn bà khóc như cành hoa lê đẫm mưa” lấy từ thơ Bach Cư Dị (Lê hoa nhất chi xuân đái vũ) Tản Đà lại viết:
“Cánh hoa lê chíu hạt mưa xuân dầm”?
Và Nguyễn Du?…
Tiện đây cũng ghi 2 câu của Chu Văn An trong bài thơ “Xuân sớm”:
“Trời xanh, cỏ biếc, lê thê.
Đầu cành hoa đỏ, đầm đìa hạt sương.”
Cây lê ở trong văn học xưa có một ý nghĩa đặc biệt. Có người tưởng các bô lão ở “Bạch Đằng giang phú” của Trương Hán Siêu vì già quá mà lê lết kéo gậy đi. Thực ra không phải.
“Có kẻ gậy lê chống trước
Có người thuyền nhẹ bơi sau
Vái ta mà thưa rằng:…”
Tháng ba âm lịch là “tiết Thanh Minh” nghĩa là “Tết Thanh Minh”.
Lễ và hội, “gần xa nô nức yến anh”
Lễ Tảo Mộ là thủ tục của cháu con đến bên mộ ông bà cha mẹ thắp hương, cúng vái, đốt tiền mã, gieo những thoi vàng bằng giấy để cho người âm có vàng, có tiền tiêu ở chốn âm gian. Đặc biệt, ngày lễ này người ta thường lấy đất đắp cho to cho cao những nấm mộ qua năm tháng gió mưa bị xói mòn hoặc bị trâu bò giẫm đạp mà sạt lở. Người ta bứng từng mảng cỏ bao quanh ngôi mộ, dùng cỏ giữ cho mộ không bị nắng mưa xóa dấu…
Ngày tảo mộ trong Tiết THANH MINH cũng là dịp mọi người ra không gian đồng nội thoáng đạt để vui chơi:
“Sóng cỏ non tươi gợn tới trời
Bao cô thôn nữ hát trên đồi
…Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi
Hổn hển như lời của nuớc mây
Thầm thỉ với ai ngồi dưới trúc
Nghe ra ý vị và thơ ngây…”
(Hàn Mạc Tử)
Người đi hội trong tết Thanh Minh ấy đạp lên trên cỏ nên gọi “hội là Đạp Thanh”. Không khí lễ và hội ấy làm náo nức mọi người: “Gần xa nô nức yến anh”.
(Ảnh: Infonet)
Ai cũng phập phồng, ai cũng đợi chờ, 
ai cũng phấn chấn đón ngày vui..
Xuân Diệu cũng dùng “yến anh” như Nguyễn Du: 
“Của yến anh này đây khúc tình si”
Từ điển ghi: Chim yến (én), chim anh (có khi đọc là oanh), hai loài chim về mùa xuân, thường hay ríu rít từng đàn. “Nô nức yến anh” ví với cảnh những đoàn người rộn ràng đi chơi xuân. Chị em Kiều cũng bị cuốn vào không khí lễ hội đó. Họ cũng chuẩn bị nhang hương, vàng mã và họ cũng rảo bộ ra không gian đồng nội mênh mông:
“Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân”
Thành phần những người đi trong tết Thanh Minh chắc có đủ nam, phụ, lão ấu; có người giàu kẻ nghèo; có quý tộc thượng lưu và cũng có dân đen lam lũ… Nhưng qua con mắt thiếu nữ, Kiều chỉ nhìn thấy: “Dập dìu tài tử giai nhân”
Những con người có thể thành đôi thành lứa, thành yến anh, thành trai tài gái sắc…”Tài tử giai nhân” như sóng biển dập dìu.
Ngựa xe có tài tử giai nhân thì chiếc này nối chiếc khác như dòng nước chảy liên tục không đứt đoạn… Áo quần ngũ sắc của tài tử giai nhân thì quấn vào nhau đan xen nhau như nêm vào xanh đỏ trắng vàng. Hội ĐẠP THANH thật nô nức thật tưng bừng: 
“Ngựa xe như nước, áo quần như nêm”
Cảnh vật của “lễ tảo mộ” gợi cho ta một không khí tan hoang, chướng mắt, chẳng hài hòa. Bức tranh xuân được thay thế bởi những những gì nhân tạo:
“Ngổn ngang gò đống kéo lên,
Thoi vàng vó rắc, tro tiền giấy bay”
Chợt nhớ tới câu thơ trong “Tràng giang” của Huy Cận mô tả địa hình:
“Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu”
Nếu Tràng giang là dòng đời nghiệt ngã của định mệnh thì ngọn gió đìu hiu như có những âm hồn khắc khoải,nó lang thang trong những gò, những cồn mả nghĩa địa. Không gian Tràng giang là không gian của rợn ngợp không bóng người. Tất cả cái đã khuất dấu lẫn cái đang bị động trôi như cành củi khô đều thụ động xuôi mái buông chèo.
Cảnh thiên tạo của cỏ, của hoa lê trắng dù tiêu sơ nhưng cũng hài hòa tinh khiết.
(Ảnh: YouTube)
Cảnh dương gian với cỏ, với hoa, với giai nhân, ngựa xe dường như biến mất. Thế giới âm gian hiện ra truớc mắt Kiều như một thoáng rùng mình để thẩn thờ:
“Thoi vàng vó rắc, tro tiền giấy bay”
Người Nghệ Tĩnh đi lễ Thanh Minh thường sắm nhiều thứ để cúng ngay tại mộ. Ngoài hương nến, hoa quả, bánh trái… thì thứ không thể thiếu là vàng và tiền bằng giấy. Có người nói “thoi vàng vó rắc” nghĩa là người ta ngồi trên yên ngựa, rắc những thoi vàng hình khối chữ nhật. Vó ngựa tới đâu vàng rắc tới đó.
Nguyễn không muốn có thế giới người ở đây, trong lúc này. Nàng Kiều đang chứng kiến một Tết Thanh Minh không còn Hội. Cái “Lễ tảo mộ” này sẽ dẫn tới mộ Đạm Tiên, sẽ cho Kiều một phập phỏng bối rối không yên…
Những câu sau là cảnh chiều một ngày xuân thanh minh của ba chị em Kiều. Tà dương đang đổ bóng hướng Tây:
“Tà tà bóng ngả về tây”
Cả ba bộ hành trở về nhà. Có lẽ những gì sắm sửa cho lễ tảo mộ đã không còn lỉnh kỉnh lích kích nữa nên bước chân thì khoan thai, cánh tay thì khoáng hoạt, phong thái thì thơ thới, vô tâm vô tư, hạnh phúc:
“Chị em thơ thẩn dan tay ra về”
Họ cứ men theo, lần theo con suối nhỏ mà ngược dòng. Nguyễn Du gọi đó là “ngọn tiểu khê” cũng như sau này ông cho Kiều ở lầu Ngưng Bích nhìn cảnh vật từ cửa biển ngược thượng nguồn:
“Buồn trông ngọn nước mới sa”
Buổi chiều, khung cảnh không còn NÉT nữa. Hình như đồng cỏ, bầu trời; chân mây mặt đất; hình như dòng suối và cảnh vật hai bên nó cứ bàng bạc xanh xanh không rõ ràng:
“Bước lần theo ngọn tiểu khê,
Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh”
Thực cảnh mờ là để cho tâm cảnh lộ diện, có cơ hội bộc lộ:
“Nao nao dòng nước uốn quanh,
Nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang”
Không phải là “tiểu khê” mà là “dòng nước”. Dòng nước uốn quanh mềm mại, duyên dáng đầy nữ tính. Dòng nước làm sao biết “nao nao”? Chỉ có lòng nhi nữ thảnh thơi thanh xuân “dan tay” cùng em mình ra về sau một ngày Thanh Minh thấy tâm trạng muốn ở muốn đi, dùng dằng mới “nao nao” như vậy!.
(Ảnh: Pinterest.com)
Đến tận chót của “ngọn tiểu khê” có ghềnh nước. Một chiếc cầu không nhỏ mà là “nho nhỏ” bắc ngang…
Tất cả cảnh vật đều thu nhỏ lại trong buổi chiều xuân dưới cặp mắt thanh xuân của người thiếu nữ. Cảnh thanh sơ mà tình lưu luyến.
Cái nhìn sao mà vô tư, sao mà dính mắc, sao mà thản nhiên nhưng vời vợi những nỗi niềm.
Nhờ những từ láy “tà tà, thơ thẩn, thanh thanh, nao nao, nho nhỏ” mà cảnh vật không còn khách quan nữa. Thật khó mà phân định rạch ròi những trạng thái của người ngắm cảnh…
Câu thơ tiếp theo, xuất hiện nấm mồ vô chủ:
“Sè sè nấm đất bên đường
Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh”
Tết tháng ba thanh minh của Nguyễn Du, của Kiều không phải và không thể là tiết tháng ba của mọi người.
Người xưa bình Kiều thường tìm tri âm tri kỷ với Nguyễn Du, với nhân vật của Ông. Các Cụ xưa thường tức cảnh sinh tình và làm thơ làm phú. NHÂN ĐỌC “CẢNH NGÀY XUÂN” CỦA NGUYỄN DU.
Ôi, Kiều ơi!
Tháng Ba Thanh Minh,
sao ngổn ngang buồn?
Hoa lê trắng thưa cành,
Chim én chao riêng một cánh,
Làm thoi đưa
dệt nốt những vô thường.
Thảm cỏ bạc màu xanh,
Ngổn ngang những oan hồn.
Đốt vàng mã
có ấm người dưới suối?
Ngọn tiểu khê
Kiều ngược dòng lặn lội,
Chiếc cầu ngang,
Cho nàng gặp Đạm Tiên
Mười lăm năm ma nào đưa lối?
Qủy nào đưa đường?

(Ảnh: Pinterest.com)
Chàng Kim yêu vội,
Sở Khanh rẽ cương,
Thúc Sinh chia nửa vầng trăng,
Bối rối
Chim Hồng gãy cánh
Từ Hải chôn chân sừng sững giữa chiến trường.
Ông quan họ Hồ
Gieo cánh hồng xuống Tiền Đường.
Ầm ầm sóng,
Dựng trời mây xám
Cuộn bão tố mưa sa
Lớp lớp những giao long …
Bè lau thiêm thiếp.
Vô thanh.
Ai oán.
Thở dài.
Đoạn trường
Nhức nhối
bi thương…
Bàn cờ thế,
ngày đoàn viên tan nát..
Chàng Kim ơi!.
La Vinh
Theo https://mb.dkn.tv/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Fukushima: Thảm họa vẫn còn tiếp diễn

Fukushima: Thảm họa vẫn còn tiếp diễn Trích từ tiểu thuyết “Trò chuyện với thiên thần” của Trương Văn Dân Ba đang ngồi đọc lại những tra...