Thứ Tư, 31 tháng 7, 2019

Hai mươi mùa nắng lạ

Hai mươi mùa nắng lạ
Đã lâu lắm rồi, tôi ít có dịp nghe nhạc hay nghe tin tức khi bước vào xe, hay đang ngồi làm việc. Dạo này, tôi thích viết nên thích yên lặng hơn, thích ngồi một mình để những dòng suy tư có dịp nối kết với nhau. Miền yên lặng hay mang tôi về vùng ký ức xanh và tôi thường chìm lĩm trong ấy! Là thế đấy, nhưng rồi âm nhạc vẫn mãi là chỗ dựa cho tôi nghỉ mệt, là nơi vỗ về tôi những khi tôi cảm thấy mình cần được xoa dịu.
Trước khi đi ngủ, tôi có thói quen mở hộp thư ra xem. Một dãy email của bạn bè xa gần hiện ra với màu đen đậm nét luôn làm tôi thấy ấm áp. Đó là một hạnh phúc thật nhẹ nhàng. Hôm nay, vừa mở hộp thư ra, bỗng dưng cặp mắt tôi dán vào email với chủ đề Hai Mươi Mùa Nắng Lạ. Mở ra mới biết đó là bản nhạc Hai Mươi Mùa Nắng Lạ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Sao tôi bị lôi cuốn vào cái email này? Chắc là cái tựa chăng?
Tôi chưa từng nghe qua bài này. Tôi không biết bài này ra đời lúc nào. Tôi mở ra nghe và tôi như bị cuốn hút vào từng chữ, từng lời. Tôi đã không ngần ngại thả hồn mình lang thang cùng với những nốt nhạc dịu êm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơnvà bồng bềnh theo tiếng hát của ca sĩ Khánh Ly. Bạn tôi biết tôi mê nhạc Trịnh với giọng ca Khánh Ly. Với tôi đó là một hài hoà đặc biệt mà tôi chưa tìm thấy một sự hài hoà nào phá vỡ được cảm nhận này trong tôi. Giọng ca của bà thôi miên tôi khi bà nhả tròn từng ca từ của từng bản nhạc Trịnh Công Sơn. Bà đã chuyển tải ý thơ, âm điệu với một cung bậc rất trầm lắng. Giọng bà không cao vút nên tôi không cần phải nhón chân, ngửa cổ để nhốt vào lòng từng nốt nhọn nhưng bà lại làm tôi cuối xuống, nhìn vào ngực mình mà nghe trái tim mình thổn thức. Tôi không hiểu nhiều về lý thuyết âm nhạc nhưng tôi biết một điều là tôi yêu giọng ca bà và yêu những lời thơ của ông Trịnh Công Sơn.
Với tôi, ông là nhà thơ. Ông chỉ mượn những nốt nhạc để chuyển tải ý thơ mình đến với mọi người. Với những ý nghĩ rất riêng của tôi, âm nhạc dễ đến với lòng người, ở lại với lòng người lâu hơn bởi những âm vực lên xuống, tiết tấu dài ngắn của nó nên ông, vì quá muốn lời thơ của mình bay bỗng, lan toả trong không gian, sống mãi với thời gian và đi vào lòng người nhanh hơn, bền vững hơn mà tình cờ ông trở thành một nhạc sĩ tài ba. Âu đó cũng là định mệnh! Và chúng ta may mắn có ông trong đời sống âm nhạc của chúng ta.
Có những bài nghe một lần rồi thôi, có bài nghe thêm vài lần, nhưng có bài cứ thích nghe đi nghe lại. Và bài Hai Mươi Mùa Nắng Lạ là một trong những bài tôi thích nghe đi nghe lại nhiều lần. Chắc có lẽ tôi bắt gặp tôi, bắt gặp bạn bè tôi trong ấy, bắt gặp nắng mưa bất chợt của Sài Gòn. Đôi khi nắng chưa đầy mà mưa đã nặng hạt, ướt nhòe cả phố, ướt vội cả vai!
Em hai mươi tuổi em là nắng
Em hai mươi tuổi em là mưa

Một ví von đẹp và ngọt ngào của tuổi đôi mươi làm ký ức xanh của tôi trôi về, đánh thức trái tim tôi. Tôi đã từng bước qua tuổi đôi mươi. Tuổi nồng nàn, tuổi chỉ biết yêu thương và nhìn tương lại lúc nào cũng hồng, cũng đầy sức sống. Đáng lý ra phải là thế. Thế nhưng cái tuổi đôi mươi của tôi và của bạn bè tôi đã không là màu hồng, màu xanh mà là một màu đen tối của một đoạn đời! Và Sài Gòn với hai mùa mưa nắng chỉ còn là hạt bụi giữa hư vô.
Em hai mươi tuổi như bài thơ
Lại một ví von quá nên thơ và lãng mạn. Như bài thơ, như bài thơ thì như thế nào nhỉ? Có phải ông muốn nói đến vẻ đẹp của chữ nghĩa. Dù bài thơ làm nhiệm vụ chuyên chở niềm vui hay nỗi buồn thì tự bản thân nó đã là một hạnh phúc sáng ngời trong trắng, một dịu dàng, một nồng nàn, một thoáng hương bay, phải thế không?
Ông làm tôi rất ngạc nhiên khi tôi hát theo. Cái quán tính bình thường của người không hiểu nhiều về âm nhạc như tôi làm tôi chia bản nhạc ra nhiều khổ thơ với từng bốn câu. Nên khi hát, nhịp của tôi lại dài thêm ở nốt cuối của khổ thứ 3. Ông bất ngờ làm tôi giật mình, lần này ông bắt ngay vào đoạn nhạc kế tiếp không cho tôi kịp lấy hơi. Một chút ngỡ ngàng nhưng thích thú! Có lẽ ông muốn gắn kết chuyện ngày xưa ấy bỗng là chiêm bao với hai mươi giấc mộng xanh hồng quá như một níu kéo vỗ về?
Và "Em hai mươi tuổi em đâu ngờ", đâu ngờ một ngày nào đó, quê hương chỉ nằm trong tâm tưởng. Và Sài Gòn với hai mươi mùa nắng lạ làm chân em bước mà phố phường ngẩn ngơ...Và năm xưa vui buồn chút phù du, có thật là phù du? Phù du như cuộc đời của mỗi chúng ta!
Đi trong lòng phố Sài Gòn, đi trong hạnh phúc quê nhà mà bỗng thấy hai mươi năm qua, ngày xưa chuyện ấy như một giấc chiêm bao. Âm điệu và lời ca sao mà quyện vào nhau tài tình đến thế. Nó ray rức, nó ngọt ngào, nó lặng đọng trong tôi đặc sệt như hồ. Nó bắt tôi sống lại một đoạn đời quá khứ của tôi ở đường Lê Thánh Tôn Sài Gòn, những lần trốn chạy.
Và "Sài Gòn xin tan nghìn dấu lệ. Cho em bây giờ mắt tình đưa". Đưa trong nỗi nhớ và trong hai mươi giấc mộng hồng chỉ còn là dĩ vãng.
Mở đầu bài nhạc với em hai mươi tuổi em là nắng, em hai mươi tuổi em là mưa như một rạng ngời của nắng và lãng mạng của mưa nhưng lại dẫn dắt tôi đến cuối bài là nghìn giọt lệ.
Đây là lần đầu tiên tôi ghi lại cảm nhận về một bản nhạc. Không biết điều gì bắt tôi làm một chuyện điên rồ này bởi vì tôi biết chắc một điều là cảm nhận là một điều gì đấy rất thật ở khoảnh khắc này và không thật ở khoảnh khắc kia nên không chắc vài phút sau đó tôi có còn bơi lội trong cùng một giòng sông cảm xúc. Nhưng có hề gì, bắt được khoảnh khắc nào đẹp trong đời và ghi lại dù khoảnh khắc ấy có bay theo gió, tan cùng mây thì khoảnh khắc ấy cũng đã là một hạnh phúc trong tôi rồi.
Bên ngoài trời đang đỗ cơn mưa. Mưa Minnesota mà nhớ quá Mưa Sài Gòn! Mưa làm ướt những hàng me tây trên những đại lộ năm xưa, một thời yêu dấu ở quê nhà. Bên tai vẫn còn văng vẳng giọng ca mê hoặc của Khánh Ly, một giọng ca rất tròn, đầy và tình cảm!
Hình như tôi đang miên man về lời nhạc hơn là điệu nhạc. Tôi chỉ có thể nói về những cảm nhận ngọt ngào khi nghe từng chữ, từng lời gói ghém trong những khuôn nhạc thật chậm rãi; thong thả đi, thong thả bước, nhẹ hẩng trong hư vô như Sài Gòn chỉ còn là hạt bụi và cuộc đời là cánh phù du!
Tôi xin cảm ơn cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và ca sĩ Khánh Ly đã cho tôi những ray rức, khoắc khoải đáng yêu với bản nhạc "Hai mươi mùa nắng lạ" mà rất tình cờ tôi nghe được.
Hai mươi mùa nắng lạ
Trịnh Công Sơn
Em hai mươi tuổi em là nắng
Em hai mươi tuổi em là mưa
Sài gòn nắng mưa em ngày ấy
Còn là hạt bụi giữa hư vô
Em hai mươi tuổi em bây giờ
Chân qua phố phường phố ngẫn ngơ
Sài gòn hai mươi mùa nắng lạ
Em mây hoang đường sớm chiều qua
Đi trong chuyện cũ ngày xưa
Trong lòng thương nhớ cơn mơ lạ kỳ
Đi trong hạnh phúc quê nhà
Chuyện ngày xưa ấy bỗng là chiêm bao
Hai mươi giấc mộng xanh hồng quá
Em hai mươi tuổi như bài thơ
Sài gòn nắng mư em chợt đến
Làm lời mộng mị giữa thiên thu
Em hai mươi tuổi em đâu ngờ
Năm xưa vui buồn chút phù du
Sài gòn xin tan nghìn dấu lệ
Cho em bây giờ mắt tình đưa
30.3.2011
Nguyễn Kim Tiến
Theo https://amnhac.fm/

Hoa quỳnh lại nở thôi em

Hoa quỳnh lại nở thôi em!
Mắt em lấp lánh một tia cười nồng nàn quen thuộc. Đêm ấy, đôi mắt em không bắt kịp thời khắc những đóa quỳnh tàn lụi vì đôi mắt ấy thuộc về nơi tôi, vĩnh viễn thuộc về…
Nàng ngồi yên lặng trước vườn hoa rực rỡ đang được soi rạng bởi những sợi nắng mỏng nhẹ lấp lánh, đó đã là thói quen. Đã từ lâu, thế giới của nàng hoàn toàn là câm lặng. Nàng không thể nói và cũng trốn mình khỏi những ồn ào ngoài kia - nơi tách biệt hoàn toàn với thế giới trong này - nơi vườn hoa mà nàng dồn hết tâm trí đang độ rộ nở và ngát hương thơm, đó có lẽ là niềm hạnh phúc duy nhất của nàng.
Tiếng đồ đạc rơi loảng xoảng phía trong căn nhà và những âm thanh ghê rợn rít lên báo nàng biết người đàn ông nàng gọi bằng ba vừa mới về đến. Cuộc sống của ông là những cơn say tràn đã kéo cuộc sống của nàng ngập sâu trong tiếng vút ghê rợn của chiếc roi mây vẫn liên tục quất lên thân thể nàng. Nàng vĩnh viễn không thể biết nguyên nhân vì đâu ánh mắt cha mình hằn học mỗi lần trút lên người nàng những cái vụt đau điếng. Một vài lần cố tìm cho ra, nàng lờ mờ hiểu được cuộc sống của mình hiện tại là kết quả của những hận thù, dằn vặt và ám ảnh yêu thương của cha nàng trong quá khứ. Nàng không trách cứ vì nhận ra sau đôi mắt hằn học kia, có lẽ nước mắt đã rơi nhiều, khổ đau đã quặn nát khối cơ nơi lồng ngực. Nàng chỉ lặng lẽ học cách nuốt nước mắt ngược, mà có khi, nước mắt nàng đã chẳng thể rơi thêm được nữa.
Nàng quay vào nhà rồi trở ra vườn hoa lúc cha mình đã đi khỏi một lúc lâu, để lại trên cánh tay và bắp chân những vết roi mây lằn ngang, lằn dọc đang rỉ máu. Đêm rồi, nàng sẽ chờ xem hoa quỳnh nở trước khi đắm mình trong cơn mộng mị.
Thời khắc nhìn hoa quỳnh nở là những giây phút tuyệt vời nhất nàng có được trong đời mình nhưng chỉ tích tắc sau, khi những đóa quỳnh héo rũ trong đêm tĩnh cũng là lúc bước chân chàng trai đó bước ra khỏi thế giới của nàng, những hi vọng vừa vụt trào dâng lại lịm tắt như chưa từng le lói. Nàng dần học cách quen thuộc với niềm hẫng hụt để bắt đầu ngày hôm sau bằng những đợi chờ, những nụ cười gượng nở vội với khách hàng ở tiệm ăn như thể đêm qua, những giấc mơ của nàng rất đẹp chứ chẳng phải cơn mộng mị ngợp ngụa trong nước mắt.
Tuổi thơ của nàng không có hình bóng hay ý niệm nào về người mẹ, không có cả họ hàng thân thích. Người duy nhất ng quen thuộc từ khi ý thức được là người cha tối ngày say xỉn thường xuyên bạo hành nàng. Nàng lớn lên hoang dại hệt cây cỏ ở cái mảnh đất vốn được mệnh danh là thánh địa của tình yêu này, dù hoang dại cỡ mấy cũng vẫn biết yêu thương. Nàng quả thực đã yêu, yêu hết mình không nghi kỵ, không đợi chờ đền đáp.
Nàng không nhớ ai đã dắt mình đến cổng trường năm nàng sáu tuổi, hình như cô giáo nhà bên tốt bụng - người duy nhất trên đời quan tâm đến Như nhưng cô ấy rời đi năm nàng mới học lớp sáu. Cũng không biết nàng xoay xở cách mấy để kiếm tiền đóng học mà cũng đến ngày tốt nghiệp cấp ba, rồi trốn cha lên Sài Gòn thi đại học. Nàng quen anh như là định mệnh. Rồi trở về Đà Lạt. Đợi… Mong…
Nàng chưa từng biết cái cảm giác gọi là yêu thương ai đó. Trong mắt nhiều người, nàng sống biệt lập, ngay đến một người bạn thân thiết cũng không. Vậy mà người con trai đó khiến nàng nở nụ cười thực sự lần đầu tiên bằng nụ cười có lẽ cũng chân thành y hệt khi nàng không biết làm cách nào để bước ra khỏi những chen lấn của Sài Gòn không quen thuộc. Anh hiểu nàng muốn nói gì chỉ thông qua cử chỉ. Anh đã quen hay giữa hai người có mối liên hệ ngầm đặc biệt? Nàng không biết, chỉ biết mình chưa từng mặn mà, lưu luyến với một ai đến thế.
Anh đã hứa sẽ đến Đà Lạt tìm nàng. Lên tàu rồi nàng mới ngớ người, nàng chưa từng cho anh địa chỉ, anh thậm chí chưa biết tên nàng, điện thoại để liên lạc Như cũng không hề có, anh tìm nàng bằng cách nào đây? Nàng muốn gọi thật to tên anh, hoặc xuống tàu để trở lại gặp anh mà không sao làm được. Hụt hẫng, nàng quen rồi nhưng sao lần này, những hi vọng vẫn cứ nhói lên?
Về Đà Lạt rồi, thời gian chưa bao giờ trôi chậm như thế. Sáng sáng nàng vẫn đến làm việc ở tiệm ăn, thi thoảng vẫn nhận những cái vụt đau điếng từ chiếc roi mây ghê rợn, vẫn ngồi đợi hoa quỳnh nở nhưng không câm lặng như trước nữa. Nàng biết cười thật tươi và có đôi lần nhìn thấy nụ cười ấy, cha nàng buông chiếc roi mây rơi theo ánh nhìn hằn học, lẳng lặng ra ngoài phố rồi đi biệt tăm mấy ngày liền.
Tôi thấy em vào một buổi sáng Sài Gòn nắng rát. Dòng người chen lấn trước một điểm học quy chế làm ánh mắt em có vẻ gì đó lạ lẫm và hốt hoảng. Với tôi, em xa lạ hoàn toàn, chiếc váy em mặc, ánh nhìn của em và khóe môi hình như không quen thuộc lắm với nụ cười. Em đẹp, cái vẻ đẹp hoang sơ và cuồng nhiệt tôi chưa từng thấy ở những cô gái nơi phố thị nhưng trầm buồn và u uẩn làm sao. Sáng đó là một sáng tôi thấy chính mình lạ lẫm. Công việc đang hối thúc nhưng tôi xuống xe, dắt em vô trong, hỏi sơ qua người hướng dẫn chung rồi dẫn em vào phòng học quy chế. Em không thể nói, tôi đã đoán đúng từ thoạt đầu mới nhìn thấy em, duyên nợ chi đây? Em không nói với tôi bất cứ điều gì, cũng không cúi đầu cám ơn, em chỉ cười mà trong nụ cười đó, tôi thấy hàm chứa bao cảm xúc lạ kì, nó vừa ngây ngô, lại vừa đằm thắm, hoang dại cứ như thể lần đầu tiên em mỉm cười chân thành với một ai đó. Tôi biết mình bị ánh mắt em mê hoặc và cuốn hút. Có bí mật gì ẩn sau ánh nhìn kia, tôi không thể đoán ra. Tôi đã hứa sẽ quay lại mảnh đất đó tìm em nhưng thoáng vụt qua, tôi còn quên hỏi số điện thoại và địa chỉ của em. Cũng may, tôi vô tình biết tên em qua một hóa đơn bán hàng mà em vô tình làm rơi: Chu Uyển Như.
Em về rồi, tôi nhớ mãi ánh mắt em xa xăm, u uẩn và những giọt nước mắt lặng lẽ khi tôi hỏi về những vết bầm lằn ngang lằn dọc trên cánh tay. Em không nói, chúng tôi không có thời gian để chuyện trò lâu hơn . Em vội vã đáp chuyến tàu đầu tiên sau ngày thi để trở về Đà Lạt, tôi rất muốn lập tức theo em nhưng không thể được. Rốt cuộc em là ai? Em sống thế nào ở mảnh đất đó? Tôi băn khoăn và nôn nóng muốn tìm cho ra.
Đợi chờ mãi, cuối cùng cũng đến ngày công trình mới ở Đà Lạt khởi công. Tôi lên Đà Lạt, đang loay hoay tìm cách gặp em thì ngay sáng hôm sau, một buổi sáng Đà Lạt lất phất mưa lạnh tôi thấy em làm nhân viên phục vụ ở một tiệm ăn sáng. Tôi mừng rỡ quên hết mọi sự, định bụng kéo em ra khỏi nơi đó để hỏi han thật nhiều nhưng thấy tôi, em không cười như lần trước nữa, chỉ lẳng lặng gỡ tay tôi ra khỏi, giúi cho tôi một mẩu giấy nhỏ rồi lẳng lặng bỏ đi. Em chỉ tôi đường tới nhà em và còn nhắc lại rất kỹ, phải đúng giờ em dặn, tôi mới được phép đến.
Tôi băn khoăn không thể hiểu nổi thái độ lạ kỳ đó và nôn nóng tìm tới em ngay sau khi giải quyết ổn thỏa một số công việc. Nhà em nằm đơn độc giữa một vùng cỏ hoa rộng lớn, bao quanh một phía còn có rạch nước trong veo, đúng thực như tôi từng tưởng tượng. Tôi thấy em ngồi lặng hướng mắt ra vườn hoa, ánh mắt vô tình lướt qua tôi, chưa kịp thấy lại cái vẫy tay của tôi, ánh mắt em chợt hốt hoảng rồi em luống cuống chạy vào phía trong. Tôi vội bước theo nhưng bị những âm thanh ghê rợn phát ra từ phía trong ngăn lại. Em đang khóc, tôi thấy tim mình nhói buốt. Tôi đứng phía cửa sau, rọi thẳng ánh nhìn vào cặp mắt hằn học của người đàn ông trạc ngoài bốn mươi đang quất lên em những cái vụt tàn nhẫn. Nom ông ta như con thú hung tợn vậy. Tôi định chạy vô rồi cướp em đến một nơi chốn thật xa nhưng nước mắt nghẹn đắng, người đàn ông đó buông chiếc roi mây rồi lừ lừ bỏ đi. Em nằm vật ra sàn, khóc nấc, một khoảng lặng yên thật lâu. Thời khắc ấy bao nhiêu thắc mắc về sự lạ kì nơi em trong thâm tâm tôi đều được hóa giải. Tôi không biết mình đã đứng nhìn em như thế chính xác bao lâu, chỉ biết tim mình lạnh buốt và đau âm ỉ…
Công trình khởi công ở Đà Lạt nên anh đến tìm nàng rất thường xuyên. Nàng có người cùng thức đợi hoa quỳnh nở hoặc lặng lẽ ngắt một nhánh hoa dại rồi cài lên làn tóc mây óng ả. Nàng nhớ lần đầu tiên anh đến tìm nàng, nàng ngỡ anh nghe những gì mình viết trong mẩu giấy nhắn. Ai dè anh đến từ rất sớm, có lẽ đã đủ để chứng kiến hết mọi chuyện. Nàng không có ý giấu anh, gục lên vai anh rồi khóc nấc. Anh lặng lẽ giấu nàng trong vòng tay rộng, nàng thiếp đi trước lúc hoa quỳnh nở nhưng đêm đó, lần đầu tiên nàng mơ một giấc mơ đẹp và trong trẻo đến thế.
Anh hỏi sao nàng đậu mà không lên Sài Gòn học? Sao không nhân cơ hội đó mà thoát khỏi những cái vụt đầy ám ảnh? Sao ánh mắt cha nàng khủng khiếp vậy? Nàng lắc đầu nguầy nguậy, nước mắt lặng lẽ rơi thêm. Nàng biết cha mình đau khổ, một nỗi tổn thương nàng chưa thể nào hiểu thấu sau cái nhìn hằn học của ông. Dù ông là người in những vết hằn dữ dội và nhiều nước mắt lên tuổi thơ nàng, nàng không oán trách, nàng sẽ vẫn gắn cuộc đời bên cạnh cha mình, chăm sóc ông vì bao nhiêu năm nay nàng vẫn tin, sắp đến ngày cha nàng đổi thay tâm tính để cho nàng hưởng chút tình thân ấm áp mà trước giờ, nàng chưa từng nếm thử.
Anh không can tâm nhìn nàng vậy nên nhất quyết kéo nàng ra khỏi những khi cha nàng có mặt ở nhà. Sau vài lần để ý, anh đã biết rất rõ. Cha nàng chỉ về nhà vào buổi trưa còn đi biệt tích. Có lần anh đưa nàng về tới, cha nàng chưa đi mà ngồi ngay phía trước vườn hoa, ánh nhìn u uẩn hệt ánh mắt nàng có lần anh bắt gặp. Thấy anh đưa nàng về, thấy cái nắm tay của anh siết chặt lấy tay nàng, ông ta không nói, chỉ lẳng lặng bỏ đi, mọi chuyện vẫn bình thường và suôn sẻ. Nàng cười nhiều hơn và những nụ cười đó làm anh vui phải biết.
Đêm nay, tôi lại đến tìm em. Cha em đã rời đi từ tầm chiều và có lẽ phải mờ sáng hôm sau, ông mới trở về. Ở quán nhậu hoặc lên rừng, em bảo không biết ông làm gì, nghĩ gì, chỉ biết rằng đã quen với điều đó.
Tôi đỗ ô tô phía ngoài rồi lặng lẽ vào ngồi cạnh em ở cái bậc thềm làm bằng gỗ cao hẳn lên so với vườn hoa. Chờ hoa quỳnh nở, tôi đã hiểu rất rõ cái thời khắc ấy có ý nghĩa thế nào đối với em. Hai năm qua, đã bao lần tôi cùng em đợi hoa quỳnh nở. Vậy mà tôi nghĩ mình vẫn chưa đủ hiểu em, chưa đủ làm em thực hạnh phúc. Đêm nay tôi cũng cùng em đợi hoa quỳnh nở rồi chớp mắt đã héo rũ, để lộ trong mắt em một tia hụt hẫng. Ngồi cạnh em, tôi thấy lòng mình nặng trĩu, tôi sắp phải luân chuyển công tác ra nước ngoài một thời gian do công việc thúc đẩy. Có thể nhanh, có thể lâu, tôi không biết trước được. Ngập ngừng mãi, tôi mới cất gọi tên em:
- Như này…
Em quay nhìn tôi bằng cặp mắt ngạc nhiên lộ rõ. Dường như rất lâu rồi, không có ai gọi tên em như thế cả. Sau một phút định thần, em cười, nụ cười dịu dàng như ánh trăng mộng mị, tôi nói tiếp:
- Anh sắp phải rời Đà Lạt một thời gian!
- Bao lâu? - em ra hiệu hỏi tôi.
- Anh không biết nữa, có thể sẽ rất lâu đấy. Công trình ở đây nghiệm thu đợt cuối rồi nhưng…
-…
- Anh nhất định trở lại tìm em.
Vai em so lên một chặp rồi rũ xuống. Nước mắt tự nhiên rớt đầy trên gò má. Tôi ôm riết bờ vai em, hôn lên những giọt nước mắt đang thi nhau rớt xuống. Tim tôi như rụng ra ngoài, một cảm giác chưa từng có ở cái thằng tôi suốt hơn hai chục năm qua. Tôi muốn nói điều gì đó để trấn an em mà cổ họng nghẹn lại không thể thốt nên lời. Lý trí bảo tôi nhất định còn cơ hội tìm em nhưng tôi lại thấy cứ như thể từ đây, em sẽ không mở cánh cửa trái tim để tôi bước vào thêm một lần nào nữa. Tim tôi đau nhói, đôi môi vội chiếm lĩnh lấy hơi thở em giá buốt giữa đêm Đà Lạt đầy sương giăng lạnh lẽo. Mắt em không nhắm nghiền mà mở to nhìn tôi, cái tia nhìn dữ dội nhất tôi từng thấy ở một người con gái.
Dưới vòng tay tôi, tôi chợt thấy em tan loãng như ánh trăng mờ ảo tan ra, chảy mải miết qua kẽ tay, phủ một lớp mỏng nhẹ lên cỏ cây, mái tóc, làn da của người con gái miền sơn cước. Nụ hôn sâu và dai dẳng. Vai em run lên từng chặp làm cái thằng đàn ông trong tôi yếu đuối quá chừng. Thì ra hoa quỳnh vừa héo rũ, tôi vẫn chưa đủ sức xóa đi cái tia hụt hẫng thoáng hiện trong đáy mắt em. Phải làm sao? Dường như tôi hơi lầm tưởng rằng mình đã làm em thực sự hạnh phúc.
Tôi nôn nóng đẩy em vào vùng cỏ mượt ướt đẫm sương đêm, nôn nóng lùa tay vô làn tóc mây óng ả, bờ môi tham lam chiếm lĩnh lấy một vùng ánh trăng tan chảy, tôi sắp xa em rồi. Tôi nghe nước mắt mình ào ra mặn đắng, cũng không hiểu được vì sao mình lại yếu lòng vậy, tôi chỉ biết mình đã gục đầu vào ngực em và cứ thế nức lên. Em hỏi vì sao tôi lại khóc khi em mạnh mẽ vậy, tôi không trả lời. Tôi thương em, và yêu nữa. Cứ nghĩ đến việc không thể thấy bóng hình em thân thuộc, không thể lo lắng cho em, không thể bảo vệ em khỏi người cha tàn nhẫn, tôi thấy mình không thở được. Cái thời khắc ấy, tôi có cảm tưởng thời gian không tính bằng giây, bằng phút nữa mà đổ ập đến một khoảnh khắc như con thác dữ dội vẫn đêm ngày gầm thét…
Chỉ còn lại bóng đêm, những đóa quỳnh vừa héo rũ…
Chỉ còn lại tôi… và em…
Anh đi rồi, nàng vẫn vậy, vẫn sáng sáng đến tiệm ăn, vẫn đêm đêm đợi hoa quỳnh nở vội nhưng niềm hẫng hụt lại dần lấp đầy nơi con tim trước giờ vẫn chỉ đập những nhịp lặng lẽ. Lẽ ra anh sắp có thể xóa đi cái tia hẫng hụt trong mắt nàng mỗi bận nhìn hoa quỳnh héo rũ. Vậy mà… anh đi vội quá. Những sợi hạnh phúc mong manh và ít ỏi nàng chưa thực quen thuộc  không cho nàng quyền hy vọng rằng anh yêu nàng cũng cần thiết như là hơi thở. Huống hồ con tim nàng hoang sơ vậy, những xúc cảm gọi là tình yêu chỉ đơn thuần là tình yêu, không vương vấn chút gì làm vẩn màu những xúc cảm ấy.
Nàng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ hối hận dù thế nào đi nữa, dù anh rời bỏ hoàn toàn, dù nàng tổn thương và thiệt thòi mấy, nàng cũng sẽ không quỵ ngã. Nước mắt có thể rơi nhưng xúc cảm không bao giờ chai sạn, niềm tin sẽ không cạn và nàng vẫn sẽ bước tiếp thôi. Nàng là ai và đã lớn lên thế nào, nàng vẫn nhớ, không có bất kỳ thứ gì trên đời lay chuyển được điều đó. Nàng có thể sống bất chấp mọi thứ, trước giờ vẫn vậy nhưng tự sâu thẳm nàng vẫn ý thực được, thiếu anh, cuộc sống của nàng đã khuyết. Vệt khuyết được che đậy rất khéo trên bề mặt nhưng thực chất rất sâu. Trái tim nàng trước lúc có anh chỉ ăm ắp thất vọng và chút hi vọng chen chân thì bây giờ, sau khi anh bước vào và lại đi qua, nó trống rỗng, hoàn toàn trống rỗng.
Cha nàng trở về vào một đêm không đặc biệt. Đà Lạt vẫn vậy, vẫn gió lạnh, vẫn bảng lảng khói sương. Ông đột nhiên mất tích ba tháng ròng kể từ cái ngày anh đi. Nàng vốn đã vô cảm với những bước ở - đi của ông trong căn nhà này nhưng lần trở về này của ông, nàng đã rất mong. Có một điều ông nên biết, cần biết và phải biết dù cho đã có những khoảnh khắc nàng căm hận cha mình và mong ông biến mất khỏi cuộc đời nàng nhưng lần này thì khác.
Nàng có thai, ba tháng kể từ cái đêm định mệnh ấy. Sự hiện diện của một sinh linh mới không làm Như lo sợ hay hoảng hốt chút nào. Tình yêu với anh có lẽ đã khiến nàng biết mình thực sự mạnh mẽ đến độ nào. Nàng không có ý định báo cho anh biết, không muốn tìm anh, không muốn đòi quyền lợi. Nàng khước từ mọi thứ có thể liên lạc với anh, điện thoại hay thư từ. Với nàng, tình yêu có lẽ giản đơn và hoang sơ hệt như con tim nàng vậy. Nếu anh muốn và nàng thực sự quan trọng, anh nhất định quay trở lại. Nàng không mơ mộng hão và luôn tin và chỉ bị thuyết phục khi sự chân thành đủ lớn.
Đứa trẻ cũng sẽ giống như nàng, luôn tiềm tàng trong mình một sức chịu đựng âm thầm và bền bỉ. Ở cái chốn này, nàng không quan tâm có ai xì xào xem đứa trẻ ấy là con của ai, nó sẽ lớn lên mạnh mẽ và hoang dại như cây cỏ vương vất hương thơm và đắm mình trong hơi lạnh. Nhưng nếu anh thực sự không quay trở lại, nàng chỉ có thể trách mình đã trao nhầm tin yêu. Nàng không đòi quyền lợi hay toan tính bất cứ kế hoạch nào. Nàng cần anh trở lại đơn giản chỉ để chứng tỏ những yêu thương nàng đã trót nhận, trót trao không mong manh và dễ lụi tàn như đóa quỳnh chóng nở chóng tàn trong đêm sương lạnh.
Bữa cơm chiều có mặt cha nàng trôi qua lặng lẽ. Nàng có thể cảm nhận một niềm vui ấm áp len lỏi qua tim. Đã bao giờ hai cha con nàng ngồi cùng mâm và ánh mắt cha nhìn nàng như lúc này, thôi hằn học và loang loáng nước. Nàng chậm rãi chìa ra trước mặt ông tờ phiếu siêu âm của thai nhi ba tháng tuổi có đề tên nàng và chờ đợi thứ gì chính nàng không biết nữa. Sự yên lặng, ơ hờ? Sự vắng mặt của cha nàng trong căn nhà này? Nàng thấy lòng mình rối bời khi bước chân cha mình khe khẽ đi vào buồng ngủ riêng. Đêm ấy, ông không say, cũng không đi khỏi…
Đêm…
Nàng có thể cảm nhận cha mình lặng lẽ đứng sau nàng rất lâu, rất lâu. Nàng còn có thể hình dung ra cả ánh mắt ông nhìn mình, không biết dùng ngôn từ nào để diễn tả nó nữa. Nàng ngồi chờ hoa quỳnh nở, có một luồng cảm xúc rất lạnh lùa qua rồi bủa vây, thít chặt nơi con tim đang rạo rực khác thường, những nhịp đập lắng xuống nhưng niềm hẫng hụt vừa đến đã đổ đầy suy nghĩ. Nàng nghe giọng cha mình âm thầm phía sau:
- Con đã yêu thực sự chứ? - Vâng! - Nếu nó không quay lại, con có hối hận không? - Không!
Nàng nhẹ nhàng gật rồi lắc sau mỗi câu hỏi của cha mình. Cha nàng thở dài, bắt đầu câu chuyện định kể với nàng bằng những lời xin lỗi. Câu chuyên bao năm nay nàng luôn muốn biết tường tận mà chưa có cơ hội - câu chuyện của mẹ nàng. Bà là ai? Tại sao sinh ra nàng đã không biết mặt bà? Tại sao nàng luôn có cảm giác thái độ kỳ cục của cha đối với nàng - cô con gái độc nhất của ông đều có liên quan đến người phụ nữ ấy?
Cha nàng lôi ra từ trong chiếc hộp bọc vải đã sờn một bức ảnh duy nhất, là mẹ nàng. Nàng nhận ra ngay mình chính là bản sao hoàn hảo của bà. Cha nàng kể bằng thứ giọng xa xôi như vọng lại từ một miền quá vãng. Gần ba mươi năm trước, cha nàng - một người đàn ông không nổi trội bỗng nhiên cưới được mẹ nàng - người đàn bà đẹp nhất vùng có biết bao nhiêu chàng trai mơ ước. Người ta đổ xô đi xem cái đám cưới lạ kỳ ấy. Rồi đồn đại, đoán già đoán non. Cha nói đã không quan tâm điều gì mà yêu mẹ nàng bằng thứ tình yêu gần như là tôn sùng, ngưỡng vọng. Vậy mà sinh nàng được một thời gian, mẹ bỏ cha đi theo người đàn ông khác. Thứ tình yêu tôn sùng đã hóa thành hận thù khôn tả. Những lời đồn đại năm xưa cha nàng không quên, có điều sự hy sinh vì tình yêu đã khiến ông bỏ ngoài tai tất cả. Lúc bấy giờ, nó chợt dội về, nó đã khiến cuộc sống của hai cha con suốt bao nhiêu năm qua chỉ hoàn toàn là căm hờn, nước mắt. Mà nàng giống mẹ lạ. Cứ đẹp mơn mởn bất chấp tất cả. Hình ảnh về mẹ nàng càng làm cha ám ảnh, căm hờn, hoài nghi. Rốt cuộc nàng là con của ai? Câu trả lời vẫn là bí mật. Câu chuyện lê thê như chính cuộc đời ông suốt bao nhiêu năm qua. Nàng thấy tim mình đau nhói, nước mắt vây bủa khiến nàng như nghẹt thở. Cha nàng cũng khóc, những giọt nước mắt rơi âm thầm suốt nhiều năm qua nhưng câu nói sau cùng của ông như tái sinh nàng lần nữa:
- Nếu con đồng ý, cha sẽ đi làm để nuôi hai mẹ con. Ta biết lỗi lầm của mình không thể chuộc lại, con đã thiệt thòi suốt hơn hai mươi năm qua rồi nhưng xin con đừng như ta, nếu gã trai đó không quay lại, xin đừng để bi kịch lặp lại với đứa trẻ, nó không có tội, ta đã nhận ra điều đó quá muộn màng - rồi cha nàng rên rỉ - Chỉ vì một chữ yêu mà sao bao nhiêu cuộc đời khổ đau và dang dở vậy?
Năm tháng nữa trôi qua, anh vẫn không hề quay lại tìm nàng, những hi vọng đứt nhịp rồi tắt ngấm. Nàng trở về lặng lẽ như những tháng ngày cũ nhưng chỉ là vỏ bọc bề ngoài. Vết thương lòng cứ thản nhiên nhưng thực ra đang rỉ máu, đau âm thầm, chính là niềm hẫng hụt cứ tăng dần lên sau mỗi đêm nàng nhìn hoa quỳnh héo rũ.
Tôi quay lại Đà Lạt tìm em sau hơn nửa năm xa cách, chúng tôi không hề liên lạc. Nói đúng hơn, tôi không thể thuyết phục em. Em muốn tôi đến tìm em thay vì những dòng tin nhắn, em sẽ không thể đoán biết tôi thế nào.
Tôi lái xe vào trung tâm thành phố khi trờ đã tối, sương lạnh giăng kín mọi nẻo đường. Tôi thấy tim mình lạnh và nhớ em khôn tả, nỗi nhớ giăng mắc như sương, tôi sắp được gặp lại em. Em có giận tôi, có nghĩ rằng tôi quên hay phản bội em khi sau cái đêm chia tay ấy một quãng rất dài, tôi không hề quay lại?
Tôi đỗ xe trước một điểm bán xăng, bất chợt thấy bóng hình ai đó rất giống em bước vào cửa hàng bán đồ sơ sinh phía bên kia đường. Tôi dụi mắt lần nữa, đúng là em thật, gương mặt nhìn nghiêng càng đẹp lạ lùng, nhưng…
Tôi vội trả tiền xăng rồi chạy sang bên kia đường, vào đúng cửa hàng đó nhưng không thấy em nữa. Mấy nhân viên bán hàng đang kháo nhau về cô gái câm ở ngoại ô thành phố có bầu sắp đến ngày sinh mà chàng trai vẫn chưa xuất hiện, hình như đứa trẻ không có bố,…tôi thấy khối cơ phía trái lồng ngực mình đau đau. Sao tôi chẳng mảy may nghĩ đến điều đó? Sao em không nhắn nhủ gì cho tôi biết? Sao em thích âm thầm chịu đựng vậy? Hay rằng em nghĩ tôi là một gã bội bạc chỉ lợi dụng tình yêu của em? Không, không, em không thể hiểu tôi đã nhớ em đến phát điên lên. Nếu không tôi đã chẳng lái xe bảy tiếng đồng hồ từ Sài Gòn lên Đà Lạt ngay sau khi đáp chuyến bay từ một miền đất xa xôi trở về. Tôi vội đuổi theo em, tôi chạy như bay mà không thể nào nhìn ra bóng hình thân thuộc ấy, một nỗi hoang mang vừa đến khiến tôi như nghẹt thở. Mãi khi nhà em thấp thoáng gần lại, tôi mới thấy em. Em đứng trước cổng nhà, người đàn ông trạc ngoài bốn mươi bước ra, cười hiền rồi đưa tay đỡ túi đồ em đang mang, là cha em. Tôi hơi ngạc nhiên nhưng nhìn ánh mắt kia, tôi lờ mờ đoán ra mọi chuyện. Tôi nhớ mình đã đứng lặng rất lâu trước cổng nhà em. Em có còn giữ thói quen ngắm hoa quỳnh nở chứ? Có còn cười nhiều như lúc gặp tôi chứ? Có còn nhớ tôi không? Hay tôi đã chẳng còn là gì nơi trái tim em hoang sơ, mạnh mẽ, có thể mặn nồng yêu thương nhưng cũng có thể để gió lạnh cao nguyên cuốn trôi đi ký ức.
Mãi sau, tôi mới nhận ra sương đêm ướt vai áo mỏng, em bước ra phía thềm nhà, dải tóc óng ả như phát sáng trong đêm, hoa quỳnh sắp nở rồi, tôi quyết giữ lại cái khoảnh khắc đáy mắt em tràn niềm hy vọng ấy, không để nó vợi mất đi. Hoa quỳnh có thể héo rũ trong đêm nhưng niềm hẫng hụt sẽ không có cơ hội chen chân vào đôi mắt ấy. Bước chân tôi lướt rất nhẹ trên đám cỏ mịn màng rồi tiến lại phía em. Em nhận ra vòng tay ôm không chút ngạc nhiên, không hồ hởi, không vui mừng. Tôi chỉ nhớ đáy mắt em long lanh một vùng hy vọng mới. Hoa quỳnh tàn rồi lại nở, cái chu kỳ vĩnh hằng của tạo hóa như cuộc đời con người ta nối tiếp, đan xen những thất vọng rồi hy vọng mới. Có những quãng tối thật dài nhưng trong thất vọng luôn nảy mầm hi vọng và nếu biết cách gìn giữ, yêu thương sẽ chẳng nở nhanh rồi vội lụi như đóa quỳnh kia. Yêu thương được nuôi nấng và sưởi ấm dưới ánh mặt trời không giống như những đóa quỳnh, nở rực rỡ và tàn lặng lẽ trong đêm tối. Tôi thì thầm thật khẽ bên tai em:
- Rồi hoa quỳnh lại nở thôi em…
Mắt em lấp lánh một tia cười nồng nàn quen thuộc. Đêm ấy, đôi mắt em không bắt kịp thời khắc những đóa quỳnh tàn lụi vì đôi mắt ấy thuộc về nơi tôi, vĩnh viễn thuộc về…
5/6/2014
Di An
Nguồn: TRI THỨC TRẺ
Theo http://kenh14.vn/

Nơi mùa xuân trở về

Nơi mùa xuân trở về 
Xuyên qua những khoảng mây vàng rực của ngày nắng lửa, Sơn thấy mắt mình hoa lên và đôi cánh chao nghiêng rã rời. Tiếng đập cánh mệt mỏi và đuối sức. Cả thân người muốn nhao về phía trước nhưng đôi cánh dường như sắp không cất nổi để bay lên. Sơn rùng mình nhìn những quầng lửa giăng khắp khoảng không. Một cơn gió ào qua, lửa liếm khắp mặt đất. Hoa phượng cháy bập bùng như lửa trong khoảnh khắc dữ dội. Sơn đang ở bên Tuyết, trên một cành hoa rực rỡ. Những đám lửa cuồn cuộn ngút trời khiến cho những chiếc lông vũ của Sơn như sắp cháy sém. Bỗng một tràng súng khô khốc và tàn độc vang lên, đất trời mịt mù, tăm tối. Sơn quay cuồng trong khói lửa. Mắt Sơn nhòa đi.  Máu! Máu trong hình hài của những đóa hoa bung nở đau đớn. Một chiếc lông trắng muốt của Tuyết bay là là trong không trung rồi rớt rơi dưới cỏ. Rồi đất trời trở về bình lặng như vốn có. Sơn chợt bừng tỉnh. Sơn gọi Tuyết. Tiếng gọi đập vào vách núi rồi dội lại. Sơn điên cuồng lao đi trong vô vọng. Những tiếng kêu rút ruột thả vào trời xanh. Sơn lao lên tầng cao, dáo dác kiếm tìm rồi lại sà xuống mặt đất bới chiếc lông của Tuyết vương vào cỏ.
Chỉ còn là một khoảng trống rỗng. Chưa bao giờ Sơn tin là Tuyết đã chết. Sau giây phút hãi hùng của định mệnh, Tuyết đã giạt đến chốn nào? Sơn đã mải miết bay qua bao mùa nắng mưa để mong ngày đoàn tụ. Chiếc lông mềm mượt của Tuyết vẫn đây như một sự hiện hữu. Nó mơn trớn, vuốt ve, nó dịu dàng quá đỗi. Nó mỏng manh như hơi thở của Tuyết. Nhiều khi Sơn giật mình tỉnh giấc mơ. Bóng Tuyết nhòa đi. Những giọt âm thanh đau đớn của biệt ly vút lên rồi tan vào trời đất.
Tai họa gì vừa ập xuống? Sao mình lại nằm đây? Toàn thân nhức nhối. Một giọt máu từ thân mình trào ra. Tuyết nhìn vào vết thương. Một chiếc lông vũ đã rơi từ đó. Tuyết cảm nhận rõ nỗi đau cắt da cắt thịt. Đầu óc váng vất, chao đảo. Tuyết muốn cất cánh bay lên nhưng không thể. Đôi chân run rẩy và đôi cánh rã rời. Tuyết nghe có tiếng bước chân nặng nề của ai đó. Có vật gì thật lớn khua trên cỏ thành những cơn sóng thần. Tuyết vội lê người  nép vào một búi cỏ. Không dám thở. Tim gần như ngừng đập. Tuyết nhắm nghiền mắt, chắp đôi cánh nguyện cầu. Sự nguy hiểm tiến đến mỗi lúc một gần. Nếu lúc này động đậy, dù chỉ là phả ra một hơi thở lẫn vào trong gió, thì sự sống sẽ kết thúc ngay. Sơn ở đâu? Chưa bao giờ Tuyết sợ hãi và cô độc nhường này. Tuyết muốn khóc nhưng không dám khóc.
Cuối cùng bước chân ấy cũng xa dần. Đám cỏ lặng lẽ trong tủi hờn sau một cuộc cưỡng bức thô bạo của bàn chân. Những lá cỏ dập nát, không nói. Chúng im lặng cảm nhận nỗi đau của nhau. Lá cỏ rũ thân phủ kín, Tuyết kiệt sức, thiếp đi trong hoảng loạn.
Đến hôm nay mà Sơn vẫn thấy mùi khói súng khét lẹt đâu đây. Sơn thấy tức ngực, buồn nôn. Nó là mùi của chia lìa, của ám ảnh, chết chóc. Không! Tuyết không thể chết. Nếu chết hẳn Sơn đã tìm thấy xác. Đằng này, Tuyết biến mất. Như tan vào khoảng không, chẳng để lại một dấu vết gì. Chỉ có chiếc lông của Tuyết đâm vào lòng Sơn niềm nhoi nhói. Như vậy, rất có thể Tuyết bị người ta bắt mất rồi. Trong đầu Sơn là hình ảnh một chiếc lồng chim sơn son rất đẹp. Tuyết ngồi trong đó, ủ rũ âu sầu, nước mắt lã chã rơi. Đến một ngày, nàng không chịu nổi sự cô đơn của cảnh giam cầm, nàng gục xuống và chết trong tuyệt vọng. Nghĩ đến đó, mồ hôi Sơn túa ra, lạnh ngắt. Sơn không thể để cho nàng phải chịu cảnh khổ sở như vậy được. Dù thế nào, bằng mọi giá, dù cho phải đánh đổi cả mạng sống của mình, Sơn cũng phải tìm thấy Tuyết, phải cứu nàng thoát khỏi cái địa ngục trần gian. Sơn giang đôi cánh rộng, mạnh mẽ sải những đường bay dứt khoát, dấn thân vào một cuộc kiếm tìm. Bình minh và hoàng hôn trải rộng, long lanh trong đáy mắt. Từ gốc cây phượng già, nhân chứng của cuộc chia ly, Sơn mải miết bay về phía Đông. Đó là nơi mặt trời mọc, là nơi gió xuân tràn về…
Tuyết đã cất cánh bay lên được. Tuy rằng đang rất yếu, nhưng Tuyết phải bay lên để tìm Sơn. Đám cỏ vẫy vẫy tay từ biệt. Từ hôm qua đến giờ, nó vẫn không nguôi rầu rĩ. Có lẽ, từ nay, đám cỏ sẽ trở thành câm lặng. Lời của cỏ, sẽ chẳng còn ai nghe được nữa. Tuyết bay về cây phượng vĩ. Những cánh hoa tan tác như máu. Tuyết gọi Sơn. Nhưng chỉ có tiếng Tuyết tan vào gió. Tuyết gào khản cổ. Tiếng Tuyết đặc lại thành từng giọt máu rơi xuống lẫn vào những cánh phượng ngập lối đi. Tuyết không cầm được nước mắt. Đã tự nhủ lòng phải mạnh mẽ lên vậy sao cứ yếu mềm. Tuyết đã chao liệng từ bình minh sáng tươi tới hoàng hôn tăm tối nhưng vẫn chẳng thấy bóng Sơn đâu. Tuyết đã lắng tai nghe, đã dường như nín thở để cảm nhận tiếng Sơn dù có mơ hồ vang lên đâu đó. Nhưng bặt tăm. Tất cả chỉ là những tiếng u u của gió. Tuyết run rẩy nép vào tán lá. Đêm đã buông. Hoang sơ và cô độc.
Tuyết đã bay về hướng mặt trời mọc. Tuyết có linh cảm là Sơn đang ở đó. Dù có phải bay tới tận cùng trái đất, đôi cánh xác xơ dấu bụi đường, dù cho chỉ còn là một hơi thở mỏng manh, Tuyết vẫn bay về nơi ấy.
Mặt trời cáu bẳn và rát bỏng. Tuyết như bay trên sa mạc. Từng nhịp cánh chậm chạp, gắng gượng. Hơi nóng bao phủ thân thể. Tuyết cảm thấy mình sắp thành ngọn đuốc. Những chiếc lông có thể bùng cháy bất cứ lúc nào. Tuyết vội vã sải cánh luồn vào một đám mây. Hi vọng có thể nương náu ở đó trong chốc lát.
Từ trong đám mây bay ra, Tuyết thấy cơ thể nhẹ bẫng. Không cần phải đập cánh, Tuyết vẫn phiêu du giữa lồng lộng trời xanh. Tuyết nhắm mắt, hít một hơi thật sâu cho lồng ngực căng ra, ôm trọn hương thơm thanh sạch và trong trẻo. Những đám mây trắng xốp bồng bềnh, dập dìu trôi qua. Tuyết chợt nhận ra heo may. Heo may giăng trên đôi cánh của Tuyết như những  sợi tơ. Đan vào lòng nỗi niềm vấn vít.
Tuyết đã bay tới mùa thu. Tuyết hỏi một đàn chim đi chơi xa về Sơn. Họ có gặp Sơn trên bầu trời mùa hạ không. Họ lắc đầu. Vậy bầu trời mùa thu? Họ mỉm cười. Thu ngập ngừng vừa đến.
Ừ nhỉ! Tuyết vừa bay tới mùa thu. Tuyết không gặp Sơn trên bầu trời mùa thu. Heo may làm lòng Tuyết khắc khoải. Rồi heo may sẽ kéo gió mùa về.
Sơn mải miết với những đường bay dài vô tận. Sức trai khiến Sơn bay đi mà không hề mệt mỏi. Hình bóng Tuyết cứ ẩn hiện chập chờn trong những dải mây xô đuổi nhau về một góc trời. Sơn cứ bay theo bóng Tuyết, rồi vầng mây bị gió thổi tung ra rắc khắp trời. Bóng tuyết tan đi trong sự hẫng hụt, nuối tiếc của Sơn. Đôi cánh xót xa lại đắm chìm trên những cung đường hun hút.
Sơn lặng lẽ bay qua những khu rừng ngút ngàn thăm thẳm, những đỉnh núi ôm ấp mây trắng xóa như kí ức buồn. Gặp ai, Sơn cũng hỏi về Tuyết. Họ có gặp nàng trên bầu trời mùa hạ. Họ có gặp nàng trên bầu trời mùa thu. Họ lắc đầu hoặc mỉm cười. Họ có phải là bầy chim đi chơi xa mà Tuyết vừa gặp? Họ bay qua Sơn, để lại một khoảng trống rỗng. Chợt heo may tràn qua. Sơn rùng mình vì bị bủa vây bởi những sợi tơ vô hình. Sơn hét lên, đập cánh loạn xạ rồi vút lao đi, đâm sầm vào cánh cửa mùa đông. Sơn choáng  váng trong cái rét đầu mùa dịu ngọt.
Chớm đông. Dã quỳ ngậm nắng hanh hao. Những triền hoa vàng tê dại, sóng sánh cuộn dâng trong gió. Những con đường xoắn xuýt ôm sườn núi, cô độc trong ánh vàng nhức nhối. Những tiếng chim lẻ bạn. Những tiếng chim lạc bầy.
Sơn đứng trên đồi thông. Những tán cây nhòe nhoẹt trong sương. Một màu xanh muốn tan loãng vào bóng tối. Đứng đấy và nhìn xuống. Sâu hút. Mờ mịt. Sương hay là mây bồng bềnh nơi vực thẳm? Hay là khói? Là hơi thở của những đàn chim thiên di quyện đặc? Trong đó, có hơi thở của Tuyết không? Sơn cứ nhìn mãi vào cái hố sâu trước mắt. Đến khi nó đã nuốt chửng cả bóng tối vào vòm họng. Sơn ngả lưng vào cành lá. Sương đêm ướt lạnh. Trăng cô liêu buông ánh nhìn héo hắt. Giun dế lầm rầm cầu nguyện. Cho vòng luân hồi. Cái lạnh thấm qua từng chiếc lông như châm vào da thịt. Sơn bải hoải nhớ về hơi ấm của Tuyết, về những ngày đông giá đã qua. Gió tràn đến, như hoài niệm thốc vào lòng. Những đêm đông dằng dặc như thế này, biết bao giờ mới đến được bình minh?
Tuyết sợ mùa đông. Nghe heo may giăng kín góc trời đã rùng mình vì gió mùa đông bắc. Cái lạnh sầm sập ào tới, hung hãn và tàn nhẫn, siết chặt lấy Tuyết trong giá lạnh tái tê. Những chiếc lông mềm mượt của Tuyết xù lên, tơi tả, hoang tàn như những cọng cỏ khô chấp chới giữa trời. Tuyết đã bay trên vực thẳm. Giữa mênh mông sương mù hoang lạnh. Thấp thoáng đỉnh núi đã bị che khuất bởi những dải trắng xóa. Đôi cánh Tuyết cũng trắng xóa. Nặng trĩu những sương. Tuyết đã chới với bên vực thẳm. Đã oằn mình chao liệng giữa những cơn gió bỏng rát. Bay trên bầu trời mùa đông. Ảm đạm và hiu hắt. Trước mắt Tuyết, một màn mưa xám đục. Liệu Tuyết có chết trước khi kịp đến mùa xuân?
Tuyết cất lên những tiếng gọi cô đơn. Tiếng Tuyết vút lên, chới với giữa thinh không, gục ngã trong khoảng hư vô không điểm tựa. Tiếng Tuyết hóa thành mưa, rớt ra từ đôi mắt. Tuyết đã bay qua những chuỗi ngày mòn mỏi, qua những miền câm lặng, những khoảng đợi chờ. Bầu trời rách nát không có cách gì vá víu. Tuyết vẫy vùng trong những lỗ hổng đơn côi ấy, thấy sâu hoắm một niềm khắc khoải. Bao giờ Tuyết bay về phía ấy. Về nơi có mùa xuân?
Mưa đã phủ kín thân thể. Tuyết run lên từng hồi. Chiếc chân nhỏ xíu của Tuyết lẩy bẩy không còn đứng vững trên cành nữa. Hơi thở yếu ớt. Tuyết cảm nhận rõ cái bi kịch đau đớn của bản thân. Cô đơn và tuyệt vọng. Bóng đêm bất trắc đầy cạm bẫy. Tuyết nép vào tán lá. Đôi mắt trĩu xuống. Sự tủi thân dâng lên. Sơn đang ở đâu? Một miền giá lạnh hay một trời ấm áp? Sơn đã biến mất khỏi cuộc đời Tuyết như chưa bao giờ hiện hữu. Sơn tung cánh trên cao xanh vời vợi hay gặm nhấm nỗi đau sau song sắt nhà tù? Tại sao, trên bầu trời mênh mông kia, từ mùa hạ tới mùa đông, Sơn không thả vào đó chút dấu vết nào? Để Tuyết cứ trôi dạt trong khoảng trời vô định?
Tuyết sẽ bay về phía ấy. Về nơi có mùa xuân.
Tuyết thiếp đi trong mộng mị. Những cơn mơ thon thót. Tiếng chim thảm thiết gieo vào kí ức một ngày ly tán. Những đóa hoa nhỏ máu tràn mặt đất. Tuyết giãy giụa câm nín. Bóng đêm bức tử những quầng sáng. Mưa xám chỉ còn là sương. Sương quyện đặc. Trắng xóa dâng tràn. Tuyết không còn nghe tiếng gió.
Sơn lang thang dưới trăng. Trăng suông lạnh lẽo đổ tràn nặng trĩu hai cánh. Thỉnh thoảng, Sơn phải liệng cánh để trút bớt trăng xuống dòng sông rộng. Trên đỉnh núi, tiếng sói tru trăng. Sơn nhìn con sói cô độc đang phả vào đêm cõi lòng nhức nhối. Giá mà Sơn cũng tru lên được như nó thì có lẽ Sơn sẽ nhẹ lòng hơn. Nhưng tiếng Sơn quá mỏng manh trong cái rợn ngợp của đất trời. Tiếng Sơn tan loãng vào núi rừng cây cỏ. Sơn thấy bất lực với chính mình. Biết bao mùa trăng đã qua, Sơn mải miết trên con đường thiên lý. Bỏ lại sau lưng, xa ngái ngút ngàn. Vậy mà chưa hề thấy chút gì của Tuyết ngoài một chiếc lông giờ đã xác xơ. Nhiều lúc Sơn sợ hãi. Vượt qua trùng điệp hiểm nguy, lỡ khi bay về tới mùa xuân mà Tuyết không ở đó? Nếu sự thật là vậy, tương lai đợi chờ Sơn là vậy, Sơn biết sẽ phải làm gì? Sơn sẽ gục ngã khi vừa chạm đến mùa xuân. Gục ngã vì kiệt sức và tuyệt vọng. Không! Nơi ấy mặt trời được sinh ra, là bình minh đầu tiên của cuộc đời. Lẽ nào, Sơn lại chết trong buổi bình minh ấy? Sơn lết đôi cánh mệt mỏi, đập những nhịp rã rời. Trăng đổ ào ào như mưa, ngập tràn lá cỏ.
Nhìn xa xa, Tuyết thấy một cột khói trắng ngoằn ngoèo vấn vít trong cái mờ mịt, u ám của trời đông. Mùi lửa nồng nàn và trầm ấm theo làn khói phả vào mặt, Tuyết sung sướng kêu lên. Một làng xóm nhỏ xinh đã hiện ra. Những mái nhà lợp rạ ủ dột trong bóng chiều. Nhưng Tuyết nghe thấy những tiếng xôn xao vang lên. Tuyết không biết là tiếng gì. Chỉ thấy trong lòng rộn rã. Đây đó, một vài đứa nhỏ cởi truồng, chân đất, má căng lên đỏ ửng chạy tíu tít nô đùa. Kí ức ùa về những mùa xưa cũ, khi Tuyết và Sơn mới chỉ là những chú chim non. Những lần đập cánh đầu tiên, háo hức và run sợ. Tuyết  loạng choạng rồi rơi xuống. Đau nhưng vẫn cất cánh để bay lên. Và giờ, Tuyết đã bay qua biết bao khoảng trời. Tuyết ngạc nhiên thấy bầu trời đã được ai vá víu lại cho lành lặn. Bầu trời trắng xốp như một lớp kem bông. Những khoảng rách nát đã được lấp đầy. Tuyết vội vã bay về  phía ấy.
Tuyết đáp xuống một cây rơm vàng óng ả. Êm ái và ấm áp vô cùng. Tuyết ngả lưng vào những cọng rơm. Thấy gân cốt được giãn ra và trong lòng tự nhiên trở nên thanh thản. Đúng rồi, mùi thơm của rơm đã xua tan đi bao phiền muộn. Tuyết rúc vào rơm như rúc vào lòng mẹ, nghe ngoài kia, những tiếng chim thiên di ríu rít. Hoàng hôn giăng trong mắt, một màu rơm sánh vàng như mật ngọt.
Bỗng Tuyết thấy từ trong những tiếng xôn xao đó, một tiếng gọi rất quen. Tiếng gọi phải chăng từ hoài niệm dội về trong nỗi nhớ? Hay tiếng gọi của thực tại? Tuyết ngơ ngác nhìn quanh. Chỉ thấy rơm sánh vàng như mật. Nhưng tiếng gọi phủ kín cả hoàng hôn. Tiếng Sơn, Tuyết thảng thốt nhận ra tiếng Sơn. Tuyết bối rối, giọng lạc đi, bay vút lên. Đúng là Sơn! Sơn tách ra khỏi đàn chim thiên di, lao đến chỗ Tuyết. Vỡ òa trong hạnh phúc.
Tuyết gục đầu vào bộ ngực vạm vỡ của Sơn. Sơn xòe rộng đôi cánh ôm ấp chở che. Yên  lặng. Qua những ngày giông bão. Những cọng rơm khô óng ả ánh lên trong đêm rực rỡ.
Bình minh  khe khẽ vươn lên.
Nơi ấy, mùa xuân đã trở về.
Nguyệt Chu
Theo http://thptsontay.edu.vn/

Khói trời mênh mông

Khói trời mênh mông
KỶ NIỆM 18 NĂM NGÀY MẤT 
NHẠC SĨ TRỊNH CÔNG SƠN (1/4/2001-1/4/2019)
Khói Trời Mênh Mông - Trịnh Vĩnh Trinh, Tik Tik Tak - NhacCuaTui
Một tối cuối tháng 3 tôi gọi điện cho anh. Đầu kia, chầm chậm tiếp máy là tiếng một người con gái cho biết anh không có nhà, mãi sau mới ngập ngừng: “Anh đang nằm viện”. Điều đáng trách là tôi đã không hỏi về bệnh tình của anh vì vẫn biết vốn đầy mình tiểu đường, xơ gan, suy thận… chưa nói cái tai nạn trời giáng thời tuổi trẻ, anh nằm viện thường.
Tôi và nhạc sĩ Vũ Thảo (một người rất hâm mộ anh, nay cũng đi xa rồi) lúc ấy đang lần đầu nghe qua băng một ca khúc đầy “hơi thở” Trịnh Công Sơn, muốn biết liệu đó có phải…?. Giọng nữ vẫn mệt mỏi “không” mà tôi cũng chẳng chú ý, cám ơn rồi gác máy. Hai ngày sau, bàng hoàng được tin anh mất đúng ngày cá tháng tư. 
Tôi đã tìm đến anh hầu như ngay sau ngày Sài Gòn giải phóng. May sao, một ông chú tôi là bạn thân của anh, dẫn tôi đến nhà rồi thêm một nơi nữa thì gặp. Tôi lúng túng bảo rằng tôi rất ngưỡng mộ anh. Anh có vẻ cũng lúng túng không kém vì những lời nồng nhiệt của một “anh bộ đội” mới trên rừng xuống, và có lẽ vì cả hoàn cảnh cụ thể của anh lúc đó nữa. Khi thấy anh nhắc đến Ủy ban Nhân dân Cách mạng phường, tôi bảo lẽ ra cấp thẩm quyền không nên dùng tính từ cách mạng, dùng Ủy ban nhân dân đủ rồi, nó gần gũi, hòa đồng trong không khí vừa mới giải phóng. Anh gật đầu ngay và nhìn tôi là lạ.
Rồi do công việc, lại chuyển ra Bắc, những năm liền sau đó tôi không có dịp gặp anh, dù vẫn đau đáu một niềm Trịnh Công Sơn.
Một lần, khoảng đầu thập kỷ 80, tôi nhận được giấy mời gặp mặt của thầy Tương. Không hiểu có việc gì, tôi đến ngay theo giờ hẹn bởi cũng đã lâu không gặp thầy. Thật bất ngờ thấy anh ở đó.
Thầy mời đến những người hâm mộ anh, nhân dịp anh ra Bắc. Có lẽ thầy đọc thấy bài viết của tôi trên tờ Văn nghệ mà ở đó tôi kể có một lần năm 1975, tôi từ Học viện Lục quân (Học viện Quân sự Đà Lạt) về Thành phố Hồ Chí Minh trên một chuyến xe đò. Xe dừng nghỉ ở ngã ba Dầu Giây, tôi đang loay hoay tìm chút giải khát thì một cô gái mang cặp kính hồng đến bên nhỏ nhẹ: Đại úy hát nhạc Trịnh hay quá. Tôi ngượng, phần vì 3 sao trên ve áo chỉ là Thượng úy thôi, phần vì tôi mê ca khúc của anh đến thế sao, say sưa hát lên trên xe mà không hay. Tôi vẫn nhớ cô gái ấy có tên Tôn Nữ Thu Thủy, nhà ở Nha Trang (Phải đó chính là cô gái sau này là nhà thơ Tôn Nữ Thu Thủy, từ Nha Trang chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh?)
Tôi biết đến âm nhạc của anh không muộn lắm, nhưng cũng không sớm. Cái thứ âm nhạc ấy ngẫu nhiên phả vào tôi rồi nằm chết đó với máu thịt mình. Đó là những năm đầu 70 khi tôi ở Trường Sơn, một người bạn đi ngang ra Bắc chữa thương, tình cờ mang theo chiếc cassette và mấy băng nhạc của anh, Khánh Ly hát. Tôi nghe mà ngẩn ngơ. Rồi thuyết phục bạn để lại tôi giữ hộ, “chứ anh bị thương, lỉnh kỉnh ba lô đồ đoàn thế này? Mà mang ra Bắc không khéo…”. “Nhỡ không vào nữa thì sao, lại vào lối khác thì sao?”. Anh có lý, ngần ngừ rồi cuối cùng cũng giao nó cho tôi.
Nếu ở miền Nam những năm 60, 70 nhạc Trịnh không chỉ thời thượng mà còn là một cái gì đó nằm giữa tôn giáo và mê đắm, thì đối với tôi, một kẻ từ Bắc vào, điều này nhân lên gấp đôi, gấp ba. Nó không chỉ khác hoàn toàn những gì mình đã biết mà khác cả những điều mình chưa biết, lạ thế. Dù phân ra nhạc tình, nhạc tự sự thân phận, nhạc thiếu nhi, nhạc phản chiến, nhạc… hồng (?) khuôn theo mỗi hoàn cảnh cụ thể, tất cả đều là những ca khúc giàu tính triết lý, vừa đa nghĩa vừa dễ hát, và rất hay. Mà thế đấy, hơn mọi ca khúc trên đời tôi đã từng biết từng nghe và dù có không ít từ trong dòng nhạc của anh tôi không hiểu, nhưng vẫn thấy hợp lý chẳng thừa một từ nào. “Trời cao níu bước sơn khê” chẳng hạn. Anh muốn nói gì, “sơn khê” nghĩa là khe núi chăng?. Trời thì cao mà khe thì sâu, triết lý về sự đối nghịch chăng?. Nhưng một người bạn nước ngoài của Trịnh Công Sơn lại cho hay, “sơn khê” là từ ghép từ chính tên nhạc sĩ và tên người bạn gái của anh!
Nói đến điều này là nói đến ca từ. Ca từ khác mọi ca từ, rất đặc trưng, rất riêng biệt có lẽ là cái đã tạo nên tên tuổi Trịnh Công Sơn. Trừu tượng, giàu ẩn dụ nhưng có vẻ dễ dàng như “lấy từ trong túi ra” vậy. Dù thế, anh rất kỹ trong ca từ. Thử nhìn vào một bài Nhớ mùa thu Hà Nội, ở đó có “cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ”, có “bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời” đã đành, nhưng “cốm sữa vỉa hè thơm bước chân qua” thì mấy ai đã có thể tưởng đến? Và nhất là “phố xưa nhà cổ mái ngói thâm nâu”? “Nâu” là một từ Bắc bộ quê mùa, cặp với “thâm” quê mùa Bắc bộ hơn nữa để mô tả thật đắc ý sắc màu rêu phong của phố xưa nhà cổ thì…
Ca từ của anh cũng là những vần thơ hay bậc nhất, đâu có quá lời. Văn Cao đã phải dùng một từ chỉ có trong tiếng Pháp, chantre (có thể hiểu là người hát thơ) để nói về anh.
Vẫn nhớ, bài hát mà tôi cao hứng ca lên trong chuyến xe đò Đà Lạt - Sài Gòn gần 45 năm trước ấy là Khói trời mênh mông bồng bềnh điệp khúc:
Trời còn in dấu chim xa nguồn
Đời còn bay những cơn mưa phùn
Còn gì đâu những môi xưa hồng
Vùng tuổi xanh thoảng bay như gió
Ngày rồi qua tháng năm đâu ngờ…
Khói trời mênh mông - Nguyệt Ca - YouTube
Tôi từng có vài lần ít ỏi đến thăm anh ở đường Phạm Ngọc Thạch mỗi khi vào thành phố Hồ Chí Minh, những lần diện kiến hiếm hoi và nhanh chóng. Nhanh chóng bởi vì Trịnh Công Sơn mong manh mà như một tượng đài lớn, tôi không muốn lấy nhiều thời gian của anh. Nhưng ở đó, ở nhà anh, tôi đã chùng chình “diễn cảm” bài hát này. Mà không chỉ một lần (Tôi cho mình hát chỉ kém Khánh Ly thôi). Tôi không hỏi mà anh cũng không nói, nhưng tôi hiểu bài hát được sinh ra trong hoàn cảnh nào, và tượng hình được cả nơi “ngồi bên hiên nhìn bến nước đầy dâng”. Đó là một ca khúc phản chiến ư? Có thể. Là ca khúc tự sự ư? Có thể. Nhưng đối với tôi, tất cả các bài hát của Trịnh Công Sơn đều chiếu lên một tình yêu quê hương, yêu nhân dân đất nước này. Nếu chỉ nhìn vào đôi chỗ ca từ rồi bảo rằng nó mù mờ, nó tối, nó cam chịu không lối ra là bất công. Hãy hát lên, hát lên - đây là ca khúc kia mà - ta sẽ cảm nhận khác hẳn, thư thái hơn nhiều. Vâng.
Và Khánh Ly. Nếu Trịnh Công Sơn rút những ca khúc từ trong túi ra thì Khánh Ly cho những ca khúc ấy thở trong cánh phổi của mình. Chị hát như nói như kể, không hề lên gân, bằng cái giọng alto ma mị hơi khàn ông giời không thay thế nổi. Chị chọn Hà Nội là nơi đầu tiên trở về để hát là đúng rồi nhưng thật sự quá muộn. Tại sao? Chị đã không trả lời được. Tôi kiên nhẫn và mỏi mòn chờ mong Khánh Ly rồi buồn tiếc lần đầu trực tiếp nghe chị hát. Giọng ca ấy chỉ còn giữ được chừng sáu chục phần trăm.
Ở Hà Nội có một con đường nhỏ ven hồ Tây mang tên anh. Nó là phố đi bộ, phố ẩm thực nhưng “thực” át “ẩm”, những Phở bò, Vua gà mạnh hoạch, Bún đậu mắm tôm… Giá như ở đây chỉ dành cho café - nhạc Trịnh thì hay hơn, nó “không khí” với anh. Hình như vẫn chưa có một hội thảo đến nơi về nhạc sĩ tài danh này? Có lẽ phải sớm nghĩ tới một Bảo tàng Trịnh Công Sơn và nên đặt nó ở Huế. Anh có rất nhiều vinh danh, một gia tài âm nhạc đồ sộ, những họa phẩm, những phát ngôn cùng rất nhiều kỷ vật… Và cả một bộ phim phản chiến do anh vào vai chính mình.
Trịnh Công Sơn nằm trong số năm mươi người Việt của mọi thời đại, theo tôi. Có thể còn trong số ít hơn, ít hơn nữa. Anh đi xa, xa mãi rồi nhưng thời gian là của anh mà. Người ta sẽ còn nhắc đến Trịnh Công Sơn nhiều hơn nữa, xứng đáng hơn nữa trăm năm sau. Anh là tài sản của dân tộc.
3/4/2019
Vũ Cao Phan
Nguồn: Báo Văn Nghệ
Theo http://vanvn.net/

  Việt Bắc – Suối nguồn thi ca 15 Tháng Mười, 2023 Với người Việt Nam, Việt Bắc còn gọi là Tây Bắc, là ngôn từ có âm thanh sâu lắng và ý...