Thứ Năm, 31 tháng 12, 2020

Nắng có còn xuân

Nắng có còn xuân

Mới đó mà đã gần hết tháng Giêng. Thời gian là vậy, cứ dần trôi không bao giờ trở lại. Mỗi mùa xuân qua mỗi người được thêm một tuổi. Tiết trời vào xuân thật dễ chịu. Cây cối đâm chồi nẩy lộc. Lòng người cũng mở ra để đón mùa xuân. Mùa xuân ta chúc nhau những điều tốt lành, may mắn, an khang, thịnh vượng; mừng đất nước thanh bình, yên ấm muôn nơi.
Mùa xuân cũng là mùa hạnh phúc-mùa tình yêu, mùa cưới. Nắng ấm mùa xuân đã đánh thức vạn vật bừng dậy. Xuân về muôn hoa khoe sắc thắm. Nói đến hoa mùa xuân, người ta thường nhắc đến các loài hoa đẹp như hoa đào, hoa mai, hoa cúc, hoa hồng; rồi hướng dương, đỗ quyên, thược dược, vạn thọ… Có mấy ai để ý đến loài hoa cải - một loài hoa nhỏ xíu, kết thành chuỗi thật đẹp.
Mùa xuân qua, nhìn luống hoa cải vàng tươi, e ấp rung rinh trong nắng sớm, bất chợt ta nhớ lại những mùa xuân qua với bao mối tình không trọn vẹn. Mà nghĩ cũng lạ. Tại sao hoa hồng là biểu trưng cho tình yêu; hoa phượng ép vào trang vở học trò để kỷ niệm mối tình đầu; trai gái yêu nhau mượn cành hoa sen để tỏ tình “… bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen”; rồi “như bông hoa lài cắm bãi cứt trâu” - dù sao đi nữa, cũng có một tấm chồng; hoa bông trang- một loài hoa dại nhưng cũng được “mượn” để gửi gắm lời tỏ tình dễ thương: “Gió đưa, gió đẩy bông trang. Ai đưa, ai đẩy cho nàng tới đây? Tới đây phải ở lại đây. Ở cho bén rễ, xanh cây hãy về”, còn hoa cải lại bị “gán” cho sự đổ vỡ, trắc trở trong tình cảm lứa đôi?!. Điều đó thật khó giải thích.
Ngày xưa còn bé, nghe mẹ hát ru: “Gió đưa cây cải về trời/ Rau răm ở lại chịu lời đắng cay”, rồi: “Anh đi cây cải mới trồng/ Anh về cây cải lên ngồng cù queo”. Bây giờ nhớ lại thấy buồn. Nghe bài hát “Mùa hoa cải” - ca khúc viết cho bộ phim “Lời nguyền dòng sông” càng thấy buồn hơn, bởi “Mùa hoa cải” cũng là một câu chuyện tình không trọn vẹn. Chuyện kể rằng: “… Có một gia đình lênh đênh theo nghề sông nước, không có đất để neo đậu bến quê. Mọi sinh hoạt của gia đình họ đều gói gọn trên một chiếc thuyền con, rày đây mai đó… Dù có cách biệt với cuộc sống trên bờ, nhưng cô bé của gia đình ấy vẫn khát khao được vỗ về, được âu yếm yêu thương như bao cô gái đang tuổi xuân thì. Một buổi chiều, nhìn màu hoa cải vàng rực bên bến sông, cô bé bỗng thấy mình đã thành người lớn. Hoàng hôn xuống, cô bơi vào bờ. Đến bên luống cải hoa nở vàng, cô dang tay ôm lấy. Cô nô đùa với những bông hoa nhỏ xinh xinh với một cảm giác lâng lâng, sướng vui khó tả. Sáng ra, sau khi thăm những luống hoa cải, người mẹ nói với con trai: “Tối nay, con ra xem thử có ai đó đến phá vườn hoa cải nhà mình”… Chàng trai đã bắt gặp cô gái ấy đang vô tư đùa vui bên luống cải hoa vàng. Và, tình yêu đã đến với họ. Nhưng tình yêu ấy không trọn vẹn. Người con trai phải ra đi vì tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc và đi mãi không trở về. Cô gái đành bước sang ngang, dù trái tim vẫn dành cho người mình yêu thiết tha, cháy bỏng”.
Chuyện của bộ phim là vậy. Đề tài tình yêu trong các bộ phim đã để lại cho người xem nhiều tình cảm đẹp, lôi cuốn, nhưng đôi khi cũng có những tình tiết éo le, đượm buồn. Đó là điều bình thường. Chỉ có điều băn khoăn là tại sao với những chuyện tình buồn, những mối tình không trọn vẹn, người đời lại “gán” cho hoa cải nhiều đến vậy ?! Dù là bài hát viết cho phim, nhưng với điệu Slow mượt mà, ca từ đẹp, “Mùa hoa cải” đã được nhiều người yêu thích. “Có một mùa hoa cải, nở vàng bên bến sông/ Em đang thì con gái, đợi ai chưa lấy chồng/ Có một mùa hoa cải, sắc vàng trong mê mãi/ Cầm tay nhau bối rối/ Anh nói lời chia ly/ Anh nói rồi anh đi/ Chiến tranh không ước hẹn/ Sợ làm con bướm trắng/ Thẫn thờ chiều ven sông/. Thế rồi, thế rồi em/ Bao mùa vàng rực nắng/ Đợi anh mặc hoa trôi/ Đợi anh trong khắc khoải/ Người đi không trở về/. Thế rồi, thế rồi thôi/ Buồn thương hoa héo hắt/ Ai cũng bảo phải quên/ Em đành bước sang ngang/ Gửi mùa xuân ở lại/ Để con tim cháy mãi/ Cho người mình chờ mong…” (*).
Hoa cải không khoe sắc thắm như các loài hoa cao sang, quý phái mà chúm chím, e ấp, khiêm nhường. Hoa cải thường gắn với những cuộc tình trắc trở, man mác buồn. Nhưng dù sao, chuyện tình trong “Mùa hoa cải” là một câu chuyện đẹp.
Mùa xuân - mùa yêu thương. Dưới nắng xuân dìu dịu, nhìn người ta cười nói, chúc tụng nhau mà lòng thấy buồn tênh. Nhìn những đôi uyên ương dìu nhau bước vào lâu đài hạnh phúc, chợt nghĩ: Nắng có còn xuân và “trong đám xuân xanh ấy”, có bao người gặp được ý trung nhân?!.
Chú thích:
(*) Ca từ trong bài “Mùa hoa cải” của nhạc sĩ Lê Vinh, thơ Nghiêm Thị Hằng.
4/3/2020
Hoàng Chương
Theo http://nongson.quangnam.gov.vn/

Đường đi của âm nhạc truyền thống - Khảo sát và suy ngẫm

Đường đi của âm nhạc 
truyền thống - Khảo sát và suy ngẫm

Cụ Hà Thị Cầu - nghệ nhân hát xẩm cuối cùng
1. Thực trạng…
Trong nền âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam, nhìn theo chiều dài lịch sử, mỗi thể loại đều đã từng có đời sống xã hội riêng của nó. Bước sang thế kỷ XXI, kể như chúng ta đã trải qua gần 50 năm phát triển văn hóa nghệ thuật dân tộc với phương châm khoa học hóa, hiện đại hóa để hội nhập với thời đại. Và, đã đến lúc cần nhìn lại toàn cảnh nền âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam.
Với tư cách những người làm công tác nghiên cứu âm nhạc dân tộc, hơn ai hết, chúng tôi luôn phải đối mặt với những thực trạng mà người ngoài nghề không thể biết. Bởi vậy những gì sắp trình bày chắc hẳn sẽ làm nhiều người không hài lòng. Dù rằng đó mới chỉ là một phần trong những sự thật mà chúng tôi có thể nói.
Vào thời điểm hiện nay, có thể khẳng định rằng so với cách đây phân nửa thế kỷ, chúng ta đã để thất truyền vô số giá trị cổ nhạc Việt Nam. Đại đa số các thể loại đều đang rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng. Vốn liếng ngày một cạn kiệt bởi nhiều tinh hoa cổ truyền nước Việt đã ra đi không trở lại theo các nghệ nhân về cõi vĩnh hằng. Tầng lớp khán giả ngày càng thưa thớt, nhiều khi chỉ thu hẹp trong giới những người làm nghề.
Hơn 10 năm nay, trên công luận bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều những tiếng kêu cứu cho các giá trị cổ nhạc nước Việt. Có lẽ chưa bao giờ người ta nhắc nhiều đến vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc như hiện nay. Dù không nói ra, song nhiều nhà hoạt động văn hóa nghệ thuật cũng hiểu rằng có lẽ chúng ta đã phạm một sai lầm nào đó trên chặng đường đã qua.
Trong phân nửa thế kỷ, các thế hệ trẻ nối tiếp đều được giáo dục một cách vô tình hay hữu ý rằng "cổ nhạc là lạc hậu, là phong kiến lỗi thời, trong thời đại mới cần phải cải biên, cải tiến, phát triển cho phù hợp", rồi "thời đại mới, con người mới thì cần phải có hình thức nghệ thuật mới"...
Bởi thế, trải theo thời gian, hành trang "hiện đại" của họ là gì, chắc hẳn ai cũng rõ. Có thể cô đặc thành một đẳng thức Tây phương = hiện đại. Thậm chí ngay cả các giá trị nghệ thuật cổ truyền Tây phương cũng được coi là "thời đại, hiện đại".
Có thể đưa ra vô vàn ví dụ, từ hệ thống giáo dục trên tầm vĩ mô cho đến nhạc hiệu các chương trình phát thanh truyền hình hay nhạc hiệu điện thoại 1080…v.v...
Trên mọi phương diện của văn hóa nghệ thuật, các giá trị truyền thống Tây phương tràn ngập và lấn lướt (thậm chí đè bẹp) các giá trị truyền thống dân tộc. Đây đó, xuất hiện rất nhiều hiện tượng mà các nhà chuyên môn buộc phải gọi là “suy thoái” của một số thành tựu văn hóa dân tộc.
Thực trạng này khiến cho những ai có tấm lòng với cổ nhạc Việt Nam đều không khỏi đau lòng. Trong bối cảnh đó, nhiều thể loại cũng không tránh khỏi sự mất mát của riêng mình. Trong đó có những thể loại mà sự tồn tại hiện nay chỉ còn là những mảnh vỡ.
Sự lưu truyền các giá trị truyền thống ở thế hệ tiếp nối được đánh giá là suy giảm cả về chất và lượng. Ca trù là một trong số đó.
Với trữ lượng gần 20 làn điệu đã từng được ghi nhận trong quá khứ, hiện nay vốn liếng loại hình nghệ thuật này chỉ còn khoảng dăm bảy làn điệu. Kèm theo đó là sự thất truyền nhiều giá trị tinh túy trong kỹ thuật của nhạc đàn và nhạc hát.
Hát Xẩm cũng vậy, chúng ta chỉ còn bà Hà Thị Cầu là nghệ nhân cuối cùng với vốn liếng không nhiều trong bóng tuổi chiều tà. Nhiều nghệ sĩ tìm đến học bà cũng chỉ xin vài làn điệu gọi là "thêm vào" hành trang nghệ thuật "tổng hợp" của họ, những nghệ sĩ kiểu "biết mỗi thứ một tí"!
Sự đứt đoạn truyền thống tương tự cũng diễn ra cả trong ngành Chèo và Tuồng. Đây là điều đáng chú ý hơn cả bởi hai thể loại này đã được thể chế hóa với sự đầu tư một cách có hệ thống của Nhà nước ngay từ cuối thập niên thứ 5 của thế kỷ XX. Vậy mà tình hình cũng không hơn gì các thể loại trôi nổi trong nhân gian như Ca trù, Hát Xẩm...
Chẳng hạn nhiều nghệ sĩ Tuồng bây giờ không biết đọc bản cổ nhạc theo hệ thống Hò - Xự - Xang.., họ chỉ biết (và thích) hệ thống đô - rê - mi... Phong cách nghệ thuật Tuồng Bắc (vốn được coi là cổ hơn Tuồng Nam) đã tan vỡ, chỉ còn lại vài mảnh vụn. Hàng trăm vở Tuồng cổ với nhiều dạng thức khác nhau (đặc biệt là những vở Tuồng pho diễn cả tháng trời mới hết) dường như đã ra đi không trở lại.
Mặc dầu chúng ta có nhà hát Tuồng song suốt mấy chục năm qua cũng chẳng tiếp cận được kho tàng đồ sộ đó. Nghệ nhân Xuân Vượng - một thầy đàn hàng đầu ngành Tuồng cho chúng tôi biết rằng hiện nay nếu dốc toàn tâm toàn lực thì họ cũng chỉ phục hưng được khoảng 10% vốn liếng Tuồng cổ truyền. Một gia sản nghệ thuật đã từng tồn tại cho đến cuối những năm 50 với thế hệ lớp nghệ nhân lão thành danh tiếng như Lê Văn Lập, Hoàng Hiệp Tắc, Vũ Văn An, Nguyễn Ba Tuyên, Đoàn Thị Ngà, Nguyễn Đắc Nhã v.v… như đang dần dà mai một.
Thực trạng tương tự cũng diễn ra bên ngành Chèo. Các nghệ sĩ Chèo bây giờ hầu như không thuộc hết hệ thống các làn điệu Chèo cổ... Và, tệ hơn nữa là có nhiều nghệ sĩ trong biên chế đoàn Chèo mà hát Chèo không ra Chèo nhưng vẫn “hữu dụng” vì có nhan sắc và có khả năng diễn xuất.
Khán giả thường không biết rằng khi những diễn viên đó biểu diễn, luôn có những người hát thay họ ở hậu trường (người trong nghề thường gọi là "kỹ thuật hát đớp")!
Bên cạnh đó, nhiều giọng hát lạc điệu so với cổ truyền nhưng dần dà lại được công nhận là "mới", "là xu thế phát triển tất yếu của thời đại". Chẳng hạn kỹ thuật rung giọng thì "như Tây", kỹ thuật nảy hạt thì "qua quýt" cho xong chuyện. Các làn điệu thường được hát nhanh hơn nhiều so với cổ truyền. Họ thường biện hộ rằng "thời đại mới thì phải có tiết tấu mới".
Thật ra, theo điều tra thì trên thực tế, hát chậm rất khó bởi khi đó người hát phải có thực tài với sự thể hiện điêu luyện những kỹ thuật láy, nảy, rung, ngắt, nhả chữ... của kỹ thuật thanh nhạc cổ truyền.
Thế nhưng trong "thời đại ngày nay", sự thẩm định nghệ thuật lại thuộc loại "chuẩn mực" khác - cái chuẩn mực như "hơi thở thời đại" (câu cửa miệng của rất nhiều người trong chúng ta). Dần dà, với sự có mặt thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng, các "chuẩn mực mới" đó nghiễm nhiên được công nhận vì chẳng có ai phán xét gì. Hoặc có nói thì cũng chẳng ai hay bởi lớp nghệ sĩ đầu đàn với tài năng như những nghệ nhân cổ nhạc thực thụ bây giờ chỉ đếm được trên đầu ngón tay, Tuồng hay Chèo cũng đều thế cả! Theo thời gian, với cơ chế "đến hẹn, về hưu", sự cổ kính mẫu mực của lớp nghệ sĩ "vang bóng một thời" cũng dần bị quên lãng. Dù họ có sẵn lòng truyền dạy cho lớp trẻ song lực bất tòng tâm.
Những nghệ sĩ đầu đàn ngành Chèo hiện nay như Quý Bôn (Hà Nội) hay Thế Tuyền (Nam Định)... đều than phiền với tôi rằng lớp trẻ bây giờ không thể hát được như họ, phần vì ngại khó, phần vì không trọng thị lối hát cổ kính mẫu mực. Cái lối hát mà các cụ thường gọi là "tận thổ can tràng". Không muốn học, lớp trẻ bảo là hát như thế vừa khó mà lại chẳng ai nghe (!) Đó quả là một tiếng chuông buồn! Thậm chí có nghệ sĩ đầu đàn của Nhà hát Chèo Hà Nội còn nói với đại ý là thời đại ngày nay mà cứ hát lối í ì i cổ lỗ của các cụ nghe sốt ruột lắm (!)
Thế đấy! Các giá trị kinh điển đã bị thất truyền khá nhiều. Sự thiếu tôn trọng cổ truyền ám ảnh và bắt rễ sâu một cách vô thức ngay cả trong giới những người làm nghề. Như thế, trữ lượng nghệ thuật cổ truyền còn lại vốn không nhiều sẽ tiếp tục bị mai một.
Theo các nhà nghiên cứu Chèo, vào thời điểm cuối những năm 50, khi những nghệ nhân Chèo nổi tiếng được quy tụ lại thì gia sản của nghệ thuật Chèo cổ lúc đó có khoảng 50 vở diễn mẫu mực với khoảng 170 làn điệu.
Vậy mà trong phân nửa thế kỷ qua, công chúng chỉ được biết đến có vài vở Chèo cổ hay thậm chí chỉ vài trích đoạn trong đó. Mà tất cả ít nhiều đều đã “được chỉnh lý, cải biên”. Điều trớ trêu là các tác phẩm bị "cải biên" đó mặc nhiên được công nhận là "cổ truyền đích thực" trong thời hiện tại.
Có lẽ nhiều nhà nghiên cứu đành phải chấp nhận thưởng thức, nghiên cứu những "di sản cải tiến" đó bởi trên thực tế chúng ta không còn gì cổ hơn thế!
Thậm chí có những sự "cải biên" đến mức khó tin. Đó là trường hợp trích đoạn Súy Vân giả dại. Trong đó diễn viên trình diễn theo lối mới cố gắng vật lộn gào thét điên dại như thật đến mức không bao giờ hát tốt được nữa vì bị hỏng giọng (!)
Trả lời phỏng vấn trên truyền hình, một nghệ sĩ nổi tiếng đã thừa nhận rằng vì vai Súy Vân mà chị mất giọng Chèo nên luôn phải có người hát hộ (?)
Chắc hẳn đại đa số trong chúng ta chưa ai từng một lần biết đến gia sản nghệ thuật Chèo cho đến cuối những năm 50. Ngày nay, theo điều tra sơ bộ, mặc dù chúng ta có tới hai chục đoàn Chèo song các đoàn không còn khả năng phục hồi toàn bộ những gì mà thế hệ lớp nghệ nhân lão thành Trùm Thịnh, Cả Tam, Năm Ngũ, Lý Mầm, Hề Phẩm, Kép Tích... từng lưu giữ!
Đây cũng là hiện trạng chung của nhiều bộ môn khác trong nền âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam.
Còn rất nhiều thực trạng đáng báo động như vậy mà chúng tôi không thể nêu hết. Nếu mở một cuộc tổng kiểm kê toàn bộ di sản nghệ thuật cổ nhạc trong thời hiện tại, chắc chắn chúng ta sẽ còn choáng váng nhiều hơn nữa trước những sự thật đau lòng. Nó xứng đáng trở thành một đề tài cấp Nhà nước.
Cụ Lữ Hữu Thi - nghệ nhân cuối cùng 
của đội Nhã nhạc triều Nguyễn.
2. Lý giải căn nguyên...
Như vậy, đã đến lúc chúng ta cần bình tĩnh nhìn nhận lại mọi vấn đề từ quá khứ và hiện tại. Trước hết, có thể khẳng định rằng, trong suốt mấy chục năm qua, tâm lý ham muốn tiếp nhận, hưởng thụ những giá trị mới luôn chiếm thế thượng phong trên cán cân thẩm mỹ văn hóa - nghệ thuật của xã hội Việt Nam. Từ trang phục, ngôn ngữ, lối sống... cho đến âm nhạc, sân khấu, thơ ca, tất cả đều đã trở thành cách nghĩ, cách làm gần như là quen thuộc trong xã hội.
Trong thực tiễn, chúng tôi luôn phải cọ xát với những hiện tượng mà người ta thường buộc phải lựa chọn, một bên là giữ gìn nguyên dạng vốn cổ của cha ông, một bên là cải biên vốn cổ đó theo quan điểm "thẩm mỹ mới" của số đông. Hình như trong nền văn hóa - nghệ thuật Việt Nam đương đại, sự phát triển đã và đang tiếp tục đối lập với sự bảo tồn một cách vô tình hay hữu ý.
Nói cách khác, trong rất nhiều trường hợp luôn xảy ra một nghịch lý là bảo tồn thì không phát triển và ngược lại - phát triển thì không bảo tồn! Thành thử trong khâu thực hành, cái mục đích vừa thấm đẫm bản sắc dân tộc nhưng lại phải vừa mang hơi thở thời đại trở nên một sự thách đố lớn đối với những người làm công tác văn hóa - nghệ thuật Việt Nam!
Trước hết, cần phải khẳng định rằng các thể loại cổ nhạc Việt Nam là những tài sản vô giá của dân tộc. Việc bảo tồn chúng là nhiệm vụ tất yếu của chúng ta. Vậy bảo tồn là gì và phải bảo tồn như thế nào? Phát triển là gì và phải phát triển như thế nào? Câu chuyện nghe tưởng chừng như đơn giản và cũ rích song trên thực tế lại khá phức tạp và nhiều phần tế nhị. Thậm chí có những lúc nó luôn là chuyện "đau đầu nhức óc" của các nhà hoạt động nghệ thuật.
Ở đây, sở dĩ cần phải đặt lại cái vấn đề "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" này bởi trong phân nửa thế kỷ qua, tại sao trong khi chúng ta luôn kêu gọi phải bảo tồn văn hóa - nghệ thuật dân tộc thì rất nhiều giá trị nghệ thuật âm nhạc, sân khấu cổ truyền vẫn cứ ra đi không trở lại? Nguyên nhân ở đâu? Đó là điều cần lý giải trước hết.
Bấy lâu nay, trong xã hội ta vẫn tồn tại một quan niệm phổ biến coi các di sản nghệ thuật cổ nhạc của cha ông như "một thứ nguyên liệu còn thô sơ, không khoa học...". Bởi thế có người cho rằng chỉ nên bảo tồn một phần nào những di sản đó và phải dựa trên nguyên tắc "bỏ thô lấy tinh, gạn đục khơi trong" rồi "khoa học hóa", "hiện đại hóa" các giá trị được bảo tồn cho "phù hợp với thời đại"...
Qua hàng chục năm thực thi, cách nghĩ và làm này đã dẫn đến sự thất truyền của hàng loạt các giá trị cổ nhạc nói riêng, nghệ thuật cổ truyền nói chung của Việt Nam. Đó là một thực trạng phải được thừa nhận.
Mặt khác, nó tạo ra một cái nhìn sai lệch rất phổ biến, khiến cho nhiều người khi đối mặt với thực tiễn đều muốn cải biên, cải tiến ít nhiều "cho nghệ thuật cổ truyền đỡ lạc hậu". Không chấp nhận việc bảo lưu nguyên vẹn các giá trị cổ truyền, quan điểm “hiện đại hóa, khoa học hóa”, cũng tức là “cải biên, cải tiến, sáng tạo, phát triển” nghệ thuật được coi là điểm chung của số đông những người lãnh đạo và thực hành nghệ thuật.
Đối với hệ thống các giá trị nghệ thuật cổ truyền, người ta quan niệm rằng thời đại mới, con người mới (với nội dung phản ánh mới) thì cần phải có hình thức mới phù hợp. Tất cả các giá trị nghệ thuật cổ truyền là sản phẩm của chế độ cũ ngàn xưa nên không thể phù hợp với thời đại mới với nền “đại công nghiệp”.
Họ thường quan niệm rằng truyền thống là "tĩnh". Giữ gìn nghệ thuật cổ truyền là bảo thủ, kể cả việc đổi mới nội dung nhưng bảo lưu hình thức cũ vẫn bị coi là bảo thủ. Ngay với việc bảo tồn một số tác phẩm cổ điển của Chèo, Tuồng, người ta cũng đề nghị là phải “chỉnh lý, nâng cao” chứ không bảo lưu nguyên vẹn.
Trên cơ sở cái gọi là “khoa học và thời đại”, phương châm của họ là phải “tiếp thu có phê phán” để "thanh lọc" toàn bộ các giá trị nghệ thuật cổ truyền. Đó là một quan niệm khá phổ biến trong hoạt động từ lý luận nghệ thuật đến thực tiễn nghệ thuật trong nửa cuối thế kỷ XX.
Thực tế cho thấy, trong giới lý luận - phê bình, nhiều tác giả đã phê phán cái tiết tấu cổ truyền là rề rà, chậm chạp, trì trệ. Như chúng ta đều biết, tiết tấu là một khái niệm hàm nghĩa rất rộng. Ví dụ trên sân khấu cổ truyền, ngoài tiết tấu của việc trình diễn (bao gồm hành động, lời thoại và tình huống kịch...) còn có tiết tấu của âm nhạc. Tiết tấu của âm nhạc được chia ra thành tiết tấu của thanh nhạc và khí nhạc.
Trong tiết tấu của khí nhạc lại có tiết tấu của nhạc cụ định âm và nhạc cụ không định âm. Mà tiết tấu của nhạc cụ định âm thì lại khá phức tạp. Thông thường khi hòa tấu một bài bản, có nhạc cụ diễn tấu theo lối đàn “ít chữ” nên giai điệu mang tiết tấu dàn trải, thưa thớt. Cùng lúc đó, một nhạc cụ khác có thể đàn theo lối “nhiều chữ” nên giai điệu mang tiết tấu tiếp biến mau, hoạt v.v… Khái niệm tiết tấu trong nghệ thuật âm nhạc, sân khấu cổ truyền phức tạp và tinh tế đến như thế. Vậy khi phê phán tiết tấu cổ truyền, người ta muốn nói đến tiết tấu của cái gì? Ở đây, do không xác định cụ thể cái cần phê phán nên sự phê phán của họ vô tình trở thành một sự quy chụp thô bạo cổ truyền. Như thế, vô hình trung, họ đã mắc phải hai sai lầm cơ bản:
Một là, họ không nắm bắt được các giá trị nghệ thuật cổ truyền - một kho tàng với đủ mọi kiểu dạng tiết tấu, nhanh có, chậm có, vừa phải cũng có! Sai lầm đó có thể do họ không tiếp xúc nhiều với cổ nhạc Việt Nam hoặc do vốn tri thức nghệ thuật quá ít ỏi.
Hai là, cứ theo cách lập luận của họ, không lẽ trong thời đại mới, các tác phẩm nghệ thuật đều phải có tiết tấu nhanh, gấp, mau hoạt? Nếu điều đó xảy ra thì quả thật là khủng khiếp bởi nền nghệ thuật dân tộc khi đó sẽ trở nên hết sức đơn điệu!
Một ví dụ khác, âm nhạc cổ truyền Việt Nam có cơ tầng là âm nhạc dân gian. Trong đó, với đặc trưng ngẫu hứng ứng tác, sự kết hợp giữa khí nhạc và thanh nhạc có bản chất là hòa với ca chứ không phải đệm cho ca như kiểu nhạc Tây phương. Bởi vậy mà phần khí nhạc có thể tách rời để trở thành một bản hòa tấu hay độc tấu.
Theo đó, mỗi nhạc công thực sự mang trong mình chức năng sáng tạo tại chỗ. Sự sáng tạo đó biểu hiện ở nhiều dạng thức khác nhau tùy thuộc vào cấp độ dị bản của bài bản và làn điệu. Tính ngẫu hứng được đánh giá như một thủ pháp âm nhạc huyền diệu bởi nó tạo nên bộ mặt biến hóa sinh động của tác phẩm.
Ngay từ nửa đầu thế kỷ XX, có nhà soạn nhạc kinh viện phương Tây đã học tập thủ pháp này để đưa vào những tác phẩm mang tính hiện đại của họ. Và, trong khoảng mấy chục năm trở lại đây, nó đã trở thành “mốt thời thượng” trong dòng âm nhạc hiện đại châu Âu. Ở đây, điều thật trớ trêu là phương thức nghệ thuật đó đã bị nhiều người làm công tác văn hóa - nghệ thuật Việt Nam chê là lỗi thời, lạc hậu, tùy tiện và không khoa học.
Một ví dụ khác, trong âm nhạc cổ truyền Việt Nam, nhìn chung, phương pháp trang điểm cho các bậc âm trong giai điệu mang tính quy luật khá cao. Nó là một thành tố góp phần tạo lập màu sắc riêng biệt của từng kiểu loại âm nhạc. Nhiều thể loại thực sự định hình cả một hệ thống kỹ thuật trang điểm rất phức tạp với cấp độ “nhà nghề” của nó. Ở đây, thật khó hiểu tại sao nhiều "nhà cải biên" lại phê phán rằng sự trang điểm trong cổ nhạc là “quá nhiều”, là “rườm rà, rối rắm và làm giai điệu trì trệ”. Vậy đâu là hệ quy chiếu để họ - những người quảng bá cho việc “cải biên, hiện đại hóa” âm nhạc dân tộc cổ truyền định hướng cho thực tiễn? Hãy nhìn vào những phương thức nghệ thuật “mới” mà các "nhà cải biên" hướng tới, chúng ta sẽ thấy ngay vấn đề.
Ở đây, sự du nhập nguyên xi kết hợp với sự mô phỏng hệ thống kỹ thuật âm nhạc cổ điển châu Âu là chủ đích lớn nhất và quan trọng nhất của việc “cải biên, hiện đại hóa” âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam. Cụ thể, để “phát triển” âm nhạc Chèo, Tuồng,.. người ta đề nghị áp dụng các thủ pháp soạn nhạc với hệ thống nhạc lý mà họ cho là “tiên tiến” như: thang âm bình quân với các điệu thức trưởng, thứ, hệ thống hòa âm cùng kỹ thuật phối khí cổ điển Tây phương; kèm theo đó là hình thức hợp xướng với kỹ thuật thanh nhạc Tây phương; dàn nhạc kiểu giao hưởng với các nhạc cụ Tây phương v.v…
Sự định hướng kiểu này đã ảnh hưởng trực tiếp đến thực tiễn nghệ thuật. Và, với một lực tác động mạnh, các loại Chèo “cải biên”, Tuồng “hiện đại”, Quan họ "đài", nhạc "giao hưởng dân tộc", "nhạc nhẹ dân tộc"... đã thực sự trở thành nền tảng của nghệ thuật dân tộc ở nửa cuối thế kỷ XX. Dưới đây xin phân tích rõ một vài hiện tượng.
Chẳng hạn, khi hướng tới mục tiêu "hiện đại hóa", nhiều người đề nghị "phải phối khí" cho dàn nhạc dân tộc. Có lẽ đối với họ, phối khí dường như là một yếu tố "hiện đại" trong âm nhạc!? Đó là điều rất lạ bởi như chúng ta đều biết, phối khí là nghệ thuật kết hợp của âm nhạc nhiều bè. Trong âm nhạc cổ điển Tây phương, phối khí được hiểu như một kỹ năng mang tính cá thể (tức một tác giả soạn nhiều bè nhạc thông qua hệ thống ký tự văn bản).
Còn trong âm nhạc cổ truyền Việt Nam, phối khí lại là một kỹ năng mang tính tập thể. Các bè giai điệu được kết hợp với nhau thông qua nghệ thuật ngẫu hứng ứng tác tại chỗ của các nghệ sĩ trình diễn. Có lẽ do không hiểu vấn đề nên người ta đã lầm tưởng rằng trong nhạc cổ truyền Việt Nam không có nghệ thuật phối khí! Hay đối với họ, phối khí kiểu Tây phương mới là phối khí!?
Với quan niệm đó, mục tiêu "giao hưởng hóa" được đề đạt như một phương hướng quan trọng của "hiện đại hóa". Nhiều loại dàn nhạc dân tộc được nhân lên về số lượng (tới 15 - 20 người hoặc hơn nữa) kèm theo một chỉ huy dàn nhạc kiểu Tây phương. Người ta tăng cường biên chế dàn nhạc, phân thành tổ bộ kiểu Tây phương (nhị 1, nhị 2, hồ tiểu, hồ trung, hồ đại, tứ tiểu, tứ trung, tứ đại...) kết hợp với sự có mặt của nhiều nhạc khí mới. Trong đó, đáng chú ý hơn cả là sự có mặt của ôboa, viôlông, viôlôngxen, côngt’rơbát... là những nhạc cụ Tây phương.
Bên cạnh đó, hàng loạt nhạc khí dân tộc được cải tiến với mục đích mong đạt được những tính năng giống các nhạc khí Tây phương như đàn hồ cải tiến, đàn tứ cải tiến, đàn bầu cải tiến, đàn nguyệt cải tiến, đàn tỳ bà cải tiến, t'rưng cải tiến, k'lông pút cải tiến, sáo các loại cải tiến, trống dân tộc cải tiến v.v...
Tại Hà Nội, cho đến giữa những năm 90, phong trào "giao hưởng hóa" các dàn nhạc dân tộc trở nên thoái trào và chỉ còn tồn tại ở một vài nơi.
Trong khi đó, tại Huế, vài năm trở lại đây, cái phong trào này lại bắt đầu xuất hiện. Cụ thể, tại Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, người ta đã "giao hưởng hóa" dàn nhạc Cung đình với một nhạc trưởng kèm theo. Điều nguy hiểm ở đây khi dàn nhạc "cải tiến" đó mặc nhiên được công nhận như "đồ thật chính cống"! Thậm chí vào cuối tháng 8/2002, trong đợt hội thảo với mục đích quảng bá Nhã nhạc cung đình Huế để UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới, người ta đã đưa dàn nhạc đó ra biểu diễn kèm theo hàng loạt các tiết mục nghệ thuật "cải tiến" khác. Điều đó khiến các nhà chuyên môn trong và ngoài nước có mặt lúc đó đều sửng sốt!
Đối với chúng tôi, "cải biên, cải tiến" thì không phải là chuyện lạ. Nhưng ở đây, điều ngạc nhiên là cái sản phẩm "hiện đại hóa" đó lại sinh ra từ một trung tâm có nhiệm vụ bảo tồn. Tệ hơn nữa, nó lại được trình diễn trước các nhà nghiên cứu trong một thời điểm rất nhạy cảm của quá trình công nhận hồ sơ di tích.
Có rất nhiều những ví dụ tương tự mà chúng tôi không thể dẫn chứng hết. Chúng minh chứng cho thực trạng "phát triển" theo Tây phương của âm nhạc cổ truyền Việt Nam.
Trong sự biện luận định hướng cho việc "cải biên, hiện đại hóa" nghệ thuật cổ truyền, khái niệm "thời đại" luôn được người ta sử dụng như một định đề cơ bản - hơi thở thời đại, tiết tấu thời đại, xu thế thời đại, khán giả thời đại... Đó là điểm nổi bật trong cách lập luận của họ. Ở đây, "thời đại" được hiểu là chính chúng ta, là khán giả của nghệ thuật. Do đó, "khán giả thời đại" được đặt định như một mục tiêu, một đối tượng chuẩn mực để các nhà hoạt động nghệ thuật hướng tới. Thật ra, nói đến "khán giả thời đại" tức là nói đến thị hiếu của đa số khán giả đương đại, cái mà nhiều "nhà cải biên" thường gọi là "người xem hiện đại". Từ đó, có thể nhận thấy rằng khi người ta định hướng nghệ thuật theo tôn chỉ khán giả thời đại, sẽ có hai khả năng xảy ra:
Thứ nhất, "khán giả thời đại" chỉ là cái cớ để người ta "hiện đại hóa" nghệ thuật theo quan điểm, sở thích cá nhân. Nói cách khác, người ta đã "nhân danh khán giả thời đại" để hành động chứ trên thực tế, chưa chắc số đông quần chúng ở nửa cuối thế kỷ XX đã "đòi hỏi" phải "hiện đại hóa" nghệ thuật kiểu như vậy.
Thứ hai, rất có thể một bộ phận lớn quần chúng khán giả vào giai đoạn lịch sử đó đã không chấp nhận các giá trị nghệ thuật cổ truyền dân tộc. Và, người ta "hiện đại hóa" nghệ thuật dân tộc theo kiểu loại bỏ, làm mới đúng là để phù hợp với "khán giả thời đại".
Trong trường hợp thứ nhất, câu chuyện sẽ trở nên hết sức đáng buồn bởi sự thiếu trung thực trong hành xử khoa học của một số người làm công tác văn hóa - nghệ thuật. Còn trong trường hợp thứ hai, trước sự "chối bỏ" nghệ thuật cổ truyền của quần chúng, phương án "hiện đại hóa" để tháo gỡ thực trạng liệu có phải là biện pháp tối ưu?
Ở đây, cần phải thấy rõ rằng họ (tức "khán giả thời đại") không muốn thưởng thức nghệ thuật cổ truyền không hẳn vì các giá trị đó không phù hợp với họ. Chúng tôi cho rằng sở dĩ quần chúng không tiếp nhận là bởi lẽ họ chưa hiểu, chưa biết cảm thụ kiểu dạng nghệ thuật đó. Nguyên nhân là do họ không được giáo dục nhận thức và cảm thụ nghệ thuật - tức không tiếp nối được truyền thống thưởng thức đã có từ trước.
Trong tiến trình phát triển, sự đứt đoạn đó tất yếu sẽ gây nên hiệu ứng "chối bỏ" các giá trị nghệ thuật cổ truyền ở những thế hệ tiếp nối. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Rất có thể là do chiến tranh kéo dài, do điều kiện môi trường văn hóa xã hội thay đổi nên phong trào diễn xướng và hưởng thụ nghệ thuật cổ truyền cũng bị "quên lãng" từ thành thị tới nông thôn.
Ngoài ra, một nguyên nhân quan trọng khác nữa chính là sự xem nhẹ các giá trị nghệ thuật cổ truyền. Việc đánh giá di sản nghệ thuật cha ông là "lạc hậu, cổ hủ, trì trệ, không khoa học..." rất phổ biến trong nhiều người làm công tác văn hóa - nghệ thuật. Nó gây nên trong đông đảo công chúng một cái nhìn phản cảm và theo đó, sự diễn biến tâm lý từ trạng thái không biết thưởng thức đến chối bỏ một cách cực đoan chỉ là gang tấc. Theo thời gian, trong xã hội ta, lượng khán giả sành điệu về nghệ thuật cổ truyền sẽ dần là thiểu số. Ngược lại, cái "thị hiếu" của "khán giả thời đại" sẽ ngày càng trở nên "hùng mạnh". Và, đến một lúc nào đó, với tâm lý "thích mới, nới cũ", các "thượng đế" chắc chắn sẽ quay lưng lại với ngay chính những "sáng tạo" của các "nhà cải biên".
Thực tế đã chứng minh điều đó. Từ hơn 10 năm cuối thế kỷ XX trở lại đây, không những các loại hình âm nhạc cổ truyền mà ngay cả các tác phẩm âm nhạc "cải biên, hiện đại" cũng không "chiều lòng" được "khán giả thời đại". Âm nhạc dân tộc liên tục "phát triển, cải biên, cải tiến" mà vẫn không có khán giả. Liệu đó sẽ là một kết cục bi - hài của con đường "hiện đại hóa" nghệ thuật dân tộc? Có lẽ "khán giả thời đại" giờ đây chỉ thích nõn những nhạc nhẹ Tây - Tầu - Ta mà thôi!
Lẽ ra, trước sự đứt đoạn truyền thống thưởng thức nghệ thuật cổ truyền, chúng ta phải tháo gỡ thực trạng theo một cách khác. Trước hết cần phải thấy rằng trên thực tế, "thị hiếu" của "khán giả thời đại" giống như cái "đèn cù". Nay thế này, mai thế khác.
Trong tiến trình phát triển, nếu đơn thuần chạy theo thị hiếu, chúng ta tất sẽ sa đà vào vũng lầy của sự "tầm thường hóa" nghệ thuật. Ở đây, sự quảng đại quần chúng không có nghĩa là phải biến đổi mọi giá trị để chiều lòng khán giả. Khái niệm đó cần được hiểu như sự hướng thiện thẩm mỹ cho công chúng để họ biết cảm nhận và trân trọng các giá trị đích thực. Mặt khác, thị hiếu thời đại không phải là cái tất yếu - cái "xu thế của thời đại" như người ta tưởng. Thực tế cho thấy thị hiếu hình thành theo quy luật nhân - quả. Nó được tạo nên bởi cả một quá trình giáo dục chủ động và lan tỏa trong môi trường xã hội theo hiệu ứng tâm lý đám đông. Vì thế, chúng ta hoàn toàn có nắm bắt (thậm chí kiểm soát?) được thị hiếu của "khán giả thời đại". Cụ thể, chúng ta phải bảo tồn, tôn vinh các giá trị nghệ thuật cổ truyền với sự giáo dục một cách có hệ thống và quy mô trên diện rộng.
Theo thời gian, sự giáo dục đại chúng đó tất sẽ dần tạo lập một thị hiếu mong muốn trong lòng xã hội. Trên thế giới, việc duy trì trào lưu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật cổ truyền của các nước phát triển là những bài học lớn đáng để chúng ta phải quan tâm, suy nghĩ. Vấn đề chỉ còn phụ thuộc vào tri thức và tấm lòng của những người có vai trò "cầm cân nảy mực" mà thôi.
Nhìn lại quá khứ, người ta thường hay ngụy biện cho việc "hiện đại hóa" bằng những luận điểm kiểu như "khán giả là người thầy chân chính", "khán giả là người phán xét cuối cùng" hoặc "khán giả đã nói hộ chúng ta" v.v...
Điều đó đã cho ta thấy rõ "phương pháp luận" của các "nhà cải biên" như thế nào. Thậm chí trong giới lý luận, có những tác giả đưa ra hiện tượng "trình độ văn hóa của những người thích Tuồng thấp hơn những người không thích Tuồng" và nhận định "khán giả... chính là tấm gương phản chiếu bộ mặt" của mỗi môn nghệ thuật(1). Tác giả có dụng ý gì chắc hẳn chúng ta đều thấy rõ!
Nhưng với chúng tôi, hiện tượng đó (nếu là có thật) lại biểu hiện một thực trạng khác. Rằng "trình độ văn hóa" (vào thời điểm đó) tỷ lệ nghịch với trữ lượng thẩm mỹ văn nghệ cổ truyền dân tộc. Phải chăng trình độ văn hóa càng "cao", con người ta càng xa rời truyền thống dân tộc vì "chất Tây phương" đã thực sự bành trướng trong họ? Nếu vậy, đó quả thực là một lỗ hổng rất lớn trong hệ thống giáo dục của chúng ta.
Thêm nữa, trong phân nửa thế kỷ qua, trên công luận luôn xuất hiện khẩu hiệu dân tộc - hiện đại, được xem như "kim chỉ nam" cho con đường "phát triển" nghệ thuật cổ truyền dân tộc. "Chúng ta phải làm sao vừa dân tộc, vừa hiện đại", và không lường trước rằng có thể nói, khẩu hiệu đó dường như còn có khả năng đặt giá trị dân tộc đối lập với giá trị hiện đại. Thành thử ai ai cũng hiểu rằng dân tộc thì không hiện đại và ngược lại, hiện đại thì không dân tộc. Đây là một sai lầm nghiêm trọng.
Một là, phạm trù dân tộc thuộc về khái niệm không gian. Còn phạm trù hiện đại lại thuộc về khái niệm thời gian. Chúng không thể là một cặp phạm trù đối lập. Thật ra, dân tộc sẽ đối lập với nước ngoài (còn gọi là cặp phạm trù Ta và Họ), còn hiện đại sẽ đối lập với cổ truyền. Như vậy, khái niệm dân tộc bao hàm cả cổ truyền và hiện đại.
Hai là, hiện đại vốn là một khái niệm rất cụ thể trong khoa học kỹ thuật nhưng lại rất trừu tượng trong văn hóa - nghệ thuật. Trong khoa học kỹ thuật, hiện đại luôn được coi là các giá trị mới văn minh, tiên tiến (là cái tốt hơn) được sáng tạo ra để thay thế những giá trị cũ, lạc hậu. Trong văn hóa - nghệ thuật thì khác hẳn. Cái hiện đại ở đây không phải để thay thế, loại bỏ cái cũ. Hiện đại đơn giản chỉ là những giá trị mới được sáng tạo. Vấn đề là ở chỗ giá trị đó phải thực sự Mới trên bình diện cộng đồng thế giới.
Sự hiểu biết mơ hồ về khái niệm hiện đại cộng với những kiến thức "lỗ mỗ" về tri thức nghệ thuật tất sẽ dẫn đến những chuyện nực cười. Đó là tình trạng "cũ người mới ta", tức cái mà ta tưởng là "hiện đại" té ra lại là cái cổ truyền của họ. Thậm chí có những giá trị mà ta muốn vươn tới còn cổ hơn những giá trị cổ truyền dân tộc mà ta muốn "hiện đại hóa".
Hiện nay, trong quá trình mở cửa, hội nhập với thế giới, điều này càng thấy rõ hơn bao giờ hết. Ở đây, do chỉ hiểu khái niệm hiện đại như sự văn minh, tiên tiến (trong khoa học kỹ thuật) nên khi đặt nó đối lập với khái niệm dân tộc, chúng ta thường vô tình coi các giá trị nghệ thuật dân tộc cổ truyền là cổ hủ, lạc hậu. Điều đó nghiễm nhiên tạo điều kiện cho thói tự ti dân tộc sinh sôi nảy nở trong xã hội.
Như thế, có thể thấy rằng trong nửa cuối thế kỷ XX, xu hướng "cải biên, hiện đại hóa" nghệ thuật dân tộc theo "thị hiếu của khán giả thời đại" là sự "phát triển" một chiều bất hợp lý. Theo đó, việc "sáng tạo các giá trị nghệ thuật mới" đã ngày càng đẩy thị hiếu của công chúng đi xa hơn nữa khỏi nền nghệ thuật cổ truyền dân tộc.
Vậy, cho đến hôm nay - đầu thế kỷ XXI, những sản phẩm “hiện đại” đó đang “tồn tại” như thế nào? Các giá trị cổ truyền của nghệ thuật âm nhạc Việt Nam còn lại những gì? Chúng ta đã mất vĩnh viễn những giá trị nào?
Điều đó chắc hẳn nhiều nhà nghiên cứu đều thấy rõ! Có lẽ người ta chưa hiểu thấu đáo quy luật vận động sáng tạo của cổ truyền. Trong hơn 40 năm qua, hình như người ta chỉ nghĩ đơn giản rằng văn hóa phải phát triển, còn phát triển như thế nào và bảo tồn các giá trị cổ truyền như thế nào thì cứ để "thời đại" xoay vần. Thực tế đã cho thấy, trong sự phát triển nghệ thuật âm nhạc, nghệ thuật sân khấu dân tộc ở nửa cuối thế kỷ XX, sáng tạo là làm cái mới thay thế cái cũ. Và, làm như thế nào cũng được, ai làm cũng được, miễn là mới, là tân thời!
Trong quá khứ, ông cha ta luôn tìm tòi, sáng tạo những giá trị nghệ thuật mới để làm phong phú thêm gia sản của mình. Song, cần phải thấy rằng trong cổ truyền, chủ thể sáng tạo thường bao giờ cũng là nghệ nhân nhà nghề - những người mà tinh chất cổ nhạc đã ngấm vào máu thịt của họ. Bởi thế những tác phẩm mới ra đời luôn mang đậm phong cách nghệ thuật đặc trưng của thể loại.
Trong nửa cuối thế kỷ XX, Tào Mạt với một số tác phẩm của ông là một trường hợp hiếm hoi đã vận dụng đúng đắn quy luật cổ truyền. Còn lại, nhìn vào những chủ thể sáng tạo âm nhạc của Chèo “cải tiến”, Tuồng “hiện đại”..., chúng ta sẽ thấy ngay các tác giả đều là những nhạc sĩ sáng tác theo phong cách Tây phương (kể cả những người nắm được phong cách cổ nhạc Việt Nam). Kiểu loại, phong cách nghệ thuật đã thay đổi. Do đó, “Chèo không còn là Chèo, Tuồng không còn là Tuồng” cũng là điều dễ hiểu. Hơn nữa, trong cổ truyền, bên cạnh việc sáng tạo thêm tác phẩm mới, cha ông ta luôn bảo lưu hệ thống bài bản vốn có. Bởi thế ngày nay chúng ta mới được thừa hưởng cả một kho tàng tác phẩm của từng thể loại. Trong nửa cuối thế kỷ XX, việc “phát triển, hiện đại hóa” theo kiểu thay thế, loại bỏ các tác phẩm cũ bằng những sáng tác mới là điều trái ngược với quy luật cổ truyền. Theo đó, sự thất truyền của nhiều giá trị cổ nhạc là điều không tránh khỏi. Nó đồng nghĩa với việc đứt đoạn của truyền thống!
Như vậy, dù có ý thức hay không, công cuộc “hiện đại hóa” âm nhạc và sân khấu cổ truyền dường như đồng nghĩa với việc “Tây phương hóa” nghệ thuật dân tộc. Đó là một sự thật khó có thể phủ nhận. Trên quan điểm giai cấp, muốn thoát khỏi các giá trị nghệ thuật phong kiến Việt Nam, nhưng các "nhà cải biên" có biết đâu, nghệ thuật cổ điển phương Tây thực chất cũng chính là sản phẩm văn hóa thời phong kiến phương Tây. Vì thế, cái mục đích “thời đại hóa, hiện đại hóa” mà người ta nêu ra để loại bỏ các giá trị nghệ thuật “lỗi thời” của chế độ phong kiến đã trở nên hết sức phi lý. Bởi lẽ nghệ thuật dân tộc cổ truyền của chúng ta chỉ chuyển mình từ kiểu loại “phong kiến Việt Nam” sang một kiểu lai tạp với “phong kiến Tây phương” thành một kiểu “phong kiến nửa Ta, nửa Tây” mà thôi.
Theo đó, sự “định hướng” ở đây đã trở nên “lệch hướng” và thực sự “lạc hướng” ở giai đoạn cuối những năm 80, đầu những năm 90. Ở thời điểm này, việc “hiện đại hóa” âm nhạc cổ truyền đã bộc lộ mặt trái của nó. Trên báo chí đã xuất hiện nhiều bài viết phê phán kịch liệt sự lai căng Tây phương trong nền nghệ thuật dân tộc. Tiếng chuông báo động về sự lụi tàn của các giá trị nghệ thuật cổ truyền bắt đầu xuất hiện nhiều trên công luận.
Chúng tôi không hề phủ nhận việc học hỏi âm nhạc Tây phương bởi giao lưu văn hóa vốn là quy luật của quan hệ dân tộc và nhân loại. Dù có ngăn cách đến mức nào thì sự giao lưu đó vẫn diễn ra một cách tự nhiên, không thể ngăn cản. Song, cần phải thấy rằng sự giao lưu văn hóa thực chất là sự tiếp thu, thích nghi văn hóa truyền thống giữa các cộng đồng dân tộc. Vấn đề là bên cạnh việc giao lưu đó, mỗi dân tộc cần phải bảo tồn và phát huy các giá trị cổ truyền để không tự đánh mất văn hóa của mình.
Muốn như vậy, các thành viên trong cộng đồng nhất thiết phải biết trân trọng truyền thống văn hóa dân tộc, mà tầng nền cơ bản của nó là hệ thống các giá trị cổ truyền. Tâm lý tự ti dân tộc kiểu sợ tụt hậu nếu không du nhập văn hóa nước ngoài chắc chắn sẽ hủy hoại dần các giá trị cổ truyền theo năm tháng. Đặc biệt, với những đối tượng như âm nhạc cổ truyền Việt Nam, một kiểu âm nhạc có đặc trưng lưu truyền bằng phương thức truyền khẩu, truyền ngón nghề trực tiếp mà không thông qua văn bản như nhạc cổ điển châu Âu. Bởi vậy, tất cả mọi hệ thống các giá trị phức tạp và tinh tế của cổ truyền (những cái mà không thể ghi thành văn bản) chỉ được bảo lưu khi thầy truyền thụ trực tiếp cho trò.
Như thế, nếu chúng ta không trân trọng (tức không muốn nghe, không muốn học) thì các giá trị đó sẽ vĩnh viễn ra đi theo cái chết của lớp nghệ nhân già. Trên thực tế, trong nhiều trường hợp cụ thể, khi chúng ta nhận thức được một chân giá trị nào đó thì đã quá muộn. Khả năng phục hồi là không thể bởi lớp người thế hệ sau chỉ còn biết đến các giá trị đó theo kiểu “đã từng nghe thấy thế...”! Do đó, bên cạnh việc sáng tạo hay du nhập các giá trị từ bên ngoài, chúng ta nhất thiết phải bảo lưu, gìn giữ nguyên vẹn những di sản nghệ thuật cổ truyền để không làm nghèo đi kho tàng nghệ thuật dân tộc.
Đáng tiếc là trong nửa cuối thế kỷ XX, sự phát triển âm nhạc dân tộc chỉ diễn theo một chiều sáng tạo cái mới trên cơ sở phủ định cái cũ. Thành thử người ta đã vô tình đặt sự sáng tạo đối lập với sự bảo tồn. Điều này lý giải tại sao người ta càng “cải tiến, hiện đại hóa” bao nhiêu thì các giá trị cổ truyền càng mai một bấy nhiêu. Hơn thế nữa, trong chúng ta, nhiều người đã phê phán các giá trị cổ truyền một cách thật “nặng lời”. Sự quy chụp đó nhiều khi vô tình gây cho các nghệ nhân cổ nhạc và đông đảo công chúng cảm giác như một sự coi thường cái cổ truyền. Đây là một điều rất đáng tiếc bởi ngoài “vấn đề” về khoa học và văn phong khoa học, nó còn biểu thị sự thiếu tôn trọng trong thái độ ứng xử với kho tàng văn hóa nghệ thuật dân tộc cổ truyền - những tinh chất nghệ thuật mà cổ nhân đã dày công hun đúc từ ngàn xưa để lại. Với đặc tính phi văn bản, các di sản đó gắn liền với sự sống (vốn cũng hữu hạn) của từng thế hệ nghệ nhân. Bởi vậy, các giá trị nhạc cổ truyền Việt Nam chắc chắn sẽ thất truyền nếu xã hội không tạo ra được các thế hệ nghệ nhân kế tục. Và, điều này đã xảy ra khi mà cái nỗi lo sợ cổ hủ, lạc hậu, lỗi thời đã trở thành tâm thức chung của cả xã hội.
Chú thích:
1. Xin xem Lê Hanh Thông - Nguyễn Lam Sơn, Suy nghĩ về chỗ đứng của Tuồng qua con mắt người xem, tạp chí Sân khấu, số 3/1985.
3. Đi tìm giải pháp...
Quan họ ngày nay đã bị cải biên rất nhiều.
- Vấn đề thứ nhất: Trước hết chúng ta cần xác định rõ bảo tồn vốn có nghĩa là giữ lại không để cho mất đi (1) nên tính nguyên vẹn của đối tượng cần được đặt lên hàng đầu. Do đó, việc bảo tồn các giá trị cổ nhạc trong xã hội Việt Nam đương đại nhất thiết phải quán triệt theo nguyên tắc bảo tồn nguyên vẹn. Việc cải biên, cải tiến đối tượng theo cái gọi là "góc nhìn thời đại" thì sẽ không còn là bảo tồn nữa. Vấn đề đặt ra chỉ còn là thế nào là nguyên vẹn? Và, phương pháp bảo tồn như thế nào?
Về tính nguyên vẹn của đối tượng, chúng ta cần căn cứ chặt chẽ vào hệ thống tư liệu vang và các nghệ nhân đầu ngành. Từ đó xác định rõ những quy chuẩn cổ điển nhất mà chúng ta có thể ghi nhận được. Điều này đặc biệt quan trọng bởi nó sẽ chi phối các biện pháp bảo tồn của chúng ta. ở đây, chúng tôi rất tâm đắc với quan điểm của GS- TSKH Tô Ngọc Thanh rằng: "Không thể cải tiến vốn văn hóa cổ truyền mà không làm biến đổi nó thành một thứ khác” (2). Trên luận điểm đó, ông đã phê phán mọi hành động "cải biên, cải tiến và nâng cao" các giá trị nghệ thuật cổ truyền. Một luận điểm mà cho đến nay vẫn có rất nhiều người phê phán là "cực đoan" và "đi ngược lại với quy luật phát triển". Cho dù họ cũng biết rằng chúng ta đã để mất mát quá nhiều các giá trị nghệ thuật cổ truyền.
Đây chính là nguyên nhân mà từ năm 1997, Bộ Văn hóa - Thông tin đưa nhiệm vụ sưu tầm, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể lên thành Mục tiêu IV trong Chương trình văn hóa quốc gia. Do đó, chúng ta nên đặt định bảo tồn như một nhiệm vụ chuyên biệt, vừa nằm ngoài vừa nằm trong động thái phát triển chung của văn hóa - nghệ thuật.
Cụ thể, trong hệ thống giáo dục và đào tạo, việc dạy và học cổ nhạc phải được thể chế hóa để việc lưu truyền các giá trị không bị đứt đoạn theo thời gian. Cổ nhạc cần được đưa vào chương trình giáo dục bắt buộc một cách có hệ thống từ các trường phổ thông đến các trường đại học.
Cần tạo dựng những nhà hát, những trung tâm kiểu mẫu (tức chỉ có một nhiệm vụ duy nhất) chuyên biểu diễn và quảng bá từng thể loại nghệ thuật cổ truyền. Ở những nơi đó, ngoài âm nhạc, mọi thành tố khác của nghệ thuật trình diễn như không gian mỹ thuật, trang phục, ánh sáng, vị trí của người biểu diễn và khán giả... cũng cần được phục hưng toàn diện và triệt để. Điều đó sẽ tạo ra cái mà chúng ta thường gọi là không gian văn hóa của từng thể loại.
Trong giáo dục và đào tạo, cần khai thác triệt để những nghệ nhân giỏi với chế độ đãi ngộ xứng đáng để tránh tình trạng dấu nghề. Bên cạnh đó, ưu tiên đặc biệt cho những sinh viên tài năng, nhanh chóng tạo dựng đội ngũ nghệ nhân kế cận.
Trong trường nhạc quốc gia, lớp cổ nhạc cần được đào tạo theo mô hình chuyên biệt. Các sinh viên đến đó chỉ chuyên tâm học cổ nhạc mà không phải học những môn kiến thức khác. Cách đào tạo mũi nhọn kiểu như vậy chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả cao. Hơn nữa, nó còn giảm thiểu tối đa thời gian và kinh phí đào tạo.
Về phương pháp truyền dạy, cần coi trọng và duy trì phương pháp truyền khẩu, truyền ngón nghề trực tiếp. Nên bỏ hệ thống ký tự: đo, re, mi... (kiểu Tây) như đã dùng mấy chục năm qua.
Riêng đối với Tuồng, Tài tử - Cải lương, Cung đình Huế, Thính phòng Huế là các thể loại có hệ thống văn bản với ký tự: Hò, Xự, Xang... (kiểu ta) thì nên bảo lưu, trong đó viết bằng chữ Nôm thì càng tốt.
Ngoài vấn đề bảo tồn, ở đây chúng tôi còn nhận thấy tính ưu việt của phương thức dạy học cổ truyền. Ở đó, lòng bản chỉ là một thứ xương cốt để nghệ nhân dựa vào đó mà ứng tấu. Với phương thức này (thậm chí không cần bản nhạc), người trò có thể giành hầu như toàn bộ tâm lực để cảm nhận, nắm bắt trực tiếp mọi sắc thái tinh tế của tác phẩm qua người thầy, từ thang âm, phương thức vận hành giai điệu, phương pháp trang điểm các chữ đàn cho đến bước đi của nhịp điệu v.v…
Theo đó, khả năng ngẫu hứng của thầy cũng dần được chuyển giao. Và, một nghệ nhân cổ nhạc thực thụ sẽ được sinh ra với đầy đủ chức năng vốn có (nhạc công + nhạc sĩ sáng tác tại chỗ). Với bản nhạc trên năm dòng kẻ kiểu Tây, người trò tất nhiên bị lệ thuộc vào các ký tự cao độ, trường độ cố định như do, re, mi, thăng, giáng, đen, trắng, móc đơn, móc kép, chấm dôi... Họ không thể giành toàn bộ tâm lực tiếp thu các sắc thái tinh tế của tác phẩm từ người thầy - những sắc thái mà không thể ký hiệu hóa chính xác được trên bản nhạc.
Sự bó buộc đó tất yếu sẽ làm triệt tiêu tính ngẫu hứng tại chỗ. Và, chúng ta sẽ chỉ đào tạo được những nhạc công thuần tuý theo đúng với nghĩa của nó. Họ hầu như khó có cơ may trở thành một nghệ nhân cổ nhạc thực thụ.
Ngoài ra, khi học bằng bản nhạc kiểu Tây, sự ám ảnh của thang âm bình quân với hệ thống dấu hóa của nó ít nhiều cũng gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự cảm nhận của người trò. Nó dễ tạo ra sự hiểu sai cổ truyền. Bởi thế, chỉ nên áp dụng duy nhất phương thức giảng dạy cổ truyền - một phương thức vẫn hữu dụng từ ngàn đời nay.
Cũng qua đây xin nói thêm rằng trong năm 2002, người Nhật đã áp dụng phương thức này để dạy thực nghiệm nhạc cổ điển châu Âu cho trẻ em. Kết quả khả quan cho thấy việc học trực tiếp (không thông qua văn bản) không những rút ngắn thời gian truyền thụ mà còn giúp nhạc công diễn tấu truyền cảm hơn. Làm được những điều đó, chúng ta sẽ nối mạch được truyền thống dạy và học cổ nhạc trong thời đương đại. Ngoài ra, vấn đề biên chế dàn nhạc cũng cần được tôn trọng trong từng loại hình cụ thể. Hết sức tránh áp đặt các mô hình ngoại lai.
Ở đây, cần hiểu rằng sự độc đáo là mục đích tôn chỉ chứ không phải sự phát triển thời đại. Trong phân nửa thế kỷ XX, việc "giao hưởng hóa" các dàn nhạc cổ nhạc với mô hình tổ bộ kèm theo phong trào cải tiến nhạc khí theo Tây phương là một bài học đắt giá của chúng ta.
Mặt khác, trên các phương tiện truyền thông đại chúng như đài phát thanh, truyền hình, cần tăng cường hơn nữa thời lượng phát sóng những chương trình chuyên biệt từng thể loại cổ nhạc nguyên bản (không cải biên).
Theo điều tra sơ bộ, việc phát sóng cổ nhạc trong nhiều năm qua luôn chỉ có thời lượng rất thấp, nó không hề tương xứng với một kho tàng đồ sộ như âm nhạc cổ truyền Việt Nam.
Mặt khác, các tác phẩm được trình bày đều có sự "cải biên cải tiến" ít nhiều. Điều đó cũng cho ta thấy rõ quan niệm "hiện đại hóa" ăn sâu đến như thế nào vào cả những nhà sản xuất chương trình. Sự lay lắt và biến dạng của cổ nhạc trên sóng phát thanh truyền hình đã minh chứng cho điều đó. Chẳng hạn, trong suốt thời gian qua, chúng ta hầu như chỉ được xem (hoặc nghe) Quan họ cải biên với dàn nhạc đệm "xập xình".
Nếu chúng tôi không lầm thì Quan họ cổ (không có nhạc cụ đệm) chỉ được phát sóng một vài lần mà thôi. Thi thoảng có một bộ phim tài liệu về cổ nhạc thì tiếng nhạc nguyên bản lại bị đè lấp bởi cái gọi là "lời bình" của biên tập viên.
Ở đây, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến cơ hội hưởng thụ của khán giả với thế mạnh vượt trội của phương tiện truyền thông đại chúng trong việc quảng bá các giá trị nghệ thuật. Nhất là âm nhạc của các tộc người thiểu số, những nơi mà người bình thường có lẽ cả đời cũng không có cơ hội tiếp cận. Đã đến lúc các "nhà đài" cần xem lại vấn đề chức năng giáo dục của hệ thống truyền thông đại chúng. Xin hãy giành cho khán giả một cơ hội! Các giá trị nghệ thuật cổ truyền cần được giữ gìn nguyên trạng, không lai tạp và cần được quảng bá. Đó là nhiệm vụ bảo tồn. Nếu chúng ta không thích thì hãy làm vì phương châm gìn giữ cho muôn đời sau!
- Vấn đề thứ hai: Phát triển vốn có nghĩa là biến đổi hoặc làm cho biến đổi từ ít đến nhiều, hẹp đến rộng, thấp đến cao, đơn giản đến phức tạp (3). Như thế, phải nhận thức rõ phát triển là sự thay đổi về lượng hoặc chất theo hướng tích cực.
Ở hướng phát triển về lượng, vấn đề trở nên khá đơn giản bởi khi đó động thái phát triển đồng nghĩa với việc bảo tồn trên diện rộng (tức sự phát huy các giá trị cổ truyền). Điều đó có nghĩa là nếu chúng ta nhân rộng các nhóm hay đoàn nghệ thuật cổ truyền (đích thực) thì đó vừa là sự phát triển các giá trị cổ truyền về lượng đồng thời là sự phát huy các giá trị đó. Ví dụ, nếu tạo lập được vài chục nhóm hát Ca trù thì cũng có nghĩa là chúng ta bước đầu đã bảo tồn và phát huy được môn nghệ thuật này. Vấn đề chỉ còn phụ thuộc vào trữ lượng các giá trị cổ truyền nguyên bản trong đó mà thôi.
Có lẽ chính vì sự phát triển về lượng đồng nghĩa với việc bảo tồn nên bấy lâu nay, chúng ta chủ yếu vẫn hiểu khái niệm phát triển theo hướng biến đổi về chất. Điều này cũng dễ hiểu bởi đây là hướng đi cho sự sáng tạo những giá trị mới. Thế nhưng cần phải thấy rằng trong sự phát triển - biến đổi về chất, mọi chuyện thật ra rất phức tạp. Chẳng hạn với cùng một sự biến đổi của một giá trị nghệ thuật nào đó, sẽ có hai cách hiểu khác nhau. Một cách gọi đó là sự phát triển vì cho là các giá trị được biến đổi theo hướng tích cực. Ngược lại, một cách lại gọi đó là sự thoái hóa vì cho là các giá trị bị biến đổi theo hướng tiêu cực (tức mất dần đi những phẩm chất tốt). Tuồng cải biên, Chèo cải tiến, dàn nhạc dân tộc "hiện đại"... là những ví dụ điển hình gây nhiều sự tranh cãi trong suốt mấy chục năm qua.
Vậy, thế nào là tích cực và tiêu cực? Đó là vấn đề chưa được thống nhất trong thực tiễn. Nó vốn là chuyện đau đầu của các nhà hoạt động nghệ thuật dân tộc trong suốt mấy chục năm qua khi mà "công cuộc phát triển" các giá trị văn hóa nghệ thuật cổ truyền luôn được đặt định như một nhiệm vụ hàng đầu. Liệu chúng ta có thể xác lập được một hệ quy chuẩn?
Như đã trình bày về quy luật vận động sáng tạo các giá trị nghệ thuật trong cổ truyền. Ở đó, nghệ nhân nhà nghề chính là chủ thể sáng tạo. Bởi thế những sự biến đổi, sáng tạo của họ luôn đảm bảo phong cách nghệ thuật đặc trưng của từng thể loại. Nói nôm na là phải làm sao cho Chèo vẫn là Chèo, Tuồng vẫn là Tuồng... thì mới đúng!
Đánh giá sự biến đổi đó tích cực hay không, đó là điều chúng tôi không lạm bàn. Chỉ biết rằng đó là chuẩn mực trong sự vận động sáng tạo của cổ truyền. Như thế, nếu muốn nối mạch truyền thống phát triển của cha ông, người tham gia sáng tạo nhất thiết phải có một trình độ nhà nghề về từng thể loại.
Mặt khác, cần phải thấy rằng trong thực tế, mọi sự vận động sáng tạo không hẳn sẽ có nghĩa là bất tận (tức cái gì cũng phải biến đổi liên tục). Chúng tôi muốn nói đến một căn bệnh rất phổ biến trong giới những người hoạt động văn hóa nghệ thuật Việt Nam (kể cả các nhà nghiên cứu) - tạm gọi là bệnh lý thuyết vĩ mô. Đó là sự áp đặt vào văn hóa nghệ thuật quy luật đào thải theo thuyết tiến hóa. Rất nhiều người trong chúng ta thường lập luận rằng "văn hóa phải phát triển" rồi từ đó khẳng định các giá trị nghệ thuật cổ truyền cũng phải "phát triển không ngừng". Trong mọi trạng huống, lập luận đó luôn được sử dụng như một con "dao pha lý luận" để hành xử văn hóa nghệ thuật dân tộc. Điều này phần nào lý giải hiện tượng trong xã hội ta, người hô hào "bảo tồn" nghệ thuật cổ truyền thì rất ít, còn người hô hào "phát triển, cải biên, cải tiến, hiện đại hóa" thì nhiều vô kể.
Trong gần 50 năm qua, chúng ta nhân danh cái gì để "đào thải" các tinh hoa nghệ thuật của cha ông? "Thời đại" ư? "Thời đại" là chính chúng ta đó chứ không phải ai khác. Cần hiểu rằng "thời đại" không phải là cái tất yếu siêu hình. Một "thời đại" như thế nào hoàn toàn tùy thuộc vào bản ngã và tri thức của chúng ta.
Ở đây, thật ra người ta mới chỉ nhìn vào quy luật phát triển chung trên toàn bộ chứ không hiểu những quy luật riêng nội tại trong từng phần các thành tố văn hóa, đặc biệt là các loại hình nghệ thuật. Cách suy diễn đó chắc chắn sẽ dẫn đến những nhận thức sai lệch. Bởi trong quá trình vận động phát triển nghệ thuật của mỗi dân tộc, tất sẽ có các giá trị được trau chuốt đến mức hoàn chỉnh - cái mà chúng ta thường gọi là sự định hình - tức không thể biến đổi nữa. Một dung lượng lớn hệ thống các giá trị định hình nghiễm nhiên được coi là giá trị cổ điển của mỗi truyền thống nghệ thuật dân tộc.
Có thể gọi đó là tính hữu hạn của sự phát triển. Trong cổ truyền, ông cha ta đã tạo dựng được cả một kho tàng các giá trị định hình trong những chủng loại nghệ thuật định hình. Đó là một kỳ tích vĩ đại trong lịch sử phát triển văn hóa nghệ thuật dân tộc. Sở dĩ cổ nhân làm được điều đó bởi sự vận động sáng tạo được hiểu theo cái nghĩa là "để thêm vào" chứ không phải là kiểu "loại bỏ, làm mới" như chúng ta vẫn thực hành suốt mấy chục năm qua.
Trong nửa cuối thế kỷ XX, các khái niệm quy chuẩn cho việc phát triển kiểu "cải biên, cải tiến" như bỏ thô - lấy tinh, gạn đục - khơi trong, lạc hậu - hiện đại, rồi khoa học hóa, thời đại hóa... đều là những khái niệm định tính trừu tượng. Việc nhận thức và thực thi như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào vốn tri thức của từng "nhà cải tiến". Mạnh ai nấy làm, thành thử cùng một hiện tượng, người này gọi là bảo tồn, là phát triển nhưng người kia lại gọi là phá hoại. Nó cũng giống như kiểu "thật giả lẫn lộn"!
Do vậy, điều rất nguy hiểm của phong trào "cải biên, cải tiến" là sự lan tỏa, bắt rễ và tạo thành một trào lưu trong xã hội. Một phong trào kiểu "người người cải biên, nhà nhà phát triển" (nhà ở đây xin được hiểu là các đoàn nghệ thuật, các nhà hát và các cơ sở giáo dục, đào tạo nghệ thuật dân tộc). Trong mấy chục năm qua, khi "hiện đại hóa" nghệ thuật sân khấu, nhiều "nhà cải biên" đã từng tranh cãi kịch liệt rằng tác phẩm của họ mới là cổ truyền, còn của người khác là kịch pha(4)!
Trong các cuộc hội thảo, hội diễn nghệ thuật dân tộc cũng như trên báo chí, cuộc tranh cãi "không ai thắng ai" đó rất phổ biến. Câu chuyện đó càng cho thấy rõ sự sai lầm khi chúng ta lẫn lộn giữa hai nhiệm vụ bảo tồn và phát triển vốn cổ cha ông. Đó là một bài học lớn trong quá khứ. Bởi vậy, đã đến lúc chúng ta cần hoạch định lại chính sách bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa nghệ thuật cổ truyền theo các hướng chuyên biệt.
Mặt khác, ở đây chúng tôi xin thử lật ngược vấn đề. Rằng nếu chúng ta không phát triển (biến đổi về chất) các giá trị nghệ thuật cổ truyền dân tộc thì sao? Hình như trên thế giới, đối với các giá trị nghệ thuật cổ truyền của mỗi cộng đồng dân tộc, người ta không chú trọng và đầu tư quá mức vào việc này, nhất là kiểu "loại bỏ, làm mới" để "hiện đại hóa" như chúng ta đã thực thi.
Chẳng hạn ở những nước phát triển, người ta không hề có ý định cải biên các tác phẩm trong kho tàng nghệ thuật cổ truyền như âm nhạc cổ điển châu Âu, Kinh kịch của Trung Quốc hay Kịch Nô Nhật Bản v.v... Tất cả các tác phẩm đều được họ bảo tồn nguyên vẹn với một hệ thống đồ sộ các nhà hát, đoàn nghệ thuật hay các nhạc viện. Những di sản luôn được quảng bá và tôn vinh trong hệ thống giáo dục đại chúng. Theo đó, mỗi loại hình đều duy trì được truyền thống thưởng thức với một lượng khán giả nhất định. Hơn thế nữa, sự quảng bá của họ không chỉ diễn ra trong phạm vi mỗi quốc gia mà còn lan tỏa ra thế giới. Ví dụ, một sinh viên Mỹ có thể học nhạc Cung đình Nhật Bản hay nhạc cổ truyền Ấn Độ, Trung Quốc... tại trường đại học ở Mỹ và sau đó đi biểu diễn khắp thế giới; Hay những ví dụ về sự quảng bá âm nhạc cổ điển châu Âu là rõ hơn cả. Bởi Việt Nam là một trong những nước góp phần bảo tồn và phát huy các tác phẩm của Đức, Nga, Pháp hay Ba lan v.v…
Đối với thế giới, trong thời đại ngày nay, các di sản nghệ thuật cổ truyền của mỗi quốc gia đều được coi là tài sản chung của nhân loại. Và, bảo tồn nguyên vẹn các giá trị ấy được coi như nhiệm vụ tất yếu của mỗi nước. Đó là một thực tế được công nhận. Như vậy, phải chăng mô hình "phát triển, hiện đại hóa" các di sản nghệ thuật cổ truyền dân tộc với hệ thống thiết chế đồng bộ như ở Việt Nam là "quá độc đáo"?
Trong mỗi cộng đồng dân tộc, trên con đường phát triển, giao lưu văn hóa với thế giới bên ngoài, việc tạo ra những sản phẩm quái dị, nhăng nhố là điều khó tránh khỏi. Vốn liếng ngàn năm của tổ tiên thì hữu hạn. Vì vậy, có lẽ chúng ta không nên mạo hiểm đem các giá trị đó ra để thử nghiệm bằng những "sáng tạo" của "thời đại". Những "sáng tạo" mà trên thực tế đã và đang là sự đục đẽo, lai ghép với Tây phương.
Theo đó, chúng ta không nên bao cấp toàn phần cho cho sự nghiệp sáng tạo, phát triển các giá trị nghệ thuật cổ truyền.
Trong nhiều chục năm qua, nhà nước đã rót quá nhiều tiền của vào việc này. Hàng năm, mỗi đoàn nghệ thuật dân tộc (tuồng, chèo, cải lương, ca múa nhạc dân tộc...) đều được đầu tư hàng trăm triệu đồng để tiếp tục dàn dựng những tác phẩm "hiện đại". Đấy là điều hết sức lãng phí. Bởi trên thực tế, các sáng tạo mới đó cũng thường "chết yểu" vì không có khán giả.
Chúng tôi thường nói vui rằng đằng nào Nhà nước cũng phải "nuôi sống" các đoàn nghệ thuật dân tộc, vậy chi bằng hãy sử dụng đồng tiền một cách hữu ích hơn! Thậm chí với những khó khăn về kinh tế hiện nay, nên chăng chúng ta hãy "thanh lý" bớt những khoản đầu tư đó để dành nguồn lực cho sự nghiệp bảo tồn.
Với thực trạng hiện tại, đây là một sự nghiệp chắc chắn đòi hỏi rất nhiều tiền của và sức lực của chúng ta. Mặt khác, cũng đã đến lúc nên mở một cuộc tổng điều tra toàn bộ hệ thống các đoàn, các nhà hát và các trường nghệ thuật âm nhạc, sân khấu để xem xét lại sự cân đối nói chung. Bởi so với mô hình đặt định văn hóa nghệ thuật của các nước phát triển, chúng ta "vừa thừa, vừa thiếu". Thừa cái gì thì chắc hẳn mọi người đều thấy rõ. Còn chắc chắn là thiếu những trung tâm bảo tồn thực thụ (chúng tôi nhấn mạnh) các giá trị nghệ thuật âm nhạc, sân khấu cổ truyền dân tộc. Đây là chuyện hết sức tế nhị song chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật!
Ngoài ra, trong sự phát triển âm nhạc dân tộc, chúng ta không nên sử dụng khẩu hiệu "hiện đại hóa" để tránh những lầm lẫn không đáng có. Đã đến lúc chúng ta cần mở rộng tầm nhìn ra cộng đồng thế giới để xem lại cái gọi là giá trị "mới, thời đại, quốc tế, hiện đại" mà chúng ta đã vươn tới trong sự nghiệp phát triển nghệ thuật âm nhạc dân tộc ở nửa cuối thế kỷ XX. Bởi trên thực tế, các giá trị "mới, hiện đại" mà chúng ta đạt được chủ yếu là hệ thống các giá trị nghệ thuật cổ truyền của phương Tây. Có lẽ nào tình trạng "cũ người - mới ta" trong lĩnh vực nghệ thuật lại là động lực cho sự phát triển nền nghề thuật của chúng ta trong thế kỷ XXI?!
Kho tàng âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam là một trong những tài sản vô giá của dân tộc. Hiện nay trên thế giới, sự hiện diện một nền cổ nhạc với sự đa dạng về chủng loại như ở Việt Nam là điều rất quý hiếm. Giá trị lịch sử quan trọng của cổ nhạc Việt Nam chính là ở chỗ đó. Bảo tồn nó trong bối cảnh xã hội Việt Nam đương đại là một trách nhiệm rất nặng nề của chúng ta. Trong quá trình thực thi, để đạt được mục đích đã đề ra, vai trò chỉ đạo trực tiếp của các nhà nghiên cứu là đặc biệt quan trọng trên từng đầu việc cụ thể. Sửa chữa những sai lầm trong quá khứ để phục hưng những di sản của nền âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam, điều đó tuy khó nhưng không phải là việc bất khả thi.
Theo kinh nghiệm bản thân tôi, tôi nhận thấy cái khó nhất là chúng ta cần phải thay đổi quan niệm, thay đổi cách nhận thức về văn hóa - nghệ thuật cổ truyền dân tộc. Cho đến nay, sự đầu tư nguồn lực giữa hai nhiệm vụ bảo tồn và phát triển âm nhạc cổ truyền của chúng ta quá thiên lệch. Nhà nước còn nghèo, vì vậy cần thận trọng khi đầu tư cho công cuộc phát triển (theo hướng biến đổi về chất). Đây là vấn đề hết sức nhạy cảm và có nhiều phần tế nhị!
Trong cuộc sống của chúng ta, thói tự ti dân tộc vốn không phải là hiện tượng “hiếm có, khó tìm”. Nó thường lẩn quất đâu đó ngay cạnh lòng tự tôn dân tộc. Nó như một thói xấu vô hình, lúc ẩn lúc hiện trong mỗi con người. Nó thường chợt trỗi dậy khi chúng ta bị “hoa mắt” trước các giá trị văn hóa - nghệ thuật nước ngoài. Đặc biệt là khi các giá trị đó được gán cho cái mác “thế giới, quốc tế” hay “thời đại, hiện đại”... Trong văn hóa, thói tự ti dân tộc đặc biệt nguy hiểm vào lúc nó núp dưới cái bóng tự tôn dân tộc.
Chẳng hạn, khi người ta muốn học tập văn hóa nước ngoài để những mong “làm giàu thêm và nâng cao” văn hóa dân tộc thì đấy chính là lúc người ta thường vô tình coi vốn liếng các giá trị dân tộc cổ truyền là nghèo và thấp. Bởi cái lẽ thường là nghèo thì mới phải làm giàu và thấp thì mới phải nâng cao. Tất nhiên, công cuộc “làm giàu và nâng cao” theo lối bỏ cái của ta để lấy cái của họ chắc chắn sẽ đánh mất dần các giá trị cổ truyền. Các khâu của một quá trình nghệ thuật bao gồm: sáng tạo, phân phối, lưu truyền và hưởng thụ sẽ biến đổi đến tận gốc rễ theo thời gian.
Hiện tại, nếu chỉ nhìn bề ngoài, người ta sẽ tưởng rằng Việt Nam vẫn còn “đủ thứ, đủ loại, nào là Tuồng, Chèo, Cải lương, Quan họ, Hát văn, Ca trù, Ca Huế, Hát Xẩm, Hát Xoan... cùng là hò vè các loại, có mất mát gì đâu. Thật ra, chỉ có bắt tay vào điều tra, nghiên cứu, phân tích thì mới thực sự biết được rằng chúng ta đã mất những gì, sắp mất những gì và chỉ còn những gì ở thời hiện tại!
Bây giờ, đi tìm lại nhiều giá trị cổ nhạc của một thời hoàng kim, các nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc thường xuyên rơi vào tình trạng “mò kim đáy bể, biết tìm nơi đâu”. Bởi các nghệ nhân lão thành đã vĩnh viễn mang theo những giá trị đó về bên kia thế giới. Theo đó, thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay đã không còn cơ hội để hưởng thụ rất nhiều giá trị nghệ thuật cổ truyền dân tộc. Những giá trị mà mới chỉ cách đây khoảng 40 năm vẫn còn hiện hành trong đời sống nghệ thuật dân tộc. Những giá trị mà ông cha ta đã dày công đúc kết từ ngàn xưa chứ không phải sáng tạo trong một sớm một chiều. Giá mà người ta hiểu rằng nếu thế hệ trước không muốn nghe, không muốn học thì hãy bảo tồn để cho các thế hệ sau tiếp nhận nó. Bởi các giá trị nghệ thuật cổ truyền không phải là những thứ mà chúng ta có thể làm sống lại khi cần!
Trong thế kỷ XX, dù muốn nói gì đi chăng nữa thì tư tưởng phủ định các giá trị nghệ thuật cổ truyền là phong kiến, lỗi thời, lạc hậu... vẫn đồng nghĩa với thói tự ti dân tộc. Đó là điều không thể chối cãi. Trên tầm vĩ mô, chúng ta đã và đang góp nhiều công của để lưu truyền những giá trị nghệ thuật âm nhạc cổ điển châu Âu bằng hệ thống các nhạc viện trong cả nước. Hơn thế, các tác phẩm đó được bảo tồn một cách nguyên vẹn mà không hề bị cải biên. Như thế, ta đã làm giúp họ hai nhiệm vụ quan trọng là bảo tồn và phát huy cũng như kế thừa và phát triển các giá trị văn hóa nghệ thuật cổ truyền của họ.
Trong khi đó, chúng ta lại không có ý thức bảo tồn nguyên vẹn kho tàng âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Đó là một điều hết sức phi lý. Liệu họ có bỏ công sức, tiền của để học cho giống ta và làm hộ ta cái việc mà ta đã làm giúp họ?
Hơn nữa, mỗi người trong chúng ta chắc hẳn ít ai để ý rằng đứng trên phương diện văn hóa - nghệ thuật, sự hội nhập của ta với họ trong thế kỷ XX chủ yếu diễn ra theo một chiều yếu thế. Ta cố gắng phấn đấu học tập các giá trị văn hóa - nghệ thuật của họ để giống họ (tức hội nhập với họ) trong khi họ hình như không làm như vậy!?
Ở đây, theo quan điểm của chúng tôi, cái lớn nhất mà lẽ ra ta nên học tập họ chính là công cuộc bảo tồn và phát huy hệ thống các trị nghệ thuật cổ truyền dân tộc. Sự trường tồn của các kho tàng văn hóa nghệ thuật cổ truyền của họ như nền âm nhạc cổ điển châu Âu, Kinh kịch của Trung quốc, Nhạc Cung đình, Kịch Nô của Nhật Bản, Nhạc Cung đình Triều Tiên v.v… là điều mà chúng ta nên suy ngẫm. Bảo tồn nguyên vẹn kho tàng nghệ thuật cổ truyền Việt Nam - đó mới chính là sự hội nhập quan trọng với thế giới trong thời đại hiện nay. Hơn nữa, với những bài học trong quá khứ, chúng ta cần tránh áp đặt khái niệm hiện đại hóa trong khoa học kỹ thuật vào văn hóa nghệ thuật. Trong khoa học kỹ thuật, đúng là ta nên hiện đại hóa theo họ (tức giống họ). Còn trong văn hóa - nghệ thuật thì khác hẳn. Đặc biệt là với kho tàng nghệ thuật cổ truyền dân tộc, ta càng bảo tồn được nguyên vẹn bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu.
Chú thích:
1. Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng - TT Từ điển học, Hà Nội - Đà Nẵng, 1997.
2. Xin xem Tô Ngọc Thanh, Chèo và Chèo cải tiến, tạp chí Sân khấu, số 119/1990.
3. Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng - TT Từ điển học, Hà Nội - Đà Nẵng, 1997.
5. Xin xem Đỗ Ngọc Thạch, Vấn đề kế thừa truyền thống để xây dựng Tuồng hiện đại, tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật, số 3/1983.
17/1/2007
Bùi Trọng Hiền
Theo https://nhandan.com.vn/

Chữ tình trong dòng nhạc Lam Phương

Chữ tình trong dòng nhạc Lam Phương

Nhạc sĩ Lam Phương là một tên tuổi lớn trong làng tân nhạc Việt Nam, hầu như người Việt khắp nơi trên thế giới ai ai cũng biết đến ông. Tin tức đó đây cho hay ông đã giả từ trần gian huyễn mộng ra đi về cõi vô cùng, nhưng những đóng góp của ông cho nền âm nhạc Việt nam sẽ còn sống mãi với thời gian vô tận. Bởi lẽ, những sáng tác này đã phản ảnh một phần trong đời sống của mỗi chúng ta.
Hình như trong suốt cuộc đời, dù sinh sống bất cứ nơi nào, người nhạc sĩ vẫn ngày đêm không ngừng sáng tác, ngay cả khi tưởng như không còn cầm đàn, viết nhạc được nữa. Suốt cuộc lữ thăng trầm, ông đã im lặng, đã nói năng, đã vui cười, đã khóc lóc, đã giận hờn, đã tha thứ, đã yêu đương, đã ghét bỏ, đã ra đi, đã trở về, đã khổ đau cùng cực, đã hạnh phúc ngập tràn đan xen nhau trong từng bước chân ông trên dương thế.
Xuyên suốt hơn 60 năm qua, những sáng tác của ông bao gồm nhiều thể loại, nhiều chủ đề, thích hợp mọi giới từ bần hàn dân giả đến sang giàu tri thức dễ dàng thưởng lãm. Nhạc của ông nhẹ nhàng bay bổng như chính bút hiệu của mình - chân trời xanh; rộng rãi bao la như đồng quê Rạch Giá - nơi ông chào đời; ngọt ngào kỳ vĩ như hải đảo Phú Quốc; phiêu du lãng mạn như biển nước Hà Tiên. Ông sáng tác nhạc trong tâm thái tự nhiên không rộn ràng dù trong quân ngũ hay những lúc sinh hoạt đời thường.
Sự ra đi của ông như khói lam chiều nhẹ bay trên núi, như ánh hoàng hôn khuất dạng sau lũy tre làng. Phải chăng chết chỉ là ngày trở về của đứa con xa xứ?
Cuộc sống thật vô cùng phong vị và đủ đầy ý nghĩa nhất khi tâm hồn người nhạc sĩ vỏn vẹn một chữ tình: Tình quê hương, tình mẫu tử, tình chiến hữu, tình đôi lứa và tình người.
1. Tình quê hương:
Những ca từ được người nhạc sĩ tài hoa khéo léo sử dụng, đặt vào các nốt nhạc đều trở thành những âm giai bay bỗng nhẹ nhàng, những thể điệu gần gũi như hơi thở, những lời ca trong sáng mộc mạc, thắm đượm tình quê hương, rực rỡ sắc màu đất Mẹ đã dễ dàng đọng lại trong tâm trí người thưởng lãm. Quang cảnh sinh hoạt đồng quê Việt nam thật tưng bừng nhộn nhịp, nhất là lúc về đêm khi vụ mùa bắt đầu: “Kìa thôn quê dưới trăng vàng bát ngát. Ánh trăng thanh chiếu qua làng xơ xác. Chiếu hồn quê bao khúc ca yêu đời… Cười lên đi trăng sắp tàn bóng xế. Hát lên đi để nung lòng nhân thế. Để đồng xanh vui khúc ca ngày mùa”Khúc ca ngày mùa.

Khúc ca ngày mùa - Hương Thủy - Hà Phương

Mùi hương thơm của những bông lúa chín vàng nặng trĩu, tiếng hò hát xa đưa vọng vang từ lũy tre làng, tiếng xây lúa giả gạo nhịp nhàng trong đêm trăng thanh gió mát là bức tranh sống động của những người dân quê tay lấm chân bùn.
Đời sống dù khó khăn, những giá trị tinh thần lần lần ẩn khuất nhường chỗ đứng cho vật chất kim tiền, nhưng cảnh đẹp thiên nhiên của quê hương, của đất trời muôn đời vẫn không thay đổi. Ánh nắng ban mai soi chiếu trên đóa hoa chiếc lá, trên khắp cả ruộng đồng bát ngát mênh mông, luống cày hôm qua ngày nay tràn bông lúa mới, tình người dân quê chất phát luôn nồng thắm với hương đồng cỏ nội, với sông nước hữu tình: “… Tình là tình nồng thắm. Buộc lòng mình vào núi sông tình mến quê hương. Ngàn bóng đêm phai rồi. Vầng dương lên soi đời. Làng ta nay rạng ngời… Đây quê hương thân yêu miền Nam. Nắng lên huy hoàng đẹp mùa vui sang” - Nắng đẹp miền Nam.

Nắng đẹp miền Nam - Hoàng Oanh trước 75

Đây là một trong những ca khúc diễn tả hình ảnh quê hương trọn vẹn và tài tình mà nhạc sĩ Lam Phương đã khiến cho người nghe rung cảm trái tim, thương nhớ diết da về nơi chôn nhau cắt rốn, về những con đường, những cây lá, những cánh hoa, những dòng sông, những bụi mù của ngày xưa cũ. Trái tim người thưởng thức nhạc ông dễ dàng rung động trước những tươi thắm của mùa màng, trước những sắc màu diễm lệ của thiên nhiên, trước những tình yêu da diết của con người. Linh hồn quê hương luôn bất tử cho dù con người có lưu lạc tận chân trời góc biển. Điều này được phô diễn rõ ràng trong tâm thức người nhạc sĩ qua một trời quê hương Việt nam chan chứa niềm tin tươi sáng. Do vậy, dù cuộc đời có ngả nghiêng sụp đổ, quê hương muôn thuở vẫn đẹp mãi trong lòng người con đất Việt!.
2. Tình mẫu tử:
Bao nhiêu bài hát được sáng tác suốt cuộc đời nghệ thuật của mình, nhạc sĩ Lam Phương vẫn không quên nói lên tình Mẹ. Bởi lẽ, tình yêu trong mọi thể thái rồi cũng dần phai theo năm tháng, chỉ có tình Mẹ là bất tử muôn đời. Ông đã sử dụng những tiếng nói bình thường, những ngôn từ đơn sơ mộc mạc như hơi thở, như khí trời, như nước uống và như cuộc đời diễm tuyệt để nói lên lòng yêu thương vô biên của đấng Mẹ hiền đối với con thơ: “… Nuôi con Mẹ quên tang trắng tơi bời. Mong sao con chóng nên người… Nuôi con quanh năm chân lấm tay bùn. Đêm đêm thao thức canh dồn. Nhìn con cho bớt đau buồn. À ơi, nào người nhà ấm quê hương, nào người tình lắm yêu thương, lòng mình ai thấu đoạn trường” - Tình mẹ.

Tình mẹ - Lam Phương - Thanh Thúy

Bài hát này đã cho ta thấy hoàn cảnh khốn khó trong gia đình người nhạc sĩ từ thuở ấu thơ. Mẹ của nhạc sĩ Lam Phương vừa đóng vai Mẹ vừa thế chỗ Cha đã tảo tầng cực khổ sớm hôm để nuôi đàn con khôn lớn. Ngày đêm chỉ một tâm nguyền nuôi con chóng lớn ‘thành nhơn chi mỹ’ cho đời. Con càng lớn Mẹ hao mòn máu thịt, con trưởng thành Mẹ mắt yếu lưng cong. Đêm đêm lặng lẽ nhìn con, ngày ngày dắt dìu từng bước chân chập chững của con, Mẹ phần nào cũng thấy an lòng.
Năm tháng đi qua, duyên số đẩy đưa, một ngày giữa nghìn trùng xa cách, người nhạc sĩ nằm nghe tiếng sóng vỗ của trùng dương vọng về, tiếng mưa rơi trong đêm tối bão bùng, nỗi thầm lặng nhớ nhung trước những tháng ngày tuyết rơi băng giá hay những lúc mõi gối chùng chân, cô đơn giữa trời Tây xa cách. Biết bao kỷ niệm hiện về, chính giây phút thiêng liêng này, ông thành tâm chấp tay khẩn cầu, đau đớn bùi ngùi dập đầu tạ ơn Mẹ: “… Đêm nay đường xa đất lạ. Gió về ôm ấp biển khơi. Quê hương ở tận phương trời. Lời nào thương nhớ cho nguôi. Những lời nồng nàn trong nôi. Sẽ theo con đến cuối đời. Ơn Mẹ ngàn kiếp chưa vơi”Tạ ơn mẹ.

Như Quỳnh - Tạ ơn mẹ - Lam Phương

Cuộc sống có lúc êm đềm thơ mộng, đôi khi hối hả dập dồn, xua đẩy con người trôi dạt tận phương trời vô định. Tiếng lòng của đứa con nhớ Mẹ vẫn cứ âm ỉ vọng về như thấp thoảng, khép nép đợi chờ. Ở một nơi xa xôi nào đó, nỗi nhớ thương trong tâm thức vọng về, chính là lúc người Mẹ già nơi quê nhà đêm ngóng ngày mong tin con đã ra đi vĩnh viễn. “… Cát bụi này Mẹ vừa yên thân. Sau bao năm nước mắt chảy xuôi. Con ra đi trong giờ Mẹ hấp hối. Để muôn đời thành kẻ vong ân” - Khóc mẹ.

Khóc mẹ - Lam Phương - Anh Khoa

Quả thật, có mất Mẹ mới thấy cõi lòng trống vắng, trong cô đơn mới thấy thấm thía nỗi đơn côi!
3. Tình chiến hữu:
Lần giở lại từng trang lịch sử hào hùng của dân tộc, hơn 70 năm trước, quê hương Việt Nam chìm trong khói lửa đao binh. Những giá trị truyền thống tưởng như bị đốt cháy trong chiến tranh. Xã hội náo loạn, tình người tả tơi trong mưa bom lửa đạn. Tiếng cười không trọn vẹn, tiếng khóc luôn nghẹn ngào, thù hận phân ly ngày càng sâu thẳm.
Như cuộc đời của bao lớp thanh niên trong thời chinh chiến, nhạc sĩ Lam Phương cũng hăng hái gia nhập quân ngũ để có dịp tắm nắng dầm sương, gió mưa tôi luyện, để có cơ may thấu hiểu tận cùng tâm tư của những người mặc chiếc áo lính.
Đời sống người linh cơ cực, nghiêm khắc, nhưng lại là nơi cần thiết cho đấng nam nhi thấm nét phong sương, dày tình bằng hữu. Ban ngày thao luyện để giữ gìn non sông, đêm về tình chiến hữu khích lại gần nhau, trút hết tâm tư cho niềm thương thêm lớn: “… Rồi ngày mai ra đi, chốn biên thùy anh sá chi gian nguy. Có bao giờ anh nhớ chăng, đêm nào nằm gần nhau, hồn xây mộng ước mai sau. Mai nếu đời ngăn chia ngàn lối, đừng quê nhé những ngày bên nhau…” - Tình anh lính chiến.

Túy Hồng - Tình anh lính chiến - Lam Phương. Bản ghi âm trước năm 1975

Thời gian bên nhau trong đơn vị là cơ hội vun bồi, đắp xây tình bằng hữu. Khi nụ cười reo vui, lúc nước mắt nghẹn ngào, người lính chiến vẫn còn thời gian tâm sự, vẫn đong đầy tình chiến hữu. Cho đến một buổi chiều với vài đồng đội đi ngang qua ngôi làng cũ, ông chạnh lòng tìm lại bóng dáng người con gái đang độ xuân thì: “Một chiều hành quân qua thôn xưa, lúc nắng xuân chưa nhạt màu. Chạnh lòng tìm người em gái cũ, em tôi đã đi phương nào. Để rồi một năm nơi biên cương, dấn bước thân ra sa trường. Ngày thì tìm vui bên chiếc súng, khi đêm anh vui với đàn. Dù mộng tàn phai trong thương đau, vẫn nhớ mãi duyên ban đầu. Lời thề ngày xưa đã trót hứa, em ơi xin đừng quên” - Chiều hành quân.

CHIỀU HÀNH QUÂN - Lam Phương - Thanh Thúy

Tìm vui trong tiếng nhạc cung đàn, hiên ngang trước mưa bom biển đạn, nhạc sĩ Lam Phương vẫn lạc quan nở nụ cười với bè bạn, với người con gái năm nào. Trước dòng đời nhỏ nhoi ngắn ngủi, trong kiếp sống đầy vơi khổ lụy, đời lính thật liệt oanh, anh dũng kiêu hùng. Đây là một trong những bài hát về lính chân tình và cảm động nhất mà chúng ta có được suốt cuộc chiến tranh dài đằng đẵng trên quê Cha đất Mẹ!.
4. Tình đôi lứa:
Tình yêu đầu đời chớm nở là khi hai con tim thơ ngây khiết bạch gặp nhau. Như bao người con trai mới lớn khác, nhạc sĩ Lam Phương cũng đã từng mộng mơ, ước vọng về người yêu lý tưởng của mình. Dáng vẻ thướt tha diễm kiều, đủ đầy công dung ngôn hạnh theo truyền thống Á Đông. Có lẽ khi còn trẻ, người nhạc sĩ cứ nghĩ đơn giản là cuộc sống hạnh phúc chỉ cần hai con tim cùng nhịp đập trong một mái ấm gia đình hay duyên tình trai giá phải được an bày từ muôn kiếp trước: “… Ngày anh gặp đôi mắt long lanh. Lần đầu anh lạc trong hố mê say. Dường như ta quen nhau từ muôn kiếp. Vừa gặp lại ta đã sợ tình cao bay...” - Chỉ có em.

Chỉ có em - LAM PHƯƠNG - Phạm Quỳnh Anh
Cũng bởi tâm lý lo sợ mối duyên tình cao bay, nên khi người nhạc sĩ hay nói đúng hơn là chàng trai đang ngây ngất, say đắm men tình trong yêu đương mộng mị, lúc nào cũng lạc quan yêu đời, nhìn mọi thứ trên dương gian một cách hồn nhiên hạnh phúc: “… Tiếng đàn hòa êm ái, nhịp bước em thêm lả lơi. Cung điệu buồn chơi vơi, đôi tâm hồn riêng thế giới... Giờ mình có nhau rồi, đời đẹp vì tiếng em cười. Vượt ngàn trùng qua bể khơi, dắt dìu cùng về căn nhà mới. Ta xây vách chung tình, nhiều chông gai có tay mình. Xin cảm ơn đời còn nhau, ghi sâu phút ban đầu bằng bài tango cho em” - Bài Tango cho em.

Bài Tango cho em - Lam Phương - Mai Thiên Vân

Sau thời gian dài hơn 10 năm lội bơi trong biển ái tình, người nhạc sĩ thấm dần ý nghĩa hạnh phúc ái ân không phải là thứ mình có thể giữ gìn và níu kéo mãi được. Rồi một chiều nhìn mây trôi mênh mang, nhìn chim bay lang thang, nhìn dòng nước âm thầm tuông trôi, người nhạc sĩ bất giấc biết được sức mình không thể nắm giữ mối duyên tình mãi mãi khi không còn nhân duyên hội ngộ. Ông nhận ra lối thoát tốt nhất là: để cho tâm thái nhẹ nhàng và nguyện cầu cho người kia được trọn vẹn hạnh phúc nơi duyên tình mới: “… Biết rằng cuộc tình đầu, thường gây bao thương đau, càng yêu nhau càng xa nhau mãi mãi… Giờ thì còn lại gì hay muôn kiếp khóc cho nhau, chúc em hạnh phúc trong tình duyên mai sau” - Tình chết theo mùa đông.

Tình chết theo mùa đông - Phương Ý

Có lẽ đây là một trong những sáng tác về tình yêu đôi lứa hay nhất, tuyệt với nhất, sống động nhất, nhân bản nhất và cao thượng nhất của nhạc sĩ Lam Phương!.
5. Tình người:
Cố nhạc sĩ Lam Phương đã dâng tặng cho quê hương Việt nam, cho mỗi chúng ta một bức tranh đơn sơn mộc mạc. Trên bức tranh này, ông đã thay thế chúng ta vẽ và kể lại phần nào hình ảnh tuyệt vời của làng quê và phố chợ, của hào hùng và tang thương dân tộc, của những niềm vui và nỗi buồn nhân thế, của những giàu sang danh vọng và những ngỡ ngàng thất vọng. “… Thương cho kiếp sống tha hương, thân gầy gò gởi cho gió sương. Đôi khi muốn nói yêu ai, nhưng ngại ngùng đành lãng phai. Đêm nay giấy trắng tâm tư, gởi về người chốn mịt mù. Đời nghèo lòng nào dám mơ tình chung. Trời cao có thấu, cúi xin người ban phước cho đời con. Một mái tranh yêu, một mối tình chung thủy không hề phai…” - Kiếp Nghèo.

KIếp nghèo - Như Quỳnh - Lam Phương

Có lẽ trời thương yêu và cảm động cho tấm lòng nguyện cầu thiết tha của người nhạc sĩ, nên ông đã được ân phước ban trao trọn 10 năm với mát mẻ xuân hồng, với nụ cười hạnh phúc, nhưng rốt cuộc rồi cũng vỗ cánh bay xa, thoáng qua như một giấc mộng.”… Bây giờ mình đã xa nhau. Thương em nước mắt tuôn trào. Mười năm yêu đó như cơn mưa rào, như giấc chiêm bao”. - Như Giấc Chiêm Bao 

Như giấc chiêm bao - Lam Phương - Ngọc Lan

Ngoài những cơn mê say mộng mị, nhạc của Lam Phương ít nhiều gì cũng mang đậm đường nét dứt khoát, tin tưởng vào một tương lai tươi sáng. Nó rõ ràng và diễm lệ như một bức tranh. Có chỗ mềm mại êm ả như một vùng thủy mạc, có chỗ chỉ là một hòn cuội, một chiếc lá, một giọt sương, một ngọn cỏ phiêu lãng muôn phương. Nó vững vàng và mạnh mẽ như một con tàu lướt sóng, dẫn đưa đoàn người hòa nhịp vào trái tim nhân ái tình người.”…Tàu đưa ta đi, tàu sẽ đón ta hồi hương. Tây Đô sẽ sống lại yêu thương” - Chiều Tây đô.

Chiều Tây đô - Hoàng Thục Linh - Lam Phương

Không phải con tàu Trường Xuân năm xưa sẽ đón đưa người nhạc sĩ hồi hương, mà tất cả những người yêu mến nhạc của ông và quê hương Việt Nam muôn đời luôn mở rộng vòng tay yêu thương đón chào ngày ông quy cố.
Gần cuối cuộc đời, bên kia bờ đại dương, người nhạc sĩ vẫn âm thầm sáng tác, vẫn dâng hiến cho đời tình yêu thương khiết bạch và trọn vẹn, cho dù tình yêu thương đó có ai lắng nghe, đồng cảm, đồng điệu hay không. “Sớm mai thức giấc, nhìn quanh một mình. Ngoài hiên nắng lóe, đàn chim giật mình. Biết lời tỏ tình, đã có người nghe…” - Một mình.

Hương Giang - Một mình - Lam Phương

Có thể nói, những tâm tình xuất phát từ trái tim thương yêu, những ca từ thoát thai nơi con tim đồng cảm, những nhạc khúc vọng vang từ tiếng nói chân thành của nhạc sĩ Lam Phương đã có người nghe, đang có người nghe và sẽ còn lắng nghe mãi - nghe bằng chính con tim tác giả!
Dù nhạc sĩ Lam Phương không còn, nhưng những sáng tác của ông vẫn tiếp tục hiện hữu trên khắp nẻo đường quê hương, nơi chúng ta sinh ra và lớn lên, trên khắp cả năm châu bốn biển có người Việt đang sinh sống. Những ca khúc này, mỗi lần được cất lên, đều có sức sưởi ấm cõi lòng đã nguội lạnh, có thể làm lóng lánh giọt lệ hạnh phúc xa xưa, làm tâm thức bình an khi áp lực cuộc sống ập tới và cho thêm hương vị thương yêu ngọt ngào trước những tỵ hiềm, ghen ghét, đắng cay của kiếp người!
Nơi phương xa, tôi được may mắn ngắm nhìn buổi lễ cầu siêu cho nhạc sĩ Lam Phương thật trang nghiêm và đủ đầy nghĩa tình tại Chùa Giác ngộ. Từ Ban tổ chức đến quý quan khách tham dự, mọi người dường như chung một tấm lòng, trọn cả con tim hướng về người nhạc sĩ như sự quý kính tri ân chân thiết sau cùng. Giữa những thành phần xuất gia giải thoát và chư vị tại gia cư sĩ hiền lành có một điểm chung long lanh là trái tim độ lượng. Trước quang cảnh ấm áp thiêng liêng, tất cả ngồi gần bên nhau, cùng ôn nhắc lại cuộc đời của một nhạc sĩ tài hoa và những hình ảnh thân thương của giới văn nghệ sĩ hướng về người quá cố. Cái tôi, cái ta trần thế bây giờ đã hóa nhập thành hai ngọn nến lung linh, quyện hòa vào lời kinh tiếng kệ, vào lời ca dịu êm cao khiết của Ban hợp ca, của quý ca nghệ sĩ gần xa để ân tình trọn vẹn, cuộc sống thêm vui. Hương hồn người nhạc sĩ chắc chắn sẽ được siêu hóa, thể nhập vào thế giới bao la, nơi đó không còn buồn chán, giận hờn, hơn thua, ích kỷ hay u ám nặng nề.
Sau cùng và trên hết, hơn 200 sáng tác bất hủ của nhạc sĩ Lam Phương suốt đời cống hiến, chắc chắn sẽ còn sống mãi với thời gian, với những tâm hồn yêu nhạc, với những trái tim chân chính luôn đi tìm cái hay, cái đẹp, cái cao cả của cuộc đời.
Phút giây này, tôi xin thành tâm vọng hướng về hương hồn nhạc sĩ Lam Phương, nguyện cầu chân linh Phật tử Ngộ Trí Nhân thanh thản trở về với vui với thâm ân vô lượng của mười phương chư Phật!!!.
30-12-2020
Thiện Hữu
Theo http://www.daophatngaynay.com/

  Bài thơ Bắt nạt tiếp tục gây tranh cãi khi đưa vào sách giáo khoa 17 Tháng Mười, 2023 Bài thơ “Bắt nạt” của tác giả Nguyễn Thế Hoàng L...