Thứ Bảy, 29 tháng 2, 2020

Có một Hà Nội say đắm trong âm nhạc

Có một Hà Nội 
say đắm trong âm nhạc
Nhiều người tin rằng Hà Nội là thành phố có nhiều ca khúc nhất thế giới. Và như nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu đã khẳng định: “Những đặc trưng của Hà Nội đều tìm thấy trong âm nhạc”, không một chút điêu ngoa!
Một Hà Nội hào hùng và hào hoa
Hào hùng, anh dũng, kiên cường, bất khuất trong bom đạn chiến tranh, không phải chỉ là của riêng Hà Nội mà là nét đặc trưng, truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam ta từ xưa tới nay. Nhưng với riêng Hà Nội, giới nghệ sĩ lại dành phần ưu ái hơn. Nhiều ca khúc viết về Hà Nội trong chiến tranh cho tới hôm nay vẫn còn “vang bóng” với sức dư ba, âm vang đầy hào khí như: Người Hà Nội - Nguyễn Đình Thi, Hà Nội trái tim hồng - Nguyễn Đức Toàn, Hướng về Hà Nội - Hoàng Dương, Tiến về Hà Nội - Nam Cao…
Rất nhiều bài hát hay về Hà Nội đã ra đời trong những năm tháng chiến tranh. Nhưng với Hà Nội trái tim hồng, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn lại muốn ngợi ca Hà Nội một cách khác, khái quát một Hà Nội anh hùng nhưng vẫn mềm mại, lãng mạn, một Hà Nội trong những ngày hòa bình.
Những ca từ bỗng nhiên bật ra với tình yêu trong lời ngợi ca sâu sắc: “Tôi hát bài ca ngợi ca Hà Nội. Ôi Hồ Gươm xao xuyến trong trái tim tôi”. Bao nhiêu cảm xúc về Hà Nội như ùa ra: Hàng cây xanh bao mùa lá đỏ/ Gió sông Hồng rì rào sóng vỗ/ Mùa thu đi qua từng phố nhỏ/ Ôi Hồ Gươm!. Như một bài ca/ Hà Nội ơi có tự bao giờ/ Mấy ngàn năm chói chang rực rỡ/ Hà Nội ơi náo nức bài ca/ Vẫn âm vang trong tâm hồn ta...
Một Hà Nội hào hoa với bề dày trầm tích ngàn năm văn hiến vẫn mãi lay động bao tâm hồn nhạy cảm.
Hà Nội mùa thu - Vũ Thanh cũng là một trong những tình khúc bất hủ về Thủ đô yêu dấu. Lời ca da diết mang nỗi nhớ khắc khoải về mùa thu "năm ấy" được thể hiện qua từng câu hát đi vào lòng người: "... Em nghe chăng, trong lắng sâu nơi hồng trái tim mình/Hà Nội mùa thu, ôi xao xuyến trong lòng ta/Như bâng khuâng, nghe gió đưa/Vang vọng giữa Ba Đình..."
Âm nhạc là điểm giao hòa của những tâm hồn đồng điệu. Âm nhạc như lời nhắn gửi, là sợi dây kết nối trái tim. Hòa mình vào âm nhạc, những người yêu thích Hà Nội bước đầu khám phá giá trị tượng đài Hà Nội bằng âm thanh thông qua nghệ thuật biểu hiện của lời ca, tiếng hát. Và hơn hết, họ tìm thấy trong đó một phần là “máu thịt” của mình, tìm thấy bóng dáng tuổi thơ hồn nhiên vô tư thuở nào.
Hà Nội với những phố nhỏ, ngõ nhỏ
Trong các nhạc phẩm viết về Hà Nội yêu dấu dường như không một bài nào là không có sự xuất hiện của phố nhỏ, ngõ nhỏ, hay gần gũi hơn là tên những con đường, con phố gắn bó, bình dị, thân quen với biết bao người.
“Ngõ nhỏ, phố nhỏ nhà tôi ở đó/ Đêm lặng nghe trong gió/ Tiếng sông Hồng thở than” - Hà Nội và tôi - Lê Vinh
Chỉ ở nơi đó tôi mới nghe được thanh âm - tâm hồn người Hà thành một cách tinh tế và sâu sắc nhất. Tâm hồn người Hà Nội mộc mạc nhưng cái mộc mạc đủ khiến cho bao trái tim bồi hồi, khiến bao người bâng khuâng nhớ mãi khi chia xa. Đó là một Hà Nội tĩnh lặng và êm đềm hơn trong âm nhạc.
Với “Hướng về Hà Nội”, Hoàng Dương lại dẫn người nghe đến với những con phố thân quen theo vòng quay của bánh xe đạp xưa cũ, và theo tiếng leng keng của những chuyến tàu điện. Đấy là phố thâm nghiêm rợp bóng cây và tiếng ve ru những trưa hè. Là Tháp Rùa đang nghiêng mình làm duyên, làm dáng soi bóng mặt hồ Gươm. Là Đống Đa; là Cầu Giấy; là phố Quang Trung, đường Nguyễn Du thơm nồng hoa sữa mỗi đêm…
Ngõ nhở, phố nhỏ như một điệp khúc cứ ngân nga, vang vọng, mãi xoáy sâu vào “vòng đời” những ai từng đặt chân tới mảnh đất linh thiêng này. Sâu lắm, cũng xa lắm!
Hà Nội mùa thu tràn nỗi nhớ
Những thanh âm trong trẻo của Hà Nội ngân vang, vút cao theo từng ca từ, nốt nhạc của các nhạc sĩ, những ca sĩ tài hoa. Bốn mùa Hà Nội đều mang tới cho người nghệ sỹ những xúc cảm khó quên. Mùa xuân có: Xuân Hà Nội - Giáng Son; Hà Nội em và mùa xuân - Quốc Dũng.
Mùa hạ lại có Tiếng ve kêu râm ran suốt đêm hè của Trọng Tạo; cả Những con đường rất xanh của Hà Nội/ Những cây bàng cây me, cây cơm nguội/ Những con đường ngoại ô nắng chói/ Những con đường đầy hoa tháng sáu. Hè xưa ơi! trong Mong về Hà Nội - Dương Thụ.
Với mùa đông, người nghe lại chìm đắm trong những ca từ của Lãng đãng chiều đông Hà Nội - Phú Quang; Đêm mùa đông Hà Nội - Hoàng Phúc Thắng; nhẹ nhàng hơn, như một cách nói hoa mỹ trong Hà Nội mùa vắng những cơn mưa:
“Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa/Cái rét đầu đông, khăn em bay hiu hiu gió lạnh/Hoa sữa thôi rơi, em bên tôi một chiều tan lớp/Đường Cổ Ngư xưa chầm chậm bước ta về/ Hà Nội mùa này chiều không buông nắng/ Phố vắng nghiêng nghiêng cành cây khô/ Quán cóc liêu xiêu một câu thơ/ Hồ Tây, hồ Tây tím mờ”.
Trong đó mùa thu phần nào được ưu ái hơn cả. Những tình khúc viết về Hà Nội vào thu nhiều lắm. Mỗi khúc ca lại là một lời tâm tình của “người tình - Hà Nội”, nhẹ nhàng và sâu lắng!
Hoa sữa của nhạc sĩ Hồng Đăng cũng được đánh giá cao. Mỗi khi câu hát "hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm" vang lên, người nghe thường nghĩ ngay tới mùa thu Hà Nội bởi chỉ có thu Hà Nội mới có mùi hương hoa sữa nồng nàn - một nét đặc trưng mà không nơi nào có được. Chính vì vậy Hoa sữa của nhạc sĩ Hồng Đăng mãi sống trong tiềm thức của người yêu nhạc Việt Nam như là một trong những ca khúc hay nhất về mùa thu Hà Nội.
Ta cũng có thể bắt gặp Hà Nội chuyển thu qua những ca khúc: Nhớ mùa thu Hà Nội - Trịnh Công Sơn; Hà Nội mùa thu sớm - Ngô Thế Hiếu..
Hà Nội mùa thu luôn mang nét quyến rũ không bao giờ phai. Mùa thu Hà Nội nhẹ nhàng và đằm thắm. Khoảnh khắc của đất trời, của con người được người nghệ sĩ ghi lại qua lăng kính chủ quan của của những cái nhìn, xúc cảm và cả tâm hồn thơ mộng cho thấy sự mộc mạc, tĩnh lặng nhưng khơi gợi những cảm xúc kỳ lạ của mùa thu Hà Nội. Hà Nội Mùa Thu còn mang ý nghĩa về sức sống mãnh liệt của thủ đô: từng phải trải qua biết bao cuộc kháng chiến trường kỳ với những khó khăn, gian khổ nhưng Hà Nội "vẫn ngát xanh, xanh mùa thu”.
Hà Nội của những lời ca tiếng hát đắm say lòng người
Hà Nội đậm sâu trong những sáng tác của các nhạc sĩ tên tuổi, và ngược lại, tên tuổi các nhạc sĩ được ghi danh nhờ những trang cảm xúc về Thủ đô. Những cái tên như: Bùi Công Kỳ với Ba Đình nắng; Hoàng Dương - Hướng về Hà Nội; Những ánh sao đêm của Phan Huỳnh Điểu, Phú Quang với Hà Nội ngày trở về… Cả những giọng ca hát về Hà Nội cũng được ngợi ca, và được yêu mến như Thanh Hoa, Quang Thọ, Trung Đức, Ngọc Tân, Hồng Nhung, Trọng Tấn, Tấn Minh…
Ta còn bắt gặp những nét đặc trưng của Hà thành trong các sáng tác của nhạc sĩ Phú Quang. Nhạc Phú Quang thiên về những bản tình ca, rất trữ tình, sâu sắc, lãng mạn. Đặc biệt, những bài hát về Hà Nội, Phú Quang đã viết bằng tất cả nỗi nhớ nhung. Hẳn rằng tình cảm và sự gắn bó, nhớ thương Hà Nội trong ông luôn cháy bỏng nên ông mới viết được nhiều bài hay như thế. Mảng bài hát về Hà Nội của ông với các ca khúc Em ơi Hà Nội phố, Hà Nội ngày trở về, Mơ về nơi xa lắm, Im lặng đêm Hà Nội, Tôi muốn mang Hồ Gươm đi...
Hà Nội trong nhạc Dương Thụ lại khác, như tâm sự của ông "Tôi yêu Hà Nội vỉa hè. Mỗi lần ra đây tôi thích được sà vào hàng nước, uống nước trà, nói chuyện với những người bán nước, bán hoa quả. Hà Nội cứ tự nhiên vào trong tôi như thế. Tôi không có cái hào hoa của người Hà Nội mà có chút chân thành, bình dị của người lao động”. Do đó mà ông luôn “mong về Hà Nội”.
Hà Nội ngày ấy là câu chuyện của nhạc sĩ Trần Tiến, người xa đất Hà Thành nhiều năm vẫn nhớ về chốn kinh kỳ với những chiếc guốc nhỏ nhẹ gót trên đường, những người con gái đoan trang, nghèo mà sang, mà thanh lịch. Phải nói thật, Thăng Long - Hà Nội có cái gì quyến rũ như người tình chung, đi xa thì lưu luyến nhớ, về lại thì tràn trề thương!
Hà Nội trong sáng tác mới
Nhiều người cho rằng Hà Nội đã mở rộng, những con đường chật ních người, một Hà Nội dịu dàng, trầm lắng thì có lẽ chỉ còn trong hoài niệm. Nhưng theo người nghệ sĩ thì dù có ồn ào pha tạp đến đâu thì cuộc sống vẫn đầy ắp những rung động với đủ cung bậc của những hỷ nộ ái ố. Do đó mà Hà Nội hôm nay vẫn còn “chất nhạc” gợi cảm hứng cho người nghệ sĩ.
Quả thực so với trước kia, sáng tác hiện nay nói chung và về Hà Nội nói riêng rõ ràng phong phú hơn không chỉ về số lượng mà cả về phong cách và ngôn ngữ biểu hiện. Được tiếp cận nhiều hơn với thế giới bên ngoài, các nhạc sĩ trẻ luôn tìm tòi thử nghiệm để ngày càng vững vàng hơn trong việc chứng tỏ cái tôi của mình, nhất là trong sáng tác khí nhạc chuyên nghiệp.
Nồng nàn Hà Nội của Nguyễn Đức Cường là một ví dụ điển hình: "... Đưa em đi qua thăng trầm, bao tháng năm đã úa màu/Gọi tên từng phố cổ, chiều nhạt nhòa Hồ Gươm lung linh/Ngọt ngào hoa sữa thơm/Gọi mùa thu về thật lâu, để ta biết, nồng nàn..."
Mang phong cách rock unplugged pha lẫn R&B đầy lôi cuốn, Nồng nàn Hà Nội của nhạc sĩ trẻ Nguyễn Đức Cường đã chinh phục khán giả yêu nhạc ngay từ khi mới xuất hiện. Một Hà Nội "dịu dàng và đậm chất thơ" đã được tác giả được thể hiện qua những hình ảnh như Hồ Gươm lung linh vào mỗi buổi chiều tà, các quán ăn ven đường tấp nập người qua lại, dòng người vội vã trên những con phố, hương hoa sữa thơm nồng nàn vào mỗi mùa thu...
Đó là những dư vị rất riêng của Hà Nội khiến cho bất kỳ ai từng đặt chân tới nơi đây vào mùa thu đều cảm thấy xao xuyến trước một vẻ đẹp thật bình yên và nhẹ nhàng. Quả đúng như người ta thường nói, mùa thu là mùa đẹp nhất của Hà Nội và là mùa đã đem đến cho biết bao người nghệ sĩ sự thăng hoa của những cung bậc cảm xúc.
Hay “Từ một ngã tư đường phố”- Phạm Tuyên, cuộc sống reo vui từng giờ: “Khi nắng mai về người và xe nối nhau đi trên đường/ Đèn đỏ đèn xanh với ánh nắng nhảy múa như ngàn hoa/ Niềm vui phấn khởi trong ánh mắt bao người qua”.
Ngẫu hứng phố cũng được đánh giá là khá “nổi” với những ca từ mang tính đầy ngẫu hứng nhưng vẫn thể hiện được những nét đặc trưng của Hà Nội xưa và nay với: “Hà nội cái gì cũng rẻ chỉ có đắt nhất bạn bè thui/ Hà nội cái gì cũng rẻ chỉ có đắt nhất tình người thôi/ Hà Nội cái gì cũng buồn, buồn thương đến thế mùa thu ơi/ HN cái gì cũng vui, rủ nhau ra phố bia hơi vỉa hè/ HN mùa mưa bạn bè tuổi thơ lội dòng sông phố nô đùa/ Hà nội mùa đông quán đê thơm nồng mùi ngô nướng xém”.
Những ca từ đẹp về Thủ đô thân yêu, về một thành phố của hòa bình sẽ mãi đi vào lòng người với sức ám ảnh lớn: “Ôi Đông Đô! Hùng thiêng dấu xưa còn in nơi đây/ Ơi Thăng Long! Ngày nay chiến công rạng danh non sông/ Hà Nội mến yêu của ta, Thủ đô mến yêu của ta” - trong bài Hà Nội niềm tin và hy vọng của Phan Nhân.
Lại càng khiến bao tâm hồn những người xa quê thổn thức, xuyến xao, hướng về trong tình yêu thương bình dị: “Dù có đi bốn phương trời/ Lòng vẫn nhớ về Hà Nội/ Hà Nội của ta, Thủ đô yêu dấu/ Một thời đạn bom, một thời hòa bình”.
4/10/2010
Phạm Phương
Theo https://dantri.com.vn/

Người ở bến sông Châu

Người ở bến sông Châu
Hôm ấy, nước sông Châu đỏ quạch. Sóng lớp lớp đập tung vào mố cầu đổ đứng trơ trọi giữa dòng nước từ thời bom Mỹ thả. Hoàng hôn màu đỏ ối. Mây đen, trắng lẫn lộn bay cuồn cuộn.
Ngày dì Mây khoác ba lô về làng, chú San đi lấy vợ.
Hôm ấy, nước sông Châu đỏ quạch. Sóng lớp lớp đập tung vào mố cầu đổ đứng trơ trọi giữa dòng nước từ thời bom Mỹ thả. Hoàng hôn màu đỏ ối. Mây đen, trắng lẫn lộn bay cuồn cuộn. Nước sông Châu mỗi lúc một lên cao, chảy xiết. Đám rước dâu ngồi trên đò bảo nhau: Lũ mạn ngược đổ về...
Chú San lấy cô Thanh giáo viên ở xóm Bãi bên kia sông. Đám rước đông, Mai phải phụ với ông chèo đò chở mấy chuyến mới hết. Chú San đi học nghề ở nước ngoài về mấy tháng nay, chưa xin được việc. Chú mặc áo sơ vin, thắt ca ra vát đứng ngay ở mũi đò. Các cô mặc áo cổ lá sen; các bà, các ông mặc áo nâu sồng ngồi ở khoang đò, miệng nhai trầu bỏm bẻm. Mặt chú San tươi, rạng rỡ, lúc nào cũng cười cười, răng trắng lấp loá. Cứ nhớ đến dì Mây là Mai muốn đánh đắm đò. Nghĩ ác! Nhưng quả thật lòng Mai cứ bồn chồn, bứt rứt nóng như lửa đốt. Mai vênh vênh cái mặt bảo chú San: “Đám cưới chú đông lẽ ra phải đi thuyền rồng”. Chú chau mày: “Chú xin cháu. Đừng nói. Ông buồn”. Mai lặng người nhìn ông đứng trên sạp thuyền chậm rãi, dứt khoát quẫy từng nhịp chèo. Ông lầm lì, mặt ngẩng cao, chòm râu bạc trắng phau bay bay. Ông đang làm cái việc chưa từng có trên đời là chở người yêu cũ của con gái mình đi lấy vợ. Mặt ông không để lộ niềm vui hay nỗi buồn. Nhưng nhìn vào mắt ông lại cảm thấy cồn cào như có sóng. Chỉ đến khi người cuối cùng của đám rước lên bến, ông mới vội lén lấy tay áo quệt nước mắt. Ông bỏ lên lều cỏ nằm. Mai neo đò vào bến.
Đám rước dâu qua sông một lúc thì dì Mây về. Dì đeo chiếc ba lô bạc mầu toòng teng ở một bên vai. Dì đứng ở bờ đê xóm Bãi gọi ông. Giọng dì nghèn nghẹn lẫn trong ráng chiều lúc hiện lên rất rõ, lúc nhoè đi. Ông đứng ở cửa lều cỏ dỏng tai nghe. Trong tiếng gió và sóng, Mai cảm nhận tiếng vọng của một thời xa lắc. Và loáng thoáng cả tiếng bọn trẻ chăn trâu: “Cô ... ô... ơi. Lỡ đò rồi”.
 Mai cứ ngỡ mình trong mơ. Khi bừng tỉnh, Mai đã thấy ông chèo đò ra giữa dòng sông. Dì Mây bước tập tễnh, tập tễnh xuống bến. Ông quẫy chèo gấp gáp. Mắt ông nhoè đi. Đò kịch bến. Dì Mây nhào xuống đò. Đò ngang tròng trành, tròng trành. Ông ôm lấy dì. Đôi vai rung lên. Ông nói từng hơi đứt quãng: “Mây ơi! Sao đến hôm nay mới về... chậm mất rồi! Con ơi!...Cha cứ tưởng...”
 Mai đứng lặng, nước mắt lăn dài. Chèo buông, đò ngang trôi theo dòng xuôi về phía hạ nguồn. Ông và dì, một già một trẻ, một lành lặn, một thương tật tựa đỡ vào nhau. Bóng dì và ông in trên mặt sông lẫn trong bóng chiều cháy đỏ. Giật mình, Mai chạy dọc triền sông, thảng thốt gọi ông, gọi dì.
Chập tối.
Gió ở bến sông Châu thổi quằn quặn. Chuối sau túp lều cỏ tàu lá rung lật bật. Nước sông Châu chảy xa xá, vài con két đi ăn về muộn thỉnh thoảng kêu lạc loài giữa không trung. Mai rốn lại neo chặt đò. Ông đi trước, dì Mây thập thễnh theo sau về xóm Trại. Đóng xong cửa túp lều ở bến sông, Mai vội tắt qua đám mạ về nhà. Ba đứa em gái lạ dì, trố mắt đứng nhìn. Ông gỡ tấm ảnh dì Mây viền đen trong khung kính và bằng Tổ quốc ghi công cất vào tủ. Dì Mây đứng trước bàn thờ chịu tang bà. Dì gục đầu cạnh bát hương, nức nở: “Ối u ơi! Là u ơi! Ngày con đi u bảo cầu mong cho bom đạn tránh người. Lúc đi chín, lúc về mười, lấy chồng cho u bế cháu...”.
Ông thắp ba nén nhang đặt vào tay dì Mây. Ông cũng đứng bên dì, lẩm bẩm như nói với người cõi âm. Mai thẫn thờ bỏ ra ngoài đứng bên hàng dâm bụt leo đầy dây tơ hồng. Không muốn nhìn nhưng chữ song hỷ cắt bằng giấy bạc trên phông cưới chú San cứ đập vào mắt. Bố đi họp về há hốc miệng ngỡ ngàng cứ như bất chợt gặp dì Mây ở chợ âm phủ. Mẹ đi thăm bà đẻ cũng đã về. Đến sân, mẹ ngơ ngác đứng ngây như trời trồng rồi lắp bắp: “Chị lậy em... Em sống khôn chết thiêng...
Ông và chị thờ, cúng em đúng ngày đúng tháng... Nhà đang làm ăn yên ổn đừng hiện về ám các cháu...”. Dì Mây đứng dậy. Đèn trên ban thờ chập chờn, khói hương quyện quanh người dì. “Chị ơi!”. Chỉ có vậy dì lặng đi. “Em đây... Mây đây... chị ơi!”. Lúc này thì mẹ bừng tỉnh. Dì Mây nhào đến, hai chị em ôm ghì lấy nhau. Mẹ sờ sờ nắn nắn khắp người dì, chạm phải chân cụt, mẹ nấc lên, rồi sụt sùi. Dì Mây cũng lau nước mắt. Mẹ bảo: “Chị khóc dì khô nước mắt. Ở hiền gặp lành, phúc ông bà ông vải to lắm mới có ngày hôm nay. Mà khiếp! Dì ngồi như tượng, khói hương phủ lên đầu lên vai, chị cứ tưởng...”. Bố bảo: “Thôi ! Thôi! Vừa mới về để cho dì ấy nghỉ”. Dì Mây ngồi xuống hiên, chốc chốc lại nhìn sang bên kia hàng dâm bụt. Bên chú San, cỗ cưới vẫn chưa tàn. Người ra, vào tấp nập, cười nói, chúc tụng vang một góc làng. Cô Thanh mặc quần láng Nam Định, áo pôpơlin trắng loá đi từng bàn tiếp thức ăn. Ông Quảng được dâu hiền, nét mặt sung mãn. Ông tất bật: “Thằng Lẫm đâu?”. “Dạ, dạ”. “Mâm cụ trưởng hết rượu”. Lại tiếng dạ ngoăn ngoắt, rồi tiếng chân chạy cỗ rộn rịch. Cụ trưởng lè nhè, chỉ vào cô Thanh: “Cháu...cháu... chuột sa chĩnh gạo nhá. Cái Mây không báo tử... thì cháu đếch được làm dâu cái nhà này... Cố mà đẻ một thằng cu...” Thím Ba toang toác át cả tiếng nhạc thoát ra từ cái đài catset cũ: “Cụ ơi! cụ chếnh choáng rồi. Rượu vào lời ra. Cụ nói lúc này không tiện đâu. Danh giá cô Thanh chẳng kém gì cậu San nhà ta. To mông, rộng háng, lưng hơi gù thế kia, cứ sòn sòn năm một...”. Đám cỗ cười ồ lên. Cụ Trưởng đặt mạnh chén mắt trâu xuống mâm, rượu sóng sánh tràn ra: “Con mẹ kia... cười gì... Mày dạy ông phỏng. Láo! Về mà dạy thằng con hoang nhà mày nhá!...”. Ông Quảng chạy lại chắp tay vái lia lịa: “Tôi xin ông... Ngày vui của các cháu...”. “Nhưng mà nó láo...”. “Vâng. Cháu nó biết lỗi rồi, có nói năng nữa đâu. Thằng Lẫm đâu mở nhạc to lên”. Tiếng máy cọt kẹt, nhạc ầm lên. Thím Ba đã lui ra góc sân từ lúc nào ngồi thút thít. Khổ thân thím. Chú hy sinh ba năm, thím đẻ em bé. Hỏi bố thằng Cún là ai. Thím giấu không nói. Cuối cùng kỷ luật, một mình gánh chịu. Nghe đâu định cắt cả tiêu chuẩn vợ liệt sĩ.
Bên nhà ông, hàng xóm vẫn chưa biết dì Mây về. Cả nhà nói chuyện chủng chẳng. Ông hỏi bâng quơ những chuyện xưa xa lắc. Bố an ủi dì Mây cao số. Chuyện trò chẳng biết vui hay buồn. Mẹ đụng phải cái gì cũng rơi, cũng vỡ. Tim Mai đập thon thót. Thỉnh thoảng bố hỏi, dì Mây miễn cưỡng trả lời, bụng dạ cứ để ở bên nhà chú San. Dì linh cảm điều bất hạnh đã xảy ra. Trớ trêu quá! Sự thật phũ phàng đã dập tắt niềm vui và khát vọng của dì. Dì Mây bẽ bàng, cô đơn. Dì hận. Dì tủi. Lặn lội khắp nẻo đường Trường Sơn, dì mong mỏi ngày gặp lại. Thế mà người ta có biết dì về đâu. Người ta đang sung sướng, hạnh phúc kìa. Lại còn cười nữa trời ơi. Dì Mây nhắm mắt lại trốn tránh ánh đèn măng sông đám cưới. Đó là thứ ánh sáng hạnh phúc của người tình xưa chiếu vào tận sâu thẳm lòng dì. Nó như muôn vàn mũi kim nhọn châm, chích vào trái tim dì đang rỉ máu... Dì mở mắt. Xót xa nhìn cái chân cụt đến đầu gối và tấm thân còm nhom, xanh lướt...
“Khốn nạn cái thân em tôi”. Mẹ chỉ sang nhà chú San:“Kia kìa! Người ta đang nắm tay nhau chướng mắt lắm. Dì chịu ngồi thế này à?”. Bố bảo: “Chả lẽ đứng giữa sân mà hô hổng. Trước lúc đi lấy vợ người ta cũng sang thưa chuyện tử tế”. Chỉ chờ có thế mẹ lu loa: “Giời ơi. Là giời!. Người ta sung sướng để em tôi khốn khổ, khốn nạn thế này...”. Ông nghiến răng hầm hừ: “Bớt bớt cái mồm cho tôi nhờ. Vác được cái xác về là mừng. Còn mong gì hơn nữa. Phải biết thân phận mình chớ!”.
Bên nhà chú San có tiếng quát tắt nhạc. Thím Ba hổn hển đến ghé sát tai chú San thì thầm. Hình như chưa hết câu chú đã ngồi phịch xuống ghế ôm đầu. Tiếng ồn ào lắng lại chỉ còn tiếng thu dọn bát đĩa kêu lách cách.
Một lát sau, chú San rẽ hàng dâm bụt, bổ sang. Người chú quấn đầy dây tơ hồng. Bố ngồi bó gối quay mặt đi nơi khác. Mẹ ngại ngùng chào đãi bôi. Ông tra thuốc vào nõ điếu rít liên tục. Chú San nhận lỗi, xin phép được nói chuyện với dì. Dì Mây nuốt nước mắt vào trong: “Giờ không còn gì để nói nữa. Anh về đi!”. Dì chống nạng gỗ lộc cộc bỏ ra ngoài ngõ. Chú San đứng phắt dậy đi theo: “Cho anh nói một câu”. “Không!” “Anh chỉ xin nói một câu thôi”. Dì Mây thở hổn hển, tay vin cành dựa hẳn vào cây bưởi. “Anh có lỗi. Anh tệ quá. Mây cứ chửi mắng anh đi”. Chú San nắm hai tay đập liên hồi vào thân cây. Lá bưởi xào xạc. Vài con chim giật mình bay vút lên không trung. Dì Mây tức tưởi: “Hôm nay là ngày gì? Anh nhớ không. Có ngờ đâu ngày ấy tiễn anh đi cũng là ngày ly biệt”.
Họ lặng im, không ai nói gì nữa. Trong mắt hai người không phải màn đêm dưới tán lá bưởi thoang thoảng mùi hương thuần khiết mà là bến sông. Bến sông Châu năm ấy giữa mùa hoa gạo cháy. Từng cánh, từng cánh hoa đỏ tươi rắc đầy lối xuống đò. Phía ga Gềnh xa xa ì ùng tiếng bom Mỹ thả. Đạn cao xạ lụp bụp nổ. Từng đám khói tròn đen trắng lẩn vẩn trên nền trời xanh ngắt. Nhịp cầu bị bom đánh sập trơ ở bến sông. Người con gái chèo đò đưa người con trai đi nước ngoài học. Đò ngang bồng bềnh, bồng bềnh. Bỗng máy bay rẹt qua đầu. Người con gái bỏ chèo ôm chặt, nép đầu vào ngực người yêu. Con đò cứ trôi đi chở hai người lặng im ôm nhau như không hề có chiến tranh, không có cuộc chia ly.
Mai ra múc nước, gầu va vào thành giếng. Hai người bừng tỉnh. Giọng chú San bồi hồi: “Ở nước ngoài, đêm nào anh cũng nhớ đến em, nhớ bến sông Châu”. Tiếng dì Mây da diết: “Ngày ở Trường Sơn, trang nhật ký nào cũng có tên anh”. Hồi ức trở về những ngày xa nhau. Một thời đã qua ở hai khung trời xa cách lại hiện lên. Người con gái ở Trường Sơn đạn nổ bom rơi, người con trai ở xứ bạn đầy hoa tuyết trắng rơi rơi, êm ả, thanh bình... Tình yêu, nỗi nhớ như kéo không gian, thời gian gần lại. Trong lòng họ tình yêu, tình thương lại bùng lên bất chợt, cồn cào, da diết. Chú San đột nhiên vung tay đấm rung cành bưởi: “Mây! Chúng ta sẽ làm lại”. “San! Anh nói gì thế???”. “Anh sẽ từ bỏ tất cả. Chúng ta về sống với nhau”. Dì Mây lặng đi, người rũ ra, mềm oặt. Dì từ từ khuỵu xuống. Chú San sẽ sàng đỡ dì ngồi xuống đống củi xếp cạnh gốc cây bưởi.
Bên kia hàng dâm bụt cô Thanh đi đi lại lại. Chốc chốc cô lại dứt lá dâm bụt xoàn xoạt. Dây tơ hồng quấn quýt ở tay cô. Trong buồng hạnh phúc, giường cưới bỏ ngỏ, màn trắng thấp thoáng qua cửa sổ. “Chết thật!”. Mai buột miệng thốt lên. Tình thế này chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra. Trên đầu không thấy gió thổi, mây bay. Và cây trong vườn đứng im phăng phắc. Không khí ngột ngạt nghẹt thở. Đó đây im ắng hãi hùng như đang dồn nén cho một trận cuồng phong bão tố sắp cuộn lên ở bến sông Châu.
“Không!”. Tiếng dì Mây phá vỡ khoảng không gian im lặng. Dì bật dậy, chống nạng gỗ cộc cộc đi vào sân. Chú San chạy theo níu áo dì Mây. Dì đứng lại, thở hổn hển: “Thôi! Thôi! Lỡ rồi! Đằng nào cũng chỉ một người đàn bà khổ. Anh về đi”. Chú San ngập ngừng định nói điều gì. Dì Mây ngăn lại: “Anh đừng lo cho tôi”. Dì thở dài đánh thượt: “Sự thể đã thế, cố mà sống với nhau cho vuông tròn”. Cô Thanh đứng bên kia hàng dâm bụt mếu máo nói với sang: “Chị ơi! Chúng em ơn chị”. Không đáp lại, dì Mây quay ngoắt lưng, chẳng biết mặt cô Thanh lúc ấy tròn hay méo. Dì ném xoạch đôi nạng gỗ xuống sân, ôm mặt khóc hu hu. Dì khóc như chưa bao giờ được khóc. Bao oan khúc tức tưởi dồn nén chặt vỡ oà ra. Mẹ thút thít dìu dì Mây vào trong nhà. Dì nằm úp mặt vào tường thổn thức.
Đêm dài quá.
Chuột trên mái nhà đuổi nhau kêu chí choé. Có tiếng ken két như thân tre vặn mình sát vào nhau. Lại có tiếng cọt kẹt như tiếng dát giường kêu vọng trong đêm sâu vắng. Thở dài. Chốc chốc lại thở dài, dì Mây dựa lưng vào vách, một chân còn lại bó gối. Dì ngồi rất lâu trước ngọn đèn dầu tù mù. Con búp bê tóc vàng trong túi cóc ba lô chưa kịp cho lũ trẻ lòi ra. Dì Mây ngắm nghía. Dì ôm chặt nó vào lòng, đu đưa, nâng niu. Chán! Dì lại lôi quyển nhật ký lật từng trang, trang nào cũng có tên chú San. Dì úp quyển nhật ký vào mặt. Nước mắt nhoè lên các dòng chữ trên giấy đã ố vàng. Cuối cùng, dì khập khễnh xuống bếp. Bật diêm, dì ngồi chậm rãi xé từng trang, từng trang ném vào lửa. Mặt dì lạnh tanh vô hồn. Dì ngồi như tượng. Lửa cháy xanh, leo lét, chập chờn in hình dì lên vách bếp. Lúc sau, dì giật mình, hoảng hốt dập lửa. Quyển nhật ký xé tung, đã đốt cháy một nửa.
Sáng.
Tin dì mây về loang đi khắp xóm Trại. Dì Mây ngượng ngùng tiếp khách. Người đưa đẩy, an ủi, kẻ cảm thông, xót xa. Nửa buổi, vãn khách, dì Mây lại khoác ba lô ra lều cỏ. Dì ngồi trên bờ đê cao ngẩn ngơ nhìn hoa gạo đỏ rắc đầy bến sông Châu. Mai se sẽ ngồi bên: “Dì ơi! Dì về được nhà là mừng lắm. Người còn là quí nhất, dì ơi”. Dì Mây mơ màng như không nghe Mai nói. Dì khe khẽ, thì thầm: “Ngày xưa, dì và chú San thường ngồi ở bến sông này...” Lặng đi một lát, lại nói tiếp trong hơi thở: “Dì chèo đò đưa chú đi học cũng vào mùa hoa gạo...”. Dì thở dài, nuối tiếc. Đôi mắt nhìn xa xăm.
Bố ra bến sông Châu. Làm mặt giận, bố bảo: “Dì làm thế, dân làng chửi mặt tôi”. Rồi bố nói luôn: “Thôi cũng tiện, ngày thường ông có chịu về nhà đâu. Dì ở đây gần ông. Tôi bảo chị phụ thêm cất căn nhà mới”. Ông lặng thinh, ném sầm cái chèo lên đò. Ông gỡ neo không thèm ngoái lại, chèo phăng sang bờ bên kia đón khách. Dì Mây bảo: “Anh về đi, đừng nói năng gì nữa”. Bố đi mấy bước còn quay lại dặn: “Mày ở với dì đừng có ngụp lặn, mò móc, dưới sông còn sót bom bi”. Bố lo xa quá. Người ta suốt ngày quăng chài bắt cá, bắt tôm. Hôm qua, thím Ba đun te bắt rạm, xúc phải cả mảnh bom. Có thấy ai chết đâu.
Chiều chiều.
Mẹ hái lá bưởi mang ra bến sông Châu. Mẹ và dì gội đầu cho nhau. Tóc dì Mây rụng nhiều, xơ và thưa. Ngày chưa đi bộ đội, dì thường sai Mai lấy ghế đẩu cho dì đứng lên chải tóc. Tóc dì đen óng mượt. Những lúc gội đầu xong, dì nắm sát chân tóc quay mù mịt. Bao nhiêu hạt nước li ti bắn ra rơi cả vào mặt Mai. Chú San nấp bên hàng dâm bụt vạch lá nhìn trộm cũng giật mình. Mùa hoa loa kèn, dì Mây rủ Mai ra triền sông chơi. Hai dì cháu đuổi nhau. Chạy ngược chiều gió thổi, tóc dì sổ tung bay bồng bềnh, bồng bềnh như mây. Mai thầm ước khi thành thiếu nữ có mái tóc mây dài đẹp như dì. Mẹ và dì Mây nặng tình quá. Hai chị em rủ rỉ rù rì chuyện trò. Mai chẳng rõ, chỉ thấy chốc chốc mẹ thở dài. Lúc về, mẹ dặn: “Mai. Chịu khó học hành rồi đỡ đần ông cho dì vui. Đừng có nhẩy cẫng đi chơi bỏ dì ngồi một mình”. Mẹ lại bảo: “Dì ra đây là phải. ở nhà nhìn sang bên kia hàng dâm bụt thấy người ta như đôi chim cu, đến tôi cũng nẫu ruột”. Mai lờ mờ hiểu được câu: “Chị em gái như trái cau non”.
 Từ ngày ra bến sông Châu, dì Mây buồn lắm, cứ tha thẩn đi ra đi vào, lúc tư lự ngồi ngắm trời nhìn nước, lúc lụi cụi nấu cơm. Vắng Mai, chỉ còn ông và dì, hai bố con chòi chọi, ăn được bữa cơm đến khốn khổ. Ông thương dì, cố nhai, cố nuốt, mắt ngân ngấn nước. Dì cũng não lòng, có hôm bỏ bữa. Ban ngày đi lại còn khuây khoả. Ban đêm nghe tiếng trẻ sơ sinh khóc bên trạm xá xã vọng sang, dì Mây lại giật mình thon thót.
 Dì Mây thỉnh thoảng cũng phụ với ông chèo đò. Dì bỏ chân giả, chống nạng gỗ khó nhọc leo lên sạp thuyền ngồi, hai tay cầm chèo quẫy nước. Lũ bạn Mai đi học cấp ba trường huyện chẳng bao giờ dì lấy tiền đò. Đi nhờ mãi cũng ngại, bọn nó bảo: “Chúng cháu sức dài vai rộng, dì giúp mãi, ngại quá!”. Dì Mây cười: “Đáng là bao, cho chúng mày nợ đến nữa có lương rồi trả”. Bọn nó nhao nhao: “Ứ trả đâu. Chúng cháu dồn lại, dì lấy chồng đi mừng luôn thể”. Dì Mây chợt thoáng buồn. Chúng nó kín đáo nhìn nhau nói lảng sang chuyện khác. Thương dì, mỗi lần qua chúng nó bỏ vào lều có khi thì hoa quả, lúc lại bánh trái. Có đứa còn ngắt cành hoa loa kèn to cắm ở đầu chõng tre dì nằm nữa. Lũ bạn Mai như một đàn chim sẻ chợt ùa đến, thoắt bay đi, làm cho bến sông Châu lúc ồn ào náo động, lúc lại im ắng, buồn tẻ.
 Về một thời gian, tóc dì Mây mọc thêm, da dẻ hồng hào trở lại. Đêm trăng sáng. Dì Mây lọn tóc cao trên gáy rủ Mai xuống bến sông tắm. Nước sông Châu chảy êm đềm mát rượi. Vai dì Mây để trần. Trăng sáng lấp loá trên ngực dì căng đầy. Cổ dì Mây trắng ngần, mắt dì sáng lên, lung linh, huyền hoặc. Thảo nào mẹ thường nói: “Ngày xưa dì đẹp nhất làng”. Mẹ cũng bảo: “Có khối trai làng ra bến sông ngó trộm dì mày tắm”. Mai chột dạ ngước lên, chỉ thấy triền đê cao ngút. Bờ bên kia lấp loá ánh lửa hàn. Họ đang sắp bắc cầu. Mai bơi lại gần: “Dì ơi! Dì còn trẻ lắm”. “Nỡm ạ. Dì sắp thành bà cô rồi đấy. Còn mày nữa. Tao cứ ngày một già đi, mày lại cứ phổng phao ra”. Mai cúi nhìn xuống ngực, tự nhiên bừng đỏ mặt. Dì Mây quẫy mình, một chân còn lại quẫy nước, hai tay sải mạnh, người lấp loá trên sông đầy ánh bạc. Sóng nước lao xao.
Làng xây trạm xá mới. Bà y sĩ trưởng trạm không sống nổi với nghề bỏ việc. Thiếu người, bàn ghế, giường tủ để trơ trỏng. Biết dì là quân y sĩ Trường Sơn, ông Chủ tịch xã nói khó với dì ra giúp. Dì Mây trở lại nghề. Khổ nhất là những đêm trời mưa người ta gọi dì Mây đến khám tại nhà. Đường quê khấp khểnh sống trâu, dì bước đầy bước hụt. Con đường từ bến sông đến trạm xá có vài trăm mét, dì cậm cạch bước, lưng thấm đẫm mồ hôi. Ông Chủ tịch xã bảo: “Tập xe đạp đi, tôi cho người sửa đường rải đá mạt”. Dì Mây bảo: “Trạm xá còn thiếu thuốc. Tôi cố, cũng như người tập thể dục”. Mấy tháng rồi, lúc trời mưa con đường đầy dấu chân tròn in vào đất phù sa.
Đêm mưa.
Vợ chú San vượt cạn thiếu tháng. Thai ngôi ngược lại tràng hoa quấn cổ. Thím Ba loay hoay đỡ mãi, cô Thanh không đẻ được. Cô cứ luôn mồm kêu: “Chị Ba ơi... Em chết mất... Em đau quá! ...”. Cô đuối dần không còn sức rặn, một hai phần sống tám chín phần chết. Đường lên huyện xa lắc. Đò ngang cách trở. Mưa gió dầm dề. Người ướt lướt thướt, chú San mặt cắt không còn một hạt máu. Dì Mây khoác áo mưa đến. Chú San đang dở khóc dở mếu. Thím Ba lại vướng thằng Cún. Nó khóc ngằn ngặt không dời thím nửa bước. Thím bực mình đét vào đít nó một cái: “Con với cái. Rõ khổ”. Thím Ba kéo dì Mây ra ngoài hiên, rỉ tai: “Đưa lên huyện không kịp mà động dao kéo vào cũng không cứu nổi. Nhà nó, chồng lêu bêu chưa xin được việc. Ba cái đồng bạc đi nước ngoài về ăn hết rồi tiền đâu thuốc men. Vạ lây. Mày khốn”.
Như thể không nghe thím Ba nói, dì Mây tiêm thuốc tê, thuốc trợ sức, rạch rộng rồi bảo cô Thanh cố rặn. Cô Thanh nhìn dì Mây bằng con mắt sợ hãi, cầu cứu. Dì nhỏ nhẹ: “Em cố lên. Hãy nghĩ đến đứa con. Nào... Cố lên em... Cố lên...”. Cô Thanh mím môi, oằn mình dồn sức. Khiếp quá! Mai chạy ra ngoài đứng. Lúc sau, nghe loáng thoáng tiếng dì Mây bảo thím Ba băng lại rốn cho đứa bé. Dì Mây khâu xong vừa lúc trời rạng, mưa ngớt từ lúc nào. Mồ hôi dì vã ra như tắm. Dì Mây thở phào. Thím Ba bảo: “Mặt nó tím ngắt mà không khóc”. Dì Mây ghé miệng vào mũi nó mút mút rồi phát nhẹ vào đít nó một cái. Tiếng oe oe bật ra. Chú San ở ngoài nhẩy cẫng lên: “Sống rồi! Con ơi...”. Ở trong, dì Mây gục luôn xuống bàn đỡ đẻ khóc tức tưởi. “Ơ cái con này!”. Thím Ba ngạc nhiên. Dì Mây càng khóc to hơn. Tiếng khóc của dì hòa lẫn tiếng oe oe của đứa bé. Nghe xót xa, tủi hờn, xen lẫn niềm ao ước, chờ mong và vui buồn lẫn lộn.
Chú San vào, bối rối. Thím Ba bảo: “Tôi hiểu ra rồi. Cứ để con Mây nó khóc. Xúm vào đưa vợ về phòng sau đẻ”. Chú San lóng ngóng vịn vào xe đẩy. Khi chú San quay lại. Dì Mây không còn ở đó nữa. Dưới nền trời bàng bạc là muôn triệu hạt mưa bụi li ti, giăng giăng bay trắng dòng sông Châu. Bóng dì Mây thấp thoáng trong bụi mưa, bước thấp, bước cao, ở phía cuối con đường về bến.
 Mấy ngày sau, chú San đặt tên con bé cũng là Mây. Thím Ba lắc đầu lè lưỡi: “Khiếp quá! Gần hai mươi năm tao làm bà đỡ, chưa thấy ca nào khó thế”. Thím bảo dì Mây: “Mày tài thật! Đưa lên huyện là họ mổ toác cái bụng ra ấy chứ”. Dì Mây thơm thơm cái miệng nhỏ xinh xinh của con bé đang chóp chép. Cô Thanh sướt mướt: “Nhà em ơn chị đời đời”. Dì Mây cho con bé ít tiền. Cô Thanh chối đây đẩy. “Tôi cho nó chứ có cho cô đâu”. Dì Mây bảo thế. Chú San đứng im, chả biết chú nghĩ gì.
Bố biết, mắng: “Có khi làm phúc phải tội. Dì dại. Lỡ không may người ta nghi trả thù. Không đổ máu cũng vào tù như bỡn”. Dường như uất ức từ lâu, chỉ chờ có thế, thím Ba xả ra hết: “Hay hớn quá! Đạo đức giả tuốt. Giờ tôi chẳng giấu giếm nữa. Anh giả vờ bệnh tật ở nhà hưởng phú quý thái bình, đẩy em trai đi lính thế thân...”. “Tôi xin thím. Chú ấy là chồng thím nhưng là em tôi. Chú ấy chết. Tôi lo liệu." "Lo cái chó gì. Họp chi bộ anh vẫn giơ tay biểu quyết kỷ luật tôi. Con trai anh đấy. Thằng Cún đấy. Anh mang về mà nuôi.”. Nói vậy, nhưng thím lại kéo thằng Cún vào lòng như sợ người ta bắt mất. Thím nức nở: “Con ơi! Mẹ khổ lắm”. Bố hoảng: “Thím này điên rồi. Dì Mây nói hộ tôi”. Rồi bố phóng xe môbilét vù đi. Dì Mây vỗ về: “Đời người đàn bà khổ lắm. Chị ơi nghiến răng mà chịu. Đẹp tốt phô ra, xấu xa che lại”. Thím Ba vẫn khóc ời ời: “Mà cũng tại tôi. Tôi tệ quá, tệ quá!”.
Ngày ấy, trai tráng trong làng đi bộ đội hết, đến như dì Mây cũng ra chiến trường. Làng toàn nạ dòng, người già với trẻ con. Chẳng biết thím Ba đáng thương hay đáng tội. Thím Ba ngớt khóc, nhìn thấy Mai, thím đuổi: “Mày đi ngay. Chuyện người lớn biết đâu bỏ đấy nhá.”. Mai chạy về nhà như ma đuổi, không khóc nhưng nước mắt cứ trào ra. Thương mẹ, thương ba đứa em gái, thương thằng Cún, thím Ba, dì Mây. Mai giận bố. Lại có chuyện động trời như thế. Mà bố dám làm mọi điều lắm. Mai nhớ sau mấy hôm dì Mây về, ông mang bằng Tổ quốc ghi công trả cho xã. Bố bảo: “Chẳng biết người ta có lấy lại tiền tuất không nhỉ.”. Đang phủi bụi, ông giận, bực mình ném phất trần xuống nền nhà rồi bỏ cả khung kính lẫn bằng vào túi, đi về trụ sở ủy ban. Mẹ nước mắt lưng tròng.
Tháng ba lại về.
Hoa gạo nở rắc đầy lối xuống sông. Ông độ này yếu, thỉnh thoảng ho khúc khắc. Bờ bên kia ngổn ngang cọc xi măng, sắt thép. Bố bảo: “Nay mai có cây cầu mới hết cảnh đò giang cách trở”. Mai chợt buồn, nghĩ đến ngày ông gác chèo, lên bờ. Ông yếu nhiều, bước chậm rồi. Nghĩ dại, ông chết dì Mây ở với ai? Bố quát: “Ơ kìa mày nghĩ vẩn vơ cái gì thế. Cấm ra chỗ người ta làm. Lính công binh trúng thầu toàn những thằng lạ hoắc, mồm mép như tép nhẩy. Lớ xớ phải lòng nhau, ễch bụng ra bằng bôi tro trát trấu vào mặt tao”. Bố nghĩ đen tối quá. Gặp ai bố cũng nghi ngờ, cảnh giác. Hôm Chỉ huy đến liên hệ cho bộ đội tập kết xây cầu, bố còn mặc cả: “Chú Quang này. Bến sông đầy bom bi chưa nổ. Lúc rà bom tôi cho dân quân gác, đơn vị chú phải nuôi cơm”. Thấy ảnh dì Mây đội mũ tai bèo treo trên tường, chú Quang giật mình, nhìn trân trân như bắt gặp người thân. Bố bảo: “Em gái nhà tôi đấy. Người ta báo tử từ dạo chưa giải phóng”. Chú Quang lặng người. Hai mắt chớp chớp. Như người mất hồn, chú ngẩn ngơ về...
Lính công binh làm cầu rà bom suốt ngày ngụp lặn ở bến sông Châu. Người nào cũng đen ngòm, khỏe như vâm, nhưng trông hiền khô. Lũ bạn Mai đi học qua suốt ngày trêu chọc... Ngồi trước trang sách, đầu óc Mai cứ để ở đâu đâu. Khổ thế! Người nôn nao bứt rứt không yên.
Mẹ hốt hoảng chạy về nhà la lối: “Ối em ơi là em ơi ời... Em sống khôn thác thiêng...”. Lo quá, Mai cứ nghĩ dì Mây... Bố quát: “Cái gì? Nói đi nào... cứ ông ổng khóc”. “Thím Ba... Mình ra mà coi... người ta bảo thím đun te vướng bom bi”. Hoảng quá, Mai chạy theo bố ra bến sông. Chân cứ díu lại, trống ngực đánh thình thịch, tức thở. Người ta bọc vòng trong vòng ngoài. Bố đến, mọi người giãn ra. Dì Mây ngồi cạnh thím Ba, im phắc. Tóc dì xoã ra, mắt ráo hoảnh vô hồn như nhìn về cõi xa xăm. Thím Ba đã tắt thở. Bom bi nổ găm đầy người lỗ chỗ. Máu ở ngực thím vẫn còn rỉ ra. Dưới sông te lưới nổi lập lờ, lập lờ.
 Đám ma thím Ba về, bố sọp hẳn người. Ban đêm thơ thẩn trong vườn lại ra cầu ao ngồi. Sáng bố bảo dì Mây: “Tôi biết lúc sắp tắt thở, mẹ thằng Cún trăn trối để dì nuôi cháu. Tôi nghĩ chẳng biết có phải không. Dì cho nó về ở với tôi...”. Dì Mây gạt đi: “Cứ để tôi nuôi cháu, sau sẽ liệu”. Bố bảo: “Tôi ơn dì”.
 Cuối thu trời hơi se lạnh.
Giữa nền trời mờ đục, sếu từng đàn giăng giăng hình chữ V bay mải miết về phương Nam tránh rét. Trong làng thêm nhiều người đan áo. Ông mặc ấm mỗi lần xuống bến. Lính công binh bắc thêm một nhịp cầu. Họ kháo nhau thủ trưởng tán dì Mây không đổ. Ở bờ bên này họ bảo: “Dì Mây chắn cửa hầm che chở cho thương binh. Bom nổ người lính công binh sốt rét tóc rụng trọc đầu vẫn lành lặn, còn cô y sĩ Trường Sơn mảnh đạn phạt một chân.”. Bên kia bờ sông họ bảo: “Chú Quang sốt rét vẫn còn hành hạ, lấy vợ chắc gì đã có con.” Lính đúc móng giữa dòng lại nói: “Chú Quang đi suốt dọc sông Châu tìm cô y sĩ Trường Sơn đã cứu mình thoát nạn”. Dân xóm trại thì đồn: Dì Mây sắp lấy chồng. Còn bên bến sông Châu là ngôi nhà tình nghĩa dựng ngay trên nền căn lều cũ, dì Mây thở dài: “Ngày ấy, ở Trường Sơn có hẹn ước gì đâu. Bây giờ người ta đã là kỹ sư. Còn mình... liệu có nên không.” Rồi dì lại vỗ về ầu ơ ru thằng Cún ngủ.
Chuyện tình của thủ trưởng, chẳng biết có thật không, lính tráng truyền nhau dệt nên như huyền thoại. Nhưng có một sự thật chẳng hề nói quá: Đêm nào vắng tiếng ru vọng ra từ căn nhà mới xây bên bến sông Châu là những người lính công binh thao thức hoài, khó ngủ...
Đêm sông Châu.
Đất trời như giao hòa một màu bàng bạc. Muôn triệu vì sao chi chít, nhấp nháy, rắc đầy xuống bến sông. Làng quê lam lũ, mệt mỏi chìm vào giấc ngủ. Mùi hương cỏ mật lẫn vào mùi hương nồng nàn của đất phù sa dậy lên. Sông Châu thao thức. Sóng vỗ về, rì rầm bài ca ngàn xưa của đất trời. Văng vẳng trong đêm tiếng dì Mây ru thằng Cún ngủ. Giọng ầu ơ từ bến sông Châu lan xa, vang vọng. Lính công binh bắc cầu chợt dừng tay hàn, lắng nghe. Tiếng ru lúc đầu trầm lắng, nghèn nghẹn, xót xa sau êm  ái, trong sáng, mênh mang, ngân nga sâu lắng tận sâu thẳm con tim những người lính. Tiếng ru lẫn vào hơi thở sông nước trong đêm, hoà vào hương thơm của cây cỏ, đất trời.  
3/9/2017  
Sương Nguyệt Minh
Theo http://baodansinh.vn/

Luận về Đà Lạt

Luận về Đà Lạt
Trong cái nóng oi bức của mùa hè Bắc Bộ, để nghĩ về sự dịch chuyển đến một không gian núi đồi có khí hậu mát mẻ quanh năm, tôi chắc rằng trong 10 người phải có 8 người nghĩ về Đà Lạt. Phải rồi, Đà Lạt cũng là thành phố ở Việt Nam có nhiều tên gọi theo phong cách mỹ từ hóa nhất mà không đâu sánh bằng: thành phố mộng mơ, thành phố ngàn hoa, thành phố ngàn thông, xứ hoa đào, thành phố sương mù, thành phố tình yêu, tiểu Paris phương Đông…
Và chắc chắn không phải ngẫu nhiên, Đà Lạt với vẻ đẹp trong trẻo mà dịu dàng, u uẩn mà kiêu sa đã đi vào không biết bao nhiêu tác phẩm thơ, nhạc nổi tiếng suốt từ nửa đầu thế kỷ trước cho tới nay. Không biết ai đó đã viết một câu thật đúng về Đà Lạt mà tôi rất tâm đắc: Đây là nơi còn mãi mùa thu.
Nơi khơi nguồn sáng tác
Ngược dòng thời gian, chính bác sĩ Alexandre Yersin là người đã gợi ý cho viên Toàn quyền Paul Doumer xây dựng một khu nghỉ dưỡng ở vùng cao nguyên Lâm Viên, tức Đà Lạt ngày nay. Cho tới ngày 20/4/1916, Hội đồng Phụ chính của vua Duy Tân thông báo Dụ, thành lập thị tứ Đà Lạt. Và cho đến những năm 1940 thì Đà Lạt đã được coi là thủ đô mùa hè của toàn Liên bang Đông Dương, được chọn làm nơi lui đến để nghỉ dưỡng của giới thượng lưu cũng như những tâm hồn nghệ sĩ. Những thi phẩm nổi tiếng đầu tiên viết về Đà Lạt đều do những thi sĩ ở các miền đất khác tìm về và sáng tác. Thời kỳ Thơ Mới lãng mạn (1932-1945) phải kể tới hai bài Đà Lạt trăng mờ của Hàn Mặc Tử và Đà Lạt đêm sương của Quách Tấn. Nếu như Hàn Mặc Tử ấn tượng mạnh mẽ với trăng Đà Lạt thì Quách Tấn lại ấn tượng với sương Đà Lạt. Và hiển nhiên hai bức tranh mê đắm quyến rũ ở nơi khói sương này đều hiện lên vào ban đêm. Ban đêm mang đến nhiều thi vị hơn, cũng như mức độ huyền ảo và yên tĩnh tuyệt đối đã làm những tâm hồn thi sĩ cảm giác như lạc vào tiên giới: Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu/ Trời mơ trong cảnh thực huyền mơ/Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt/ Như đón từ xa một ý thơ (...) Cả trời say nhuộm một màu trăng/ Và cả lòng tôi chẳng nói rằng/ Không một tiếng gì nghe động chạm/ Dẫu là tiếng vỡ của sao băng (Hàn Mặc Tử), Một luồng sương bạc bỗng từ mô/ Lẻn cuốn vầng trăng cuốn mặt hồ/ Cuốn cả non sao bờ suối ngọc/ Người lơ lửng đứng giữa hư vô (Quách Tấn).
Trong hai bài thơ, cả hai thi sĩ đều có chung những cảm giác về trăng, về hồ, về đêm vắng... Và quan trọng hơn nữa là đều có cảm giác về tình yêu đôi lứa. Không gian này, cảnh vật này như để dành riêng cho những người yêu nhau cần tìm đến đây. Hàn Mặc Tử thì viết: Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều/ Để nghe dưới đáy nước hồ reo/ Để nghe tơ liễu run trong gió/ Và để xem trời giải nghĩa yêu. Còn Quách Tấn, chàng cảm thấy như có một bàn tay người thiếu nữ đang ve vuốt thân mình: Trời đất tan ra thành thủy tinh/ Một bàn tay ngọc đẫm hương trinh/ Âm thầm mơn trớn bên đôi má/ Hơi mát đê mê chạy khắp mình. Nếu như Hàn Mặc Tử và Quách Tấn là những thi sĩ từ Bình Định tìm lên với Đà Lạt từ trước 1945 thì cách sau đó gần nửa thế kỷ, nhà thơ Nguyễn Duy từ một khoảng cách địa lý xa hơn cùng tìm lên với Đà Lạt và để lại những vần thơ quyến rũ: Trăng ảo ảnh lập lờ trong sương trắng/ Ngọn gió nhà ai thấp thoáng ở bên đồi/ Tiếng móng ngựa gõ giòn trên dốc vắng/ Nghe mơ hồ một chiếc lá thông rơi/ Em nhóm bếp bằng củi ngo chẻ nhỏ/ Ngọn lửa lấp đi khoảng vắng giữa hai người (Đà Lạt một lần trăng).
Cũng chính Đà Lạt là nơi chứng kiến cuộc gặp gỡ định mệnh giữa Trịnh Công Sơn và Khánh Ly, để rồi sau đó, trong bầu khí quyển của Đà Lạt, Trịnh Công Sơn đã viết nên biết bao tuyệt phẩm lừng danh trong sự nghiệp sáng tác của mình như: Mây hồng, Tuổi đá buồn, Dấu chân địa đàng, Chiều một mình qua phố... Những ca từ mê ảo và huyền hồ, lãng đãng và say đắm đó, ngoài tài năng của người nghệ sĩ, còn được góp một phần không nhỏ bởi vẻ đẹp tự nhiên của khung cảnh nơi đây: Trời buông gió và mây về ngang bên lưng đèo/ Mùa xanh lá, loài sâu ngủ quên trong tóc chiều (Dấu chân địa đàng), Trời ươm nắng cho mây hồng/ Mây qua mau em nghiêng sầu/ Còn mưa xuống như hôm nào em đến thăm/ Mây âm thầm mang gió lên (Mưa hồng), Trời còn làm mưa, mưa rơi mênh mang/ Từng ngón tay buồn em mang em mang đi về giáo đường... (Tuổi đá buồn).
Thiên đường của những loài hoa
Một trong những vẻ đẹp khó quên của Đà Lạt đối với ai từng một lần đặt chân đến đây là thế giới của muôn ngàn những sắc hoa. Và đối với mỗi người nghệ sĩ, có lẽ đã tự chọn cho mình một loài hoa riêng nào đó để mà ám ảnh, để mà yêu thương suốt cả cuộc đời. Từ thập niên 50 của thế kỷ trước, nhạc sĩ Hoàng Nguyên đã viết ca khúc Ai lên xứ hoa đào như món quà tặng riêng cho Đà Lạt: Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi/ Nghe hơi giá len vào hồn người chiều xuân êm mây trôi/ Thông reo bên suối vắng lời dìu dặt như tiếng tơ/ Xuân đi trong mắt biếc lòng dạt dào nên ý thơ. Sau 1975, nhạc sĩ Trần Kiết Tường lại xúc động với loài hoa mang tên mimosa: Mimosa, từ đâu em tới/ Mimosa vì sao em tới đất này/ Đà Lạt đồi núi chập trùng/ Đà Lạt trời mây nước mênh mông/ Anh đã biết rồi, em ơi vì sao em tới/ Anh đã biết rồi em ơi, vì em yêu cuộc sống trên cao, có thông reo rì rào… Một số thi sĩ khác lại ấn tượng khó quên với những đóa hoa quỳ Đà Lạt: Thành phố dốc đồi già theo người đi/ Hoa quỳ dại có bao giờ vàng thế/ Sao hoa quỳ buồn quá/ Hay chính ta buồn/ Tẩu thuốc nào để lại khói sương (Tháng Mười, thành phố dốc đồi - Đỗ Trung Quân), Chợt thấy đôi khi đời quá mệt/ Ta rủ ta lên núi rong chơi/ Cám ơn em đóa quỳ độ lượng/ Đã hồn nhiên mở cửa đất trời (Chợt thấy - Mường Mán).
Thành phố của tình yêu
Ai đó đã nói rằng, người ta thường đến Đà Lạt với người yêu của mình. Đi chơi Đà Lạt ít khi đi một mình mà bao giờ cũng có đôi. Quả thực, cảnh đẹp nơi đây sẽ dễ khiến người ta yêu nhau hơn, như một thứ gia vị làm cho tình yêu thêm nồng nàn, lãng mạn, đắm say: Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ/ Màu lam tím Đà Lạt sương phủ mờ/ Từng đôi đi trên phố vắng/ Bước chân êm giữa không gian, hoàng hôn thua màn đêm (Đà Lạt hoàng hôn, Nhạc và lời: Minh Kỳ - Dạ Cầm), Rước em lên đồi cỏ hoang ngập lối/ Rước em lên đồi hẹn với bình minh/ Đôi chân xinh xinh như tình thôi khép nép/ Hãy vứt chiếc dép, bước đi ôm cỏ mềm (Cỏ hồng - Phạm Duy). Và cũng bởi chính nơi đây đã từng mang nhiều giai thoại về những câu chuyện tình buồn, để từ đó tạo nên những thác Cam Ly, hồ Than Thở: Đà Lạt ơi, có nghe chăng Cam Ly khóc tình đầu dang dở/ Đêm xuống, Than Thở vang cung hờn, thêm se sắt tâm hồn. Mà chuyện tình yêu muôn đời đâu có thể nói trước điều gì, Đà Lạt vì thế vừa là nơi chứng kiến những hạnh phúc lứa đôi, vừa là nơi chứng kiến những nỗi đau, những biệt ly xa xót tâm hồn:
Thành phố buồn lắm tơ vương/ Cơn gió chiều lạnh buốt tâm hồn/ Và con đường ngày xưa lá đổ/ Giờ không em sỏi đá u buồn/ Giờ không em hoang vắng phố phường/ Tiếng chuông chiều chầm chậm thê lương/ Tiễn đưa người, quên núi đồi quên cả tình yêu (Thành phố buồn - Nhạc và lời: Lam Phương).
Từ một cách thể hiện khác, thi sĩ Bùi Chí Vinh lại có những câu thơ thật phong trần, bụi bặm lãng tử với vẻ táo bạo gai góc rất riêng khi viết về Đà Lạt với bóng hình một người con gái mà anh yêu: Trái tim tôi mọc một rừng thông khi ghé thăm Đà Lạt/ Em xô ngã tôi bằng trận gió ái tình/ Tôi sẽ hứng chịu sự dịu dàng độc ác/ Để những người đến sau tôi không chịu khổ vì em (Mùa xuân của Alibaba), Mất đến mười năm yêu Đà Lạt/ Mới quàng vai được những ngọn đồi/ Em có đi trên đồi không vậy?/ Sợ chạm vào em lại điếng người (Mười năm đứng trước Đà Lạt). Nếu như Phạm Duy trong âm nhạc từng có một ca khúc Cỏ hồng viết ở Đà Lạt thì thi sĩ Đỗ Trung Quân cũng có một thi phẩm mang tên Cỏ hồng viết ở thành phố cao nguyên này trong nỗi niềm hoài niệm tiếc thương một tình yêu chỉ còn trong ký ức: Con đồi dài như em còn ngoan/ Lòng ta rụng trái thông khô thảng thốt/ Ta qua dốc phía hoàng hôn tím ngắt/ Cỏ hồng xưa đổi sắc dưới chân mình/ Và ta buồn như mây trắng mông mênh/ Soi bóng suối - chú bé xưa ngồi khóc/ Công chúa nhỏ mang chùm hoa đi mất/ Tóc hiền ngoan theo gió lên trời.
Đà Lạt sẽ còn mãi trong nỗi nhớ của những ai từng đặt chân đến nơi đây. Đà Lạt sẽ còn mãi với những kỷ niệm, những mối tình được làm chứng bởi bao cỏ hoa, những con suối, vạt đồi, hàng thông xanh in bóng. Và với những người từng có một tuổi thơ gắn bó với Đà Lạt rồi sau này cách xa, thì nỗi nhớ về nơi mình lớn lên mãi mãi nồng nàn trong trẻo như thuở ban đầu: Này Đà Lạt ơi, tôi biết em từ thuở nhỏ/ Cùng em năm tháng, sưởi ấm nhau bằng môi khô… Này Đà Lạt ơi em đã trong tôi trọn một đời/ Để khi xa cách mới thấy cõi lòng chơi vơi… Này Đà Lạt ơi, suốt đời tôi sẽ yêu em/ Này Đà Lạt ơi, suốt đời tôi sẽ không quên... (Tình yêu cho Đà Lạt - Nhạc và lời: Trịnh Nam Sơn).
Đỗ Anh Vũ
Theo http://daidoanket.vn/

Cảnh chiều hè trong vườn thơ Nguyễn Trãi

Cảnh chiều hè 
trong vườn thơ Nguyễn Trãi
Những nhà thơ cổ điển đến với thiên nhiên để tìm trong nó sự đồng điệu của tâm hồn và gửi vào đó nỗi niềm tâm sự thầm kín. Cho nên giữa thiên nhiên và thi nhân vẫn có một khoảng cách nhất định, chứ không tan mình vào cảnh thiên nhiên như các nhà thơ thuộc dòng văn học lãng mạn sau này. 
Rỗi hóng mát thuở ngày trường
Hòe lục đùn đùn tán rợp trương
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ
Hồng liên trì đã tịn mùi hương
Lao xao chợ cá làng ngư phủ
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương
Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ khắp đòi phương.
(Cảnh ngày hè - Bảo kính cảnh giới, bài số 43)
Đại thi hào Nguyễn Trãi cũng vậy, người không thể vượt qua được sự chi phối của lý tưởng thẩm mĩ phong kiến. Ông đến với cảnh thiên nhiên là để tìm mình và soi mình trong đó, từ cảnh sắc mà rút ra những suy ngẫm, những bài học về lẽ đời như:
Phượng những tiếc cao, diều hãy lượn
Hoa thì hay héo, cỏ thường tươi!
Bài thơ Cảnh ngày hè tuy không có lời răn dậy nào, nhưng vẫn là một Bảo kính, để cảnh giới, nhằm soi mình, trong lúc gặp hoạn nạn.
Bài thơ làm theo thể thất ngôn bát cú, luật Đường thi, nhưng câu phá đề đã bị phá cách, chuyển sang thể lục ngôn và buông ra như một tiếng thở dài, chứ không phải là niềm cảm hứng của người được thư thái ngắm cảnh: Rỗi hóng mát thuở ngày trường. Với người suốt đời canh cánh một nỗi lòng thương nước, lo đời, lẫn mình vào công việc, thì làm gì có chuyện nhàn rỗi. Cho nên từ rỗi, đặt ở đầu câu, bật lên như một sự bực bội của một đấng trượng phu, phải làm một việc bất đắc dĩ, không phù hợp với tình cảnh của đất nước đang bị những kẻ gian hùng thao túng. Phải chăng đây là lúc ông bị lũ gian thần ghen ghét, gièm pha nên bị vua Lê phụ bạc, phải lui về làm bạn với cỏ hoa ở rừng, suối côn sơn:
Đêm thanh hớp nguyệt nghiêng chén
Ngày vắng xem hoa bợ cỏ cây.
Tuy nhiên, khi đến với thiên nhiên, tất cả nỗi đời cay đắng như được trút sạch, để chỉ còn là tâm hồn lâng lâng nhìn ngắm cỏ hoa:
Hòe lục đùn đùn tán rợp trương
Cũng như tùng, cúc, trúc, mai, hòe là loài cây tượng trưng cho sự quyền quý, cao sang, đầy khí tiết cứng cỏi, thường được trồng ở những nơi đài các. Tán hòe xanh vẫn xanh như thế, nhưng thi hào đã thổi hồn vào trong nó để cho người đọc như thấy được một cách cụ thể về sự nảy nở thầm lặng ở bên trong mà mắt thường không thể thấy được. Nếu như điệp từ đùn đùn, thể hiện tán cây đang bật nảy, dâng lên theo chiều cao, thì hình ảnh tán rợp trương, lại thể hiện sự lan tỏa của lá cành xanh ra mọi phía, theo chiều rộng không gian. Giữa cảnh tà dương vàng vọt mà tán hòe không bị nhuốm màu, lại cứ xanh tươi, tầm vóc cứ mạnh mẽ, cứng cỏi gợi cho ta liên tưởng đến khí tiết của người rỗi hóng mát trong lúc này. Cho cả đến bông lựu cũng thế:
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ.
Phun thức đỏ, có nghĩa là màu sắc như đang bị dồn nén từ trong cành, trong nhánh, tràn vào cuống hoa và lan tỏa trên những cánh mỏng. Hoa đã đỏ lại càng thêm thắm tươi, như cùng với tán hòe kia, tạo nên nhịp sống rộn ràng của hoa lá, xua tan cái buồn vắng của chiều tàn. Đặc biệt là hình ảnh hoa lựu này, đã gợi ta liên tưởng đến hình ảnh hoa lựu trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du:
Dưới trăng quyên đã gọi hè
Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông
Lập lòe đâm bông và phun thức đỏ, thể hiện hai cái nhìn của hai tâm hồn lớn ở hai thời đại cách nhau hàng thế kỉ, nhưng không hiểu vì sao lại có sự gặp nhau đến kỳ lạ như vậy? Tuy nhiên, cũng có đôi chút xa khác trong nghệ thuật miêu tả sự vận động của mỗi bông hoa. Cái khác của hoa lựu trong thơ Nguyễn Trãi là màu đỏ, còn lại bao nhiêu từ trong cây lá cứ trào ra, để bùng lên, trong giây phút tiễn hè đi. Còn màu đỏ của hoa lựu mới chớm nở, trong thơ Nguyễn Du, cứ như ngọn lửa lập lòe, khi đậm, khi nhạt, như đang hòa nhịp với bước chan của mùa hè đang đến.
Thời gian nghệ thuật trong bài thơ Cảnh ngày hè là chiều tàn của mùa tàn. Mùa hè đang ra đi, chỉ để lại những cánh sen nhạt sắc phai hương:
Hồng liên trì đã tịn mùi hương
Không hiểu vì sao, câu thơ chỉ nói về mùi hương mà ta vẫn như thấy cả những hồ sen, chỉ còn lá héo vật vờ nhẹ lay trong gió chiều phơ phất. Chiều hè, không chỉ được cảm nhận bằng thị giác mà còn được lắng nghe bằng thính giác, với những âm thanh mơ hồ văng vẳng từ phía xa vọng về:
Lao xao chợ cá làng ngư phủ
Lao xao từ tả sắc thái âm thanh nhè nhẹ, gợn lên, như có như không, của cảnh chợ chiều tan. Cuộc sống của những người lao động vất vả, từ một làng chài quanh quất đâu đó, cho dù ở phía xa khuất nhưng vẫn không thôi ám ảnh tâm hồn một chí sĩ luôn luôn quan tâm đến nhân dân.
Lý ra, theo luật Đường thi, thì nội dung của cặp luận, phải là sự suy luận về cảnh thực đã được miêu tả, nhưng ở đây, tác giả lại tiếp tục tả về âm thanh, tạo nên vế đối ứng với sắc màu. Nếu như hai câu thực tả hoa, một ở trên cao, trên hiên tòa lầu, một ở mặt nước hồ sen, đều có sắc hồng, nhưng một đậm, một nhạt, thì hai câu luận lại tả âm thanh, một ở trên cao, phía tòa lầu, một ở trên mặt nước sông hồ nào đó, cũng một nhỏ nhẹ, một ngân nga vang vọng:
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương.
Tòa lầu nhuộm bóng tà dương như chìm trong tiếng đàn ve lảnh lót. Bằng hình thức ẩn dụ, tác giả đã tái hiện được sắc thái âm thanh của tiếng ve cuối hạ. Âm thanh của thiên nhiên và cuộc sống dân dã như đang chan hòa, vỗ sóng vào thế giới tâm hồn yên tĩnh lắng nghe, để rồi khơi dậy những nỗi niềm sâu kín, trong cảnh hoàng hôn mênh mang vời vợi:
Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ khắp đôi phương.
Mượn điển tích Ngu cầm, là cây đàn của vua Thuấn, đàn khúc “nam phong”, cho trời đất thuận hòa, dân giàu nước mạnh, Nguyễn Trãi đã nói lên khát vọng lớn lao của mình là muốn cho đời sống của nhân dân được ấm no, đất nước được cường thịnh. Đó là biểu hiện lòng thương dân, yêu nước thiết tha của một sĩ phu có trách nhiệm, cho dù đã bị bọn vua ngu tối, tôi hèn ruồng bỏ, phải về ẩn dật ở chốn non xanh, suối biếc, lấy suối làm đàn, lấy thông làm phách. Ông ở ẩn, nhưng không phải là ẩn sĩ, mà là lánh đục tìm trong, lòng vẫn hướng về non sông đất nước.
Tuy nhiên, qua ước vọng cháy bỏng này, ta thấy rõ tình cảnh của đại thi hào vào lúc ấy: Ông không còn quyền lực ở trong tay, cái dây đàn đầy sức mạnh thần thoại kia đã đứt, nên đành bất lực. Bất lực nhưng không chịu buông xuôi mà vẫn cứ thắp lên niềm hy vọng sáng ngời từ trong những câu thơ “Bảo kính”, cho muôn thế hệ sau soi mình vào trong đó, để tự thanh lọc thói hèn ngu, rồi nâng mình lên cho thanh cao, trong sạch.
Về hình thức nghệ thuât, bài thơ đang từ những câu thơ thất ngôn, bỗng đột ngột khép lại bằng câu lục ngôn, tạo nên kết cấu đầu cuối tương ứng:
Dân giàu đủ khắp đòi phương.
Thanh bằng buông ra ở cuối câu, tạo nên giọng điệu ngân vang như muốn phá vỡ những khuôn khổ chật hẹp, để mở ra một cái gì xa khác.
Nhìn chung lại: Chỉ cần vài nét chấm phá đơn sơ mà nghệ sĩ tài hoa đã vẽ nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp bằng ngôn từ, có sắc màu của hoa đỏ, của lá xanh; có âm thanh của tự nhiên với âm thanh của cuộc sống dân dã… tất cả đã đều đẹp tươi và vượt lên trên nền của ánh hoàng hôn vàng vọt tàn úa như tâm hồn đại thi hào sáng tựa sao khuê vượt lên trên cái xã hội điêu tàn, đang đi vào đêm tối.
Hà Nội ngày 8/12/2018
Trần Thanh Xuân
Theo https://giaoducthoidai.vn/

  Ernest Hemingway và chiều kích thứ năm Việc nghiên cứu phong cách văn xuôi của Hemingway phần lớn đã hoàn thành từ lâu. Phong cách nầy q...