Thứ Sáu, 17 tháng 7, 2020

Mơ về những mùa hè đã qua

Mơ về những mùa hè đã qua
Thường là thế, đã bảo là thôi đừng có nhớ nhung, đừng có mơ mộng, ấy vậy mà cái lí trí, sự nhắc nhở thường tình này đâu có lấn át được nỗi nhớ nhung cứ cồn cào, day dứt nơi tâm hồn. Như một phản xạ của tâm hồn, mỗi buổi sáng nghe tiếng ve kêu, thấy nắng, là biết hè đã thực sự đến và lại cứ tưởng là mỗi cơn gió đều mang theo mùi hoa giẻ, hoa sen man mác dù là tôi đang ở bất cứ nơi đâu. Và cứ mỗi lần ngủ dậy, đưa tay mở tung cánh cửa nơi phòng trọ ngột ngạt, nóng bức, nhìn ra ngoài trời để thấy nắng vàng rực rỡ, nắng tràn ngập tâm hồn, chếnh choáng con mắt để rồi lại nhớ tới mình thời thơ bé đã có biết bao chiều hè “đầu trần chân đất” như con chim non rong ruổi khắp các con đường, cánh đồng ở một vùng quê.
Nhớ đến ngày hè, là nhớ đến tuổi thơ và nhớ đến quê nhà. Rồi từ từ khép đôi mi lại, để cho tâm hồn trở về với những ngày xa xôi ấy. Giấc mơ đầu tiên đưa tôi lạc vào một bức tranh với nền trời đỏ rực - lẽ nào là hoàng hôn?
Ai nói hoàng hôn ở đâu cũng đẹp, cũng lãng mạn. Nhưng với riêng tôi chỉ có hoàng hôn của nơi ấy và của ngày ấy mới đẹp và nên thơ. Nơi ấy, nơi quê hương yêu dấu, nơi có mái nhà tranh liêu xiêu ẩn mình dưới những tán cọ hiên ngang được bao bọc bởi những lũy tre xanh rì rào. Và cũng chính nơi ấy của những ngày thơ dại vào những chiều hè chẳng biết nóng nực là gì tôi cứ tung tăng chạy nhảy, leo trèo hết bậc ruộng nọ, đến bậc ruộng kia, hái lượm những bông hoa cỏ dại, đuổi bắt lũ chuồn chuồn, châu chấu cả buổi mà chẳng hề thấy mệt mỏi. Cho đến khi chiều muộn, khi nắng đã bắt đầu nhạt dần, đâu đó những cơn gió nhẹ phảng phất mùi hoa sen, mùi rơm, mùi lúa, mùi khói bếp đứa trẻ mới dừng lại nơi gò đất cao nhất quả đồi mà thở phì phò rồi đưa cặp mắt nhìn ngắm cảnh vật xung quanh mình. Và thế là nó bất chợt bắt gặp những khoảnh khắc, những “khoảnh khắc” ấy cứ vô tư đọng lại nơi đáy mắt rồi hằn sâu nơi tâm hồn và choáng ngợp lấy trái tim nhỏ bé của nó.
Vào cuối buổi chiều, nắng nhạt dần chỉ còn vài tia nắng vẫn cố hết sức bám trụ trên cành lá như muốn níu kéo lấy một ngày sắp tàn. Nhưng mặt trời vẫn cố chút sức lực còn lại để hắt những tia nắng chói chang xuống mặt nước. Gió mỗi lúc thổi đều hơn, mạnh hơn, làm mặt nước lững lờ bỗng chuyển động, mới đầu là những gợn sóng lăn tăn, rồi lại lăn tăn thêm chút nữa. Và ôi, nhìn kìa, nắng cứ đuổi bắt gió, gió cứ vờn lên nước để rồi những gợn sóng “long lanh vẩy cá” ấy hắt lên những tia sáng lung linh, lấp lánh, tựa như cả biển kim cương đang hiện ra trước mắt tôi. Nhưng nếu đó là cả biển kim cương thật thì chưa chắc tôi đã thấy chúng đẹp, bởi lẽ thứ ánh sáng lung linh mà tôi thấy nó hiền hòa, yên bình và nhẹ bẫng nơi đáy mắt chứ không chói lóa đến nhức nhối mắt mũi như ánh sáng của những loài kim cương hay đá quý. Trên mặt nước, thấp thoáng bóng dáng những người dân chài lưới, đang chuẩn bị cho mẻ lưới đêm hoặc tất bật cất nốt mấy cái chúm cua để chuẩn bị về. Mấy con chim bói cá lúc bay lên, lúc sà xuống mặt nước, như thể đang bông đùa, nắng chiếu vào làm chúng trở nên đẹp lạ lùng khi bộ lông như phát ra muôn ngàn thứ ánh sáng lung linh, rồi chúng lại vô tư đậu trên mấy cành cây nổi trên mặt nước, chu mỏ gọi nhau và từ từ biến mất trong không trung. Mấy chú le le hết lặn lại hụp rồi nhô cái đầu lên lắc lư, kêu liên hồi tỏ vẻ đắc chí. Đó cũng là thời khắc mà khói từ các mái nhà tỏa ra, khói chùng chình rồi bao phủ lấy ngôi làng, làm cảnh vật bỗng trở nên mơ màng, huyền ảo.
Nắng đã tắt hẳn, mặt trời đã xuống núi nhưng sức nóng của nó vẫn còn đó. Với một nền trời rực lửa, thứ màu như than hồng cháy trong bếp, bao chùm lên thế gian. Bầu trời và mặt nước đồng điệu một màu, gió vẫn thổi làm mặt nước kia loang lổ, lỗ chỗ hồng đen. Vạn vật như được tắm một màu vàng đồng quý phái, không gian bỗng trở nên yên ắng hơn, nếu như không có tiếng của dàn đồng ca mùa hạ. Trong thời khắc ấy lòng người cũng trở nên trầm tư hơn, có cảm giác buồn mênh mang. Và hẳn là nếu thiếu đi bóng dáng con người thì không gian sẽ trở nên buồn tẻ đến nhường nào. Lúc ấy, trên gò đất cao, cha tôi đang vội vã quạt nốt số thóc còn lại, vì sợ rằng lát nữa trời sẽ tối sầm lại và gió cũng biến mất luôn. Cha cởi trần, để lộ tấm lưng nâu bóng loáng, mồ hôi ứa ra như tắm nhưng bàn tay của người vẫn uyển chuyển nâng những thúng thóc lên rồi đặt chúng lên vai hướng theo chiều gió, để cho đám thóc lép cùng bụi bẩn bay đi để lại những hạt thóc trắc mẩy, vàng ươm. Như không hề biết mệt mỏi, hòa chung với niềm vui được mùa, khuôn mặt cha rạng rỡ lạ kỳ, ánh lên niềm vui, niềm hăng say lao động. Với tôi, hình ảnh cha mãi khắc sâu trong tâm trí, hồi đó tôi cứ nghĩ cha là một người anh hùng, giống chàng Đăm- Săn đang dùng sức mạnh của mình để chinh phục nữ thần mặt trời. Nhưng khi lớn lên tôi hiểu rằng cha không phải là anh hùng, hay Đăm - Săn nào hết, cha là cha tôi – người nông dân thật thà, chất phác, luôn lạc quan, có niềm tin yêu cuộc sống.
Màu hồng lửa cũng như than hồng trong bếp rồi cũng phải đến lúc nguội dần và tắt hẳn. Để cho màn đêm bao chùm lấy vạn vật, trong tôi có chút gì đó hụt hẫng. Cũng giống như sự hụt hẫng khi nụ cười trên môi em dần dần biến mất. Tôi lại đang nhớ đến em rồi đấy! Nhớ cô gái miền đồng quê vào một chiều hè nóng nực như thế, quần áo lấm bùn đất, lem nhem nhựa, làn da nâu rám nắng ướt đẫm mồ hôi vậy mà như quên đi mọi sự khắc nghiệt của thời tiết em vẫn nở nụ cười rạng rỡ và dường như gánh lúa trên vai em chẳng hề nặng nhọc, bước chân em vẫn thoăn thoắt. Buổi chiều đó, khi trời đã nhá nhem tối, chả hiểu sao con xe cà tàng của tôi lại lỡ va vào em để bó lúa trên vai em rơi bụp xuống đường vừa nghe tiếng em thốt lên “Rời ơi! Cái nhà anh này đi đứng thế à?”. Tôi chợt bối rối, định đỡ bó lúa lên và nói lời xin lỗi nhưng em đã cười rất tươi mà nói “chắc nhà anh đang vội đi đâu hả, thôi anh đi đi kẻo muộn, em không sao đâu, chán nỗi bó lúa rụng gần hết nửa rồi”. Rồi em nhanh chóng đặt bó lúa lên vai và bước đi thoăn thoắt. Để lại mình tôi đứng như trời trồng, ánh mắt cứ hướng theo cái bóng nhỏ bé của em cho đến khi cái bóng ấy mờ dần trong bóng tối. Quả thực con tim tôi như nghẹt thở trước nụ cười ấy, nắng tắt mà tôi lại cứ tưởng nắng vẫn còn đang ngập tràn trước mắt mình. Cho tới tận bây giờ những vẻ đẹp con gái lung linh, rực rỡ đôi khi làm choáng ngợp đôi mắt, nhưng trong thâm tâm tôi vẫn luôn tìm kiếm vẻ đẹp chân quê, mộc mạc, bình dị ấy. Mấy đứa bạn thỉnh thoảng vẫn đùa “mày có sở thích cổ điển quá đấy” hay “thời nào rồi, mà còn mơ tưởng những thứ cổ xưa ấy, ông lại có tâm hồn già nua quá đấy”. Tôi chỉ cười trừ cho qua, nhưng thực sự em vẫn là người con gái luôn thường trực trong mỗi giấc mơ, là hình ảnh đọng lại sâu thẳm nơi tâm trí tôi, để mãi mãi tôi chẳng thể nào quên được.
Giấc mơ nào rồi cũng phải kết thúc, người đang mơ cũng bừng tỉnh và cũng mỉm cười đầy lưu luyến kèm theo cả sự nuối tiếc. Đấy, giấc mơ về mùa hè của tôi là thế đó. Mơ về mùa hè là mơ về tuổi thơ xa xôi, mơ về quê hương yêu dấu, là nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ những hoàng hôn đỏ lửa, nhớ mặt nước long lanh, nhớ những con chim bói cá, nhớ về mối tình đầu trong sáng và ngây thơ, nhớ nụ cười rạng rỡ như quên đi mệt mỏi của em.
Mùa hè nơi thành thị tấp nập, nắng hè trở nên gay gắt hơn, với tiếng ồn ào của động cơ xe cộ, rồi bụi bẩn cứ hầm hập, cả sức nóng bốc lên từ mặt đường nhựa làm con người trở nên mệt mỏi, uể oải lại làm tôi thêm nhớ, thêm yêu những mùa hè của quê hương - những mùa hè của tuổi thơ tôi. Nay đã khác xưa, người nông dân đã đỡ vất vả hơn, cha tôi không còn phải nhờ gió để quạt thóc và có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ được thấy cảnh đó nữa nhưng hình ảnh cha quạt thóc mỗi chiều hè với tấm lưng trần, với nụ cười của niềm vui lao động mãi là hình ảnh đẹp sống mãi trong tâm hồn tôi.
21/10/2015
Trần Tú
Theo http://songphongcach.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

​ Nhảy và múa Trong đêm liên hoan văn nghệ chuẩn bị tổng kết cho năm cuối cấp hai tôi có tham gia vào một tiết mục, xuất hiện trên sân...