Hồ Biểu Chánh - Nhà văn
Trong các nhà văn quốc ngữ tiên phong của Việt Nam, có lẽ
không có nhà văn nào có quá trình sáng tác đồng hành gần như sát sao với sự
hình thành và phát triển của văn học quốc ngữ Việt Nam như Hồ Biểu Chánh. Sức hấp
dẫn của tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh là ở chỗ tác giả đã đến hiện đại từ truyền thống,
nên đã được quần chúng độc giả đồng cảm, chia sẻ. Tiểu thuyết của ông gần gũi với
truyền thống, tâm lý của nhân dân Nam Bộ nên đã nhanh chóng đi vào và sống lâu
dài trong lòng người đọc Nam Bộ.
Nhà văn Hồ Biểu Chánh
Trong các nhà văn quốc ngữ tiên phong của Việt Nam, có lẽ
không có nhà văn nào có quá trình sáng tác đồng hành gần như sát sao với sự
hình thành và phát triển của văn học quốc ngữ Việt Nam như Hồ Biểu Chánh.
So với Nguyễn Trọng Quản chẳng hạn, con đường đi của Hồ Biểu
Chánh đến với tiểu thuyết hiện đại có phần chậm chạp nhưng phù hợp và chắc chắn
hơn. Là một trí thức tân học, nhưng vì “nhận thấy muốn viết Việt văn thì cần phải
biết chữ Hán, bởi lẽ biết chữ Hán mới có đủ chữ mà dùng và dùng cho khỏi sai
nghĩa. Vì thế, ông đã dành gần ba năm để học các sách Đại học, Trung dung,
Luận ngữ, Mạnh Tử” (1). Chính cái vốn Hán học đã giúp ông sau này tham gia
vào phong trào dịch tiểu thuyết Trung Hoa và làm quen với nghệ thuật tiểu thuyết.
Qua thực tiễn sáng tác của mình, Hồ Biểu Chánh thực sự đã trả
lời được câu hỏi viết cho ai. Biết rõ thị hiếu của người đọc Nam Bộ lúc đó vẫn
còn ưa chuộng truyện thơ viết bằng thể lục bát, vẫn thích đọc những gì gần
gũi với mình nên ông đã bắt đầu sự nghiệp văn học của mình bằng truyện
thơ U tình lục (viết 1909, in 1913), một quyển tiểu thuyết viết bằng
văn vần chịu nhiều ảnh hưởng từ Truyện Kiều của Nguyễn Du và cũng rất
gần với Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu trong mọi phương diện như
đề tài, ngôn ngữ nghệ thuật, bố cục, khuynh hướng tư tưởng.
Tuy vậy U tình lục cũng đã có những điểm mới so với
truyện thơ cổ điển. Trước hết là nó đã được viết bằng chữ quốc ngữ. Nhân vật của
truyện cũng là nhân vật Việt Nam, của Gia Định chứ không phải là vay mượn từ
tích truyện của Trung Quốc. Ông miêu tả sự bóc lột tàn ác của bọn chủ người Hoa
lai Ấn và lòng tham lam, sự thối nát của bọn địa chủ, của các công chức địa
phương. Tình yêu của hai nhân vật chính rất mới mẻ và có những hành động táo bạo
vượt ra ngoài lễ giáo phong kiến. Tác phẩm này đánh dấu giai đoạn quá độ từ
truyện Nôm cổ điển sang tiểu thuyết hiện đại.
Sau U tình lục, Hồ Biểu Chánh viết truyện thơ Vậy mới phải
(viết 1913, in 1918) phỏng theo Le Cid của P. Corneille, một vở bi kịch nổi tiếng
của Pháp. Về hình thức, truyện thơ này vẫn giữ bố cục của một truyện thơ Nôm.
Truyện lấy lịch sử đời Lê làm bối cảnh, tình tiết câu chuyện, tư duy, hành động
và ngôn ngữ của các nhân vật đều có tính sáng tạo và được Việt hóa. Vậy mới phải
đánh dấu bước chuyển mô phỏng tác phẩm văn học Pháp và hoàn toàn có màu sắc Việt
Nam. Với Vậy mới phải, có thể nói Hồ Biểu Chánh là nhà văn Việt Nam đầu tiên mô
phỏng một tác phẩm của văn chương Pháp.
Nhưng rồi tiểu thuyết Pháp và các tác phẩm văn xuôi quốc ngữ
đầu tiên đã có sự cuốn hút đối với ông. Trong hồi ký Đời của tôi về văn
nghệ, Hồ Biểu Chánh cho rằng có ba tác phẩm ảnh hưởng nhiều đến việc chuyển
hướng sáng tác của ông, đó là truyện Thầy Lazarô Phiền của Nguyễn Trọng
Quản, Hoàng Tố Anh hàm oan của Trần Thiên Trung và Phan Yên ngoại
sử của Trương Duy Toản(2), trong đó ông chú ý đặc biệt đến Hoàng Tố
Anh hàm oan.
Vì sao Hồ Biểu Chánh lại quan tâm đặc biệt đến Hoàng Tố
Anh hàm oan mà không phải là truyện Thầy Lazarô Phiền của Nguyễn
Trọng Quản. Đó là bởi truyện Thầy Lazarô Phiềncủa Nguyễn Trọng Quản quá hiện
đại từ kết cấu cho đến ngôn ngữ, hiện đại trong miêu tả tâm lý nhân vật. Nó được
sáng tác trong hoàn cảnh tách rời với sinh hoạt văn học của nước ta lúc đó vốn
vẫn còn chịu ảnh hưởng nhiều của văn chương Trung Hoa, vì thế đã không được quần
chúng đón nhận. Người bình dân Nam Bộ xưa nay chỉ quen thưởng thức truyện hoặc
bằng thơ lục bát, hoặc bằng văn có đối có vần lúc đó khó có thể chấp nhận “cái
tiếng nói thường” ấy của Nguyễn Trọng Quản. Tâm lý của nhân vật cũng không phù
hợp với công chúng bình dân Nam Bộ, chủ đề “phạm tội và sám hối” của Kitô giáo
lại càng xa lạ đối với họ. Rồi còn cái kết thúc của câu chuyện, người Nam Bộ
lâu nay quen với quan niệm “ở hiền gặp lành”, quen với kết thúc của hậu của
truyện thơ truyền thống, nên khó có thể chấp nhận cái chết của người vợ hiền
lành, chung thủy của thầy Phiền, trong khi đó kẻ gây ra tội ác là vợ tên quan
ba lại không bị trừng phạt gì cả. Nói theo Bằng Giang, Thầy Lazarô Phiền như
“một con chim lạ từ phương Tây đáp xuống một vùng đất còn vắng bóng đồng loại.
Bởi lẽ đó, nó nổi lên như một ốc đảo chơi vơi vào nửa sau thế kỷ XIX không
riêng ở Nam Bộ mà còn ở cả Việt Nam” (3).
Còn Hoàng Tố Anh hàm oan, theo Nguyễn Khuê, đó là:
Một tiểu thuyết phong tục với cốt truyện ly kỳ và lời văn
bình dị, tác giả của thuyết nhân quả mà cho người phải chung cuộc được hiển
vinh, kẻ quấy cuối cùng chịu quả báo, khiến Hồ Biểu Chánh quyết định viết tiểu
thuyết theo đường lối ấy để cảm hóa quần chúng mà đưa họ trở lại con đường
nghĩa nhân chính trực (4).
Tác giả của Hoàng Tố Anh hàm oan còn là một nhân vật
đặc biệt, Trần Thiên Trung là bút danh của “ông Phủ Minh Tân” Trần Chánh Chiếu,
lãnh tụ của phong trào Minh Tân ở Nam Bộ, chủ nhân của Chiêu Nam Lầu ở Sài Gòn
và Minh Tân khách sạn ở Mỹ Tho vào đầu thế kỷ XX, từng bị thực dân Pháp bắt
giam nhiều lần.
Là một người tâm đắc với chủ nghĩa hiện thực, Hồ Biểu Chánh
đã bị thuyết phục bởi tiểu thuyết hiện thực đầu tiên đó của văn học Việt Nam:
Cụ Trần Chánh Chiếu cho xuất bản Hoàng Tố Anh hàm oan là
tiểu thuyết đầu tiên trong lục tỉnh, truyện tinh tả nhân vật trong xứ và viết
theo điệu văn xuôi. Đọc quyển này, cảm thấy viết truyện bằng văn xuôi dễ cảm
hoá người đọc hơn, bởi vậy năm 1912 đổi xuống làm việc tại Cà Mau mới viết thử
quyển Ai làm được là quyển tiểu thuyết thứ nhất viết văn xuôi tại Cà
Mau với những nhân vật cũng là Cà Mau (5).
Phạm Minh Kiên trong một bài báo trên Đông Pháp thời
báo còn nói rõ về “điệu văn chơn tả ”bắt chước theo tiểu thuyết Pháp
của Hồ Biểu Chánh:
Ông Hồ Biểu Chánh… ông thường nói rằng ông thấy văn chương
Pháp, từ nửa thế kỷ 19 trở lại đây, có nảy ra một điệu văn mới là điệu “chơn tả”
công chúng đều ưa lắm. Ông ước ao cho văn sĩ Annam ta bắt chước theo điệu văn ấy
mà viết tiểu thuyết…(6).
Thử nghiệm đầu tiên theo hướng này của Hồ Biểu Chánh là tác
phẩm Ai làm được đăng feuilleton trên báo Nông cổ mín đàm từ
1919. Cuốn tiểu thuyết văn xuôi đầu tay này của Hồ Biểu Chánh vẫn mang dáng dấp
của một truyện tài tử giai nhân truyền thống với một kết thúc có hậu khi hai
nhân vật chính Chí Đại và Bạch Tuyết, sau khi vượt biết bao gian truân, cuối
cùng đã đoàn tụ và sắt cầm hòa hiệp.
Nhưng so với truyện thơ truyền thống, Ai làm được
cũng đã có khá nhiều điều mới mẻ. Ngay nhan đề, dưới hình thức một câu hỏi đã
là một điểm mới. Ngôn ngữ của Ai làm được thật sự là ngôn ngữ của người Nam Bộ,
cụ thể là của người Cà Mau. Ngôn ngữ của các nhân vật là ngôn ngữ của cuộc đời
thường, không điển tích văn hoa, không chen thơ thẩn, văn vần vào. Mối tình của
hai nhân vật chính cũng rất đời chứ không quá ràng buộc vào lễ giáo phong kiến.
Là một truyện nửa ái tình, nửa phiêu lưu mạo hiểm, Ai làm được còn là
một bức tranh hiện thực về cuộc sống của người dân Nam Bộ vào đầu thế kỷ. Ai
làm được đã dọn đường cho độc giả Nam Bộ đón nhận một thể loại văn học mới,
đó là tiểu thuyết hiện đại. Đây có lẽ là một tác phẩm có ý nghĩa đối với đời viết
văn của Hồ Biểu Chánh nên nhiều năm sau, mặc dù đã có khá nhiều tiểu thuyết
khác được ra mắt bạn đọc, nhưng ông vẫn sửa chữa, nhuận sắc lại tác phẩm này để
làm cho nó gần hơn với tiểu thuyết hiện đại. Từ một cuốn truyện với 27 hồi, ông
đã rút lại thành 6 chương. Thay cho những câu tóm tắt chuyện ở đầu chương là một
con số giản dị. Ông cũng từ bỏ lối kể chuyện theo đường thẳng để kể chuyện một
cách hiện đại hơn và thêm nhiều đoạn tả cảnh và nhiều đối thoại để làm cho câu
chuyện thêm sinh động.
Sau Ai làm được là thời kỳ mô phỏng các tiểu thuyết
của Pháp để sáng tác của Hồ Biểu Chánh. Trong hồi ký Đời của tôi về văn
nghệ, Hồ Biểu Chánh có liệt kê đến 12 tác phẩm được “viết ra bởi cảm tác phẩm
nào của Pháp”(7), như Chúa Tàu Kim Quy là bởi cảm Le Comte de
Monte Cristo của Alexandre Dumas, Cay đắng mùi đời là từ Sans
Famille của Hector Malot,…
Nhưng nếu xem xét kỹ các tác phẩm này, ta thấy Hồ Biểu Chánh
không chỉ mô phỏng. Cay đắng mùi đời theo sát từng nhân vật, từng
tình tiết truyện Sans Famille của Hector Malot. Song đến Ngọn cỏ
gió đùa, ta chỉ còn thấy phảng phất bóng dáng truyện Les Miserables của
Victor Hugo mà thôi. Và ngay cả trong Cay đắng mùi đời , ta vẫn chỉ
thấy một không khí Nam Bộ, những tích cách rất Nam Bộ của các nhân vật.
Và Hồ Biểu Chánh không chỉ có các tác phẩm được viết ra do mô
phỏng các tác phẩm của Pháp. Ngoài 12 cuốn được nói trên, Hồ Biểu Chánh còn viết
trên 50 quyển tiểu thuyết khác, một số lượng tác phẩm đồ sộ so với cuộc đời
sáng tác của một nhà văn. Có thể nói tiểu thuyết của ông là một bộ từ điển bách
khoa về đời sống xã hội Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX, và ông, có thể được xem như
là Balzac của Nam Bộ. Không phải ngẫu nhiên mà các tác phẩm của ông đến nay vẫn
còn được tái bản nhiều lần, được dựng thành phim truyền hình đến hàng trăm tập.
Không phải tình cờ mà ông được xem là nhà văn tiêu biểu nhất của Nam Bộ và có một
chỗ đứng trang trọng trong các công trình khảo cứu của cả trong Nam lẫn ngoài Bắc
từ trước 1945 cho đến sau này như các công trình của Thiếu Sơn, Vũ Ngọc Phan,
Phạm Thế Ngũ… Yêu mến ông, hai Việt Kiều Trang Quang Sen và Phan Tấn Tài ở Cộng
Hòa Liên bang Đức đã thành lập trang web hobieuchanh.com nhằm để phổ biến các
tác phẩm của nhà văn Hồ Biểu Chánh cho các bạn yêu văn học. 100 năm sau khi U
tình lục ra đời, GS Nguyễn Văn Sâm, nguyên GS Đại học Văn Khoa Sài Gòn, nguyên
giáo sư trường Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho, với sự giúp đỡ của Viện Việt Học
California, đã cho in lại U tình lục với tựa mới là Kể chuyện
tình buồn, kèm theo phần giới thiệu và chú giải rất công phu.
Giáo sư Nguyễn Văn Trung, nguyên Khoa Trưởng Trường Đại học
Văn Khoa Sài Gòn đã viết về chuyện đọc Hồ Biểu Chánh như sau: “Dạy văn học trên
20 năm ở miền Nam, nhưng mới chỉ đọc Hồ Biểu Chánh gần đây vì trước đây khinh
chê, không thèm đọc”. Sau khi đọc xong, ông nhận thấy tiểu thuyết của Hồ Biểu
Chánh thật cảm động, thật hay, thật hấp dẫn. Một người bạn lớn tuổi của ông đã
thú nhận với ông “chả nhẽ, tôi trên 60 tuổi rồi mà còn nói bị xúc động như muốn
rơi nước mắt” và ông đặt ra câu hỏi “Tại sao một cuốn truyện, sau hơn nửa thế kỷ,
vẫn còn hấp dẫn, gây xúc động với một người ở địa phương khác với địa phương của
tác giả?”(8).
Sức hấp dẫn ấy của tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh, đó chính là vì
tác giả đã đến hiện đại từ truyền thống, nên đã được quần chúng độc giả đồng cảm,
chia sẻ. Hồ Biểu Chánh là một nhà văn hiện đại nhưng lại không xa lạ với văn học
truyền thống. Tiểu thuyết của ông cơ bản là dựa vào kỹ thuật của tiểu thuyết
phương Tây, nhưng vẫn còn mang ít nhiều tính chất cổ điển và vẫn tiếp nối truyền
thống chuyên chở đạo lý, quảng bá đạo đức của văn chương truyền thống. Và điều
quan trọng là nó gần gũi với truyền thống, tâm lý của nhân dân Nam Bộ nên đã
nhanh chóng đi vào và sống lâu dài trong lòng người đọc Nam Bộ.
Chú thích:
1. Nguyễn Khuê (1998), Chân dung Hồ Biểu Chánh, NXB TP Hồ
Chí Minh, tr. 23.
2. Nguyễn Khuê, sđd, tr. 25.
3. Bằng Giang (1992), Văn học quốc ngữ ở Nam Kỳ 1865 -
1930, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh,
4. Nguyễn Khuê, sđd, tr. 25-26.
5. Vương Trí Nhàn (sưu tầm và biên soạn) (1996), Khảo về
tiểu thuyết, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, tr. 29.
6. Phạm Minh Kiên, Giải chỗ tưởng lầm, Đông Pháp thời
báo, số 468, 6.8. 1926.
7. Nguyễn Khuê, sđd, tr. 143.
8. Cao Xuân Mỹ, (1999), Văn xuôi Nam bộ nửa đầu thế kỷ
XX, NXB Văn nghệ TP.HCM và Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, tr. 677.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét