Những vần thơ trầm tích
Ít người biết đến những bài Dạo khúc của thi sĩ Nguyễn
Quang Tấn cho đến khi hay tin ông vừa trải qua một cơn bạo bệnh. Tập thơ 106
dạo khúc (Nhà xuất bản Hội Nhà văn) ra đời đánh dấu không chỉ niềm vui của
tác giả và bạn bè ông mà còn giúp hòa điệu một giọng thơ rất riêng vào đời sống
thơ ca.
106 dạo khúc như một “khối tình trầm tích” lắng đọng
trong cuộc đời tác giả Nguyễn Quang Tấn. Ông sống khép kín, sáng tác trong thầm
lặng, không bộc lộ bản thân và cả “khối tình” ấy, mà dùng thơ như một phương tiện
độc thoại nội tâm. Ông không công bố thơ của mình trong một thời gian dài. Tập
thơ đầu tay với những bài Dạo khúc được đánh số đã mang đến một ấn tượng
lạ lùng đáng kinh ngạc:
tôi cháy lên ngọn lửa dị thường
ánh sáng bảy màu che khuất vết thương.
Một số nhà thơ cho rằng thơ Nguyễn Quang Tấn đa phần là thơ
tình. Điều đó chính xác vì chính tác giả đưa ra thông điệp:
trong lớp học trần gian chúng ta biết tất cả mọi điều
nhưng vị thầy cao cả nhất
đã cho ta biết mặt tình yêu.
(Dạo khúc 2)
Nhiều bài Dạo khúc nhân danh “tôi” viết cho “em”,
nâng niu tình yêu như một kho báu của chốn trần gian, coi tình yêu như cứu cánh
để bay thoát khỏi hữu hạn đời thường. Song đây là một tình yêu sang trọng, thuần
khiết và dường như không có tham vọng chiếm hữu:
ngày xưa bầu trời xanh quá đỗi
yêu em một trời mây trắng thôi...
...gặp em một trời xanh như ngọc
xa em một trời mây nát tan.
(Dạo khúc 50)
Tình yêu gần với sự vô ngôn, như nhiên ấy dường như chạm vào
sự quán tưởng, chạm đến Thiền. Khi Nguyễn Quang Tấn nhắc đến thanh xuân, đến ước
mơ, đến giấc mộng vàng hay đôi mắt thần nhìn vào vũ trụ... ta thấy ở đó có sự
minh triết và những cảm nhận tối giản của cuộc sống.
như khổ đau
hạnh phúc cũng làm ta kinh hoàng như khổ đau
tôi đẫm mình trong hoan lạc
tôi cháy một đêm thâu
như khổ đau
hạnh phúc cũng chôn vùi ta như khổ đau
tôi mệt nhoài trên sóng
tôi trôi mất về đâu...
(Dạo khúc 91)
Dạo khúc của Nguyễn Quang Tấn gần với thơ ý niệm,
vì vậy thơ ông dường như xa rời thế sự, một mình một “tháp ngà”
riêng. Có người cho rằng thơ ông có chất tôn giáo. Song có lẽ đó là những biểu hiện của một sự khao
khát giao cảm và thấu hiểu:
phải đứng trên đỉnh cao ta mới nhìn thấy vực sâu
phải lặng yên mới nghe được tiếng gió gào
nhưng trong cõi nhân gian nào mấy kẻ
nghe những lời ta nói với nhau.
(Dạo khúc 96)
Giữa cái không gian nghệ thuật rất lạ ấy, mỗi Dạo khúc là
một chuyến lãng du bằng tâm tưởng. Và 106 khúc như những đoản ca đưa ta đi hết
miền hiện thực này sang cõi say đắm kia. Soi trong câu chữ dường như không có
gì khác cái “Thật” và cái “Đẹp”, được nối kết bằng ngôn từ ngắn gọn, cô đọng và
rất gợi. Đó là chất trầm tích có được từ một hồn thơ chân thật, không dụng ý
làm thơ mà “đãi cát tìm vàng”, tinh lọc từ đời sống, từ cảm xúc, và từ chính
mình để tìm cái điều đáng nói, cần nói (giữa các chiều kích vô hạn của vũ trụ).
Vậy nên thơ ông đủ sức ngân nga trong lòng người và có một chỗ đứng riêng:
đêm mơ người gù lưng gánh gồng ác mộng
tiếng rao hàng gió lộng bờ sông.
(Dạo khúc 71)
Rất lâu rồi thi đàn mới xuất hiện một tập thơ lay động lòng
người sâu xa như vậy. Nhưng chúng ta sẽ không quá ngạc nhiên nếu biết 106
dạo khúc của Nguyễn Quang Tấn được tác giả nghiền ngẫm từ rất lâu, thơ ông
được nhiều người yêu thích, thuộc lòng trước khi được Nhà xuất bản Hội Nhà văn
công bố. Đây cũng là một kỳ tích của làng văn chương, nhờ vào tấm lòng và sự hỗ
trợ của bè bạn và những người yêu mến thơ ông. Tác giả sinh năm 1949, vốn là
giáo viên nghèo nhiều năm sống ở xã Thanh Sơn (huyện Định Quán). Đặc biệt, ông là người từng “dạy chung một trường, ăn cùng mâm, ngủ
cùng chiếu”, và được nhà văn Nguyễn Trí (tác giả của Bãi vàng, đá quý, trầm
hương) thân thương gọi là “Hoàng tử bé”!.
24/3/2017
Mai Sơn
Theo http://baodongnai.com.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét