Triệu Xuân là người đam mê văn chương, thích đọc sách từ tuổi
thiếu nhi. Là con một, được cha mẹ cưng chiều mua cho rất nhiều sách để cậu
thỏa chí đam mê. Mẹ cậu tuy không biết chữ nhưng rất thông minh, thuộc làu Truyện
Kiều, Tây sương ký, Nhị độ mai, rất nhiều truyện dân gian, ca dao, tục ngữ… dạy
cho cậu thuộc lòng những tác phẩm cổ điển, dân gian. Với tư chất thông minh,
đam mê văn học từ nhỏ, Triệu Xuân học rất giỏi môn văn, đã từng được Bác Hồ
khen thưởng.
Vợ chồng nhà văn Triệu Xuân
Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, với luận văn xuất sắc, lẽ
ra Triệu Xuân về làm nghiên cứu phê bình ở Viện Văn học, nhưng ông lại xin vào
chiến trường cũng vì thích ngang dọc hải hồ và cái chính là đam mê văn chương,
bởi ông cho rằng, nhà văn rất cần vốn sống thực tế, chính thực tế gợi ý cho nhà
văn viết nên những tác phẩm có tầm tư tưởng. Một lần, Triệu Xuân tâm sự:
- Năm tôi vô chiến trường, bố tôi chỉ dặn một câu: “Ngoài
chuyện giữ gìn sức khỏe, bố chỉ dặn anh phải biết mười để rồi viết một thì cái
điều anh viết ra người ta mới đọc”. Tôi nhớ mãi câu đó, nó trở thành phương
châm cho tôi trong cuộc đời văn nghiệp”.
Khắc ghi lời dặn của bố, từ thủa phóng viên chiến trường,
chuyên viết về những đề tài nóng bỏng cho đến lúc làm phóng viên kinh tế,
chuyên viết về đô thị, về các khu công nghiệp; rồi đi làm phóng sự điều tra về
những khuất tất trong xã hội, những mặt trái của cuộc sống, đi viết về vùng
sâu, vùng xa; Triệu Xuân cùng ăn, cùng ở cùng làm với đủ mọi tầng lớp người nên
ông thu nhặt được rất nhiều thông tin, tư liệu, tạo ra nguồn vốn sống cho mình.
Vẫn phương châm biết mười viết một, “Chấm ngòi bút vào nỗi
đau, niềm oan khổ của con người mà viết” nên trong tác phẩm của ông như dòng
sông luôn chảy từ mạch nguồn tươi rói hơi thở của đời sống hiện thực, của quá
khứ và cảm nhận tương lai. Cuốn tiểu thuyết Bụi đời ông chiêm nghiệm
thực tế 11 năm. Lúc cảm thấy đầy ắp thông tin, chi tiết, cảnh ngộ thực, hình ảnh
đắt giá… ông ngồi vào bàn viết. Rất tự nhiên, mạch văn cứ tuôn chảy ào ạt. Nó
buộc nhà văn viết liên tục suốt cả ngày đêm.
Cuốn Trả giá được đánh giá là biên niên sử của mảnh
đất phương Nam thời kỳ mới giải phóng. Một cuốn tiểu thuyết với những nhận định,
khái quát táo bạo: “Chính sách cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh là
sai lầm, đó là nguồn gốc dẫn đến nền kinh tế, xã hội sa sút đến tận đáy và biết
bao người có tài có tâm phải bỏ nước ra đi”. Để viết cuốn này ông phải đi theo
mảng đề tài đó bảy tám năm trời thâm nhập thực tế. Hồi đó chưa có máy vi tính,
ông viết bằng máy đánh chữ. Cảm hứng đến cứ gõ máy rào rào suốt đêm, sáng ra,
giật mình cơm nước qua loa, ông xách cặp đi làm báo. Thời kinh tế rất khó khăn
nhà văn Nguyễn Khải từng ước “có một lát thịt bò mỏng thôi là có thể viết đến
sáng được”. Ông ứa nước mắt thương cho người đồng nghiệp; lại chạnh lòng, đêm
qua cũng ước có được gói mì tôm, đỡ đói lòng, nhưng sức trẻ vẫn “cày” đến sáng
được.
Cuốn tiểu thuyết Nổi chìm trong dòng xoáy; ông dành thời
gian sống cùng thủy thủ, từng được đi theo tàu từ phao số 0, sang Singapore,
Campuchia… cứ thế đi thực tế bảy tám năm trời… Đọc nhiều, đi nhiều, có nhiều vốn
sống mới viết hay được. Ông đánh giá cao nghề văn ở khâu lao động chuẩn bị tư
liệu. Nếu không có đủ tư liệu, đang viết mà bí tư liệu thì sẽ cụt hứng, tác phẩm
sụp đổ theo.
Khi thành phố nhập lô hàngmáy vi tính để bàn đầu tiên ông là
người mua kèm theo máy in (Thời giá bằng ngôi đất 5 x 30m tại trung tâm Thành
phố Hồ Chí Minh). Máy vi tính hỗ trợ rất nhiều cho nhà văn lưu dữ liệu, tham khảo
thông tin và sáng tác ngay trên máy vi tinh.
Từ ngày 4/9/2008, Triệu Xuân lập website chuyên nghiệp về văn
chương:www.trieuxuan.info, với mong muốn kích hoạt văn hóa đọc sách văn học,
khích lệ giới trẻ ham học văn, bởi học văn là học làm người; đồng thời, qua
website này, ông làm tư liệu, thu thập vốn sống để sáng tác. Đến khi tôi viết
bài này, www.trieuxuan.info có gần 33.300.000 lượt người truy cập. Ông đưa những
truyện hay, những truyện nổi tiếng trong chuyên mục Áng văn hay vào
website. Trong thời gian làm Trưởng Chi nhánh Nhà xuất bản Văn học, ông thành lập
tủ sách Danh tác thế giới, biên tập để xuất bản hơn trăm pho tiểu thuyết nổi
tiếng thế giới. Đưa tiểu thuyết lên website của mình, một thư viện số khổng lồ,
ông không chỉ để đề cao nghệ thuật, tôn vinh các nhà văn mà còn giúp độc giả
nhanh chóng tiếp cận với tinh hoa của đại dương văn học.
Lẽ tất nhiên, những việc làm đó giúp cho sáng tác của ông dày
dặn hơn. Các tác phẩm của Triệu Xuân phong phú về thông tin của đời sống và kiến
thức hàn lâm chắt lọc từ sách vở. Ông thích cách viết của trào lưu tiểu thuyết mới
của Pháp, hồi học đại học, các giáo sư quý ông, cho mượn nhiều sách (loại sách
chưa được xuất bản thời ấy), nên nhà văn được đọc nhiều. Tuy vậy ông không
thích dòng văn học khó hiểu này như cuốn tiểu thuyết Đi tìm thời gian đã mất của
Marcel Proust chẳng hạn. Ông nói “Chúng ta là người có chữ, được học hành mà
còn cảm thấy khó hiểu, những bạn đọc tiểu thuyết của chúng ta hàng ngày bận rộn
làm sao hiểu nổi. Tôi thích phá cách nhưng tôi không viết như thế. Tôi thích
làm mới từ truyền thống, để có nhiều bạn đọc... Luôn bám sát mảnh đất hiện thực,
chỉ viết những gì có thực trong cuộc đời. Tạng của tôi chỉ ca ngợi cuộc đời
thông qua phê phán cái xấu, cái ác, sự tha hóa… Có thể nhiều người cho rằng tôi
cực đoan. Xin hãy để cho riêng tôi giữ quan điểm của mình: Nếu hư cấu, sáng tạo
mà không căn cứ vào sự thật ở cuộc đời trần thế này thì là bịa tạc, vu khống,
là phi nhân văn!”.
Tiểu thuyết Nổi chìm trong dòng xoáy có tiết tấu
nhanh, ngồn ngộn hình ảnh, đối thoại sắc sảo, gần với ngôn ngữ điện ảnh. Tiểu
thuyết Sóng lừng, tiểu thuyết Cõi mê một lúc ba bốn cảnh khác
nhau cùng đồng hiện, thủ pháp đó ông đã làm từ những năm 80 của thế kỷ trước.
Ông nói “Tôi có đọc lý thuyết hậu hiện đại. Nhưng tôi không làm theo, khi ngồi
trước trang giấy tôi không còn quan tâm đến lý thuyết, trường phái văn học… Chỉ
mình tôi và trang giấy để cảm hứng ùa ra; cũng không quan tâm họ sẽ khen hay
chê, lúc đó tôi chỉ là tôi. Lúc sáng tác, nhà văn đã chín hết cảm xúc rồi, mọi
chi tiết, tình huống đã nhuần nhuyễn với nhân vật của mình, với vốn sống của
mình… tất cả tràn ra đầu ngón tay gõ trên bàn phím. Tôi có thói quen khi viết
xong, tạm quên nó đi một thời gian, như cuốn Cõi mê, tôi viết xong bèn bỏ
đó đi làm việc khác. Sau ba tháng ngồi đọc và sửa lại. Bản thảo của tôi hầu như
tôi không phải sửa nhiều. Thời của Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách, Lều chõng của
Ngô Tất Tố, Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, Sống mòn của Nam
Cao… không thấy các nhà văn đó luận bàn đến thi pháp, thậm chí chưa có
thuật ngữ thi pháp, nhưng đọc họ vẫn lấp lánh những áng văn chương hay - đó là
thi pháp”.
Đối với cánh nhà văn chúng tôi thì thi pháp chính là không
có thi pháp.
Nhìn chung, các tác phẩm của Triệu Xuân có tính khái quát xã
hội, thể hiện rõ trách nhiệm công dân. Ông lên án những thói hư tật xấu, những
cán bộ có chức có quyền thoái hóa, biến chất, tham nhũng, kết bè cánh thành thế
lực hắc ám phản lại nhân dân… Ông dũng cảm phê phán, lên án gay gắt cái xấu là
vì tấm lòng luôn tha thiết đấu tranh cho xã hội công bằng, tốt đẹp hơn. Trong
các tác phẩm của ông luôn có tính dự báo. Tiểu thuyết Sóng lừng, cảnh báo
guồng máy vận hành xã hội có những cán bộ cao cấp biến chất, trở thành Mafia.
Tác phẩm này bị cơ quan chức năng ở thành phố Hồ Chí Minh cho rằng bôi xấu chế
độ, đề nghị khởi tố. Ban Bí thư Trung ương Đảng đã thành lập Hội đồng Giám định
Trung ương để thẩm định. Kết quả: “Tác phẩm không chống Đảng, tác giả là nhà
văn có trách nhiệm công dân cao, dũng cảm chống tham nhũng, chống tiêu cực…”
Sự dũng cảm qua các dự báo của ông, thành sự thật qua việc khởi
tố hàng loạt vụ án mà mức độ tội phạm còn dữ dội hơn trong Sóng lừng nhiều
lần, như vụ án Năm Cam… Những dự báo trong Cõi mê: “Trong guồng máy quản
lý nhà nước, trong Đảng có một bộ phận, một số cán bộ đảng viên tha hóa ghê gớm,
nhưng tinh vi, có vỏ bọc chắc chắn, chưa bị lộ” thì ngày nay đã thấy hàng loạt
từ Ủy viên Bộ chính trị, đến các tướng lãnh… bị bắt, bị truy tố đã được Cõi
mê cảnh tỉnh từ ba chục năm trước!
Có được tính dự báo tốt, yêu cầu nhà văn nhạy cảm với thời cuộc,
nặng lòng với quê hương đất nước. Triệu Xuân nặng trĩu nỗi lòng mình trong các
tác phẩm theo mạch hiện thực phê phán: Những người mở đất, Giấy trắng, Đâu
là lời phán xét cuối cùng, Nổi chìm trong dòng xoáy, Trả giá, Bụi
đời, Sóng lừng, Cõi mê… Ngay trong tác phẩm đầu tay của Triệu Xuân đã
đặt vấn đề “Mục tiêu cao nhất của chúng ta là con người”, đúng vậy, chúng ta
xây đựng đất nước, xây dựng xã hội công bằng dân chủ văn minh cũng là vì mục
đích nâng cao chất lượng cuộc sống con người. Trong Giấy trắng niềm
tin ở mỗi con người thông qua sản phẩm lao động là thước đo của họ chứ không phải
là thành phần lý lịch. Chính sách cán bộ - như tiểu thuyết Đâu là lời phán
xét cuối cùng phản ánh - dựa vào chủ nghĩa lý lịch chỉ dẫn đến sự
nghèo hóa về nhân cách, tha hóa phẩm chất con người trong guồng máy vận hành xã
hội!
Nhà văn Hoài Anh viết về tác phẩm đầu tay của Triệu Xuân
- Những người mở đất đã lấp lánh tài năng của cây viết trẻ: “Báo hiệu
với làng văn một nhà văn có nội lực lớn, một ngòi bút sắc sảo, giàu tâm huyết
và có dũng khí phê phán…”. Tác phẩm hay nhất của Triệu Xuân, theo cá nhân tôi
là tiểu thuyết Cõi mê. Đây là tác phẩm dày dặn, dạng tiểu thuyết gia đình.
Trên thế giới có nhiều tác phẩm lẫy lừng viết về gia đình, mà điển hình
là Trăm năm cô đơn của Marquez. Cõi mê của Triệu Xuân
“Không đơn tuyến mà phức tuyến, những tuyến này đan xen với nhau hết sức chằng
chịt, phức tạp, xung đột gay gắt, đầy kịch tính, tạo thành cấu trúc mở” (Hoài
Anh). Tác phẩm Cõi mê đặt vấn đề muôn thủa cảnh tỉnh cho con người: Sống
trên cõi đời này ngắn lắm, nếu con người cứ đắm chìm trong cõi mê, chạy theo
ham muốn bản năng, rồi sẽ làm được gì cho quê hương, đất nước; để đến cuối đời
mới ngộ ra thì quỹ thời gian đã cạn mất rồi. Đó chính là bi kịch của
con người. Bởi thế ông muốn hướng con người rời bỏ cõi mê muội, trở về
cõi thực, thực hiện khát vọng vươn lên làm người,với một xã hội con người đối với
con người bằng lòng nhân ái.
Đọc hàng loạt tác phẩm của Triệu Xuân ta dễ dàng nhận ra ông
rất trường vốn sống, với đủ mọi lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế và đời sống
xã hội. Văn của ông trong sáng, giàu hình ảnh bởi ông có tài quan sát tinh tế,
nên con chữ có sức gợi cảm lạ lùng. Nhiều đoạn gần với thơ. Bởi vậy tiểu thuyết
của Triệu Xuân rất hấp dẫn, lôi cuốn bạn đọc. Ông có lượng độc giả rất đông đảo,
đủ mọi tầng lớp. Báo chí, các nhà phê bình văn học viết về các tác phẩm của ông
rất nhiều, đến mức trong lúc chống chọi với cơn bạo bệnh, ông tập hợp những bài
viết đó in hẳn một tập Triệu Xuân, nghĩa tình bạn hữu dày đến 360
trang khổ 14,5 x 20,5cm. (Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2020). Sách của ông đều in với
số lượng lớn, có những cuốn như Nổi chìm trong dòng xoáy in lần đầu
40.000 bản. Nhiều cuốn tái bản đến 14 lần, điều mà sinh thời người cha kính mến
của ông mong mỏi đã trở thành sự thật.
Hiện nay, dù đang chiến đấu với bệnh tật hiểm nghèo, nhà văn
Triệu Xuân vẫn làm việc. Ngoài giờ viết, ông lại ngồi đọc, chăm chút cho trang
website của mình luôn có tác phẩm mới, bài mới, nhận định mới. Khi vợ nhắc nhở
thì ông ngẩng lên, hồn nhiên: “Em thông cảm cho đam mê của anh. Anh nghĩ, phút
lâm chung của anh là lúc anh ở trước bàn phím, thanh thản ra đi”…
Nhà văn Triệu Xuân có một sức mạnh là tình yêu con người, quê
hương đất nước và lòng tin vào Dân chủ, sự công bằng, minh bạch rồi sẽ ngự trị
thế gian này. Các tế bào di căn không thể khuất phục được những con người tràn
đầy nhiệt huyết.
31/8/2020
Nguyễn Trường
Nguồn: Văn nghệ số 35+36/2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét