Thứ Bảy, 5 tháng 9, 2020

Sáng láng một mùa xuân như ý

Sáng láng một mùa xuân như ý
Năm 1936: năm định mệnh trong đời người, đời thơ Hàn Mặc Tử (1912-1940) khi ông phát hiện bị mắc bệnh phong, một trong những căn bệnh hiểm nghèo thời bấy giờ, nhất là mặc cảm bị ghê sợ, bị xa lánh. Nàng Mộng Cầm, người yêu của Hàn Mặc Tử, bỏ đi lấy chồng. Bao khổ đau ập xuống, chồng chất… Nhưng dường như trong tận cùng bất hạnh, “thiên tài Tử bộc phát, thơ Tử mở ra một chân trời mới lạ hẳn.” ([1])
Sinh thời, Hàn Mặc Tử chỉ xuất bản một tập thơ Gái quê (1936) trước khi biết mình mắc bệnh. Những tập thơ sau như Thơ điên (sau đổi thành Đau thương) (1938), Xuân như ý (1939), Thượng thanh khí (1939), Cẩm châu duyên (1940) và hai vở kịch thơ Duyên kì ngộ (1940), Quần tiên hội (đang viết dở dang)… đều được xuất bản sau khi nhà thơ qua đời.
Năm 1936, Hàn Mặc Tử cùng Chế Lan Viên thành lập “Trường thơ Loạn” (còn gọi là “Trường thơ Điên”) ở Bình Định. Người “cai trị Trường thơ Loạn” và nhóm thơ đã tiếp thu tinh hoa trường phái thơ tượng trưng, siêu thực Pháp, góp phần đưa Thơ mới từ khuynh hướng lãng mạn chuyển nhanh sang địa hạt thơ tượng trưng, siêu thực. Tập Đau thương đã thấm đẫm màu sắc thơ tượng trưng, sang tập Xuân như ý trở về sau chuyển dần sang bờ siêu thực.
Từ khi Hàn Mặc Tử lâm trọng bệnh, có một vài hình bóng người ngọc đi qua đời thơ Hàn Mặc Tử. Một trong những bóng hồng ấy là Ngọc Sương, chị của nhà thơ Bích Khê và là dì ruột của Mộng Cầm. Khi Mộng Cầm phụ tình Hàn Mặc Tử, Bích Khê rất giận cháu. Năm 1938, Bích Khê vào thăm Hàn Mặc Tử, có tặng bạn tấm ảnh chụp chung với Ngọc Sương và giới thiệu chị mình với bạn. “Tình của Ngọc Sương chỉ thoáng qua trong đời Tử [nhưng] là ngọn gió mát thổi qua cuộc đời đương bị đau khổ nấu nung.” ([2])
Cùng với tình giai nhân là tình bằng hữu. Nhóm thơ “Bàn thành tứ hữu” gồm Hàn - Chế - Yến - Quách (tức Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan, Quách Tấn) cùng nhà thơ Bích Khê quê ở Quảng Ngãi và cả Trọng Miên, Trần Thanh Địch… thường lui tới thăm nom hoặc gửi thư động viên cũng là nguồn động lực nâng đỡ tinh thần nhà thơ, là cơ duyên để thơ đề tặng và tuyên ngôn về thơ tượng trưng, siêu thực ra đời.
Hàn Mặc Tử theo đạo Thiên Chúa giáo. Với nguồn Đạo, nhà thơ đã tìm thấy một chỗ dựa, tìm thấy chỗ xoa dịu cho thể xác bớt đau đớn và sự bình tĩnh cho tâm hồn đang quằn quại. Nhà thơ đã đồng nhất đức tin và cảm hứng sáng tạo: “Đức Chúa Trời đã tạo ra trăng, hoa, nhạc, hương là để cho người đời hưởng thụ […] Vì thế, trừ hai loại trọng vọng là “thiên thần và loài người ta”, Đức Chúa Trời phải cho ra đời một loài thứ ba nữa: loài Thi sĩ - Loài này là những bông hoa rất quý và rất hiếm, sinh ra đời với một sứ mạng rất thiêng liêng […] trút vào linh hồn người ta những nguồn khoái lạc đê mê, nhưng rất thơm tho, rất tinh sạch.” ([3])
Tất cả những điều trên có thể lý giải vì sao ba tập thơ được sáng tác trong thời kỳ đau khổ vì ác bệnh, vừa lo chữa chạy khắp nơi vừa khấp khởi hy vọng (1938-1939), nhưng trong khi Thơ điên chứa chất niềm đau đớn, điên loạn tận cùng thì sang đến Xuân như ý và Thượng thanh khí, tứ thơ siêu thoát, lời thơ cao khiết vượt trội!
Trong lời tựa “Thơ” của tập Thơ điên, nhà thơ đã bộc bạch khát vọng sáng tạo trong tột cùng cảm xúc: “Tôi làm thơ? Nghĩa là tôi nhấn một cung đàn, bấm một đường tơ, rung rinh một làn ánh sáng.” Đến Xuân như ý, với sự cộng hưởng của cảm quan tôn giáo, nhà thơ đã nâng tư duy thơ lên thành một “nguồn thơm” “sáng láng”, “tinh khôi và thanh sạch”:
Ta cho ra một nguồn thơm rất mát,
Mới tinh khôi và thanh sạch bằng hương...
Ta há miệng cho nguồn thơm trào vọt,
Đường thơ bay sáng láng như sao sa…
(Nguồn thơm)
Không phải không có những lúc cũng còn muốn cắn xé: Anh nuốt phứt hàng chữ/ Anh cắn vỡ lời thơ/ Anh cắn, cắn, cắn, cắn…/ Hơi thở đứt làm tư! (Anh điên). Không phải không còn có những lúc ngất ngư trong thảm đau:
Đương cầu xin ọc thơ ra đường sữa
Ta ngất đi trong khoái lạc của hồn đau
(Đêm xuân cầu nguyện)
Nhưng nhìn một cách tổng thể, thơ Hàn Mặc Tử đến đây đã không còn nguồn khoái cảm thơ bằng cách máu phải chảy, thân phải đau để hồn thơ được lai láng: “Trí đã phát tiết hết tinh lực của hồn, của máu, bằng những câu thơ ngất đi vì khoái lạc” ([4]).
Đọc hồi ký của Quách Tấn, ta không ngạc nhiên trước phát tâm khấn nguyện của Hàn Mặc Tử trước khi vào nhà thương Quy Hòa (1940): “Tôi có lời nguyện rằng vào Quy Hòa, nếu Chúa ban phước cho tôi lành mạnh, tôi sẽ đốt tập Thơ điên” ([5]). Bởi, trong Xuân như ý ta đã đọc thấy niềm ân hận:
Tôi van lơn, thầm nguyện Chúa Giê-su
Ban ơn xuống cho mùa xuân hôn phối
Xin thứ tha những câu thơ tội lỗi
Của bàn tay thi sĩ kẻ lên trăng
(Đêm xuân cầu nguyện)
Người tự nhận là “thi sĩ của đội quân thánh giá” ấy đã tìm thấy nguồn an ủi trong “hương thần thánh”, “nhạc thiêng liêng”, đã đưa thơ đến cõi “chói vạn hào quang” của “Chúa Giê-su”, của “Thánh nữ Đồng trinh Maria”:
Phượng Trì! Phượng Trì! Phượng Trì! Phượng Trì!
Thơ tôi bay suốt một đời chưa thấu.
Hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu,
Trên triều thiên ngời chói vạn hào quang?
(Thánh nữ Đồng trinh Maria)
“Phượng Trì” là cách Hàn Mặc Tử đặt tên cho Thánh cung Đức Mẹ Maria dựa vào điển tích cung Dao Trì của bà Tây Vương Mẫu trong sách cũ Trung Quốc. Với Đức Mẹ Maria, nhà thơ đã gọi bằng nhiều danh xưng thiêng liêng, vời vợi: “Thánh nữ Đồng trinh Maria”, “Nữ Đồng Trinh”, “Đấng trinh tuyền thánh vẹn”, “Thánh Nữ”, “Mẹ Sầu bi”, “Bà”…
Vì thế, thế giới nghệ thuật trong Xuân như ý chủ đạo là mùa xuân bất tử: “Tứ thời xuân! Tứ thời xuân non nước!” với vẻ “xuân trong”, “xuân gấm” “áo xuân trắng trẻo thay”, với “hơi xuân ấm mỹ”, cùng hương “xuân thơm”, nhất là “khí xuân đương khỏe”… Hầu hết là “Xuân đầu tiên”, là “Nguồn thơm” tinh sạch và trinh khiết:
Trí đương no và khí xuân đương khỏe,
Nhạc đương say và rượu vẫn còn thơm,
Nên muôn cánh thủy tiên chưa dám hé
Trong phút giây trân trọng của linh hồn.
(Nguồn thơm)
Trong Thơ điên có sự phân chia hai thế giới: “Sự phân định Ngoài kia và Trong này chỉ thực sự đến trong thơ Hàn Mặc Tử bắt đầu từ tập Đau thương. […] Hiện tại đau khổ là nơi đây; quá khứ tươi đẹp và cả tương lai vô định nữa đều thuộc ngoài kia” ([6]). Trong Xuân như ý, cũng có nơi đây và ngoài kia. Nhưng lạ thay, nơi đây rất “xanh tươi”, “rất mát”, “ngọt vô cùng”, và “nắng rợp trời”, và đầy ắp “ánh sáng”, cả ánh sáng trong đêm:
Có tin thôn xa đến
Có điềm lạ đêm nay:
Đóng cửa mười phương lại
Dồn ánh sáng vào đây!
(Điềm lạ)
Cũng bởi thế, thế giới nghệ thuật Xuân như ý cũng đầy trăng - một biểu tượng ám ảnh nhất trong thơ Hàn Mặc Tử. Ở đây cũng có trăng “buồn như tang”: Áo ta rách rưới trời không vá/ Mà bốn mùa trăng mặc vải trăng (Lang thang). Cũng có vầng “trăng ngậm ngùi” vì không khỏi không nhớ đến kỷ niệm buồn đau Lầu Ông Hoàng: Trăng vàng ngọc, trăng ân tình, chưa phỉ!/ Ta nhìn trăng, khôn xiết ngậm ngùi trăng (Phan Thiết! Phan Thiết!). Cũng có vầng trăng khuyết bị cắn vỡ làm đôi: Hôm nay có một nửa trăng thôi/ Một nửa trăng ai cắn vỡ rồi (Một nửa trăng)… Nhưng, hiện hình chủ đạo của trăng Xuân như ý là bất biến, bất tử:
Trời hôm nay bình an như nguyệt bạch
Đường trăng xa, ánh sáng tuyệt vời bay…
(Đêm xuân cầu nguyện)
Trăng cổ độ hết vương cành trúc
Hẹn đoàn viên tình thực chiêm bao
(Say chết đêm nay)      
Hàn Mặc Tử từng tuyên ngôn: “Không rên xiết là thơ vô nghĩa lý” ([7]). Tinh thần ấy sang đến Xuân như ý đây đó vẫn còn vương:
Trời hỡi! Nhờ ai cho khỏi đói
Gió trăng có sẵn làm sao ăn?
(Lang thang)
Nhưng quả đúng như nhà phê bình Đặng Tiến đã nhận định: “Xuân Như ý là thế giới Khải Huyền”. Đó là thế giới của “Linh hồn thanh khiết” ([8]) đã chuyên chú đức tin và sáng tạo. Mời bạn đọc hãy nghe thi sĩ tha thiết:
“Hãy cảm ơn thi nhân đã đổ biết bao nhiêu nguồn máu lệ, đã từng uống mật đắng cay trong khi miệng vẫn tươi cười sốt sắng.
Hãy cầu nguyện bằng trăm kinh mây gió
Hãy dâng cho một tràng chuỗi trăng sao
Thi nhân sẽ vừa say sưa vừa điên cuồng, ọc ra từng búng thơ sáng láng, phương phi như một mùa Xuân như ý.” ([9])
Mỗi chúng ta có thể tìm thấy ở tập thơ Xuân như ý của Hàn Mặc Tử những suy cảm khác nhau, nhưng có lẽ, ấn tượng đậm nhất mà chúng ta đã tìm thấy ở đó là cách ứng xử nhân văn trước nỗi đau của chính mình. Bởi, trước mắt, trong trí và trong tâm, mùa Xuân như ý sáng láng đã ra đời:
Cả trời bỗng nổi muôn điệu nhạc
Rất trọng vọng, rất thơm tho, man mác,
Rất phương phi, trên hết cả anh hoa
Xuân ra đời
Điềm ngọc ấm như ngà
(Ra đời)
Chú thích:
[1], Quách Tấn, Đôi nét về Hàn Mặc Tử/ In trong Thơ Hàn Mặc Tử, Sở Văn hóa và Thông tin Nghĩa Bình, 1988.
[2] Quách Tấn, Đôi nét về Hàn Mặc Tử
[3], Thư trao đổi với Trọng Miên (sau được Quách Tấn đem in vào cuốn Chơi giữa mùa trăng với nhan đề Quan niệm Thơ) viết tại Quy Nhơn năm 1939.
[4] Thư trao đổi với Trọng Miên.
[5] Đôi nét về Hàn Mặc Tử, Sđd.
[6] Chu Văn Sơn, Ba đỉnh cao Thơ mới, NXB Giáo dục, 2006.
[7] Thư trao đổi với Trọng Miên. 
[8] Linh hồn thanh khiết: Tên bài thơ văn xuôi tiếng Pháp được Hàn Mặc Tử viết bằng những tàn lực cuối cùng trước khi tạ thế.
[9] Tựa Xuân như ý do Hàn Mặc Tử viết.
16/2/2018
Chế Diễm Trâm
Theo https://www.vanchuongviet.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tưởng chừng như

Tưởng chừng như (Nói với Gaston,  15.Dec.2013-15.Dec.2020) Đập cổ kính ra tìm lấy bóng Xếp tàn y lại để dành hơi (Khóc Bằng Phi, Vua Tự Đứ...