Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2020

Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam qua ca dao

Hình ảnh người 
phụ nữ Việt Nam qua ca dao

Tôi vẫn thích ca dao hơn bất cứ bộ phận văn học nào khác của Việt Nam.
“Ca dao chính là tiếng nói của đồng nội, là âm vang của làng quê tổ truyền, phản ảnh sinh hoạt nông thôn, chứa chan tình cảm dân tộc và màu sắc xứ sở” (Phạm 1960, p.159).
Tôi thích vì, ca dao dễ nhớ, giàu âm điệu, giàu hình ảnh, và có ý nghĩa. Tôi rất khó khăn mới học thuộc một bài thơ không vần, không điệu, trong khi chỉ đọc qua một, hai lượt là thuộc lòng một bài ca dao dài. Thứ hai, ca dao mộc mạc dễ thương, không quí phái cao xa như Đường Thi. Ca dao “có sao nói vậy”. Đôi khi lại rất phàm tục khiến người ta phải bật cười. Thứ ba, nội dung của ca dao rất phong phú, nhất là phần diễn tả tình yêu đôi lứa, rất tình tứ. Nếu ai đó muốn viết thư cho người yêu và muốn dẫn chứng chút ít ca dao cho có vẻ… văn học dân gian thì đã có vô số câu ca dao phù hợp với hoàn cảnh của từng người. Tha hồ mà thố lộ tâm tình. Thử tưởng tượng nếu một cô gái nhận được một bức thư tình với vài câu ca dao như:
“Anh đi… nước Úc giáp vòng.
Đến đây trời khiến đem lòng thương em!”.
Hay:
“Sông dài cá lội biệt tăm.
Phải duyên chồng vợ trăm năm cũng chờ”. 
Tôi nghĩ, rất thú vị. Cô gái được thư sẽ… cảm động và không nỡ thẳng tay từ chối.
Cái đẹp của ca dao giống như cái đẹp của cô thôn nữ, ẩn tàng sức sống. Hình ảnh trong ca dao rất sắc nét, mạnh mẽ, có khí lực, trong trẻo như không khí đồng quê buổi sáng. Một trong những hình ảnh mà ca dao thường đề cập đến là hình tượng của người phụ nữ. Muốn biết phụ nữ thời xưa như thế nào, thử đi tìm trong ca dao.
Người phụ nữ trong ca dao rất đẹp, về ngoại hình cũng như về tâm hồn. Phụ nữ được xưng tụng là phái đẹp, mà đẹp thì thường là đề tài của văn chương.
Ngoại hình đẹp, hấp dẫn
Ca dao phác họa những người đẹp đồng quê có dáng đứng không phải liễu rũ, mềm mại, yếu đuối như tiểu thư khuê các mà là:
Trúc xinh trúc mọc đầu đình,
Em xinh em đứng một mình cũng xinh.
Trúc xinh trúc mọc bờ ao
Em xinh em đứng chỗ nào cũng xinh.
Thân trúc thẳng, suông, mảnh mai, láng, dùng để so sánh với dáng thon cao, mạnh khỏe của cô gái nông thôn, thật thích hợp. Có dáng thon thả của thân trúc cộng thêm mái tóc dài thì tuyệt hảo.
Tóc em dài em cài hoa lý
Miệng em cười có ý anh thương.
Chân mày vòng nguyệt có duyên
Tóc mây dợn sóng tợ tiên non Bồng.
Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, đôi mắt đẹp “lúng liếng” (liếc qua liếc lại) đó ở dưới đôi lông mày lá liễu thanh tú thì các chàng trai không uống rượu cũng “say lừ đừ”.
Hoa thơm hoa ở trên cây
Đôi mắt em lúng liếng, dạ anh say lừ đừ.
Những người con mắt lá răm
Đôi mày lá liễu đáng trăm quan tiền.
Nhan sắc, nét đẹp trên người cô gái được các chàng trai cụ thể hóa qua hình ảnh các vật dụng hằng ngày như dao, hoặc bông hoa:
Cổ tay em trắng như ngà
Con mắt em liếc như là dao cau
Miệng cười như thể hoa ngâu
Cái khăn đội đầu như thể hoa sen.
Hay:
Hai má có hai đồng tiền
Càng nom càng đẹp càng nhìn càng ưa
Ba thương má lún đồng tiền,
Bốn thương răng lánh hạt huyền kém thua.
Vừa có khuôn mặt đẹp, vừa có thân mình “ngực nở eo thon”, đẹp cả phương diện thẩm mỹ lẫn phương diện tướng số.
Những người thắt đáy lưng ong
Vừa khéo chiều chồng, lại khéo nuôi con.
Cách ăn mặc, trang phục của cô gái nông thôn cũng được miêu tả tỉ mỉ, gợi hình và rất hấp dẫn:
Đàn ông đóng khố đuôi lương
Đàn bà mặc yếm hở lườn mới xinh.
Còn gì thích mắt cho bằng nhìn cô con gái tuổi xuân hơ hớ mặc yếm đào để lộ hông, eo và lưng trông thật nõn nà bắt mắt, cho nên nhiều anh chàng chịu hết nỗi mới:
Vì cam cho quít đèo bồng
Vì em nhan sắc cho lòng nhớ thương.
Vì vậy, chàng xin kết hôn cùng người đẹp:
Vào vườn trẩy quả cau non,
Thấy em đẹp dòm muốn kết nhân duyên.
Tâm hồn đẹp, đáng kính
Từ khi cô gái lấy chồng, tôi không còn thấy hình ảnh xinh đẹp của cô trước khi kết hôn mà chỉ thấy đức tính của người phụ nữ theo quan niệm Nho giáo đan kết lại thành hình ảnh của cô. Hình ảnh này bị bao phủ dày đặc bởi trách nhiệm và bổn phận với chồng, con, gia đình chồng. Còn quyền lợi của cô thì… chẳng thấy đâu cả. Quyền lợi chẳng có, bổn phận và đức tính thì nhiều vô kể, lấp lánh như những vì sao…
• Tòng phu. Một khi đã chọn được ý trung nhân rồi, phận gái chữ tòng. Bổn phận của người phụ nữ là “xuất giá tòng phu”, sau khi dâng ly rượu tiễn biệt, từ giã cha mẹ đi theo chồng:
Rượu lưu ly chân quỳ tay rót
Cha mẹ uống rồi dời gót theo anh.
Chữ Tòng được tôn trọng triệt để, không chỉ người phụ nữ bình dân, ngay cả gia cấp quý tộc, con gái vua lấy chồng cũng phải giữ phận chữ tòng:
Con vua lấy thằng bán than
Nó dắt lên ngàn cũng phải đi theo.
Hay:
Ghe bầu trở lái về đông
Làm thân con gái thờ chồng nuôi con.
Nho giáo dạy người phụ nữ có bổn phận phải nghe lời chồng:
Con quốc kêu khắc khoải mùa hè
Làm thân con gái phải nghe lời chồng
Sách có chữ rằng: phu xướng phụ tòng…
• Chấp nhận và chung thủy. Người phụ nữ sẵn sàng chấp nhận những thiếu xót của người đàn ông được cô gọi là chồng. Không vì người đó xấu mà buồn. Không vì người đó nghèo mà xấu hổ. Cho dù có xấu, có nghèo hơn những người khác nhưng người đàn ông đó là của riêng cô. Chồng là người cô nương tựa suốt đời. Không so sánh chồng mình với chồng người khác. Thật đáng khen. Thời nay, số phụ nữ bỏ chồng vì hoàn cảnh kinh tế eo hẹp không phải là ít. Hiếm có người thốt lên câu:
Xấu xa cũng thể chồng ta,
Dù cho tốt đẹp cũng ra chồng người.
Hay:
Chồng ta áo rách ta thương,
Chồng người áo gấm xông hương mặc người.
• Đồng cam cộng khổ. Hình ảnh cô gái xinh đẹp độc thân biến thành hình ảnh người vợ hiền, theo lang quân đi tới góc biển, chân trời, dù cực khổ cũng không sờn lòng.
Đi đâu cho thiếp đi cùng,
Đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam.
Chữ “thiếp” thật khiêm tốn, có một chút cổ điển, một chút e ấp, nũng nịu. Chữ “cùng”, “cam” và “chịu”, nhỏ nhẹ, ngọt lịm… nói lên sự tình nguyện chia sẻ nỗi khó khăn gian khổ với người chồng trong cuộc đời. Hết lòng, hết dạ. Nghe rất thương, rất mát ruột!
• Nhường nhịn. “Một sự nhịn, chín sự lành”. Đức tính nhường nhịn chồng cho êm nhà êm cửa của phụ nữ thời xưa thật đáng quí. Thời nay ít có phụ nữ nào được như vậy, dù biết rằng nhịn là điều nên làm nhưng chưa chắc đã thực hiện được. Đàn ông thường nóng tính. Đàn bà cũng… tính nóng. Khi tranh cãi, chồng giận thì vợ bực mình cãi lại nhưng phụ nữ thời xưa thì khác, đã không nổi cáu mà lại cười mơn. Xoa dịu cơn giận của lang quân bằng cách “dụ khỉ” cưới vợ bé cho chàng! Anh chồng nghe xong nhất định sẽ phì cười và… hết giận. Gia đình sẽ đầm ấm như cũ.
Chồng giận thì vợ làm lành
Miệng cười hớn hở rằng anh giận gì?
Thưa anh, anh giận em chi,
Muốn cưới vợ bé em thì cưới cho.
Thái độ tự kềm chế, trầm tĩnh của người vợ để giữ hòa khí trong gia đình rất đáng cho phụ nữ các thời đại học tập:
Chồng giận thì vợ bớt lời,
Cơm sôi, nhỏ lửa một đời không khê.
Hình ảnh “cơm sôi” đối với hình ảnh “chồng giận”. Thấy ngay cơn giận của chồng đang bùng lên giống nồi cơm đang sôi sùng sục trên bếp. Và “nhỏ lửa” đối với “bớt lời” rất chỉnh. Khi lửa bị giảm đi, lập tức cơm bớt sôi (giống như cơn giận của anh chồng đang hạ xuống) và từ từ chín để cho ra nồi cơm ngon (vợ chồng hòa thuận trở lại), thật tuyệt!
Thật hay. Hình ảnh thí dụ thật đơn giản, ngay trong đời sống. Cơm “khê” có nghĩa là cơm khét ăn không được, coi như nấu hư nồi cơm. Từ “khê” chỉ sự tan rã, mất hòa khí ở trong gia đình. Nếu không “bớt lửa” thì nồi cơm sẽ khét mất còn gì.
• Cột trụ kinh tế của gia đình. Người phụ nữ là lao động chính trong nhà, một “bread-winner” chủ lực. Làm việc quần quật. Đảm đang. Trồng trọt. Canh cửi. Buôn tảo, bán tần. Nuôi chồng đi học để mai sau tên đề bảng vàng, rỡ ràng tổ tiên. Anh chồng chỉ có mỗi một việc ăn xong rồi học và chờ khoa thi. Người vợ đặt hết hy vọng vào người chồng. Mong chồng thi đậu thì công lao của chị hy vọng được đền bù. Nếu gặp anh chàng nào lận đận mãi vì thi cử thì thật đáng buồn, chị phải chịu cảnh lam lũ xuống đời.
Em thời canh cửi trong nhà
Nuôi anh đi học đăng khoa bảng vàng
Trước là vinh hiển tổ đường
Bõ công đèn sách lưu phương đời đời.
Hay:
Em là con gái Phụng Tiên
Bán rau mua bút mua nghiên cho chồng
Nữa mai chồng chiếm bảng rồng,
Bỏ công tẩm tưới vun trồng cho rau.
• Cung kính, chu đáo. Cô vợ chăm sóc, lo lắng cho chồng đi trọ học trong trường không thiếu thứ gì, lại rất ngoan, lúc nào cũng lễ phép chào thưa chồng, thật dễ thương.
Đôi bên bác mẹ cùng già
Lấy anh hay chữ để mà cậy trông.
Mùa hè cho chí mùa đông
Mùa nào thức ấy cho chồng ra đi
Hết gạo thiếp lại gánh đi
Hỏi thăm chàng học ở thì nơi nao
Hỏi thăm đến ngõ thì vào
Tay đặt gánh xuống miệng chào: thưa anh.
Cô vui vẻ cung cấp “mồi” cho chồng “nhậu”. Có một người vợ như thế hẳn là thích thú vô cùng:
Đốt than nướng cá cho vàng,
Lấy tiền mua rượu cho chàng uống chơi.
• Hiếu khách. Nhất là khách lại là bạn của chồng, dù cực nhọc đến mấy, người phụ nữ lúc nào cũng đơn độc, lủi thủi, cố gắng cơm nước phục vụ khách đầy đủ, tươm tất, cho vui lòng lang quân.
Cái bống là cái bống bình,
Thổi cơm nấu nước một mình mồ côi.
Rạng ngày có khách đến chơi
Cơm ăn rượu uống cho vui lòng chồng.
• Hy sinh. Đối tượng cũng lại là chồng, con cùng gia đình chồng. Không quản nắng mưa, cực khổ, trèo đèo, lặn suối. Chữ “khổ” (có vị đắng, lo lắng), “gánh”(cho cảm giác nặng nề), “lụy” (trói buộc, sự gì phiền đến thân), ‘đắng cay”, “mặn nồng”, “gắng công” (cố sức) dồn dập tuôn ra. Toàn là những từ chỉ sự khổ sở, nhọc nhằn. Không thấy có vị ngọt.
Có con phải khổ vì con
Có chồng phải gánh giang sơn nhà chồng.
Có chồng phải lụy cùng chồng
Đắng cay phải chịu mặn nồng phải theo.
Hoặc:
Thương chồng nên phải gắng công
Nào ai xương sắt da đồng chi đây
Xem gia đình chồng là gia đình mình. Chu toàn bổn phận làm dâu, giữ gìn danh tiếng cho gia đình chồng. Nuôi mẹ chồng và con cái khi người chồng đi xa.
Anh về hái đậu chày cà
Để em đi chợ kẻo mà lỡ phiên,
Chợ lỡ phiên tốn công thiệt của,
Miệng tiếng người cười rõ sao nên,
Lấy chồng phải gánh giang sơn,
Chợ phiên còn lỡ, giang sơn còn gì.
Hay:
Con cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non.
Nàng về nuôi cái cùng con
Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng
• Quên thân mình. Bản thân và nhan sắc không còn gì cả. Úa tàn. Ủ rũ. Cực khổ. Thật là tội nghiệp. Còn đâu “yếm thắm hở lườn”, hấp dẫn như lúc chưa chồng. Người vợ trèo đèo, lặn suối, mò cua bắt ốc suốt ngày để mưu sinh. Cụm từ “vú xếch lưng eo” dễ cho người ta liên tưởng đến hình ảnh “vú thỏng dưa gang”. Chữ “vì” được lập đi lập lại nhiều lần nhấn mạnh “thủ phạm” làm nhan sắc tàn phai chính là người chồng.
Một ngày ba bận trèo đèo
Vì ai vú xếch lưng eo hỡi chàng.
Vì chàng thiếp phải mò cua,
Những như thân thiếp thì mua mấy đồng.
Vì chàng thiếp phải long đong
Những như thân thiếp cũng xong một bề.
• Chịu đựng bất hạnh. Nếu vô phước gặp một người chồng không ra gì, bài bạc, ăn chơi phá của, công nợ ngập đầu, người vợ âm thầm gánh chịu, trang trải nợ nần, “ngậm bồ hòn” không dám than van vì sợ xấu hổ.
Chồng em nó chẳng ra gì
Tổ tôm xóc dĩa nó thì chơi hoang.
Nói ra xấu thiếp hổ chàng,
Nó giận nó phá tan hoang cửa nhà.
Nói đây thời có chị em nhà,
Còn năm ba thúng thóc với một vài cân bông
Em bán đi trả nợ cho chồng.
Còn ăn hết nhịn cho hả lòng chồng con.
Đắng cay ngậm quả bồ hòn…
• Yêu nước. Khuyến khích chồng lên đường đánh giặc, bảo vệ đất nước, giúp chồng yên tâm lên đường bằng cách chăm sóc gia đình chu đáo.
Chàng ơi phải lính thì đi,
Cửa nhà đơn chiếc đã thì có tôi.
Anh đi em ở lại nhà
Hai vai gánh vác mẹ già con thơ.
Hình tượng phụ nữ Việt Nam ngày xưa thật tuyệt vời. Vừa đẹp người, vừa đẹp nết. Họ là những người vợ đảm, mẹ hiền, lại có tinh thần yêu nước. Hoàn hảo quá! Không chỗ nào chê được. Và cũng thật đáng thương. Không được học hành vì “phụ nhân nan hóa”, “con gái không cần học nhiều”. Không được ngang hàng với nam giới vì phụ nữ chỉ là thành phần phụ thuộc, “ăn theo”, suốt đời phải mang ba chữ Tòng. Khoảng không gian của người phụ nữ chỉ giới hạn trong gia đình. “Gái thì giữ việc trong nhà. Khi vào canh cửi khi ra thêu thùa”. Thời xưa chưa có phong trào nữ quyền, phụ nữ chịu rất nhiều thiệt thòi. Trong một gia đình, đạo đức cũ luôn khuyên nhủ người đàn bà phải phục tùng, không đòi hỏi, phải tận tụy hy sinh, hết cho chồng lại cho con. Ảnh hưởng Nho giáo sâu đậm. Tam tòng, tứ đức đè nặng lên tư tưởng của những phụ nữ có giáo dục, con nhà nề nếp.
Tôi rất khâm phục phụ nữ thời xưa, sức chịu đựng, đức hy sinh của họ thật vô cùng. Gặp nghịch cảnh gì cũng âm thầm chịu đựng. Có lỗi là bị chồng bỏ. Ít thấy ai bỏ chồng cho dù chồng thuộc loại “tổ tôm xóc dĩa” vì trọng danh giá “Nói ra xấu thiếp hổ chàng”. Phụ nữ ngày nay không hoàn toàn giống như phụ nữ ngày xưa. Một số quan niệm lỗi thời đã bị đào thải, nhưng một số đức tính căn bản vẫn còn. Có lẽ, do ảnh hưởng Nho giáo lưu truyền trong thơ văn. Giá trị đạo đức vẫn còn được phụ nữ trong nhiều gia đình Việt Nam ở hải ngoại duy trì, nhưng uyển chuyển cho phù hợp với thời đại. Căn bản, phụ nữ đã thực hiện được quyền bình đẳng trong gia đình, quân bình giữa “cho” và “nhận”. Phụ nữ không đóng vai trò phục tùng mãi mà là nhẹ nhàng, thuyết phục, vừa giữ được hạnh phúc gia đình, vừa không phải chịu đựng quá nhiều. Có thể nói qua ca dao - bộ phận rực rỡ nhất của nền văn học dân gian - phụ nữ có dịp nhìn lại bóng dáng của chính mình trong “cổ kính” mà rút kinh nghiệm, có cách xử sự trong gia đình cho thích hợp hơn.
17.3.2010
Sưu tầm
Theo http://diendan.vnthuquan.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  ​ Những Chuyến Xe Lửa Trong kho tàng văn học hay âm nhạc, đa số các kiệt tác để đời thường thiên về bi kịch, thảm sầu, mất mát… có thế...