Đêm trong thơ Hoàng Thụy Anh
(Đọc Người đàn bà sinh ra từ mưa,
Nxb. Hội Nhà văn, H,
2017) 1. Không phải
ngẫu nhiên trong 69 bài của tập thơ Người đàn bà sinh ra từ mưa đã có
hơn 40 bài thơ, Hoàng Thụy Anh sử dụng hình tượng Đêm. Đây là một trong
những hình tượng thơ có sức ám gợi sâu sắc đến tâm thức, tâm cảm người đọc. Như
vậy, có thể nói, vũ trụ thơ trong Người đàn bà sinh ra từ mưa là vũ
trụ của đêm mà mỗi bài thơ là một thiên thể đêm với những mã thẩm mỹ
riêng đầy tính dự phóng. Đêm trong thơ Hoàng Thụy Anh hiện hữu như một thực thể
mà ở đó mọi cảm xúc của thi nhân về cuộc đời đều khúc xạ qua bóng đêm để phóng
chiếu thành những dự cảm sáng tạo. Thế nên, thi giới trong thơ Hoàng Thụy Anh
cũng là thi giới của đêm với những mỹ cảm đầy tính ẩn dụ, có tính biểu tượng
sâu sắc được kết tinh trên nền của những suy tư đầy tính triết luận, điều hiếm
thấy trong thơ nữ, vốn thiên về cảm xúc trữ tình. Đó là những câu thơ đầy tính
tự vấn trước hiện thực cuộc sống và phận số con người đã tạo nên những chấn
thương trong tâm hồn thi sĩ như một ám ảnh của vô thức và tâm linh.
Ta hãy lắng lòng nghe
thi nhân thì thầm chia sẻ:
em kể anh nghe
về mùi mê hoặc của tổ tham vọng
về nhiều gương mặt dán trong một khuôn mặt
về nhiều dối trá xếp trong một trái tim
tràn căng
trườn thành phố đêm đêm
đã di căn
đang di căn
nhưng chúng không chết đi mà tiếp tục sinh sôi
ở một hình hài mới
ẩn dụ hơn…
em kể anh nghe
về đêm xanh lời
tháng giêng mềm và ẩm
hạt tình tách vỏ trên tháp ngực
cháy môi hoa
tiếng thở còn đọng luân vũ âm dương
lướt dài theo
bất tận
em kể anh nghe
2. Thơ là tiếng nói trữ tình, là nỗi
niềm tinh vân kết tinh từ tâm cảm thi nhân. Song, nếu tình cảm trong thơ chỉ là
thứ tình cảm dễ dãi với những cảm xúc nhợt nhạt, không kết hợp hài hòa với trí
tuệ để tạo nên những thông điệp tư tưởng dung chứa những giá trị nhân văn thì
tình cảm ấy cũng khó neo lại trong tâm thức người đọc. Tôi vốn là người đọc
luôn ý thức đi tìm giá trị tư tưởng của thơ. Nhưng đó là tư tưởng chứa đựng
những ý niệm triết học, quan tâm đến thân phận con người trên nền tảng của một
tư duy thơ mang tính nhân bản chứ không phải là những thứ luận lý, khô khan,
giáo điều, nhàm chán được “đôn” lên thành “tư tưởng” mà một số nhà “lý luận -
phê bình” vận dụng như một thứ “quyền uy” để đánh giá tác phẩm theo kiểu riêng
của họ. Tư tưởng trong thơ là cánh cửa mở ra để khám phá vũ trụ tâm hồn thi
nhân, là một thứ vân tay trên thẻ căn cước thi ca để xác tín nhân vị của nhà
thơ trên thi đàn. Thơ thiếu vắng tư tưởng là thơ “tầm thấp”, bởi nó không có
chiều cao của trí tuệ lẫn chiều sâu của tâm hồn. Vì vậy, nó khó trú ngụ trong
ngôi nhà hữu thể của tâm thức người đọc. Rất may, thơ Hoàng Thụy Anh không phải
là một thứ thơ nhợt nhạt như thế. Đêm trong thơ Hoàng Thụy Anh là những ảnh tượng
chuyển tải tư tưởng của thi nhân đến với người tiếp nhận trên nhiều bình diện của
đời sống hiện thực. Đó là nỗi đau về thân phận người phụ nữ vốn chịu nhiều bất
hạnh trong cuộc sống được thể hiện bằng những hình tượng thơ lạ hóa khá độc
đáo, tạo nên những mỹ cảm khác thường, quyến rũ tâm thức người đọc như những lời
tự tình đầy tính nhân văn mà nếu không có sự trải nghiệm, thi nhân không thể thấu
cảm một cách sâu sắc và tinh tế như thế!?
người đàn bà ngồi gặt đêm
gặt những lời đau chằng chịt trên môi
gặt mãi vẫn chưa đi hết cuộn mong manh
người đàn bà ngồi vớt đêm
vớt phận mình
vớt mãi cũng chẳng thể nào ra ngoài cái nhân vị bão bùng được thắp từ muôn kiếp
trước
người đàn bà treo mình lên vách đêm
thấy bóng mình lặn sâu vào bóng đêm
nghe tiếng thở còm cõi
nghe buồn đau nứt gầy
rót xuống bốn mùa
nhuộm xuống bốn mùa
người đàn bà và đêm
chấm đen câm lặng
chấm đen câm
chấm đen
chấm
người đàn bà và đêm
Với những hình tượng thơ đầy sáng tạo của một tâm hồn tinh tế, nhà thơ đã vẽ lên một chân dung độc đáo về người phụ nữ mà
ở đó nỗi đau khổ đã chìm vào bóng đêm, một bóng đêm câm lặng như chính sự cô độc
và những nỗi đau lặng lẽ trong đời một người đàn bà. Để rồi cái số phận ấy kết
tinh trong một “chấm đen câm lặng/ chấm đen câm/ chấm đen/ chấm…” chảy dài trong
dòng sông phận người nghe “buồn đau nứt gầy”, “gặt những lời đau chằng chịt
trên môi”…
Sự sáng tạo trong cách tách dòng những câu thơ,
đặc biệt ở những câu thơ cuối của bài thơ như một dụng ý nghệ thuật đã khắc họa
chân dung người đàn bà với ý nghĩa biểu tượng mang tính triết luận sâu sắc. Qua
những câu thơ này, đêm hiện lên như một cây thập giá treo cuộc đời và định mệnh
của người đàn bà lững lơ giữa chốn nhân gian mà dẫu Chúa Jesus có bị đóng đinh
để cứu rỗi nhân loại khỏi nỗi đau trần thế thì liệu có cứu được phận số người
phụ nữ ra khỏi những khổ đau chìm khuất trong đêm!?
Đọc thơ Hoàng Thụy Anh, hình tượng
đêm và phận số người đàn bà với bao nỗi khổ đau của kiếp người cứ ám mãi tâm
trí ta như một thứ mộng mị vô thường, khiến ta như lạc vào thế giới của bóng
đêm, một bóng đêm mang màu sắc hiện sinh mà nếu nhà thơ không có thiên năng,
không có những nghiệm sinh trong cuộc sống với những nỗi đau của chính mình,
không thể viết được những vần thơ đầy ám ảnh như thế!?
Nỗi đau về thân phận con người
nói chung và người phụ nữ nói riêng được nói đến khá nhiều trong văn chương nên
không phải là vấn đề mới, lạ. Trong ca dao Việt Nam, cũng có cả một lớp ca dao
than thân khi nói đến nỗi bất hạnh của người phụ nữ như: Thân em như tấm lụa
đào/ thân em như hạt mưa sa/ thân em như giếng giữa đàng/ thân em như… Còn
trong văn học trung đại, nỗi đau của người phụ nữ cũng được nói đến trong nhiều
tác phẩm như: Chinh phụ ngâm của Đăng Trần Côn, Cung oán ngâm của
Nguyễn Gia Thiều, Thơ Hồ Xuân Hương… Và với tất cả niềm cảm thông đến đau đớn đại
thi hào Nguyễn Du đã thốt lên một cách thê thiết niềm cảm thương của mình
trong truyện Kiều bất tử: Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng
bạc mệnh cũng là lời chung.
Trong thơ Hoàng Thụy
Anh, nỗi đau của thân phận người phụ nữ được nhà thơ nói đến cũng không nằm
ngoài từ trường của những cảm hứng văn chương nữ phận. Nhưng cái khác ở thơ
Hoàng Thụy Anh, nỗi đau ấy đã trở thành nỗi ám ảnh được tác giả thể hiện theo
cách riêng của mình qua những hình tượng thơ giàu tính biểu tượng để tạo thành
những diễn ngôn mang cảm thức hiện sinh của cuộc sống hiện đại. Đó là hình tượng
những “người đàn bà rướn mình vào bóng tối/ thấy đêm không thể thoát ra ngoài
gương mặt bồ hóng cũ kỹ/ giống hệt sợi đau mãi nằm co ro giữa vùng trũng/ người
đàn bà vẫn cần mẫn vá lỗ đêm bằng đường chỉ tự do/ khép cơn khóc rỗng giọng
sau tiếng thở dài”, để “nhận diện và gọi tên từng vết thương đang chảy tràn qua
nhau”, “người đàn bà vẫn cần mẫn vá lỗ đêm bằng đường chỉ tự do/ khép cơn khóc
rỗng giọng sau tiếng thở dài/ người đàn bà giao ước với đêm/ chia đều mớ mưa/
chẳng phải để mua chẳng phải để bán chẳng phải làm quà/ chỉ để nhận diện và gọi
tên từng vết thương đang chảy tràn qua nhau”… Những diễn ngôn này dường như
không tìm thấy trong ca dao cũng như trong văn học trung đại khi nói đến nỗi khổ
của phận đàn bà. Và đây chính là đóng góp của Hoàng Thụy Anh nói riêng và thơ Nữ
Việt Nam đương đại nói chung vào việc khắc họa chân dung tinh thần của phận số
người phụ nữ cần được ghi nhận.
Không chỉ nói đến nỗi đau mà
khi nói về nỗi buồn của người phụ nữ, Hoàng Thụy Anh cũng tạo cho mình một diễn
ngôn riêng, thể hiện một sự tìm tòi, đầy sáng tạo. Nhà thơ không diễn đạt dễ
dãi, màu mè, sáo rỗng, làm dáng như một số nhà thơ nữ khác, trái lại luôn biết
cách chọn lựa và sắp đặt ngữ ngôn một cách tinh tế nên đã tạo được hiệu ứng nghệ
thuật nơi người tiếp nhận.
đêm lòn qua bóng đêm
nhấm lại
tiếng thở dài đã cũ
vết thương đã cũ
cơn buồn đã cũ
để lót tổ
để nỗi đau tiếp tục hoài thai
đẹp
như nỗi buồn đã cũ
Đọc thơ Hoàng Thụy Anh, ta thấy Đêm không
chỉ là nỗi ám ảnh của vô thức và tâm linh mà còn là hành trình sống gắn với nhiều
trải nghiệm, với sự sáng tạo của thi nhân được thể hiện qua những con chữ mà những
con chữ ấy như gánh cả nỗi đau và niềm cô đơn thân phận. Vì vậy, chữ trong cõi
thơ Hoàng Thụy Anh không chỉ là những ký hiệu vô hồn mà là những thực thể tồn
sinh trong khí quyển đầy phẩm tính hiện sinh của đêm.
trên biển giấy
những con chữ buôn ánh sáng lầm lũi xâu đêm băng qua biến tấu lưỡi
cõng những con cá mũi hếch tự kỷ đáy ngầm máu tươi
chạy khỏi đường ray lõm cong sự thật
đêm mòn mỏi tặc lưỡi
em ngồi gấp mép chữ làm chi
em
ngồi gấp mép chữ làm chi
chữ tôi
ý niệm tôi
phiên bản tôi
cơn khát tự do không bao giờ vô sinh
khát
giấu nanh vuốt tuyệt vọng lên đôi tay sũng lạnh
dù nông dù sâu em vẫn xăm trổ đêm bằng dãy ký tự hây hây
đêm nay
em sẽ vuốt ve những con chữ đang hừng hực tựa người đàn bà mặn mòi ưỡn đồi mơ
bung cánh chật dưới lớp áo trăng
đừng khép mắt anh nhé
hãy thức để thấy mùi tình nẩy trên trang em
trang em
Và những con chữ mang phẩm tính hiện sinh
thể hiện trong thơ đã mở ra một trường nghĩa khác về hình tượng đêm trong thơ
Hoàng Thụy Anh. Vì vậy, ngoài những ám ảnh về phận số người phụ nữ với những buồn
vui và đau khổ trong cõi nhân gian, đêm trong thơ Hoàng Thụy Anh còn gắn với những
trạng thái khác nhau của tình yêu đôi lứa mà ở đó khát vọng yêu đã thấm đẫm những
giọt đêm với những ái ân nồng nàn, tận hiến của người phụ nữ khát yêu đến khôn
cùng. Thế nên, thơ viết về tình yêu của Hoàng Thụy Anh dường như không thoát khỏi
sự ám ảnh của đêm. Và đêm đã trở thành dòng sông mà ở đó con thuyền tình yêu cứ
lênh đênh, bồng bềnh trong một cảm thức chơi vơi, bí ẩn, chắp cánh cho sự tưởng
tượng nơi người đọc, dẫn dụ họ đi vào thế giới của khao khát, chờ mong, khám
phá, vốn là một yếu tính của tình yêu với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau của
một tâm thức hiện sinh.
Đó là nỗi đau tê buốt trong đêm khi tình
yêu không thành
thử bấu đêm
thử cào đêm
buốt đau ngực em điều bất ngờ dội lên từ biển
anh đã chôn vùi suối mơ em
mặc niệm thi ảnh
sau đường mưa trơn
ký tự biệt ly treo
tuổi xanh
anh
có nghe
Đó là nỗi khao khát kiếm tìm, một phẩm tính không thể thiếu
trong tình yêu:
lúc này
chỉ có con sông mặc niệm và cánh đồng thinh lặng trĩu đêm
ở bên em
gió búng gió
em búng em
chải những buốt đau cuộn rối
anh biết không?
từng sợi muối bay ra từ mắt em mắt đêm
cũng làm hạt nắng thôi nảy mầm thôi lên men
trở mình
hấp hối
gối đầu vào bóng tối
mặn
Hay những vui buồn vây khốn tâm hồn vốn là những cảm xúc thường
hằng trong cõi yêu:
một mình xao xác bên ô gió
rót tràn tách đêm
tràn nụ cười em
phiến buồn vẫn xuyên qua cánh đồng bỏng khát
chồi
Vì vậy, đêm trong thơ Hoàng Thụy
Anh là đêm chứng nhân của những tình yêu tận hiến, viên mãn, đầy khao khát hiện
sinh của người đàn bà đang đốt cháy mình trong biển lửa tình yêu đầy huyễn hoặc
và huyền bí của đêm. Nhưng đó cũng là đêm với những hoài nghi và nỗi lo âu phận
số. Đêm là kết tinh của những cô đơn, của tâm thức lưu đày mà khi đối diện với
nó, con người như thấy mình ngập chìm, tan chảy trong trạng thái rỗng không của
một thế giới hư ảo, mỏng manh với những khát vọng không thành.
em tự huyễn hoặc mình
ừ, hôm nay anh sẽ đến
gieo cánh nồng xuống môi em
thắp lửa bầu ngực đêm miên man
em vẫn tin những tận hiến bùng cháy
loang chảy mải miết về phía anh
chuếnh choáng chấm lên dòng nhớ
một nốt yêu
nhớ
anh
anh đến lúc
mùa nhớ giấc em cháy từng lọn tóc
ôm em khâu lại đồi nguyên sinh
những ngón tay đan những ngón tay
những ngón tay vung sợi lửa
gieo
nụ hôn mặt trời
em thêm lần nữa
nhả khát
chải lòng biển đêm
khát
Tìm về với đêm là tìm về với chính
mình, để đối thoại với bản thể trong những khoảnh khắc mà ở đó con người muốn sống
với tất cả sự thành thật của mình. Đối với người đàn bà, đêm vì thế, là một
không gian sống gần gũi, quen thuộc, phù hợp với tâm lý sống lặng lẽ, thâm u,
thầm kín của phụ nữ. Đêm là âm nên đêm bao giờ cũng hướng nội, như người phụ nữ
bao giờ cũng lặn vào bên trong, chôn chặt cuộc tình trong những hoài niệm, hồi ức,
nhớ thương… Với những tình yêu không thành, đêm lại là một vũ trụ để người phụ
nữ ấn nấp, tìm quên, giải bày, tình tự, sẻ chia những điều mình không thể sẻ
chia với tha nhân về những gì họ trân quí, yêu thương mà không thể đồng hành
trong cuộc đời…
Đó là những nỗi nhớ “dâng đầy cào rát mặt đêm”
đêm chìa tay đón những linh hồn hồi sinh
sau tấm màn đen
em vẫn thao thức khát điều kì diệu
từ phía không anh
tình kết bằng chùm hoa nắng
chưa đủ ghim về bến em
nỗi nhớ cứ thế dâng đầy cào rát mặt đêm
dấu
tích
Hay là những nụ hôn ngập tràn cảm
xúc hiện sinh, đang trào dâng mãnh liệt của nỗi khát yêu trước “biển chiều vo
rúm”:
biển chiều vo rúm
tràn anh
anh lại tràn em
nụ hôn gối chùm hôn
thời gian luýnh quýnh thắt nút môi lên lớp vảy thời gian
anh khát em như biển khát vĩ cầm khúc muôn trùng hoa sóng như
hoàng hôn khát những giọt ngày lấp lánh
nhắm mắt đi em
nhắm mắt đi anh
đôi ta cùng ôm cùng xoay cùng bay trên đỉnh tình
rã rời
mê tơi
vệt mùa xếp hàng
rạn
rạn
thèm
cài then một vốc yêu giữa lưng chừng yêu
và chúng mình
sẽ khóa đêm bằng tim nắng
sẽ thai nghén mật ước bỏng cát về
mùa len
tim nắng
Hay một nỗi nhớ chảy dài trong đêm với những xa xót lúc không anh:
anh đi rồi
em chỉ biết trốn vào giấc mơ băng qua mạng đêm tựa mũi tên cố lao về dấu đỏ miền
ước tìm nơi định vị
câu hát buồn đến nỗi thành phố nhộn nhịp kia cũng hoe mắt rưng rưng
giọt giọt buông như từ nghìn xưa bay đến hôm nay
chảy vời vợi
ôm từng ngõ đêm
ôm từng lời em
ngập em bằng cơn đau rả rích
quàng mấy vòng thương vòng nhớ mới sưởi ấm được hạt tim em bây giờ hỡi anh yêu
ôi những sợi nước đêm qua
sớm mai đã chín mọng em rồi
biết có sợi nào vấn vít
vắt từ em sang anh
anh
đi rồi
Để rồi nỗi nhớ ấy đã trở thành một
“căn cước tình” như một chứng nhân đeo đẳng mãi cuộc đời em. Đêm trong thơ
Hoàng Thụy Anh khi nói về tình yêu vì thế, cũng là một thứ căn cước minh chứng
cho chính sự hiện hữu về nhân vị của thi nhân trên thi đàn.
mắt đêm kéo từng sợi đàn
ngấn màu hoa muối
em yêu anh bằng trái tim tình si của người đàn bà cỏ may
chỉ biết thêu cuộc tình bằng đường bay của gió
mỗi đêm
mỗi đêm
tự nghiệm
buồn buốt vỡ van tĩnh mạch
cơn đau nhoài lưng vật vờ
tìm điểm tựa
đâu rồi
tóc lòn kẽ tay chảy muốt mùa gối mật
anh trôi em
em trôi anh
đường thời gian xoáy lõm liên chương thương nhớ
căn
cước tình
Là phụ nữ, hơn ai hết, Hoàng
Thụy Anh đã cảm nhận nỗi đau của phận đàn bà bằng tất cả sự nghiệm sinh của
chính mình nên thi nhân đã rất có ý thức khi sử dụng biểu tượng đêm như một mã
thẩm mỹ để chuyển tải những diễn ngôn của mình về thân phận lạc loài, cô đơn và
thương đau của người phụ nữ trong xã hội hiện đại mà chính mình đang sống với tất
cả sự dấn thân. Điều mà tưởng chừng chỉ có trong đời sống của người phụ nữ thời
quá vãng. Thơ Hoàng Thụy Anh vì thế, mang tính nhân văn sâu sắc. Bởi những điều
tác giả đặt ra đã chạm đến trái tim của con người trong một xã hội mà sự vô cảm,
nhất là sự vô cảm với sự khổ đau trước những bất hạnh của đồng loại đang trở
thành một cơn dịch bào mòn nhân tâm con người.
người đàn bà giao ước với đêm
chia đều mớ mưa
chẳng phải để mua chẳng phải để bán chẳng phải làm quà
chỉ để nhận diện và gọi tên từng vết thương đang chảy tràn qua nhau
cuộc đời người đàn bà đan cơn mưa cơn mưa đan người đàn bà
như đốm buồn này luồn đốm buồn khác
như kẹt đau này chồng kẹt đau khác
giấc ngủ nào mới đến đã cạn cuối bấc đêm
người đàn bà sinh ra từ mưa
3. Có thể nói, trong tập thơ Người
đàn bà sinh ra từ mưa, những bài thơ hay nhất, để lại ấn tượng sâu sắc nhất
trong lòng người đọc chính là những bài thơ viết về đêm và mưa. Vì
vậy, cùng với đêm, mưa xuất hiện khá nhiều trong thơ Hoàng Thụy Anh và cũng là
một mã thâm mỹ độc đáo trong thế giới tâm hồn của thi nhân. Không những thế,
mưa còn là một tâm thức hiện sinh như một cõi riêng chứa bao điều trăn trở về
cuộc đời, về thân phận, về tình yêu mà những bài thơ như: mua gánh
mưa; ý nghĩ bất chợt không đến từ môi đêm môi mưa; trò chuyện với hai chú
cá về những điều ngoài cơn mưa; cuộc đời này cần bao nhiêu cơn mưa tự do; người
đàn bà sinh ra từ mưa… là một xác chứng. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên
khi nhà thơ lấy tên bài thơ Người đàn bà sinh ra từ mưa làm tựa đề
cho tập thơ - Một tựa đề có giá trị biểu cảm và tính ám gợi sâu sắc đối với tâm
cảm người đọc. Cõi thơ Hoàng Thụy Anh là cõi thơ của những phận số chứa nỗi khổ
đau của người phụ nữ. Thế nên, những bài thơ luận bàn về những vấn đề xã hội
trong tập thơ không thật sự thành công cả trong giọng điệu, ngữ ngôn và cảm hứng
thi ca. Thơ của Hoàng Thụy Anh không phải là thơ của những phản biện xã hội mà
đó là thơ của những trở trăn, ưu tư về thân phận con người mà trung tâm là phận
số người phụ nữ mà bản thân thi nhân cũng là một thân phận. Mặt khác, để tạo
cho mình một phong cách riêng, một dấu ấn trong tâm thức người đọc, Hoàng Thụy
Anh cũng cần dụng công hơn nữa trong việc tinh lọc từ ngữ, hình ảnh và cảm xúc
trong thơ, tránh dùng những từ ngữ, những hình ảnh, những cảm xúc quá quen thuộc
trong thơ nữ hiện nay.
Người làm thơ khi hiểu
được cái gì làm nên thi giới của riêng mình để tập trung thể hiện, thì dễ có những
thành công hơn khi đi vào những vấn đề không hợp với thi giới của mình. Muốn định
hình một phong cách thơ không có con đường nào khác là phải khám phá chính thế
giới nội cảm của mình để gắn bó với nó thì mới tạo được một cõi thơ riêng và tạo
được ấn tượng nơi người đọc. Hy vọng Hoàng Thụy Anh sẽ nhận ra điều này trong
hành trình sáng tạo thơ của mình để đem đến cho thi đàn những áng thơ hay, neo
đậu được bền lâu trong tâm cảm người đọc. Tuy nhiên với những cố gắng và khao
khát sáng tạo của mình trong tập thơ đầu tay này, hy vọng Hoàng Thụy Anh sẽ được
bạn đọc đón nhận với tất cả tình cảm tri âm để từ đó làm nhịp cầu bước vào cõi
vĩnh cửu của thế giới thơ ca mà không một người nào cầm bút làm thơ lại không
mơ ước.
Tôi tin và kỳ vọng vào hành trình sáng tạo
thơ của Hoàng Thụy Anh…
Xóm Đình An Nhơn Gò Vấp, Những ngày chuyển
mùa…
Sài Gòn, 30/3/2017
Trần Hoài Anh
Theo https://www.vanchuongviet.org/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét