Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2020

Hoàng Thụy Anh và ý thức cái "khác"

Hoàng Thụy Anh và ý thức cái "khác"

Trải nghiệm, khám phá cái mới, cái khác là hành trình không mệt mỏi của nhà phê bình văn học Hoàng Thụy Anh. 
Chị quan niệm rằng: “Sứ mệnh của nhà phê bình là ngoài việc trau dồi tư duy lập luận khoa học để thám mã văn bản còn phải biết phát hiện những nhân tố mới, thử thách mình và bản lĩnh trước nhận định mà mình đưa ra”.
Từ “Thơ Hoàng Vũ Thuật - nhìn từ thi pháp học của Roman Jakobson (chuyên luận), “Bản xô-nát thi ca” (tiểu luận - phê bình), “Tiếng vọng đa thanh” (tiểu luận - phê bình), “Người đàn bà sinh ra từ mưa” (thơ) đến “Phê bình văn học và ý thức cái khác” đánh dấu niềm đam mê và khả năng sáng tạo bền bỉ của Hoàng Thụy Anh. 
Tập “Phê bình văn học và ý thức cái khác” gồm 22 bài tiểu luận, phê bình với độ dày 238 trang. Ấn tượng đầu tiên khi đọc cuốn sách là những trang viết chuyển tải “cảm xúc giới nữ” một cách tinh tế. Đọc “Chuyển động thơ đương đại từ góc nhìn của nhà phê bình Inrasara” hay “Âm hưởng nữ quyền và nhân vị-đàn bà” để thấy một Hoàng Thụy Anh “đa sắc” trong ngôn từ, lúc thì rắn rỏi, đanh thép, lúc lại uyển chuyển, mềm mại, giàu nữ tính.
Hoàng Thụy Anh viết: “Được tạo ra từ chiếc xương sườn của người đàn ông - như huyền tích trong kinh thánh - thân phận nữ giới ở phương Đông hay phương Tây đều rơi vào số phận kẻ phụ thuộc, kẻ thụ động, chịu nhiều thiệt thòi. Hành trình tìm lại chính mình, xác lập, khẳng định bản sắc, bản ngã của nữ giới đi từ ý thức quẫy đạp đến đứng lên đấu tranh phổ khắp các bình diện chính trị, kinh tế, văn hóa và văn học nghệ thuật cho đến nay chưa bao giờ ngưng. Cuộc đấu tranh đòi bình đẳng giới qua những sáng tác của nữ giới đặt ra nhiều vấn đề mới, thể hiện được ý nghĩa văn hóa, tính nhân văn, thẩm mỹ. Đặc biệt, chính lối viết nữ, cảm nhận nữ đã tạo nên làn sóng, âm hưởng nữ quyền trong văn học”.
Từ đó, Hoàng Thụy Anh đi sâu vào việc phân tích làm rõ chuyên luận “Nữ quyền luận ở Pháp và tiểu thuyết nữ Việt Nam đương đại” của Trần Huyền Sâm và khẳng định: “Cá tính, bản lĩnh, tài năng cùng với tinh tế, nhạy bén, Trần Huyền Sâm đã có những đối thoại với các nhà nữ quyền, đối thoại với các tác giả nữ đương đại Việt Nam về quyền tự do, về cách thể hiện, cách bày tỏ, bộc lộ quyền năng đàn bà…”.
Cái “khác” được Hoàng Thụy Anh khai thác ở nhiều góc độ, từ cách chọn đối tượng tiếp cận, nghiên cứu, đến việc sử dụng ngôn từ, lối viết. Hoàng Thụy Anh nhận ra một Văn Thành Lê “đang đi tìm cho mình một cái tôi khác, một cái tôi chưa bao giờ thỏa với bầu trời mênh mông của văn chương. Một cái tôi luôn háo hức tò mò khám phá. Một cái tôi muốn học hỏi tích lũy. Một cái tôi dũng cảm và tự tin, muốn phục dựng, khẳng định những giá trị văn học chân chính”; Mai Liên Giang với bút pháp mềm mại, nhẹ nhàng, nữ tính, đầy nội lực trong “An trú miền đọc”; một Trần Quang Quý với “đường bay riêng hướng về hồn quê bằng sự thăng hoa của chuỗi/hệ thống động từ độc lập” (Động từ trong thơ Trần Quang Quý); hay một Như Quỳnh de Prelle “với lối viết đầy cảm xúc, đầy lý trí và đầy ắp phù sa chữ nghĩa…”
Với Hoàng Thụy Anh, đã là nghệ sĩ thì phải không ngừng sáng tạo và cái “khác” như một quy luật tất yếu để tồn tại. Nhà văn Nguyễn Văn Hùng cho rằng: Hoàng Thụy Anh đã chứng minh sứ mệnh của nhà phê bình không dừng lại ở việc phát hiện cái đẹp, nhận diện cái đẹp, mà còn luận giải, đối thoại và cao hơn là xây dựng hệ giá trị thẩm mỹ gắn liền với cái “khác”.
Trong cuốn tiểu luận, phê bình này, ngoài những bài viết về những cây bút đã có tên tuổi trong làng văn, như Hoàng Vũ Thuật, Nguyễn Ngọc Phú, Nguyễn Quang Vinh…, Hoàng Thụy Anh còn tiếp cận những cây bút mới đầy triển vọng, như Đỗ Thành Đồng, Phan Tuấn Anh và một số gương mặt khác.
Cần mẫn lao động và sáng tạo, miệt mài đọc, nghiên cứu, khám phá đã cho Hoàng Thụy Anh nguồn tư liệu sống để tạo nên từng câu, chữ thấm đẫm vị đời. Đó là điều hiếm hoi trong những cây bút trẻ hiện nay. Dẫu còn khá trẻ về tuổi đời song với sự ra đời của “Phê bình văn học và ý thức cái khác”, Hoàng Thụy Anh một lần nữa khẳng định tài năng và sự kiên định với con đường mà mình đã lựa chọn - lý luận phê bình văn học - một lĩnh vực không nhiều cây bút nữ dám thử sức và thành công.
Nhật Văn
Theo https://www.baoquangbinh.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...