Thứ Hai, 7 tháng 12, 2020

Phong cảnh Nhật và người Nhật

Phong cảnh Nhật và người Nhật

Ngay sau khi mùa hoa đào năm nay của nước Nhật vừa chấm dứt, Diễn Đàn Thế Kỷ hân hạnh gửi đến độc giả loạt bài viết của nhà văn Trần Mộng Tú mới từ Nhật về. Bài viết ghi lại chuyến đi thăm nước Nhật của nhà văn, như một du ký đượm chất văn học lẫn tài liệu.
Nhật Bản, theo chúng tôi, là nước Á Đông duy nhất hiện nay còn giữ gìn nguyên vẹn truyền thống tinh thần cũ. Những nước Á Đông gọi là “đồng văn” vì chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa tự ngàn xưa, ngoài Nhật Bản, còn có Việt Nam và Hàn Quốc. Hiện nay, Trung Hoa, Việt Nam và Bắc Hàn theo chủ nghĩa cộng sản, các tinh túy của nền văn hóa truyền thống của mỗi quốc gia coi như đã bị phá vỡ. Nam Hàn, sau cuộc chiến 1950-1953 đã tiếp nhận rất nhiều ảnh hưởng của văn hóa Tây phương, nên tinh thần cũ đã phai nhạt nhiều. Chỉ Nhật Bản về mặt truyền thống là còn “nguyên chất” trên cả nước, từ hình thức đến nội dung, từ đất nước đến con người, mặc dù đây là nước tiến bộ về khoa học kỹ thuật vào hàng đầu của thế giới.
Nhà văn/nhà thơ Trần Mộng Tú đã đến với nước Nhật trong mùa hoa anh đào năm nay, và trở về (Mỹ) với cả nước Nhật ăm ắp trong tâm trí, cần phải phơi trải ra với loạt bài du ký này. Chị đã gặp tính chất cổ kính thực thụ nơi đền chùa từ trước đến nay vẫn còn nguyên vẹn; gặp các tín ngưỡng từ ngàn xưa, Thần Đạo và Phật giáo, vẫn tiếp tục hun đúc tinh thần của cả dân tộc này trong một dòng chảy tâm linh không gián đoạn; gặp xã hội Nhật với các đặc tính mà cả thế giới phải nể phục: kỷ luật, tiến bộ, sạch sẽ, lương thiện, mặc dù luôn luôn phải đối diện với tình trạng đất hẹp người đông; gặp thiên nhiên xinh đẹp lúc nào cũng được mọi người gìn giữ với một tình yêu và ý thức trân trọng...
Và từ chuyến đi ấy, chúng ta được đọc các bài du ký này, coi như là những thu hoạch từ một mùa hoa anh đào, tại Xứ Mặt Trời Mọc. Xin mời bạn đọc theo dõi. - DĐTK
Ở Kyoto
Kyoto, cố đô của nước Nhật với tổng số 2000 ngôi chùa và đền cho cả hai tôn giáo: đạo Phật và Thần đạo. Cũng như các cung điện, vườn thượng uyển và các công trình kiến trúc còn nguyên vẹn, Kyoto là một trong những thành phố được bảo tồn hoàn hảo nhất của Nhật Bản.
Đền chùa cũ xưa nhiều, nên thỉnh thoảng trong một khu xóm hay trên một con đường lại gặp một ngôi chùa gỗ, mái ngói cũ kỹ chen giữa những building hay giữa những ngôi nhà kiểu mới, làm mình liên tưởng đến một vài khu phố cổ ở Hà Nội.
Trong bốn ngày ở Kyoto, chúng tôi không thể đi hết thắng cảnh của thành phố cổ này, chỉ cố thu xếp thời gian thăm vài nơi mang dấu vết lịch sử và nổi tiếng thơ mộng.
Ngõ xưa
Buổi chiều vừa xuống, chúng tôi, năm người, dắt nhau đi trong những con hẻm rất nhỏ, nhỏ như những con hẻm ở phố cổ Hà Nội. Đó là khu Gion và Pontochò, ngay trong trung tâm thành phố.
Điều khác biệt giữa hai đô thị Hà Nội và Kyoto là những con hẻm ở Kyoto rất sạch, đèn sáng đủ để nhìn xuống chân không có một cọng rác, một vật bẩn vứt trên lối đi. Hàng quán hai bên là những quán ăn, có hoặc không có âm nhạc. Những Bar với đèn lồng đỏ và các thiếu nữ mặc kimono đứng đón khách.
Nơi đây chính là thế giới ngày xa xưa của những nàng Geisha xứ anh đào. (Geisha 芸者?), geiko (芸子) hoặc geigi (芸妓)
Từ "nghệ giả" được hình thành từ hai chữ gei (
Từ "nghệ giả" được hình thành từ hai chữ gei ( nghệ) và sha ( giả) xuất phát từ phương ngữ Tokyo, được các ngôn ngữ phương Tây tiếp nhận dưới dạng geisha. Tiếng Nhật chuẩn gọi là "nghệ kĩ", Geigi (藝妓, "nữ nghệ sĩ"), và họ được gọi theo phương ngữ Kansai (関西 Quan Tây) là "nghệ tử", Geiko (藝子). Geisha trong thời gian học việc được gọi là "bán ngọc", Han'gyoku (半玉) (tại Tōkyō) hay "vũ tử", Maiko (舞子), hoặc "vũ kĩ", Maigi (舞妓), (tại Kyoto).
Geisha, phát âm/ˈgeɪ ʃa/ (gei- phát âm như gây), là thuật ngữ quen thuộc nhất đối với người nói tiếng Anh và cũng thường được sử dụng ở Nhật Bản. (*)
Chúng tôi đi dưới ánh đèn lồng hình dung ra nơi đây, một thời rất xa xưa là nơi có những nghệ nhân xinh đẹp sinh sống. Trong những căn buồng nhỏ, rất ít đồ đạc, họ thức, ngủ, trong những bộ áo kimono, di chuyển chậm rãi, từ tốn, đầy tính cách nghệ thuật trên những vuông chiếu trải (tatami room) sau những cánh cửa dán giấy, nhìn ra vườn có hoa anh đào hay những cây bonsai uốn lượn.
Họ chơi đàn, hát, rót rượu, mời trà với những cung cách đầy nghệ thuật cổ truyền, được huấn luyện từ sáu tháng tới một năm. Xin đừng nhầm họ với những người bán phấn buôn hương.
Theo lịch sử và tiến hóa thì trước khi có Geisha đã có Văn hoá Bushido góp phần đưa tới sự ra đời Văn hoá Geisha. Võ sĩ đạo là một hệ thống luân lý đạo đức hoàn mỹ - một bộ giới luật bất thành văn mà người võ sĩ (Samurai) phải tuân theo: ngay thẳng, quang minh chính đại, cao thượng, nghĩa hiệp... Là tầng lớp quý tộc Nhật, các Samurai sống rất có văn hóa, lấy thi ca, nhã nhạc, thư pháp làm trò giải trí. Họ ưa được hưởng sự phục vụ từ phía nữ giới dưới hình thức văn hoá lành mạnh hợp với tâm hồn võ sĩ, chứ không phải hình thức phục vụ tình dục nhơ nhớp. Nhu cầu giải trí cao nhã ấy dẫn tới sự ra đời của Geisha, chứ hoàn toàn không phải để thỏa mãn ham muốn tình dục (*).
Đi trong những con hẻm xưa này, tôi nhớ lại: The Sound of the mountain, Thousand Cranes, House of The Sleeping Beauties, v.v. của nhà văn tài hoa Yasunari Kawabata (1899-1972) hiện về trong tâm trí tôi. Tôi tưởng tượng ra có một thời ông đã đi trong con hẻm này và thấy bước chân của tôi, hình như đang đặt trên dấu chân của ông ngày trước. Sự tưởng tượng đó đủ làm tim tôi đập sai đi một nhịp.
Tiếng nhạc vừa đủ vọng ra, không làm inh tai khách bên đường nhưng đủ để quyến rũ khách dừng chân.
Bốn ngày ở Kyoto, mỗi buổi chiều chúng tôi đều quay lại đây, đi qua những con hẻm, thưởng thức hình ảnh và dư vị của những mảnh linh hồn Kỹ Nữ dưới những ngọn đèn lồng, trước khi tìm bữa ăn cuối ngày.

Geisha, phát âm/ˈgeɪ ʃa/ (gei- phát âm như gây), là thuật ngữ quen thuộc nhất đối với người nói tiếng Anh và cũng thường được sử dụng ở Nhật Bản.(*)
Chúng tôi đi dưới ánh đèn lồng hình dung ra nơi đây, một thời rất xa xưa là nơi có những nghệ nhân xinh đẹp sinh sống. Trong những căn buồng nhỏ, rất ít đồ đạc, họ thức, ngủ, trong những bộ áo kimono, di chuyển chậm rãi, từ tốn, đầy tính cách nghệ thuật trên những vuông chiếu trải (tatami room) sau những cánh cửa dán giấy, nhìn ra vườn có hoa anh đào hay những cây bonsai uốn lượn.
Họ chơi đàn, hát, rót rượu, mời trà với những cung cách đầy nghệ thuật cổ truyền, được huấn luyện từ sáu tháng tới một năm. Xin đừng nhầm họ với những người bán phấn buôn hương.
Theo lịch sử và tiến hóa thì trước khi có Geisha đã có Văn hóa Bushido góp phần đưa tới sự ra đời Văn hoá Geisha. Võ sĩ đạo là một hệ thống luân lý đạo đức hoàn mỹ - một bộ giới luật bất thành văn mà người võ sĩ (Samurai) phải tuân theo: ngay thẳng, quang minh chính đại, cao thượng, nghĩa hiệp... Là tầng lớp quý tộc Nhật, các Samurai sống rất có văn hóa, lấy thi ca, nhã nhạc, thư pháp làm trò giải trí. Họ ưa được hưởng sự phục vụ từ phía nữ giới dưới hình thức văn hóa lành mạnh hợp với tâm hồn võ sĩ, chứ không phải hình thức phục vụ tình dục nhơ nhớp. Nhu cầu giải trí cao nhã ấy dẫn tới sự ra đời của Geisha, chứ hoàn toàn không phải để thỏa mãn ham muốn tình dục (*).
Đi trong những con hẻm xưa này, tôi nhớ lại: The Sound of the mountain, Thousand Cranes, House of The Sleeping Beauties, v.v... của nhà văn tài hoa Yasunari Kawabata (1899-1972) hiện về trong tâm trí tôi. Tôi tưởng tượng ra có một thời ông đã đi trong con hẻm này và thấy bước chân của tôi, hình như đang đặt trên dấu chân của ông ngày trước. Sự tưởng tượng đó đủ làm tim tôi đập sai đi một nhịp.
Tiếng nhạc vừa đủ vọng ra, không làm inh tai khách bên đường nhưng đủ để quyến rũ khách dừng chân.
Bốn ngày ở Kyoto, mỗi buổi chiều chúng tôi đều quay lại đây, đi qua những con hẻm, thưởng thức hình ảnh và dư vị của những mảnh linh hồn Kỹ Nữ dưới những ngọn đèn lồng, trước khi tìm bữa ăn cuối ngày.
Khách ngồi lại cùng em thêm chút nữa
Vội vàng chi trăng lạnh quá khách ơi!
Đêm nay rằm yến tiệc sáng trên trời
Khách không ở lòng em cô độc quá! (Xuân Diệu)
Với những nàng Kỹ Nữ Nhật, câu thơ sẽ dừng lại ở đây, không đi xa thêm nữa.
Người Nhật, buổi chiều tan sở ra, họ (các ông) thường đi ăn, uống với bạn ở ngoài quán trước khi về nhà. Hương nồng của những chén sake bốc tràn trên tay áo và trên mặt chiếu tatami.
Chúng tôi đi trong chập choạng hoàng hôn, hòa mình vào ánh đèn lồng, màu áo kimono và hương thơm của rượu.
Một ngàn cây cột màu cam
Nước Nhật có hai tôn giáo chính: Phật Giáo và Thần Giáo.
Thần Giáo được nhân cách hóa liên quan đến thiên nhiên như từ cây cỏ, tảng đá, đất, mặt trời, sóng biển, hay động vật. Những vong linh người chết được phong thần.
Một người được phong là thần từ khi còn sống đó là Minh Trị Tiên Hoàng (Thời kỳ MTTH: 1868-1912)
Những nghi lễ cho hôn nhân, cầu xin an bình, buôn bán, thi cử phần đông được cử hành theo Thần Giáo.
Tang lễ thường được cử hành theo Phật Giáo.
Thần đạo có rất nhiều các thần thánh, đến 8 triệu thần ( kami). Tuy một số các vị thần này được nhân cách hóa, đa phần các thần liên quan đến thiên nhiên như linh hồn của đất, trời, mặt Trăng, cây cỏ, hoa lá. Ngay cả đá, núi, hay động vật như cáo, gấu và người quá cố đã trở thành linh hồn cũng được xem là thần. Những thần trú ngụ ở tầng cao nhất trên thiên đàng gọi là "cao thiên nguyên" (高天原 takama-ga-hara), và chỉ rời khỏi đó khi được mời xuống các đền thờ trong các nghi lễ.
Fushimi-Inari Shrine là một địa điểm thờ thần Cáo (Fox) rất nổi tiếng. Ngôi đền này được xây cất từ năm 1499. (*)
Ở đó người ta trồng 1000 cây cột (Thousand Torii) sơn màu cam đậm (màu ánh sáng của mặt trời). Mỗi cây cột to một vòng tay ôm có đục chữ trên đó (trạm thật sâu đến một phân). Những hàng chữ mang ý nghĩa ghi ơn của các thần đã phù hộ cho mùa màng, hoa màu, sự bình an, sinh đẻ và nhất là cho những doanh nghiệp. Nhiều nhà buôn có tượng thờ Thần Cáo ngay tại hãng xưởng của mình.
Lối vào cửa đền hai bên hàng quán bán đồ lưu niệm và thức ăn đông đảo. Tuyệt nhiên không một mảnh rác nào vứt trên mặt đất. Việc tìm được một thùng rác công cộng, rất là hi hữu và nếu có, cũng là một cái thùng rất nhỏ. Người Nhật tự giữ rác của mình, đem về nhà.
Nghi thức của người Nhật mỗi khi vào cửa đền, hay đến trước tượng Phật cầu xin, chiêm ngắm, mọi người đều phải thanh tẩy hai bàn tay và miệng của mình. Ở trước mỗi cửa đền hay mỗi chân tượng (dù Phật Giáo hay Thần Giáo) thường có xây một hồ nước, để sẵn những chiếc gáo cho du khách thực hành nghi thức này. Bạn rửa tay xong, vốc nước lên rửa ngang miệng.
Miệng không còn hơi hướm những lời không tốt, tay không còn dấu vết đã làm việc xấu trước khi thờ cúng, khấn xin.
Chúng tôi mất độ gần một tiếng để đi qua những bậc đá dưới chân một ngàn cây cột màu mặt trời, làm thành một đường vòng đưa lên đỉnh một ngọn đồi nhìn xuống bên dưới thành phố Kyoto, rồi quay trở xuống.
Đường lên chùa Hương nếu không đi bằng giây cáp treo, chắc khó khăn hơn vì những lối đi không được giữ sạch sẽ và an toàn như lối đi cả ngàn bực này, nhất là chen lấn. Ở Nhật dù đông thế nào chăng nữa, sự chen lấn cũng không xảy ra.
Người lên, kẻ xuống tấp nập, phần đông là du khách người Nhật ở thành phố khác tới, du khách Nhật bao giờ cũng đông hơn gấp nhiều lần du khách ngoại quốc.

Lung linh ánh vàng
Kinkaku-ji, Kim Các Tự, chùa có gác bằng vàng. Đến đây chiêm ngắm, chẳng hiểu sao, tôi bất giác nhớ đến câu: Kim ốc tàng Kiều (Nhà vàng cất người đẹp) mặc dù hiện tại, đây là một Thiền Tự. Chắc tại lần đầu tiên nhìn thấy một gác chùa dát vàng nên điển tích của ngôn ngữ trở về.
Kim Các Tự
Yoshimitsu, là Shogun thứ 3 của Ashikaga, thoái vị quyền uy của mình vào năm 1394. Ba năm sau, ông bắt đầu xây dựng khu an trí cho mình, và ông đã thực hiện bằng một nỗ lực đặc biệt để làm cho nó trở thành một vùng kiến trúc ngoạn mục. Ông đắm mình trong cuộc sống yên bình của mình trong khung cảnh thanh bình này. Sau khi Yoshimitsu qua đời, con trai ông, Kitayamaden theo di chúc của cha đã biến dinh thự này thành một Thiền Viện (một ngôi đền Zen).
Trong cuộc chiến Onin (1467-1477) chùa bị cháy rụi, nhưng được xây lại. Tuy nhiên, các khu vườn chung quanh, vẫn còn nguyên vẹn như ngày xưa, và người ta vẫn có thể được thưởng thức như nó đã được thưởng thức hàng trăm năm trước. Tên phổ thông của chùa là Lộc Uyển Tự, chùa Vườn Nai.
Ngôi chùa có ba tầng, soi bóng xuống ao Kyoko-chi, tức Kính Trì (ao Gương). Hai tầng trên vách được dát bằng vàng lá nên mới có tên là gác vàng. Gọi chung là chùa Vàng. Cảnh trí chung quanh chùa có hoa lá, cỏ cây hài hòa ngoạn mục.
Gần 500 năm sau (1950) tòa Gác Vàng bị một nhà sư nổi lửa đốt thành tro.
Chùa được trùng tu lại năm 1955. Năm 1987 gác chùa được dát thêm lớp vàng mới và sửa chữa nội thất. Gác này thường được so sánh với Ginkaku (Ngân Các tức Gác Bạc) ở chùa Jisho-ji cũng ở Kyoto.
Nhà văn Mishima Yukio phóng tác việc đốt chùa của nhà sư này trong cuốn tiểu thuyết có tựa là Kinkaku-ji. Cuốn sách này được dịch ra nhiều thứ tiếng kể cả tiếng Việt do Đỗ Khánh Hoan và Nguyễn Tường Minh dịch và xuất bản ở Sài Gòn vào cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970.
Chùa Kinkaku-ji đã được ghi nhận là Di Sản Văn Hóa Thế Giới vào năm 1994.
Lịch sử của ngôi chùa là điều quan trọng và du khách nào cũng muốn hiểu tường tận. Nhưng thật sự khi đứng trước một ngôi chùa dát vàng xây trên một chiếc hồ như thế, tôi không nhìn chùa, mà cứ xăm xoi nhìn cái sắc vàng in trên mặt nước, nhìn những cái đuôi cá Anh Vũ thỉnh thoảng quẫy mạnh một cái làm những mảnh vàng bắn tung tóe, thấy cả ngôi chùa như tan ra từng mảnh vàng vụn.
Thời gian như đứng lại, không gian dường bốc hơi. Giữa buổi trưa nắng ấm nồng bỗng nhớ tới câu thơ tả đêm khuya chú tiểu với ngôi chùa cũ, nghèo, mà mình đã được đọc từ một thời xa xôi nào:
Chùa xưa mái ngói cũ
Trèo lên níu cây sào
Đêm khuya rồi không ngủ
Kéo rụng bao nhiêu sao.
(Huyền Không
Tiếng hát màu xanh

Đó là âm thanh cất lên từ cánh rừng tre Bamboo Sagano ở khu ngoại ô Arashiyama của Kyoto.
Khu ngoại ô này là một đại điểm hấp dẫn du khách vì ngoài rừng tre nó còn nổi tiếng với chiếc cầu gỗ Togetsukyo, đập nước nhân tạo, những ngôi nhà bán quà lưu niệm, những ngôi chùa nhỏ rải rác chen lẫn giữa quán ăn và ngôi đền Tenryuji. Hoa anh đào mùa xuân và lá thu phong thay màu cũng là một điểm tuyệt vời được nhắc đến nữa.
Chỉ cần 30 phút đi xe lửa từ thành phố đến đây. Đi bên nhau im lặng, bóng tre xanh giao nhau, chụp trên đầu như một chiếc nón thật to. Ngoài vẻ đẹp thanh thoát, thiền tịnh của cả khu rừng 16 cây số vuông toàn tre này, mỗi khi có cơn gió nhẹ thổi qua, bạn sẽ được nghe tiếng hát màu xanh cất lên từ những thân tre của khu rừng ngọc bích, tiếng hát du dương trầm bổng.
Đôi khi nghe cả được tiếng thân tre va vào nhau bật lên tiếng “tích tích” khe khẽ như tiếng mõ cầu an nho nhỏ.
Cũng có lúc tiếng lá tre xì xào tưởng như ai đang đọc một bài thơ. Thơ Đường, thơ Nguyễn Trãi, thơ Nguyễn Bính hay thơ Hồ Dzếnh hay thơ Hài Cú của Basho. Những lời thơ nhẹ như sáo trúc!
Chúng tôi tới rừng tre vào buổi chiều khi mặt trời vừa lặn, nên được hưởng toàn vẻ u tịch của rừng. Bỗng nhớ đến một đoản văn tả cành tre và mặt trăng của Nguyễn Tuân:
Chàng nhìn trăng qua cành lá tre, cành lá sắc và đen như mực, vắt qua mặt trăng như một bức tranh Tàu…
Tôi hình dung ra cả khu rừng tre này vào một đêm trăng để thấy rõ hơn nữa cảnh lá tre vắt qua trăng trong câu văn thật đẹp của Nguyễn Tuân.
Tiếng hát, tiếng mõ, hay tiếng ngâm thơ cất lên trong rừng tre này đã được chính phủ chọn là: một trong một ngàn âm thanh của nước Nhật cần được bảo tồn.
Con đường bên cạnh khu rừng, được hoàn thành bằng những thân và lá của những cây tre già ngã xuống, khi dẫm chân lên đó, những tiếng động khô sẽ xào xạc dưới gót chân mình. Lại một âm thanh rất lạ, rất khác của tre cho ta thưởng thức!
Chúng tôi vừa ngắm những thân tre xanh biếc hàng hàng lớp lớp nối nhau vừa nhìn xuống những chồi măng mọc khỏe mạnh, gọn gàng như những học sinh Nhật mặc đồng phục đi dưới phố mỗi ngày.
Được biết vào năm 1870 khi Edison muốn tìm loại tre thật tốt để dùng những sợi tre tước ra (material of filament) sáng chế những bóng đèn đầu tiên, giống tre ở khu rừng này đã được nhà nước Kyoto giới thiệu là một trong hai nguồn tre cung cấp cho ông.
Người Nhật ở Kyoto
Kyoto cổ kính là cố đô của nước Nhật nên việc bảo thủ không lấy làm ngạc nhiên.
Các khách sạn, cửa hàng buôn bán, hàng ăn, khu nhà ga xe lửa, trạm xe bus, không hề có một dòng chữ tiếng Anh nào cho khách du lịch. Ngay cả nhân viên khách sạn, vốn tiếng Anh để tiếp khách rất ngập ngừng và chỉ một người có thể nói mà thôi. Họ hầu như thấy việc cần thêm một sinh ngữ lạ, ngoài quốc ngữ trong thành phố là không cần thiết.
Người Nhật ở đây, nhiều lễ phép nhưng lại rất ít cười. Trong khách sạn, nhà hàng, trên xe hỏa, lúc nào họ cũng cúi rạp đầu, nói lời cám ơn hay xin lỗi, mỗi khi mình đi qua họ, hay họ phải đi qua mình.
Trên xe bus không thấy ai cười với ai, họ đứng nghiêm chỉnh, không chen lấn nhưng ít thấy nhường ghế cho người lớn tuổi. Hình như tất cả chỉ tập trung vào chính mình.
Quần áo họ mặc ít màu sắc, ngay cả giới trẻ. Đồng phục của người đàn ông đi làm là những bộ suit đen, đàn bà hiếm thấy mặc áo in hoa hay màu sắc tươi, đồng phục của học trò nam và nữ là màu xanh nước biển đậm.
Họ đi nhanh, không ai nhìn ai, họ chỉ nói chuyện trong quán, sau những chai sake.
Mà những chai sake thì không khi nào thiếu.

TOKYO
Nhóm chúng tôi, sau khi ở Kyoto năm ngày, bay qua Tokyo nhập vào nhóm đi theo Tour. Tổng cộng 39 người. Đây là nhóm Tour tổ chức riêng của người trong gia đình với một số bạn thân nên rất vui, thoải mái.
Chúng tôi tới Tokyo vào mùa lễ hội nên khách sạn lúc nào cũng hết chỗ, tuy Tour đã đặt trước cả nửa năm nhưng không nơi nào chúng tôi được ở hai đêm, trừ ba ngày đầu ở ngay Tokyo. Sau đó chúng tôi dùng xe bus của Tour và tầu hỏa để đi đến các tỉnh lẻ.
Chúng tôi đã đi khá xa, từ miền Nam sang miền Bắc Tokyo.
Buổi chiều đầu tiên tới Tokyo chúng tôi được đưa tới khách sạn Grand Pacific La Daiba. Một khách sạn nhìn xuống biển. Phong cảnh rất ngoạn mục.
Lấy buồng xong, chúng tôi được tự túc buổi cơm chiều hôm đó. Có hẹn trước, hai người bạn văn Nhật của chúng tôi đã đi gần ba tiếng xe lửa và xe bus để đón chúng tôi đi ăn bữa cơm chiều đầu tiên ở Tokyo. Giáo sư Kawaguchi Kenichi và cô Aki. (Hai người bạn Việt, đi Kyoto cùng với chúng tôi cũng được mời luôn).
Chúng tôi được cho đi ăn bữa cơm trong một tiệm ăn truyền thống của dân đảo Okinawa. Ăn bữa cơm Nhật mà thưởng thức như một bữa cơm Việt ở nhà, với cá bống tẩm bột chiên, thịt kho trứng, khổ qua xào với tàu hũ và trứng đập vào. Sau năm ngày ở Kyoto ăn canh Miso, mì Ramen, bữa cơm chiều hôm đó thật tuyệt vời. Mới xa nhà có năm ngày mà đã nhớ cơm Việt như người xưa nhớ “Canh rau muống, nhớ cà dầm tương”.
Khi nào bạn ở Nhật lâu quá, thèm cơm Việt thì nhớ tìm tiệm ăn nào của người Okinawa điều hành.
Cũng giống như ở Kyoto, tôi không kể hết được tất cả những nơi mình đi qua ở Tokyo, chỉ xin giới thiệu một vài nơi thật đặc biệt:
Tượng Phật vĩ đại - Kamakura
Nguyên thủy là bức tượng gỗ được hoàn thành năm 1243. Mưa gió và bão tố đã phá hủy bức tượng gỗ năm 1248 cũng như ngôi nhà chứa đựng bức tượng.
Một tu sĩ Phật Giáo (Joko) đề nghị xây dựng lại bức tượng bằng đồng và hội trường mới vào năm 1252, thời kỳ Kamakura.
Được tu bổ lại, nhưng sau hai cơn bão 1334 và 1369 tuy không ảnh hưởng nhiều đến tượng Phật nhưng cả hội trường hai lần đều bị tàn phá, hai lần tu bổ.
Ngày 20 tháng 9 năm 1498 một cơn sóng thần lại phá hủy toàn bộ ngôi nhà ngay dưới chân pho tượng.
Cuối cùng pho tượng được đứng trong bình yên tới nay, sau nhiều lần trùng tu.
Đã có lúc pho tượng được thếp vàng, hiện gần bên tai Phật còn dấu vết của một lá vàng đó.
Người ta cho rằng, đây là bức tượng đồng vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên thủy của bức tượng đồng đầu tiên từ năm 1252 qua bao nhiêu thiên tai.
Pho tượng cao khoảng 13.35 mét (43,8 ft) và nặng khoảng 93 tấn. Thân tượng rỗng, và du khách có thể vào bên trong (đi lối sau lưng tượng). Nhiều du khách trong những năm qua đã chui vào đó, ghi tên hay lời cầu bên vách trong thân tượng.
Trước đây quanh tượng có ba mươi hai cánh sen, nhưng bây giờ chỉ còn có bốn.
Trận động đất lớn năm 1923 phá hủy nhiều nơi trên pho tượng, đã được trùng tu lại và được hỗ trợ những biện pháp mới để bảo vệ tượng với thiên tai.
PHẬT LẶNG THINH
Cũng như hầu hết trước các cửa đền, các nơi tôn kính, có một bể nước xây cho chúng sinh thanh tẩy tay và miệng trước khi chiêm ngắm và cầu an.
Phật ngồi đó
Phật lặng thinh
chúng sinh náo động lời kinh vỡ òa
rửa tay, lạy Phật tâm hòa
cúi nghiêng cánh mỏng
đóa hoa mỉm cười (tmt)
Nhưng thanh tẩy tay, miệng xong, chúng sinh vẫn không giữ im lặng được. Nhóm 39 người của chúng tôi làm náo động dưới chân Phật. Tôi nhìn lên thấy Phật vẫn đại lượng nhìn xuống bao dung, đóa hoa dưới chân Phật vẫn khẽ mỉm cười:
CHÚNG SINH NÁO ĐỘNG
Núi Phú Sĩ và những cánh đồng rêu hồng - Pink Moss
Người Nhật hay nói về cánh đồng rêu hồng này (Shibazakura) đẹp đến nỗi chỉ có cô bé 12 tuổi mới mơ được giấc mơ đẹp như thế.
Gọi là rêu, nhưng không phải là rêu, (Shiba là cỏ/ zakura là anh đào) đó là những bông hoa nhỏ có năm cánh nằm sát mặt đất. Bạn có cảm tưởng tám trăm ngàn (800,000.-) bông hoa màu hồng này trải dài đến tận chân núi Phú Sĩ, vì khi ngửng mặt nhìn lên thì núi Phú Sĩ ngang tầm mắt mình. Phong cảnh đẹp vào giữa tháng tư cho hết tháng 5, mỗi năm, đã hấp dẫn 9 triệu du khách.
Bước vào cánh đồng hoa ngút ngàn này bất giác tôi nhớ đến câu thơ của Nguyễn Du
Bóng hoa đầy đất vẻ ngân ngang trời (Kiều)
Sắc hoa tuy mầu hồng nhưng không mang cái sôi nổi đến trong lòng người chiêm ngắm, vì mầu hồng đó khiêm nhường nằm sát xuống mặt đất loang dưới chân mình, mang sự êm ả gần như là một hơi thở của “Thiền” phà nhẹ vào hồn.
BÓNG HOA ĐẦY ĐẤT VẺ NGÂN NGANG TRỜI (Kiều)
Trong khi mọi người rộn rã chụp ảnh, quay phim cho cả nhóm, tôi cũng đứng yên lặng chụp một tấm ảnh riêng cho hồn mình.
Mầu trắng trên đỉnh núi Phú Sĩ mờ mờ trong mây, mầu xanh của hàng cây bên dưới chân núi và cuối cùng là một màu hồng loang xa, loang xa vào tận hồn mình. Một tấm hình không ai lấy ra được.
Tôi chỉ có thể gửi cho bạn nhưng bạn không thể sở hữu tấm hình đó. Hãy đến Tokyo và tự chụp cánh đồng Pink Moss bằng chiếc máy ảnh từ hồn mình.
Hoa Tử Đằng
Tử Đằng Thụ
Tử đằng quải vân mộc
Hoa mạn nghi dương xuân
Mật diệp ẩn ca điểu
Hương phong lưu mỹ nhân
(Lý Bạch)
Cây Hoa Tử Đằng
Tử đằng vắt ngang thân
Hoa nhiều chắc mùa xuân
Lá rậm tiếng chim giấu
Hương thơm níu giai nhân (tmt dịch)
Đây là bài thơ của Lý Bạch viết cho những chùm hoa tử đằng.
Những thân cây như dây leo uốn lượn theo chiều kim đồng hồ trên một cái giàn, thả những chùm hoa tím xuống, những chùm hoa dài tới bốn mươi, năm mươi phân. Khi ngửa mặt nhìn lên bạn thấy cả một cái trần mầu tím úp chụp trên đầu mình, với một mùi hương rất nhẹ, nhẹ như hơi thở của em bé.
Người Nhật ví hoa Tử Đăng như một tình yêu bất diệt của đất nước Nhật, họ còn gọi là hoa đậu tím, hoa Fuji. Tử Đằng đối với người Nhật còn tượng trưng cho sự đoàn kết, buông bỏ thù hận để đi tới yêu thương.
Hoa Tử Đằng phát xuất từ nam Mỹ nhưng người Nhật đã trồng nó từ lâu và ca tụng là loài hoa tạo cảm xúc mạnh cho người chiêm ngưỡng. Nó còn có màu vàng nhạt và màu trắng. Những chùm hoa màu trắng buông xuống trông như một thác nước nhỏ tung chùm bọt nước trắng xóa. Nếu bạn muốn nhuộm hồn trong màu tím hãy tới đây vào mùa hoa nở từ giữa tháng 4, đầu tháng 5.
TÁC GIẢ VỚI HOA TỬ ĐẰNG
Làng Samurai
Làng Samurai ở Akit, về phía Bắc Tokyo
Chúng tôi bước vào làng Samurai khi những hàng cây Anh Đào vừa sau một cơn giông nhỏ, cơn mưa làm ngàn ngàn cánh hoa từ những vòm cây giao nhau trên đầu rơi tràn mặt đất, một cơn mưa những giọt lệ hồng.
Linh hồn của các Samurai như hiển hiện quanh đây dưới trận mưa hoa đó. Hình ảnh vung gươm của một võ sĩ như vẽ lên trong không gian:
Nơi đây ngày trước là nơi trú ngụ của các Samurai. Lãnh chúa thì ở dinh cơ lớn, rồi tuần tự, người chức nhỏ hơn thì ở nhà và vườn cũng nhỏ hơn. Sự phân biệt đó theo trật tự xã hội của hầu hết mọi nơi trên mặt đất này. Bây giờ cả ngôi làng chỉ là nơi bán đồ lưu niệm và cho du khách có dịp quan sát và hình dung ra nếp sống của các kiếm sĩ vang danh một thời.
Nói đến chữ “Samurai” hầu như cả thế giới đều hình dung ra được hình ảnh của một tráng sĩ Nhật với tóc trải ngược, lông mày xếch, với trường kiếm, đoản dao hai bên hông.
Lịch sử về Samurai (Có nghĩa là: Người phục vụ) thăng trầm theo thời gian từ 1500 năm qua. Họ chính là chiến binh, nhưng họ khác tất cả chiến binh trên thế giới. Bảy điều căn bản để trở thành một Samurai:
Ngay thẳng, dũng cảm, nhân từ, lễ phép, tự kiểm soát mình, trung thành và trọng danh dự.
Cuộc sống của họ theo tinh thần Võ Sĩ Đạo Bushido, một hệ thống luân lý đề cao sự danh dự, nhưng họ chấp nhận và ủng hộ việc quan hệ tình dục với người cùng giới tính giữa các võ sĩ với nhau. Từ bậc thấp nhất của Samurai cho tới lãnh chúa, tướng quân. Họ gọi đó là Wakashudo, coi việc quan hệ đồng giới là “con đường tuổi trẻ”.
Bạn ngạc nhiên khi biết rằng cũng đã từng có nữ Samuarai trên đất Nhật như Onna-Bugeisha - nữ chiến binh quý tộc hay các nhân vật nổi tiếng như hoàng hậu Jingu, Tomoe Gozen, Nakano Takeko…
NỮ SAMURAI
Cái đẹp mong manh của hoa Anh Đào được ví như vẻ đẹp tinh thần của Samurai. Sống ngắn ngủi nhưng sống đẹp và cả khi chết cũng chết đẹp. Những giọt máu tóe ra trên chiếc kimono trắng khi Samurai tự mổ bụng (Seppuku hay Harakiri) khác chi những cánh Anh Đào rơi rơi trên tuyết.
Vung nhát gươm bay ngàn cánh rụng
Sắc hồng nhuộm đỏ một đường gươm (tmt)
Ngày nay Samurai đã đi vào lịch sử nhưng người Nhật nói: Chính cái tinh thần võ sĩ đạo của các Samurai đã đưa nước Nhật trở thành một nước không có nơi nào trên thế giới giống như nước họ.
Thất trận sau đệ nhị thế chiến, cả nước Nhật lâm vào tình trạng nghèo khổ. Điều gì đã làm cho người dân Nhật sau chiến tranh trở thành những con người gương mẫu, thành công, đáng cho cả thế giới ngưỡng mộ?
Chúng ta chắc được nghe kể câu chuyện về người Samurai cuối cùng, Trung Úy Hiro Onoda
Buổi sáng 10.3.1974, từ trong rừng rậm, một người trung niên Nhật có dáng gầy gò trong bộ quân phục của quân đội Nhật Hoàng, tay xách khẩu súng trường bước ra để trình diện tại đồn cảnh sát ở đảo Lubang, Philippines. Người này cúi gập người và nói: “Tôi là Hiro Onoda, thực hiện mệnh lệnh của cấp trên để tới đây đầu hàng”. Các cảnh sát Philippines há hốc mồm vì ngạc nhiên, bởi từ thời điểm Thế chiến II kết thúc đã gần 30 năm trôi qua. (*)
Đó là tinh thần Samurai, tinh thần của một võ sĩ Nhật. Can đảm và trung thành. Chiến tranh kết thúc bên ngoài khu rừng, nơi cuối cùng anh ẩn nấp, nhưng anh vẫn kiên trì chiến đấu trong 30 năm. Mới đầu có ba người, sau một người chết, một người bỏ đi đầu thú, cuối cùng chỉ còn mình anh, vì anh đã nghe lời dặn của cấp chỉ huy là:
Anh không được phép tự tử. Dù bất kỳ điều gì xảy ra, dù sau ba năm hay năm năm, đơn vị sẽ quay lại với các anh. Cho đến lúc đó, dù chỉ còn một người lính, anh cũng phải lãnh đạo anh ta chiến đấu... Dưới mọi hoàn cảnh, anh đều không được phép tự tử. (*)
HIRO ONODA trong và sau đệ nhị thế chiến 30 năm
30 năm trôi qua kể từ khi nước Nhật đầu hàng, Đệ Nhị Thế Chiến chấm dứt, người sĩ quan đó vẫn âm thầm chiến đấu trong khu rừng ở Phi Luật Tân, chống lại quân Mỹ. Vị chỉ huy chưa quay lại đón anh, có nghĩa là chiến tranh chưa kết thúc và anh vẫn phải tuân lệnh cấp trên.
Câu chuyện này lấy không biết bao nhiêu nước mắt của người Nhật và làm cả thế giới nghiêng mình kính phục. Vì đó là tinh thần dũng cảm, tuân lệnh và trung thành của một chiến sĩ Samurai. Chính từ câu chuyện này, người ta hiểu được tại sao nước Nhật đứng đầu thế giới ngày nay về cả văn hóa lẫn kinh tế.
Samurai không còn nữa. Di tích còn lại chỉ là những câu chuyện người ta dựng lại, những hình ảnh và ngôi làng cho khách du lịch. Nhưng tinh thần Samurai luôn luôn là kim chỉ nam cho mỗi người dân Nhật. Tinh thần này đã khiến cho họ làm mưa làm gió trong chiến tranh và đứng đầu thế giới về nhân cách và kinh tế, sau chiến tranh.
Chính trực và công bằng, can đảm, nhân ái, lễ độ, lương thiện, tự trọng và trung thành là những đức tính bắt buộc một Samurai phải có.
Ngày nay khi tới Nhật, hai điều nổi bật du khách nhìn thấy ở Nhật là sự lễ độ và lương thiện. Ở Nhật, bạn không sợ nạn móc túi trên metro như bên Pháp hay bên Ý. Không sợ bị giật bóp mang thương tích như ở Việt Nam. Không sợ nạn bắt du khách trả tiền vì chỉ cho du khách một con đường hay chụp hộ một tấm hình như ở Ấn Độ.
Bạn không sợ mất túi, mất bóp, khi bạn bỏ quên ở bất cứ đâu. Nếu trong cái túi của bạn có sẵn giấy ghi địa chỉ, người nhặt được sẽ tìm đến tận nơi giao lại cho bạn, có khi vào cả buổi tối. Nếu bạn không có giấy tờ nào trong túi, thì chỉ cần gọi sở cảnh sát nơi bạn bỏ quên, cái túi của bạn chắc chắn sẽ được ai đó mang tới đó rồi. Điều kỳ diệu là những gì bạn có trong cái túi thất lạc đó vẫn còn nguyên, không mất đi một món nào.
Bạn ở trên xe hỏa, ở khách sạn hay bất cứ nơi nào, khi một người Nhật đi qua mặt bạn, người đó cũng cúi thấp xuống với lời Sumimasen (xin lỗi) nhẹ nhàng. Tôi cứ ngắm mãi một phụ nữ Nhật đẩy cái xe bán đồ uống trên xe hỏa, mỗi lần từ một toa này, sang toa kia, cô đều cúi rạp người nói xin lỗi. Trong ba tiếng đồng hồ, cô đi lại không biết bao nhiêu lần, nên tôi không đếm được bao nhiêu lời Sumimasen.
Người tài xế trên xe bus, mặc sơ mi trắng, áo vét đen, đeo găng tay trắng. Khách lên xe, xuống xe, trả tiền, anh nói Arigato (Cám ơn) với mỗi người. Tôi chịu, không biết anh nói mấy trăm lần một ngày.
Người Nhật không chen lấn. Bạn tới Shinjuku khu phố đông người nhất ở Tokyo vào giờ tan tầm, bạn không thể nào tưởng tượng được bao nhiêu người đổ ra đường. Không phải xe gắn máy chen nhau ùn tắc như ở Sài Gòn, mà là người đi bộ, phần đông là đàn ông trung niên rồi nam nữ sinh viên trẻ nữa.
Hình như triệu, triệu con người trong thành phố một lúc. Họ luôn luôn mặc những bộ vét đen, gần như là đồng phục cho tất cả các công tư sở. Đàn ông tan việc ra, đi tìm những quán ăn, quán rượu sake, quán bia. Họ đi từ quán này đến quán nọ trước khi về nhà. Đông ngoài sức tưởng tượng của mình, toàn người Nhật (rất ít du khách vào giờ đó). Vai họ đụng vào nhau, họ đi nhanh, vừa đi vừa nhìn xuống chân mình, nhưng không chen lấn.
Người hướng dẫn Tour cho biết, đàn ông Nhật tan sở ra, thường đi ăn ngoài với chúng bạn, tới khuya mới về. (Ở Nhật họ đi làm trễ và về trễ hơn ở Mỹ. 9 giờ sáng mới thấy người ra đường). Người vợ cho việc về trễ là một chuyện tự nhiên, không trách phiền gì cả. Đó là tập quán của người Nhật. Các ông du khách Việt Nam ở Mỹ đến, nghe chuyện này, thích quá!
Không ai tuân kỷ luật bằng người Nhật. Đường xá, công viên, xe bus, xe lửa, thương xá, sạch như không hề có một hạt bụi. Người đông như kiến, mà không có một cọng rác. Ngay cả thùng rác công cộng cũng không thấy. Tôi không biết vứt cái giấy gói kẹo cao su vào đâu? Tôi không hiểu người khác vứt những cái giấy gói bánh trên tay họ vào đâu? Hàng quán ăn hai bên đường, vào cổng chùa, hay trên phố nhiều người mua, người bán, rất đông mà sao không có rác? Lạ thật! Hỏi ra mới được cắt nghĩa: Bạn phải mang rác của bạn về nhà, bạn phải có trách nhiệm với rác của bạn.
Cả nước đều tôn trọng kỷ luật đó nên dưới mặt đất mới không có rác.
Bên Nhật giấy rất quý, nên những hàng quà vặt, quán bên đường ít khi cung cấp khăn giấy chùi miệng cho bạn. Tới đây, bạn nhớ mang Kleenex trong bóp.
Nhà vệ sinh công cộng rất sạch sẽ, bạn không thể than phiền vào đâu cả. Nhưng họ dùng hệ thống máy rửa bằng nước nhiều hơn là giấy. Máy sấy tay cho khô thay cho giấy lau tay. Ngay trong khách sạn 5 sao cũng có lời dặn in ngay cạnh cuộn giấy vệ sinh là xin đừng phí phạm giấy để cứu rừng.
Người Nhật hay nói và dùng chữ “Đạo”. Trước tiên là Thần Đạo (Shinto) không có đối tượng thờ cúng, không phải là một tôn giáo, họ thờ các vị thần trong trời đất, thờ tổ tiên, thờ các anh hùng. Ngay khi một tảng đá hay một loài sói, loài báo cũng được họ thần thánh hóa và khấn vái.
Thần đạo ngay trong trời đất do đó đem lại sức mạnh ý chí và tinh thần, gắn liền với người dân. Người Nhật phần đông theo cả hai đạo. Đám cưới và cầu xin về công ăn, việc làm, học vấn, người ta tới đền Shinto. Đám tang thường cử hành theo nghi thức Phật giáo. Thiên Chúa và vài tôn giáo khác cũng có ở Nhật nhưng không nhiều lắm.
Uống trà cũng được nâng lên hàng đạo. Trà Đạo được biết đến như một nghệ thuật thưởng thức trà trong văn hóa Nhật, Trà đạo được phát triển từ khoảng cuối thế kỷ 12. Theo truyền thuyết của Nhật vào khoảng thời gian đó, có vị cao tăng Nhật là sư Eisai (1141-1215) sang Trung Hoa để tham vấn học đạo. Khi trở về nước, ngài mang theo một số hạt trà về trồng trong sân chùa. Sau này chính Eisai đã sáng tác ra cuốn "Khiết Trà Dưỡng Sinh Ký" (Kissa Yojoki), nội dung ghi lại mọi chuyện liên quan tới thú uống trà. (*)
CHÉN NƯỚC TRÀ XANH
Trà đạo giúp cho con người tìm được chính bản thân mình qua chén trà, thấy giá trị tinh thần qua: Hòa, kính, thanh, tịch. Tức là tìm được an hòa với mình, tôn trọng người trên, yêu thương bạn hữu, trẻ con, người thân. Trong tách trà tìm được cả sự thanh khiết, an nhàn cho chính mình.
Vì là “Đạo” cho nên người Nhật uống trà khác hẳn những người khác trên thế giới. Dụng cụ pha trà từ ấm, tách trà cho đến lò lửa rất mộc mạc, gần với thiên nhiên. Thời gian pha trà rất lâu, như họ để cả tâm huyết vào đó. Nhưng khi uống thì uống thật nhanh và thường chỉ uống hai nước. Uống xong tập trung vào suy nghĩ. Còn pha trà thông thường như những người khác thì pha trà nhanh, chén trà có thể viền vàng cầu kỳ, uống trà thật lâu, pha hai, ba ấm. Vừa uống vừa hàn huyên chứ không tĩnh lặng.
Cắm hoa cũng gửi cả cái tâm đạo vào trong đó. Ba bông hoa chính trong bình tượng trưng cho Thiên Nhân Địa. Trời trên đất dưới rồi mình ở giữa. Bàng bạc cái không khí Hoa Đạo trong đó. Phụ nữ Nhật rất hãnh diện khi nói đến nghệ thuật cắm hoa của người Nhật.
Trường cắm hoa Nhật không những ở trong nước mà còn mang đi dạy cả ở các quốc gia khác trên thế giới.
IKEBANA
Nước Nhật còn hãnh diện vì có Matsu Basho (Tùng Vĩ Ba Tiêu) một thiền sư lỗi lạc thời Edo và là người đã khai sinh ra thơ Hài Cú (Haiku). Thi sĩ đã làm cả thế giới chấn động vì một cái nhảy của con ếch trong hồ.
Furu ike ya
kawazu tobikomu
mizu no oto
Ao xưa
con ếch nhảy vào
vang tiếng nước xao
Nơi nào Basho đi qua hầu như đều mọc lên những tấm bia kỷ niệm. Những tấm bia này có khắc thơ haiku của Basho nên được gọi là kuhi (cú bi). Có hơn ba trăm tấm như thế trên khắp đất nước Nhật Bản.
Tôi thích nhất bài thơ haiku này trong ngàn bài của Basho, khắc trên lưng một tảng đá ở đồi Kemari-zuka, dưới bóng một cây dẻ cổ thụ:
Ngón tay nhỏ nhoi
hạt dẻ còn trong vỏ
xin mùa thu đừng rời
Ngày nay, quanh bài thơ ấy, những hạt dẻ vẫn còn rơi, những mùa thu ra đi và trở lại. (*)
Theo tôi, Baso đã phối hợp giữa Thiền và Thơ để làm nên một: Thơ Đạo
MATSU BASHO (1644-1694)
Trừ đạo Phật, tất cả các đạo: Thần Đạo, Hoa Đạo, Trà Đạo, Thơ Đạo kể trên đều từ đất trời mà có, đều là những hộ trợ không kém quan trọng cho nước Nhật và người Nhật.
Nhưng để làm nên một đất nước và những con người Nhật tốt đẹp hôm nay chính là tinh thần kiếm khách Samurai.
Không phải tất cả người Nhật đều hoàn hảo, nhưng con số bất hảo vẫn là một tỉ lệ rất thấp so với tổng số dân Nhật.
Đa số người Nhật coi trọng và hướng mình về một vị trí phải Văn Võ Toàn Tài.
Võ không phải chỉ là sức mạnh võ biền, mà là lòng can đảm, việc phải làm là làm, cần chết thì phải chết, cần hy sinh phải hy sinh. Trong cái nội lực của thể xác phải có cái Văn ở trong đó. Văn là văn học, văn hóa. Hy sinh nhưng không kiêu ngạo, lễ phép nhưng không là luồn cúi, nịnh hót. Chết cũng chết cho cái điều đẹp nhất. Văn còn gồm cả sự liêm khiết trong đó. Nạn tham nhũng rất ít ở Nhật. Khi lâm vào hoàn cảnh số đông cùng khốn khó như thiên tai xẩy ra, sự chia xẻ luôn luôn là nhường nhịn, hy sinh và công bằng.
Danh dự là một cái gì rất thiêng liêng với người Nhật.
Máy bay rơi vào sân trường làm chết học trò. Ông hiệu trưởng tự vẫn, mặc dù lỗi không do ông gây ra, ông có lái máy bay đâu. Những trường hợp giám đốc công ty từ chức vì sự sai lầm của nhân viên xẩy ra là chuyện rất thường ở Nhật.
Vì danh dự người Nhật bao giờ cũng bảo vệ truyền thống rất chặt chẽ.
Một người Nhật nhìn thấy du khách náo động trước tượng đài hay cửa đền họ rất khó chịu. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy một nhóm đông người Nhật sao không ồn ào thiếu trật tự như người Việt hay người Trung Hoa. Họ rất tự ái. Nhân viên phục vụ khách sạn không nhận tiền thưởng để lại trong buồng khách. Mình cho tiền là coi thường họ. Họ nhận lương của chủ nhân rồi, họ không lấy tiền cho của khách.
Chính vì những đức tính trên nên thế cả thế giới mới ngưỡng mộ người Nhật.
Tôi thấy khâm phục người Nhật ở nhiều mặt, tôi muốn người Việt Nam trong nước hiện nay, học được những đức tính lương hảo của người Nhật. Nhưng dưới cái nhìn của một người thường thường như cá nhân tôi, người Nhật gần như là hoàn hảo hay họ cho mình là hoàn hảo nên họ khép kín, đôi khi hơi lạnh lùng. Họ không hiếu khách như người Việt Nam và Trung Hoa.
Vì lễ phép nên không thân thiện lắm. Họ nguyên tắc gần như là máy móc. Nhìn một đoàn cả trăm người dưới phố mặc đồng phục chạm vai nhưng không chen lấn đổ ra đường như những người máy robot.
XE BUS TRONG THÀNH PHỐ
Trên một chuyến bus hay chuyến xe lửa, dù đứng hay ngồi, họ luôn luôn nhìn thẳng hay nhìn xuống chân mình chứ không nhìn sang người bên cạnh bắt chuyện như người Việt.
Người Việt trên một chuyến xe đò vắng hay đông, cũng hỏi han nhau, hoặc trên một con thuyền nhỏ cũng bắt chuyện được (Thưa Thầy đi chùa ạ/ Thuyền đông, giời ơi chen. Nguyễn Nhược Pháp).
Tôi để ý dù chuyến đi dài hay ngắn bằng xe lửa, ai cũng hối hả lên, xuống, nên khó nhìn thấy cảnh bịn rịn chia tay thơ mộng ở một sân ga (Có lần tôi thấy một người yêu/ Tiễn một người yêu một buổi chiều/ Ở một ga nào xa vắng lắm/ Họ cầm tay họ bóng xiêu xiêu. Nguyễn Bính).
XE LỬA TỐC HÀNH
Trong một phòng ăn của khách sạn nhỏ nơi tôi ở, Kyoto, người phục vụ trẻ đi ra đi vào dọn dẹp, mỗi lần bước tới cửa anh lại cúi rạp đầu, dù lúc đó tôi để ý không thấy người khách nào trong phòng ăn. Anh ta như một người robot, đụng cánh cửa là tự động cúi đầu. Người Nhật chính thống ngay trước khi ngưng nói điện thoại cũng cúi đầu chào với người cách hình ở phía đầu giây bên kia.
Có lẽ người máy Robot là thành quả do thói quen ứng xử của người Nhật hàng ngày mà được phát minh ra đời.
ROBOT CÙNG TRÀ NƯỚC VỚI NGƯỜI
Họ quá lý tưởng, có chuyện gì xẩy ra thì mang ngay cái chết của bản thân mình làm gương để thế giới khâm phục. Như vậy trong thực tế: vợ con là người thiệt thòi, chỉ còn sống với cái bóng người chồng, người cha và câu chuyện như huyền thoại.
Họ yêu truyền thống anh hùng, chỉ cần một chút trầm cảm là họ rủ nhau, qua mạng, tự vận tập thể mặc dù không biết nhau, chưa gặp nhau bao giờ.
Nhật chiếm hàng đầu thế giới về tự tử một mình hoặc tập thể.
Theo đà tiến triển của thế giới, người phụ nữ Nhật ngày nay cũng có học vị cao, cũng ở những chức vị quan trọng trong các xí nghiệp công, tư. Họ cũng tiến rất xa trong môi trường tự do tình dục. Nhưng khi lập gia đình họ vẫn hầu như là chấp nhận hoàn toàn cái tục lệ rất xa xưa, để người chồng sau khi tan làm ra có quyền đi la cà ở trà đình, tửu điếm, cho tới khuya mới về nhà.
Tôi có muốn trở thành một công dân Nhật được cả thế giới khâm phục không?
Chắc là không. Kiếp sau (nếu có kiếp sau) được tái sinh, tôi vẫn xin được làm người Việt Nam với tất cả xấu tốt, hạnh phúc và bất hạnh của dân nước tôi.

Chú thích:
(*) Tài liệu tìm thêm trên Wikepidea.
28/5/2015
Trần Mộng Tú
Nguồn: http://www.diendantheky.net
Theo https://www.nguoinam.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Cây nghiêng bóng thẳm  Sim ngồi đầu hiên chải tóc cho mẹ mà mắt không thôi ngó cây sấu già trước nhà. Cây sấu này Sim nhổ ở hàng rào nhà...