Thứ Tư, 6 tháng 1, 2021

Mùa xuân tản mạn về hoa Đà Lạt

Mùa xuân tản mạn về hoa Đà Lạt...

Trải qua 125 hình thành và phát triển, thành phố Đà Lạt được mệnh danh là "vương quốc" hoa. Hoa đẹp, hoa quý lần lượt theo người Pháp từ châu Âu đến châu Á, theo những cư dân làng hoa Hà Đông - Hà Nội, theo những lớp cư dân Huế, Nghệ An... lên cao nguyên lập miền quê mới. Địa lợi và nhân hòa đã ươm mầm cho xứ sở  đào nguyên này thành một miền hoa nhiều hương sắc. Không chỉ là thành phố du lịch có tên trên bản đồ du lịch thế giới, Đà Lạt đã trở thành thành phố Festival Hoa trải qua 7 mùa lễ hội dập dìu khách du khách. Hoa là đại sứ thân thiện giao hòa Đà Lạt gần gũi với bạn bè trong nước và quốc tế... Có nhiều mỹ từ, biểu tượng hoa đẹp cho Đà Lạt như: Thành phố Hoa Mimosa, thành phố Hoa Trạng Nguyên hay thành phố Hoa Hồng... Nhưng thấm vào lòng người nhiều thế hệ là chuyện thập niên 50 thế kỷ XX, nhạc sĩ Hoàng Nguyên lên dạy học ở phố núi ngàn hoa, mờ sương đã dạt dào cảm xúc viết nhạc phẩm trữ tình "Ai lên xứ hoa đào" là một trong những ca khúc bất hủ trong lòng người yêu nhạc, yêu thành phố Đà Lạt: "Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi./ Nghe hơi giá len vào hồn người chiều Xuân mây êm trôi./... Thông reo bên suối vắng, lời dìu dặt như tiếng tơ./ Xuân đi trong mắt biếc lòng dạt dào nên ý thơ./ Nghe tâm tư mơ ước Mộng Đào Nguyên đẹp như chuyện ngày xưa."... 
Bài hát đã định danh cho Đà Lạt là thành phố hoa Anh đào... Ca từ còn thiết tha nhắn nhủ khách du "Ai lên xứ hoa đào đừng quên mang về một cành hoa./ Vâng mang về "một cành hoa" có thể là hiện hữu và cũng rất có thể là một cành hoa trong tâm tưởng của người nghệ sĩ lãng đãng mộng mơ với chốn này để vợi nỗi nhớ, yêu Đà Lạt.
Năm 1977, bạn tôi - chàng thanh niên vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng đến cao nguyên đã sớm ngẩn ngơ với muôn hồng ngàn tía của hoa Đà Lạt, với âm điệu thanh mảnh, nhẹ nhàng của giọng nói, tiếng cười thiếu nữ phố núi. Để rồi những năm đầu thập niên 80 thế kỷ trước khi ra Hà Nội tiếp tục học hành tại nơi bến xe liên tỉnh đã có người bạn gái tặng cuốn sổ tay trong đó có ép một nhành "Forget me not" tím biếc... Nhành hoa dung dị, nhỏ nhắn rất đặc trưng của Đà Lạt ấy biểu đạt thầm kín lời nhắc nhở "Xin đừng quên tôi" đã thao thức trong tâm trí người bạn, đã giục anh trở lại và tiếp tục gắn bó với Đà Lạt đến giờ đã ngoài 40 năm. 
Thiếu nữ và hoa Anh đào Đà Lạt. Ảnh: NTĐ
Là người làm báo, tôi từng viết nhiều bài ký sự và cả thơ nữa về hoa và người trồng hoa Đà Lạt. Chưa có dịp tới châu Âu có nhiều điều hay mà nghề trồng hoa đất Việt cần học hỏi, nhưng đôi lần công tác ở các quốc gia vùng Đông Nam Á, tôi cảm nhận chưa có thành phố Hoa nào như Đà Lạt. Hoa Đà Lạt không chỉ ở trang trại mà hoa còn tô điểm những hàng rào, mái nhà mang kiểu dáng châu Âu, hoa Đỗ Quyên, hoa Hồng... rực rỡ quanh năm bên lề đường phố. Hoa dại ở Đà Lạt như sắc Dã quỳ đã khiến khách du ngẩn ngơ huống chi có dịp thăm nhưng làng hoa truyền thông nổi tiếng trồng hoa hồng, hoa cúc, lay ơn, lyly, huệ, cẩm tú cầu ở Hà Đông, Vạn Thành, Thái Phiên, Xuân Trường, Xuân Thọ... Chưa kể thăm các trang trại trồng Địa lan, Phong lan xuất khẩu. Đà Lạt không chỉ có những con đường mang tên hoa như Mimosa, Mai Anh Đào... mà cũng có cả một Khu Du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm với 5 con đường đặt theo tên hoa, dĩ nhiên mỗi đường chỉ trồng một loài hoa riêng biệt duyên dáng soi bóng mặt hồ. 
Hoa Đà Lạt khoe sắc bốn mùa, hoa tỏa đi bốn phương trời. Cuối năm 2018, sổ tay của tôi vừa cập nhật: Lâm Đồng là tỉnh dẫn đầu cả nước về lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, hiện lĩnh vực này đang bước vào giai đoạn phát triển thứ ba hướng tới sự bền vững. Trong đó, trồng hoa đang "lên ngôi", với giá trị thu hoạch 450- trên 500 triệu đồng, thậm chí có doanh nghiệp nước ngoài đạt doanh thu 1,2 tỷ đồng/ha/năm, tạo điều kiện cho nhiều nông dân đổi đời thành tỷ phú. Năm 2018, diện tích trồng hoa toàn tỉnh đạt 8.890 ha, tăng 2,8%, cho sản lượng 3.358 triệu cành, tăng 9% so với 2017. Riêng sản xuất hoa công nghệ cao trong nhà kính, nhà lưới có trên 3.623 ha... Theo nhu cầu ngày càng cao, càng hướng về cái đẹp của xã hội, diện tích và sản lượng hoa đã có sự chuyển biến nhảy vọt về "lượng" cũng như "chất". Lùi lại năm năm 1993, Đà Lạt Hasfarm - doanh nghiệp của Hà Lan tiên phong trồng hoa công nghệ  cao mới đầu tư 1 ha nhà kính thì đến 2014 toàn Đà Lạt có trên 1.600 ha nhà kính, nhà lưới. Nếu năm 2010, Lâm Đồng mới có 5.127 ha, sản lượng 1.104,87 triệu cành thì năm 2015, diện tích hoa khoảng 7.594 ha, sản lượng đạt hơn 2.334 triệu cành, hoa xuất khẩu 250 triệu cành, chiếm 10,7% sản lượng và đạt 26 triệu USD.                                                  
Trong các vùng hoa lớn của tỉnh như các huyện Đơn Dương, Lạc Dương, Đức Trọng, Lâm Hà thì Đà Lạt đứng đầu bảng. Năm 1995, Đà Lạt mới có 85 ha hoa nhưng năm 2015 tăng lên 7.594 ha. Đà Lạt có trên 100 chủng loại hoa và 500 giống hoa các loại. Năm 2015, diện tích hoa Đà Lạt chiếm 63,2% và 67% lượng hoa của cả tỉnh. Hiện hoa Đà Lạt có trên 400 loài hoa với hàng ngàn giống hoa có từ lâu đời ở Đà Lạt hay xuất xứ từ châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan…), châu Âu (Pháp, Hà Lan), châu Mỹ, châu Phi, châu Úc. Hiện với Đà Lạt, ngành nông nghiệp chiếm 10,5% trong cơ cấu kinh tế, thu hút 31% lực lượng lao động xã hội. Năm 2011, sản phẩm hoa Đà Lạt được Cục sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu chứng nhận độc quyền “Hoa Đà Lạt”. Mới đây, thương hiệu "Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành" đã và đang chắp cánh cho hoa Đà Lạt đến muôn phương.  
Sản xuất hoa phát triển trên diện rộng là đáng mừng thế nhưng cũng không tránh khỏi tâm tư bởi cách đây đôi năm, thị trường tiêu thụ hoa Lâm Đồng chủ yếu nội tiêu (89,3%) cung cấp cho Nha Trang, Đà Nẵng, các tỉnh miền Đông Nam bộ, TP.HCM, Hà Nội và lớn nhất là TP.HCM. Hoa xuất sang Nhật (59,28%), Úc (3,29%), Trung Quốc (1,62%). Ngoài ra các nước như Hàn Quốc, Bỉ, Thái Lan, Philippine, Singapore, Pakistan, Nga, Capuchia…  chỉ với lượng nhỏ. Hoạt động xuất khẩu chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các công  ty TNHH trong nước có khả năng khai thác thị trường tốt như Đà Lạt Hasfarm, Bonnie Farm, Apolo, Innova… 
Thời gian qua, bên cạnh nền kinh tế nước ta phát triển không ngừng là sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành sản xuất hoa, cây cảnh. Theo Trung tâm thương mại quốc tế (ITC): Năm 2010, Việt Nam chưa tham gia xuất khẩu hoa cắt cành đến thị trường châu Âu nhưng đến năm 2013 số lượng xuất khẩu đạt 82 ngàn Euro (xếp hạng 33) và năm 2014 đạt 113 ngàn Euro (xếp hạng 32 và tương ứng tăng 38%). Hiện diện tích trồng hoa, cây cảnh thế giới khoảng 1.100.000 ha. Năm nước dẫn đầu có diện tích lớn là Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản, Hà Lan. Trong đó châu Á chiếm khoảng 80% diện tích, châu Âu 8%, châu Mỹ 10%, riêng châu Phí chỉ 2%. Tổng lượng hoa cắt cành chiếm 60%, hoa chậu thảm 30% và các loại cây trang trí khác 10%. Hiện thế giới có 150 nước tham gia vào sản xuất hoa cắt cành và hoa trồng thảm mang lại nguồn thu nhập lớn. 
Trồng hoa đang là ngành kinh tế có tiềm năng phát triển trong tương lai. Đối với Việt Nam, mục tiêu đề ra đến năm 2020 sẽ đạt tổng giá trị sản lượng hoa, cây cảnh 450 triệu USD, riêng giá trị xuất khẩu là 100 triệu USD. Từ năm 2013, diện tích trồng hoa cả nước đã đạt 17.300 ha. Đã hình thành những vùng chuyên canh trồng hao lớn ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Sa Pa, TP.HCM, Đà Lạt - Lâm Đồng… Hy vọng với những quyết sách đúng đắn của tỉnh, sự tham gia chung tay của các nhà quản lý, nhà khoa học và nhà sản xuất, ngành hoa Lâm Đồng sẽ thực sự trở thành một trong những ngành kinh tế động lực song hành cùng với bước phát triển mạnh mẽ, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh ngành du lịch Lâm Đồng - Đà Lạt. 
 18/1/2019
Nguyễn Thanh Đạm
Theo http://baolamdong.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lời tạ lỗi muộn màng

Lời tạ lỗi muộn màng Viết cho H., HQ Tr.Uý tại BTL/HQ bến Bạch Đằng ngày xưa. Nếu anh tình cờ đọc được thì xem như đây là một lời tạ lỗi m...