Thứ Tư, 6 tháng 1, 2021

Sông Đà những mùa cá đi qua

Sông Đà những mùa cá đi qua

Quê tôi nằm bên ven tả ngạn sông Đà. Trước mặt dòng sông soi lũy tre xanh, bóng núi Ba Vì xanh thẳm, đằng sau là cánh đồng thẳng cánh cò bay tiếp giáp vào chân dãy Lưỡi Hái. Tuổi thơ tôi lớn lên trong hư thực của thần thoại, ca dao, cổ tích, qua lời ru, lời kể của bà, của mẹ, từ hạt lúa, củ khoai, con cá, con tôm, tiếng quẫy đạp của bầy trẻ những trưa hè, dập dồn của bão lũ, le lói lửa chài se thắt đêm đông. Cùng với thăng trầm của dòng sông, đi xa da diết nhớ sông Đà những mùa cá đi qua.
Từ tháng Chạp, tháng ba, nước lắng, bãi bồi thêm xanh ngô, khoai, tôi theo anh đi câu chìm, cước 3 xanh thẫm, chì đúc nặng găm mồi lẫn vào màu xanh của nước, lưỡi câu được gia công dũa, mài sắc ngọt, tôi lại trong nước muối, bùn lưu và nước vôi, xanh ánh thép đủ sức dòng những con chép, lăng, chiên, ngạnh vài cân đến cả yến. Mùa câu, dân câu cắm cần câu đi chơi, đi làm, cá cắn câu ai đi qua bắt hộ. Rét đậm thú nhất là kéo dận, cá tôm rét chui vào dận trú đông, kéo lên nhẹ nhàng cả một ổ cá lạch sạch hết đường ra. Những hôm nắng đẹp, trời xanh tôi và anh đi úp rập cá cày. Chọn những gờ đất trên bờ nhô cao để quan sát, phía dưới mặt nước từng vầng đất đục ngầu cuộn lên, cá gáy cày bờ ăn xác vờ, từ trên bờ cao anh tôi lao rập xuống, có lần trúng cả đàn 3,4 con, tôi và anh người giữ, người lặn dùng xâu lạt giang vặn thừng móc mang xâu mãi mới hết. Nhìn rễ cỏ gà Bà tôi bảo “cỏ gà xanh thì nắng, cỏ gà trắng thì mưa”, cỏ gà sa trắng nước ói, lũ thượng nguồn đang về. Bầu trời tháng 5,6 mọng nước. “Ba Vì mây đội mũ mưa mai, núi thắt đai mưa chiều” chẳng mấy chốc dòng sông duyềnh lên trong cuồn cuộn sóng xô, trái nước đổ ào ào, những xoáy, những vực hun hút. Ghềnh Đá Chông gào thét đêm ngày. Những ngày tháng 7 mưa dầm, nước sông đục ngầu, kéo theo cây xanh cổ thụ, cây thàn mát, mần để; nhà cửa, tre, nứa, gỗ, củi, rác, đen mặt sông. Nước lạnh đầu nguồn, nhựa vỏ cây tạo ra độc tố một loại “ruốc” tự nhiên, buộc những đàn cá chiên, lăng, chép, mè, quất từ đáy sông trồi lên các cánh bãi. Dân làng và anh em tôi bỏ vớt củi dùng dầm, bơi chèo, lon, nơm, rập, đánh bắt cá say ruốc nhiều vô kể.  Cũng là mùa úp dập, phóng lon bắt cá gáy đẻ, nước đục đánh xẻo dò có lần cả con baba sông 5-7kg, cá vền, nheo, ngạnh, cặp thờn bờn lùng nhùng vào xẻo. “Mèo nhỏ bắt chuột con” tôi buông dậm vào những đám cây mùn dun, thầu dầu ve, cỏ rậm ven bờ, bắt những con tôm càng, cá dúi, cá dưng, cá chày trĩu dậm. Mùa nước lũ là mùa dân quanh vùng chăng săm với cá bột, những lều, bạt căng kín cả một đoạn bờ sông. Trứng cá từ các ghềnh thác thượng nguồn do cá bố, mẹ vặn mình đẻ xuống được gió đông đưa sát bờ trôi vào săm được vớt lên trong các bể đắp tạm và đưa về ao ươm, thả vào ao, hồ các xã quanh vùng. Trứng cá trôi theo sông, phần nhiều trôi vào các cửa ngòi, đổ vào các cánh đồng chiêm 2 bên bờ sông qua mùa gặt đang đói nước. Nước đồng bình lặng, mây trời sưởi ấm, nước mưa từ Thu Tinh, Lưỡi Hái, được mưa nguồn rửa trôi qua Suối Vai Trát, mang theo phù du, tinh khí trời đất, hòa lẫn nước sông mát lạnh, phù sa bồi tụ tạo môi trường cho trứng cá, các loài cá, tôm đua nhau phát triển. Cánh đồng với những gò ruộng, cỏ bồ nùng, lau, sậy hôm nào giờ là một biển nước mênh mông, sông và đồng là một.
Mùa ngập anh em tôi cào cua, đơm đó, câu quăng, đánh dậm, đánh lưới, kéo vó, chúm tôm, bắt xin xít, rô ron, cua, ốc, ếch, lươn nhiều vô kể. Tôm, tép, cua phơi khô, để dành ăn dần trong lúc khan hiếm thức ăn; là hàng hóa để các bà, các chị quê tôi trao đổi thóc, gạo, ngô, khoai, với dân vùng đồi, những tháng ngày “gạo châu, củi quế”.
Thấm thoát cuối thu khi bầu trời cao xanh, trăng sao tỏng, về đêm hơi sương lạnh, dòng sông bắt đầu thu mình kéo theo nước đồng rút xuống là mùa thu hoạch cá ra. Lúc này các trặng được dựng lên. Cọc trặng là các cây phi lao gân guốc, được ngâm đen kịt, thả xuống bằng thuyền, các ngư dân đóng lại, được chằng kéo bằng chão, dây néo, lạt tre gai bánh tẻ vùng đồi. Dây gai được lấy từ rừng trặng được lấn bằng liếp nứa, bao tải đất lèn chặt, có cọc chống, cọc khóa tạo bức thành kiên cố, giữa dòng để chỗ, khi nước còn đầy thì quai đáy nước vơi thì đặt sa nan thu hoạch cá, tép, tôm.
Sau một mùa no say trong bể đồng trù phú, lúc này cá, tép, tôm nháo nhác tìm đường ra. Mở đầu là dói, những thảm tăm dập dờn cuộn bọt trên trặng bất ngờ tràn xuống cửa đáy, thời được quai tời lên liên tục, những thời tép dói đổ tràn lên lòng thuyền được vợi lên cót, liếp trải hai bên bờ ngòi ngồn ngộn, dói trôi, dói vuông, dói đất, trôi, chép, mè, măng mình tròn lẳn nung núc, tinh túy của đồng của ruộng, giờ đây cuồn cuộn tuôn mình xuống đáy, xuống sa những đàn cá vọt tung mình qua trặng, ánh bạc từ vảy lấp lánh phản chiếu nắng mặt trời. Cửa Trặng, cửa sa không tấp nập đông vui bằng cửa ngòi ra sông. Cá, tép quây tụ trước khi ra sông phải qua cống ba cửa, dân trong, làng ngoài với đủ vó, chũm, sẻo, dậm, nơm đánh bắt, càm cạp bắt qua ngòi gặp nước xiết bật tung xua cá đi nổi vào các làn nước hai bên bờ, những đàn mương  phay, mương dăm, cá chày, cá măng đi nổi tung mình lên mặt nước; cụp, đáy, đăng, đó, chài, lưới đón cá đi chìm, cả một vùng tưng bừng nhộn nhịp của trận đồ bát quái. Cá, tép, tôm được các bà, các chị chuyển vào quang gánh, thúng, mủng, rổ sồng, đưa vào các chợ, các vùng đồng bào miền núi trao đổi mua bán, còn lại đưa vào vại, chum, bể chượp mắm, đợi chượp nhừ nấu các mẻ mắm tép dành cho tết cổ truyền, các sự kiện gia đình dòng họ.
Mùa cá ra kéo dài khoảng nửa tháng, cả làng tôi tất bật, tưng bừng, náo nức, nhộn nhịp, từ người già đến trẻ em khỏe ra bởi "cơm cày cá kiếm". Mùa cá ra, cá nướng trên than nỏ, củi sông mỡ cá rỏ tắt bếp, thơm ngào ngạt cả ngõ xóm, đường thôn, phiên chợ trong vùng thêm no ấm trù phú. Tép dói kho tương ăn với cơm tám, ngô đỏ bung làm mềm lòng người ra đi, thôi thúc bước chân trở về.
Mùa đông tôi và anh vào vụ bừa chiêm, cánh đồng đầy nước hôm nào giờ còn lại cỏ bồ nùng, ruộng, cỏ năn, cỏ lác, cây nghể. Anh em tôi úp nơm, những con cá lóc, trê, rô, diếc, cá chuối trụ lại sau cùng nhiều con nặng vài cân. Mùa bừa chiêm, cá theo bã bừa lại một lần tưng bừng nhộn nhịp. Những ngày giá buốt đi bắt cá rô chết cóng cũng là lúc đồng cạn chuẩn bị cho mùa cấy chiêm, con cá, con tôm còn vương theo mỗi dảnh mạ non mẹ cấy. Cùng bao lớp trai làng anh tôi vào bộ đội, sức trai vùng sông nước tạo thuận lợi để anh đứng chân nơi đảo xa. Bến sông, những vồng cải chứng kiến bao cuộc tiến đưa giờ trở thành nơi neo đậu.
Sông Đà từ sau khi trị thủy, Đập thủy điện Hòa Bình đã ngăn dòng Thác Bờ tạo ra trên hồ và dưới đập. Dân làng không phải chạy lụt, đắp đê nhưng cũng hết mùa cá, mùa vớt củi với cảnh tấp nập, nhộn nhịp, mùi cá nướng, nước mắm thơm len lỏi ngõ xóm đường thôn ngày nào giờ chỉ còn trong hoài niệm. Con sông Đà hung dữ đã trở nên hiền dịu mang tinh hoa trời đất về soi bóng mây trời, phố núi làm nên vẻ duyên dáng của một vùng du lịch. Dòng sông đã sạch, đẹp, nên thơ soi bóng những con tàu ngược xuôi, khách sạn, nhà hàng lồng bóng nước, các dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp của một vùng du lịch văn hóa tâm linh, tắm nước khoáng du lịch sinh thái đậm đà bản sắc dân tộc.
Sông Đà cung cấp nước sinh hoạt cho cả thành phố Hà Nội, các khu công nghiệp, nguồn thực phẩm cho các khách sạn nhà hàng từ nguồn cá nuôi phong phú. Ngoài các loài cá phổ thông chép, trôi, trắm, rô phi đơn tính. Nhiều hộ đưa cá diêu hồng, cá đặc sản lăng, chiên, nheo, quất, chạch gai, có cả dự án đưa cá tầm vào nuôi, thả đã và đang mở ra tiềm năng triển vọng to lớn cho hiệu quả kinh tế cao, một lồng dung tích 100 m3 cho thu nhập 5 - 7 tấn cá thương phẩm có giá bằng 2 - 3 ha mặt nước. Sông Đà những mùa cá đã qua kèm theo chấm dứt lụt lội hoành hành từ bao đời. Sông Đà hôm nay đã và đang hứa hẹn những mùa bội thu.
8/2/2014
Nguyễn Tường Thứ
Theo http://baophutho.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Mùa Thu Bí Ngô 1/-  Bốn mùa trong năm, mỗi mùa đều có nét đẹp riêng của “ẻm” (đây là lối dùng chữ mộc mạc của người miền Nam Việt Nam....